What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Lobby CuuLong Club

LOBBY.VN

Administrator
Ở xa Trung ương quá...!​

"Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) ở xa Trung ương quá, Bộ lâu lâu mới vào một lần. Trung ương mà không sớm thay đổi cung cách chỉ đạo thì Miền Tây chưa thoát nghèo được"

Để kết thúc mạch bài nông nghiệp, nông thôn và nông dân ĐBSCL, Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cởi mở với ông Lê Phước Thọ (Sáu Hậu), người từng giữ các trọng trách: Uỷ viên Bộ Chính trị khoá VII, Bí thư tỉnh uỷ Sóc Trăng, Bí thư tỉnh uỷ Hậu Giang, Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Là người rất gần gũi với ĐBSCL nói riêng và nông nghiệp nói chung, từng được giao trọng trách đứng đầu các địa bàn trọng điểm ở miền Tây, rồi đứng đầu Ban Nông nghiệp Trung ương, hẳn ông có rất nhiều thứ để chia sẻ ?

Ông Lê Phước Thọ: Sau thời điểm 30/4/1975, chúng ta đã tiến hành giải quyết vấn đề ruộng đất thực hiện theo chỉ thị 57, phân bổ đất cho những hộ nghèo. Lúc bấy giờ đây là quan điểm đúng. Sau đó, chúng ta lại tiến hành cải tạo nông nghiệp, điều chỉnh ruộng đất theo bình quân đầu người thành ra manh mún khiến cho nhiều trung nông có kinh nghiệm sản xuất bị triệt tiêu vì không đủ lư liệu sản xuất, còn những người nghèo không biết về sản xuất lại sở hữu ruộng đất. Chúng ta mong muốn tạo ra sự công bằng nhưng thực tế thì không phải như vậy

Sau đó chúng ta còn tiến hành cải tạo nông nghiệp, lấy mô hình của Miền Bắc áp hẳn cho Miền Nam mà không chú ý đến đặc trưng của từng vùng miền, khiến cho nông dân ĐBSCL bất bình, họ bỏ bê ruộng đất, vườn tược không thiết tha

Những năm 1980, chính tôi đã phải trực tiếp giải quyết những phản ứng của nông dân khi họ chống lại cách làm không công bằng. Thời điểm đó cả nước thiếu lương thực trầm trọng

Mặc dù xảy ra đã lâu, và sau đó chúng ta đã kịp thời phản tỉnh khi quyết định thực hiện con đường Đổi Mới, nhưng trong chừng mực một số bất cập hiện nay là hệ luỵ của một thời gò ép

IMG0098_1310978504.jpg

Ông Lê Phước Thọ (Sáu Hậu)​


Đặc biệt gần đây, nhiều thửa ruộng đang được chuyển đổi mục đích thành các KCN, KĐT khiến cho nhiều nông dân mất tư liệu sản xuất. Không có đất trong tay, chỉ có một khoản đền bù ít ỏi và chưa được chuẩn bị nên số đông người nông dân ở ĐBSCL đã gặp khó khăn trong mưu sinh trong khi đó một số ít những người cơ hội ngày càng trở nên giàu có nhờ kinh doanh những mảnh đất nông nghiệp màu mỡ khiến cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Đó là điều nông dân đang rất bức xúc

Nhìn lại mấy chục năm qua, người nông dân một lòng tin theo Đảng, nhưng họ cũng là những người rất khẳng khái, khi đường hướng sai họ sẽ không phục

Có một điều chúng tôi chưa hiểu, vì sao hầu hết các vùng nông nghiệp trong cả nước đều được hưởng lợi từ cuộc đổi mới do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng, vậy mà 26 năm qua ĐBSCL được hưởng lợi rất ít, nói một cách chính xác thì khu vực này vẫn loay hoay chưa thoát được phận nghèo ?

Vì chúng ta quản lý hời hợt, mô hình tổ chức không phù hợp, nông dân làm ăn manh mún. Và vì ĐBSCL chưa được quan tâm đúng mức

Xin ông nói rõ hơn

Khi Quốc Hội bàn chuyện sửa Luật Đất đai, tôi đã gặp và góp ý trực tiếp với các anh trong Bộ Chính trị và Chính phủ:

Thứ nhất, nên thận trọng, phải nhìn thẳng vào sự thật khi bàn về chuyện đất đai. Cuộc Cách mạng năm 1945 có được lòng dân bởi mục tiêu "Dân cày có ruộng". Chính đó là động lực, gắn bó nông dân với Đảng

Thứ hai là cải tạo nông nghiệp, tổ chức hợp tác xã. Chúng ta không thể lặp lại sai lầm cũ mà phải nhanh chóng làm theo hình thức mới cho phù hợp xu thế phát triển. Làm mới như thế nào phải trên cơ sở tổng kết những cái cũ và có tầm nhìn thực tiễn sắp tới mới ra được

Thứ ba, tôi từng tranh luận với ông Võ Văn Kiệt về chuyện gộp hết về một Bộ. Hồi đó, chúng ta quyết định gộp mấy bộ Lâm nghiệp - Thủy sản - Thủy lợi - Lương thực thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tôi không đồng tình vì mỗi bộ có chức năng khác nhau, gộp lại như vậy rất bất cập. Thực tế như thế nào thì đã rõ

Anh Cao Đức Phát là người nhiệt tình, nhưng anh ấy hay người khác thay cũng chưa chắc đã làm được gì hơn. Tôi đã nói thẳng và tha thiết với các đồng chí có trách nhiệm rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất cần có một Phó Thủ tướng điều phối chịu trách nhiệm

Với tình hình nông nghiệp, nông thôn và nông dân như lâu nay mà không gấp rút tổng kết để tìm ra cách làm mới, cách làm phù hợp thì 10 năm nữa chưa chắc đã vực dậy được nông nghiệp nói chung và ĐBSCL nói riêng

Việc tổng kết có ý nghĩa cốt tử như vậy vì sao chúng ta vẫn chưa làm ?

Tôi không biết, chỉ biết đến giờ họ vẫn chưa làm. Dù muốn hay không đến năm 2030 thì chúng ta vẫn đi con đường nông nghiệp, không thể một sớm một chiều muốn đi lên công nghiệp hóa là đi lên ngay được đâu. Cho nên tôi xin nói thẳng, nếu như ĐBSCL hay các vùng nông nghiệp khác tiếp tục bị lấy đất màu mỡ để xây dựng công nghiệp thì e sẽ đến lúc chúng ta phải nhập lương thực. Nhớ lại những năm hồi thập nhiên 1980 mà tôi vẫn sợ, ăn độn mì, độn khoai mà vẫn đói. Các cơ quan đâu đâu cũng phải chạy lo ăn. Thời đó, cả xã hội bị ảnh hưởng

IMG0112_1310978511.jpg

Trung ương mà không sớm thay đổi cung cách chỉ đạo thì ĐBSCL chưa thoát nghèo được​

Nhưng trong nhiều chính sách và định hướng vĩ mô những năm gần đây , đặc biệt sau tác động của cuộc khủng hoảng thế giới đều thể hiện sự quan tâm tới điểm tựa nông nghiệp

Khoảng cách giữa nói và làm vẫn còn xa lắm

Đơn cử, chỉ riêng mỗi chuyện nông dân sản xuất manh mún đã nói rất nhiều rồi, nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy có một tia sáng nào vì không có tổng kết. Phải có quyết tâm chính trị thì may ra mới tổng kết được. Còn không có thì không làm được đâu

Xin được hỏi riêng về câu chuyện của ĐBSCL, theo ông, vì sao một vùng nông nghiệp hàng hoá chủ lực lại vẫn trong nhóm nghèo nhất nước ?

Vì lâu nay chúng ta khai thác ĐBSCL những cái đã có sẵn. Khai thác nhiều mà không nghĩ đến đầu tư sao cho tương xứng

Thứ nhất, ở ĐBSCL chúng ta đã đầu tư cho công nghiệp chế biến như thế nào, bây giờ 90% hàng hoá vẫn xuất khẩu thô. Làm ra nhiều của cải, nhưng bán không lời lãi bao nhiêu. Người nông dân nghèo là vì thế

Thứ hai, người nông dân trực tiếp sản xuất ra sản phẩm lại không làm chủ được giá cả. Không chỉ bị các khâu trung gian o ép đủ thứ chẳng còn lời lãi, nông dân ở ĐBSCL vẫn làm ăn theo kiểu hên sui, trúng mùa thì được còn nếu rủi ro gặp thiên tai, dịch bệnh coi như mất trắng

Quan điểm của tôi là người trực tiếp sản xuất phải có vai trò quyết định quan trọng. Vai trò của nhà nước và của chính phủ là đầu tư như thế nào, chế biến ra làm sao. Tại sao Thái Lan khí hậu cũng như ĐBSCL, vị trí địa lý cũng vậy mà nông nghiệp, nông dân người ta tiến xa đến vậy? Rất đáng suy nghĩ. Rõ ràng vấn đề nông nghiệp ở Miền Tây vẫn chưa giải quyết được vấn đề cơ bản

Thưa ông, những vấn đề cơ bản đó là gì? Được biết hàng năm các địa phương vẫn báo cáo thành tích tăng trưởng đều đều ?

Nếu nhìn xa xa thì thấy tổng thể là khá thật, nhưng nếu đi vào từng hộ nông dân thì sẽ thấy họ nghèo lắm. Họ nghèo, không có gì cả

Cách đây 4 ngày tôi có xuống U Minh, ghé vào nhà một nông dân ở đó, có cái nhà nhà lợp tôn thôi mà mãi cũng không cất nổi. Tôi nói với họ, ở xứ nhiệt đới mà làm nhà tôn thế này ở sao nổi ? Nhưng họ không thể làm gì hơn, ở vùng sông nước, khi mà đường xá giao thông đi lại còn khó khăn thế này, để cất một cái nhà, mọi thứ vật tư đều đắt gấp đôi Miền Bắc

Ý ông là....?

Là hơn 35 năm qua, nếu so với các tỉnh miền Bắc, cơ sở hạ tầng ở ĐBSCL vẫn chưa làm mới được bao nhiêu, mới chỉ có đường dọc, chưa có hệ thống đường ngang, chủ yếu vẫn là cơ sở hạ tầng từ thời chế độ cũ để lại

Ngoài việc đầu tư hạ tầng chưa tương xứng theo ông còn lý do nào làm cho ĐBSCL chưa cất cánh nổi ?

Có lẽ do ĐBSCL ở xa Trung ương quá. Cô còn nhớ hồi kháng chiến, có lúc thì xứ ủy, có lúc là cục Miền Nam đóng cứ ở ĐBSCL, chúng ta đã làm được rất nhiều chuyện lớn lao. Giờ thì xa quá, Bộ lâu lâu mới vào một lần. Cho nên Trung ương mà không sớm thay đổi cung cách chỉ đạo thì ĐBSCL chưa thoát nghèo được

Lobby Cuulong Club: Lobby.vn mong muốn xây dựng mạng lưới lobby, đại diện quan hệ cho nhóm lợi ích khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở Hà nội. Chính sách Hà nội sẽ truyền tải nhanh, chính xác tạo cơ hội cho kinh tế xã hội phát triển

Thu Hà
 
Hậu Giang từ chối cho Ban chỉ đạo Tây Nam bộ mượn tiền​

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh vừa có văn bản trình thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang về việc từ chối cho Ban chỉ đạo Tây Nam bộ mượn 50 tỉ đồng

Trước đó thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ có công văn đề nghị tỉnh Hậu Giang cho mượn 50 tỉ đồng từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 để xây dựng trụ sở và hứa trả trong năm 2012

Tuy nhiên, nguồn vốn Ban chỉ đạo Tây Nam bộ vay là nguồn thu từ thuế, phải thực hiện theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp

Do vậy thường trực UBND tỉnh kết luận không cho Ban chỉ đạo Tây Nam bộ mượn
 
Vay ngân hàng Mỹ 1 tỷ USD phát triển điện gió tại ĐBSCL​

70dnewscat48131415802724082011-bdt.jpg

Khoản vay sẽ do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ cung cấp

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý để Ngân hàng Phát triển Việt Nam ký thư cam kết vay 1 tỷ USD phát triển điện gió tại ĐBSCL giai đoạn 2011-2015. Khoản vay sẽ do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ cung cấp

Với sức gió khá ổn định, hiện một số tỉnh ven biển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang... được đánh giá có tiềm năng phát triển điện gió

Tính đến tháng 2/2011, tại Việt Nam có 21 dự án điện gió được nghiên cứu triển khai. Các dự án này tập trung ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định và Lâm Đồng với công suất thiết kế trên 2.000 MW

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về cơ chế ưu tiên cho phát triển điện gió như ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí, hạ tầng đất đai, hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió nối lưới

Trong tổng sơ đồ điện VII, tổng công suất các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo sẽ ở mức 5,6% vào năm 2020 và 9,4% vào năm 2030
 
Ba dự án kết nối ĐBSCL dự kiến khởi công năm 2012​



- Ba công trình giao thông quan trọng kết nối với trung tâm ĐBSCL là cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh và đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến sẽ được khởi công vào cuối năm 2012

Theo Tổng công ty Đầu tư và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) chủ đầu tư của 3 dự án nói trên, dự án cầu Cao Lãnh và đường nối từ cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống đã có liên danh nhà thầu Wilbur Smith Associates & WSP Finland và Yooshin Engineering Corporation đảm nhận phần thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công

4746b_cau_vc___cl_.jpg

Mạng lưới một số trục đường chính tại vùng ĐBSCL​


Đến nay, Bộ giao thông vận tải (GTVT) và tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất hướng tuyến của 2 cây cầu này. Theo thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức, mặc dù đã ký hợp đồng thiết kế với liên danh các nhà thầu nước ngoài nhưng vẫn cần phải có tư vấn phía Việt Nam để thực hiện một số việc như xác định vị trí hướng tuyến Cao Lãnh - Vàm Cống và vị trí kết nối của cầu Vàm Cống vào tuyến lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Hiện nay, Bộ GTVT đang tổ chức đấu thầu để chọn nhà thầu thi công

Theo thiết kế cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh (đều là cầu dây văng), hai cây cầu này sẽ kết nối với khu vực trung tâm ĐBSCL. Trong đó, 3 dự án thành phần là cầu Cao Lãnh, đường nối cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống, cầu Vàm Cống sẽ được thực hiện trong giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 16.417 tỉ đồng từ nguồn vốn vay thương mại của Ngân hàng châu Á, vốn vay ưu đãi ODA của Chính phủ Hàn Quốc, viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam

Dự kiến, 3 dự án thành phần này sẽ chính thức khởi công vào cuối năm 2012 và hoàn thành vào cuối năm 2016

Còn dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang được lên phương án giải phóng mặt bằng. Đến nay, dự án cơ bản hoàn thành bước nghiên cứu khả thi

Hiện tại, Bộ Giao thông vận tải đã đồng ý với phương án tài chính sử dụng vốn ngân sách nhà nước, huy động vốn vay trong và ngoài nước, vốn của các nhà đầu tư và việc khai thác sử dụng quỹ đất dọc theo hai bên để tạo nguồn vốn thực hiện dự án

Theo quy hoạch, đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài 32,3 km, trong đó đường cao tốc chính dài 24,5 km và tuyến nối dài 7,82 km

Đường cao tốc này sẽ nối tiếp với đường cao tốc TPHCM - Trung Lương tại nút giao quốc lộ 80, sau đó đi qua 2 tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long và nối với đường dẫn cầu Cần Thơ tại nút giao Trà Và. Dự án, dự kiến khởi công vào năm 2012 và hoàn thành cuối năm 2014

Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được xây dựng với 6 làn xe, vận tốc 120 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự kiến vào khoảng hơn 9.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn 1 chỉ xây dựng 4 làn xe

Anh Quân
 
Australia, Hàn Quốc hỗ trợ hơn 370 triệu USD xây cầu Cao Lãnh, Vàm Cống

caolanh.jpg

- Trong đó, Australia dự kiến tài trợ hơn 170 triệu USD còn Hàn Quốc sẽ hỗ trợ khoảng 200 triệu USD

Dự án Kết nối Khu vực Trung tâm sông Mê Kông do Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB, Chính phủ Australia thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAID) và Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) tài trợ

Chương trình gồm xây dựng cầu Cao Lãnh 6 làn xe (7,8 km) bắc qua sông Tiền Giang, cầu Vàm Cống 6 làn xe (5,8 km) bắc qua sông Hậu Giang và 15,7 km đường 6 làn xe nối 2 cầu này

Đại diện từ ADB, AusAID và KEXIM đã cùng tham gia vào buổi ký kết tài trợ vừa diễn ra, nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển kinh tế ở Việt Nam

Theo đó, dự án sẽ được hỗ trợ kỹ thuật từ ADB và AusAID tài trợ 160 triệu AUD (171 triệu USD). Đây là dự án lớn nhất mà phía AusAID hỗ trợ cho Việt Nam từ trước đến nay

Trong khuôn khổ chương trình này, KEXIM cũng đã dành khoản hỗ trợ tài chính trị giá 200 triệu USD cho việc xây dựng cầu Vàm Cống

Dự kiến sau khi hoàn thành, tổ hợp dự án cầu đường này sẽ đón nhận 170.000 lượt khách mỗi ngày và sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 5 triệu cư dân ở các tỉnh An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp

Theo kế hoạch, 2 cây cầu sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2017
 
Sự hư hỏng & Vùng tối thế giới lobby​

1325043918img_1325755783.jpg

Bỗng nhớ tới câu của ai đó từng biện bạch: Đừng nhìn vào một vài cái cây, sẽ không thấy cả cánh rừng. Nhưng niềm tin của người dân về cánh rừng sẽ ra sao đây, nếu như xung quanh mình, thấy không ít những cái cây đã bị sâu đục như Nguyễn Thanh Lèo, Trần Văn Tân... và còn biết bao cái cây đã lộ và chưa bị lộ, trước đó và sau này...

Ai thua lỗ ?

Có một vụ việc cách nay hơn tuần, của hai quan chức, cấp "vừa trung vừa gian", ở một tỉnh nghèo Sóc Trăng, làm tên tuổi họ bỗng nổi như cồn khắp thiên hạ. Phát ngôn Tuần Việt Nam cuối tuần này, xin được lấy làm chủ đề bàn luận, với tên gọi đích danh: Sự hư hỏng !

Đó là vụ đánh cờ tướng của ông Nguyễn Thanh Lèo (Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Sóc Trăng), với ông Trần Văn Tân, (Giám đốc Trung tâm sát hạch và cấp giấy phép lái xe hạng 3- thuộc Trường trung cấp Nghề khu vực ĐBSCL)

Hai "kỳ thủ" nổi tiếng bất đắc dĩ này được biết đến chẳng phải vì tài cờ cao thấp, mà là ở... tiền cược cao thấp. Mỗi ván thắng thua, trị giá từ 1-5 tỷ đồng. Một giá tiền thoạt đầu, ai cũng tưởng mình nghe nhầm

Đánh thế nào mà ông Lèo nợ ôngTân tới 22 tỷ đồng, và mới trả nợ được 5 tỷ. Khi không có cơ trả nợ nổi, ông Lèo bị ông Tân thuê hai cha con Nguyễn Thanh Hùng (Hùng "cải lương") và con ruột là Nguyễn Thanh Truyền (đều ngụ tại Sóc Trăng) đến xiết nợ, đe dọa tính mạng cả gia đình. Cùng đường hoảng quá, Lèo phải tự thú với cơ quan điều tra

Cách hành xử của hai kẻ, từ quan chức đến... giang hồ, chỉ cách nhau một... bàn cờ tướng. Chao ôi, thời kim tiền! Chẳng sự hư hỏng nào giống sự hư hỏng nào

Đương nhiên, đến thời điểm này, cả bốn kẻ quan chức lẫn giang hồ đều chung nhau hình thức- tạm giam của cơ quan chức năng để suy nghĩ về "nước cờ" mới, hòng thoát tội như thế nào

Mà họ từng là đôi bạn "công nông" cùng tiến đó. Cùng học hết lớp 9 bổ túc công nông, và rất nhanh, mỗi người một cách thăng tiến trên con đường hoạn lộ. Đương nhiên, tài năng thăng tiến của họ, chỉ họ và người cất nhắc họ tường tận nhất

Còn phẩm cách họ, giờ mới là lúc bộc lộ "toàn phần" ? Cũng chưa hết. Tại cơ quan điều tra, ông Lèo khai nhận ngoài ông Tân, ông Lèo còn nhiều lần đánh cờ cùng một cán bộ cấp phó của cơ quan trực thuộc Thành ủy Sóc Trăng

Người viết bài tự hỏi: Trong xã hội này, có bao nhiêu trường hợp như ông Lèo, ông Tân ? Và sẽ còn bao nhiêu vụ quan chức "cháy túi ra...con bạc" đây ? Câu trả lời chắc chắn không hiếm !

Vì nói đâu xa, vụ PMU 18 ầm ĩ và tai tiếng. Vụ một lãnh đạo Viện KSND Quảng Bình đánh bài ăn tiền. Rồi vụ một Phó Cục trưởng Cục thuế Hà Tĩnh đánh bạc với mấy lãnh đạo doanh nghiệp tại một khách sạn, bị bắt quả tang....

Cứ thỉnh thoảng, nhân dân lại nghe chuyện các quan chức đánh bạc bị bắt, hệt chuyện thường ngày ở huyện

images651795quandanhco_1325755790.jpg

Ông Nguyễn Thanh Lèo phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng và quán Thy Tài, nơi ông Tân và ông Lèo đánh cờ bạc tỉ​

Cả xã hội sửng sốt. Vì sao, chỉ là cỡ quan chức nhỏ, không biết hai ông này thu nhập từ đâu để có thể đặt cược một khoản tiền bằng 10 đến 50 năm thu nhập (không ăn uống, chi tiêu) của một công nhân cầu đường bậc cao (8 triệu đồng/tháng) chỉ để vào cuộc đỏ đen ?

Nghĩ cho kỹ, nếu là tiền túi, tiền do mồ hôi lao động một nắng hai sương tự kiếm ra, chắc chắn hai ông Lèo và Tân, chả đời nào dám vung như thế vì đồng tiền liền khúc ruột. Chỉ có là tiền thiên hạ...

Đến nỗi ông Trần Trinh Đức, con trai công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (tay chơi nổi tiếng ở Sài Gòn và miền Nam những năm 1930, 1940 trước đây, người đã "đưa" cụm công tử Bạc Liêu trở thành một thành ngữ, một khái niệm về sự ăn chơi), hiện đang sống tại Bạc Liêu, cũng phải lắc đầu

Cha tôi thời ấy cũng chỉ chơi một canh bạc 30.000 đồng mà thôi (tương đương 1,8 tỉ đồng tính theo giá lúa bây giờ). Chơi đến chừng ấy, chắc cha tôi cũng xin chào thua !

Không chỉ công tử Bạc Liêu chào thua. Nhân dân cũng xin .... chào thua hai ông !

Người ta bỗng nhớ đến câu chuyện nước Anh: Khi lấy Hoàng tử William làm chồng (tháng 4-2011) theo quy định của Hoàng gia, cô Kate Middleton không được làm 10 điều người dân thường có quyền làm

Trong đó, không được chơi Monopoly, cờ tỷ phú, một trò chơi kiểm tra trí tuệ vui vẻ nhưng có ăn tiền. Vì điều đó, sẽ làm mất đi sự trang nghiêm cao quý

Đến xã hội tư bản, còn nghiêm cấm giới quý tộc Hoàng gia chơi cờ ăn tiền, ảnh hưởng đến hình ảnh phẩm cách nữa là... Phẩm cách ở đây chính là uy tín

Rất vô tình, giữa lúc đó, cũng có một câu chuyện về tiền tỷ của hai người dân nghèo ở thị trấn Bến Lức (H. Bến Lức, Long An). Một người đàn bà bán vé số, và một người đàn ông chạy xe ba gác 25 năm, là khách hàng. Cả hai đều hy vọng kiếm tiền. Nghèo quá, đến tờ vé số, người đàn ông cũng phải mua chịu

Thế nhưng, như cổ tích, chiếc vé số mua chịu lại trúng giải 6,6 tỷ, một số tiền cả đời người đàn bà bán vé số kia nằm mơ cũng không thấy. Vậy nhưng, chị vẫn gọi và trả lại cho người mua chịu. Rốt cục, một câu chuyện có hậu và ấm áp cho hai người trong cuộc, cho những người thân của họ. Và ấm áp cho xã hội, những ai được biết. Vì chữ phẩm hạnh làm người vẫn còn giá trị của nó

Đặt hai câu chuyện "đánh cờ" của quan và dân cạnh nhau, người ta nhận ra, sự đối cực của hư hỏng và tử tế, của tham vọng và thiện lương, của tha hóa và nhân cách con người

Có rất nhiều lời bình trên báo chí về vụ quan chức kiêm .... con bạc này. Nhưng người viết bài chú ý tới trả lời báo Nguoiduatin.vn (31/12/2011)của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương: Còn cơ chế xin- cho, còn "quan sâu" bạc tiền tỷ

Trái với sự bàng hoàng của người dân, là người từng có chức trách và đầy kinh nghiệm về công tác cán bộ, ông Nguyễn Đình Hương thẳng thắn

Tôi không sốc.... Ông Lèo không phải là hiện tượng cá biệt. Những người như thế này khá nhiều, chỉ là lộ và chưa lộ mà thôi. Còn cơ chế xin - cho, cơ chế độc quyền, quản lý không ai chịu trách nhiệm thì còn những con sâu như thế này

....5 tỷ chứ 10 tỷ tôi cũng không bất ngờ. Bởi với tình trạng tham nhũng như hiện nay, người ta có thể chơi ván cờ lớn như vậy là chuyện bình thường....Tiền đó không có cách hiểu nào khác là tiền tham nhũng, tiền ăn cắp của nhân dân

Ông Nguyễn Đình Hương chỉ băn khoăn: Cấp quản lý của các ông ấy ở đâu khi để tồn tại một cán bộ thoái hóa như thế này ? Tổ chức Đảng ở đâu ? ...

Những ông đó là do Tỉnh uỷ quản lý, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở quản lý, vậy mà tại sao không biết gì ?!

Một câu hỏi, không biết có quan chức nào ở Sóc Trăng có thể trả lời được không ?

"Hậu thế" của ngành giao thông, quả không chịu kém các bậc "tiền nhân PMU 18". Nhưng cho dù có "nợ" nhau hay "thắng" nhau tới 22 tỷ, xét cho cùng, hai con bạc Nguyễn Thanh Lèo, và Trần Văn Tân, không ai thắng, cũng chẳng ai thua, vì tiền cá cược đâu phải tiền của họ ?

Chỉ có nhân dân cuối cùng là ...thua lỗ. Khi buộc phải đặt niềm tin không đúng chỗ vào sự hư hỏng nhân danh...cán bộ

Và ai thua thiệt ?

Rất ngẫu nhiên, vào những ngày xảy ra vụ việc cờ bạc của hai quan chức Lèo và Tân, có một sự kiện, ngay lập tức được hàng loạt báo đưa tin, với những cái tít bài khá sốc: Chỉnh đốn Đảng vì sự tồn vong của chế độ; Đẩy lùi sự suy thoái trong Đảng; Góp ý xây dựng, chỉnh đốn Đảng...

Đó là sự thừa nhận thẳng thắn của người lãnh đạo cao cấp nhất trong Đảng- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Hội nghị TƯ 4, ngày 26/12/2011, về mối nguy hiểm của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp

Người viết bài bỗng nhớ tới câu của ai đó từng biện bạch: Đừng nhìn vào một vài cái cây, sẽ không thấy cả cánh rừng. Nhưng niềm tin của người dân về cánh rừng sẽ ra sao đây, nếu như xung quanh mình, thấy không ít những cái cây đã bị sâu đục như Nguyễn Thanh Lèo, Trần Văn Tân... và còn biết bao cái cây đã lộ và chưa bị lộ, trước đó và sau này...

Trong nhiều nguyên nhân TBT đã chỉ ra, đó là một nguyên nhân rất căn cốt

Nói cho công bằng, hơn 20 năm đổi mới, xã hội chúng ta đã rất nhiều lần phát động các cuộc vận động: "Sống, học tập và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại". Rồi: "Sống, học tập và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật"

Thế nhưng cho đến giờ, tham nhũng vẫn là quốc nạn, chưa thể đẩy lùi. Mà muốn tham nhũng, ít nhất phải có chức quyền, có vị thế. Và hiện tượng quan chức, cán bộ, đảng viên suy thoái đang trở thành một tình trạng

Vậy nên, mọi biện pháp vận động, phát động phong trào, nếu thiếu giải pháp, thì dễ nói hay, làm dở, thiếu hiệu quả

Điều khiến nhiều người đọc quan tâm còn là câu chuyện của TBT kể về Bác Hồ trong phiên bế mạc Hội nghị TƯ 4

Có lần Bác Hồ nói: "Tôi làm điều xấu, các đồng chí trông thấy phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy lại lấy cớ "nể Cụ" không nói là tôi mang nhọ mãi

Nhọ ở trên trán thì không quan trọng nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, trong tinh thần mà không nói cho người ta sửa là hại người ta"

Câu nói về sự phê bình của Bác Hồ rất giản dị và thấm thía

Nhưng câu tổng kết của dân gian, của cuộc đời cũng lại giản dị, thấm thía và đắng cay hơn: "Đấu tranh, tránh đâu ?", "Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng"

Chỉ vì sợ cái sự tránh đâu, có không ít con người không dám chỉ ra vết nhọ trên trán, vêt nhọ trong óc, trong tinh thần đảng viên, vì người ta rất sợ cái vết nhọ định kiến. Điều đó còn có hại hơn

Chỉnh đốn Đảng bằng cách nào ?

Nếu thiếu một cơ chế quản lý minh bạch, công khai và công bằng

Nếu không triệt phá được cái triết lý sống và ứng xử: Cái gì không mua được bằng tiền, sẽ mua được bằng rất nhiều tiền đang ngấm ngầm, nhưng lại ngông nghênh phổ biến trong xã hội. Chính triết lý này đã dẫm đạp lên tất thảy mọi giá trị

Nếu thiếu một tư duy trẻ, mềm dẻo, trong lãnh đạo và chỉ đạo, biết đặt lợi ích dân tộc lên trên hết ?

Nếu như những người đảng viên không phải là những người tiên phong chống lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình, lợi ích nhóm...

Nếu những người đảng viên làm việc gì cũng bị đụng đến lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình thì không thể giải quyết nổi, như phát biểu của ông Lê Hiếu Đằng (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM)

Thì trên con đường phát triển để hội nhập, dân tộc sẽ tụt hậu. Chỉ dân tộc là thua thiệt !

Kỳ Duyên
 
Ưu tiên xây dựng các đường cao tốc liên vùng
Từ nay đến năm 2020, vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ sẽ được ưu tiên nguồn vốn để xây dựng 4 tuyến đường cao tốc, 2 tuyến đường vành đai

Đồng thời, nâng cấp các tuyến quốc lộ để kết nối với cảng biển khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu và các vùng khác

Theo bản quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20-7, ngành giao thông sẽ ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông của vùng với tốc độ nhanh để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, sẽ tập trung xây dựng các tuyến cao tốc liên vùng

Cụ thể, đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây dài 55 km từ TPHCM đi Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai hiện đang được xây dựng. Dự kiến một phần đường cao tốc này sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2012 và thông xe toàn bộ vào cuối năm 2013

Tuy nhiên, 4,2 km đường dẫn lên đường cao tốc phía TPHCM chưa giải phóng xong mặt bằng có thể sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban quản l‎ý các dự án đường cao tốc phía Nam cho biết, đơn vị đang nghiên cứu mở tạm một đường nối từ đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9 để nối vào đường cao tốc

Đuờng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dự án cao tốc quan trọng của vùng kinh tế Đông Nam bộ sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013

Còn đường cao tốc Bến Lức – Long Thành - tuyến đường được coi là mảnh ghép cuối cùng để liên kết 4 tỉnh Long An, TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu bằng hệ thống đường cao tốc. Dự án, có tổng chiều dài là 57,8km với tổng vốn đầu tư 31.310 tỉ đồng được vay từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)

Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), hiệp định vay vốn giữa Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và ADB đã được ký kết hồi tháng 5- 2011. Hiện nay, VEC đang thu xếp các nguồn vốn còn lại để khởi công dự án trong năm 2012 và dự kiến hoàn thành vào năm 2017

Tuyến cao tốc thứ 3 của vùng Đông Nam bộ là đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu cũng đã xác định được nguồn vốn và hình thức đầu tư. Dự án này sẽ được xây dựng theo hình thức BOT với tổng kinh phí khoảng 22.000 tỉ đồng (giai đoạn 1 đầu tư 13.802 tỉ đồng). Dự kiến, dự án do tổ hợp các nhà đầu tư gồm Tổng công ty phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam IDICO, Tổng công ty Sông Đà và Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam thực hiện

Theo thiết kế, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng chiều dài 68 km. Điểm đầu nối với quốc lộ 1A (đoạn tránh thành phố Biên Hòa), điểm cuối tại km 71+600 trên quốc lộ 51

Các tuyến còn lại là đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài, đường vành đai 3, 4 thuộc (TPHCM) hiện vẫn chưa tìm được các nguồn vốn đầu tư. Hiện nay, các dự án này được Bộ Giao thông Vận tải đưa vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP)

Bên cạnh việc xây dựng các trục cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải cùng các địa phương cũng đang xây dựng các tuyến quốc lộ để nối với hệ thống đường cao tốc trong vùng. Trong đó, việc nâng cấp quốc lộ 51 (từ TPHCM – Vũng Tàu) đang hoàn chỉnh những hạng mục cuối cùng để khánh vào cuối năm 2012. Sau khi hoàn thành tuyến quốc lộ này sẽ nối với các trục cao tốc sau này như TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Phan Thiết….

Ngoài ra, TPHCM cũng đang hoàn tất các thủ tục để mở rộng nâng cấp quốc lộ 1A đoạn qua huyện Bình Chánh, TPHCM

Cuối năm 2012 có 24 dự án khởi công mới, 18 dự án hoàn thành
Theo nguồn tin từ Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có 24 dự án được khởi công mới và 18 dự án sẽ hoàn thành

Trong số 24 dự án được khởi công mới có một số dự án trọng điểm như đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn- Túy Loan; một số gói thầu đường cao tốc Long Thành- Dầu Giây; đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi; dự án hầm đường bộ qua đèo Cả; hầm đường bộ Phú Gia- Phước Tượng; cầu Cổ Chiên; cầu Cao Lãnh; đường ô tô Tân Vũ- Lạch Huyện...

Còn 18 dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2012 có một số dự án trọng điểm như một số đoạn của đường Hồ Chí Minh; nhà ga hành khách sân bay Phú Quốc; mở rộng quốc lộ 51; cầu Bến Thủy 2; Hương An; cầu Bà Rén; quốc lộ 32 đoạn Diễn- Nhổn; dự án nâng cấp luồng vào cảng Quy Nhơn...

Anh Quân
 
Ông Bảy Nhị và bốn phép toán "làm quan"​

Chỉ cần rành bốn phép toán là làm được. Đó là: luôn biết cộng thêm nghĩa tình, yêu thương; biết trừ đi những oán thù, ghét bỏ; biết nhân lên của cải cho người dân, cho xã hội và biết chia sẻ hạnh phúc

Tôi điện thoại cho ông Bảy Nhị tỏ ý muốn về An Giang thăm ông. Biết tôi từ Hà Nội lặn lội vô, ông xởi lởi: "Để chú lên TP Hồ Chí Minh cho đỡ cực". Đúng hẹn, hai ngày sau, ông tới tìm tôi tại Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân ở 40 Phạm Ngọc Thạch

Tôi nhìn quanh: "Xe chú đâu?", ông cười hiền: "Chú lên bằng xe đò, tiện thể thăm con, thăm cháu ngoại". "Chú không có nhà riêng ở Sài Gòn sao ?" - tôi ngạc nhiên

Ông Bảy Nhị sổn sảng: "Đừng nghĩ quan chức là ở đâu cũng có nhà cửa. Chú nghỉ hưu, về nuôi bảy hầm cá tra, mỗi năm thu hoạch cả ngàn tấn, kiếm bộn tiền, nhưng đã gắn một đời với bà con nông dân mảnh đất Long Xuyên, An Giang, giờ mắc mớ chi lên Sài Gòn cho mệt"...

Ông trải lòng với NDHT qua những câu chuyện thuở làm quan có lẽ... ít giống ai

* Nhiều người gặp ông đều ấn tượng về sự hiểu biết cũng như tư duy sắc sảo, cách diễn đạt giản dị mà lôi cuốn, thuyết phục. Có gì đó như mâu thuẫn với việc thuở nhỏ ông chưa học hết lớp Nhất trường làng ?

- Ông Bảy Nhị (cười sảng khoái): Chính xác. Tất cả kiến thức tôi có đều nhờ học lỏm, chẳng được đào tạo bài bản gì. Người ta từng nhiều lần đặt nghi vấn bằng cấp của mấy ông quan chức này nọ.Trường hợp tôi rất khỏe, khỏi phải xác minh chi cho cực. Đời tôi chỉ có duy nhất tấm bằng lý luận chính trị do Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc cấp thôi

Thuở nhỏ, tôi bỏ ngang lớp Nhất vì không có tiền làm giấy khai sinh để đủ thủ tục thi lên đệ thất (tương đương lớp 6 bây giờ). Nhưng quyết tâm tự học của tôi có được là nhờ ông anh trai ruột Nguyễn Minh Đào (sau này là Phó Bí thư Tỉnh ủy An Giang) luôn khuyên bảo, động viên. Lý do ổng đưa ra giản dị thế này thôi: Để biến giấc mơ cháy bỏng của tôi là muốn làm được nhiều điều tốt đẹp cho bà con nông dân An Giang thành hiện thực thì phải ráng học, phải cố gắng phấn đấu vào Đảng

Vào Đảng là để được giao trọng trách (chứ không phải địa vị), để có thể làm được nhiều việc có ích. Bởi không được ngồi ở vị trí ấy, không có quyền quyết định thì có muốn phục vụ nhân dân cũng đành chịu. Còn nếu không có chữ nghĩa thì khó làm được công việc lãnh đạo, nếu có làm cũng dễ mắc sai lầm vì thiếu hiểu biết

* Và nhờ nỗ lực tự học ông đã được giao trọng trách sớm, như một lãnh đạo trẻ của tỉnh. Những quyết sách đầu tiên của ông lúc đó, nghe nói cũng khá táo bạo ?

- Ông Bảy Nhị: Năm 1988, mới 42 tuổi, tôi là lãnh đạo trẻ nhất tỉnh, nhận quyết định chuyển công tác từ Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy sang làm Giám đốc Sở Nông nghiệp An Giang. Một năm sau, tôi đề xuất xây dựng chương trình khuyến nông đầu tiên của cả nước và ký quyết định thành lập Ban Khuyến nông của Sở. Phó Giám đốc đề xuất nên báo cáo Tỉnh ủy vì đây là việc khá nhạy cảm, Bộ Nông nghiệp lúc đó không ủng hộ. Biết đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rất đồng tình nhưng không dám quyết, tôi nói luôn với cậu phó, "khỏi báo cáo, tôi chịu trách nhiệm toàn bộ. Được thì dân hưởng, tội vạ đâu tôi xin gánh hết"

Tôi nghĩ, làm người lãnh đạo thì phải dám quyết, dám làm và dám chịu trách nhiệm cá nhân. Không nên dựa dẫm, đổ thừa vào cái gọi là trách nhiệm tập thể. Tính tôi quyết liệt tới cùng. Không chỉ một lần, sau này khi đang là Chủ tịch An Giang, tôi cũng đã kiên quyết phản đối việc xây bảy cái cống ngăn thoát nước sông Hậu do Bộ Nông nghiệp chủ trương thực hiện

Tôi nói, trong này đã chống lũ triệt để xong rồi, làm chi cho tốn kém ngân sách thêm nữa, lại cản trở giao thông. Vụ việc sau đó phải báo cáo lên Hội nghị thường vụ Tỉnh ủy

Ông Bí thư bảo, "có tốn kém cũng là tiền trung ương". Tôi phản đối, "đâu có, đó là tiền của dân. Cá nhân nào quyết làm là tôi thưa đến cùng đó"

20121102170440_3_1351849715.jpg

Ông Bảy Nhị​

* "Trực ngôn nghịch nhĩ", thái độ quyết liệt ấy chắc mang lại cho ông khá nhiều hệ lụy. Ông chọn cách hóa giải ra sao ?

- Ông Bảy Nhị: Tôi quan niệm cái tâm chính là cứu cánh. Làm gì cũng phải thật, trước hết là thật với chính mình. Nhiều người cứ tự gạt gẫm, rằng làm bậy ai biết. Nhưng ông bà mình đã dạy "cái kim giấu trong bọc lâu ngày cũng lòi ra". Cứ làm thật, ăn thật, nói thật và đối xử với nhau chân thành thì chẳng ai nỡ hại mình

Ngày tôi làm Giám đốc Sở Nông nghiệp, có một nhân viên làm đơn nặc danh kêu thưa khắp nơi. Tôi quyết định rút anh ta về làm trợ lý, theo dõi tình hình tài chính của toàn bộ hệ thống doanh nghiệp do Sở quản lý. Mọi người thắc mắc, tôi nói "Anh ta ở xa không biết nên nghi tôi làm bậy, mới kiện cáo tùm lum. Giờ cho anh ấy về gần, quan sát tôi làm việc, chắc rồi sẽ hiểu". Quả nhiên, cậu đó sau này hiểu ra nhiều điều, thương tôi lắm

Nhớ hồi tôi quyết định giao đất xây dựng Trung tâm khảo nghiệm Định Thành rồi Nhà máy sản xuất thuốc sâu ngoài Bình Đức, tranh chấp thưa gởi khắp nơi, tôi trở thành đối tượng bị cấp trên điều tra, xem xét. May mắn là những cơ sở này đều phát huy được hiệu quả, đem lại lợi ích cho nông dân. Chứng tỏ mình đã giao đất đúng người, đúng chỗ

* Có lần trả lời phỏng vấn, ông khẳng định như đinh đóng cột trước công luận: Tôi có thể tự hào rằng, suốt những năm làm lãnh đạo, tôi chưa hề có đề xuất nào gây hậu quả cho nông dân, không hề bị thế lực nào chi phối chủ trương đầu tư để kiếm lợi mà làm dân thiệt, ngân sách thiệt. Đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn sẵn sàng lắng nghe phê bình, chứ không phải giờ "hạ cánh an toàn" rồi mới nói mình sạch, nói cho sướng miệng ?

- Ông Bảy Nhị: Về đề xuất gây hậu quả cho nông dân, tôi tự tin rằng mình tránh được. Bởi tôi sinh ra là nông dân thứ thiệt. Đã có lần tôi khẳng định với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Tôi uống nước phèn mà lớn, đất phèn có thể dùng thủy lợi cải tạo và kỹ thuật canh tác riêng đều có thể trồng trọt được hết các loại cây ngắn ngày nên tôi không sợ"

Những quyết sách mà tôi đưa ra không hề liều mạng, bởi tôi chỉ làm khi biết chắc chắn 99,99% thành công. Uy tín dù có nhiều, xài hoài rồi cũng hết. Thất bại là dân chửi te tua, tôi đâu dám quyết bậy

Ngày làm lãnh đạo, tôi từng xắn quần đi trồng rừng, chữa cháy rừng, thiết kế mương phèn trên đất khai hoang vùng Tứ giác Long Xuyên... cùng nhiều bà con nông dân, anh em kiểm lâm và bộ đội. Không được trang bị nhiều kiến thức khoa học nhưng tôi gắn bó máu thịt với mảnh đất này, luôn gần dân, học hỏi kinh nghiệm từ dân

Chuyện đắp đập chắn nước để sản xuất vụ hè thu 1976 ở huyện Phú Tân lần đầu tiên là tôi học từ kinh nghiệm người Cam-pu-chia hồi còn kháng chiến (1972) qua câu họ trả lời tôi "Vì sao đêm qua nước tràn đồng ?" - là vì "Ăn bắp rồi bửa đập cho nước vô". Thuyết phục nông dân, tôi dùng hình ảnh và ngôn ngữ trực quan, nôm na. Dân hiểu và nghe, nghe là họ làm theo thôi

* Những quyết sách do dân và vì dân ấy dù sao cũng dễ thực hiện, vì nó chỉ phụ thuộc vào cá nhân ông Chủ tịch dám làm dám chịu trách nhiệm

Nhưng việc đối mặt với những mánh lới chạy dự án tinh vi, những món lợi lớn từ số phần trăm hoa hồng "lại quả", trong khi vẫn phải giữ mình trong sạch là điều rất khó, thưa ông ?

- Ông Bảy Nhị: An Giang là một trong những địa phương có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư. Chạy dự án, lobby - vận động hành lang... để có suất ngon lành, để hưởng lợi không thiếu

Nhưng tôi dám nói mình chưa hề chịu sự chi phối của bất kỳ thế lực nào trong chủ trương đầu tư. Riêng chuyện biết trước quy hoạch, cho người nhà hoặc "tay chân" lén mua đón đầu chờ cơ hội bán (hoặc đền bù) lấy lời là kiếm bộn tiền nhưng tôi dứt khoát nói không

Chuyện (theo thông lệ mà luật cho phép doanh nghiệp) tôi có nhận quà (tiền) cảm ơn (thưởng cuối năm) chút đỉnh từ phía doanh nghiệp, cá nhân là có. Nói chưa bao giờ nhận là không thật thà. Mỗi người chỉ dăm ba triệu thì cộng lại cũng đã là một mớ kha khá mà dân nghèo nằm mơ không có

Nhưng nếu có mầu đút lót, xin xỏ hoặc mưu cầu này nọ là tôi kiên quyết gạt đi. Nhưng mình cũng không thể quá máy móc, cứng nhắc trong ứng xử (có thể gọi là "thiếu tế nhị"). Nhớ có những lần "tiền thưởng" khá hậu hoặc có lần người đưa bao thơ "quá dày"...

Trả không được, nhận không xong, tôi giao cho cô thủ quỹ cơ quan lập riêng một cuốn sổ. Gặp người này người kia khó khăn, tôi quyết (qua một cán bộ văn phòng) là chi, cuối tháng có quyết toán với nhau rành mạch

Tới ngày rời ghế Chủ tịch, tôi hỏi, cô báo: "Quỹ của chú bằng không rồi". Tôi nói: "Vậy là huề! Giải tán!" (cười)

Sau này tôi đọc báo, hình như có người biết, phê phán là làm vậy chỉ biết giữ mình chớ "không kiên quyết chống tham nhũng". "Lập biên bản bắt tại tay người đút lót", theo tôi không phải cách làm hay của người có tầm lãnh đạo

* Nhưng cùng một cái phong bì giống nhau, cảm ơn hay hối lộ thì không phải lúc nào cũng rõ ràng và dễ nhận biết, thưa ông ?

- Ông Bảy Nhị: Chính xác. Tôi nhận ra, ranh giới giữa sự tri ơn với biếu xén, hối lộ, đút lót nhiều khi rất mỏng manh. Người lãnh đạo phải tinh tường để nhận ra cái lằn ranh lắm khi vô hình ấy. Ngày đã nghỉ hưu, tôi có thú vui trồng và chăm cây kiểng. Có hôm đang ở xa, tôi nhận cú điện thoại lạ hoắc

Người gọi trình bày muốn mua một cây thế đã suy của tôi với giá cả chục ngàn đô. Tôi nói, cây sắp chết ôm về làm chi, anh ta bảo, em thích nên sẽ cố chăm sóc để nó sống khỏe. Tôi suy nghĩ lắm. Từng ấy đô-la là cỡ 200 triệu đồng, nghe cũng ham, tiền nhiều ai không thích. Nhưng tôi vẫn băn khoăn, một người lạ làm vậy là có ý gì, đằng sau nó là mục đích gì

Cuối cùng, tôi kiên quyết nói không. Ít lâu sau, tôi lại nhận cuộc gọi, từ chính số điện thoại đó. Lần này, anh ta tha thiết nhờ tôi nói một tiếng để đơn vị kiểm lâm cho chuyển mấy cây gỗ từ Cam-pu-chia về. Vậy là tôi hiểu ngay vấn đề, chục ngàn đô bỏ ra mua cây kiểng của tôi là để dọn đường, chỉ cần tôi trả nghĩa bằng một chuyến vận chuyển trót lọt là dư thừa. Tôi cười "tôi về hưu rồi nói ai nghe", bụng thầm nghĩ "may quá, bán cây rồi thì biết cư xử sao đây"

* Ông đúng là một quan chức - nông dân được xếp vào hàng "quý hiếm". Xin được hỏi câu cuối cùng, cả đời gắn bó với nông dân, ông nhận thấy việc để làm một lãnh đạo đúng nghĩa được dân tin yêu có khó lắm không ạ ?

- Ông Bảy Nhị:(Cười hiền): Chỉ cần rành bốn phép toán là làm được. Đó là: luôn biết cộng thêm nghĩa tình, yêu thương; biết trừ đi những oán thù, ghét bỏ; biết nhân lên của cải cho người dân, cho xã hội và biết chia sẻ hạnh phúc. Là thành công. Tôi nghĩ vậy

* Ông Nguyễn Minh Nhị, sinh năm 1946, tại làng Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, về hưu năm 2004. Khi đương chức, ông từng được biết đến như một trong những người lãnh đạo trẻ của địa phương, có những quyết sách táo bạo và với phẩm chất "dám làm, dám chịu trách nhiệm"

Người dân An Giang trìu mến gọi ông là "ông Bảy Nhị tam nông" bởi trong thời gian đương nhiệm ông đã chỉ đạo khôi phục sản xuất sau ngày thống nhất đất nước, thực hiện những công trình lớn (như chương trình khai phá Tứ giác Long Xuyên, công trình thoát lũ kênh Vĩnh Tế, đề án 31 giúp người nông dân vùng lũ cải thiện cuộc sống...) đều gắn bó hết sức mật thiết với vấn đề tam nông

* Tôi quan niệm cái tâm chính là cứu cánh. Làm gì cũng phải thật, trước hết là thật với chính mình. Nhiều người cứ tự gạt gẫm, rằng làm bậy ai biết. Nhưng ông bà mình đã dạy "cái kim giấu trong bọc lâu ngày cũng lòi ra". Cứ làm thật, ăn thật, nói thật và đối xử với nhau chân thành thì chẳng ai nỡ hại mình
 
Cửu Long cần 171.700 tỉ đồng phát triển thủy lợi
- Ngày 11.12.2012, tại hội nghị “Phát triển thủy lợi khu vực ĐBSCL” do bộ NN & PTNT phối hợp với ban chỉ đạo Tây Nam bộ, UBND TP Cần Thơ tổ chức, ông Vũ Văn Thặng, phó tổng cục trưởng tổng cục Thủy lợi cho biết: tổng kinh phí phát triển thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2012 – 2050) dự kiến là 171.700 tỉ đồng

Nguồn kinh phí này sẽ được phân bổ chia ra làm 3 giai đoạn gồm: 2012-2020, 41.400 tỉ đồng; 2021- 2030, 49.450 tỉ đồng và 2031-2050, 80.850 tỉ đồng

Nguồn vốn được cân đối từ nguồn ngân sách Nhà nước hàng năm (ngân sách Trung ương và địa phương), vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, vốn đóng góp của người dân vùng lũ và các nguồn vốn hợp pháp khác

“Phân bổ kinh phí theo khu vực “tả” sông Tiền 33.980 tỉ đồng; vùng giữa sông Tiền - sông Hậu khoảng 85.280 tỉ đồng; vùng Tứ giác Long Xuyên khoảng 13.440 tỉ đồng; vùng bán đảo Cà Mau và hải đảo lần lượt khoảng 37.780 và 1.220 tỉ đồng”, ông Thặng cho biết thêm

Ông Hoàng Văn Thắng, thứ trưởng bộ NN&PTNT đề nghị nên tập trung ưu tiên cho các dự án cấp bách phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của vùng, tránh đầu tư dàn trải
 
Dự án nạo vét luồng Soài Rạp
- Ngày 31-3, Ban Quản lý đầu tư dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) đã đưa tàu Ulenspiegel (Bỉ) vào nạo vét luồng sông Soài Rạp (TP.HCM - Long An - Tiền Giang). Đây là một trong những loại tàu hiện đại nhất đã từng thi công các công trình biển trên thế giới

624570_zps6361da1e.jpg

Tàu Ulenspiegel đang neo đậu tại cảng container Trung tâm Sài Gòn, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè​

Tàu dài 142,8m, rộng 26,8m, có khoang chứa 13.700m3 bùn, cát và có thiết bị nạo vét ở độ sâu 50m dưới lòng sông với công suất nạo vét đến 70.000m3 bùn, cát/ngày

Theo ông Lê Hoàng Minh - giám đốc Ban Quản lý đầu tư dự án nạo vét luồng Soài Rạp, dự án này có tổng chiều dài 54km từ Khu công nghiệp Hiệp Phước ra cửa biển Cần Giờ, quy mô nạo vét khoảng 11,5 triệu m3 bùn, cát

Theo đó, tàu Ulenspiegel sẽ thi công nạo vét ở ngoài cửa biển Cần Giờ dài 24km để mở luồng tàu rộng 160m, sau đó tiếp tục nạo vét từ cửa biển Cần Giờ đến Khu công nghiệp Hiệp Phước dài 30km để mở luồng tàu rộng 120

Dự kiến đến tháng 4-2014 sẽ hoàn thành việc nạo vét luồng tàu biển trên sông Soài Rạp có độ sâu khoảng 9,5m cho tàu biển 30.000 - 50.000 tấn ra vào cảng biển TP. Như vậy, đây là luồng tàu biển thứ hai ở TP.HCM, sẽ rút ngắn khoảng hơn 20km so với hướng tàu đi theo sông Lòng Tàu hiện hữu

Dự án nạo vét luồng Soài Rạp có tổng mức đầu tư dự án là 2.797 tỉ đồng, trong đó vốn tài trợ từ Vương quốc Bỉ là 76 triệu euro, vốn đối ứng từ ngân sách TP là 624 tỉ đồng. Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, dự án này hoàn thành sẽ tạo tiền đề khai thác tiềm năng phát triển cảng và thúc đẩy sự phát triển hơn nữa các khu đô thị, các khu công nghiệp dọc sông Soài Rạp, thu hút đầu tư vào TP.HCM, Long An, Tiền Giang và vùng phụ cận
 
400 triệu USD xây dựng Trung tâm nghề cá​


Tàu cá​

Ngày 7/5, tại buổi làm việc với Viện Nghiên cứu Nông nghiệp ứng dụng Hàn Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ Phạm Văn Quỳnh, cho biết thành phố vừa phê duyệt Dự án Trung tâm nghề cá Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD

Số vốn trên được huy động bằng hình thức đầu tư trong nước hoặc nước ngoài (theo hình thức BOT, BT, PPP…); được xây dựng trên diện tích khoảng 110ha, tại khu công nghiệp Hưng Phú 1 thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ

Dự án bao gồm các trung tâm như đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ thủy sản cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cho cả nước; xúc tiến thương mại thủy sản trong và ngoài nước; trung chuyển hàng hóa thủy sản cho Đồng bằng sông Cửu Long, toàn quốc và quốc tế

Ngoài ra, Trung tâm còn có Viện nghiên cứu phát triển thủy sản của vùng, các cụm công nghiệp chế biến sản phẩm thủy sản chuyên sâu, chợ đầu mối, sàn giao dịch thủy sản nước ngọt khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…

Sau khi hoàn thành, Trung tâm nghề cá vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo điều kiện cho ngành thủy sản khu vực phát triển năng động và bền vững; thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và phát huy thế mạnh từng địa phương trong khu vực. Từ đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tạo ra thị trường thủy sản có sức hút trong khu vực và gắn kết các khâu trong chuỗi giá trị thủy sản

Trung tâm cũng tạo ra các dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất như phát triển và nâng cao hệ thống quản lý chất lượng hàng hóa xuất khẩu, quản lý xuất nhập khẩu, phát triển công nghiệp phụ trợ (bao bì, phương tiện phục vụ sản xuất…)

Thanh Sang
 
Top