LOBBY.VN
Administrator
Bí mật sức mạnh kinh tế ngầm của Pakistan
Trong khi tài liệu chính thức cho thấy kinh tế Pakistan chỉ tăng trưởng 2,4% năm 2011, mức thấp nhất một thập kỷ, thì nhu cầu ô tô, xi măng hay hàng hóa khác cho thấy một kinh tế ngầm vẫn trỗi dậy mạnh mẽ
Một buổi sáng sớm tại Karachi, thành phố lớn nhất Pakistan, khi Muhammad Nasir bước ra khỏi căn lều bằng lá cọ, giẻ rách, và tre nứa của mình, tắm rửa sau bữa sáng bằng nguồn nước được câu trộm từ một đường ống cung cấp gần đó
Cậu thanh niên 17 tuổi vẫy chào tạm biệt mẹ, một nữ hộ sinh làm việc không giấy phép, và đi bộ đến cửa hàng sửa xe của mình, một điểm kinh doanh không mái che, với một cái bàn đầy dụng cụ cùng một băng ghế gỗ
Cậu kiểm tra chắc chắn rằng nguồn điện câu trộm vẫn có thể hoạt động để bơm xe. Sau đó, cậu yêu cầu Abid, 10 tuổi, một nhân viên của mình chạy đi mua chè tại một cửa hàng gần đó
Công việc kinh doanh của Nasir, nhà cửa, nguồn cung cấp điện, nước, và ngay cả những tách trà Abid mang về đều không tồn tại trong những con số chính thức của chính phủ Pakistan. Chúng là một phần khác của nền kinh tế mà không hề phải trả thuế hay áp dụng những quy định pháp luật
Bộ phận này có thể sử dụng tới trên 3/4 trong số 54 triệu lao động và tạo ra tới 50% trong số 18 nghìn tỷ rupi (200 triệu USD) tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chính thức của quốc gia này
Và trong khi các tài liệu chính thức cho thấy nền kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 2,4% năm 2011, mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ, thì nhu cầu ô tô, xi măng hay các loại hàng hóa khác đang cho thấy một nền kinh tế ngầm trỗi dậy mạnh mẽ
Sayem Ali, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Standard Chartered Pakistan cho biết: "Tất cả mọi thứ từ linh kiện ô tô, hàng hóa thể thao, hàng dệt kim, phòng khám, thẩm mỹ viện đều nằm ngoài nền kinh tế chính thức
Tất cả đều đóng góp đáng kể vào việc làm và thu nhập của quốc gia, và đó là một trong những lý do tại nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển. Nhưng kể từ khi Pakistan có một trong những cấu trúc thuế tồi tệ nhất trên thế giới, chúng đều đang rơi vào tầm ngắm"
Theo số liệu của Macroeconomic Insights Islamabad công bố tháng 6/2011 doanh thu thuế cả nước chỉ đạt 8,6% GDP, trong khi con số trung bình tại các nước đang phát triển là từ 13-18%. Giám đốc điều hành Macroeconomic Insights Sakib Sherani cho biết chỉ 25% nền kinh tế được quản lý thuế
Cựu Bộ trưởng Tài chính Pakistan Shaukat Tarin cho biết trong năm 2010 nước này đã mất 800 tỷ rupi vì tình trạng trốn thuế. Doanh thu thuế 1,7 nghìn tỷ rupi trong năm qua là không đủ để thu hẹp khoảng cách ngân sách đang ở 6,3% GDP
Nasir cho biết anh phải trả 200 rupi một tháng cho nhân viên của công ty điện để lờ vụ thất thoát điện, và 400 rupi để cảnh sát cho phép cửa hàng của anh hoạt động không giấy phép. Nasir nói: "Tôi không nghĩ rằng nộp thuế thì chính phủ sẽ làm điều gì tốt cho tôi. Trên thực tế, chúng tôi đã nộp thuế rồi đấy thôi"
Anh dành mỗi buổi sáng sửa chữa xe máy, toàn bộ thanh toán bằng tiền mặt và không bao giờ có biên lai. Vào giờ trưa, anh mua salad và sữa chua hoặc cà ri đậu lăng từ một trong những người bán rong gần đó, và không ai trong họ được cấp phép
Mẹ và em gái của anh, một người giúp việc, cũng bổ sung cho thu nhập gia đình từ công việc trong khu vực phi chính thức. Sau giờ làm, một giáo viên tôn giáo đến để dạy họ về kinh Koran tại nhà, và học phí cũng không được tính trong con số báo cáo của chính phủ. Mỗi tháng, Nasir trả 300 rupi tiền thuê đất cho một người đàn ông cũng san lấp mặt bằng bất hợp pháp
Theo thống kê của Bộ Tài chính, chỉ có 1,5 triệu người, chưa được 1% dân số nước nộp thuế thu nhập. Asad Sayeed, giám đốc viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội Karachi cho biết: "Tỷ lệ thuế trên GDP thấp có nghĩa là chúng ta đang bị cuốn vào cái vòng luẩn quẩn của thâm hụt ngân sách, tài trợ bằng việc in tiền hoặc vay vốn, gia tăng gánh nặng nợ công và áp lực lạm phát”
Theo IMF, Pakistan có tỷ lệ lạm phát cao thứ hai châu Á, chỉ sau Việt Nam, và thâm hụt ngân sách có thể lên tới 7% GDP trong tháng 6/2012
Để thu hẹp thâm hụt ngân sách, chính phủ của thủ tướng Syed Yousuf Raza Gilani đã cắt giảm chi tiêu vào cầu, đường và các dự án xây dựng khác. Nhưng điều đó không ngăn cản Lucky Cement, công ty xây dựng lớn nhất Pakistan, công bố lợi nhuận kỷ lục nhờ nhu cầu mạnh cho nhà mới xây
Ông Abid Muhammad Ganatra, giám đốc tài chính của Lucky nhận định: “Dân số tăng khiến thị trường nội địa trở nên vô cùng tiềm năng”. Ông nói thêm rằng nhu cầu xi măng trong nước có thể tăng từ 24 triệu tấn/năm lên 30 triệu tấn/năm trong hai năm tới
Ông Nadeem Naqvi, Giám đốc điều hành của sàn chứng khoán Karachi cho biết nhu cầu không được thống kê từ 179 triệu người dân Pakistan có nghĩa sức mua của quốc gia lớn hơn nhiều so với ước tính. Giá lương thực tăng cao đã bơm thêm 1 nghìn tỷ rupi vào nền kinh tế nông thôn trong bốn năm qua, và hầu hết đều không được quản lý, Naqvi nói. Ông ước tính nông nghiệp có thể chiếm 35% GDP nước này, thay vì 21% như các báo cáo
Bằng chứng về nhu cầu tiêu dùng ở khắp mọi nơi khi những trung tâm mua sắm và nhà hàng ở Karachi lúc nào cũng chật cứng. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Pakistan, doanh số bán xe trong tháng hai đã tăng 14% so với một năm trước đó, khi ngày càng nhiều người đủ khả năng trang trải cho những chiếc Toyota Corolla hay Suzuki Mehran (một loại hatchback nhỏ)
Số liệu tháng Hai cho thấy hơn một nửa triệu xe gắn máy cũng được đưa vào tiêu thụ trong vòng 8 tháng, tăng 5% so với năm trước, một dấu hiệu tươi sáng cho công việc kinh doanh của Nasir
Thủ tướng Gilani đã cam kết sẽ tăng tỷ lệ thuế so với GDP lên 15% vào năm 2014, bằng cách đánh thuế vào lĩnh vực nông nghiệp, bất động sản, giảm thiểu tham nhũng trong ngành thuế mà có thể khiến thất thoát tới 500 triệu rupi tiền thuế mỗi năm
Giới chuyên gia nhận định chính cơ chế quản lý lỏng lẻo đã khiến nền kinh tế ngầm phát triển mạnh. Nhưng chính điều đó cũng đem lại tổn thương cho người lao động, khi giới chủ sử dụng lao động không bị ràng buộc bởi pháp luật
Tuy nhiên, để có được sự hậu thuẫn của Quốc hội cho những chính sách thuế là không hề dễ dàng. Ông Syed Shabbar Zaidi, giám đốc tại công ty kiểm toán AF Ferguson, thành viên Hội đồng tư vấn của Bộ Tài chính cho biết mỗi khu vực của nền kinh tế ngầm đều đại diện cho mỗi nhóm lợi íc trong quốc hội, và vì thế họ sẽ không dễ dàng thông qua dự luật thuế gây bất lợi cho mình
Sau khi chính phủ lần đầu tiên áp thuế doanh thu ở mức 16% vào mặt hàng máy kéo, doanh số bán hàng chính thức mặt hàng này chỉ đạt 369 đơn vị vào tháng 1/2012, trong khi con số cùng kì năm ngoái là 5.673 chiếc. Điều này khiến các nhà sản xuất như Fiat và Massey Ferguson phải ngừng hoạt động tại địa phương, buộc chính phủ phải cắt giảm thuế xuống còn 5%
Tuy nhiên, nhịp điệu cuộc sống trong nền kinh tế ngầm hầu như không bị ảnh hưởng. Sau giờ làm việc, Nasir và bạn bè thỉnh thoảng vẫn thuê một chiếc xe kéo đến bãi biển hoặc một lễ hội tôn giáo. Người lái xe, thuộc một hãng vận tải địa phương, đã không mở đồng hồ km, vì đơn giản là anh ta không lắp
Trên đường về nhà, Nasir dừng lại để mua dầu ăn, bột mì, đường và tại một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Theo Rafiq Jadoon, chủ tịch Hiệp hội Thị trường Liên thành phố cho biết có tới 400.000 trên tổng số 1 triệu cửa hàng không đăng ký kinh doanh hay đóng thuế. Vào buổi tối, Nasir xem một bộ phim Ấn Độ trên kênh truyền hình cáp địa phương mà phí hàng tháng cũng được trả bằng tiền mặt
Lan Hương