What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Hội đồng quản lý Bệnh viện

LOBBY.VN

Administrator
Hải Phòng lần đầu có mô hình Hội đồng quản lý Bệnh viện
Sáng 3/10 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã có Hội nghị công bố các Quyết định của Chủ tịch UBND Thành phố thành lập Hội đồng quản lý bệnh viện theo Quyết định số 1889/QĐ – CT

Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng đã công bố Quyết định thành lập Hội đồng quản lý Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp

BV-VT-2.jpg

Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND Thành phố và các thành viên Hội đồng quản lý bệnh viện

Theo Quyết định, ông Nguyễn Quang Tập - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý bệnh viện. Ông Trần Anh Cường, Phó Giám đốc bệnh viện làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý bệnh viện kiêm Giám đốc bệnh viện

Hội đồng quản lý Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp gồm 7 thành viên và sẽ hoạt động trong nhiệm kỳ 5 năm. Sau khi thành lập, Hội đồng quản lý bệnh viện đã họp phiên đầu tiên và bầu ông Nguyễn Đức Hoạt thành viên Hội đồng quản lý giữ chức Trưởng ban kiểm soát Hội đồng quản lý và bà Cao Thị Bích Hạnh là thư ký Hội đồng quản lý

Tại Hội nghị ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị “Việc đi đầu thì sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. Lãnh đạo Thành phố đề nghị Hội đồng đoàn kết, sáng tạo để tiếp tục duy trì, phát triển bệnh viện, tạo ra lòng tin của bệnh nhân với bệnh viện”

Việc thành lập Hội đồng quản lý là yêu cầu bắt buộc của các bệnh viện. Qua đây các bệnh viện công lập chuẩn bị chuyển đổi mô hình hoạt động như một doanh nghiệp

Về vấn đề này Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết “Nghị quyết số 05 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII xác định đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập là 1 trong 5 lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế. Nghị quyết tiếp tục thực hiện việc trao quyền đầy đủ về tài chính, tổ chức, biên chế và hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, điều chỉnh giá các dịch vụ công theo cơ chế thị trường; chuyển từ cơ chế Nhà nước cấp phát sang Nhà nước đặt hàng, từ hỗ trợ cho đơn vị cung cấp sang trực tiếp hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng. Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng giữa các đơn vị công lập, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia phát triển cung ứng dịch vụ công, phát triển thị trường dịchvụcông có sự điều tiết của Nhà nước”

Bộ Y tế cũng tổ chức các buổi hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia tổ chức y tế thế giới về mô hình quản trị bệnh viện tại một số nước trên thế giới, như: Đức, Colombia, Brazil, Estonia, Trung Quốc, Hồng kông, Tây Ban Nha, Thái Lan, Hoa Kỳ, Bỉ…

Lê Linh
 
Last edited:
Quản trị bệnh viện
- Mô hình quản trị bệnh viện hiện nay chưa đáp ứng được mục tiêu quản trị ngân sách của Nhà nước và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Cần lựa chọn mô hình, hướng đi nào cho phù hợp ?

TBKTSG trao đổi với ông Nguyễn Duy Thuận, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế y tế và Quản trị bệnh viện TPHCM, về vấn đề này

TBKTSG: Thưa ông, thực trạng và nhu cầu chuyển đổi mô hình quản trị của các bệnh viện ở Việt Nam hiện nay ra sao ?

616f7_ong_nguyen_duy_thuan.jpg

Ông Nguyễn Duy Thuận

- Ông Nguyễn Duy Thuận: Theo hình thức sở hữu, Việt Nam có hai mô hình quản trị bệnh viện chính là bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân. Khối bệnh viện nhà nước đang chiếm 90% thị trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên tôi tập trung vào khối này

Trước năm 2010, ngành y tế TPHCM sôi nổi với ý tưởng cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân, lúc đó, gần như tất cả nhân viên bệnh viện này đều đã bán “cổ phần sắp được chia” của mình cho nhiều loại nhà đầu tư và tâm lý là gần như sẽ có bệnh viện đầu tiên được tư nhân hóa trong ngành y tế. Đó là thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định 43/2006 quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Nhưng sau khi phân tích Nghị định 43, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM nhận ra là có quá nhiều điểm chưa thể thực hiện (đến nay thì Nghị định 43 cũng vẫn chưa có thông tư hướng dẫn và coi như đó là một bản quy hoạch tổng thể mới chỉ được phê duyệt về mặt chủ trương)

Năm 2015, từ chủ trương chung đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, ngành y tế có định hướng tự chủ về tài chính, do ngân sách nhà nước không đủ để trả cho các chi phí của ngành y tế. TPHCM đã quyết liệt hơn bằng cách xây dựng một lộ trình cụ thể cho việc tự chủ tài chính, yêu cầu rõ ràng với các giám đốc bệnh viện về tự chủ tài chính trong từng năm. Đây là một bước tiến dài xét về mặt nhận thức, để tiến đến một ngành y tế có thể tự sống được bằng cân bằng thu chi ngay tại cơ sở y tế chứ không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước như trước

Hiện nay, tại TPHCM, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện quận Bình Thạnh đã tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính

TBKTSG: Trong giai đoạn hiện nay, quá trình chuyển đổi mô hình quản trị đối với bệnh viện công nên đi tiếp theo hướng nào, thưa ông ?

70fc4_benhvien.jpg

Nhiều bệnh viện tại TPHCM đã hoàn toàn tự chủ về mặt tài chính

- Tự chủ tài chính, có nghĩa là cân bằng thu chi, đây là một bài toán mà các bác sĩ Việt Nam chưa bao giờ được học. Ở Việt Nam, bác sĩ giỏi mới được làm giám đốc bệnh viện, nhưng việc yêu cầu vị bác sĩ này giải bài toán cân bằng thu chi của bệnh viện cũng giống như yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đọc phim MRI của bệnh nhân !

Cân bằng thu chi là một phạm trù của kinh doanh, gồm các yếu tố thị trường, khách hàng, phân khúc, thương hiệu, nhân sự, tài chính, dòng tiền, các loại đòn bẩy tài chính có thể sử dụng, các quy luật thị trường về thương hiệu, về quảng cáo, về truyền thông, về phân khúc, về đường cung và cầu, về sự dịch chuyển của khách hàng mục tiêu, của việc xác định sản phẩm/dịch vụ lõi và việc mở rộng năng lực cốt lõi, duy trì sự ổn định trong việc sản xuất và thực hiện dịch vụ... Phạm trù này chưa bao giờ được dạy trong trường y để bác sĩ điều hành bệnh viện

Do đó, việc chuyển đổi mô hình quản trị là cần thiết với các bệnh viện hiện nay, từ những việc nhỏ như quy định giám đốc bệnh viện phải là bác sĩ cũng phải thay đổi cho đến việc định nghĩa rõ ràng về các hoạt động của ngành y tế (chứ không phải y học) về chăm sóc sức khỏe, y tế dự phòng, sử dụng ngân sách, chính sách bảo hiểm y tế và các nguồn bảo hiểm y tế

Hiện nay, có nhiều mô hình quản trị ở nhiều nước ta có thể học và cũng hoàn toàn có thể tự xây dựng một mô hình riêng của nước ta trên đặc thù của xã hội và các quan điểm của người dân để có thể hình thành một mô hình y tế và mô hình quản trị bệnh viện phù hợp. Nguyên tắc cơ bản nhất của việc xây dựng một mô hình phù hợp là sự minh bạch trong thu - chi và trên cơ sở đó có sự minh bạch trong đo lường hiệu quả hoạt động

TBKTSG: Năm 2015, đơn vị chủ quản là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tiên phong thí điểm cổ phần hóa bệnh viện GTVT Trung ương (ở Hà Nội) nhưng đến nay hướng đi này dường như không thành công. Phải chăng cổ phần hóa bệnh viện công là giải pháp không phù hợp ?

- Việc thí điểm cổ phần hóa bệnh viện GTVT Trung ương cho thấy nhiều bài học từ quản trị bệnh viện đến chính sách cổ phần hóa bệnh viện công

Bệnh viện GTVT Trung ương không trực thuộc Bộ Y tế. Trước khi cổ phần hóa, bệnh viện này có nền tảng tốt: đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao, số lượng bệnh nhân ổn định, doanh thu và chi phí cân đối. Năm 2015, khoảng 60% cổ phần của bệnh viện được bán cho cho nhà đầu tư chiến lược - một công ty không hoạt động trong lĩnh vực y tế, không có kinh nghiệm điều hành cơ sơ y tế, mặc dù có vẻ là thành công trên thị trường khác ngoài y tế. Sau một năm thì số nợ phải trả của bệnh viện lớn hơn vốn chủ sở hữu của bệnh viện và lỗ trong hoạt động liên tục xảy ra (ngoài ra, còn có chuyện sau này, vì không đạt được sư thống nhất trong việc phân chia tỷ lệ cổ phần nắm giữ sau khi tăng vốn điều lệ mà nhà đầu tư này đã có đơn đề nghị rút vốn đầu tư - PV)

Nhưng việc bệnh viện GTVT Trung ương thất bại trong hoạt động tài chính không có nghĩa là bệnh viện thất bại trong hoạt động chăm sóc sức khỏe. Bệnh nhân đến bệnh viện vẫn không có sự khác biệt so với trước đây nếu xét thuần túy về hoạt động khám chữa bệnh

Cùng lúc, Bệnh viện GTVT ở TPHCM ngày càng đông bệnh nhân, hiệu quả kinh tế được đảm bảo. Bệnh viện này cũng tự chủ hoàn toàn nhưng không có sự thay đổi nào về chủ sở hữu. Lãnh đạo bệnh viện là nhân sự trong nội bộ, được tín nhiệm, chứ không phải một chuyên gia từ bên ngoài

Sự khác biệt đến từ quy chế quản trị và điều hành hiệu quả chứ không phải từ cổ phần hóa hay không cổ phần hóa

TBKTSG: Theo ông, Việt Nam có thể xây dựng mô hình doanh nghiệp bệnh viện phi lợi nhuận hay không ?

- Tổ chức phi lợi nhuận hay tổ chức bất vụ lợi (tiếng Anh: Nonprofit organization - viết tắt NPO) là tổ chức không phân phối các quỹ thặng dư của nó cho các cá thể hay cổ đông mà sử dụng các quỹ này để tài trợ cho các mục tiêu hướng tới của tổ chức

Theo định nghĩa này, một bệnh viện phi lợi nhuận là bệnh viện phải hoạt động hiệu quả, nói cách khác là có lợi nhuận để tự tồn tại; tiền lợi nhuận này dùng cho các mục tiêu của bệnh viện như: nghiên cứu khoa học, tài trợ bệnh nhân nghèo, xây dựng kiến thức, kỹ năng cho nhân viên...

Số ít bệnh viện đã tự chủ tài chính hiện nay chưa thể được coi là hoạt động có lợi nhuận vì nhiều yếu tố tài chính liên quan không tính được trong bảng cân đối tài chính của bệnh viện

Do đó, nếu muốn có mô hình bệnh viện phi lợi nhuận thì đầu tiên phải có bệnh viện có lợi nhuận, sau đó mới tính đến chuyện lợi nhuận đó không chia cho các cổ đông. Điều này khác với hiện nay là bệnh viện vô lợi nhuận - có nghĩa là bệnh viện không tạo ra lợi nhuận và do đó cũng không có gì để chia

Hoàng Nhung
 
Top