What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Ngoại giao tín dụng

LOBBY.VN

Administrator
Chuyện chưa từng kể về “ngoại giao tín dụng” của EVN
- “Hậu trường” của những khoản tín dụng lên tới cả tỷ USD mà EVN cần để phục vụ nhu cầu đầu tư không phải là chuyện ai cũng tường tận. Bởi để được giải ngân mang tiền về nước, EVN cũng phải thực hiện các khâu đàm phán, thương thảo với những nguyên tắc hệt như hoạt động của các... nhà ngoại giao

ky_hiep_dinh_vay_voi_wb_PVMX.jpg.ashx

Lễ ký Hiệp định vay vốn thực hiện Dự án “Hiệu quả lưới điện truyền tải” giữa WB và EVN


Hai chục năm trước, nhu cầu đầu tư của EVN khoảng chừng 2 - 3 tỷ USD/năm, nhưng giờ con số này đã tăng gấp 3. Phần lớn trong số đó là các khoản vay theo hình thức ODA của các định chế tài chính quốc tế

“Hữu xạ tự nhiên hương”...

Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc EVN bấm trên đầu ngón tay rồi nói từ lúc “khoác áo” ngành Điện tới giờ, ông đã có già hai chục năm gắn bó với công tác tài chính, và phần lớn trong khoảng thời gian đó đều lãnh vai trò người chỉ đạo hoặc trực tiếp đứng ra đàm phán, thu xếp tiền vốn cho các dự án nguồn và lưới điện

“Những ngày đầu mới thành lập EVN, tổng công suất của hệ thống điện Việt Nam là 4.000 MW, bây giờ là hơn 40.000MW. Con số này đủ thấy trong 2 thập kỷ qua, nhu cầu đầu tư và khả năng hiện thực hóa các dự án của tập đoàn lớn tới mức nào. Đáng nói, chừng ấy năm, chưa một dự án nào của EVN dù lớn hay nhỏ phải dừng vì hụt vốn”, ông Tri dẫn chứng

Theo đó, để có những món tiền lớn cấp cho các dự án quy mô, lúc bấy giờ không có phương án nào tối ưu hơn là “kết giao” với các định chế tài chính quốc tế, vì họ thỏa mãn các điều kiện, nhu cầu của Việt Nam như: được vay số lượng lớn, lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài... Vì thế, những cái tên như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)... lần lượt trở thành đối tác và sau này là bạn, cùng đồng hành với hàng loạt dự án năng lượng trong Nam, ngoài Bắc của tập đoàn

“Muốn có niềm tin trong mắt họ, EVN phải bài bản từ bản Báo cáo tài chính hàng năm; kế đó phải tuân thủ các điều kiện vay và trả nợ; đấu thầu dự án phải minh bạch, công khai... Tôi vẫn nhớ, cách nay 10 năm, Báo cáo tài chính của EVN đã được thuê công ty kiểm toán quốc tế đánh giá rồi chuyển sang chuẩn mực kế toán quốc tế, và được sao gửi tới các tổ chức tài chính mà mình có quan hệ để họ biết EVN là “ông” nào, làm ăn ra sao... Việc này tưởng nhỏ nhưng nó tạo niềm tin rất lớn cho cả 2 phía trước khi vào bàn đàm phán về một khoản vay nào đó”, lời ông Tri

tong_giam_doc_wb_kiem_tra_trung_son_ghxk.jpg.ashx

Tổng Giám đốc WBKristalina I.Georgieva kiểm tra Dự án Thuỷ điện Trung Sơn
Công trình sử dụng hơn 300 triệu USD vốn vay WB

Những điều mà ông Phó “Tổng” EVN vừa thuật lại thực tế được chứng minh trong chuyến thị sát Thủy điện Trung Sơn (Thanh Hóa) hồi hạ tuần tháng 3/2017 của bà Tổng Giám đốc WBKristalina I.Georgieva. Ngay tại chân công trình nguồn điện trị giá gần nửa tỷ USD này (85% vốn vay của WB), người điều hành định chế tài chính lớn nhất hành tinh rất hài lòng: “Dự án này sẽ đóng góp trên 1 tỷ kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia, ngăn lũ vào mùa mưa, cung cấp nước cho nông nghiệp và bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên, giúp bảo vệ cảnh quan, mang lại lợi ích cho xã hội, người dân; đặc biệt, còn giúp tiết kiệm khoảng 40 triệu USD”

Càng làm, chỉ số tín nhiệm của EVN càng lên - điều này đồng nghĩa các quy định ràng buộc trong quan hệ tín dụng giữa tập đoàn với các định chế tài chính ngày một “nhẹ nhàng” hơn, thậm chí có những khoản vay được thực hiện chủ yếu bằng... tín chấp

“Năm 2013, AFD của Pháp cho EVN vay trực tiếp 100 triệu USD đầu tư Thủy điện Huội Quảng mà không cần bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam, lãi suất món này ưu đãi như vay ODA. Về sau, JICA cũng đồng ý cho vay một món lên tới 10 tỷ Yên Nhật theo cách thức nói trên”, ông Tri thông tin

“Hữu xạ tự nhiên hương”, không chỉ AFD mà cả WB và ADB cũng tin tưởng và đi đến thông nhất với EVN rằng, các định chế tài chính này không những cho vay không cần bảo lãnh mà tới đây còn đứng ra bảo lãnh (15 - 20%) để EVN có thể vay vốn của các ngân hàng thương mại nước ngoài đầu tư điện gió, điện mặt trời... Cần biết, trong quan hệ tín dụng quốc tế, mỗi khi WB đã “gật đầu” bảo lãnh, chắc chắn không một ngân hàng thương mại nào trên thế giới có thể nói không với nhu cầu tiền vốn của EVN

Giữ thế thượng phong

“Sau một thời gian thực hiện các Dự án ODA, chúng tôi nhận thấy, đã tới lúc mình không thể lẽo đẽo đi theo “mẹ” mãi được nữa! Tức khi, mình đã gây dựng được quan hệ, sự tin cậy... thì phải tự “bơi” chứ không thể trông chờ vào bảo lãnh của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang bị giới hạn bởi trần nợ công”, Phó Tổng Giám đốc EVN nhấn mạnh

Cũng theo lãnh đạo tập đoàn này, nhu cầu đầu tư hàng năm của ngành Điện đang không ngừng tăng, và đã chạm mốc 6 - 7 tỷ USD/năm. Để thu xếp được những khoản tiền lớn, những người làm nhiệm vụ đàm phản, thương thảo của EVN cũng thực hiện những nguyên tắc giống như hoạt động của các... nhà ngoại giao

“Có người nghĩ, mình đi vay tiền thì luôn ở thế “chiếu dưới”, nhưng nguyên tắc của EVN không phải vậy. Chúng tôi luôn chuẩn bị đủ các phương án để tạo ra thế ngang bằng trước các tổ chức tài chính quốc tế. Thậm chí, có khi mình còn ở thế thượng phong khi vào bàn đàm phán với họ”, ông Tri tự tin

Theo quy trình, từ khi đàm phán đến lúc ký Hợp đồng vay, nhanh thì khoảng 1 năm như Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 với số vốn thoả thuận được hơn 1 tỷ USD; còn nếu chậm thì 2 - 3 năm mới ra được tiền, dù số vốn thu xếp được có khi cũng chỉ khoảng 100 triệu USD. “Công thức” đàm phán của EVN là ngồi với từng đối tác để đặt vấn đề, có khi mời cùng lúc nhiều tổ chức tài chính cùng tham gia thảo luận trên cơ sở chia nhỏ khoản vay ra để đàm phán điều kiện, thủ tục và lãi suất…

vay_nhiet_dien_vinh_tan_brol.jpg.ashx

Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là dự án có thời gian thu xếp vốn nhanh, với số vốn vay thoả thuận được hơn 1 tỷ USD

“Ở những cuộc như thế, mình phải rõ ràng, sòng phẳng ý định. Khi thấy “ông” nào đó có biểu hiện khó khăn, chúng tôi lập tức công khai ngay quan điểm của mình là “nếu ông không cho tôi vay thì tôi sẽ gặp đối tác khác”. Mình rõ ràng vay mượn thật, nhưng vẫn phải giữ được cái thế của mình!”, ông Tri nói thêm

Ngẫm lại hai chục năm làm nghề “ngoại giao tín dụng”, ông Phó Tổng Giám đốc EVN hiểu rõ những nguyên tắc bất di bất dịch trong làm việc với các đối tác nước ngoài, thế nhưng đôi khi hai chữ “chân thành” cũng mang lại những kết quả ngoài mong đợi trong đàm phán. Bởi có những dự án nếu cứ hoàn thành tuần tự các thủ tục thì khi triển khai sẽ chậm tiến độ; vì thế, trong đàm phán EVN phải trao đổi, chia sẽ chân thành quan điểm của mình để đạt được thoả thuận linh hoạt về cơ chế với đối tác

“Tôi nói như Dự án đường dây 500 kV Sơn La - Lai Châu yêu cầu phải thi công gấp mà cứ “bó gối” ngồi chờ phê duyệt thủ tục thì lâu lắm. Vì thế, phải đề xuất phương án đấu thầu, thi công trước thông qua việc tự ứng vốn bằng vay “bắc cầu” trong nước và nguồn tự có của EVN để triển khai, sau đó nước ngoài giải ngân sẽ hoàn lại… Làm trước, hoàn thiện thủ tục sau nhưng những quy định bắt buộc của tổ chức tài chính quốc tế, EVN đều tuân thủ nên được chấp thuận”, ông Tri dẫn chứng

Kể chuyện về những quan hệ tín dụng của EVN trong 20 năm qua để thấy vốn vay ODA đóng góp hết sức quan trọng đối với việc xây dựng hạ tầng nguồn và lưới điện của Việt Nam. Qua đó có điều kiện nhìn nhận rõ thêm vai trò của EVN trong nỗ lực mang về ngày một nhiều hơn những đồng vốn vay lãi suất ưu đãi, thời gian trả nợ dài… nhằm phục vụ nhu cầu đầu tư và đảm bảo điện cho phát triển kinh tế đất nước

EVN sẽ tham gia thị trường trái phiếu quốc tế

“Chúng tôi đã thông nhất WB sẽ giúp EVN lựa chọn một công ty kiểm toán hàng đầu thế giới để EVN chuẩn bị các hồ sơ xếp hạng tín dụng theo chuẩn mực quốc tế, làm cơ sở để các tổ chức tài chính trên thế giới đánh giá mức độ rủi ro từ đó quyết định thời hạn, lãi suất cho vay đối với EVN

Dự kiến, năm 2018, bảng xếp hạng tín dụng đầu tiên của EVN sẽ được công bố trên toàn cầu. Từ đó, EVN có điều kiện tính đến phương án phát hành trái phiếu và bước ra thị trường trái phiếu quốc tế để huy động vốn với lãi suất “mềm” hơn vay trong nước”, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri


Võ Tuấn
 
Top