What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Nông nghiệp Nhật Bản

LOBBY.VN

Administrator
Già hóa nông dân, cánh đồng bỏ trống


Ngành nông nghiệp Nhật Bản đang suy yếu do hiện tượng “già hóa” ở nông dân và diện tích đất canh tác bỏ hoang gia tăng

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 12/2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thúc đẩy mạnh mẽ chính sách kinh tế với ba trụ cột chính gồm nới lỏng chính sách tiền tệ một cách quyết liệt, chi tiêu công một cách linh hoạt và thúc đẩy chiến lược tăng trưởng

Giới chuyên môn gắn tên vị Thủ tướng cho chính sách mới này, gọi là "chính sách kinh tế Abe" (Abenomics)

Câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu chính quyền Abe sẽ đưa các biện pháp quyết liệt để cải cách ngành nông nghiệp vốn đang thiếu sức cạnh tranh của nước này vào chiến lược tăng trưởng mới hay không bởi vì, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm về mặt chính trị ở “đất nước Mặt trời mọc”

Không thể tự cung tự cấp

Theo các chuyên gia phân tích, các biện pháp quyết liệt là rất cần thiết, thậm chí là cấp thiết, trong bối cảnh ngành nông nghiệp Nhật Bản đang suy yếu do hiện tượng “già hóa” ở nông dân và diện tích đất canh tác bỏ hoang gia tăng

Các số liệu thống kê năm 2005 cho thấy có 380.000 ha đất nông nghiệp ở Nhật Bản bị bỏ hoang, chiếm 8% trong tổng diện tích đất nông nghiệp của nước này và tăng mạnh so với con số khoảng 130.000 ha trong giai đoạn 1975-1985

Tình trạng thiếu lao động và hiện tượng “già hóa” lao động trong ngành nông nghiệp là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng diện tích đất hoang hóa. Năm 2010, độ tuổi trung bình của lao động trong ngành nông nghiệp ở Nhật Bản là 70 tuổi, cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác ở châu Á

Hệ quả là Nhật Bản không thể đảm bảo tự cung, tự cấp về lương thực. Năm 2006, tỷ lệ tự cung, tự cấp lương thực (căn cứ vào chỉ tiêu calorie) của Nhật Bản rơi xuống mức rất thấp 39%. Trong khi tỷ lệ này tại Pháp là 130%, Mỹ là 119%, Đức là 91% và Anh là 74%

Mặt khác, do khả năng cạnh tranh thấp nên ngành nông nghiệp Nhật Bản được bảo hộ ở một mức độ rất cao. Chính sách bảo hộ nông nghiệp đã được chính phủ nước này theo đuổi từ lâu bất chấp có những lời chỉ trích và hành động phản ứng gay gắt từ phía các đối tác kinh tế

Sức ép cải cách

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, không chóng thì chầy, Nhật Bản cũng cần phải cải cách ngành nông nghiệp một cách quyết liệt bởi vì, Tokyo dự định sẽ tham gia đàm phán hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 7 tới

Về nguyên tắc, các nước tham gia TPP sẽ phải dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với tất cả các sản phẩm trong vòng 10 năm. Nếu Nhật Bản không tiến hành cải cách ngành nông nghiệp mà vẫn tham gia TPP, nhiều khả năng các nông sản nhập khẩu giá rẻ hơn sẽ tràn ngập “xứ sở hoa anh đào”

Giáo sư Masayoshi Honma thuộc Đại học Tokyo nhận định nếu tham gia TPP, Chính phủ Nhật Bản sẽ phải dỡ bỏ những chương trình bảo hộ dành cho người nông dân trong vài năm tới

Theo nhật báo Nikkei, vào đầu năm nay, một số lãnh đạo doanh nghiệp trong đó có ông Takeshi Niinami, Chủ tịch Lawson Inc. – doanh nghiệp đang điều hành chuỗi cửa hàng tiện ích ở Nhật Bản, và ông Hiroshi Mikitani, Chủ tịch hãng Rakuten Inc. – doanh nghiệp đang điều hành một trong những hệ thống bán hàng trực tuyến lớn nhất ở "xứ sở hoa anh đào", đã bắt đầu công khai kêu gọi cải cách sâu rộng trong ngành nông nghiệp

Một trong những giải pháp là cho phép các công ty cổ phần sở hữu đất nông nghiệp và giảm bớt sự điều chỉnh trong sản xuất, vốn đẩy giá nông sản lên mức quá cao

Hiện tại, luật đất nông nghiệp ở Nhật Bản quy định những điều kiện rất chặt chẽ đối với việc sở hữu đất nông nghiệp của các doanh nghiệp. Chẳng hạn, bất kỳ một tập đoàn sở hữu đất nông nghiệp nào cũng phải có phần lớn ban giám đốc hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ít nhất 150 ngày/năm. Tuy nhiên, điều này đang hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp

Vì vậy, tại cuộc họp của nhóm công tác Chính phủ về cạnh tranh trong ngành công nghiệp hôm 18/2, có 5 thành viên trong nhóm công tác, trong đó có các ông Niinami và Mikitani, đã đề xuất cho phép các công ty cổ phần sở hữu đất một cách tự do và giảm bớt các biện pháp điều chỉnh về sản lượng nhằm giữ giá nông sản cao một cách giả tạo

Bên cạnh đó, họ cũng đưa ra hàng loạt các đề xuất nhằm dỡ bỏ các rào cản đối với các doanh nghiệp muốn “bước chân” vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng năng suất và biến ngành nông nghiệp Nhật Bản trở thành một ngành xuất khẩu có tính cạnh tranh trên trường quốc tế

Tuy nhiên, các đề xuất trên chỉ nhận được sự phản ứng “nguội lạnh” từ Chính phủ và Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền bởi vì, nông dân là một trong những lực lượng hậu thuẫn cho đảng bảo thủ này. Thậm chí, để tranh thủ sự ủng hộ của nông dân trong cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới, LDP còn đang cân nhắc mở rộng chương trình trợ cấp của Chính phủ

Tại cuộc họp của nhóm công tác về các vấn đề nông nghiệp của LDP hôm 3/4, một số nghị sỹ của đảng này nhấn mạnh rằng chính sách nông nghiệp của Nhật Bản cần tập trung bảo vệ sản xuất trong nước hơn là tăng cường xuất khẩu. Họ cũng cho rằng nước này chỉ nên xuất khẩu lượng nông sản dư thừa

Theo các chuyên gia phân tích, trong lúc cuộc bầu cử Thượng viện đang đến gần (dự kiến sẽ diễn ra vào mùa Hè này), chính quyền Abe đang rất cần sự ủng hộ của nông dân để tiếp tục duy trì đa số ghế tại cơ quan lập pháp này. Do vậy, tại thời điểm hiện nay, chính quyền Abe không dám thực hiện các biện pháp cải cách nông nghiệp một cách quyết liệt

Mặc dù vậy, trong cuộc họp của nhóm công tác của Chính phủ về cạnh tranh trong ngành công nghiệp hôm 23/4, Bộ Nông-lâm-ngư nghiệp Nhật Bản đã đưa ra một số đề xuất cải cách cho dù không quyết liệt lắm để nâng cao hiệu quả trong ngành nông nghiệp

Đáng chú ý, Bộ này đề xuất cho phép chính quyền các tỉnh “mượn” đất bỏ hoang có thể canh tác được của các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ để cho các hộ nông dân sản xuất quy mô lớn và các tập đoàn nông nghiệp thuê lại. Nhờ đó, các khu vực sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sẽ tập trung thành một cụm quy mô lớn, giúp gia tăng khả năng cạnh tranh

Theo Giáo sư Honma, việc Nhật Bản bước vào đàm phán TPP sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình cải cách nông nghiệp và Tokyo sẽ cần những chính sách tập trung đất đai cho những người nông dân thực sự có khả năng

Huyền Nhung
 
Top