What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Cờ Vây kinh tế Indonesia

LOBBY.VN

Administrator
Những ông “Vua Than” của đất nước “Vạn đảo”

- Indonesia nổi tiếng là một nước giàu tài nguyên thiên nhiên và đất nước “Vạn Đảo” hiện đứng thứ tư thế giới về khai thác than (sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ), với sản lượng 320 triệu tấn/năm

Sản lượng than của Indonesia có thể tăng lên 500 triệu tấn vào năm 2020. Indonesia hiện có 2 trong 10 công ty xuất khẩu than lớn nhất thế giới và con số này được dự báo sẽ tăng lên 6 công ty vào năm 2015

Tạp chí Globe Asia của Indonesia vừa công bố danh sách 8 “Vua Than” của nước này, trong đó có tới 7 “vua” nằm trong nhóm 30 người giàu nhất Indonesia và 6 người trong “Câu lạc bộ tỷ phú USD” ở Indonesia

1. Aburizal Bakrie, 64 tuổi, Chủ tịch tập đoàn Bumi Resources, có tổng giá trị tài sản 3,8 tỷ USD. Đây là doanh nghiệp lớn nhất và năng động nhất trong ngành than, sở hữu các mỏ than có trữ lượng tới 3 tỷ tấn, đạt sản lượng trung bình 61 triệu tấn/năm, và năm 2011 ước đạt 111 triệu tấn

2. Dato Low Tuck Kwong, 62 tuổi, Chủ tịch công ty Bayan Resources Coal mining, có giá trị tài sản 3,7 tỷ USD. Bayan Resources tham gia lần đầu tiên vào ngành công nghiệp than năm 1988 và đã mở rộng quy mô mạnh mẽ trong 10 năm trở lại đây. Hiện công ty có 7 mỏ ở Đông Kalimantan và 1 mỏ ở Nam Kalimantan

3. Samin Tan, 49 tuổi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty Borneo Lumbung, có giá trị tài sản 1,8 tỷ USD. Borneo Lumbung triển khai dự án khai thác mỏ đầu tiên năm 2008, song đến cuối năm 2010 đã đạt sản lượng 3,6 triệu tấn, và sẽ tăng lên 5 triệu tấn năm 2011

4. Theodore P Rachmat, 67 tuổi, Chủ tịch tập đoàn khai khoáng Triputra Adaro, có giá trị tài sản 1,7 tỷ USD. Công ty tiền thân PT Adaro Energy Terbuka của Tripura Adaro được thành lập năm 1991, hoạt động tại Quận Tanjung ở Nam Kalimantan, có các mỏ than với trữ lượng khoảng 2,8 tỷ tấn. Theodore P. Rachmat sở hữu 13% cổ phần của tập đoàn

5. Kiki Bark, 72 tuổi, Chủ tịch tập đoàn năng lượng Tanito Harum, có giá trị tài sản 1,6 tỷ USD. Tập đoàn Tanito Harum được thành lập năm 1995 và đạt sản lượng 7,3 triệu tấn năm 2010 với các mỏ khai thác ở Đông Kalimantan, và chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và Ấn Độ

6. Edwin Suryadjaja, 62 tuổi, Chủ tịch công ty năng lượng Adaro & Saratoga, có giá trị tài sản 1,25 tỷ USD. Edwin Suryadijaja là cổ đông trong tập đoàn PT Adaro Indonesia. Adaro & Saratoga ký hợp đồng khai thác than đầu tiên năm 1982, bắt đầu tiến hành khai thác tại Nam Kalimantan năm 1991, và hiện là nhà khai thác than nhiệt điện lớn thứ hai ở Indonesia

7. Teddy Tohir, 76 tuổi và Garibaldi Tohir, 45 tuổi, Công ty Adaro & Trinugraha, có giá trị tài sản 1,1 tỷ USD. Teddy Tohir và Garibaldi Tohir là các cổ đông trực tiếp trong tập đoàn PT Adaro Indonesia. Adaro & Trinugraha sở hữu quyền khai thác các mỏ than có trữ lượng trên 2,8 tỷ tấn, trong đó có mỏ có trữ lượng lớn nhất ở Indonesia

8. Agus Lasmono, 40 tuổi, Chủ tịch công ty Indika Energy, có giá trị tài sản 980 triệu USD. Indika Energy hiện là công ty có sản lượng than lớn thứ ba Indonesia, sở hữu các mỏ than có trữ lượng khoảng 579 triệu tấn

Việt Phương - Jakarta Post
 
Last edited:
Nhiệt điện An Khánh xây nhà máy khai thác khoáng sản tại Indonesia

- Liên doanh với Indonesia có vốn pháp định 20 triệu USD, trong đó phía An khánh góp 16 triệu USD, nắm giữ 70% cổ phần

Ngày 18/7, CTCP nhiệt điện An Khánh và công ty PKSDE – Indonesia đã ký kết thành lập công ty liên doanh khai thác than - khoáng sản KUKAR VIETINDO

Công ty liên doanh khai thác than - khoáng sản KUKAR VIETINDO được thành lập là kết quả của sự nỗ lực tìm kiếm thị trường, tìm kiếm vùng nguyên liệu và quá trình thương thảo của CTCP nhiệt điện An Khánh với các đối tác Indonesia

Theo đó, CTCP nhiệt điện An Khánh và công ty PKSDE - Indonesia thống nhất cùng hợp tác đầu tư khai thác và xuất khẩu các loại khoáng sản theo luật pháp Indonesia. Liên doanh có vốn pháp định 20 triệu USD, trong đó phía An khánh góp 16 triệu USD, nắm giữ 70% cổ phần. Liên doanh có trụ sở chính tại xã Anggana, huyện Kutai Kartanegara, tỉnh Đông Kalimanta - Indonesia

Công ty liên doanh khai thác than - khoáng sản KUKAR VIETINDO sẽ được chính phủ địa phương huyện Kutai Kartanegara, tỉnh Đông Kalimanta - Indonesia cấp mỏ than và mỏ khoáng sản thiếc, mangan để khai thác và xuất khẩu ra thị trường thế giới và Việt Nam

Việc thành lập liên doanh khai thác than – khoáng sản KUKAR VIETINDO là sự bảo đảm cho nguồn nguyên liệu than phục vụ lâu dài cho dự án Nhiệt điện AN Khánh 1 và An Khánh 2. Sự kiện này cũng là minh chứng cho sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam trong cơ chế thị trường
 
Last edited:
Ba tỷ phú đô la độc đáo của Indonesia

Globe Asia, tạp chí kinh doanh hàng đầu của Indonesia số ra mới đây đã đăng danh sách 150 người giàu nhất Indonesia, trong đó có tới 21 tỷ phú USD

Điều dễ nhận thấy nhất là thành phần doanh nhân chiếm đại đa số trong 150 người giàu nhất Indonesia này. Trong khuôn khổ bài viết này, xin chỉ đưa ra ba gương mặt doanh nhân khá tiêu biểu và có nhiều nét độc đáo riêng

1. Eka Tjita Widjaja, 88 tuổi - Ông vua đồn điền, người giàu nhất Indonesia

Nhân vật đầu tiên đương nhiên là người giầu nhất Indonesia hiện nay, đó là ông Eka Tjita Widjaja, 88 tuổi, hiện sở hữu tổng tài sản lên tới 12 tỷ USD. Ảnh ông được chọn giới thiệu ngay trên trang 1 của Tạp chí, với dòng tít lớn có tựa đề nguyên văn tiếng Anh: Plantation King, Indonesia's Richest Man (tạm dịch: Ông vua đồn điền, người giàu nhất Indonesia)

Eka Tjita Widjaja, trên danh nghĩa vẫn là ông chủ của Tập đoàn Sinar Mas Group, song trên thực tế do tuổi già sức yếu đã về nghỉ dưỡng lão, mọi công việc kinh doanh đều giao cả cho 4 con trai là Tegug, Franky, Muchtar và Indra. Là một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Indonesia, Sinar Mas Group hiện có 5 công ty con chính là Bumi Serpong Damai, DSAA, Bank Sinar Mar, Golden Agri Resources và Asia Pulp & Paper (APP) hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, năng lượng - cơ sở hạ tầng, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, sản xuất giấy và bột giấy

Golden Agri Resources là một trong những doanh nghiệp trồng cọ và sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới hiện đang sở hữu và đang thuê tới gần 1 triệu héc - ta trồng cọ lấy dầu. Thế nhưng, APP mới là thương hiệu đinh được giới đầu tư và kinh doanh biết đến nhiều nhất. Trước hết, bởi vì với 17 nhà máy ở nhiều nước và vùng lãnh thổ với sản lượng hơn 10 triệu tấn giấy/năm, APP đứng trong nhóm 10 công ty lớn nhất thế giới trong lĩnh vực sản xuất giấy và bột giấy

2. Ciputra, 80 tuổi - Chủ tịch của Tập đoàn Ciputra Group

Doanh nhân thứ hai được nhắc tới là ông Ciputra, 80 tuổi, Chủ tịch của Tập đoàn Ciputra Group chuyên kinh doanh bất động sản. Với tổng tài sản là 790 triệu USD, ông Ciputra hiện chỉ được xếp ở vị trí thứ 27, song chắc chắn ông lại được nhiều người Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội biết đến. Đơn giản là vì khu đô thị Ciputra (tên tiếng Anh là Ciputra Hanoi International Development) là dự án đầu tư của Tập đoàn Ciputra tại Hà Nội. Đây cũng là dự án đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Ciputra. Ngoài ra, Ciputra còn có các dự án bất động sản ở Ấn Độ, Campuchia và sắp tới là Trung Quốc

Riêng về lĩnh vực bất động sản ở Indonesia, Ciputra là thương hiệu khá nổi tiếng

Ciputra có 3 công ty con là PT Ciputra Development, PT Properrty và PT Surya. Ciputra còn có cái khác người là có cả một trường đại học mang tên Ciputra

3. Aburizal Bakrie, 64 tuổi – Sở hữu 8 công ty con niêm yết tại Sở GDCK Jakarta

Doanh nhân thứ ba nổi đình đám nhất trong giới kinh doanh Indonesia hiện nay không ai khác, chính là tỷ phú Aburizal Bakrie, 64 tuổi. Theo nhiều nhà phân tích, tuy hiện chỉ đứng ở vị trí thứ 5 với tổng tài sản 3,9 tỷ USD, song ông Aburizal Bakrie đang có nhiều khả năng sẽ chiếm được ngôi vị số 1 của ông Eka Tjita Widjaja trong tương lai không xa

Ông Drajad Wibowo, một chuyên gia kinh tế, thành viên Ủy ban Tài chính của Hạ viện Indonesia cho rằng, ông Aburizal Bakrie đang hội đủ mọi yếu tố để có thể trở thành tỷ phú giàu nhất nước

Thứ nhất, ông cũng sở hữu một đế chế hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực: từ khai thác than, khoáng sản đến bất động sản, viễn thông...

Thứ ba, ông lại giỏi làm chính trị, có nhiều mối quan hệ ra tiền. Ông hiện đang giữ chức Chủ tịch Đảng Golkar (nhiệm kỳ 2004- 2014). Golkar từng là đảng cầm quyền nhiều năm ở Indonesia. Năm 2014, ông còn dự định sẽ ra tranh cử tổng thống

Còn Bakrie Group đang nắm 1 kỷ lục mà khó tập đoàn kinh tế nào của Indonesia theo nổi. Đó là cùng lúc có tới 8 công ty con niêm yết tại Sở GDCK Jakarta

Đó là Bumi Resources (tập đoàn khai thác than lớn nhất nước), Bumi Resources Minerals (khai thác khoáng sản, trừ than), Bakrie & Brothers (kinh doanh đa ngành), Bakrie Sumatera Plantation (nông, lâm nghiệp), Energi Mesa Persada (năng lượng), Bakrieland Development (kinh doanh bất động sản và hạ tầng), Bakrie Telecom (viễn thông) và Darma Henwa (cung cấp các dịch vụ cho lĩnh vực khai thác khoáng sản và năng lượng

Vào thời kỳ đỉnh điểm (tháng 11/2008), giá trị vốn hóa thị trường của 8 công ty thành viên của Bakrie Group chiếm tới 30% giá trị vốn hóa của toàn thị trường chứng khoán Indonesia

Tờ Globe Asia còn đưa ra một lời bình luận rằng, nếu nhà đầu tư Indonesia nào còn cảm thấy thiêu thiếu với bộ sưu tập cổ phiếu của Bakrie Group, thì xin vui lòng chờ trong quý III và chậm nhất là qúy IV năm nay, một công ty con nữa Bakrie Group sẽ chào sàn. Theo thông tin sơ bộ, Viva Media Baru, một công ty con của Bakrie Group đang làm mọi thủ tục cần thiết để sớm thực hiện việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với trị giá ước tính 1.000 tỷ rupiah (tương đương 113 triệu USD) tại Sở GDCK Jakarta
 
Last edited:
Chân dung vị Hoàng thân trác táng hoang phí nhất hành tinh
Sắm hơn 2000 xe hơi, 5 khách sạn năm sao, 8 chiếc máy bay. Không những thế, với 5 bà vợ, 40 bồ, 18 đứa con và Jefri Bolkiah gây choáng với vụ kiện bắt cựu Hoa hậu Mỹ làm nô lệ tình dục...

Hoàng thân Jefri Bolkiah, em trai của Quốc vương Hassanal Bolkiah, Brunei nổi tiếng khắp thế giới bởi sự giàu có cũng như khả năng đốt tiền của mình. Vị Hoàng thân này đã sắm cho mình hơn 2000 chiếc xe hơi, 5 khách sạn năm sao, 8 chiếc máy bay cùng vô số tài sản nữa chỉ để thỏa mãn sở thích tức thời của mình. Không những thế, Jefri Bolkiah cũng có đời sống hậu cung vô cùng “hoành tráng” với 5 bà vợ, 40 bồ nhí, 18 đứa con và gây choáng váng với vụ kiện tụng bắt cựu Hoa hậu Mỹ làm nô lệ tình dục...

1. Bị kết tội đánh cắp hơn 14 tỉ USD tiền công quỹ, buộc phải sử dụng tài sản cá nhân để đền bù những khoản chi tiêu sai trái – vụ việc đã khiến Jefri Bolkiah, vị Hoàng thân của đất nước Brunei “nổi như cồn” khắp thế giới. Nhưng, đáng ngạc nhiên hơn khi từ vụ việc đó, người ta khám phá ra một chân dung mới của vị Hoàng thân này với mức độ ăn chơi bậc nhất hành tinh cùng sự phóng khoáng có một không hai của mình

Jefri Bolkiah là con trai út của dòng họ Bolkiah, em trai của Quốc vương Hassanal Bolkiah. Trong thời gian từ năm 1986 đến năm 1998, Hoàng thân Jefri được giao trọng trách đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Tài chính Brunei

Cùng với chức vụ đó, vị Hoàng thân này còn giữ chức vụ Chủ tịch Cơ quan đầu tư Brunei (viết tắt là BIA). Quyền lực của Jefri dường như là tất yếu bởi với vị thế là Hoàng thân của đất nước, em trai của Quốc vương đương đại thì chuyện trở thành người nắm quyền quan trọng nhất về kinh tế của quốc gia giàu có này là đương nhiên. Chỉ đến thời điểm của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997, khi Quốc vương Hassanal Bolkiah quyết định thuê kiểm toán độc lập đến kiểm tra một cách đột ngột sổ sách của cơ quan đầu tư Brunei, nơi Jefri đang nắm quyền Chủ tịch thì một sự thật khủng khiếp mới được hé lộ

Theo những gì mà cơ quan kiểm toán này báo cáo thì Hoàng thân Jefri đã làm bốc hơi 14,8 tỉ USD tài sản quốc gia, một số tài liệu còn nói rằng con số này lên đến 16 tỉ USD. Thông tin được đưa ra khiến cho toàn thể nhân nhân Brunei cũng như người dân trên thế giới phải “choáng váng”. Đến cả các chuyên gia kinh tế và những ông trùm tiền bạc cũng phải “lắc đầu bó tay” vì không hiểu vị Hoàng thân xứ xở nhỏ bé này đã làm gì để có thể “tiêu tán” được số tiền khổng lồ như vậy. Và câu chuyện về tay chơi bậc nhất thế giới dần được hé lộ

2. Chuyện mạnh tay vung tiền của những ông hoàng, bà chúa đất nước Brunei không phải là quá xa lạ. Đất nước Brunei với diện tích khiêm tốn song lại sở hữu những nguồn thu kếch xù từ dầu mỏ, khí đốt. Truyền thống xài hoang thể hiện ngay từ Quốc vương Hassanal Bolkiah, một trong những người giàu có nhất thế giới

Ông Vua của Vương quốc Brunei, Hassanal Bolkiah, sở hữu bộ sưu tập xe hơi trị giá 6 tỉ USD với 6000 chiếc xe. Đây được đánh giá là bộ sưu tập xe khủng nhất thế giới. Quốc vương Hassanal còn từng yêu cầu ngôi sao ca nhạc Michael Jackson hát vào ngày sinh nhật thứ 50 của mình hay tặng một chiếc Airbus cho con gái nhân dịp sinh nhật lần thứ mười tám của mình

Thế nhưng, sự xa hoa của vị anh cả giàu có bậc nhất thế giới này có vẻ chưa hề thấm tháp gì so với mức độ chịu chơi của người em út, Hoàng thân Jefri. Jefri được mệnh danh là Hoàng thân tay chơi với tài năng phá của “phi phàm”

Trong hơn 10 năm liền, Jefri “chỉ tiêu” 700.000 USD mỗi ngày. Riêng về phương tiện đi lại, ông đã sắm 2.300 xe hơi, chủ yếu là các siêu xe bậc nhất thế giới như Bentley, Ferrari và Rolls-Royce. Số máy bay riêng mà Hoàng thân “tự thưởng” cho mình là 8 chiếc, bao gồm cả một chiếc Boeing 747. Đó là chưa kể 5 chiếc du thuyền, trong đó có một chiếc là siêu du thuyền. Jefri cũng được biết đến với sở thích về kim cương

Vị Hoàng thân này còn nổi tiếng bởi việc mua kim cương như mua rau ở chợ. Trong số tài sản mà ông phải nộp lại cho nhà nước Brunei sau khi phát hiện việc ăn chơi vô độ có năm viên kim cương, mỗi viên trị giá khoảng 200 triệu USD. Jefri rất thích trang sức của hãng Asprey, hãng trang sức nổi tiếng của Anh chuyên sản xuất đồ trang sức cho Hoàng gia Anh

Và vị Hoàng thân này đã không ngần ngại bỏ ra 385 triệu USD, giá đắt gấp đôi giá thị trường để sở hữu luôn hãng trang sức này rồi yêu cầu Asprey chỉ sản xuất riêng những mẫu mã trang sức mà ông ưa thích. Bốn năm sau, ông bán lại nó với giá không đến một nửa giá mua. Chuyện “thích” mua đắt bán lỗ này của Hoàng thân Jefri còn được thể hiện rõ qua phi vụ mua đứt câu lạc bộ Playboy tại London với giá 34 triệu USD

Cái giá mà ông hoàng này “hứng chí” trả cao gấp bốn lần so với giá thị trường. Về bất động sản, ông hoàng Jefri có thú vui sưu tập các khách sạn… 5 sao trên toàn thế giới, đặc biệt là ở New York, Paris, London… Và như một phần tất yếu, ông phải trang hoàng cho những phòng ốc yêu quý của mình với 7 triệu USD tiền mua thảm dát vàng

3. Đặc biệt, trong các khoản tiêu xài như nước lũ của Jefri thì có một khoản tiền lớn được dành vào tình dục. Ông hoàng của đất nước Brunei rất thích tình dục. Ông có một đời sống hậu cung vô cùng hoành tráng được so sánh với vua chúa Trung Hoa năm xưa với 5 bà vợ, 40 bồ nhí, 18 đứa con và vô số mối quan hệ bên ngoài không thể kể hết. Người ta thấy, vị Hoàng thân thay người tình như thay áo và luôn tặng cho người tình của mình những món đồ quý giá cùng rất nhiều tiền

Xung quanh Hoàng thân luôn có những người đẹp tóc vàng đầy quyến rũ. Không những vậy, Jefri còn sẵn sàng chi trả rất nhiều tiền cho những thứ liên quan đến tình dục như một sở thích lớn của mình. Jefri đã chi 1,3 triệu USD chỉ để mua những cây bút chạm trổ các hình ảnh gợi dục.

Ông bỏ ra 10 triệu USD để mua 8 đồng hồ đeo tay có khắc hình các đôi nam nữ đang làm tình. Jefri cũng từng dính vào một vụ lao lí về tình ái khi cựu Hoa hậu Mỹ sau một thời gian đến chơi tại cung điện gần 1800 phòng của Jefri đã kiện vị Hoàng thân này vì tội lạm dụng tình dục. Và ông chỉ thoát vụ tố tụng tại Mỹ nhờ vào quyền miễn trừ ngoại giao của mình

Nhưng tai tiếng và khiến Jefri khốn đốn nhất chính là việc ông đã thuê một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới để làm 6 bức tượng sống động to bằng người thật, mô tả bản thân cùng người tình đang làm chuyện phòng the với giá 800.000 USD

Những bức tượng tình dục to bằng người thật này sau đó khiến Jefri mất thêm một số tiền lớn nữa nhằm không giữ cho hình ảnh về chúng không bị phát tán. Chuyện “tay chơi” của Hoàng thân Jefri gần như trở thành một huyền thoại với rất nhiều các kì tích khác như trả lương cho huấn luyện viên cầu lông với số tiền là 1,5 triệu USD. Hay lời kêu ca phàn nàn rằng 300.000 USD không đủ sống một tháng

Chuyện là khi bị phát hiện ra việc chi sai mục đích số tiền hơn 14 tỉ USD ngân sách nhà nước, Quốc vương Brunei, Hassanal Bolkiah đã yêu cầu Jefri mang tài sản cá nhân ra để đền bù. Đổi lại, Jefri sẽ được nhà nước trợ cấp mỗi tháng số tiền là 300.000 USD. Khi nhận được đề nghị này, Jefri đã phát biểu rằng bản thân mình phải cần ít nhất 500.000 USD mỗi tháng mới “đủ” sống

Và sau khi nộp tài sản lại cho nhà nước, người ta vẫn thấy Jefri sống một cách hào nhoáng, giàu có, không hề thay đổi. Ai cũng băn khoăn, không biết ông hoàng này giàu có đến mức độ nào cũng như những khoản tiền khổng lồ của ông từ đâu ra. Đây cũng chính là nguyên nhân cho cuộc chiến pháp lý kéo dài hơn 10 năm giữa Quốc vương Brunei với Jefri.

4. Mặc dù được mệnh danh là tay chơi song Jefri cũng có những điểm nổi bật rất riêng của mình. Jefri không chỉ hào phóng chi tiêu cho riêng mình, mà còn cho cả người khác, đặc biệt với những người ở Công ty Amedeo của ông. Mọi thành viên của Công ty đều nhận xét rằng Jefri đối xử rất tốt với mọi người. Đặc điểm xấu nhất của ông chính là tiêu tiền không tốt. Một người lái xe cho Công ty nói rằng nếu như bạn đưa cho Jefri một cái ốc vít rồi bảo nó trị giá 2000 USD, Jefri cũng sẽ tin và nếu thích sẵn sàng bỏ tiền ra mua. Bản thân Jefri cũng đã xây dựng được nhiều công trình có ý nghĩa với người dân Brunei

Ông đã tạo dựng Trung tâm y tế với độ ngũ bác sĩ người châu Âu và các trang thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới để phục vụ miễn phí toàn thể nhân dân. Jefri xây dựng một trường học quốc tế dành học sinh Brunei và không có một đồng tiền học phí nào phải đóng. Để giải quyết tình trạng thiếu điện, Jefri đã cho xây một nhà máy điện trị giá hơn 600 triệu USD. Jefri có một trang trại tại Australia mà diện tích còn lớn hơn cả đất nước Brunei. Ở đó, Jefri tổ chức chăn nuôi bò và cung cấp miễn phí cho toàn nhân dân

5. Tuy nhiên, chính sự phóng khoáng một cách vô lối của Jefri mà ông đã gây ra rất nhiều thất bại trong kinh doanh và những tính toán lỗ lãi hài hước. Điển hình cho sự tính toán đầy buồn cười của Jefri chính là việc ông đã bỏ ra 60 triệu USD để theo đuổi một vụ kiện nhằm lấy lại 7 triệu USD. Sau khi buộc phải mang tài sản cá nhân của mình để bồi thường lại khoản tiền khổng lồ mà mình đã làm bốc hơi khỏi quỹ đầu tư quốc gia, Jefri đệ đơn kiện hai cựu cố vấn tài chính của mình là Thomas Derbyshire cùng vợ là Faith Zaman

Theo Jefri, hai người này đã lừa gạt ông và bán biệt thư 23 phòng của mình chỉ với giá có 11 triệu USD trong khi giá thị trường cao hơn thế nhiều và ông ước tính mình đã mất khoảng 7 triệu USD

Hoàng thân Jefri quyết tâm đòi lại số tiền này bằng việc theo đuổi một vụ kiện tài chính. Tuy nhiên, ngay trước khi phiên tòa bắt đầu thì hình ảnh của những bức tượng tình dục mà ông đã từng bỏ ra 800.000 USD để làm xuất hiện đầy rẫy trên các báo chí và nhanh chóng lan tới cả Tòa án. Jefri vội vàng tung tiền loạn xạ để nhằm ngăn chặn việc những bức tượng có thể khiến ông bị những cái nhìn sai lệch của Tòa án xuất hiện tại phiên tòa

Ở trận chiến này, Jefri đã thành công. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc Jefri thắng ở phiên tòa đòi 7 tỷ của mình. Trong phán quyết cuối cùng của Tòa án, Jefri phải trả cho hai vợ chồng cố vấn tài chính 21 triệu USD. Theo một tính toán thì cộng cả số tiền phải trả cho bị đơn và các án phí, Jefri đã tiêu tốn hết 81 triệu USD cho vụ kiện “vô bổ” này. Với tất cả những thành tích ăn chơi của mình, Jefri quả thực rất xứng đáng với biệt danh là vị Hoàng thân tiêu xài hoang phí bậc nhất hành tinh
 
Last edited:
Các quỹ đầu tư tư nhân đặt cược vào Indonesia

Nếu như những năm 2005-2006, không ai muốn nghe và đầu tư vào Indonesia, thì giờ đây quốc đảo này đang được ví như trung tâm của thế giới mới nổi

Các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân (quỹ PE) đang chú ý tới một thị trường mới nổi, nhiều hứa hẹn và cũng rất phức tạp: Indonesia

Northstar Pacific Partners, một đối tác địa phương của quỹ đầu tư TPG Capital, đã kêu gọi được 800 triệu USD trong năm ngoái để đầu tư vào các công ty Indonesia. Những tên tuổi lớn khác, như Starwood Capital Group và KKR & Co, cũng đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào đất nước này

Trong khi đó, một quỹ đầu tư PE nội địa cũng đang kì vọng nhận được hơn 1 tỷ USD ủy thác đầu tư trong năm nay

Quốc đảo này trong nhiều năm qua được coi là “vũng nước đọng” của các giao dịch PE, đặc biệt là sau khi các nhà đầu tư nhẵn túi sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990, rời khỏi Indonesia trong tình trạng suy sụp

Sandiaga Uno, thành viên sáng lập của một trong những quỹ PE đầu tiên tại Indonesia, Saratoga Capital cho biết: “Quay lại thời kì chúng tôi lần đầu tiên huy động vốn vào những năm 2005-2006, không ai muốn nghe về Indonesia. Nhưng bây giờ như thể Indonesia là trung tâm của thế giới vậy"

Quỹ này, hiện quản lý 3 tỷ USD tài sản ở Indonesia, đang cố gắng để huy động thêm 400 triệu USD đầu tư vào quốc gia này. Ông Uno từ chối tiết lộ về tiến độ huy động vốn cho tới nay

Trong khi vẫn còn những rào cản trong quá trình tìm kiếm cơ hội và chốt giao dịch tại Indonesia, như hệ thống quy định phức tạp, lịch sử của tham nhũng và các công ty gia đình lớn đang kiểm soát phần lớn nền kinh tế thì mức tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế này cho thấy nhiều quỹ đang muốn thử trở lại Indonesia

Theo tổng hợp của Dealogic, trong năm 2011 đã có tới 650 triệu USD giao dịch đầu tư PE được hoàn tất. Mặc dù số tiền đó vẫn thấp hơn so với năm trước - khi CVC Capital Partners, một trong những quỹ PE lớn nhất thế giới, mua lại chuỗi cửa hàng của Matahari Putra Prima với gần 800 triệu USD- các nhà phân tích vẫn cho rằng số giao dịch trung bình hàng năm của các quỹ PE tại Indonesia có thể lên tới 1 tỷ USD trong vài năm tới

Với một chính phủ mới ổn định, nguồn tài nguyên dồi dào, và dân số lớn thứ tư thế giới chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, quốc gia Đông Nam Á này đang bắt đầu thu hút nguồn đầu tư dài hạn vào các công ty, nhà máy và đường sá.

Trong năm 2011, một lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức kỷ lục 20 tỷ USD đã đổ vào các ngành công nghiệp tự động, viễn thông, khai thác mỏ. Indonesia năm ngoái ghi nhận tăng trưởng kinh tế lớn nhất trong 15 năm qua, ở mức 6,5%. Trong khi đó, hãng xếp hạng Moody’s gần đây đã nâng mức xếp hạng của nước này lên nhóm “có thể đầu tư”, đưa Indonesia trở lại tầm ngắm của các nhà đầu tư.

Trong khi rõ ràng là nền kinh tế Indonesia đang cần thêm vốn, hầu hết các công ty hàng đầu của nước này được kiểm soát bởi chính phủ hoặc các gia đình giàu có bản địa khiến quá trình tư nhân hóa nền kinh tế bị trì hoãn

Trong số các giao dịch đang bàn thảo, các nhà đầu tư vẫn có nhiều lo ngại về tình hình tham nhũng từ xưa trong một hệ thống pháp luật mập mờ, khi mà gần đây nước này đã xếp hạng 100/183 quốc gia trong một điều tra về tỷ lệ tham nhũng

Môi trường pháp lý phức tạp của Indonesia cũng làm khó các nhà đầu tư khi đặt cược vào thị trường này

Theo dự báo của các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư PE, các ngành khai mỏ, hàng tiêu dùng, xây dựng cơ sở hạ tầng và tài chính sẽ là các lĩnh vực hứa hẹn cho các giao dịch PE
 
Last edited:
Hơn 90% người giàu càng giàu hơn

Hơn 90% số người giàu của đất nước vạn đảo Indonesia đã trở nên giàu hơn trong năm 2011 cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế và giá hàng hóa

Tạp chí kinh doanh The GlobeAsia vừa công bố danh sách 150 người giàu nhất Indonesia, trong đó cho biết trên 90% số người giàu của đất nước vạn đảo đã trở nên giàu hơn trong năm 2011 cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế và giá hàng hóa

The GlobeAsia, một ấn phẩm song hành cùng tờ The Jakarta Globe, số ra tháng 6/2012 đã xếp hạng 150 người giàu nhất Indonesia, đứng đầu là Chủ tịch Tập đoàn Sinar Mas - Eka Tjipta Widjaja với tổng giá trị tài sản là 12,5 tỷ USD, tăng 500 triệu USD so với năm 2011

Tập đoàn gia đình Sinar Mas sở hữu công ty sản xuất giấy-bột giấy lớn thứ tư thế giới và công ty đồn điền trồng cọ dầu lớn thứ năm thế giới

Trong danh sách năm nay của The GlobeAsia có 24 tỷ phú USD, trong đó phần lớn là các doanh nhân hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là than đá và dầu cọ

Chẳng hạn, trong số này có tỷ phú AHK Hamami, 76 tuổi, người sáng lập Công ty thiết bị nặng Trakindo Utama, song đóng góp chủ yếu vào tài sản của ông là Công ty than-năng lượng ABM Investama

Đáng chú ý là trong nhóm các tỷ phú còn có các ông trùm truyền thông, như Hary Tanoesoedibjo, người đã gây dựng Global Mediacom trở thành công ty truyền thông lớn nhất Indonesia, có giá cổ phiếu tăng mạnh 120% trong năm 2011

Hay hai anh em Eddy và Fofo Sariaatmadja, chủ sở hữu Kênh truyền hình Surya Citra Televisi (SCTV), có tài sản tăng vọt nhờ giá cổ phiếu tăng tới 200% trong cùng kỳ

Giới chuyên gia nhận định, với một tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh, chi tiêu quảng cáo là tăng mạnh từ 20% đến 25% hàng năm, sự bùng nổ các công ty truyền thông ở Indonesia là tất yếu, và xu hướng này cũng sẽ diễn ra trong các lĩnh vực khác liên quan đến người tiêu dùng trong nước như bất động sản, dịch vụ bán lẻ và tài chính
 
Last edited:
Indonesia phát triển 7 ngành công nghiệp mũi nhọn​

Chính phủ Indonesia vừa xác định sẽ dành ưu tiên cho bảy ngành công nghiệp trong kế hoạch phát triển dài hạn khi triển khai

Chính phủ Indonesia vừa xác định sẽ dành ưu tiên cho 7 ngành công nghiệp, bao gồm đóng tàu, chế tạo, phân bón, hóa dầu, thép, đường, ngành công nghiệp vừa và nhỏ trong kế hoạch phát triển dài hạn khi triển khai "Chương trình tăng tốc và mở rộng phát triển kinh tế" (MP3EI) tới năm 2025

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nhấn mạnh 7 ngành nói trên là những ngành quan trọng nhất đem lại sự phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường lao động và phát triển cơ sở hạ tầng tại 6 hành lang kinh tế trong khuôn khổ MP3EI

Đồng thời những ngành này sẽ bảo đảm sự phát triển đồng đều trong cả nước và là tiền đề để hoàn thành mục tiêu đưa Indonesia trở thành một trong 5 nền kinh tế đứng đầu thế giới vào năm 2025

Tổng thống Yudhoyono đặc biệt lưu ý tầm quan trọng của việc phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, nhất là cho hậu cần và thương mại nội địa, bởi Indonesia là một quốc gia trên 17.000 hòn đảo

Chính phủ cũng đã xem xét các mục tiêu phát triển ngắn hạn, trong đó dự kiến kế hoạch ngân sách cho năm 2013 và năm 2014, nhằm đảm bảo đạt nhịp độ tăng trưởng 7%/năm, trong đó đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân có thể chiếm tới 85%

Tổng thống Yudhoyono đã yêu cầu chính phủ tăng cường cải tổ cơ cấu, hiệu quả, năng lực hoạt động và nâng cao sự đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước cho nền kinh tế quốc dân, nhất là cho chương trình MP3EI

Theo cơ quan Thống kê Quốc gia (BSP) Indonesia, kinh tế nước này đã tăng trưởng 6,5% trong năm 2011, và 6,3% trong quý I năm 2012
 
Nguồn gốc của tiền tệ và công cuộc giải cứu đồng euro
Nhìn vào quá khứ của đồng euro và xa hơn nữa là nguồn gốc của tiền tệ cũng có thể là một cách để tìm ra lối đi cho đồng tiền chung châu Âu

Thật khó để có thể xác định đồng euro đang đi về đâu. Lợi suất trái phiếu Tây Ban Nha liên tục tăng cao và điều này có nghĩa là các khoản nợ của Madrid ngày càng không bền vững

Cho đến nay, vẫn chưa có bất cứ kế hoạch rõ ràng nào được đưa ra để cứu đồng euro và dường như các ý tưởng mới đã cạn kiệt trong khi các ý tưởng trước đó đang lâm vào bế tắc. Tuy nhiên, nhìn vào quá khứ của đồng euro và xa hơn nữa là nhìn về nguồn gốc của tiền tệ cũng có thể là một cách để tìm ra lối đi cho đồng tiền chung

Có 2 học thuyết nổi bật đưa ra các giả thiết về nguồn gốc của tiền tệ. Học thuyết đầu tiên được đưa ra cách đây 120 năm trong công trình nghiên cứu mang tên “On the Origin of Money” (tạm dịch: Nguồn gốc của tiền tệ) được thực hiện bởi nhà kinh tế học người Áo Karl Menger

Theo học thuyết của Menger, người mua và người bán thỏa thuận sẽ sử dụng một thứ hàng hóa chung để trao đổi. Những thứ nhỏ bé nhưng có giá trị và dễ dàng chia nhỏ là lựa chọn tốt nhất. Vàng, gia vị và vỏ sò là những thứ tiêu biểu cho điều này. Thứ tiền tệ đó cũng phải được tất cả mọi người chấp nhận

Như vậy, trong học thuyết của Menger không hề có vai trò của Chính phủ. Tiền tệ ra đời là phản ứng được thị trường dẫn dắt, trong đó khu vực tư nhân tự định hình và sử dụng tiền tệ như một giải pháp giảm thiểu chi phí giao dịch

Ở chiều ngược lại, học thuyết thứ 2 nhấn mạnh hơn vai trò của Chính phủ, được nhà kinh tế học Charles Goodhart giải thích trong một nghiên cứu thực hiện vào năm 1998. Học thuyết này cho rằng tiền tệ ra đời là do sự can thiệp của chính phủ. Chính phủ tạo ra các sở đúc tiền để sản xuất tiền xu, yêu cầu thuế phải được nộp vào kho bạc nhà nước và hình ảnh của chính phủ cũng được in trên các tờ giấy bạc

Trong khi học thuyết của Karl Menger nhận được sự ủng hộ của các nhà kinh tế học hàng đầu, học thuyết của Charles Goodhart cũng được củng cố mạnh mẽ bởi các nhà nhân loại học và các nhà sử học

Trở lại với đồng euro, điều này có ý nghĩa như thế nào với đồng tiền chung của khối 17 nước ? Trong nghiên cứu, Charles Goodhart cho rằng mối liên hệ quan trọng nhất trong học thuyết của ông chính là mối quan hê giữa một bên là các thể chế chính trị và chính sách tài khóa với một bên là chu trình tạo ra tiền trong đó có ngân hàng trung ương

Theo đó, vấn đề nổi cộm nhất trong hệ thống đồng tiền chung châu Âu chính là mối liên hệ đó đã bị suy yếu. Rõ ràng là hệ thống tiền tệ và các cơ quan quyết định chính sách tài khóa đang bị tách đôi và không còn gắn kết với nhau. Sự rời rạc này chắc chắn sẽ gây ra những tác dụng phụ không thể lường trước được đối với đồng euro

Cuối cùng, theo logic, chúng ta có thể rút ra một kết luận không có gì là mới mẻ: eurozone cần đến sự gắn kết tài khóa chặt chẽ hơn nữa. Tuy nhiên, lí do đưa ra kết luận này hoàn toàn khác. Nguyên nhân không phải là vì sự hoang phí của Hy Lạp hay Tây Ban Nha đã phá hủy kế hoạch mà chính là sự rời rạc giữa tài khóa và tiền tệ
 
Last edited:
Kinh tế Indonesia sẽ 'vượt mặt' Anh, Đức ?

Với hành động "mở xích" cho sự năng động của toàn nền kinh tế, nước này có thể vươn lên vị trí thứ 7 thế giới vào năm 2030, vượt Đức và Vương quốc Anh, hai thành viên của nhóm G-7 gồm các nền kinh tế hàng đầu thế giới

Khi nghĩ về Indonesia ngày nay, hầu hết mọi người nghĩ về những bãi biển và đền thờ hoặc về các thành phố đông đúc nổi tiếng của quốc đảo này, nhưng đất nước của 240 triệu dân này có nền kinh tế hiện đại, đa dạng và năng động hơn nhiều so với những gì các nhà đầu tư và các công ty quốc tế nhìn nhận

Để khai thác được nhiều nhất tiềm năng khổng lồ của Indonesia, họ sẽ cần thay đổi cách nghĩ về quốc đảo này - bắt đầu từ việc sửa lại 5 quan điểm nhầm lẫn sau

Nền kinh tế bất ổn

Không đúng. Còn xa mới là bất ổn, Indonesia đang tăng trưởng bền vững với tỷ lệ ấn tượng 4 - 6% trong vòng 10 năm qua, không bấp bênh như các nền kinh tế Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc hay bất kỳ nước phát triển nào khác. Nợ công của Indonesia đã giảm 70% trong chỉ một thập kỷ và hiện ở mức thấp hơn nhiều so với con số 85% của các nền kinh tế phát triển

Lạm phát, từng ở mức trên 30% cách đây 10 năm, giờ dừng lại ở mức 8%, tương đương với con số này ở các nền kinh tế chín muồi hơn như Nam Phi hay Thổ Nhĩ Kỳ. Quản lý kinh tế của Indonesia cũng đã có tiến bộ đáng kể. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã xếp nước này ở vị trí 25 trong số 139 quốc gia ổn định kinh tế vĩ mô năm 2012, cao hơn rất nhiều so với vị trí 89 hồi năm 2007. Để so sánh, Brazil xếp thứ 62 và Ấn Độ ở thứ 99

Không có gì xảy ra ngoài Jakarta

Không còn đúng nữa. Thành phố thủ đô của Indonesia đóng góp 1/4 vào GDP của quốc đảo này. Nhưng vai trò chủ đạo của Jakarta đang giảm dần. Một số lượng lớn các thành phố cỡ vừa như Bandung và Medan đang tăng trưởng nhanh hơn thủ đô và sẽ là những điểm nóng lớn hơn thu hút các nhà đầu tư và công ty nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội ở Indonesia

Quá trình đô thị hóa đang lan rộng trên khắp các hòn đảo chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh. Đến năm 2030, hơn 70% dân số Indonesia sẽ sống trong các khu vực đô thị, tăng so với 50% hiện nay

Từ năm 2012 - 2030, hơn 30 triệu người dự kiến sẽ chuyển từ nông thôn ra thành thị. Các thành phố với số dân từ 2 - 5 triệu người như Bekasi và Surabaya đang tăng trưởng nhanh nhất và có thể cùng nhau góp 27% vào GDP nước này năm 2030. Đến năm 2030, khoảng 90% các thành phố tăng trưởng nhanh nhất Indonesia sẽ nằm ngoài hòn đảo Java, nơi có Jakarta

Indonesia không có gì ngoài các tài nguyên thiên nhiên

Không đúng nếu nhìn kỹ hơn. Rõ ràng là Indonesia cực kỳ giàu tài nguyên thiên nhiên. Đây là nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, xuất khẩu than đá lớn thứ hai thế giới, và sản xuất cacao và thiếc lớn thứ hai thế giới. Nước này có trữ lượng nickel và bauxite lớn thứ tư và thứ bảy thế giới. Indonesia cũng có nhiều nguồn tài nguyên địa nhiệt nhất thế giới

Và tất nhiên, quốc đảo này cũng giàu tài nguyên dầu thô và khí tự nhiên. Nhưng dầu và khí chỉ chiếm 11% GDP - tương đương với mức ở Nga. Trên thực tế, Indonesia là nước nhập khẩu dầu ròng từ năm 2004. Có thể hơi ngạc nhiên đối với các nhà quan sát khi một nửa GDP nước này đến từ các lĩnh vực dịch vụ như dịch vụ tài chính (đặc biệt là tiết kiệm và đầu tư), bán lẻ và viễn thông. Indonesia cũng là nhà sử dụng Facebook lớn thứ tư thế giới - một mảnh đất đầy hứa hẹn đối với phát triển thương mại điện tử

Một con hổ châu Á điển hình

Sai. Nền kinh tế Indonesia không dựa vào xuất khẩu - một đặc trưng lớn của hầu hết các con hổ châu Á. Xuất khẩu của Indonesia chỉ góp 35% GDP, và nếu trừ xuất khẩu hàng hóa, thì chỉ còn 16%. Ngược lại, tiêu dùng nội địa mới là động lực chính của nền kinh tế nước này

Với một tỷ lệ tăng dân số 5 - 6%, cho tới năm 2030, mỗi năm có thêm 90 triệu người tham gia "tầng lớp tiêu dùng". (Người tiêu dùng là những cá nhân kiếm được 10 USD/ngày, có đủ tiền để sử dụng tùy ý, không chỉ dùng vào các nhu cầu thiết yếu)

Tỷ lệ tăng người tiêu dùng như vậy nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác trên thế giới, không kể Ấn Độ và Trung Quốc, và chính là bằng chứng cho thấy cơ hội phát triển thị trường mà Indonesia mở ra. Tỷ lệ người tiêu dùng ngày càng tăng sẽ thúc đẩy các thị trường nội địa, từ đó thúc đẩy tăng trưởng dài hạn

Chính người tiêu dùng trong nước là "cái khiên" bảo vệ nền kinh tế Indonesia tránh khỏi những rối loạn của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và suy thoái toàn cầu gần đây. Tăng trưởng dựa trên phát triển lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng sẽ đảm bảo rằng nền kinh tế Indonesia không dễ bị tổn thương trước các cú sốc trong tương lai

Tăng dân số là bí mật của sự nổi lên của nền kinh tế

Đúng và không đúng. Indonesia trên thực tế có dân số trẻ và đang phát triển, có thể lên tới 280 triệu người vào năm 2030 từ mức 240 triệu hiện nay. Và nhân khẩu học góp 2,4% cho tăng trưởng của toàn nền kinh tế đến năm 2030. Nhưng không phải dân số là động lực của tăng trưởng ở Indonesia, mà sản lượng mới đóng vai trò này

Trong 20 năm trở lại đây, sản lượng lao động tăng đã tạo ra hơn 60% tăng trưởng kinh tế, với phần đóng góp lớn nhất đến từ lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, thiết bị vận tải và đồ dùng thí nghiệm khoa học, cũng như vận tải và viễn thông. Ngược lại với hiểu biết thông thường rằng sản lượng tăng ảnh hưởng tới việc tuyển dụng nhân công, ở Indonesia cả hai mặt này đều tăng 35 năm trong vòng 51 năm qua

Để đạt được các tham vọng của chính phủ là tăng trưởng hàng năm 7%, Indonesia cần làm nhiều hơn những gì đã làm được trong quá khứ. Sản lượng cần tăng 60%, hơn mức đã đạt được từ năm 2000. Đây là thách thức nhưng có thể đạt được

Nếu Indonesia thúc đẩy sản lượng và dỡ bỏ các hàng rào ngăn chặn tăng sản lượng và tăng trưởng trong ba lĩnh vực chính - dịch vụ tiêu dùng, nông nghiệp và tài nguyên - và tăng kỹ năng của toàn nền kinh tế, thì họ có thể thúc đẩy tăng trưởng và tặng cho các nhà đầu tư nước ngoài một cơ hội thị trường trị giá 1.800 tỷ USD vào năm 2030

Indonesia đang ở một thời điểm quan trọng. Nền kinh tế nước này đã phát triển ấn tượng hơn trong thập kỷ qua so với nhiều nước khác - và so với chính nó. Nhưng để dựa trên thành quả này, Indonesia sẽ cần phát triển sản lượng trong các lĩnh vực chìa khóa của nền kinh tế

Ngày nay, nền kinh tế quốc đảo này đang đứng thứ 16 thế giới, nhưng với hành động "mở xích" cho sự năng động của toàn nền kinh tế, nước này có thể vươn lên vị trí thứ 7 thế giới vào năm 2030, vượt Đức và Vương quốc Anh, hai thành viên của nhóm G-7 gồm các nền kinh tế hàng đầu thế giới

Châu Giang
 
Last edited:
Châu Á có thể cứu thế giới khỏi suy thoái

Châu Á vẫn tăng trưởng khá cao trong bối cảnh suy thoái toàn cầu và tiếp tục duy trì đà này bất chấp phải chịu nhiều tác động bất lợi

Ngày 6/11, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 9 (ASEM-9), đang diễn ra tại Vientiane, Lào, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã nhấn mạnh vai trò lớn của châu Á như một động cơ của tăng trưởng kinh tế để cứu thế giới khỏi suy thoái kinh tế

Tổng thống Yudhoyono nêu rõ rằng kinh tế châu Á đã đạt mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, và tiếp tục duy trì được đà này trước những tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, hiện vẫn chưa rõ khi nào sẽ kết thúc

Ông Yudhoyono tin tưởng với những kinh nghiệm và bài học rút ra từ việc khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế trong thập kỷ trước, châu Á hoàn toàn có thể đối phó được với cuộc khủng hoảng hiện nay để không xảy ra suy thoái kinh tế trên toàn khu vực

Hơn nữa, châu Á vẫn có tiềm năng tiếp tục phát triển khi có nhiều cơ hội đầu tư để khai thác, chẳng hạn như các dự án cơ sở hạ tầng ở Indonesia

Nhân dịp này, ông Yudhoyono đã kêu gọi đầu tư vào các dự án trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể tăng tốc và mở rộng tăng trưởng kinh tế (MP3EI) của Chính phủ Indonesia vì có thể tạo ra nhiều việc làm, thúc đẩy sức mua, không chỉ đem lại lợi ích cho Indonesia mà còn cho cả khu vực cũng như các quốc gia khác thông qua gia tăng thương mại
 
Last edited:
Indonesia có nhiều tỷ phú hơn cả Nhật Bản

- Theo thống kê mới nhất của tạp chí Forbes, Indonesia hiện đã vượt Nhật Bản về số lượng tỷ phú nhờ sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu

Bản bảo cáo trên vừa được tạp chí uy tín của Mỹ công bố hồi tuần này. Theo đó quốc gia Đông Nam Á hiện có đến 32 gia đình và cá nhân là tỷ phú, vượt qua con số 28 tỷ phú của Nhật. Như vậy chỉ trong năm 2012 Indonesia đã có thêm 6 tỷ phú so với mức 26 năm 2011

Trong khi nhiều ông chủ của các tập đoàn than tại quốc đảo này bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm giá than toàn cầu, thì các “ông trùm” ngành bán lẻ, truyền thông, ngân hàng, thực phẩm và thuốc là lại đang phất lên trông thấy

“Điều đặc biệt đáng chú ý đó là tiền của những người có công ty sản xuất hàng hóa cho tầng lớp trung lưu đang tăng trong khi ông chủ các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa khác lại sụt giảm trên bảng xếp hạng”, Justin Doebele, trưởng biên tập của Forbes Indonesia cho biết

Dẫn đầu danh sách các tỷ phú Indonesia hiện là anh em nhà R. Budi và Michael Hartono với tổng tài sản 15 tỷ USD chủ yếu nhờ cổ phần tại ngân hàng Bank Central Asia. Trong Top 5 bảng xếp hạng còn có gia đình Anthony Salim (sở hữu 5,2 tỷ USD), những người đứng sau công ty sản xuất mì ăn liền lớn nhất thế giới Indofood

Trong khi đó rất nhiều “ông trùm” ngành than đang bị “cháy túi”. Tài sản của Low Tuck Kwong, chủ sở hữu công ty Banyan Resources đã bị “bốc hơi” mất gần một nửa xuống 2 tỷ USD. Ứng viên chạy đua chức tổng thống Indonesia Aburizal Bakrie và gia đình đã bị đánh bật khỏi bảng xếp hạng do giá than sụt giảm cũng như tác động của cuộc chiến với HĐQT tại công ty Bumi PLC

Theo Forbes, do Indonesia chưa quy định cụ thể việc công khai tài sản khiến việc dự ước tính gặp khó khăn, nhưng đa phần tài sản của các tỷ phú không mấy bị ảnh hưởng bất chấp khủng hoảng toàn cầu. Ngoài ra, mặc dù số lượng tỷ phú của nước này không nhiều bằng các nước châu Á khác như Trung Quốc (hơn 100 tỷ phú) hay Ấn Độ (50 tỷ phú), lượng tỷ phú tính trên số người dân của nước này lại cao hơn

GDP của Indonesia dự tính sẽ tăng khoảng hơn 6% trong năm nay và cả năm tới. Năm qua nước này đã thu hút lượng FDI cao kỷ lục khi nhiều tập đoàn lớn như Toyota Motor Corp, Nestlé SA và General Electric đều tăng mạnh công suất các nhà máy của họ tại đây

Thanh Tùng
 
Last edited:
Indonesia, công xưởng mới của thế giới

Năm 2006, chính phủ đưa ra một kế hoạch lớn bao gồm giảm thời gian thành lập công ty, hợp lý hóa thủ tục hải quan, thành lập "7 hòn đảo tuyệt vời" mô phỏng theo mô hình đặc khu kinh tế của Trung Quốc

Biển xanh lấp lánh những sợi vàng phản chiếu ánh nắng. Một làn gió nhẹ làm dịu mát không khí. Chẳng còn thiếu gì cho các quan khách của Nikko Resort, khách sạn sang trọng ở bãi biển Bali, tụ họp vào ngày 9/11 cho hội nghị Euro-Indonesia Business Dialogue, một cuộc họp mặt thường niên nhằm kết hợp quan điểm của các nhà đầu tư châu Âu và chính quyền địa phương

Chẳng thiếu thứ gì… hoặc gần như thế: José Manuel Barroso, khách mời danh dự được mong đợi từ phía quan chức địa phương cũng như các giám đốc địa phương của những tập đoàn đa quốc gia châu Âu (Shell, Sanofi, Siemens, L'Oréal, Ikea…) đã không thể có mặt vào giờ chót. Lý do là ông còn phải tham dự hội nghị bàn về ngân sách châu Âu. Bất chấp sự vắng mặt này, các quan khách vẫn thảo luận thật lâu về những lợi thế khi đầu tư vào Indonesia…

Những tên tuổi lớn của công nghiệp châu Âu - và thế giới đang đổ xô đến Indonesia không chỉ vì vẻ đẹp của phong cảnh và tính hiếu khách của người dân. Hiện nay đất nước này ngày càng giống như xưởng máy của thế giới. Từ khi lên nắm chính quyền vào năm 2004, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã trải thảm đỏ mời đón những người mới đến

Năm 2006, chính phủ đưa ra một kế hoạch lớn bao gồm sự giảm thời gian thành lập công ty, hợp lý hóa thủ tục hải quan, thành lập "7 hòn đảo tuyệt vời", tức các khu miễn thuế mô phỏng theo mô hình những đặc khu kinh tế của Trung Quốc

"Trong một vài lĩnh vực sẽ có thêm một số biện pháp miễn thuế phụ trội, chẳng hạn như ngành tinh chế, hóa dầu hay thiết bị viễn thông" - một người biết rõ Indonesia cho biết. Kết quả là các công ty lớn ồ ạt đổ đến quần đảo này, dù là châu Á, Mỹ hay châu Âu

Trong những tháng qua thậm chí trào lưu này còn tăng nhanh hơn, biến Indonesia thành điểm đến thời thượng của các doanh nghiệp thế giới, bị cuốn hút bởi tính ổn định chính trị và sự bùng nổ kinh tế, sự phong phú của tài nguyên thiên nhiên và mức phát triển tiêu thụ nội địa

"Indonesia đã chứng tỏ sức đề kháng trong thời kỳ khủng hoảng thế giới. Và giờ đây chúng tôi ngày càng tiếp đón nhiều công ty hơn" - Giám đốc Cơ quan kêu gọi đầu tư nước ngoài Muhamad Chatib Basri cho biết. Đầu tư nước ngoài trong năm 2012 sẽ đạt 25 tỉ USD(tăng 24%) và sẽ là 33 tỉ USD vào năm 2014

Cả chính quyền địa phương lẫn các nhà đầu tư nước ngoài đều không muốn thừa nhận, nhưng một trong các yếu tố lôi cuốn của Indonesia là mức lương thấp, chỉ khoảng 110 euro/tháng. Do vậy trong lĩnh vực dệt may, lương theo giờ chỉ là 1,08 USD, chỉ bằng một nửa ở Trung Quốc và thấp hơn ở Pháp 30 lần

Mùa hè vừa qua, Giám đốc Terry Gou của Hãng Foxconn (Đài Loan) cho biết sẽ mở một xưởng máy khổng lồ tại tỉnh Banten ở miền Tây Java có thể nhận 1 triệu công nhân. Ông hứa sẽ đầu tư 8 tỉ euro trong 10 năm tại đây để sản xuất điện thoại và máy tính bảng cho Hãng Apple

Nhưng đối với nhiều công ty lớn, mục tiêu không chỉ là chiếm lĩnh thị trường thế giới mà còn nhắm đến tầng lớp trung lưu ở địa phương (thu nhập hơn 3.000 USD/năm) rất ham thích sự tiện nghi và tiêu thụ. Từ đây đến năm 2030, tầng lớp này có thể chiếm đến 1/3 dân số, tức 130 triệu người. Thời gian có vẻ quá dài để có thể đưa ra dự đoán chính xác nhưng viễn cảnh đó vẫn thu hút các công ty đa quốc gia vốn luôn tìm kiếm những nguồn tăng trưởng mới

Đó là trường hợp của Hãng L'Oréal. Vào ngày 7/11 vừa qua, công ty mỹ phẩm hàng đầu thế giới này đã khai trương nhà máy lớn nhất của hãng trong khu công nghiệp Jababeka cách thủ đô 50km, sử dụng 450 lao động trên diện tích 66.000m2. Mọi thứ đều được dự liệu để làm hài lòng quan chức địa phương, có cả Bộ trưởng Công nghiệp tham dự lễ khai trương: các viên chức của hãng mặc trang phục truyền thống, kết thúc là phần hòa nhạc

Trong thời gian đó một chức sắc tôn giáo cũng cầu nguyện để các vị thần Hồi giáo ban phúc cho nhà máy mới. Mục tiêu của hãng là thu hút giới tiêu thụ địa phương, và trên nữa là lượng khách hàng mới nổi ở Đông Nam Á, con số sẽ chiếm 70% sản lượng của nhà máy

Trong cuộc chạy đua tìm vàng đó, ai đến trước sẽ chiến thắng, và người ta không thể đếm nổi số các công ty đa quốc gia mới đến như Mercedes, Siemens, Glaxo Smith Kline. Hãng Ikea cũng sắp mở cửa tại phía tây Jakarta. Mới đây, Toyota tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỉ euro trong vòng 5 năm, tạo ra 9.000 việc làm và mua 150ha đất để xây nhà máy

Tuy nhiên nên coi chừng phép lạ sẽ biến thành ảo mộng. Bài học về cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997 đã hủy hoại Indonesia vẫn còn đó. Nhiều xí nghiệp nước ngoài đã cuốn gói ra đi cũng nhanh như lúc mới đến. Và hiện nay các trở ngại vẫn còn rất nhiều

Nạn tham nhũng, nền hành chính không hiệu quả và nhất là cơ cấu hạ tầng không xứng tầm với một đất nước đã đạt đến trình độ phát triển như thế. Sự gia tăng các xung đột xã hội trong những tháng qua cũng cho thấy những mối căng thẳng mới

Ngoại trừ số công ty đã có mặt từ nhiều năm qua, từ lâu các xí nghiệp của Pháp không mặn mà với Indonesia vì quá xa, quá phức tạp. "Người Pháp khởi động khá chậm. Nhưng giờ đây họ đã hiểu tiềm năng của quần đảo này" - Alain-Pierre Mignon, Chủ tịch Phòng Thương mại Pháp-Indonesia, nhận xét. Từ nay đến cuối năm 2012 sẽ có 50 công ty mở văn phòng hay nhà máy sản xuất tại đây. Công ty nông thực phẩm Danone đã quyết định mở thêm 7 nhà máy sản xuất nước khoáng Aqua ngoài 16 nhà máy đang hoạt động

Michelin cũng có mặt trong đất nước hàng năm có đến 6 triệu xe máy mới lăn bánh trên đường. Trong lĩnh vực năng lượng, Hãng GDF Suez, đã hoạt động trong ngành địa nhiệt, vừa ký hợp đồng với Công ty điện lực Indonesia để cung cấp điện năng từ một nhà máy điện tại tỉnh Nam Sumatra. Còn Hãng Eramet vừa xây dựng một nhà máy chế biến nickel và cobalt tại Weda Bay ở miền Đông nước này
 
Last edited:
Indonesia tăng khai thác và hạn chế xuất khẩu than
Hiệp hội công nghiệp than Indonesia ngày 20/2 cho biết sản lượng than của nước này dự kiến trong năm nay có thể đạt 400 triệu m3, cao hơn mức 380 triệu m3 trong năm 2012

Bộ trưởng Tài nguyên và Năng lượng Indonesia, ông Jero Wacik cho biết chính phủ đang có kế hoạch hạn chế xuất khẩu than do nhu cầu trong nước tăng và muốn tăng nguồn cung dự trữ các sản phẩm khai mỏ không tái tạo được

Indonesia là nước sản xuất than nhiệt lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nhu cầu về than ở nước này cũng đang tăng lên do yêu cầu phát triển kinh tế cần nhiều năng lượng, đặc biệt là về than, đồng thời chính phủ cũng có kế hoạch xây 27 lò nấu kim loại để chế biến các sản phẩm thô thành các sản phẩm có giá trị hơn, nên cần nhiều than cho các nhà máy phát điện phục vụ các lò này
 
Last edited:
Doanh nghiệp nhà nước Indonesia muốn đầu tư vào Việt Nam

Tám doanh nghiệp quốc doanh hàng đầu của Indonesia rất quan tâm đến việc thâm nhập thị trường và hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam

Theo Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia, có nhiều doanh nghiệp nước này đang rất quan tâm đến việc thâm nhập thị trường Việt Nam, trong đó có 8 doanh nghiệp quốc doanh hàng đầu trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đất nước Vạn Đảo

Bộ trưởng Bộ trên, ông Dahlan Iskan, cho biết 8 doanh nghiệp nhà nước nói trên bao gồ

- Công ty ximăng Semen Indonesia

- Công ty phân bón Pupuk Indonesia

- Tập đoàn viễn thông Telekomunikasi Indonesia

- Công ty dược phẩm Kimia Farma, Cơ quanhậu cần quốc gia Bulog

- Công ty dầu khí Pertamina

- Tập đoàn khai mỏ Bukit Asam

- Hãng chế tạo máy bay Dirgantara Indonesia

Đây cũng chính là 8 trong 10 công ty lớn của Indonesia tham dự tọa đàm với 20 doanh nghiệp Việt Nam tại Jakarta nhân chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Indonesia mới đây

Trong số này, Công ty Semen Indonesia đang hoạt động tại Việt Nam với việc đầu tư 151 triệu USD mua lại 70% cổ phần trong Công ty ximăng Thăng Long của ViệtNam. Hiện công ty có hai cơ sở sản xuất ximăng ở khu vực miền Bắc và miền Nam Việt Nam

Bộ trưởng Dahlan Iskan cho biết trong năm nay Bộ này sẽ cử một đoàn khảo sát tới Việt Nam tìm hiểu các cơ hội đầu tư, kinh doanh tiềm năng tại thị trường có quymô lớn với trên 90 triệu người tiêu dùng này

Việt Nam, Myanmar và Campuchia là ba thị trường mục tiêu tiềm năng của Indonesiatrong khu vực Đông Nam Á

Bộ trưởng Dahlan Iskan cho biết thêm rằng Pertamina cũng đã hợp tác với Công ty dầu khí VietsoPetro của Việt Nam, trong khi Dirgantara Indonesia rất kỳ vọng vào thị trường Việt Nam, nhất là sau chuyến thăm Việt Nam gần đây của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia

Tiềm năng hợp tác-đầu tư bổ sung thế mạnh lẫn nhau của 5 công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau với các đối tác Việt Nam là rất lớn, nhất là than đá và lương thực. Trong đó, riêng xuất khẩu than của Công ty khai mỏ Buki Asam sang thị trường Việt Nam đã tăng mạnh, từ mức 8% tổng lượng than xuất khẩu của công ty năm 2011 lên 24% năm 2012

Theo Bộ Thương mại Indonesia, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Indonesia đã tăng từ mức 3,3 tỷ USD năm 2010 lên 4,6 tỷ USD năm 2012, trong đó Việt Nam thặng dư 110 triệu USD

Indonesai nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam gạo, điện thoại và linh kiện điện tử,trong khi xuất theo chiều ngược lại chủ yếu giấy, dầu ăn và hóa chất

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN), Suryo Bambang Sulisto, nói rằng Việt Nam và Indonesia là hai thị trường lớn, có sự tương đồng về phát triển và mô hình phát triển kinh tế, cùng đang cố gắng nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm và có tầng lớp trung lưu đang ngày một mở rộng, hoàn toàn có thể đạt và vượt mục tiêu nâng kim ngach thương mại song phương lên 18 tỷ USD vào năm 2018 như hai nước đã nhất trí trong chuyến thăm đặt dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ hai nước của Chủ tịch nước Việt Nam tới Indonesia

Việt Tú
 
Last edited:
Công ty Bukit Asam có dự định đầu tư vào Việt Nam
Tổng giám đốc công ty than quốc doanh Bukit Asam (PTBA) của Indonesia, Milawarma vừa cho biết, PTBA có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện tại Myanmar và Việt Nam

Hai thị trường tiềm năng và có nhu cầu lớn về điện năng để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh

Theo ông Milawarma, tại Việt Nam, ngoài xây dựng nhà máy điện, PTBA còn dự định mở rộng hợp tác về khai thác và cung cấp than. Trong nửa đầu năm nay công ty đã bán cho việt Nam 500.000 tấn than, và đã có cuộc tiếp xúc với đại diện Bộ Công Thương Việt Nam trao đổi và tìm hiểu các vấn đề liên quan đến dự định hợp tác, đầu tư của mình tai đây

Ông Milawarma, khẳng định rằng PTBA nhìn thấy cơ hội rất lớn về xuất khẩu than cũng như nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư tiềm năng khác tại Việt Nam

Tại Myanmar, PTBA đã tìm được đối tác địa phương để đầu tư 320 triệu USD, hợp tác xây dựng các nhà máy điện chạy than, trong đó trước mắt sẽ xây dựng một nhà máy có công suất 2x100 MW. Dự án này nếu thành công, PTBA sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy điện thứ hai có công suất 2x200 MW

Tổng giám đốc Milawarma cho biết thêm rằng PTBA sẽ tìm nguồn vốn bổ sung từ các ngân hàng của Indonesia và quốc tế để thực hiện chiến lược mở rộng hoạt động ra bên ngoài của công ty, trong đó có Việt Nam và Myanmar

Năm 2012 PTBA cũng đã ký một thỏa thuận với Tổng công ty điện lực PLN của Indonesia và Tổng công ty điện lực Tenaga Nasional Berhad của Malaysia để xây dựng các nhà máy điện có công suất từ 800-1.200 MW ở Peranap, Riau

Trên thị trường nội địa, PTBA đang trong giai đoạn hoàn thành các dự án xây dựng nhà máy điện tại Lampung (2x8 MW), Banjarsari (2x 110 MW) và Tanjung Enim (3x 10 MW) ở Nam Sumatra, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động cuối năm nay và trong năm tới

PTBA xuất khẩu khoảng 55% sản lượng than khai thác hàng năm, và trong 6 tháng đầu năm nay công ty đã bán được 8,81 triệu tấn, tăng 20% so với 7,36 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái, song doanh thu chỉ đạt 527 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ, do giá than trên thị trường thế giới giảm, khiến giá than xuất khẩu của PTBA giảm 18,7% xuống 76 USD/tấn, kéo doanh thu và lợi nhuận ròng của công ty giảm theo, tới 44%. Đây cũng chính là một trong những động lực để PTBA tăng cường đầu tư mở rộng hoạt động ra bên ngoài

Việt Tú
 
Last edited:
Công ty Indonesia chuẩn bị xây cảng nhập than tại Việt Nam

2017_04_21_25579_1492770791._large_241041583.jpg

Với trị giá 1 tỷ USD, cảng này sẽ phục vụ cho xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Indonesia và Việt Nam, đặc biệt là than
Vừa qua, Công ty PT Intra Asia Indonesia đã ký một bản ghi nhớ với đối tác tại Việt Nam, liên quan đến kế hoạch xây dựng một cảng nhập than ở miền Nam Việt Nam với trị giá 1 tỷ USD

Thỏa thuận này được ký tại Jakarta hôm thứ Tư giữa ông Justin Lim, Chủ tịch Hội đồng quản trị của PT Intoc Asia, và ông Phan Ngo To Hong, Chủ tịch Hong Phat Coal and Resources, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

"Cảng này sẽ phục vụ cho xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Indonesia và Việt Nam, đặc biệt là than", Lutfi Ismail, ủy viên ban điều hành của Intra Asia Indonesia, tuyên bố

Ông Ismail cho biết rằng khi hoạt động, năng lực của cảng sẽ đạt từ 15 đến 20 triệu tấn than mỗi năm và sẽ giúp cắt giảm chi phí hậu cần cho nhập khẩu than từ Indonesia. Từ đó, nó sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của hoạt động xuất khẩu than từ Indonesia, và cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện than tại Việt Nam

Ông Ismail cũng nói thêm Indonesia dự kiến sẽ xuất khẩu 4,5 triệu tấn than vào Việt Nam trong năm nay

Cơ quan Thống kê Trung ương (BPS) của Indonesia ghi nhận rằng kim ngạch thương mại giữa Indonesia và Việt Nam đã đạt 6,3 tỷ USD trong năm ngoái, trong đó phía Indonesia bị thâm hụt 182,90 triệu USD.

Mạnh Đức
 
Giới đầu cơ Indonesia đổ xô mua đất chờ ngày chuyển thủ đô
Kế hoạch của Indonesia chuyển thủ đô từ Jakarta tới Borneo đã khiến giới đầu cơ đổ xô mua đất...

1-1567159460883194749325-crop-1567159465323748423115.jpg

Thủ đô Jakarta của Indonesia đã trở nên quá đông đúc

Kế hoạch của Indonesia xây một thủ đô mới 33 tỷ USD trên đảo Borneo đã khiến giới đầu cơ bất động sản ở nước này đổ xô mua đất ở khu vực lân cận, khiến giá đất bị đẩy lên

Theo tin từ Bloomberg, Hiệp hội Doanh nghiệp bất động sản Indonesia, tổ chức gồm 5.000 công ty thành viên, muốn Tổng thống Joko Widodo có biện pháp kiểm soát tình trạng đầu cơ trục lợi đất đai ở East Kalimantan. Ông Soelaeman Soemawitana, Chủ tịch hiệp hội, cho rằng Chính phủ cần khoanh đất để bán cho các nhà thầu tư nhân với mức giá hợp lý

Chính phủ Indonesia hiện kiểm soát khoảng 180.000 hectare đất xung quanh khu vực thủ đô mới còn chưa được đặt tên. Số đất này lớn gấp ba lần diện tích thủ đô Jakarta

"Tôi nghe nói giá đất đã tăng lên rồi", ông Soemawinata nói. "Chúng ta cần rạch ròi giữa các nhà đầu tư dự án bất động sản và nhà đầu cơ. Nhà đầu cơ không xây gì cả, họ chỉ ôm đất chờ giá lên để bán. Các chủ đầu tư muốn Chính phủ khoanh đất để bán cho họ xây dự án"

Khu vực mà Chính phủ Indonesia dự kiến xây dựng thủ đô mới nằm ở Đông Kalimantan, trên đảo Borneo, hiện tại chủ yếu là rừng. Cá nhân hầu như không thể tới đây mua đất, mà các nhà đầu cơ chủ yếu là các doanh nghiệp

PT Agung Podomoro Land, một công ty phát triển chung cư cao cấp ở Jakarta, đang quảng cáo về dự án nhà ở và thương mại ở Balikpapan - một nơi cách thủ đô mới 20 phút lái xe, cho biết chỉ bán cho khách nước ngoài

PT PP Properti cho biết sẽ phát triển một dự án khoảng 500 hectare ở Kalimantan. PT Wijaya Karya Perseso, một công ty xây dựng quốc doanh, tuyên bố sẵn sàng đi đầu trong việc xây dựng mọi thứ từ đường xá cho tới hệ thống điện, khí đốt và nước

Việc Indonesia di dời thủ đô về nơi cách Jakarta khoảng 2.000 km nhằm mục đích giảm sức ép đối với thành phố quá đông đúc và đang chìm dần này, cũng như dịch chuyển một phần hoạt động kinh tế ra khỏi đảo Java - hòn đảo đông dân nhất của xứ vạn đảo

Chi phí di dời thủ đô ước tính lên tới 466 nghìn tỷ Rupiah, tương đương 33 tỷ USD nếu dự án phát triển 40.000 hectare đất cho khoảng 1,5 triệu cư dân.

Chính phủ Indonesia dự kiến khởi công thủ đô mới trước cuối năm 2020 và bắt đầu chuyển từng phần về nơi mới bắt đầu từ năm 2024. Vốn đầu tư cho dự án chủ yếu sẽ do Chính phủ đảm nhiệm và một phần được cấp thông qua hợp tác công-tư
 
27 công ty Mỹ sắp di dời nhà máy từ Trung Quốc tới Indonesia
- Theo Policy Times, 27 công ty Mỹ sẽ tiến hành di dời nhà máy từ Trung Quốc tới Indonesia trong thời gian tới. Đây được xem một phần trong nỗ lực rút chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc đang được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy trong thời gian qua

US-and-Indonesia-1280x720.webp

Tổng thống Indonesia Joko Widodo bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp năm 2017

Quyết định trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan tiếp xúc với các tập đoàn công nghiệp Mỹ theo chỉ đạo của Tổng thống Indonesia Joko Widodo

Được biết, ông Widodo và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã tiến hành cuộc điện đàm vào ngày 25/4. Khi đó. ông Trump đã thảo luận về kế hoạch mua máy thở của Indonesia và khả năng đầu tư vào nước này, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm

Theo Policy Times, sẽ có thêm nhiều công ty Mỹ khác được bổ sung vào danh sách trong thời gian tới. Indonesia cũng đang lập quỹ đất khoảng 4.000ha tại Trung Java để trở thành điểm đến mới của các công ty Mỹ

Tuy nhiên, Thống đốc Trung Java, ông Ganjar Pranowo, cho biết ông chưa nhận được báo cáo cụ thể về danh sách các công ty Mỹ sẽ di dời tới Indonesia

Dưới tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, các công ty Trung Quốc không thể tiếp tục hoạt động, dẫn đến chuỗi sản xuất của các công ty đa quốc gia bị đình trệ. Một số người dự đoán rằng sự bất ổn của Trung Quốc những năm gần đây sẽ đẩy nhanh tình hình di dời các ngành sản xuất trong nước và Đông Nam Á sẽ thay thế nước này trở thành "công xưởng thế giới"

Thực tế, từ trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn ra, một số ngành sản xuất ở Trung Quốc đã có xu thế chuyển sang Đông Nam Á

Tổng thống Indonesia Widodo đã có nhiều động thái nhằm đạt được thành công trong việc giữ chân các công ty đa quốc gia của Mỹ như kế hoạch giải phóng mặt bằng trong 5 năm, tổ chức các cuộc trao đổi trực tiếp với Tổng thống Trump cùng những người đứng đầu các công ty Mỹ…

Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng cũng đang thúc đẩy việc chuyển các nhà máy của họ ở Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á

Mới đây, chính phủ Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói kích thích kinh tế 992 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nước này rút khỏi Trung Quốc khi dịch Covid-19 phá vỡ chuỗi cung ứng giữa hai nước

Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới vào năm 2010 và cung cấp 28% sản lượng hàng hóa toàn cầu trong năm 2018

Chu La
 
Công ty dược phẩm Mỹ di dời nhà máy từ Trung Quốc đến Indonesia
Indonesia đang chuẩn bị một khu công nghiệp rộng 4.000 ha tại huyện Brebes, tỉnh Trung Java, cho một công ty dược phẩm Mỹ chuyển đến từ Trung Quốc, sau cuộc thảo luận giữa lãnh đạo hai nước


Khu công nghiệp Kawasan Industri Wijayakusuma
Indonesia đang chuẩn bị một khu công nghiệp rộng 4.000 ha tại huyện Brebes, tỉnh Trung Java, cho một công ty dược phẩm Mỹ chuyển đến từ Trung Quốc, sau cuộc thảo luận vào tháng trước giữa Tổng thống Joko WidodoTổng thống Mỹ Donald Trump

Ông Sanny Iskandar, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Công nghiệp (JKI), đã xác nhận thông tin trên với tờ “Investor Daily” cuối tuần qua. Theo đó, khu công nghiệp Kawasan Industri Wijayakusuma thuộc sở hữu của nhà nước sẽ sớm đón công ty chưa được đặt tên này

Theo ông Sanny, công ty này vẫn chưa quyết định sẽ đầu tư bao nhiêu tiền vào nhà máy mới tại Indonesia

Bộ Doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 51,09% cổ phần của Kawasan Industri Wijayakusuma, trong khi chính quyền tỉnh Trung Java và quận Cilacap lần lượt sở hữu 40,19% và 8,52% cổ phần còn lại

Ông Sanny nhấn mạnh: “Đây sẽ không phải là một quá trình nhanh chóng, song vì đây là đất thuộc sở hữu nhà nước nên sẽ dễ giải quyết hơn.” Ông cho biết thêm dự án di dời nhà máy vẫn đang trong giai đoạn lập quy hoạch cảnh quan, trước khi tiến hành nghiên cứu khả thi. Việc này có thể mất 6-12 tháng trước khi nhà máy bắt đầu được xây dựng. Do vậy, ông Sanny cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ không làm chậm quá trình này

Hồi tháng trước, Tổng thống Widodo đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Donald Trump nhằm thảo luận hợp tác Indonesia-Mỹ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và tăng cường quan hệ đối tác thương mại và đầu tư

Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan mới đây đã thông báo về kế hoạch của công ty dược phẩm Mỹ muốn chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Indonesia. Phát biểu với báo giới hôm 10/5, Bộ trưởng Luhut tiết lộ Tổng thống Widodo đã yêu cầu thảo luận về vấn đề này với một phụ tá của Tổng thống Trump

Bộ trưởng Luhut nhấn mạnh dự án nói trên mang lại “giá trị chiến lược” cho Indonesia - quốc gia hiện đang phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu thô để sản xuất thuốc. Theo thống kê chính thức, 60% nguyên liệu thô sản xuất thuốc đang được nhập khẩu từ Trung Quốc, và 30% đến từ Ấn Độ

Bà Shinta Kamdani, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin), cho rằng việc di dời nhà máy của Mỹ sẽ cho phép các công ty dược phẩm địa phương sử dụng công suất nhàn rỗi của mình. Theo bà Shinta, hiện các nhà sản xuất thuốc của Indonesia chỉ hoạt động với 55-60% công suất do phải phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu

 
Joko Widodo - Người giúp Indonesia phát triển mạnh mẽ
Khi kinh tế toàn cầu đang trong vòng xoáy suy thoái, Indonesia đã nổi lên, tự hào với một nền kinh tế bùng nổ. GDP trong quý II tăng 5,4%, cao hơn nhiều so với dự báo, lạm phát chỉ 4,7% trong tháng 8; đồng Rupiah là một trong những đồng tiền hoạt động tốt nhất ở châu Á… Người có công lớn với những thành tựu này là Tổng thống Joko Widodo



tt_myis.jpg


Tổng thống Joko Widodo tiếp tục nhận được sự ủng hộ của người dân Indonesia và các nhà đầu tư sau 8 năm cầm quyền. Một cuộc thăm dò được công bố tuần trước của Công ty Nghiên cứu Indikator Politik Indonesia, cho thấy 62,6% người Indonesia ủng hộ ông, giảm khoảng 10% so với trước khi trợ cấp nhiên liệu bị cắt, nhưng vẫn khiến ông là một trong những người được dân chúng ủng hộ nhất. Sự ủng hộ dành cho Widodo mạnh mẽ đến mức có thời điểm những người ủng hộ ông đã thúc đẩy thay đổi Hiến pháp để cho phép ông ứng cử nhiệm kỳ thứ 3

Widodo sẽ có cơ hội thể hiện sự thịnh vượng này với thế giới khi ông tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali vào tháng 11. Ông có kế hoạch sử dụng sự kiện này để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư toàn cầu, bao gồm cả kế hoạch tham vọng nhất của ông - đề xuất hơn 30 tỷ USD để chuyển thủ đô của Indonesia từ Jakarta đến hòn đảo Borneo có nhiều rừng rậm. “Rất nhiều thị trường mới nổi có vấn đề, nhưng Indonesia thì không. Nền kinh tế đang bùng phát trên tất cả trụ cột” - Kevin O’Rourke, Giám đốc Công ty tư vấn Reformasi Information Services, cho biết

Xuất thân “ngoại đạo chính trị”

Widodo hầu như không được biết đến khi ông bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình 17 năm trước với vị trí Thị trưởng khiêm tốn của Solo, Trung Java. Dù không phải “con nhà nòi” chính trị, nhưng ông đã nổi lên như một nhà chiến thuật chính trị sắc sảo ở cấp quốc gia. Widodo đã ủng hộ các liên minh lớn, đưa cả bạn bè và kẻ thù vào nội các của mình. George Yeo, cựu Ngoại trưởng Singapore, gọi đó là “nền dân chủ với các đặc điểm của người Java”. Ông lập luận rằng điều này đã dẫn đến sự ổn định hiện tại của Indonesia. Thí dụ, Prabowo Subianto Djojohadikusumo, người đã điều hành chiến dịch chống lại Widodo năm 2018 nhưng hiện là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Các nhà đầu tư cho rằng sự ổn định chính trị này đã giúp ích cho nền kinh tế. Các ngân hàng vẫn đang cho vay và xuất khẩu đang bùng nổ. “Luật omnibus” có chữ ký của Widodo nới lỏng các quy định về việc làm đã khuyến khích đầu tư nước ngoài nhiều hơn

Nhưng các nhà kinh tế cảnh báo rằng xuất khẩu hàng hóa chính của Indonesia, như than đá và dầu cọ, vẫn đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng. David Sumual, nhà kinh tế trưởng của Bank Central Asia tại Jakarta, cho biết giá hàng hóa có thể bắt đầu giảm trong năm nay khi các nền kinh tế phương Tây tăng trưởng chậm lại. Ông nói: “Năm tới sẽ là năm đầy thử thách. Đó là lý do tôi đã hạ dự báo GDP xuống dưới 5%". Theo Priyanka Kishore, nhà kinh tế trưởng về Đông Nam Á và Ấn Độ tại Oxford Economics, lạm phát, vốn đã được kiềm chế bởi trợ cấp nhiên liệu, cũng có thể tăng nhanh chóng lên mức 8% vào tháng 10

Những ưu tiên

Một trong những thành tựu chính của Widodo là mở rộng cơ sở hạ tầng trên quy mô chưa từng có cho Indonesia, quốc gia rộng lớn với hơn 17.000 hòn đảo. Chính phủ của ông đã xây dựng 2.042km đường thu phí trong 8 năm, so với khoảng 780km trong 40 năm trước, cũng như 16 sân bay, 18 bến cảng và 38 đập mới. Nhờ đó, sự lột xác có thể nhìn thấy rõ ràng, ngay cả với người ngoài. Tuy nhiên, cho đến nay, chính sách công nghiệp hàng đầu trong nhiệm kỳ thứ 2 của Widodo là nỗ lực sử dụng nguồn dự trữ niken khổng lồ của Indonesia để tạo ra ngành công nghiệp xe điện trong nước

Vào năm 2020, chính phủ đã cấm hoàn toàn việc xuất khẩu quặng niken, buộc các công ty nước ngoài phải tinh chế nó ở trong nước. Niken là vật liệu quan trọng cho ngành công nghiệp thép không gỉ, nhưng Widodo định hướng chiết xuất nó thành vật liệu cao cấp hơn để sử dụng cho pin xe điện. Indonesia dự kiến cung cấp một phần đáng kể nguồn cung niken mới cần thiết cho ngành công nghiệp xe điện toàn cầu. Indonesia có trữ lượng niken lớn nhất trên thế giới, khoảng 21 triệu tấn, tức khoảng 30% trữ lượng thế giới. Widodo còn mở rộng chính sách đối với trữ lượng lớn bauxite và đồng của Indonesia. “Nó có thể tạo công ăn việc làm cho người dân và mang lại giá trị gia tăng cho Indonesia” - ông nói

Một nhà máy lọc dầu đã được đưa vào vận hành vào tháng 5 năm ngoái và 7 nhà máy lọc khác đang được triển khai trên đảo Sulawesi. Gần Jakarta, hãng năng lượng LG của Hàn Quốc và Tập đoàn ô tô Hyundai đang xây dựng nhà máy sản xuất tế bào pin cho xe điện đầu tiên của đất nước cũng như một nhà máy xe điện gần đó. Indonesia cho biết CATL của Trung Quốc, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, đã đồng ý đầu tư vào một nhà máy pin. Các ưu tiên khác của Widodo bao gồm hệ thống giáo dục của đất nước và các doanh nghiệp nhà nước mở rộng. Vì vậy, ông đều bổ nhiệm các doanh nhân và các giáo viên nổi tiếng để dẫn dắt những thay đổi ở 2 mảng này

Thủ đô mới

Vấn đề có thể quyết định di sản (hay bại sản?) lâu dài của Tổng thống Widodo là thủ đô mới Nusantara. Thủ đô hiện tại Jakarta nằm trên đảo chính Java - nơi chiếm 56% dân số và một phần tương tự của nền kinh tế - thường xuyên bị ngập lụt, ở một số khu vực đang chìm xuống 25cm mỗi năm. Trong khi đó, Nusantara có diện tích lớn hơn 4 lần so với Jakarta. Giai đoạn đầu tiên của dự án, bao gồm việc di chuyển Dinh Tổng thống, Dinh Phó Tổng thống, lực lượng vũ trang, cảnh sát và các bộ khác vào năm 2024, với chi phí khoảng 3,3 tỷ USD cho giai đoạn đầu. Quá trình dự kiến hoàn thành vào kỷ niệm 100 năm của đất nước năm 2045, khi Indonesia hy vọng sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới

Những người chỉ trích phản đối rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên vùng đất than bùn của Borneo là việc khó khăn, trong khi việc di chuyển hàng chục ngàn quân và xây dựng các cơ sở quân sự mới cho họ rất tốn kém. Khoảng 80% dự án được tài trợ bởi vốn tư nhân, hiện vẫn chưa thành hiện thực. Nhưng Widodo rất kiên quyết về sự cấp thiết của việc xây dựng thủ đô mới. Ông nói: “Cần có nguồn vốn mới để đảm bảo rằng sự phát triển lan rộng ra ngoài Java, để tất cả mọi người đều có thể tận hưởng sự tiến bộ”
 
Top