What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Lao Lobby.vn

LOBBY.VN

Administrator
Lào căng thẳng dưới bóng người khổng lồ

- Chính phủ Lào từ chối các điều kiện “cho thợ Trung Quốc vào định cư luôn tại chỗ” do Bắc Kinh đưa ra về dự án xây một cây cầu trên tuyến đường cao tốc nối Lào và Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc. Xứ sở Triệu Voi đang nỗ lực để bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, tăng cường tìm kiếm đầu tư từ Hàn Quốc và các nước khác

Con đường không dẫn tới đâu

Giữa tháng 9.2011, con đường hai làn xe nối thành phố Nan (Thái Lan) với tỉnh Oudomxay (Tây Bắc Lào) được khánh thành. Đáng nói là con đường này không dẫn tới đâu cả. Vì chiếc cầu nối con đường này vào quốc lộ của Lào vẫn chưa được xây, do Lào và Trung Quốc vẫn chưa dàn xếp được bất đồng nêu trên

Tại khu vực lẽ ra là một cây cầu bề thế do Trung Quốc đầu tư xây dựng, người ta chỉ thấy dòng sông vắng lặng và người dân địa phương đang lưới cá. Không thấy máy móc hay nhân công xây cầu

Đổi lại dự án xây cầu trị giá 35 triệu USD từ nguồn vốn vay ưu đãi, tổng công ty Cầu đường Trung Quốc đã yêu cầu Lào cho định cư lao động Trung Quốc với số lượng lớn. Đề xuất này gây căng thẳng cho mối quan hệ Trung Quốc – Lào. Đó là chưa kể một điều kiện khác: Trung Quốc được phép xây dựng một khu casino ở Oudomxay nhắm đến du khách và cộng đồng người Hoa đến định cư tại đây

Từ mấy năm nay, Lào chủ trương tự do hoá nền kinh tế, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng đất và nguồn lao động, để xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy giao thương. Nhưng Lào cương quyết dừng cấp phép các dự án đầu tư casino vì quan ngại chúng gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội

Không chỉ tắc ở dự án xây cầu, một dự án đường sắt cao tốc trị giá 7 tỉ USD nối Trung Quốc và các nước ASIAN cũng đang gặp trở ngại tại Boten – khu vực biên giới Lào – Trung Quốc

Dự án này trắc trở vì làn sóng công nhân và hàng hoá Trung Quốc đổ bộ vào Boten, kéo theo một loạt vụ án mạng liên quan đến bài bạc. Sau đó, Chính phủ Lào đã phải lập tức đóng cửa một casino tại thị trấn biên giới

Trong chuyến thăm Bắc Kinh mới đây của Chủ tịch Lào Choummaly Saygnasone, Trung Quốc đã trấn an rằng “các dự án đầu tư của Trung Quốc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lào”. Nhưng việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự và gây hấn trên Biển Đông thời gian qua đã khiến Lào bắt đầu cảm thấy “căng thẳng dưới cái bóng của người khổng lồ”. Các nhà quan sát đánh giá việc Lào cương quyết tỏ rõ thái độ là một lời nhắc nhở Bắc Kinh về tham vọng địa chính trị của họ

Trung Quốc đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ nhì tại Lào (sau Việt Nam), với số vốn đầu tư 2,71 tỉ USD trong 397 dự án tại Lào năm ngoái. Phần lớn đầu tư của Trung Quốc trong các lĩnh vực thuỷ điện và khai thác mỏ. 300.000 công nhân Trung Quốc hiện đang định cư tại Lào, là nguy cơ gây bất ổn xã hội cho nước này

Nghiêng về đầu tư của Hàn Quốc và các nước

Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong cho biết Hàn Quốc đang tăng cường đầu tư, giao thương, cho vay và viện trợ không hoàn lại đối với Lào. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Lào trong các lĩnh vực từ nông nghiệp, lâm nghiệp đến ngân hàng và thương mại. Xe Hàn Quốc đang trở nên phổ biến tại Lào

Hàn Quốc đã giúp Lào mở cửa thị trường chứng khoán đầu tiên vào tháng 1.2011 với hai công ty niêm yết. Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc phối hợp với ngân hàng Trung ương Lào điều hành sàn giao dịch

Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn thứ tư tại Lào (sau Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan), với tổng giá trị đầu tư 631 triệu USD từ năm 1995 – 2011. Kim ngạch song phương giữa Lào và Hàn Quốc đạt 132 triệu USD

Chính phủ Lào đánh giá cao việc Hàn Quốc giúp phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, công nghệ, tài chính ngân hàng, và phát triển kinh tế dựa trên cơ chế thị trường. Từ năm 1995, tổng giá trị viện trợ không hoàn lại từ Hàn Quốc sang Lào đã lên tới 48,3 triệu USD. Quan trọng hơn, với Viêng Chăn, đầu tư của Hàn Quốc cũng như Việt Nam hay Thái Lan không có mặt trái đáng lo ngại như Trung Quốc
 
Last edited:
Việt Nam có trên 200 dự án đầu tư tại Lào

62danhnt1131150945.jpg

Riêng 3 quý đầu năm 2011, vốn đầu tư đăng ký của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đạt 469 triệu USD

Theo Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, đến nay, vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đạt trên 3 tỷ USD với 203 dự án, cao nhất trong 55 quốc gia và vùng lãnh thổ mà các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đầu tư

Riêng 3 quý đầu năm 2011, vốn đầu tư đăng ký của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đạt 469 triệu USD. Như vậy, tính đến nay vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đạt trên 3 tỷ USD với 203 dự án

Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong đánh giá, đầu tư của Việt Nam là điển hình của đầu tư nước ngoài tại Lào. Đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt hướng vào các vùng khó khăn ở Bắc Lào như Oudomsay, Luangnamtha, Huaphanh và Xiengkhuang
 
Last edited:
Thành lập Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào


492f0_dsc00988.jpg

Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hiêp hội phát biểu về mục đích và chức năng của Hiệp hội

- Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất vào chiều qua 18-11 tại Hà Nội và công bố chức năng chính của Hiệp hội

Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (viết tắt là AVIL) được thành lập theo Quyết định số1643 của Bộ Nội vụ nhằm tập hợp, cung cấp thông tin, nhu cầu, lĩnh vực hợp tác, đồng thời hỗ trợ việc liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Lào trong hoạt động kinh doanh

Hiệp hội có trách nhiệm tư vấn, tham gia ý kiến xây dựng, bổ sung, sửa đổi các văn bản chiến lược, xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển, nhằm cụ thể hóa Hiệp định hợp tác giữa hai chính phủ trong lĩnh vực kinh tế đầu tư khi được các bộ, ngành, Chính phủ Việt Nam, Ủy ban hợp tác yêu cầu.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào cho biết, Hiệp hội có trụ sở tại Hà Nội, sẽ là nơi cung cấp thông tin nhanh nhất và gần nhất về môi trường đầu tư cũng như chính sách của Lào cho những doanh nghiệp quan tâm

Ông nói thêm: “BIDV cũng sẽ cung cấp định kỳ các báo cáo tài chính độc lập về môi trường đầu tư tại ba nước là Campuchia, Lào và Myanmar cho những nhà đầu tư quan tâm”

Hiệp hội cũng sẽ đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư hoặc có nhu cầu đầu tư sang Lào tập hợp những đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp lên Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan của hai nước để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước
 
Last edited:
Phấn đấu đến 2015, Việt Nam đầu tư sang Lào 7 tỷ USD

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh tại Hội nghị hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào tổ chức tại Đà Nẵng chiều 7-7

Hội nghị được chủ trì bởi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Lào Leng Savad Somsavad. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, thời gian qua, nhiều DN Việt Nam đầu tư sang Lào thu được kết quả khả quan, góp phần quan trọng trong hợp tác chiến lược giữa 2 nước

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn khách quan và chủ quan sắp tới cần được tháo gỡ. Việt Nam phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt tổng mức đầu tư sang Lào khoảng 7 tỷ USD

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, đến tháng 6-2012, Việt Nam có 214 dự án được cấp giấy đầu tư sang Lào, tổng vốn trên 3,45 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ nhất trong tổng số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào

Các DN Việt Nam đầu tư sang Lào chủ yếu ở 3 lĩnh vực: năng lượng, trồng cây công nghiệp và khoáng sản. Những dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào hoạt động tốt, đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội Lào, được phía Lào ghi nhận và đánh giá cao

Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư tại Lào, các DN Việt Nam đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương, đặc biệt là tham gia tích cực các hoạt động cộng đồng tại địa phương với số tiền hàng chục triệu USD thông qua việc xây dựng trường học, bệnh xá, đường giao thông, nhà tái định cư…
 
Last edited:
Lào chính thức trở thành thành viên mới của WTO

lao27102012g.jpg

Theo một thông cáo báo chí từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tại phiên họp ngày 26/10, Đại Hội đồng WTO đã nhất trí để Lào trở thành thành viên mới của tổ chức này

Tuy nhiên, Lào sẽ chỉ trở thành thành viên đầy đủ của WTO sau khi chính phủ nước này phê chuẩn toàn bộ các thủ tục gia nhập

WTO hy vọng việc trao quy chế thành viên cho Lào, một trong những nước kém phát triển nhất Đông Nam Á, sẽ giúp thúc đẩy phát triển, thu hút đầu tư quốc tế nhiều hơn và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của nước này

Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Lào, cũng là Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Lào, ông Nam Viyaketh bày tỏ tin tưởng rằng Quốc hội sẽ phê chuẩn các thủ tục gia nhập WTO vào tháng Mười hai tới

Lào đã đệ đơn gia nhập WTO từ năm 1997. Gia nhập WTO sẽ giúp Lào được tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ ở mức độ nhất định. Đặc biệt, Lào sẽ phải tuân thủ mức trần thuế đối với hàng hóa, các giới hạn trợ cấp cho nông nghiệp, và khả năng tiếp cận các thị trường dịch vụ của nước này

Đối với hàng hóa, Lào đã cam kết áp mức thuế trung bình tối đa 18,8% đối với mọi sản phẩm, 19,3% đối với nông sản và 18,7% đối với các loại còn lại. Trong khu vực dịch vụ, Lào đã đưa ra các cam kết tiếp cận thị trường trong 10 khu vực chính và 79 khu vực phụ. Các cam kết này sẽ đưa các thị trường của Lào phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và tạo sự minh bạch lớn hơn

Để được gia nhập WTO, Lào cũng đã thực hiện các cam kết khác trong các cuộc đàm phán song phương với các thành viên quan tâm, trong đó có Australia, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Ukraine

Chính việc hoàn thiện các cuộc đàm phán song phương với từng thành viên vào tháng Chín vừa qua đã cho phép Lào trình các thủ tục gia nhập để được phê chuẩn lên WTO
 
Last edited:
Lào xây dựng tuyến đường sắt nối liền với Việt Nam

lao-1.jpg

Ngày 5/11, tại thủ đô Vientiane đã diễn ra lễ ký dự án xây dựng tuyến đường sắt nối Lào và Việt Nam. Dự án có tổng kinh phí 5 tỷ USD, do Tập đoàn Giant Consolidated Limited của Malaysia làm chủ đầu tư

Tham dự lễ ký có Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong và Thủ tướng Malaysia Mohd Najib Tun Abdul Razak

Tuyến đường sắt có tổng chiều dài 220km, sẽ được xây dựng tại tỉnh Savannakhet ở Trung Lào, đến biên giới cửa khẩu Lao Bảo của Việt Nam. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành trong 5 năm và đây sẽ là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Lào nối trực tiếp với Việt Nam

Tỉnh Savannakhet nằm trên hành lang Đông-Tây nối liền Thái Lan, Lào và Việt Nam thông qua cầu Hữu nghị Lào-Thái Lan bắc qua sông Mekong và đường số 9. Con đường huyết mạch Bắc-Nam trên đường 13 chạy từ Trung Quốc qua Lào đến Campuchia cũng đi qua Savannakhet

Dự án tuyến đường sắt cao tốc nói trên là một phần trong mạng lưới nối liền Đông Nam á. Toàn bộ mạng lưới đường sắt Đông Nam á khi hoàn thành sẽ trở thành con đường kết nối liên hoàn giữa Lào và các nước trong khu vực đến thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc
 
Last edited:
Đầu tư vào Lào và Campuchia ngày càng khó
- Nhà đầu tư Việt Nam đang gặp khó khăn khi đầu tư vào Lào và Campuchia do gần đây hai nước này đã thay đổi chính sách quản lý đất đai và tài nguyên khoáng sản

Tại Diễn đàn Hợp tác đầu tư tiểu vùng Mêkông 2012 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì) tại Buôn Ma Thuột hôm 9-11 về chủ đề "Hiện trạng và triển vọng hợp tác đầu tư trong khu vực tam giác Campuchia - Lào - Việt Nam" (CLV), ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một số dự án của Việt Nam đầu tư vào Campuchia và Lào bị từ chối cấp phép dù trước đó đã có những bản ghi nhớ về cam kết đầu tư

Hiện Việt Nam đầu tư vào khu vực CLV Lào và Campuchia chủ yếu ở lĩnh vực trồng cây công nghiệp và khai khoáng. Tuy nhiên, môi trường đầu tư tại Lào và Campuchia trong hai lĩnh vực trên đang có sự thay đổi

Cụ thể, Campuchia không còn khuyến khích các nhà đầu tư khai thác gỗ, khoáng sản không qua chế biến mà đã xuất ra ngoài Campuchia; không ủng hộ việc giải tỏa đất đai tại những nơi mà người dân đã ở lâu đời

Trong khi đó, Lào đã dừng xem xét và cấp mới các dự án trong lĩnh vực tìm kiếm, khảo sát quặng kim loại và phi kim; cũng như dừng xem xét đối với các dự án trồng cao su và bạch đàn; cấm xuất khẩu quặng thô...

Thế nhưng điều khiến ông Đinh Văn Khiết, Phó chủ tịch tỉnh Đăk Lắk thấy buồn là, mới đây Campuchia đã cấp đất (dự kiến giao cho nhà đầu tư Việt Nam theo bản ghi nhớ) cho một nhà đầu tư nước ngoài khác. Nói về điều này (không có đại diện Chính phủ Camphuchia tại diễn đàn), một quan chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo phản ánh từ chính phủ Lào và Campuchia, một số dự án của nhà đầu tư Việt Nam chậm triển khai, gia hạn biên bản ghi nhớ nhiều lần...

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện các tỉnh của Việt Nam thuộc khu vực CLV đã thu hút được 129 dự án từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ (có 5 dự án từ Lào và 2 dự án từ Camphuchia). Trong khi đó, Việt Nam đã đầu tư sang khu vực CLV của Lào và Campuchia 75 dự án với số vốn hơn 3 tỉ đô la Mỹ (vào Lào 50 dự án, Campuchia 25 dự án)

Tại diễn đàn, Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia kiến nghị chính phủ ba nước cần nhanh chóng xây dựng chính sách ưu đãi đặc biệt cho khu vực CLV; đồng thời hoàn thiện và phát triển hệ thống giao thông kết nối giữa ba nước

Cũng tại Diễn đàn Hợp tác đầu tư tiểu vùng Mêkông 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long

Các quy hoạch này được các chuyên gia nhận định là nếu triển khai thành công sẽ giúp kinh tế ba vùng này phát triển nhanh chóng, nhưng để triển khai thành công quy hoạch là vấn đề không hề dễ dàng

Quang Chung
 
Last edited:
Lào đầu tư 7 tỷ USD cho dự án đường sắt hơn 400km

Bộ trưởng bộ Năng lượng và khai khoáng Lào Soulivong Dalavong cho biết, dự án xây dựng một tuyến đường sắt dài hơn 400km trị giá 7 tỷ USD đã được nhất trí thông qua

Đây sẽ là tuyến đường phục vụ cho việc vận chuyển nguyên vật liệu thô từ Lào tới biên giới với Trung Quốc. Dự án tuyến đường sắt này đã được Trung Quốc và Lào bàn thảo từ mấy năm trước

Theo thỏa thuận mới đạt được giữa hai bên, các ngân hàng của Trung Quốc sẽ cấp vốn để xây dựng tuyến đường sắt dài 418 km nối giữa thủ đô Viêng-chăn với biên giới Lào-Trung Quốc. Dự kiến, thỏa thuận sẽ được chính thức ký kết trong một vài ngày tới

Bộ trưởng Dalavong cho biết, tuyến đường sắt này chủ yếu sẽ do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm xây dựng và cũng sẽ được sử dụng như một tuyến vận chuyển hành khách. Tuần trước, dự án đường sắt này đã được Quốc hội Lào thông qua. Ban đầu, Lào dự kiến đồng sở hữu dự án với Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, Chính phủ Lào hiện nắm quyền kiểm soát toàn bộ dự án này

Tuyến đường sắt dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2017. Lễ khởi công sẽ được thực hiện trong thời gian diễn kỳ họp Hội nghị Á - Âu (ASEM) lần thứ 9 tại Lào vào tuần đầu tiên của tháng 11

Quang Minh
 
Last edited:
Lào trước dự án đường sắt khổng lồ từ Trung Quốc
Ông Wang Quan, chủ nhân mới của một khách sạn tại Udom Xay, một thị trấn miền núi phía bắc Lào, đang ôm hy vọng rằng khi hàng chục nghìn nhân công Trung Quốc đến đây xây đường sắt, ông sẽ kiếm bộn tiền

Dự án xây dựng đường sắt khổng lồ ở Lào, chạy từ miền nam Trung Quốc xuống, qua hàng loạt hầm đèo và cầu, sẽ qua thủ đô Vientian và cuối cùng nối với Bangkok, rồi sau đó vươn ra vịnh Bengal tại Myanmar, mở rộng giao thương của Trung Quốc xuống một vùng rộng lớn ở phía nam

udom-xai_zps49dc016e.jpg

Một xe thi công chạy qua đường quốc lộ 13 ở tỉnh Udom Xay phía bắc Lào

Các nhân công Trung Quốc dự kiến sẽ đổ bộ xuống thị trấn chỉ cách biên giới nước họ 80 km về phía bắc. Dù vấp phải một số sự phản đối của các tổ chức phát triển quốc tế, dự án này chắc chắn sẽ được thi hành. Dự án sẽ giúp Bắc Kinh kéo các nước ASEAN vào gần quỹ đạo của mình hơn nữa, và mở thêm cho Trung Quốc một con đường mới để tiếp cận vùng giàu dầu lửa Trung Đông

Một trong các đoạn quan trọng của tuyến đường này sẽ nối thủ đô Vientian của Lào với Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Con đường sắt đó đi qua Udom Xay

"Trung Quốc muốn có đường sắt cao tốc Côn Minh - Vientian", George Yeo, cựu ngoại trưởng Singapore phát biểu trong một diễn đàn doanh nghiệp mới đây ở Bangkok

Ông Yeo, hiện là giám đốc Kerry Logistics Network, một hãng lớn trong ngành vận tải và phân phối ở châu Á, được cho là một trong các chuyên gia thạo tin nhất về các dự án giao thông mới ở khu vực. "Mục tiêu lớn chính là Bangkok. Đó là một thị trường khổng lồ, có vô số cơ hội. Rồi từ Bangkok, sẽ đến Dawei ở Myanmar, tuyến đường đó giúp Trung Quốc bỏ qua eo biển Malacca - một điểm có nguy cơ gây tắc nghẽn giữa Ấn Độ Dương với Thái bình dương

Dự án dài 420 km có giá 7 tỷ USD, sẽ được thực hiện theo cách Trung Quốc cấp tín dụng cho Lào. Khoản tiền khổng lồ này không kém là bao so với tổng thu nhập quốc nội hàng năm 8 tỷ USD của Lào, quốc gia hiện chưa có hệ thống đường sắt trong khi mạng lưới đường bộ đã lạc hậu, chủ yếu gồm các con đường được xây dựng từ thời Pháp thuộc

Hồi tháng 11, khi thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sang Vientian dự hội nghị Á - Âu, ông được dự kiến sẽ dự lễ khởi công dự án đường sắt, nhưng lễ khởi công khi đó không diễn ra

Một bản nghiên cứu đánh giá do LHQ tài trợ đi đến kết luận rằng khoản tín dụng hào phóng đến mức nó có thể khiến "sự ổn định kinh tế vĩ mô của Lào lâm nguy". Mặc khác, dự án có thể mang đến những bất lợi về tài nguyên và môi trường cho Lào, nếu theo đúng các điều kiện đề xuất, Lào sẽ cung cấp cho Trung Quốc quặng phốt pho và đồng, để đổi lấy việc được cấp tín dụng

Các nhà tài trợ quốc tế khác như Ngân hàng phát triển châu Á, Ngân hàng thế giới và IMF ở Lào, cũng cho rằng nước này "cần thận trọng", một nhà ngoại giao cho biết

Dù thế nào, quốc hội Lào đã thông qua dự án như một phần trong kế hoạch tổng thể về tuyến đường sắt liên Á được ký giữa gần 20 nước vào năm 2006

Tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Đông Nam Á bùng nổ, lên mức 370 tỷ USD trong năm 2011, gấp đôi mức của Mỹ. Đến 2015, khi các nước ASEAN hình thành cộng đồng kinh tế như dự kiến, thì mức trao đổi thương mại với Trung Quốc ước tính lên 500 tỷ. Dù Trung Quốc xuất rất nhiều loại hàng hóa sang ASEAN, nước này phụ thuộc các láng giềng về nguồn tài nguyên và bán thành phẩm - những thứ phục vụ cho các ngành kinh tế hướng xuất khẩu của Trung Quốc

"ASEAN ngày càng trở nên quan trọng về kinh tế và địa chính trị đối với Trung Quốc, ngày càng đóng vài trò quan trọng trong thương mại và đầu tư", Yolanda Fernandez Lommen, trưởng chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển Á châu ở Bắc Kinh, nhận xét

Lào là xuất phát điểm lý tưởng cho các bước đi đầy tham vọng tiếp theo của Trung Quốc. Nước láng giềng phía bắc đã rót nhiều tiền đầu tư, trong đó có việc xây dựng hàng chục ngôi biệt thự bên bờ sông Mekong để phục vụ lưu trú cho các nhà lãnh đạo châu Âu và châu Á trong hội nghị thượng đỉnh tháng 11 vừa rồi

Một cung hội nghị sang trọng, là một phần của tổ hợp Vientiane New World, mang lại một sắc thái hiện đại cho thành phố Vientian trầm lặng

Tại cố đô Luang Prabang, điểm đến du lịch ưa thích ở Lào, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng các bệnh viện và nâng cấp sân bay

Trong khi đó, Mỹ cũng đang tìm cách tăng ảnh hưởng ở quốc gia này, sau nhiều chục năm dường như bỏ quên. Chuyến công du tới Lào của ngoại trưởng Hillary Clinton hồi tháng 7 là chuyến đi đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ kể từ những năm 1950

Tại Udom Xay có một trường dạy tiếng Trung Quốc với 400 học sinh và 28 giáo viên, hoạt động nhờ tiền tài trợ của các doanh nhân Trung Quốc

Ông chủ khách sạn tên Wang tin tưởng rằng dự án đường sắt sẽ được khởi công trong vài tuần nữa. Kể từ khi đến Lào sinh sống cách đây ba năm, Wang đã mua được một nhà máy chế biến gỗ. Những người Trung Quốc di cư sang Lào ở quanh chỗ ông đã thuê đến một nửa diện tích đất nông nghiệp để canh tác, Wang cho biết

Tuyến đường sắt này là dự án xây dựng hạ tầng cơ sở lớn nhất từ trước đến nay ở Lào. Công trình dự kiến kéo dài trong 5 năm và sử dụng công lao động của 50.000 công nhân Trung Quốc. Theo kế hoạch, tàu chở khách trên tuyến đường này sẽ chạy với tốc độ lên đến 160 km/h và dừng ở 31 ga sau khi công trình hoàn tất

Ánh Dương
 
Last edited:
Lào phát hành trái phiếu quốc tế
Nhờ vào một số thay đổi nhỏ về luật pháp từ phía Thái Lan, cuối cùng thì Lào cũng có thể rao bán trái phiếu niêm yết bằng đồng baht Thái với khối lượng 1,5 tỷ baht (tương đương 49,2 triệu USD)

Mặc dù có khối lượng không lớn, lần phát hành này đánh dấu bước chuyển biến quan trọng của Lào trong quá trình hội nhập kinh tế với khu vực Đông Nam Á cũng như thúc đẩy coi đồng baht của Thái Lan làm đồng tiền thay thế cho USD

Niêm yết bằng đồng baht, Lào có thể phát hành trái phiếu với khối lượng nhỏ hơn. Các tổ chức xếp hạng quốc tế sẽ không nhất thiết phải đánh giá mức xếp hạng của trái phiếu Lào. Đồng thời, Lào được hưởng lợi từ việc các nhà đầu tư Thái đã quá quen thuộc với đất nước này

Trên thực tế, các nhà đầu tư Thái Lan đã tỏ ra khá thích thú trước sự kiện này bởi đây là lần đầu tiên 1 trái phiếu phát hành bởi 1 nước khác được niêm yết bằng đồng baht. Theo người phát ngôn của Văn phòng quản lý nợ công Thái Lan, trước đây, chỉ có các tổ chức nước ngoài như KfW hay Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) phát hành trái phiếu bằng đồng baht

Một giám đốc quản lý quỹ tương hỗ ở Thái Lan cho biết ông rất thích thú với cơ hội đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng các trái phiếu có thể đem lại mức lợi suất khá cao mà lại không bị ảnh hưởng bởi đánh giá xếp hạng của các tổ chức quốc tế. Theo ông, các quỹ lương hưu và ngân hàng cũng sẽ phản ứng tích cực với sự kiện này

Tuy nhiên, các đặc điểm này cũng là những hạn chế khiến các nhà đầu tư định chế phải lưu tâm. Đây cũng có thể là lý do giải thích tại sao Lào lựa chọn khởi đầu với qui mô nhỏ

Để có được quyết định ngày hôm nay, chính phủ Lào và Thái Lan đã phải mất nhiều năm bàn bạc và chỉ đến năm ngoái, mọi việc mới trở nên thuận lợi. Tháng 6 năm ngoái, Ủy ban chứng khoán Thái Lan gỡ bỏ 1 “rào chắn” cho chính phủ Lào khi đồng ý bán các trái phiếu không được xếp hạng. Rào cản cuối cùng được thông qua khi Bộ tài chính Thái Lan nới lỏng các yêu cầu đối với trái phiếu nước ngoài được chính phủ bảo lãnh

Bộ tài chính Thái Lan cho biết động thái này được coi là 1 đóng góp cho Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á. Đây cũng là 1 bước trong lộ trình tiến tới cộng đồng kinh ASEAN Economic Community với mục tiêu đẩy mạnh hội nhập kinh tế trong khu vực

Thương vụ thành công của Lào sẽ thúc đẩy tham vọng biến Thái Lan trở thành trung tâm tài chính của khu vực đồng thời đây sẽ là ví dụ điển hình để các nước như Campuchia, Myanmar và Việt Nam có thể học tập. Campuchia và Myanmar là những nước khó có thể tham gia vào thị trường trái phiếu quốc tế niêm yết bằng đồng USD
 
Last edited:
Top