What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Kinh tế biển Thanh Hóa

LOBBY.VN

Administrator
Đi khơi đi lộng xứ Thanh​

SGTT Xuân 2012 - Thanh Hoá có trên trăm cây số bờ biển, biển thì nông và phẳng phiu, cứ ra khỏi bờ một cây số thì mới sâu xuống 1m. Biên độ thuỷ triều trung bình chỉ 1,3m. có đến hơn 700 loài tôm cá cua ốc ở đây, trong đó 70 loài có giá trị kinh tế cao. Như vậy, ngư trường biển khơi xứ Thanh không thanh bình êm ả thì còn đâu nữa

6302e52c6dcfc391de84210a7dfeb0c6.jpg

Ngư dân miền biển Thanh Hoá có vẻ vẫn ưa thích chiếc mảng tự tạo của họ từ bao đời nay, có lẽ vài nghìn năm rồi
Bởi vì bây giờ loại trừ cái máy nổ và cái chân vịt ra, tất cả chiếc mảng hoàn toàn gồm vật liệu cổ truyền​

Cũng bởi thế, ngư dân Thanh Hoá không thích đi xa cho lắm, đến nay vẫn còn dùng một phần lớn những bè mảng cổ xưa cả nghìn năm và bằng lòng với những gì đánh bắt được mà trời cho riêng xứ này. Thanh Hoá nói chung không có thương hiệu thuỷ hải sản nào mà nhân dân cả nước được biết

Cách đây khoảng 6.000 năm, người cổ ở đây đã ăn nhậu vô khối đồ biển rồi. Có một di chỉ khảo cổ gọi là văn hoá Hoa Lộc (thuộc huyện Hậu Lộc hiện nay) đầy những vỏ sò hến, xương cá và chì lưới minh chứng điều đó

Tuy nhiên sau đó đến 4.000 năm, người ta vẫn chưa đi biển. Các hình vẽ trên trống đồng thời Hùng Vương cho thấy toàn là thuyền bơi trên đầm hồ, bởi những thuyền ấy không có buồm, mà chim chóc xung quanh thuyền chỉ có cò diệc, bói cá, và cá sấu

Chỉ mới cách nay 100 năm, cư dân duyên hải cùng bất đắc dĩ mới phải mò ra khơi ra lộng làm nghề chài lưới, khi mà họ không còn một khoảnh ruộng nào có thể trồng lúa trồng khoai trên đất liền nữa. Ngay cả bây giờ, vẫn còn hàng trăm làng ngay sát bên mép nước mặn mà chẳng liên quan gì tới biển, chỉ vì họ còn mỗi người hơn một sào ruộng để gieo trồng

Một ngày nào đó, nếu mảnh ruộng cuối cùng nhỏ xíu không thể cào cấu gì vào đấy nữa thì họ sẽ đi làm thợ xây, buôn vặt hoặc làm bánh đa bánh đúc chứ chẳng nghĩ đến nghề biển mảy may

Mặc dầu vậy, sản lượng đánh bắt hải sản ở Thanh Hoá hiện nay đứng thứ 9/28 tỉnh kề cận đại dương của Việt Nam, đứng đầu các tỉnh miền Bắc từ Thừa Thiên – Huế trở ra. Thành thử câu chuyện của Thanh Hoá không phải chỉ có ý nghĩa riêng của Thanh Hoá nếu ta nhớ lại nghề câu cá ngừ ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hoà, Bà Rịa – Vũng Tàu mới chỉ bắt đầu từ năm 1994, trong khi cá ngừ phân bố ngay trong vùng biển gần bờ miền Trung nước ta

Tại sao thế ? Hình như câu trả lời lại thuộc những vấn đề văn hoá

Thứ nhất, ở Thanh Hoá, người ta chỉ ăn những loại cá biển ngon nhất như chim, thu, nụ, đé, bạc má, trích, nục, trác... những thứ khác cho vào muối mắm hết. Trong hàng cá thu, chỉ công nhận thu xanh (hay đen), cá thu ngàng, thu ù, thu ẩu, ngừ vạn bất đắc dĩ mới phải ăn

Người ta không hiểu được tại sao cá ngừ to thù lù hàng tạ, con sứa nhạt phèo, và cá basa nuôi ngắn ngày thế mà sao thế giới ưa chuộng làm vậy, những thứ này được biếu cũng không màng. Đại để, người mua không bao giờ chuộng những con cá nào to quá (thớ thịt thô, không trắng trẻo) mà không thơm không béo

Thứ hai, như đã nói, không còn làm được nghề gì khác thì mới đi biển. Trong con mắt của mọi người xưa nay, dân chài lưới thiếu học hành nhất và sinh hoạt thì trái thường

Họ làm đêm không làm ngày, một mình thui thủi giữa sông nước hoang vắng, thậm chí chẳng cần quần áo (câu chuyện Chử Đồng Tử nhấn mạnh điều này, chẳng phải vì bố con họ Chử không có quần áo mà là không cần quần áo), chỉ khi chết mới cần vải liệm, chữ nghĩa thánh hiền chẳng để làm gì, nhà cửa cũng chẳng để làm gì vì có khách khứa nào lai vãng

Huống chi, đi biển chết như bỡn, dân Sầm Sơn có câu khi bố mẹ gả ép con gái mà con không bằng lòng là: “Thôi con cứ chịu khó lấy nó, ba cơn sóng gió nó chết thì con lại lấy đứa kh ác!” Dân Du Xuyên – Ba Làng thuần đánh cá biển thuộc huyện Tĩnh Gia, đàn bà goá chít khăn trắng đầy cả xã

Tuy nhiên, đàn ông miền biển đẹp như những tượng cổ điển, tôi đã từng thấy những người cao gần 2m, cơ bắp cuồn cuộn, đỏ như đồng hun (đã bao nhiêu thế hệ học sinh, sinh viên các trường mỹ thuật đi thực tế để tập vẽ họ), và hiền lành rộng bụng vô cùng

Ngay hiện nay, rất nhiều đàn ông đi bể vẫn không phân biệt được các đồng tiền khác nhau, nhỡ không may vợ bị ốm không ra chợ được họ phải đi thay thì thể nào cũng bị lừa tiền

Đàn bà miền biển cũng vô tư nữa, họ hát: “Đốt than nướng cá cho vàng, đem tiền mua rượu cho chàng uống chơi”. Dù thế nào, phụ nữ cũng không bao giờ đi biển

Điều này cũng giống như phụ nữ miền núi (ít nhất là người Mường và người Thái mà tôi quan sát) không bao giờ đi rừng: phần công việc nặng nhọc nhất đàn ông đã giành gánh vác

284aedbb5b71090433e9c3e08fa938b1.jpg

Thứ ba, không phải dân biển ít học thì vô cảm. Người Việt Nam ta xưa kia, chung quanh thiếu gì chim trời cá nước, vậy mà không ăn nhiều thịt: có hay gì việc đánh bắt giết hại được nhiều sinh linh trong trời đất !

Chính người Pháp nhận thấy điều này và họ khoe khoang rằng họ đã cải tạo dân An Nam ngày một ăn thịt nhiều lên (ý kiến của Charler Robequin – ông tiến sĩ địa phương học quốc tế)

Ta hãy đọc một đoạn văn của ông Pasquier – thống đốc Nam kỳ, công sứ Thanh Hoá, làm khâm sứ ở Huế rồi làm Toàn quyền Đông Dương hồi cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20: “Và trong tất cả những kỷ niệm khó quên của ba năm sinh hoạt tại cái tỉnh hoàng gia này (tỉnh Thanh Hoá), điều cuối cùng còn giữ lại trong tôi là một cảnh rất thông thường mà rất kỳ vĩ đã diễn ra trước mắt tôi một tối mùa đông trên một bãi biển vắng vẻ xứ An Nam

Đối mặt với đại dương bao la, màn đêm bắt đầu bao phủ, một ngư dân nghèo khổ phủ phục trước cái bàn thờ cũ kỹ đặt ngay trên bãi cát. Dần dần ánh sáng ban ngày còn lại phụt tắt, bóng đêm dày đặc đã xoá đi bóng con người đang quỳ lạy

Biển cả rầm rì át tiếng thầm thì khấn vái và trong đêm sâu chỉ còn loé lên chấm đỏ của nén hương đang cháy, khói bốc thẳng lên trời tịch mịch bao la, đêm tối lan toả trùm lên nỗi lo sợ và niềm thống khổ của kiếp người trước bài toán nghìn đời của sự sống và cái chết” (Lâm Phúc Giáp dịch)

Phải chăng những linh hồn cá mú luôn bị vây bắt giết hại ngoài khơi kia không ám ảnh con người? Ngày nay, trong khi ham hố phát triển kinh tế, chúng ta đã bỏ sang một bên những đạo lý tự nhiên đại đồng này rồi

Thứ tư, thói quen của con người ta rất lâu bền. Ngư dân miền biển Thanh Hoá có vẻ vẫn ưa thích chiếc mảng tự tạo của họ từ bao đời nay, có lẽ vài nghìn năm rồi, bởi vì bây giờ loại trừ cái máy nổ và cái chân vịt ra, tất cả chiếc mảng hoàn toàn gồm vật liệu cổ truyền

Và một đời mảng chỉ trong sáu tháng. Một năm người ta làm mảng hai lần. Ngày xưa, bên cạnh buồm vải sợi đôi sợi ba, buồm còn được đan bằng cây lác, từng miếng từng miếng may lại. Buồm lác của Thanh Hoá xuất vào tận Bình Định, Khánh Hoà

Lợi thế của mảng là không bao giờ chìm, lại là vật phẩm tạo hình tao nhã nhất trần đời. Người dân chài biển cả Thanh Hoá thường mặc áo, đội khăn nhuộm đỏ chói. Đó chính là tín hiệu nổi bật của họ trên biển xanh bao la

Khi một mảng được mẻ cá quá tải, người ta buộc khăn buộc áo trên ngọn sào kêu gọi các mảng khác đến trợ giúp

Thế thì số lượng mảng hiện nay đang còn dùng là bao nhiêu ? Theo thống kê của bộ Công thương năm 2010, toàn tỉnh có 7.852 tàu thuyền bè mảng cả thảy

Xin than thở mấy câu cuối để hình dung ra viễn cảnh nghề đi khơi đi lộng (đi khơi 15km trở vào, đi lộng chỉ 5km) ở xứ Thanh. Thực tế, con người cũng phải đánh bắt một số lượng sinh vật tối thiểu nào đó mới sống được, không đến nỗi vi phạm đạo lý quá đáng, vả chăng vi phạm dù ít dù nhiều thì đều phải trả giá

Hiện tại, vùng biển nông gần bờ không còn cá mú gì mấy bởi ruộng đồng bón nhiều phân hoá học, phun nhiều thuốc chống sâu rầy thì phù du sinh vật mất dần, dẫn đến tôm tép trong đồng ruộng mất dần, nước đồng ô nhiễm chảy ra sông, sông chảy ra biển, khối phù du sinh vật ở biển cũng mất nốt dẫn đến rồi cá con tôm nhỏ mất theo, cá to chẳng còn nữa

Những đàn cá di cư theo mùa từ biển Nhật Bản đến vịnh Bắc Bộ thành thử cũng thưa dần. Rốt cuộc, ngư dân cổ truyền xứ Thanh ngày càng đói dài

Họa sĩ Phan Bảo
 
Top