What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Nhà giàu Trung Quốc

LOBBY.VN

Administrator
Người giàu Trung Quốc không yêu nước ?

tgdungdoloi3.jpg

Làn sóng di cư của người giàu có khiến Trung Quốc "mất cả chì lẫn chài"

60% người giàu Trung Quốc mong muốn định cư nước ngoài. Kết quả điều tra của công ty Bain mới đây thực sự làm dấy lên làn sóng phản đối gay gắt trong dư luận. Liệu nạn “chảy máu” tầng lớp thượng lưu này chỉ xuất phát từ ý muốn chủ quan của chính những người giàu, hay còn ẩn chứa nguyên nhân sâu xa nào khác ?

Báo cáo mới đây của công ty tư vấn Bain cho thấy, 60% các đại gia sở hữu khối tài sản khổng lồ hơn 10 triệu USD tại Trung Quốc đang cân nhắc vấn đề định cư ở nước ngoài

Trong số 2.600 người được điều tra, ít nhất có 10% gần như hoàn tất mọi thủ tục xuất cảnh. Bến đỗ mới của những người này tập trung vào các quốc gia phương Tây như: Mỹ, Canada, Australia hoặc một số nước châu Âu

Mất cả chì lẫn chài ?

Trào lưu nhập quốc tịch nước ngoài trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn mạng trong vài năm gần đây. Hàng loạt những ngôi sao giải trí đình đám của Trung Quốc như: Lý Liên Kiệt, Trần Khải Ca, Củng Lợi, Tưởng Đại Vi và gần đây nhất là Triệu Vi lần lượt chọn bến đỗ tại Mỹ, Canada hay Singapore…

Nạn “chảy máu” tầng lớp thượng lưu này làm dấy lên làn sóng chỉ trích trong dư luận. Thậm chí, một số người còn nặng nề chê trách hành động này là “không yêu nước”. Cũng có ý kiến lo ngại, làn sóng di cư này sẽ khiến Trung Quốc “mất cả chì lẫn chài”, bởi giới nhà giàu rời bỏ quê hương đồng nghĩa với việc một lượng tiền lớn sẽ "bay biến" của lãnh thổ đại lục

Vì sao người Trung Quốc lại phản ứng gay gắt như vậy ? Phải chăng họ cảm thấy lòng tự hào, tự tôn dân tộc đang bị xói mòn trong một bộ phận người giàu? Hay chính nếp suy nghĩ cũ kỹ, lạc hậu khiến họ đánh đồng trào lưu này với hành động “trưởng giả học làm sang” ?

Trên thực tế, sau 30 năm áp dụng kinh tế thị trường, nhiều người Trung Quốc vẫn “khư khư” quan niệm, nếu chỉ dựa vào kinh doanh thuần túy không thể kiếm được núi lợi nhuận khổng lồ như những đại gia hiện sở hữu

Họ nghi ngờ tính minh bạch về số tài sản của những người giàu. Họ lãng quên lời dạy của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình: “làm giàu là vinh quang” để lộ rõ lối sống ghen tỵ với thành quả của người khác. Lối sống này vẫn tồn tại ở một số địa phương Trung Quốc, đặc biệt là ở những vùng quê còn lạc hậu và trở thành nếp nghĩ “thâm căn cố hữu” của một bộ phận người dân

Đứng trước làn sóng phản ứng gay gắt của dư luận, nhà nghiên cứu Tăng Tỉnh Tồn của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, không nên vội vàng kết luận làn sóng di cư sẽ khiến Trung Quốc gánh hậu quả “mất cả chì lẫn chài”. Ông lý giải, trong thời đại toàn cầu hóa, việc xuất hiện làn sóng di cư là một quy luật tất yếu và hoàn toàn hợp lý

Đi tìm lời giải

Có hàng trăm lý do được đưa ra để giải mã làn sóng di cư của người giàu Trung Quốc: mong muốn môi trường sống tốt hơn, cơ hội kinh doanh nhiều hơn, “dễ thở” hơn khi được hưởng các dịch vụ và phúc lợi công cộng hoàn hảo…

Cũng không ít ý kiến cho rằng, khi nhập quốc tịch Mỹ, Nhật, Singapore…các Hoa Kiều có thể rũ bỏ nỗi phiền phức bởi thủ tục xin visa rườm rà, bù lại được tự do đi lại trên 130 nước. Đồng thời, rời khỏi Trung Quốc cũng là "cơ hội ngàn vàng" giúp những ai mong muốn sinh thêm con thứ hai, thứ ba được thỏa ước nguyện

Công ty Bain thì giải thích, động cơ lớn nhất của làn sóng di cư này là nhằm tìm kiếm một môi trường giáo dục tốt hơn cho các “cậu ấm, cô chiêu”. Theo số liệu của Bain, có tới 230.000 học sinh Trung Quốc đang học tập tại nước ngoài. Ngoài ra, tính trung bình mỗi năm, lượng du học sinh Trung Quốc sang các nước phương Tây tăng tới hơn 20%

Nhưng thực tế, làn sóng di cư của người giàu Trung Quốc chỉ đơn thuần xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan? Hay còn bị thôi thúc bởi những yếu tố khách quan nảy sinh từ điều kiện kinh tế, xã hội hiện tại của nước này ?

Để đạt được giấc mộng định cư tại Mỹ, một người Trung Quốc cần "bỏ ra" nửa triệu USD hoàn tất thủ tục visa. Đó cũng là số tiền chỉ để tậu được một căn hộ với hai phòng ngủ khá khiêm tốn tại Bắc Kinh

Nghịch lý này cho thấy, “cơn sốt” đất, nhà ở trên thị trường bất động sản tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh thời gian gần đây luôn khiến người dân Trung Quốc trở nên “ngộp thở”

Vì vậy, những bất cập trong đời sống thường nhật thôi thúc tầng lớp này “ào ạt” tìm kiếm cơ hội kinh doanh, sinh sống tại một môi trường “thông thoáng” hơn, bớt ngột ngạt hơn so với đại lục

Ngoài ra, giới đại gia Trung Quốc cũng luôn cảnh giác với sự an toàn của số tài sản kếch xù. Tuy Chính phủ đại lục từ lâu ban hành điều luật bảo đảm tài sản cá nhân nhưng trên thực tế, giới siêu giàu vẫn chưa thực sự yên tâm

Ngô Giai Xuyên, 42 tuổi, một thương gia có tiếng trong giới bất động sản thổ lộ: “Tôi không có cảm giác an toàn khi kinh doanh ở Trung Quốc. Mỗi phi vụ làm ăn, tôi thường đau đầu giải quyết những thủ tục hành chính rườm rà. Chỉ cần một chút sơ sẩy, cả cơ nghiệp mấy chục năm gây dựng sẽ tan thành mây khói”

Không ít người trong cuộc điều tra mới đây tỏ rõ thái độ bức xúc trước tác phong quản lý, làm việc của một số cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp. Ông Xuyên lý giải: “Nghe nói, ở nước ngoài môi trường kinh doanh rất thông thoáng, không bị ràng buộc bởi những thủ tục hành chính rườm rà. Môi trường như vậy mới thực sự thu hút tôi”

Ngoài những nguyên nhân trên, nguy cơ an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đang trở thành nỗi khiếp sợ của toàn bộ người dân nói chung và các đại gia Trung Quốc nói riêng

Hàng loạt những vụ việc bê bối: sữa chứa melamine, dầu bẩn, thịt siêu nạc, bánh bao nhiễm độc, “phù phép” thịt lợn thành thịt bò, giá đỗ bẩn, miến giả…thời gian qua thực sự đánh sập thị trường tiêu dùng Trung Quốc, khiến Chính phủ nước này đang “lao đao” khắc phục hậu quả

Người giàu Trung Quốc, họ có quyền lựa chọn một môi trường sống an toàn hơn, nhằm đảm bảo tương lai của chính họ và con cái. Vì vậy, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước khi đưa ra những phán xét nặng nề với cơn khát xuất ngoại của tầng lớp thượng lưu, Chính phủ nước này nên chú trọng cải thiện mọi điều kiện sống căn bản, tạo không gian sinh hoạt thật sự trong lành, an toàn cho người dân

Và điều quan trọng hơn là, dù ở đâu, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Trung Quốc vẫn luôn khiến cộng đồng quốc tế phải nể phục. Định cư nước ngoài không đồng nghĩa với việc người giàu Trung Quốc lãng quên quê hương nguồn cuội. Thực tế cho thấy, hàng năm, Hoa kiều vẫn “rót” về những khoản đầu tư lớn, góp phần phát triển đất nước ngày càng phồn thịnh

Năm 1997, khi Hong Kong về với Trung Quốc, một lượng lớn cư dân xứ Cảng thơm sang định cư tại Canada. Dư luận lúc đó cũng lên tiếng chỉ trích nặng nề. Song, bỏ qua những thị phi, hơn 10 năm sau, rất nhiều người trong số họ quay trở về Hong Kong, đường đường chính chính phát triển sự nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương mình

Trung Quốc lâu nay vẫn được xem là quốc gia có làn sóng di cư lớn nhất thế giới. Dù ở đâu, châu Âu, châu Mỹ, châu Úc…đều dễ dàng nhận thấy cộng đồng người Hoa đang “cần mẫn” sinh sống và làm việc. Xét một cách khách quan, trào lưu nhập cư của người Trung Quốc còn góp phần thúc đẩy quá trình trao đổi, giao lưu văn hóa, lối sống giữa các quốc gia trên thế giới.
 
Last edited:
Kinh tế Trung Quốc trước mối họa giàu nghèo

Sự phân cực giàu nghèo tại Trung Quốc không chỉ đe dọa tới sự ổn định xã hội ở quốc gia này, tờ Wall Street Journal nhận định. Mà hơn thế, nếu những người giàu chuyển tài sản của họ ra bên ngoài, hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn có khả năng bị tác động dữ dội

Theo Wall Street Journal, khoảng cách giàu nghèo thực tế ở Trung Quốc có lẽ còn lớn hơn nhiều so với những số liệu chính thức được công bố. Số liệu của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, năm 2008, thu nhập có thể chi phối của 10% số người giàu nhất tại các đô thị của Trung Quốc, chỉ khoảng 6.300 USD, gấp 9 lần so với 10% số người nghèo nhất

Tuy nhiên, nếu vòng quanh trung tâm các thành phố như Bắc Kinh hay Thượng Hải, bạn sẽ cảm thấy hoài nghi con số này. Bởi lẽ, bạn sẽ thấy những người giàu mới nổi ở quốc gia này đang lái xe Audi, khoác túi Louis Vuitton, những thứ mà với thu nhập vẻn vẹn có 6.300 USD/năm thì không thể nào sắm sang nổi

Theo kết quả điều tra độc lập của giáo sư Vương Tiểu Lỗ thuộc Quỹ cải cách Trung Quốc, thu nhập hàng năm của 10% số người giàu nhất Trung Quốc vào khoảng 20.200 USD, gấp 25 lần so với 10% số người nghèo nhất ở đất nước này

Đồng thời, những người giàu nhất này đang sở hữu một lượng tài sản kếch xù. Theo báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Chiêu Thương Trung Quốc và công ty Bain & Co, số tài sản có thể đầu tư năm 2011 của 590.000 người giàu nhất Trung Quốc (chiếm chưa tới 0,05% dân số cả nước) có thể lên tới 2,7 nghìn tỷ USD

Sự bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi đã chứng tỏ việc khi một lượng nhỏ người giàu nắm giữ phần lớn tài sản quốc gia có thể gây ra những bất mãn trong xã hội

Tuy nhiên, giáo sư Victor Shih thuộc trường Đại học Northwestern cho rằng, việc người giàu Trung Quốc nắm giữ một lượng lớn của cải còn có thể tạo nên sự uy hiếp đối với sự ổn định của hệ thống tài chính

Theo giáo sư Victor Shih, nỗi lo canh cánh của các nhà lãnh đạo Trung Quốc là việc nhà đầu tư chuyển sự giàu có của họ ra nước ngoài. Trong thời gian khủng hoảng tài chính châu Á, việc nhà đầu tư đột ngột thoái vốn đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế các nước Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan

Trung Quốc từ trước tới nay chưa hề mở cửa các tài khoản vốn, điều này khiến vốn của các nhà đầu tư không thể nhập xuất khỏi quốc gia này một cách hợp pháp. Nhưng những quan hệ hợp tác về thương mại và đầu tư khổng lồ cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có thể lách cơ chế kiểm soát tương đối dễ dàng

Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc đạt gần 10%, đồng Nhân dân tệ lại đang tăng giá. Điều này có nghĩa là, nhà giàu Trung Quốc không có lý do gì để chuyển sự giàu có của họ ra nước ngoài. Tuy nhiên, những điều kiện này không thể được duy trì mãi mãi

Theo kết quả điều tra dư luận với 2.600 người có thu nhập ròng ở mức cao, gần 60% số người tham dự đã sắp xếp hoặc đang cân nhắc tới việc di dời kinh tế. Việc thoái vốn ra nước ngoài là “rủi ro” sau cùng, nhưng nhà đầu tư không thể chủ quan
 
Last edited:
Thú chơi sang của người Trung Quốc

110509114912_gordon_304x171_bbc_nocredit.jpg

Ông Gordon Hui cùng các nữ nhân viên quảng cáo tại triển lãm thuyền buồm ở Hong Kong

Ngồi trên boong thuyền dài chấm nắng, nhấm nháp cà phê đá và phì phèo thuốc lá, ông Gordon Hui trông rất hài lòng với bản thân

Và cũng hợp lý thôi

Ông phụ trách hoạt động ở Châu Á của công ty sản xuất thuyền buồm Anh Sunseeker và đang chuẩn bị ký hợp đồng trị giá tới 33 triệu đô la Mỹ để bán năm thuyền trong đó có hai chiếc dài hơn 30m cho một khách hàng ở Trung Quốc

"Họ đã tìm hiểu mọi việc kỹ rồi. Họ đến chỉ để nói về thời gian giao hàng thôi," ông nói nhân lúc không phải tiếp khách tại triển lãm thuyền Hong Kong Gold Coast

Ông Hui nói nhu cầu tiêu thụ thuyền buồm xa xỉ, thân sâu mà Sunseeker sản xuất 230 chiếc mỗi năm tại vùng quê Dorset của Anh đã tăng mạnh tại Trung Quốc từ con số không cách đây hai năm

Kể từ đó tới nay Sunseeker đã bán được 25 thuyền buồm cho khách hàng Trung Quốc

Chuộng hàng xa xỉ

Nhu cầu gần như không gì thỏa mãn nổi của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng xa xỉ là điểm tựa cho các công ty đóng thuyền buồm cũng như các công ty sản xuất hàng xa xỉ khác vào lúc mà thị trường truyền thống ở Hoa Kỳ và Châu Âu đang trì trệ

"Họ mua đồng hồ xịn, họ mua xe bóng nhoáng rồi họ mua thuyền buồm" - đó là quan sát của ông Silva Yim, chủ hãng bán hàng cho Princess Yachts, một công ty của Anh có trụ sở tại Plymouth

Nhưng không phải mọi việc đều thuận buồm xuôi gió cho các công ty sản xuất thuyền, phần lớn từ Châu Âu

Không ai nghi ngờ gì về chuyện các tỷ phú Trung Quốc có nhiều tiền và thích phô trương bằng những siêu thuyền

Nhưng thuế cao, các quy định phức tạp, thiếu bến cảng và sông nước thích hợp có thể hạn chế số thuyền tiêu thụ

Các công ty ngoại quốc cũng gặp phải sự cạnh tranh của những nhà sản xuất nội địa đang muốn có chân trong thị trường béo bở này

Nằm sát các thuyền sản xuất tại Anh và Ý ở triển lãm thuyền tại Hong Kong là một vài thuyền được sản xuất ở Trung Quốc

Ổ karaoke

Các công ty đóng thuyền đều muốn đáp ứng các thị hiếu khác nhau của khách hàng Trung Quốc

Ông Yim của công ty Princess Yachts, bây giờ do LVMH Moet Hennessey Louis Vuitton nói rằng người Trung Quốc thích dùng thuyền buồm trong khoảng thời gian ngắn vào cuối tuần cùng với gia đình hay tiêu khiển khách hàng

Ông nói khoảng trống trên boong thường nhỏ hơn vì người Trung Quốc thường không thích tắm nắng hay chơi thể thao nước

Thay vào đó họ muốn có khoảng không ở bên trong để đón khách

Một khách hàng đề nghị biến phòng ngủ chính thành phòng karaoke, ông Yim cho biết

Mặc dù Trung Quốc có bờ biển dài 18.000km nhưng các chuyến đi dài dọc bờ biển khá khó khăn vì những quy định ngặt nghèo về chuyện thuyền tư nhân có thể neo đậu tại đâu

Những người sở hữu thuyền phải có giấy phép đặc biệt để đi thuyền từ tỉnh này sang tỉnh kia và các thuyền buồm lớn được coi như tàu thương mại

Trung Quốc cũng thiếu các bến đỗ và khi họ có bến thì tiêu chuẩn cũng không cao

Ngoài ra Trung Quốc cũng đánh thuế 43% đối với thuyền nhập khẩu và vì vậy nhiều người mua và giữ thuyền ở Hong Kong để tránh phải trả thuế

Made in China

Nhìn từ xa, chiếc thuyền Accelera dài gần 30m trông giống bất kỳ thuyền buồm nào do Ý, Anh và Hoa Kỳ sản xuất tại triển lãm, với thân thuyền lịch lãm và các đường nét rõ ràng

Nhưng thuyền được sản xuất tại Zuhai, một thành phố ở Trung Quốc cách Hong Kong chừng hai giờ và có giá 900.000 đô la, chưa bằng một phần ba giá của các đối thủ cạnh tranh quốc tế

Ông Samuel Wong, giám đốc điều hành của công ty đóng thuyền này nói ông chọn Accelera làm tên công ty vì nó "nghe giống tiếng Ý"

Xưởng đóng tàu của bố ông thường đóng thuyền đánh cá và thuyền nhỏ nhưng ông Wong tin rằng hướng đi của ông sẽ mang lại kết quả vì các nhãn hiệu thuyền buồm quốc tế còn chưa bám rễ ở Trung Quốc

"Động cơ và thiết bị điện tử cũng giống các thương hiệu quốc tế - chỉ có giá lao động của chúng tôi rẻ hơn," ông nói

Bên trong thuyền có phòng karaoke cùng với đèn disco nhấp nháy nhưng người ta ngửi thấy mùi cao su và trông nội thất không bóng bẩy như của các đối thủ Châu Âu

Nhưng ông Wong và một số công ty sản xuất thuyền buồm của Trung Quốc cho thấy xu hướng chuyển sang sản xuất hàng cao cấp thay vì sản xuất hàng loạt

Tiêu nhiều

Người mua năm chiếc thuyền của Sunseeker là Frankie Chan và ông rất thẳng thắn khi nói chuyện với tôi qua điện thoại về thương vụ này

110509115204_accelera_304x171_bbc_nocredit.jpg

Các công ty Trung Quốc cũng bắt đầu cạnh tranh với các hãng sản xuất thuyền buồm nước ngoài

Ông Chan là phó chủ tịch của Oursjia, một công ty cho thuê đồ xa xỉ chỉ dành cho những người là thành viên tại Quảng Châu

Công ty bắt đầu tìm mua thuyền buồm cách đây ba tháng vì có như cầu từ một số trong danh sách 500.000 khách hàng

Họ trả phí 20.000 nhân dân tệ ($3.000USD) mỗi năm để có quyền thuê xe từ đội 3.000 chiếc xe hạng sang và các đồ đạc đắt tiền khác

Oursjia ước tính 50.000 khách hàng của họ là những người có thể sử dụng thuyền buồm trong tương lai và thuyền họ mua của Sunseeker sẽ bao gồm cả thuyền trưởng và các thuyền viên

Và dường như siêu thuyền buồm không phải là những mặt hàng duy nhất mà khách hàng của họ thích

"Sếp tôi sẽ bay sang Châu Âu trong tuần tới để tìm hiểu về việc mua máy bay riêng," ông Chan nói

Katie Hunt
Phóng viên BBC, Hong Kong
 
Last edited:
Trung Quốc đối đầu với tình trạng "chảy máu tài sản"

Phần đông người Trung Quốc có hơn 1,5 triệu USD muốn ra nước ngoài sống. Họ kiếm tiền từ đất nước nhưng chẳng muốn thực hiện trách nhiệm nào

Có phải Trung Quốc đang đương đầu với tình trạng “chảy máu tài sản” ?

Có phải nhiều người Trung Quốc thông minh và giàu có nhất đang hy vọng gom vốn của mình lại và ra nước ngoài sống ?

Theo nghiên cứu mới nhất về tài sản cá nhân được công bố bởi ngân hàng China Merchants Bank và công ty tư vấn Bain & Company, phần đông trong nhóm người Trung Quốc có hơn 10 triệu nhân dân tệ tương đương khoảng 1,53 triệu USD tài sản cá nhân cho rằng việc đầu tư vào bất động sản kém hấp dẫn hơn đầu tư để di cư

Gần 60% số người được hỏi cho biết họ đang cân nhắc di cư thông qua đầu tư ra nước ngoài hoặc cho đến nay đã làm xong việc này

Càng giàu, họ lại càng muốn ra nước ngoài. Đối với những ai đang có hơn 100 triệu nhân dân tệ; 27% đã rời Trung Quốc còn 47% còn lại đang cân nhắc ra đi

Hiện nay tại Trung Quốc người ta đang bàn tán rất nhiều về vấn đề di cư, các số liệu thống kê cho thấy nó đã trở thành một xu thế

Số liệu từ Caixin online, một website chuyên về tài chính, cho thấy tốc độ tăng trưởng đầu tư ra nước ngoài của các cá nhân Trung Quốc đạt 100% trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2010. Mức tăng trưởng của số lượng người Trung Quốc sử dụng đầu tư để di cư sang Mỹ trong 5 năm qua lên tới 73%

Vậy tại sao người Trung Quốc giàu có lại muốn rời đất nước? Đơn giản, dù giàu nhưng có nhiều thứ người giàu không thể mua được tại Trung Quốc. Người giàu Trung Quốc thường nói rằng sẽ chẳng có vấn đề gì hết nếu tiền cho thể giải quyết được nó. Trong nhóm những nguyên nhân đằng sau hoạt động di cư, có cả lý do về vật chất và tinh thần

Xét về mặt vật chất, có thể kể đến hệ thống giáo dục, phúc lợi xã hội, thuế thừa kế, chất lượng không khí, môi trường đầu tư, an ninh lương thực, khả năng du lịch…

Xét về lý do tinh thần, người giàu tại Trung Quốc thường lo lắng về an toàn cá nhân, an toàn tài sản và lo sợ về tương lai không chắc chắn

Báo cáo từ Gallop Wellbeing Survey cho thấy phần lớn người Trung Quốc cảm thấy không vui, dù kinh tế Trung Quốc không ngừng tăng trưởng ấn tượng, tốc độ mà Mỹ và châu Âu chỉ có thể “mơ”

Tỷ lệ người Trung Quốc trả lời rằng cuộc sống của họ đang tốt lên cũng tương đương với tỷ lệ này tại Afganistan và Yemen. Trong khi đó, nhóm người Trung Quốc khẳng định cuộc sống của họ đang khó khăn cũng tương đương như ở Haiti, Azerbaijan và Nepal. Người nghèo Trung Quốc không vui vẻ khi người giàu ra đi

Sự thật rằng, nếu không di cư, người Trung Quốc cũng sẽ phải chịu những nguyên nhân gây mất hạnh phúc như người nghèo. Hãy nói đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2010, khi phóng viên của IHT hỏi chuyện một người phụ nữ Trung Quốc về việc tại sao cô lại rời đất nước, cô trả lời cô sợ vụ sữa Tam Lộc nhiễm melamin và bởi tâm lý không thích người giàu ngự trị tại Trung Quốc

Câu trả lời của cô cho thấy khi khoảng cách giàu nghèo ngày một lớn, người nghèo trở nên căng thẳng hơn trước và người giàu cũng cảm thấy mệt mỏi

Người ta đặt câu hỏi cuối cùng tâm lý ghét người giàu sẽ đi đến đâu. Người giàu cũng hiểu họ phải chịu trách nhiệm nhất định với việc phân phối tài sản không coonb bằng

Vấn đề sẽ không có gì lớn nếu số lượng người quyết định ra đi thấp. Thế nhưng khi quyết định số ít trở thành số đông, kinh tế và xã hội sẽ chịu tác động mạnh từ việc họ ra đi

Khi người giàu thu xếp tiền và ra đi, họ không còn mối liên quan với đất nước, họ cũng tránh các nghĩa vụ xã hội. Không thể phủ nhận sự thật rằng họ kiếm tiền từ đất nước nhưng lại chẳng muốn trả lại cái gì

Người giàu đã quyết định đến sống ở một nước khác cần biết rằng khi làm như vậy, họ đang khiến người còn ở lại cảm thấy kém vui vẻ. Người nghèo nổi giận vì họ không thể ra đi và tâm lý ghét người giàu càng lớn hơn. Đó là điều tồi tệ nhất đối với một xã hội
 
Last edited:
Người giàu Trung Quốc và kế hoạch di cư

- Từ 5 năm nay, việc di cư ra nước ngoài của những người giàu Trung Quốc (TQ) đã không chỉ là hiện tượng mà còn trở thành một xu thế. Họ ra đi vì lý do gì? Kinh tế, mưu sinh hay còn những nguyên do ẩn giấu nào khác? Mời độc giả đọc tiếp phần 2 của bài viết "Vì sao người giàu Trung Quốc di cư ra nước ngoài" ?

Những nguyên nhân ẩn giấu

Trong quốc gia "nước nghèo giàu có", rất nhiều người dân bị mất đất vào tay các doanh nghiệp bất động sản đã phải chứng kiến đất đai của họ bị thổi giá lên đến hàng chục lần so với giá đền bù. Đó cũng là điều mà Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo đã phải công khai thừa nhận là "sự oán giận của người dân"

Do đó không có gì ngạc nhiên khi liên tiếp trong những tháng gần đây, tại TQ đã xảy ra hàng loạt vụ biểu tình của người dân khiếu kiện đất đai, của giới sinh viên ở Nội Mông, của người nhập cư ở Quảng Châu và Quảng Đông, kể cả những vụ đánh bom vào các cơ quan công quyền ở Thiên Tân

Sự bức xúc và bất mãn của dân chúng cũng căn cứ vào hiện tượng ngày càng nhiều quan chức nhà nước tìm cách tuồn nguồn tiền có được từ tham nhũng ra tài khoản ngân hàng nước ngoài, gửi vợ con ra nước ngoài và đến lượt mình có thể sẽ "biến" ra nước ngoài một khi có điều kiện thuận lợi

Một điểm trùng hợp cũng cần ghi nhận là tỷ lệ "quỹ đen" của giới nhà giàu TQ chiếm đến gần 1/3 GDP, lại bằng với giá trị tham nhũng tại quốc gia này - cũng khoảng 1/3 GDP. Nhà nghiên cứu Vương Tiểu Lỗ của Quỹ Cải cách TQ đã tìm ra con số tham nhũng lên đến 9.600 tỷ NDT (khoảng 1.500 tỷ USD). Với những quan chức nằm trong diện tham nhũng đậm đà như thế, hiển nhiên cách thức an toàn nhất của họ là đi theo xu hướng di cư của giới giàu có ra nước ngoài, vừa có thể rửa tiền bất chính, vừa an toàn hơn hẳn so với việc tiếp tục ở lại trong nước

Mới đây, hãng truyền thông BBC đã dẫn một bản báo cáo được công bố của Ngân hàng trung ương TQ về việc các quan tham TQ đã gửi ra nước ngoài đến 120 tỷ USD trong giai đoạn 1990-2008. Những địa chỉ được ưa chuộng gửi tiền là Mỹ, Australia, Canada và Hà Lan. Cùng với sự bốc hơi tài chính là sự bốc hơi về con người khi có đến 16.000 - 18.000 quan chức và nhân viên các công ty quốc doanh đã rời khỏi TQ

"Đầu tư thông qua di cư"


Cần nhắc lại, việc người giàu TQ di cư ra nước ngoài đã trở thành một hiện tượng xã hội từ năm 2006-2007. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, hiện tượng này tạm lắng đi. Nhưng sang năm 2009 và đến giữa năm 2010, giới giàu có TQ đã công khai bàn tán chuyện chỉ mất nửa triệu USD để có một tấm thẻ xanh ở Mỹ hay Canada. Trên diễn đàn mạng cũng sôi nổi hiện tượng nhiều ngôi sao giải trí của TQ như Lý Liên Kiệt, Trần Khải Ca, Củng Lợi, Tưởng Đại Vi, Triệu Vi lần lượt chọn bến đỗ tại Mỹ, Canada hay Singapore

Vào tháng 5/2011, một cuộc điều ra của công ty tư vấn Bain đã cho thấy có đến 60% người giàu TQ mong muốn định cư ở nước ngoài. Đây là số người giàu với tài sản bình quân trên 10 triệu USD. Trong số 2.600 người được điều tra, ít nhất có 10% gần như hoàn tất mọi thủ tục xuất cảnh. Theo Bain, càng giàu họ lại càng muốn ra nước ngoài. Đối với những ai đang có hơn 100 triệu nhân dân tệ, 27% đã rời Trung Quốc, còn 47% đang cân nhắc ra đi. Bến đỗ mới của những người này tập trung vào các quốc gia phương Tây như Mỹ, Canada, Australia hoặc một số nước châu Âu

Còn tờ Wall Street Journal của Mỹ nhận định, sự phân cực giàu nghèo tại TQ không chỉ đe dọa đến sự ổn định xã hội ở quốc gia này, mà hơn thế, nếu những người giàu chuyển tài sản của họ ra bên ngoài, hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới có khả năng bị tác động dữ dội

Việc chính phủ TQ lo lắng đến hệ quả "chảy máu tài sản" là hoàn toàn có cơ sở. Trong giới doanh nhân TQ, đã xuất hiện quan niệm cho rằng đầu tư vào bất động sản không hấp dẫn bằng hình thức "di cư thông qua đầu tư". Có lẽ đây là một quan niệm và cũng là một phương thức mới mà chỉ xuất hiện ở một ít quốc gia trên thế giới như TQ. Như để chứng minh cho phương thức này, trang mạng của TQ Caixin online chuyên về tài chính đã thống kê tổng đầu tư ra nước ngoài của tư nhân TQ đã tăng mạnh hàng năm 100% trong giai đoạn 2008-2010, và số người TQ sử dụng đầu tư để di cư sang Mỹ đã tăng 73% trong vòng 5 năm từ 2006 đến 2010

Đã khá rõ là những người đã kiếm bộn tiền từ việc khai thác thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản ở TQ đã không còn nhìn thấy tiềm năng của miền đất này nữa. Đó là một thực tế mà bất cứ nhà đầu cơ nào cũng đều nhận ra là việc tạo sóng tăng cho một thị trường đang ở đỉnh cao khó hơn nhiều so với một thị trường ở vùng đáy

Mà cả hai thị tường chứng khoán và thị trường bất động sản ở TQ hiện đều dao động tại vùng đỉnh. Trong trường hợp nền kinh tế TQ tốt đẹp và kinh tế thế giới ổn định, hai thị trường này có thể tiếp tục được giữ ngang hoặc "bò" dần lên theo kiểu Mỹ. Nhưng cái cách vận động thị trường như thế lại hoàn toàn không hấp dẫn đối với giới đầu cơ cá mập. Với họ, thị trường luôn phải có sóng, tức luôn phải có những khoảng dao động lên xuống rất mạnh thì nguồn lợi nhuận mới sinh sôi nảy nở mạnh được

Cũng bởi thế, dường như giới nhà giàu TQ đang dự tính đến những tương lai sâu xa hơn. Dòng tiền nóng đã từng được đổ vào TQ nhiều tháng trước đây, nay hình như không còn thấy bóng dáng đâu nữa. Mà thậm chí ngược lại, có vẻ như dòng tiền nóng đang chuyển động ngược từ TQ ra những thị trường mới nổi ở các nước khác trong khu vực. Kể cả những thị trường bất động sản đã "nằm' quá lâu như Mỹ và Anh cũng là nơi thu hút dòng tiền đầu tư, đầu cơ của những người giàu TQ. Từ đó, khá dễ hiểu là phương thức "đầu tư thông qua di cư" đang được hợp thức hóa và có khá đủ cơ sở biện minh cho sự dịch chuyển của dòng tiền và người sở hữu tiền từ TQ ra nước ngoài

Giàu cho tương lai bất ổn ?

Vậy trong bối cảnh dòng tiền chạy dần ra nước ngoài, tình hình kinh tế trong nước sẽ ra sao? Trước mắt, TQ vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới về GDP. Nhưng như đã đề cập, TQ là một dạng "nước nghèo giàu có" mà dễ làm cho người ta hình dung ra trạng thái bong bóng tài sản. Bong bóng đó không chỉ tồn tại ở mặt bằng giá nhà đất đã tăng quá cao tại 70 thành phố lớn của TQ, mà còn liên quan đến hệ thống ngân hàng - nơi có mối quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc với các khoản vay mượn khổng lồ

Trong bối cảnh giá nhà đất tại TQ chỉ giảm nhẹ như 6 tháng đầu năm 2011, chuyện bong bóng bất động sản vẫn còn treo ở đó và chưa thể khẳng định là nó sẽ bùng vỡ ngay được. Nhưng nếu như điều kiện kinh tế xấu đi nhanh chóng, không ai có thể đảm bảo là bong bóng bất động sản chỉ xì hơi

Mà có thể là một cú lao dốc thẳng đứng của giá nhà đất. Tháng 5/2011, lạm phát ở TQ đã đột biến đến trên 5% - một con số khó hình dung và làm rất nhiều người dân ở đất nước này bất ngờ. Những tín hiệu thoái trào đầu tiên đang xuất hiện

Một sự việc đáng chú ý trong thời gian gần đây là Tổ chức đánh giá độc lập Fitch đã dự báo có đến 60% khả năng TQ phải đương đầu với cuộc khủng hoảng ngân hàng vào giữa năm 2013. Tất nhiên Fitch phải xác lập những cơ sở tối thiểu và cũng phải chịu trách nhiệm cho dự báo này. Chúng ta cũng có thể liên tưởng ngay đến hệ thống doanh nghiệp bất động sản với quá nhiều căn hộ còn tồn kho và những món vay dài hạn

Với tư cách nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, TQ cũng đương nhiên phải chịu những tác động ngược nếu Mỹ và châu Âu không thể dàn xếp ổn thỏa vấn đề nợ công xuyên lục địa. Khi đó, hiển nhiên sự khó khăn của hệ thống ngân hàng TQ cũng kéo theo tình cảnh ngân hàng phải siết nợ hàng loạt doanh nghiệp bất động sản thiếu khả năng thanh toán. Cũng khi đó, vốn đã tích tụ sẵn nhiều mầm mống về bất công thu nhập và bất công xã hội, hậu quả về kinh tế hoàn toàn có thể trở thành giọt nước tràn ly đối với tầng lớp người nghèo ở TQ

Còn người giàu Việt Nam ?

Cuối cùng và ngẫm lại, những vấn đề của TQ cũng chẳng mấy xa xôi với Việt Nam. Cũng là vấn đề và hệ quả của các thị trường chứng khoán, bất động sản. Và cả người giàu...

Có thể việc so sánh người giàu của Việt Nam với TQ là khập khiễng, vì TQ có đến 260 tỷ phú đô la và GDP đạt đến 6.000 tỷ USD năm 2010, trong khi GDP của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/60 lần TQ và cũng chưa có tỷ phú đô la nào. Thế nhưng nếu như những người giàu nhất TQ có tài sản bình quân khoảng 4-5 tỷ USD, thì những người giàu nhất Việt Nam lại có tài sản không phải bằng 1/60 của con số 4-5 tỷ USD ấy, mà từ 400-500 triệu USD, tức chỉ bằng 1/10 TQ mà thôi

Sự so sánh trên cho thấy người giàu Việt Nam mới giàu đến thế nào, trong hoàn cảnh một đất nước vẫn còn trên 10% hộ nghèo. Tương tự như cách thức làm giàu của các đại gia TQ, ở Việt Nam chỉ cần trải qua vài mùa sóng chứng khoán và bất động sản là những đại gia Việt đã nhân tài sản của mình lên hàng chục lần

Liệu đã cần lo ngại rằng, tới một lúc nào đó, giới siêu giàu Việt Nam có thể tuồn tiền ra nước ngoài theo hình thức "di dân thông qua đầu tư" ?

TS. PHẠM CHÍ DŨNG
 
Last edited:
Phú ông Trung Quốc định mua cả thế giới ?

- Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào thị trường nhà đất Trung Quốc để giải ngân tiền nóng, thì giới triệu phú Trung Quốc lại đổ xô ra nước ngoài mua bất động sản

toronto_7.jpg

Toronto: Mục tiêu săn lùng bất động sản ưa thích của các "đại gia" Trung Quốc

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết kể từ tháng 2/2011 tới nay, thương nhân nước ngoài đua nhau chen chân vào thị trường đất đai Trung Quốc, với việc số công ty địa ốc nước ngoài xin tăng thêm vốn và lập thêm chi nhánh mới tăng vọt. Trong khi đó, các “đại gia” Trung Quốc lại lao ra ngoài mua nhà đất, tạo thành dòng nước ngược

“Tuần báo kinh tế” số tháng 4/2011 dự đoán trong năm 2011, các công ty xuyên quốc đổ vốn đầu tư vào thị trường nhà đất Châu Á tới 104 tỉ USD, tăng 45% so với năm 2010. Trong đó, Trung Quốc là một điểm đến quan trọng và chỉ trong thời gian ngắn, đã có tới 39 công ty nhà đất mới thành lập

Trong bài “Phú ông Trung Quốc định mua cả thế giới?”, tờ “Tài chính quốc tế” Trung Quốc ngày 21/6 cho biết rất nhiều “đại gia” Trung Quốc đổ xô ra nước ngoài mua nhà đất. Họ thuê bao cả máy bay, tổ chức các đoàn đi lùng sục nhà đất mà đối tượng chủ yếu ở Mỹ, Canada, Australia và các nước phương Tây, trong khi lại tỏ ra thờ ơ và lạnh nhạt với nhiều khu nhà ở các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và nhiều thành phố lớn khác

Ông chủ Công ty quốc tế Cao Lực đăng nhiều quảng cáo mua lại các khu biệt thự sang trọng ở Paris, London, Ottawa, Toronto... Công ty này đã thành lập “Ban tư vấn” chuyên tìm mua nhà trong các thành phố lớn ở các nước

Tờ “Người đưa tin buổi sáng Sydney” ngày 20/6 cho biết một nữ sinh con “đại gia” ở Trung Quốc đã thay mặt cha tham gia đấu thầu mua cả khu nhà trị giá 11,4 triệu đô la Australia (AUD)

Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là mục tiêu săn lùng của các “đại gia” Trung Quốc. Báo chí Thượng Hải cho biết vừa qua rất nhiều chủ doanh nghiệp đã thuê bao nhiều chuyến máy bay đi Nhật Bản, Hàn Quốc để mua nhà đất và sẵn sàng vung tiền mua nhiều ngôi nhà sang trọng ở thủ đô và các thành phố lớn của hai nước này. Đầu tháng 5/2011, hơn 150 chủ doanh nghiệp Thượng Hải đi Hàn Quốc và trong mấy ngày nghỉ ở đây, họ đã chi khoản tiền 183 triệu nhân dân tệ (CNY) để mua tới 58 khu nhà nghỉ ở đảo nghỉ mát Jeju của Hàn Quốc

Tờ “Tài chính quốc tế” giải thích lý do các ông chủ Trung Quốc sẵn tiền đầu tư vào thị trường nhà đất nước ngoài như vậy. Thời gian qua, Bắc Kinh đã tiến hành chấn chỉnh, quản lý, thắt chặt thị trường nhà đất ở Trung Quốc, tiền vốn dư thừa mà các ông chủ có kế hoạch đầu tư ở trong nước bị “phanh lại”, nên họ phải ra nước ngoài để “giải ngân”. Số liệu thống kê của Trung Quốc cho biết trong số 146 triệu phú mới tăng lên ở Trung Quốc thời gian qua, có tới 128 triệu phú chuyên kinh doanh nhà đất và chứng khoán. Rất nhiều người phất lên nhanh chóng thông qua việc trưng mua đất của nông dân với giá rất rẻ sau đó bán lại với giá rất cao. Một số khác làm giàu qua con đường “buôn dự án xây dựng” nhiều khu chung cư, gây ra “cơn sốt ảo” thị trường nhà đất. Trong tháng 1/2011, có tới 68 trong số 70 thành phố lớn ở Trung Quốc đều công bố tăng giá nhà đất, chỉ có 2 thành phố giữ giá, trong đó có 10 thành phố tăng ở mức tới 10%

Bởi vậy, “giá nhà đất” đã trở thành vấn đề mà các đại biểu Hội nghị chính trị hiệp thương và Quốc hội phê phán mạnh mẽ nhất tại “Lưỡng hội” tháng 3/2011 vừa qua. Để lập lại trật tự thị trường nhà đất, Chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt quản lý vĩ mô, nên nhiều dự án bị ngừng lại hoặc hủy bỏ. Đây là nguyên nhân chính mà các ông chủ đại gia Trung Quốc đua nhau ra nước ngoài tìm mua nhà đất thời gian qua
 
Last edited:
Trung Quốc: Di dân theo diện đầu tư tăng

- Mới đây, tờ Quan sát kinh tế (Trung Quốc) đã đăng bài viết về việc Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng “chảy máu tài sản” vì những người giàu có di dân khỏi đất nước này do sự “lo lắng thấp thỏm”, cũng như tìm cách “hạ cánh an toàn”. Bài viết đã được Worldcrunch dịch sang tiếng Anh và được tạp chí Time đăng lại

Xu hướng di dân của người giàu

Theo một nghiên cứu mới đây, phần lớn những người Trung Quốc có tài sản cá nhân từ 10 triệu nhân dân tệ (tương đương 1,53 triệu USD) cho rằng đầu tư vào bất động sản kém hấp dẫn hơn cái mà họ gọi là “di dân đầu tư”, tức di dân theo diện đầu tư. Gần 60% người được phỏng vấn đã cho biết là họ đang xem xét di dân theo diện đầu tư hoặc đã hoàn thành quá trình này. Đó là kết quả trong nghiên cứu của báo cáo tài sản cá nhân 2011 được thực hiện bởi ngân hàng Thương nhân Trung Quốc (China Merchants Bank) và công ty tư vấn kinh doanh Bain & Company. Nghiên cứu cho thấy người càng giàu càng muốn “di dân đầu tư”. Trong số những người có trên 100 triệu tệ, 27% đã sẵn sàng di dân, 47% đang xem xét di dân, tức tổng tỷ lệ lên đến 74%, cao hơn tỷ lệ 60% tính chung cho những người có trên 10 triệu tệ

Các kết quả nghiên cứu khác cũng góp phần khẳng định xu hướng di dân của người giàu Trung Quốc là có thật. Theo website chuyên về đầu tư Caixin, tỷ lệ tăng trưởng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã đạt 100% trong khoảng thời gian từ năm 2008 – 2010, tỷ lệ gia tăng số người Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài để di dân sang Hoa Kỳ trong năm năm qua là 73%

Từ sự “thấp thỏm lo lắng”

Tại sao người giàu có của Trung Quốc lại muốn di dân khỏi một đất nước đang trong giai đoạn trỗi dậy mạnh mẽ? Câu trả lời thật đơn giản, đó là vì có những thứ không thể mua được bằng tiền, ngay cả đối với những người giàu có nhất. Những lý do về mặt vật chất bao gồm: luật pháp và các quy định, hệ thống giáo dục, phúc lợi xã hội, thuế thừa kế, chất lượng không khí, môi trường đầu tư, an toàn thực phẩm, sự tự do đi lại… Những lý do về mặt tinh thần khiến cho người giàu Trung Quốc muốn di dân là thiếu cảm giác an toàn cá nhân, bao gồm cả sự an toàn cho tài sản cá nhân cũng như nỗi sợ hãi về một tương lai không chắc chắn

Như thế, một sự “thiếu hạnh phúc” nào đó khiến cho người giàu Trung Quốc tìm đường di dân. Một kết quả nghiên cứu khác là khảo sát thúc đẩy hạnh phúc (Gallop Well-being Survey – GWS) cũng đã cho kết quả tương tự với báo cáo tài sản cá nhân 2011

Theo khảo sát GWS, khi đề nghị những người được khảo sát chọn lựa về tình trạng hiện thời của họ bằng ba chọn lựa: khấm khá, chật vật, đau khổ thì chỉ có 12% là khấm khá, có đến 71% là chật vật, 17% là đau khổ. Tỷ lệ người được hỏi cho rằng cuộc sống họ đang khấm khá chỉ ngang bằng với tỷ lệ của Afghanistan, Yemen. Tỷ lệ cảm thấy đang “chật vật” cũng tương tự với Haiti, Azerbaijan và Nepal. Người nghèo thì than vãn, người giàu thì bỏ đi

Đến làm lại từ đầu

Năm ngoái, một phụ nữ Trung Quốc đã di dân sang Canada, khi được International Herald Tribune hỏi về lý do di dân, dù trả lời rằng cô lo ngại trường hợp nhiễm độc sữa như vụ Sanlu, thì người này cũng thừa nhận rằng di dân còn là vì “hận thù chống lại người giàu”. Người này nêu bật rằng khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng hơn, người nghèo cũng phàn nàn nhiều hơn, người giàu thì bồn chồn hơn. Một số người giàu thậm chí còn lo lắng về “việc tái phân phối tài sản có thể bắt đầu trở lại”

Cái gọi là “nguồn gốc tội lỗi của sự giàu có” không phải hoàn toàn không có cơ sở. Một khi họ nhận ra điều này, họ thường chọn giải pháp trốn tránh bằng cách di dân và bắt đầu lại từ đầu

NGÔ MINH TRÍ
 
Last edited:
Giải mã cái chết bất thường của 72 tỷ phú Trung Quốc

Một cuộc khảo sát mới đây cho biết, những cái chết bất thường, bao gồm cả các vụ ám sát, đã cướp đi sinh mạng của 72 tỷ phú Trung Quốc đại lục từ năm 2003

Cuộc khảo sát được thực hiện bởi tờ New Culture News (Trung Quốc) và báo cáo của China Daily, cho biết, trong những cái chết của 72 tỷ phú trong vòng 8 năm qua bao gồm 15 người bị ám sát, 17 người tự tử, 7 người chết vì tai nạn, 14 người bị xử tử theo pháp luật và 19 chết vì bệnh tật

typhu.jpg

Tỷ phú Hou Yefu của Trung Quốc đã uống thuốc sâu tự tử năm ngoái do liên quan tới nhiều vụ tranh chấp làm ăn

Theo thống kê của tờ New Culture News, Trung Quốc (đại lục) được xem là nơi có tỷ lệ tử vong của các tỷ phú khá cao

19 người chết vì bệnh tật, tuổi trung bình: 48 tuổi

Dữ liệu cho thấy trong 72 tỷ phú có tới 19 người chết vì bệnh, chiếm 26%. Trong 19 người này, nhiều người chết vì bệnh tim mạch nhất. Có tới 9 người chết vì bệnh xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim và nhiều bệnh khác. Tiếp đến là bệnh ung thư, thống kê cho thấy có 7 người chết vì căn bệnh quái ác này

Nếu các tỷ phú chết do bị bệnh nặng trong nhiều năm hay vấn đề tuổi già thì chẳng có gì đáng bàn. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là số 19 người chết vì bệnh tật của những người giàu, tuổi thọ trung bình chỉ có 48 tuổi. Cái chết trẻ nhất do bệnh tật của tỷ phú Trung Quốc là 37 tuổi, già nhất là qua đời ở tuổi 59

So với tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc là hơn 70 tuổi thì tuổi thọ trung bình của các tỷ phú thấp hơn nhiều

17 người tự tử, tuổi trung bình: 50 tuổi

Trong thực tế, một số người giàu có thường phải đối mặt với những thách thức ở doanh nghiệp của mình khiến họ quá căng thẳng và thất vọng. Không giống như những người bình thường có thể tìm đến sự giúp đỡ của các nhà tâm lý, các “đại gia” lại tự mình cam chịu. Và một khi quá sức chịu đựng, họ sẽ lâm vào khủng hoảng trầm trọng, có thể đi đến quyết định tự tử, một chuyên gia tư vấn tâm lý cao cấp ở Trung Quốc cho biết

15 người chết vì bị ám sát, tuổi trung bình: 44

Thống kê, 15 tỷ phú bị ám sát, chiếm 20,8% trong lượng thống kê. Mặc dù thủ phạm có thể là bạn bè, đối tác kinh doanh hoặc các đối thủ cạnh tranh, mục đích xuyên suốt chỉ nằm trong một từ “tiền”. Số tài sản "kếch xù" của họ luôn khiến nhiều người khó lòng kiềm chế được

14 người bị kết án tử hình, tuổi trung bình: 42

Cái chết của 14 tỷ phú, hoàn toàn chỉ biết tự trách mình do họ vi phạm pháp luật và cuối cùng bị kết án tử hình bởi sự tích tụ của cải bằng các hình thức bất hợp pháp

7 người chết do tai nạn bất thường, tuổi trung bình: 50

Trong 72 tỷ phú, có 7 tỷ phú tử vong do nguyên nhân chính là tai nạn. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa đằng sau những vụ tai nạn đó thì ít ai biết được
 
Last edited:
Trung Quốc: 14 tỉ phú bị xử tử hình trong tám năm

83282_53564319_150.jpg

Trương Xuân Giang, cựu phó chủ tịch China Mobile

- Báo chí Trung Quốc ngày 24-7 cho hay nước này có 14 tỉ phú bị xử tử hình trong tám năm qua. Tài sản của họ trị giá ít nhất 1 tỉ nhân dân tệ

Trong số tỉ phú trên có ông Viên Bảo Cảnh - một nhà môi giới chứng khoán bị tử hình năm 2006 vì tội ám sát một người đàn ông đã đe dọa ông, và ông Uông Chấn Đông - chủ tịch tập đoàn thương mại Yingkou Donghua, bị tử hình năm 2008 vì tham nhũng

Ngày 22-7, một tỉ phú khác là Trương Xuân Giang, cựu phó chủ tịch tập đoàn China Mobile, nhà mạng điện thoại di động lớn nhất thế giới, bị kết án tử hình vì nhận hối lộ

Theo một báo cáo đăng trên New Culture View, trong tám năm qua, Trung Quốc có 72 tỉ phú chết vì những lý do bất thường. Trong số đó, 15 người bị người thân, bạn bè hoặc đối thủ cạnh tranh sát hại; 17 người tự sát; 7 người bị tai nạn; 19 người bị bệnh dịch và 14 người còn lại bị kết án tử hình

Hiện không có báo cáo chính xác về số tỉ phú nhân dân tệ đang sống tại Trung Quốc. Trước đó, theo báo cáo thịnh vượng Hurun năm 2010, Trung Quốc có 1.900 tỉ phú nhân dân tệ, tăng gấp đôi so năm 2009

Theo tạp chí Forbes, Trung Quốc hiện có 64 tỉ phú đô la Mỹ, nhiều thứ hai trên thế giới sau Mỹ với 117 người
 
Last edited:
Ở Trung Quốc, giàu đồng nghĩa mất bạn

Ở Trung Quốc, giàu có đi đôi với mất bạn. Khi kinh tế Trung Quốc mở cửa, của cải dồn về tay thế hệ siêu giàu mới. Với lớp chủ sở hữu mới này, tiền bạc có nghĩa là nhiều quyền lực và ảnh hưởng hơn nhưng nó cũng gây ra sự bất bình.

Người Trung Quốc có thể bị mê hoặc bởi những kẻ rất giàu nhưng họ không bao giờ thích những đối tượng đó

Người này phàn nàn về sự giàu có của người khác diễn ra ở khắp nơi. Đầu tháng 5, có thông tin cáo buộc rằng công ty điều hành cung điện đang lặng lẽ biến một trong những ngôi nhà trong Tử Cấm Thành thành câu lạc bộ tư của các tỷ phú. Thông tin trên như một quả bom nổ giữa cộng đồng mạng Trung Quốc, vốn phản ứng với những bê bối tham nhũng

Những lái xe trẻ trung, giàu có, vốn coi mình là ở trên luật là một mục tiêu ưa thích khác. Năm 2010, con trai một cảnh sát trưởng địa phương ở thành phố Baoding đã đâm và giết chết một nữ sinh viên tại khuôn viên trường đại học Hebei. Điều gây ra bê bối không phải nằm ở bản thân vụ tai nạn mà là thái độ ngạo mạn của tay lái xe trẻ. Khi cảnh sát cố bắt tên này, anh ta khóc và đòi được đối xử đặc biệt, rồi hét lên: "Bố tôi là Li Gang". Với người dùng Internet ở Trung Quốc, cụm từ giờ đã trở nên nổi tiếng này đã là biểu tượng của việc không bị trừng phạt

Năm 2011, công chúng lại xôn xao với câu chuyện liên quan tới một thanh niên và một chiếc ô tô. Sau khi đâm vào một người phụ nữ, Yao Jiaxin, một sinh viên, đã cố tình đâm nạn nhân vài lần tới khi chết hẳn. Những người quan sát đã mau chóng mô tả thảm kịch này là dấu hiệu cho thấy người Trung Quốc bị tiền ám đang mất đi phẩm hạnh. Yao Jiaxin giải thích cho hành động của mình rằng anh ta nghĩ nếu còn sống, người phụ nữ đó sẽ tìm cách moi tiền của anh ta. Yao Jiaxin bị kết án tử hình và đã bị xử tử vào tháng 6 vừa qua

Tại Trung Quốc, họ gọi đó là "chou fu" - sự căm ghét với người giàu có. Các dấu hiệu của nó có ở khắp nơi. Theo một số nhà phân tích, đó là kết quả của một quá trình dần dần, dài 30 năm của việc mở cửa kinh tế và để cho của cải dồn về tay một số cá nhân. Trước đây, luật thừa kế ở Trung Quốc ngăn không cho chuyển của cải từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, hiện giờ, điều đó đã thay đổi

"Khi một thanh niên trẻ khinh suất lái xe BMW, anh ta được coi là thành viên của "thế hệ giàu có thứ 2". Nếu anh ta bị bắt, sự phẫn nộ mà mọi người cảm thấy sẽ tăng gấp 10 lần", Yang Yiyin thuộc Học viện khoa học xã hội Bắc Kinh (CASS) nói. Theo Yiyin, người Trung Quốc không phản đối sự giàu có. "Họ đều muốn giàu có. Đặc biệt là khi phần lớn những người trở nên giàu có trong vòng 30 năm qua đều xuất phát từ nghèo khó"

Guo Yuhua, một nhà xã hội học tại trường đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh nói: "Mọi người không ghét sự giàu có. Họ ghét sự thật rằng quyền lực là không hạn chế. Những người có quyền làm điều họ muốn. Họ có thể ra ân để đổi lấy một căn hộ, một chiếc xe và thậm chí là vị trí"

Do bóng bóng đầu cơ tích trữ hiện nay, cuộc đua mua bất động sản đã chia dân Trung Quốc ra làm hai: sở hữu và phi sở hữu. Sự tư nhân hóa các bất động sản ở đô thị trong vòng 20 năm qua ở Trung Quốc đã giúp tầng lớp trung lưu ở thành phố làm giàu. Tuy nhiên, họ không giúp gì cho tầng lớp nghèo ở nông thôn, vốn sống dựa vào đất công

Với tầng lớp giàu có ngày càng tăng, sự oán giận từ những người khác có thể góp phần làm tăng tỷ lệ di cư. Một cuộc khảo sát gần đây của công ty tư vấn quản lý Bain & Company cho thấy, 60% cá nhân có ít nhất 1,5 triệu USD để đầu tư đã chuyển sang nước nước ngoài sinh sống hoặc đang cân nhắc làm như vậy. Trong số những người siêu giàu, đối tượng có hơn 15,4 triệu USD, thì có gần 1/4 đã quyết định thay đổi quốc tịch

Cho tới giờ, sự liên hệ giữa những tầng lớp xã hội vẫn tồn tại: tại các thành phố lớn, nhiều cựu công nhân di cư hiện là doanh nhân điều hành một công ty nhỏ. Theo nhà nghiên cứu Gilles Guiheux và Pierre-Paul Zalio tại Trung tâm Pháp về nghiên cứu đương đại Trung Quốc, giới trẻ rời thành phố để làm việc trong ngành dịch vụ như những "người di cư cổ trắng". Họ làm việc trong điều kiện không mấy lý tưởng song lại được trả lương hậu hĩnh

Liệu có phải giấc mơ Trung Quốc trở nên xấu đi ? Theo ý kiến của ông Guo Yuhua, cụm từ "thế hệ giàu có thứ 2, thế hệ quản lý thứ 2, thế hệ di cư thứ 2...đều phản ánh những cơ hội đóng". Quyền lực được chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác và sự nghèo nàn cũng tương tự như vậy

Ngoài ra, nhiều người Trung Quốc là một phần của tầng lớp trung lưu tại các nước khác - công chức, chủ doanh nghiệp nhỏ, giáo viên, giám đốc, từ chối được coi là như vậy tại Trung Quốc. Tại sao? vì theo ông Guo Yuhua, họ không có cảm giác an toàn về nghề nghiệp và kinh tế. "Ngôi nhà của bạn có thể bị san phẳng chỉ sau một đêm. Bạn có thể bị trục xuất khỏi nơi ở. Không có gì đảm bảo cho một sự ổn định"

Để bảo vệ mình, người Trung Quốc muốn trở nên giàu có, giàu có hơn nữa ngay có khi điều đó có nghĩa là họ sẽ bị ghét
 
Last edited:
Dân Trung Quốc điên cuồng mua đất tại Mỹ

2011072915193129dat.jpg

Bên bán đóng tại Florida là United Solutions of American LLC cho biết, số đất trên thuộc về một công ty sắp phá sản

Một nhân viên văn phòng người Trung Quốc đã trả 8.800 USD qua một cuộc đấu giá tình cờ trên mạng, mua được 1.000 km vuông đất ở Miami, Mỹ, nhật báo Quảng Châu cho biết

Zhuang Nuo, chủ trì đấu giá ở công ty bất động sản quốc tế Soufun - Trung Quốc cho hay, phía bán đất cũng đưa ra đấu giá 100 mảnh, mỗi mảnh 1.000 km vuông đồng thời thông báo cấp 30 mẫu đơn đầu tư nhập cư cho nhóm người mua Trung Quốc, những người chi hơn 200.000 USD

100 miếng đất đã được bán hết sạch vào hôm 22/7 cho 73 người mua Trung Quốc. Một trong số này đã mua 20 mảnh

Làn sóng thu mua đất đai ở Mỹ của người Trung Quốc không phải chỉ mới bắt đầu. Từ năm 2009, hàng đoàn khách Trung Quốc đã rủ nhau sang Mỹ để lùng mua đất giá rẻ. Nhóm đầu tiên gồm 40 người ở khắp Trung Quốc đã tới Boston, New York, San Francisco và Los Angeles để tìm mua nhà cửa, đất đai với giá bị xiết nợ. Mục tiêu của họ là tìm mua bất động sản để đầu tư và để cho con cái sử dụng nếu chúng tới Mỹ để học tập hoặc nghiên cứu. Ngân sách của họ vào thời điểm đó là 300.000 tới 800.000 USD/miếng đất

Những chuyến du lịch kết hợp mua đất đai, nhà cửa ở Mỹ do Soufun.com - trang web hàng đầu về bất động sản, tổ chức

Về lý do mua đất ở Mỹ, Shen Yue, một nhà sản xuất phim người Trung Quốc nói: "Trung Quốc ngày càng giàu hơn, nhưng vấn đề liên quan tới tài sản cá nhân không ổn định. Điều đó thật đáng sợ, chúng tôi không dám chắc về những thay đổi trong tương lai. Thị trường và hệ thống xã hội ở Mỹ ổn định hơn". Với người Trung Quốc, nhà cửa ở Mỹ là thứ tài sản mà những cá nhân giàu có hoàn toàn có thể đổ tiền vào đó

Shen, hiện đã sở hữu 4 ngôi nhà ở Bắc Kinh và Thượng Hải, chưa từng sang Mỹ bao giờ, cho biết, rất muốn tham gia các cuộc du lịch tìm nhà tới Mỹ trong tương lai do Soufun.com tổ chức và có thể chi tới 500.000 USD để mua một ngôi nhà

Dường như, có khá nhiều người khác giống họ. Các chuyến đi tới Mỹ của Soufun.com thường được hoạch định là tháng 1 nhưng họ đã hoãn vì số lượng người muốn đi cao gấp 10 lần. Soufun.com nhằm vào các địa điểm như New York, Boston, San Francisco và Los Angeles để dẫn khách đi mua bất động sản vì ở những nơi này có cộng đồng người Trung Quốc và có nhiều trường đại học

Dan Harris, một luật sư ở Seattle nhận xét, nhiều người Trung Quốc định mua đất đai, nhà cửa ở Mỹ vì họ tin rằng nó làm tăng khả năng có visa vào nước này

"Họ gọi Mỹ là mảnh đất tươi đẹp. Họ muốn có một mẩu của nó", Chiam Katzap, người sáng lập công ty phát triển địa ốc Lion nói. "Họ muốn con cái được giáo dục tại Mỹ. Họ muốn có cơ hội tới Mỹ nhiều như mong muốn"
 
Last edited:
Giải mã hiện tượng ‘đại gia – đoản mệnh’

Mới đây, con số 72 đại gia Trung Quốc qua đời trong vòng 8 năm, trong đó 19 người chết vì bệnh tật khi tuổi đời mới chạm ngưỡng 48 đang làm dấy lên lo ngại về quy luật “đại gia – đoản mệnh”. Vậy thực hư của hiện tượng này ra sao, đâu là nguyên nhân khiến giới nhà giàu phải từ biệt cuộc đời khi còn quá trẻ ?

Những tầng lớp nam giới tinh hoa, thông minh, tự tin, thành đạt và có vị thế vượt trội trong xã hội được gọi là đàn ông thế hệ Alpha. Nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy, với đối tượng này, những áp lực gấp nhiều lần người thường là một trong những nguyên nhân hàng đầu rút ngắn tuổi thọ của họ


kt_18-dgmenhmong-1in.jpg

Tiền tài, quyền lực, thông minh...là những ưu điểm nổi trội làm nên đàn ông thế hệ Alpha

Một nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Princeton, Mỹ vừa tiến hành thí nghiệm trên 125 con vượn đực thuộc loài Papio của vùng Kenya. Nghiên cứu cho thấy, trong thời kỳ động dục, trên cơ thể chúng tiết ra hai loại hormon ức chế là glucocorticoid và testosterone. Trong đó, những con đực đầu đàn thường tỏ ra căng thẳng và lo lắng hơn những con còn lại dù biểu hiện khá điềm tĩnh

Các nhà nghiên cứu cho rằng, hành vi và tâm lý của loài vượn có nhiều điểm tương đồng với con người. Vì vậy, những người đàn ông Alpha dù cố tỏ ra bình tĩnh, tự tin nhưng trong lòng luôn rối bời bởi những lo nghĩ, dày vò và áp lực tới mức khủng hoảng. Theo kết quả nghiên cứu, đàn ông Alpha thường ở thế chủ động và dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực, từ theo đuổi người khác giới, tiền bạc tới nắm giữ quyền lực…nhưng bù lại họ phải trả những giá khá đắt. Và để duy trì được vị thế của mình trong xã hội, đàn ông Alpha buộc phải căng thẳng đương đầu với hàng trăm nghìn áp lực cuộc sống

kt_18-dgmenhmong-2in.jpg

Càng giàu có, đàn ông Alpha càng dễ đối mặt với áp lực, lo âu trong cuộc sống

Thông tin gây sốc về cái chết của 72 đại gia, tỷ phú Trung Quốc, trong đó 17 người tự sát, 19 người chết vì bệnh tật khi tuổi đời trung bình mới chỉ 48 tuổi và phần lớn do bệnh tim mạch và ung thư đã phần nào minh chứng cho tính chính xác của nghiên cứu trên đây. Có nghĩa rằng khi càng chạm tới đỉnh cao của sự nghiệp, tiền tài, quyền lực, đàn ông Alpha càng dễ chìm nghỉm trong áp lực và lo lắng triền miên

Ông Xu Mingzhi, Phó giám đốc Sở nghiên cứu tâm thần tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cho biết, nếu đối mặt với áp lực tâm lý trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe con người. Mọi người thường nói “chết vì lao lực’, nghĩa rằng công việc với cường độ áp lực cao sẽ tổn hại tới tính mệnh. Đương nhiên, không phải mọi vấn đề về sức khỏe đều bắt nguồn từ áp lực cuộc sống, nhưng với những người đang mắc bệnh nan giải, áp lực trở thành kẻ thù hàng đầu khiến bệnh tật thêm nguy hiểm

Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng, chính áp lực khiến trí não phát triển vì liên tục hoạt động. Điều này hoàn toàn có lợi cho đàn ông thế hệ Alpha để chiếm lĩnh vị thế xã hội cũng như kiếm tiền nhờ vào năng lực siêu đẳng của bản thân

Trước hai luồng dư luận trên, giới khoa học cho rằng áp lực là con dao hai lưỡi với dân nhà giàu. Nếu không biết điều chỉnh trạng thái tâm lý, cảm xúc của mình trong những lúc khó khăn, áp lực sẽ trở thành kẻ thù lớn nhất đẩy họ tới gần đoạn kết của cuộc đời

Chuyên gia Xu Mingzhin nhấn mạnh, duy trì thái độ tích cực trong cuộc sống là “thần dược” hiệu quả nhất giúp đẩy lùi áp lực, căng thẳng
 
Last edited:
Từ bán rong... trở thành 'đại' tỷ phú

Liang Wengen, Chủ tịch tập đoàn công nghiệp nặng Sany với hơn 60.000 nhân viên đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc, với tài sản trị giá 11 tỷ USD

Theo bảng xếp hạng mới nhất của Forbes về những người giàu có nhất của Trung Quốc, Liang Wengen, 55 tuổi, với 58% cổ phần trong tập đoàn Sany, đã vượt qua tỷ phú đồ uống Zong Qinghou, trở thành người giàu nhất Trung Quốc

Trong khi đó, tổng giá trị tài sản của quán quân năm ngoái, ông Zong Qinghou, đã giảm từ mức 12 tỷ USD năm 2010 xuống còn 10,7 tỷ USD. Ngôi vị thứ ba thuộc về Li Yanhong của tập đoàn Baidu, hãng sở hữu công cụ tìm kiếm trực tuyến hàng đầu ở Trung Quốc, với 8,8 tỷ USD

ktTQ.jpg

Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, Liang Wengen

Một tấm gương tự lập hiếm có

Cuộc đời Liang là một câu chuyện đáng nể của người dân nghèo đói ở Trường Sa của tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Trong mắt đồng nghiệp, Liang được xem như một "anh hùng kinh doanh", tấm gương tự lập nghiệp lớn

Ban đầu, Liang Wengen khởi nghiệp từ một gian hàng bán rong, tiếp đó ông chuyển sang kinh doanh rượu vang và sợi thủy tinh. Cuối cùng, Liang đã cùng với ba doanh nhân: Tang Xiuguo, Mao Zhongwu Xiang Wenbo đồng sáng lập nên tập đoàn Sany có trụ sở tại Trường Sa, thủ phủ của Hồ Nam ở miền nam Trung Quốc

Tập đoàn công nghiệp nặng Sany là một cơ sở sản xuất lớn nhất ở Trung Quốc về cung cấp các thiết bị vận tải, máy móc xây dựng công nghiệp

“Gặt hái” thành công

Liang là chủ tịch kiêm cổ đông chính của Tập đoàn Sany thành lập ở tỉnh Hồ Nam vào năm 1989, một nhà máy sản xuất vật liệu hàn nhỏ. Ông là một trong bốn thành viên hội đồng quản trị của tập đoàn sản xuất thiết bị xây dựng lớn nhất của Trung Quốc

Theo bảng xếp hạng những người giàu nhất Trung Quốc (Hurun Rich), tài sản của Liang Wengen trong năm 2010 đã tăng đáng kể nhờ sự bùng nổ của thị trường xây dựng và cổ phiếu tăng gấp đôi. Điều này đã đưa ông Liang từ vị trí thứ 4 năm ngoái lên chiếm vị trí "quán quân" trong danh sách những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Những thay đổi về cổ phần của Liang Wengen trong tập đoàn Sany thể hiện khá rõ nét tính cách tự giác lao động và trách nhiệm xã hội

Tập đoàn Sany hiện vẫn tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế, chủ yếu là thông qua việc thành lập một hệ thống tiếp thị quốc tế, cơ sở sản xuất ở nước ngoài, phát triển các đối tác ở nước ngoài. Hiện nay, Sany đã xây dựng 30 công ty con ở nước ngoài, thiết lập quan hệ thương mại với hơn 150 quốc gia và xuất khẩu sản phẩm đến hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ

Ngoài ra, Liang Wengen còn được biết đến như là "anh hùng cải cách chứng khoán", lãnh đạo Sany thực hiện thành công cuộc “cải cách cổ phiếu chứng khoán đầu tiên của Trung Quốc"
 
Last edited:
Doanh nhân Trung Quốc đầu tiên được sở hữu đảo

pho.jpg

Ông Huang Yimin

Một doanh nhân Trung Quốc trở thành tâm điểm của giới truyền thông sau khi chính quyền cho phép ông sở hữu một hòn đảo

Đài phát thanh Trung Quốc đưa tin Cục Hải dương, Sở Hải dương và Ngư nghiệp tỉnh Chiết Giang, đã trao giấy phép sử dụng đảo Danmenshan trong 50 năm cho ông Huang Yimin, người đứng đầu công ty du lịch Xiangshan Marine Travel In Holiday. Hòn đảo thuộc quyền quản lý của giới chức thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang

Ông Huang thuê hòn đảo với giá 3,44 triệu nhân dân tệ (540.000 USD) trong 50 năm. Công ty của ông sẽ xây dựng một khu nghỉ dưỡng trên đảo

"Chúng tôi bắt đầu quản lý và phát triển đảo Danmenshan từ năm 2009. Giờ đây chúng tôi đang bắt đầu tiến hành một chương trình du lịch. Đó là săn bắn trên đảo", Gu, tên một nhân viên của công ty, nói với báo Qianjiang Evening News

Gu cho biết, công ty Xiangshan Marine Travel In Holiday đã đưa lợn rừng, dê và gà lôi lên đảo để thiết kế các dịch vụ săn bắn. Số lượng du khách trên đảo sẽ bị khống chế ở mức dưới 200 để đảm bảo cảnh quan trên đảo không bị tàn phá và hoạt động săn bắn diễn ra an toàn

Trước đó ông Huang Nubo, một doanh nhân khác của Trung Quốc, đã mua một khu đất có diện tích tới 300 km2 tại Iceland
 
Last edited:
Người giàu Trung Quốc “khát” kim cương hồng

kimcuong.jpg

Người giàu Trung Quốc đang đổ xô mua kim cương để đầu tư, cùng với rượu và tranh quý

Kim cương hồng đã tìm được người bạn thân mới: người giàu Trung Quốc. Lo lắng về các hình thức đầu tư truyền thống như chứng khoán hay trái phiếu đang mất dần giá trị, người giàu Trung Quốc đang đổ xô mua kim cương để đầu tư, cùng với rượu và tranh quý

Mối quan tâm của họ đang đẩy gia kim cương hồng của Australia - loại kim cương hiếm nhất thế giới - và mang lại các khoản lợi nhuận vốn đã bỏ xa các chỉ số chứng khoán Dow Jones và Hang Seng của Hồng Kông trong thập kỷ qua

Giá kim cương hồng đã tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian từ 2000-2010, theo các nhà tư vấn của công ty Gemdax chuyên về ngành công nghiệp kim cương, so với 63% lợi nhuận của Hang Seng và 6,2% của Down Jones

“Tôi xem đó là một khoản đầu tư, nhưng không giống như cổ phần, tôi có thể đeo nó. Đeo kim cương cũng không giống như đặt một thỏi vàng lên người”, bà Doris Kwan, một nhà tư vấn tại Hồng Kông từng mua chiếc vòng cổ đính kim cương hồng ở Thượng Hải hồi tháng 4, nói

Các kim cưong màu khác cũng rất “sốt”: Một kỷ lục mới được thiết lập hôm thứ 16/11 cho một viên kim cương màu vàng. Viên kim cương “Giọt nắng” đã được bán với giá 12,4 triệu USD tại một cuộc đấu giá ở Sotheby's, Geneva, Thuỵ Sĩ

Làn sóng quan tâm đang tạo nên một “cuộc cải tổ” lớn của ngành công nghiệp trang sức, khi các thương gia từng phục vụ các ngôi sao Hollywood và các nhân vật giàu có ở Trung Đông giờ đây đang mở rộng sang châu Á

Các cuộc khai trương gian hàng và triển lãm tư nhân đang gia tăng tại Hồng Kông và Trung Quốc đại lục và các thợ kim hoàn cũng đang tìm cách thu hút các công ty đầu tư vào lĩnh vực trang sức

Hãng kim hoàn lớn nhất thế giới, Chow Tai Fook, đang chuẩn bị cho đợt niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông vào tháng tới. Đây được xem là một trong những đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu lớn nhất trong năm, dự kiến thu về 3,5 triệu USD

Hãng kim cương Graff Diamonds có trụ sở tại Hồng Kông đang lên kế hoạch niêm yết trị giá 1 tỷ USD tại Hồng Kông vào năm tới vì công ty muốn tiếp cận thị trường kim cương phát triển nhanh nhất thế giới này

Graff sở hữu một viên kim cương hồng 25 carat tên gọi Graff Pink mà hãng này mua với giá 46 triệu USD trong một cuộc đấu giá của Sotheby's, trở thành viên kim cương đắt đỏ nhất từng được đấu giá

Kim cương hồng, chủ yếu được tìm thấy tại mỏ Argyle ở vùng Kimberley thuộc Tây Australia, hiếm tới nỗi chỉ có một ít viên đá quý được đem bán mỗi năm

Cứ mỗi viên kim cương màu thì có ít nhất 10.000 viên không màu, được gọi là kim cương trắng. Sự khan kiếm của kim cương màu khiến giá cả càng đội lên. Các cuộc đấu giá kim cương hồng gần đây đã lên tới trên 1 triệu USD/1 carat, cao gấp 20 lần so với giá của kim cương trắng

Thêm vào đó, kim cương hồng có thể không phải là còn mãi. Mỏ Argyle dự kiến sẽ kết thúc hoạt động năm 2019 và hãng thai khác mỏ, Rio Tinto, ước tính có thể chỉ còn khoảng 500 viên kim cương màu chưa được khai thác

Tuy nhiên, nếu là một hình thức đầu tư, kim cương màu khác kim cương trắng vì sự hiếm có của nó khiến chúng trở nên khó định giá. Giá của kim cương trắng do tuần báo Rapaport Diamond Report đưa ra, nhưng các chuyên gia lại dựa vào giá do các nhà đấu giá lớn gợi ý để định giá kim cương màu

Hồi tháng trước, Rio thông báo kết quả của 55 viên kim cương hồng được đem bán đấu giá trong năm nay, nặng tổng cộng 47,6 carat. Trong số 11 viên kim cương hồng hình trái tim được đem đấu giá, viên lớn nhất nặng 1,31 carat được bán cho hãng Chow Tai Fook

Nhà kim hoàn John Calleija tại Queensland, Australia đã đấu giá 4 viên kim cương và chỉ mua được một viên, trong khi một trong số các đồng nghiệp của ông thành công với 4/40 lần đấu giá

“Điện thoại của tôi bận liên tục. Giá đang ở mức cao nhất mà tôi từng chứng kiến”, ông Calleija nói

Các khách hàng của ông Calleija trước đây thường là những nhân vật nổi tiếng và diễn viên hạng A, trong đó có cố huyền thoại opera người Italia Luciano Pavarotti. Nhưng gần đây, ông đã khoe bộ sưu tập kim cương hồng trị giá 26 triệu USD cho một nhóm 30 tỷ phú Trung Quốc tại một câu lạc bộ tư nhân ở Hồng Kông

Trong khi một số người đang đặt câu hỏi rằng liệu thị trường có tăng trưởng quá nóng hay không, bà Doris Kwan lại không nghĩ vậy

Bà Kwan đã chi 21.000USD cho chiếc vòng cổ có đính các viên kim cương 0,8 carat được thiết kế hình một bông hoa, xung quanh là những viên kim cương nhỏ màu trắng

“Tôi có thể bán đi tất cả các cổ phiếu, mọi thứ khác, nhưng không phải kim cương”, bà Kwan nói
 
Last edited:
Đời sống xa hoa của các đại công tử Trung Quốc

Xuất hiện bên cạnh những người mẫu, diễn viên hay ngôi sao thể thao, tập trung tại các hộp đêm với những siêu xe đẳng cấp, mở câu lạc bộ polo, theo học ở những trường hàng đầu thế giới với học phí gần triệu USD, giới công tử con cháu lãnh đạo Trung Quốc đang thể hiện mình theo nhiều cách...

Lối sống xa hoa

Một buổi tối đầu năm, chiếc Ferrari đỏ đi tới cổng Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Trên xe là con trai của một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, bước ra trong một bộ vest chỉnh tề. Người bước ra từ chiếc xe là Bạc Qua Qua, con trai của Bạc Hy Lai, cựu Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc (TQ), Bí thư Trùng Khánh, người đang mở ra một chiến dịch gây tranh cãi nhằm làm sống lại tinh thần Mao Trạch Đông năm xưa thông qua hàng loạt ca khúc cách mạng, thường được gọi là "nhạc đỏ". Ông đã yêu cầu sinh viên và cán bộ làm việc trên ruộng đồng để kết nối lại với những vùng nông thôn

Trong khi đó, con trai của ông lái một chiếc xe trị giá hàng trăm ngàn USD tại Trung Quốc - quốc gia mà các hộ gia đình có thu nhập trung bình chỉ khoảng 3.300 USD/năm

Hồi tháng 9, người sử dụng Internet đã được chứng kiến con trai 15 tuổi của một vị tướng đã đâm chiếc BMW vào một chiếc xe khác và sau đó đánh đập người lái xe đó, sau đó còn đe dọa không được báo cảnh sát. Dư luận lên án mạnh mẽ sau đó, và con trai của vị tướng kia phải đến một cơ sở cảnh sát để cải huấn trong một năm, theo báo cáo từ các phương tiện truyền thông trong nước

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không được phép kinh doanh để thêm thắt vào khoản tiền lương khiêm tốn của mình (ước tính khoảng 22.000 USD/năm cho một bộ trưởng). Nhưng thân nhân của họ thì vẫn được phép tiến hành kinh doanh miễn là không được lợi dụng những ảnh hưởng chính trị

RV-AF122PARTYKG20111125010943_1322454910.jpg

Bạc Qua Qua và cha Bạc Hy Lai, cựu Bộ trưởng Thương mại, Bí thư Trùng Khánh

Năm ngoái, người dân Trung Quốc thông qua Internet đã biết được con trai của một cựu phó chủ tịch Trung Quốc, và là cháu trai của một cựu chỉ huy Hồng quân đã bỏ ra 32,4 triệu USD để mua một căn biệt thự tại Úc. Người này đã phá bỏ căn biệt thự cũ và xây một căn mới, với hai hồ bơi nối với nhau bằng một thác nước

Nhiều "người thừa kế" cũng tham gia các hoạt động kinh doanh hợp pháp, nhưng hầu hết mọi người đều nhận ra rằng những người này có một lợi thế nổi trội trong hệ thống kinh tế

Những "người thừa kế" trẻ hơn thường xuất hiện bên cạnh những người mẫu, diễn viên hay ngôi sao thể thao, những người thường tập trung tại các hộp đêm bên cạnh sân vận động Công nhân Bắc Kinh, với những chiếc Ferrari, Lamborghinis và Maseratis. Gần đây tại ngoại ô Bắc Kinh, cháu trai của một cựu Phó Thủ tướng, vừa mở một câu lạc bộ polo

"Chúng tôi sẽ giúp polo trở nên phổ biến, tất nhiên không phải là với tất cả công chúng. Đằng kia là con trai của một vị tướng trong quân đội. Còn kia là cháu trai của cựu thị trưởng thành phố Bắc Kinh", một nhân viên của câu lạc bộ nói

Những "người thừa kế" hiện tại cũng xuất hiện nhiều hơn ở nước ngoài. Bà Ye, nhà thiết kế thời trang, vừa xuất hiện trong một số ấn bản gần đây của tạp chí Vogue cùng với Wan Baobao, một nhà thiết kế đồ trang sức và là cháu ngoại một cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc

Học hành tốn kém

Nhưng đứng đầu nhóm "người thừa kế" trẻ là Bạc Qua Qua. Không một "người thừa kế" trẻ nào có hồ sơ "khủng" bằng Qua Qua, kể cả trong và ngoài nước

RV-AF124PARTKIG20111125011140_1322454916.jpg

Bạc Qua Qua mời Jackie Chan, ngôi sao điện ảnh Trung Quốc, đến diễn thuyết tại đại học Oxford


Năm 2000, Bạc Qua Qua được gửi tới Anh để học trong tại Papplewick, với học phí khoảng 35.000 USD/năm. Một năm sau đó, Qua Qua trở thành người đầu tiên của Trung Quốc học ở Harrow, một trong những trường tư chuyên biệt của nước Anh, với học phí hơn 30.000 USD/năm

Năm 2006, Qua Qua đến Đại học Oxford theo học ngành nghiên cứu triết học, chính trị và kinh tế với chi phí khoảng 26.000 bảng/năm. Hiện tại Qua Qua đang học tại Harvard Kenedy School với học phí là 70.000 USD/năm. Tổng chi phí cho quá trình học của Qua Qua lên đến gần 600.000 USD tính theo thời giá hiện hành

Giới truyền thông Trung Quốc cho rằng Qua Qua đã giành được học bổng toàn phần từ năm 16 tuổi. Tuy nhiên Harrow, Oxford và Kennedy School không nhận xét các hồ sơ cá nhân. Nhưng ai cũng biết rằng để nhận được học bổng từ những trường hàng đầu như thế chưa bao giờ là dễ dàng

Theo lời kể của một vài người bạn, trong năm 2008, Qua Qua đã giúp đỡ việc tổ chức Silk Road Ball, một chương trình biểu diễn của các nhà sư Thiếu Lâm. Anh cũng mời Jackie Chan, ngôi sao điện ảnh Trung Quốc, đến diễn thuyết tại đại học Oxford, và hát cùng mình. Năm 2009, Qua Qua được vinh danh ở Luân Đôn bởi nhóm Liên đoàn thanh niên Trung Quốc ở Anh và được xếp vào danh sách 10 người trẻ nổi bật ở Trung Quốc

Chi phí giáo dục là chủ đề nóng ở tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Rất nhiều người hiện không hài lòng với chất lượng giáo dục tại các trường học. Nhưng chỉ có một số người giàu có tương đối mới có thể gửi con của mình ra nước ngoài học tập

E218YK01H2011copy1JPG.jpg

Bạc Qua Qua và bạn gái trong chuyến đi Tây Tạng

Chủ đề gây tranh cãi

Trong năm nay, một vài hình ảnh ở trên mạng cho thấy Qua Qua đang nghỉ ở Tây Tạng cùng với một "người thừa kế" trẻ khác - Trần Hiểu Đan, người có cha đang đứng đầu ngân hàng Phát triển Trung Quốc và ông của cô cũng là một nhà cách mạng nổi tiếng. Hàng loạt những tin đồn, cũng như những lời chỉ trích xuất hiện trên Internet, khi những hình ảnh cho thấy cả hai đang đi du lịch cùng với cảnh sát hộ tống

Với một số người khác, lối sống tự do của Bạc Qua Qua hiện đang gây tranh cãi. Hình ảnh của anh tại một sự kiện xã hội ở Đại học Oxford cho thấy anh để ngực trần, hay trong những bộ vest và trang phục ưa thích đã phát tán rộng rãi trên mạng

Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa rõ liệu Qua Qua sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp và liệu anh có thể duy trì vai trò của mình như thế nào. Trong bài phát biểu của mình tại Đại học Bắc Kinh năm 2009, Qua Qua nói rằng anh muốn "phục vụ nhân dân" trong văn hóa và giáo dục. Khi được hỏi về những hình ảnh của mình trong buổi tiệc tại Oxford, Qua Qua lại trích dẫn lời của chủ tịch Mao, "Bạn nên có một phần nghiêm túc và một phần sôi nổi"

Cheng Li, chuyên gia về chính trị cao cấp Trung Quốc tại Viện Brookings, Washington cho rằng, "hiện tượng những "người thừa kế" không phải là quá phổ biến, nhưng họ đã trở thành những quyền lực chính trị mạnh mẽ. Công dân Trung Quốc đang tỏ ra tức giận về sự kiểm soát của những người này khi họ kiểm soát cả quyền lực chính trị và cả nền kinh tế"

Tờ Nhân dân hàng ngày, đã thừa nhận vấn đề này khi một cuộc thăm dò năm ngoái cho thấy 91% số người được hỏi tin rằng các gia đình giàu có ở Trung Quốc có ảnh hưởng chính trị đằng sau. Một cựu kiểm toán viên, Li Kim Hoa, đã viết trên một diễn đàn trực tuyến rằng sự giàu có của các gia đình này là "những gì mà công chúng không hài lòng"

Những công tử "dòng dõi quý tộc" như Qua Qua, với những đặc quyền và sự giàu có, đang đặt ra nhiều câu hỏi cho xã hội Trung Quốc

Quốc Dũng
 
Last edited:
Cuộc sống bí mật của giới siêu giàu Trung Quốc​

Du thuyền cá nhân trên đảo Tam Á nhiều tới nỗi câu lạc bộ Du thuyền Hoàng gia Visun phải tăng mức phí thành viên và bắt đầu mở rộng cảng biển cho hơn 100 vị trí bỏ neo

20120510154058_duthuyen.jpg

Văn phòng của Wang Dong Qing, một đại gia có dáng vẻ bệ vệ, bày đầy mô hình máy bay phản lực và xe tăng. Bên trong bãi đỗ xe của Wang là một chiếc Cadillac dài 8 m đỗ cạnh một hạm đội gồm 40 chiếc Mercedes và BMW dành cho các doanh nhân Trung Quốc thuê để gây ấn tượng trong những cuộc gặp mặt khách hàng

Chiếc limousine truyền thống của các tổng thống Mỹ, và mới đây là giới siêu giàu Trung Quốc, quá dài để di chuyển trong những con hẻm của Tam Á, nơi chỉ có ngành công nghiệp duy nhất là các dịch vụ xa xỉ. Vì thế, để thuận tiện hơn, các tỷ phú thường đậu máy bay trực thăng trực tiếp trên những sân golf nhiệt đới của hòn đảo cực nam, nơi họ có thể sạt nghiệp vì cờ bạc

"Tháng trước, một tay golf của Trung Quốc đã mất trắng 20 triệu NDT tại đây," Raymond Hau, tổng giám đốc của khu nghỉ dưỡng Sun Valley Tam Á, cho biết. "Trong một ngày"- Hau nói thêm

Khi được hỏi về sự khác biệt giữa những tỷ phủ Trung Quốc với các khách hàng phương Tây, Hau cho biết: "Họ chìa tiền ra trước mặt chúng tôi và yêu cầu được chơi golf mà không đặt trước," Hau nói. "Golf sẽ không phát triển tại Trung Quốc mà không gắn với cờ bạc-lên tới 500.000 NDT/lỗ. Khi các sân golf ở Bắc Kinh đóng cửa vào mùa đông, tất cả đều tới đây"

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường nhấn mạnh tại các hội nghị thế giới rằng Trung Quốc là một đất nước đang phát triển. Đây cũng là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn nhất thế giới và thị trường sản phẩm cao cấp lớn thứ hai thế giới

Cụm từ "đất nước đang phát triển" có lẽ không phù hợp với Tam Á, nơi các thuyền đánh cá và du thuyền nhập khẩu đi theo đường riêng bên ngoài câu lạc bộ Du thuyền Hoàng gia Visun

Du thuyền cá nhân trên đảo Tam Á nhiều tới nỗi câu lạc bộ này phải tăng mức phí thành viên và bắt đầu mở rộng cảng biển cho hơn 100 vị trí bỏ neo

"Các thuyền cá phải chuyển ra ngoài," một nhân viên tại câu lạc bộ khẳng định

Nếu như mái hiên gie ra là truyền thống của những ngôi nhà thuộc về những người giàu thế hệ thứ nhất thì thế hệ giàu có thứ hai hiện tại lại thích mua biệt thự phong cách Tây Ban Nha trên bờ biển với phòng ngủ nằm kề bể bơi

"Chúng tôi gọi đó là Hawai phương đông," Xu Guorong, giám đốc điều hành của Công ty phát triển Yalong cho biết

Khi được hỏi về phong cách của những đại gia lắm tiền này, ông Xu chỉ tay về phía khu nghỉ dưỡng 5 sao theo kiểu Florida và biệt thự nổi trên mặt nước. "Các vị khách của khách sạn và chủ của những biệt thự sẽ cho du thuyền của họ đi thẳng về phía hàng lang hoặc lối vào của biệt thự"

Được biết, điều kiện tiên quyết tại những khách sạn xa hoa, được thiết kế cho giới siêu giàu trên đảo Tam Á đó là các nữ nhân viên cao trên170 cm

Trong ngành du lịch toàn cầu, những vị khách tới từ Trung Quốc và Ấn Độ luôn được chào đón, Raj Mohan, giám đốc bộ phận thực phẩm và đồ uống của khách sạn Renaissance cho biết

"90% các khách du lịch của chúng tôi vẫn là người Trung Quốc trong vòng 5 năm nữa," Tang Sixian, một quan chức du lịch cho biết khi nói chuyện về việc phát triển một hòn đảo nhân tạo trong thời gian tới

"Khi Tam Á còn là một làng chài, tôi đã tới thăm các nước phát triển và chứng kiến phong cách sống ở đó," Wang, chủ chiếc xe Cadillac cho biết. "Sau nhiều năm, những người giàu ở Trung Quốc cũng có thể sống như vậy"
 
Khi đất đai không thuộc về người nghèo

Một kế hoạch của chính phủ trung ương Trung Quốc nhằm tạo ra sự đột phá lớn trong công nghiệp du lịch trên hòn đảo nhiệt đới Hải Nam dự báo sự tăng trưởng vượt bậc trong kinh tế. Tuy nhiên, nó cũng làm rộng thêm khoảng cách giữa người giàu và người nghèo mà Bắc Kinh đang cố gắng thu hẹp

Tiền của đổ không tiếc tay vào những khu vực bất động sản ven biển để xây dựng khách sạn năm sao, sân golf xa hoa đẳng cấp, bến đậu cho các du thuyền tư nhân, tạo ra một làn sóng đầu tư bùng nổ. Kết quả là, tăng trưởng kinh tế của hòn đảo đạt mức trung bình 35% - lớn và nhanh hơn nhiều so với những nơi còn lại của Trung Quốc trong vòng ba năm trở lại đây kể từ khi chiến dịch của chính quyền bắt đầu đi vào thực thi

Tuy nhiên, với 8,6 triệu dân, kết quả của chiến dịch ấy là lạm phát và chênh lệch thu nhập trở nên quá lớn khi một hộ nông dân chỉ kiếm được chừng 20.000 nhân dân tệ (3.174 USD)/năm, nhưng nếu họ bán đất để xây dựng các toà nhà sang trọng thì sẽ thu lại được chừng 150.000 nhân dân tệ/mét vuông

"Nó giống như quê hương của những người xa lạ nhưng giàu có, thay vì là của chúng tôi, dù chúng tôi sinh ra nơi dây, sống ở mảnh đất này trong nhiều thế hệ", Trương Hạ, 26 tuổi, dựa lưng vào cánh cửa một cửa hàng tạp hoá nhỏ - nguồn thu nhập duy nhất của gia đình anh - và nói

Cha mẹ của Trương đã trồng xoài trên mảnh đất nông nghiệp họ có, nhưng sau đó phải tái định cư, nhường đất cho một công trình xây dựng khu du lịch sinh thái. "Chúng tôi tới một nơi xa biển, không có nhiều đất đai trồng trọg. Vậy chúng tôi có thể kiếm sống bằng gì trên đó ?", Trương nói. Hiện tại, anh sống ở vùng ngoại ô Tam Á - thành phố lớn thứ hai của Hải Nam

20120516165200_tama_1336961733.jpg

Lướt sóng ở Tam Á

Và đây là một vấn đề lớn tầm quốc gia đối với Trung Quốc - làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư, đưa sự giàu có tới cộng đồng cư dân địa phương chứ khôgn phải người đã giàu có hay đảm bảo dồi dào nguồn thu ngân sách địa phương. Khoảng cách giàu nghèo ngày một lớn là thách thức không nhỏ với chính quyền Trung Quốc - khi họ luôn đưa ra cam kết ổn định xã hội, tăng trưởng kinh tế bền vững. Không thực thi được cam kết ấy, chính phủ sẽ đối mặt với nguy cơ bất ổn

Dữ liệu thống kê chính thức cho thấy, thu nhập cá nhân sau thuế hàng năm đạt mức trung bình 20.472 nhân dân tệ năm 2011, tăng 9,4% so với năm trước nhưng vẫn còn thấp hơn tăng trưởng kinh tế và doanh thu tài chính của thành phố đạt 14,2% và 18,5% tương ứng

Tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói trong kỳ họp quốc hội hàng năm rằng, Bắc Kinh xác định rõ rằng, phải cải cách hệ thống phân phối thu nhập quốc gia năm nay để "đảo ngược nhanh chóng" xu hướng chênh lệch thu nhập đang ngày càng mở rộng

Trong khi khi đó, chính phủ trung ương cũng tuyên bố sẽ gia tăng tỉ lệ thu nhập cá nhân cân xứng với GDP để thúc đẩy tiêu dùng nội địa và chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế cân bằng hơn. "Chênh lệch thu nhập ngày một lớn đã trở thành nhân tố chính hạn chế việc mở rộng nhu cầu trong nước và có thể xói mòn sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế", Đỗ Trịnh Trịnh - một nhà phân tích Trung Quốc cho biết

Giá tiêu dùng bình quân tại Tam Á tăng 5,4% trong năm 2011 so với cùng kỳ năm trước - và cũng cao hơn khi mục tiêu chính phủ đặt ra là 4% - với tốc độ lạm phát lương thực hàng năm tăng tới mức 13,7%, theo cục thống kê thành phố. Chính quyền Tam Á không phải không nhận thức ra vấn đề

"Chúng tôi để ý rằng, giá tiêu dùng tăng cao đang ngày càng ảnh hưởng sâu sắc tới người dân địa phương. Một số người đã buộc phải cắt giảm chi tiêu cho lương thực thực phẩm để đối phó với tỉ lệ lạm phát cao", báo cáo đưa ra trên trang web của chính quyền thành phố nhấn mạnh

Trong nửa đầu năm ngoái, khi lạm phát lên gần mức đỉnh nhất trong 3 năm, tỉ lệ tiêu dùng cá nhân với sản phẩm thịt bò giảm 13,3%, với trứng giảm 29,7% trong khi cá giảm 5,4%. Trong năm 2011, chính quyền Tam Á đã trợ cấp cho mỗi người dân thành phố 42 nhân dân tệ/tháng cho tiêu dùng lương thực thực phẩm

"Trợ cấp chỉ là biện pháp tạm thời đối phó với lạm phát. Biện pháp lâu dài là tăng lương cho các nhóm có thu nhập thấp và thu hẹp khoảng cách giữa người giàu - người nghèo", Kiều Dũng Nguyên - nhà phân tích của CEBM, hãng nghiên cứu và tư vấn ở Thượng Hải - cho biết

Chính phủ trung ương Trung Quốc cũng đang tăng cường nỗ lực khắc phục chêch lệnh thu nhập

Bắc Kinh đã cam kết tăng mức lương tối thiểu trung bình hàng năm lên ít nhất 13% trong năm năm tính tới 2015 và muốn các chính quyền địa phương đặt ra mức lương thấp nhất ở mức ít nhất bằng 40% lương trung bình của địa phương. Lương tối thiểu ở Trung Quốc khá khác nhau dao động từ 1.500 nhân dân tệ tại Thâm Quyến hay 870 nhân dân tệ ở Trùng Khánh

Tam Á là ví dụ điển hình của việc đầu cơ bất động sản không chỉ khiến thị trường bất động sản địa phương tăng vọt mà còn ảnh hưởng tới giá nhà đất tại một số thành phố khác kể cả khi Bắc Kinh có những chính sách thắt chặt thị trường này để "làm nguội" giá cả

Đổng Vũ Đường - một doanh nhân từ Cáp Nhĩ Tân - một trong những thành phố lạnh nhất Trung Quốc ở tỉnh Hắc Long Giang phía đông bắc, đã dành 8 triệu nhân dân tệ mua vila ở Tam Á - cách bờ biển khoảng 15 phút đi xe. "Thật đáng giá để mua nó. Tôi thích đến đây vào mùa đông. Và tôi không lo lắng về việc giá cả giảm sút khi nó ở vị trí đắc địa thế này", ông nói

Đầu tư bất động sản ở Tam Á tăng 34,6% năm ngoái, cao hơn tỉ lệ trung bình của toàn bộ Trung Quốc là 27,9%. Thị trường của Tam Á hoạt động tốt hơn rất nhiều nơi khác ở nước này với giá nhà ở tăng gần 50% trong hai năm qua. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh đã bắt đầu tính tới việc cắt giảm sự phụ thuộc vào mua bán đất và chuẩn bị cho một sự chuyển đổi hướng tới tăng trưởng cân bằng hơn

"Sự phát triển của một thành phố không nên chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản và chúng ta phải đặc biệt chú ý tới việc bảo tệ vài nguyên đất đai quý giá của tỉnh Hải Nam để hướng tới tăng trưởng bền vững", Jiang Dingzhi, đứng đầu tỉnh Hải Nam tuyên bố cuối năm ngoái

Nguyễn Huy
 
Last edited:
Nhà giàu Trung Quốc sính ngoại

Một khi những người giàu Trung Quốc đã chấp nhận đánh đổi môi trường nhiều cơ hội lấy môi trường đầu tư ít cơ hội hơn hẳn, điều đó cũng có nghĩa là về tâm trạng và tâm lý, họ muốn “rửa tay gác kiếm”

nguoigiautrungquoc1.jpg

Dân Trung Quốc xếp hàng ngoài ĐSQ Mỹ tại Bắc Kinh nộp hồ sơ xin visa

“Không có lòng yêu nước”

Nền kinh tế và có lẽ cả chính thể Trung Quốc đang phải chịu đựng những hệ lụy được gây ra từ chính những vấn nạn đã tích tụ trong lòng nó

Một trong những hệ lụy như thế là câu chuyện về hiện tượng mua sắm bất động sản ở nước ngoài của giới nhà giàu Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết

Những số liệu được dẫn từ Hiệp hội Chuyên viên địa ốc quốc gia (NAR) cho thấy, dân Trung Quốc và Hồng Kông đã trở thành nhóm khách hàng quốc tế lớn thứ hai mua nhà ở Mỹ trong thời gian từ tháng 3/2011 đến tháng 3/2012. Doanh số của các vụ giao dịch bất động sản này lên đến 9 tỷ USD, chỉ xếp sau Canada. Con số này đã tăng 23% từ 7,3 tỷ USD cùa 12 tháng trước đó và tăng 88% so với doanh thu 4,8 tỷ USD của năm 2010

Hiện tượng giới nhà giàu Đại lục đổ xô mua nhà ở nước ngoài lại trở nên hết sức đặc biệt và gợi ra nhiều nghi vấn, bởi điều có thể giải thích được ở những thị trường nhà London, Berlin, Paris tương đối sôi động thì lại thật khó thuyết minh trong bối cảnh thị trường bất động sản ở Mỹ và Canada vẫn khá trầm lắng

Lẽ nào giới đầu tư bất động sản Trung Quốc lại nhìn thấy những cơ hội kinh doanh ở các thị trường mà chính dân bản xứ cũng không thể phát hiện ra ? Hay người Trung Quốc đang quá dư dả tiền bạc ? Hoặc còn có những nguyên do nào khác ?

Chẳng thiếu gì lý do để những người giàu có hiện nay của Trung Quốc tìm đường ra nước ngoài. Đầu tiên và có vẻ hợp lý nhất luôn là việc họ muốn tìm kiếm cho con cái của họ những môi trường giáo dục hoàn thiện. Mỹ, Canada, Anh và Pháp đều là nơi tập trung những trường đại học tốt nhất thế giới

Năm 2011, một công ty tư vấn có tên là Bain đã phải để mắt đến động cơ này. Theo thống kê của Bain, hàng năm lượng du học sinh Trung Quốc sang các nước phương Tây tăng hơn 20%. Bain cũng ước tính có khoảng 230.000 học sinh Trung Quốc đang học tập ở nước ngoài

Những ẩn ý bên trong tất nhiên khó mà lộ ra ngoài. Không phải vô cớ mà trong mấy năm qua đã hiện hình một làn sóng của giai tầng nghèo khó chỉ trích dữ dội đối với lớp người giàu có ở Trung Quốc. “Không có lòng yêu nước” là tinh thần của sự chỉ trích mang đậm dấu ấn hằn thù như thế

Theo đó, những nguyên nhân ẩn giấu từ trào lưu di cư ra nước ngoài cũng dần lộ ra

Cơ hội kinh doanh đã hết ?

Vào tháng 5/2011, một cuộc điều tra của Công ty tư vấn Bain đã cho thấy có đến 60% người giàu Trung Quốc mong muốn định cư ở nước ngoài. Đây là số người giàu với tài sản bình quân trên 10 triệu USD. Trong số 2.600 người được điều tra, ít nhất có 10% gần như hoàn tất mọi thủ tục xuất cảnh

Theo Bain, một hiện tượng có vẻ nghịch lý là càng giàu họ lại càng muốn ra nước ngoài. Đối với những ai đang có hơn 100 triệu nhân dân tệ, 27% đã rời Trung Quốc, còn 47% đang cân nhắc ra đi. Bến đỗ mới của những người này tập trung vào các quốc gia phương Tây như Mỹ, Canada, Australia hoặc một số nước châu Âu

Viện Gallop - một tổ chức chức nghiên cứu của Mỹ - trong một bản nghiên cứu đã đánh giá, phần lớn người Trung Quốc cảm thấy bất an ngay cả khi quốc gia này có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn hẳn Mỹ và Tây Âu. Khi được lựa chọn giữa các tiêu chí “phát đạt”, “sống chật vật” và “khốn khổ” để phác họa về tình cảnh của mình, chỉ 12% người Trung Quốc thiên về “phát đạt”, trong khi có đến 17% “khốn khổ” và 71% “sống chật vật”

Trong cách nhìn của Viện Gallop, những biểu trưng kinh tế - xã hội như vậy cho thấy dường như việc cảm thấy “không hạnh phúc” là nguyên do chính yếu khiến người giàu Trung Quốc chẳng mấy tha thiết gắn bó với quê cha đất tổ của họ

nguoi-giau-trung-quoc-2.jpg

Một khu bất động sản hạng sang ở Chicago mà nhiều khách hàng Trung Quốc quan tâm

Nếu so sánh về cơ hội đầu tư thì hiển nhiên tại Trung Quốc, các đại gia và giới quan chức vẫn có nhiều cơ hội hơn hẳn các nước phát triển để tìm ra tỷ suất lợi nhuận vài ba lần. Những cơ hội đó luôn tiềm ẩn trong đặc tính đầu cơ của những thị trường “hoang dã” vào thời kỳ đầu của tư bản chủ nghĩa, nơi mà hệ thống luật pháp luôn chịu sự chi phối nặng nề của sự lũng đoạn từ các nhóm đầu cơ và thế lực tài phiệt

Thực tế ấy có thể đưa đến nhận định rằng, một khi những người giàu Trung Quốc đã chấp nhận đánh đổi môi trường nhiều cơ hội lấy môi trường đầu tư ít cơ hội hơn hẳn, điều đó cũng có nghĩa là về tâm trạng và tâm lý, họ muốn “rửa tay gác kiếm” sau khi đã cảm thấy đủ nhiều tiền và đủ trải nghiệm về rủi ro trong kinh doanh lẫn cơ chế chính sách

Hậu họa khôn lường

Ngoài lý do kinh doanh và môi trường sống, còn những nguyên do nào khác để lớp người giàu Trung Quốc tìm đường rời xa tổ quốc của họ ?

Có một thực tế là Trung Quốc vẫn đang được những kinh tế gia phương Tây ví như “nước nghèo giàu có”. Trong quốc gia này, rất nhiều người dân bị mất đất vào tay các doanh nghiệp bất động sản đã phải chứng kiến đất đai của họ bị thổi giá lên đến hàng chục lần so với giá đền bù. Đó cũng là điều mà Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã phải công khai thừa nhận là “sự oán giận của người dân”

Sự bức xúc và bất mãn của dân chúng cũng xoáy sâu vào hiện tồn ngày càng nhiều quan chức nhà nước tìm cách tuồn nguồn tiền có được từ tham nhũng ra tài khoản ngân hàng nước ngoài, gửi vợ con ra nước ngoài và đến lượt mình có thể sẽ “biến” ra nước ngoài một khi có điều kiện thuận lợi

Một điểm trùng hợp cần ghi nhận là tỷ lệ “quỹ đen” của giới nhà giàu Trung Quốc chiếm đến gần 1/3 GDP, lại bằng với giá trị tham nhũng tại quốc gia này - cũng khoảng 1/3 GDP. Nhà nghiên cứu Vương Tiểu Lỗ của Quỹ Cải cách Trung Quốc - một tổ chức phi chính phủ độc lập, cũng đã tìm ra con số tham nhũng lên đến 9.600 tỷ NDT (khoảng 1.500 tỷ USD)

Với những quan chức nằm trong diện tham nhũng đậm đà như thế, hiển nhiên cách thức an toàn nhất của họ là đi theo xu hướng di cư của giới giàu có ra nước ngoài, vừa có thể rửa tiền bất chính, vừa an toàn hơn hẳn so với việc tiếp tục ở lại trong nước

Vào năm 2011, hãng truyền thông BBC đã dẫn một bản báo cáo được công bố của Ngân hàng trung ương Trung Quốc về việc các quan tham Trung Quốc đã gửi ra nước ngoài đến 120 tỷ USD trong giai đoạn 1990-2008. Những địa chỉ được ưa chuộng gửi tiền là Mỹ, Australia, Canada và Hà Lan

Cùng với sự bốc hơi tài chính là công cuộc “chảy máu chất xám” khi có đến 16.000 - 18.000 quan chức và nhân viên các công ty quốc doanh đã rời khỏi Trung Quốc trong thời gian đó

Có lẽ, những người giàu Trung Quốc đã cảm nhận nỗi sợ hãi mà lịch sử đè nặng lên tâm trí họ, di truyền từ đời này sang đời khác. Với giới kinh doanh Trung Quốc, đặc biệt là những người giàu nhất, luôn mang một nỗi lo sợ mơ hồ về tương lai “cào bằng”, khi có thể xảy ra những biến động xã hội và chính trị, dẫn tới chính sách phân phối lại thu nhập

Đã từng có tiền lệ về sự phân phối lại thu nhập vào thời Mao Trạch Đông, khi giới tư sản bị tước đoạt tài sản để dùng cho việc công hữu hóa tư liệu sản xuất. Nhiều thế kỷ trước ở Trung Quốc cũng xảy ra không ít lần “hồi tố” như thế

Vì vậy, không có gì bảo đảm mọi sự sẽ bất biến ở đất nước Trung Quốc, nhất là vào thời buổi tiềm ẩn đầy hậu họa khôn lường như hiện nay và sắp tới

Viết Lê Quân
Doanh nhân Sài Gòn
 
Last edited:
Nhà giàu Trung Quốc buôn tranh để rửa tiền​

Tác phẩm nghệ thuật đã vượt qua bất động sản, chứng khoán, sòng bạc tại Macao và tài khoản ngân hàng nước ngoài để trở thành sự lựa chọn lý tưởng cho những nhà giàu Trung Quốc muốn giấu diếm khoản thu nhập không chân chính

nghethuat-1347000569-1-1.jpg

Trung Quốc đã vượt qua Anh và Mỹ để trở thành thị trường nghệ thuật lớn nhất thế giới với doanh thu 4,79 tỷ USD vào năm ngoái​

Các nhà sưu tập nghệ thuật thực sự đã từ chối tham gia đấu giá tấm huy chương của nhà độc tài quân sự Tưởng Giới Thạch diễn ra vào ngày 24/8 vừa qua. Tấm huy chương vẫn được mang ra bán đấu giá tại Hong Kong dù Bộ Quốc phòng Đài Loan khẳng định đó là đồ giả. Họ cho rằng huy chương thật đã được chôn cùng thi hài của tướng này vào năm 1975

Đây chỉ là một trong rất nhiều thương vụ đấu giá gây tranh cãi tại thị trường nghệ thuật đang bùng nổ của Trung Quốc. Theo tổ chức nghiên cứu Artprice thì Trung Quốc đã vượt qua Anh và Mỹ để trở thành thị trường nghệ thuật lớn nhất thế giới với doanh thu 4,79 tỷ USD vào năm ngoái

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đằng sau cái gọi là đấu giá nghệ thuật là một thế giới đầy giả mạo với những vụ rửa tiền và lừa đảo

Sergey Skaterschikov, nhà sáng lập tổ chức nghiên cứu thị trường nghệ thuật của Skatye cho biết, rất nhiều vụ mua bán là giả mạo. Trong kinh doanh đấu giá, cái đó gọi là đấu giá trình diễn với nhiều mục đích không đứng đắn

“Thực tế, hoạt động rửa tiền tại thị trường Trung Quốc hoạt động rất mạnh. Sự khác biệt ở các sản phẩm nghệ thuật nằm ở chỗ giá trị của chúng phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Bạn có thể nói mình mua một tác phẩm với giá 100 USD nhưng giờ đây nó lại có giá đến 10 triệu USD. Và thật khó để tranh cãi về giá trị thực của nó”, ông nói

Skaterschiko và nhiều chuyên gia khác khẳng định nghệ thuật đã vượt qua bất động sản, chứng khoán, sòng bạc tại Macao và tài khoản ngân hàng nước ngoài để trở thành sự lựa chọn lý tưởng cho những doanh nhân “có vấn đề” hoặc những quan chức tham nhũng muốn giấu giếm khoản lời không chân chính

Trong một số trường hợp, bản thân những cuộc đấu giá được sử dụng để thực hành vi hối lộ khi mà người mua cố tình đưa ra giá cao hơn cho những sản phẩm kém chất lượng để trả một cách bất hợp pháp cho người bán

Hồi năm ngoái, một doanh nhân Trung Quốc đã làm giả một bộ trang phục cổ màu ngọc bích. Sau khi nhờ một nhóm thẩm định đến đánh giá giá trị sản phẩm, giá trị của nó được đội lên đến 375 triệu USD. Và doanh nhân này sử dụng nó để làm vật thế chấp cho khoản vay ngân hàng trị giá 100 triệu USD

Ông Lo Shiu-Hing, chuyên gia tại viện giáo dục Hong Kong về tội phạm xuyên quốc gia cho rằng: “Có một quá trình rửa tiền ngầm được thực hiện thông qua việc mua bán những tác phẩm nghệ thuật thật và giả hay những đồ cổ tại khu vực này”

“Hầu hết những người Trung Quốc này là nhà đầu tư hơn là nhà sưu tập. Họ muốn xúc tiến thương vụ một cách nhanh chóng. Nhưng những người chiến thắng thực sự thì lại là những người sưu tập. Họ mua và giữ lại các sản phẩm đó trong vòng 5 đến 10 năm

Đến thời điểm đưa lên đấu giá họ sẽ bán lại với mức cao hơn gấp 5 đến 10 lần trước đó”, ông Huang, người có hàng chục năm kinh nghiệm trong các nhà bán đấu giá ở Đài Loan trước khi được lựa chọn sang điều hành một văn phòng Đài Bắc của doanh nghiệp Trung Quốc

Ông Huang cho biết, các nhà đầu tư thường hay giả mạo. Bản thân văn phòng của ông cũng nhận được khá nhiều các sản phẩm giả từ những người này và buộc lòng phải trả lại sau khi thẩm định thật giả

Vào tháng Sáu vừa qua tại Bắc Kinh, một nhà sưu tập Đài Loan bán một bức tranh phong cảnh năm 1964 của họa sĩ người Trung Quốc Li Keran với giá 49,24 triệu USD

Họa sĩ Li nổi tiếng với những tác phẩm tưởng nhớ nhà lãnh đạo phong trào cải cách văn hóa Mao Trạch Đông. Một người mua giấu tên từ Forbidden City đã mua tác phẩm và đó là một mức giá kỷ lục trong các tác phẩm của người họa sĩ này

Không một ai biết chắc chắn là thị trường nghệ thuật của Trung Quốc thật giả bao nhiêu. Nhưng có một điều chắc chắn là vấn đề này không chỉ tồn tại ở Trung Quốc. Hiệp hội nghiên cứu tội phạm nghệ thuật ước tính, tội phạm nghệ thuật là sự nan giải và nhức nhối trên toàn thế giới chỉ sau ma túy và buôn bán vũ khí

Tổ chức này cũng ước tính thị trường nghệ thuật kiếm được mỗi năm đến 6 tỷ USD. Và số tiền này được dùng để hỗ trợ cho những tổ chức phạm tội có tổ chức

Các chuyên gia phân tính nói điều này cũng giống như rất nhiều các ngành công nghiệp khác, nó đang diễn ra nhanh và mạnh mẽ ở Trung Quốc hơn bất cứ nơi nào khác
 
Top