What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Công ty hạt tiêu Phúc Sinh

LOBBY.VN

Administrator
‘Vua hồ tiêu’ Việt Nam - Hãy đục tường và bước ra thế giới​

duongchoDNVVN7a1_12f9a.jpg

Doanh nhân đứng đầu thị phần xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đúc kết bí quyết thành công

Đơn giản thôi: Chào hàng + Chất lượng + Công cụ + Chăm chỉ ! Đi và “chơi” cùng đối tác vừa và nhỏ !

Trong bối cảnh hàng loạt DNVVN VN gặp khó khăn buộc phải đóng cửa, co hẹp hoạt động…, thì câu khẳng định “chắc như đinh đóng cột” nói trên hẳn sẽ bị nhiều người cho là… nói đùa

Nhưng đây chính xác là câu nói tâm huyết của Phan Minh Thông – vị CEO trẻ tuổi của CTCP Phúc Sinh – một DN tưởng chừng “bé hạt tiêu”, nhưng đã liên tục đứng đầu thị phần xuất khẩu hồ tiêu của VN trong 5 năm gần nhất, và hiện đang chiếm 6% thị phần xuất khẩu hồ tiêu thế giới, đồng thời chiếm 15-17% thị phần xuất khẩu hồ tiêu VN ra toàn thế giới

Điều gì đã khiến Phúc Sinh đạt được thành tựu đó, và giúp doanh nhân Phan Minh Thông tự tin đến vậy ? Cuộc trò chuyện giữa TGĐ Phúc Sinh và DĐDN chia sẻ bí quyết này

Công thức kinh doanh : 4C

- Trước hết, anh có thể giới thiệu vắn tắt đôi chút về lịch sử của Phúc Sinh ?

Tôi bắt đầu khởi nghiệp Phúc Sinh ban đầu là Cty TNHH từ năm 2001

Trong khoảng 5 năm kể từ khi thành lập, Phúc Sinh chuyên về xuất khẩu hạt tiêu. 5 năm đó, chúng tôi học hỏi được nhiều điều để 6 năm sau, “leo” lên vị trí thứ 1 trên thị trường xuất khẩu tiêu của VN. Điều làm chúng tôi tự hào là Phúc Sinh rất bé, vốn điều lệ thuở ban đầu chỉ vỏn vẹn 800 triệu đồng, sau tăng lên 26 tỉ đồng và hiện là 45 tỉ đồng

Nhưng như vậy vẫn là quá bé so với những DN trong cùng ngành hàng, những DN quốc doanh có vốn liếng và hạn mức tín dụng lên tới hàng nghìn tỉ đồng, hay một loạt Cty nước ngoài đang tham gia lĩnh vực này ở VN

- Vậy điều mà anh học được để Phúc Sinh tiến lên vị trí số 1 là gì ?

Chúng tôi học được nhiều thứ, đặc biệt là làm thế nào để bán được hàng

Theo tôi, bí quyết chính nằm ở khâu marketing – chào hàng. Cần hiểu marketing không phải là cứ đi một đoàn người, liên tục quảng bá về sản phẩm của mình. Tôi nhận thấy rằng muốn ra thị trường nước ngoài, người bán hàng phải hiểu văn hóa của người mua, nhu cầu của họ

Ngoài ra, chúng tôi còn có sự đầu tư rất nghiêm túc để nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này hỗ trợ lớn cho việc quảng bá và bán buôn sản phẩm tới tay khách hàng

- Ai cũng nói về việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản được Phúc Sinh thực thi ra sao ?

Tại Phúc Sinh, chúng tôi đầu tư 4 nhà máy, chăm chút, tuyển chọn hàng hóa đầu vào đến từng công đoạn để cho ra sản phẩm, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng với chất lượng tốt nhất. Tùy thuộc vào ý muốn khách hàng mà Phúc Sinh giao hàng theo chất lượng, giá cả. “Tiền nào của nấy” mà

Chúng tôi có phòng thí nghiệm và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng 17025 và nhà máy sản xuất hoạt động theo tiêu chuẩn ISO 22000. Chúng tôi cũng có phòng thử nếm chế cà phê và chính tôi đã phải học cách thử nếm cà phê như một nhà trader cà phê chuyên nghiệp. Đôi khi ra nước ngoài các khách hàng bất thần muốn thử xem mình “có nghề” hay không, bằng cách thử “cup” cà phê này

Hiện tại, Phúc Sinh cũng là một trong bốn Cty tại VN đang có nhà máy tiêu tiệt trùng. Hai trong số đó là nhà máy của DN Hà Lan và Mỹ, nhà máy còn lại của Tập đoàn Singapore. Trong quá trình các tập đoàn thế giới đến kiểm soát, đánh giá, chúng tôi luôn đảm bảo đạt điểm tối đa

- Nhưng anh có thể chia sẻ tại sao đang rất vững chân ở hồ tiêu, Phúc Sinh lại “lấn” qua cà phê ?

Dĩ nhiên. Khi đã nắm bắt, làm chủ công thức kinh doanh của mình một cách hữu dụng, chúng tôi muốn làm thêm các mặt hàng khác. Cà phê là một thị trường lớn và sản lượng xuất khẩu hàng năm lên đến hàng triệu tấn

Tại VN, các văn phòng đại diện quốc tế hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê cũng đông hơn. Mặt khác, tại VN, sản lượng cà phê Robusta lại lớn nhất thế giới nên nếu bỏ qua lĩnh vực cà phê thì đó sẽ là thiệt thòi không nhỏ cho bất kỳ DN kinh doanh nông sản nào ở VN

- Thực sự tôi chưa hiểu vì sao việc xuất khẩu cà phê của Phúc Sinh lại thuận lợi, ngay cả trong bối cảnh kinh tế toàn cầu trở nên xấu hơn, và các DN cà phê đầu ngành của VN thua lỗ nặng nề. Hẳn vẫn có bí quyết nào anh còn dấu ?

Hai năm gần đây chúng tôi xuất khẩu cà phê trên 20 nghìn tấn/năm. Và chúng tôi sử dụng các công cụ để hỗ trợ và bảo đảm/thắng giá. Đương nhiên, cũng phải kết hợp các công cụ khác như vốn, kiến thức trong giao dịch hàng hóa thật và hàng hóa qua sàn quốc tế

Thường thì các công cụ này không có tổ chức nào dạy chi tiết cho mình, mà DN phải tự tìm kiếm, trải nghiệm, tự rút ra các cách sử dụng cho riêng mình

Tôi đã chăm chỉ học hỏi, “mài mòn quần” ở hàng chục quán cà phê, quán nước, quán nhậu với các đối tác, khách hàng là những tổ chức bậc thầy về việc dẫn giá trên thị trường quốc tế, để học các chiêu của họ

- Nói như vậy, có thể đúc kết công thức kinh doanh của anh ?

Đơn giản thôi: Chào hàng + Chất lượng + Công cụ + Chăm chỉ !

Đi và “chơi” cùng đối tác vừa và nhỏ !

- Theo anh, thách thức với XK cà phê VN nói chung hiện nay là gì ?

Nhiều DN vẫn biết về các công cụ để bảo đảm/thắng giá trong giao dịch, nhưng sử dụng nó đúng lúc, đúng chỗ, và làm thế nào để quản trị dòng tiền, quản lý rủi ro lẫn lòng tham của chính mình là một câu chuyện khác

Quan trọng hơn, các DN ở ta thường có xu hướng… ngồi yên. Tôi cho rằng phải đi, phải tự mình vươn ra thế giới không thông qua bất kỳ ai. Năm đầu Phúc Sinh làm cà phê, nhiều người tiên đoán sẽ phá sản. Các văn phòng đại diện “xây tường” quanh Phúc Sinh. Chúng tôi khẳng định

Chúng tôi sẽ đục bỏ bức tường đó và bước ra thế giới. Và chúng tôi làm được

- Những kinh nghiệm, mạng lưới, quan hệ ở thị trường hồ tiêu cũng là lợi thế hỗ trợ để anh đẩy mạnh XK cà phê ?

Cà phê là thị trường quá lớn và chỉ có cà phê, trong khi tiêu thì có thể thêm các gia vị như hồi, quế… Bản thân Phúc Sinh muốn đầu tư vào cà phê cũng không thể tận dụng mạng lưới đã có

Hơn nữa, nếu anh đứng số 1 về hạt tiêu, chưa chắc anh đã trụ lại được trên thị trường cà phê. Vấn đề là chúng tôi hiểu rất nhanh nếu chỉ bán cho các văn phòng đại diện tại VN thì DN chỉ có đi vào đường chết. Cũng như hồ tiêu, khi bán cà phê, tôi tìm các nhà sản xuất vừa và nhỏ trên khắp thế giới, họ đặt hàng số lượng ít nhưng đều đặn và liên tục

Họ có thể cho giá tốt hơn nhiều so với các DN tập đoàn lớn, thanh toán linh động hơn. Đây thực sự là con đường lớn để có thể đi. Nhìn chung, nếu các DNVVN VN theo cung cách này, tôi cho rằng đường đi ra thế giới vẫn còn rất rộng !

- Vậy Phúc Sinh có phải trả giá nào cho sự “hiểu rất nhanh” khi bước vào làm cà phê nhân XK ?

Năm đầu chúng tôi lỗ 500.000 USD, tương đương 10 tỉ. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Cứ làm thì nó vỡ ra. Vấn đề là trong quá trình làm mình không ngừng học hỏi. Đồng thời không được ỷ lại vào công cụ quản lý rủi ro, đặc biệt trong vấn đề điều hành, điều phối việc buôn bán cà phê. Không nên xem đó là công cụ thần tiên

- Dù thế nào thì dường như thị trường hồ tiêu cũng vẫn có sự cạnh tranh so với thị trường cà phê ?

Hoàn toàn đúng. Nhưng chính xác hơn là trước đó đã có sự cạnh tranh tới mức hàng loạt văn phòng đại diện nước ngoài về hồ tiêu tại VN phải phá sản. Một năm, cà phê biến động 400 – 500 USD/ tấn thì năm ngoái, hàng hồ tiêu có mức biến động đến 3.800 USD/ tấn

Nếu tính toán sai thì độ thua lỗ sẽ thế nào ? Nhưng phải nói rằng dù bản chất thị trường là cạnh tranh khốc liệt, trong mọi giai đoạn Phúc Sinh đều không ngại cạnh tranh, cũng không xem các DN khác là đối thủ. Phương châm của chúng tôi là luôn liên kết với DN VN, cùng tiến !

- Vậy anh tìm kiếm khách hàng là những DNVVN khắp nơi trên thế giới như thế nào ?

Công thức kinh doanh của của Phúc SInh : Chào hàng + Chất lượng + Công cụ + Chăm chỉ !

Tôi thường xuyên đăng ký các hội chợ chuyên ngành. Có hàng chục hội chợ như thế diễn ra trên toàn thế giới trong mỗi năm. Mỗi hội chợ đều tụ họp rất đông đảo các DNVVN. Chi phí tham dự hội chợ thường khá đắt

Trước đây, nhiều DN Việt do không biết thông tin nên không đăng ký tham dự. Vả lại cũng không có nhiều DN muốn đầu tư. Bắt đầu từ năm ngoái, thông qua Hiệp hội hồ tiêu VN, tôi đã chia sẻ tất cả những thông tin mình có về các hội chợ chuyên ngành trên thế giới

Mỗi năm, chi phí để tham dự các hội chợ thương mại của Phúc Sinh ước tính khoảng 200.000 USD và hiện nay vẫn không ngừng tăng theo doanh số xuất khẩu. Có lẽ nhờ vậy mà năm 2010, Phúc Sinh đã trở thành DN đầu tiên của VN được Hiệp hội xuất khẩu hồ tiêu thế giới bình chọn là Nhà xuất khẩu xuất sắc về hồ tiêu và các sản phẩm hồ tiêu có giá trị gia tăng

- Xin hỏi anh câu cuối : Đích đến, cũng như điều mà anh mong đợi nhất khi tham gia thị trường cà phê ?

Với hồ tiêu, chúng tôi đặt mục tiếp tục nắm giữ vị trí số 1 đã được khẳng định trong suốt 5 năm qua. Với cà phê, năm tới, mục tiêu của Phúc Sinh là tăng số lượng hàng xuất khẩu lên khoảng 40.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn mong muốn Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê VN sẽ có sự chủ động, đấu tranh bằng mọi phương thức sao cho các Trung tâm giao dịch cà phê lớn nhất của thế giới phải tính đến chuyện đặt kho hàng cà phê Robusta tại VN

Khi các kho hàng không đặt tại VN, DN Việt mất đi rất nhiều lợi thế

Ngoài ra, tôi cũng nghĩ, và nhắm tới việc làm thế nào để mở ra, nhân rộng một trường đào tạo chuyên về giao dịch hàng hóa nông sản, căn cứ trên thực tiễn giao dịch chứ không phải trên sách vở như một số đơn vị giao dịch hàng hóa đã làm

Thật vô lý khi chúng ta có sản lượng Robusta lớn nhất thế giới, có khối lượng hàng xuất năm rất lớn ra thị trường quốc tế, mà những điều cơ bản đó chúng ta lại chưa xây dựng được !

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này !

Doanh nhân Phan Minh Thông sinh năm 1975. Anh tốt nghiệp ĐH Ngoại thương Hà Nội và khởi nghiệp bằng vị trí “chạy bàn giấy” ở một Cty chuyên xử lý nước thải Nhật Bản

Một năm sau, anh “Nam tiến”, ứng cử vào vị trí nhân viên phòng xuất khẩu ngành hàng hồ tiêu của Pitco – DN vừa được thành lập trước đó 3 tháng, trực thuộc TCty Petrolimex

Sau khi “set up” hệ thống xuất khẩu hồ tiêu cho Pitco, anh rời Cty nhà nước và chính thức khởi sự kinh doanh với số vốn ban đầu hoàn toàn từ vay mượn. Anh cho biết, kinh nghiệm bán hàng từ năm 10 tuổi tại một cửa hàng khô của gia đình, với dòng máu kinh doanh có sẵn từ tấm bé của người Hải Phòng – miền đất giao thương buôn bán, và bên cạnh đó là một khả năng chịu khó, chịu học, cộng các kỹ năng mềm chính là “thế mạnh” của anh

Lê Mỹ
 
"Vua xuất khẩu hồ tiêu" lấn sân sang cà phê
Ở ngôi “vua xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam” với thị phần chiếm 6%/ toàn thế giới, Phúc Sinh đang lấn sân sang ngành cà phê và từng bước thăng hạng trong top 10 DN xuất khẩu cà phê hàng đầu VN. Điều gì đã giúp Phúc Sinh thành công trong khủng hoảng ? Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Phúc Sinh - Phan Minh Thông lý giải

Con người và hệ thống

Năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu ngày càng rõ. Khó khăn của ngành nông sản xuất khẩu có tương đồng với hoạt động của Phúc Sinh ?


2012 là năm hoạt động tốt nhất của Phúc Sinh trong 12 năm thành lập và phát triển. Doanh số xuất khẩu của chúng tôi đạt 3.453 tỉ đồng. Phúc Sinh được Cục Thuế trao bằng khen vì đóng thuế tốt

Quan trọng nhất là chúng tôi xây dựng được nền tảng cho sự phát triển lâu dài của Phúc Sinh, dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có mối quan hệ với các bạn hàng, đối tác – những nhà phân phối lớn, những nhà sản xuất vừa và nhỏ, các nhà rang xay trực tiếp trên toàn thế giới…

30-40% DN cà phê Việt đang “chết lâm sàng” do khó khăn nhiều phía, trong đó có sự xuống giá cà phê Robusta. Phúc Sinh không “gặp hạn” với cà phê ?

Giá xuống, không có nghĩa là nguyên nhân khiến DN khó khăn. Giá xuống, chúng tôi vẫn “bảo toàn lực lượng” và “kiếm” được. Đó là do Phúc Sinh luôn sử dụng các công cụ hỗ trợ và bảo đảm để thắng giá. Chúng tôi có bộ phận đầu tư để thực hiện và sử dụng các công cụ phái sinh trên thị trường giao dịch hàng hóa thế giới

Nhiều doanh nghiệp cũng biết nhưng không làm, hoặc có thể không biết, hoặc do họ không có điều kiện. Vì cơ bản, muốn các công cụ phát huy thắng giá, bảo đảm an toàn, quan trọng nhất vẫn là phải có hàng hóa thực

Chúng tôi có hàng thực, nắm sát giá thị trượng thực hàng thực, có kho bãi và có đối tác vận chuyển ở thị trường quốc tế. Phải có thực, thì mới sử dụng thành công các công cụ “ảo”

Trên thị trường giao dịch hàng hóa quốc tế, giá nông sản biến động rất nhiều. Có khi chỉ trong 1 h đồng hồ, một tấn cà phê đã có thể bốc hơi cả mấy trăm USD. Nhưng nếu như trên thị trường chứng khoán, DN niêm yết cổ phiếu có hoạt động kinh doanh tốt thì thị trường xuống thế nào vẫn được nhà đầu tư quan tâm; thì sàn giao dịch hàng hóa cũng vậy, DN nào có hàng thật, uy tín tốt, vẫn luôn được bạn hàng chào đón

Anh có thể chia sẻ bí quyết gây dựng uy tín, để được bạn hàng chào đón ?

Đó là nỗ lực trong suốt quá trình dài. Năm 2001, Phúc Sinh thành lập. Chúng tôi có một văn phòng 3 người với số vốn ban đầu mấy trăm triệu đồng. Ba năm sau, doanh số xuất khẩu của chúng tôi đạt 5-7 triệu USD/ năm. Hai năm sau, doanh số tăng lên trên 10 triệu USD. Bài toán quản trị đối với Phúc Sinh lúc đó đã không còn như trước

Làm thế nào để quản trị DN tốt hơn, với quy mô lớn hơn? Có rất nhiều lựa chọn được đưa ra. Sau những cân nhắc, Phúc Sinh quyết định chọn quy trình quản lý ERP (Enterprise Resource Planning) – quản lý nguồn lực DN, triển khai thiết lập một hệ thống ứng dụng đa phân hệ để quản lý các nguồn lực và điều hành tác nghiệp ở tổng thể mọi bộ phận

Nói ngắn gọn đây là giải pháp hỗ trợ quản lý cả đầu vào lẫn đầu ra và cả quá trình vận hành trong nội bộ. Chi phí cho giải pháp này không rẻ, nhưng Phúc Sinh vẫn quyết liệt làm đến nơi đến chốn

Một giải pháp ERP như Phúc Sinh thực hiện tốn kém khoảng bao nhiêu ?

Thực tế, tôi vẫn thấy có nhiều DN Việt sử dụng ERP, và vẫn... than khó ?

80.000 USD là chi phí cho 2 năm đầu chúng tôi triển khai ERP. Với Phúc Sinh, tôi nghĩ đó là cái giá xứng đáng. Nhưng cũng phải thấy rằng dù thế nào thì ERP cũng chỉ là một trong những lựa chọn về công cụ, giải pháp hỗ trợ quản lý, kết quả còn phụ thuộc vào nhân sự, con người. Mỗi người đều có năng lực tuyệt vời nhưng tôi tin một người thì không thể quản lý hay làm nên tất cả. Phải có hệ thống và hệ thống lại do con người

Kiểm toán + Nhà máy = Niềm Tin

Con người có đủ để tạo ra sự tin cậy với bạn hàng, đối tác nước ngoài,, theo kinh nghiệm của anh ?

Tiếp xúc với bạn hàng, đối tác nước ngoài, các nhà nhập khẩu, tất nhiên người ta nhìn vào thái độ của mình, thiện chí của mình. Nhưng họ cũng nhìn vào việc mình có cái gì để nói với họ. Ngay cả đối tác trong nước cũng vậy

Thực lực của anh ra sao, ai kiểm chứng, điều đó rất quan trọng. Một trong những yếu tố khiến Phúc Sinh tạo được niềm tin với đối tác nói chung là từ đầu, chúng tôi đã chọn hoạt động minh bạch. Năm 2004, Phúc Sinh đã thực hiện báo cáo tài chính hàng năm với Kiểm toán Đất Việt. Sau đó, chúng tôi thực hiện báo cáo tài chính với tổ chức Kiểm toán Ernest& Young

DN chưa đại chúng, chưa niêm yết như Phúc Sinh, sao phải kiểm toán cho phiền hà và tốn chi phí ? Đó là suy nghĩ sai lầm. Tài sản cố định của Phúc Sinh không nhiều nhưng luôn được các ngân hàng ưu ái cấp các hạn mức tín dụng lớn. Vì sao ?

Vì ngoài đơn hàng và năng lực sản xuất của Phúc Sinh, các ngân hàng tin tưởng vào dòng tiền và các số liệu kinh doanh cụ thể đã được kiểm toán trên báo cáo tài chính đều đặn, thường niên trong nhiều năm

Hơn nữa, việc thực hiện báo cáo tài chính có kiểm toán cũng góp phần tăng sự minh bạch ngay trong chính nội bộ DN. Nội bộ không minh bạch, làm sao thuyết phục được đối tác khách hàng rằng mình minh bạch ?

Anh tự hào điều gì nhất ở Phúc Sinh khi giới thiệu với bạn hàng, các nhà nhập khẩu quốc tế ?

Chất lượng sản phẩm và dịch vụ của cty Phúc Sinh – tất nhiên là như vậy, ngoài nhiều yếu tố khác. Điều gì khiến hồ tiêu VN có sản lượng rất lớn trên thế giới, nhưng giá tiêu tại luôn thấp hơn của Indonesia ? Đó là do chất lượng. Nhận thức điều đó, Phúc Sinh luôn đầu tư bài bản cho nhà máy, phòng thí nghiệm, kho vận… để nâng cao chất lượng sản phẩm

Sau thời gian hình thành và hoạt động, chúng tôi đã đầu tư cho nhà máy tiêu thứ nhất. Tiếp đó, chúng tôi triển khai thêm nhà máy tiêu tiệt trùng để đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho các thị trường “khó tính” như Mỹ và châu Âu. Đây là 1 trong 4 nhà máy tiêu tiệt trùng duy nhất hiện nay mà 2 đã thuộc về DN Hà Lan và Mỹ, 1 thuộc về Singapore

Với cà phê, Phúc Sinh cũng tập trung đầu tư nhà máy sản xuất. Tất cả các nhà máy đều hoạt động theo tiêu chuẩn ISO 22000, qua đó Phúc Sinh có thể tự mình quản lý chất lượng, kiểm tra sản phẩm. Phúc Sinh cũng có phòng thí nghiệm và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng 17025, phòng thử nếm pha chế cà phê

Khách hàng nước ngoài khi đến tham quan và xem xét các nhà máy của Phúc Sinh, đều rất hài lòng và cho điểm tối đa. Đầu tư như vậy, chúng tôi luôn chủ động trong việc khẳng định mình với đối tác, dù là trực tiếp tới bạn hàng hay thông qua “bên thứ ba” khi mời các đối tác kiểm toán thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính

Thay đổi và... phiêu lưu

Dường như Phúc Sinh không ngại tìm hậu thuẫn từ những đối tác bên ngoài ?

Chúng tôi có rất nhiều đối tác. Ngoài đơn vị cung cấp ERP, kiểm toán, một đối tác không thể thiếu đối với Phúc Sinh là Cty tư vấn luật. Có Cty tư vấn luật, Phúc Sinh được tư vấn hợp đồng kinh doanh một cách chặt chẽ, đúng luật pháp. Cty tư vấn luật cũng có thể giải quyết giúp Phúc Sinh những tranh chấp nảy sinh trong hợp đồng, nếu có, và có khi chúng tôi thu lại được cả hàng trăm ngàn USD từ các hợp đồng tranh chấp

Đã làm việc với Cty tư vấn luật, cần phải xác định có khi mình trả hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho đối tác, gần như không để làm gì; nhưng lại không thể không có. Đó là một sự hậu thuẫn lớn cho làm ăn trong thời hội nhập

Luôn “đồng bộ, chất lượng và an toàn” như vậy, có khi nào anh phiêu lưu trong các quyết định kinh doanh ?

Có chứ. Phiêu lưu không có nghĩa là mạo hiểm một cách thiếu cơ sở. Đối với tôi phiêu lưu được hiểu như một cảm xúc, một sự nhạy cảm trong những khoảnh khắc mà từ đó, đôi lúc mình đưa ra được những quyết định… không ai hiểu nổi. Nhưng kết quả lại rất tuyệt vời

Chẳng hạn như giao dịch trên sàn giao dịch hàng hóa, có những quyết định của tôi chỉ vài giờ trong một ngày, có thể thu lợi hơn rất nhiều. Đó chính là nhờ… phiêu lưu, và xuất phát từ những cảm xúc “feeling”, từ bản năng của một người làm kinh doanh nhưng cũng là dựa trên kinh nghiệm

Có quyết định từ cảm xúc nào của anh đưa đến những thay đổi đột biến cho Phúc Sinh ?

Nội bộ không minh bạch, làm sao thuyết phục được đối tác khách hàng rằng mình minh bạch ?

Năm 2012, tôi thay đổi 42% nhân sự nội bộ. Đó là quyết định gây sốc. Trưởng phòng nhân sự mà Phúc Sinh mới tuyển dụng đã có báo cáo đánh giá về các vị trí nhân sự và chúng tôi nhận thấy đúng là không nên để một người ngồi mãi một vị trí. Vì khi các nhân sự hài lòng với vị trí cố định, dài hạn trong khi lương đã cao, công việc cứ thế chạy đều thì họ sẽ không có nhu cầu, động lực phải tiến lên, phấn đấu, sáng tạo nữa

Tôi đã điều chuyển các vị trí chủ chốt của Phúc Sinh, từ bổ nhiệm giám đốc điều hành, đổi giám đốc tài chính tới kế toán trưởng. Các nhân sự theo từng bộ phận vì vậy cũng thay đổi. Tất nhiên mọi người không hài lòng khi bị thay đổi công việc dù được tăng lương. Tôi đã thuyết phục và sau đó, mọi người nhập cuộc. Nhờ đó mà làm nên cuộc “cải cách” nội bộ

Ở vị trí số 1 về xuất khẩu hồ tiêu và vẫn đang thẳng tiến ra thị trường thế giới chỉ trong một thời gian rất ngắn, điều gì khiến anh tin Phúc Sinh sẽ không “phình lớn, xẹp nhanh” ?

Rất nhiều người hỏi tôi nghĩ gì về thành công, nhất là khi tôi thành công quá nhanh và còn trẻ. Câu trả lời của tôi là : May mắn. Bên cạnh đó, tôi không nghĩ quá nhiều về thành công

Thành công của ngày hôm nay rồi cũng sẽ trở thành quá khứ. Điều quan trọng là chúng ta sẽ làm gì trong hiện tại và có thể làm gì trong ngày mai. Hơn nữa, tôi ý thức rằng dù mình có lớn mạnh tới đâu, cũng không có điều gì đảm bảo mình sẽ thành công mãi mãi

CitiBank, một ngân hàng khổng lồ có lịch sử cả trăm năm ở Mỹ nhưng vẫn có lúc phải đối mặt với cổ phiếu thị giá 1 đô, và nếu Chính phủ Mỹ không ra tay thì có thể đã phá sản như LehmanBrothers. Vậy nên, tôi không bao giờ chỉ nhìn vào một mặt tấm huy chương hôm nay, mà luôn nhìn vào phía trước, nhìn tới ngày mai

Lê Mỹ
 
Top