What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Nhà nước thuê ngoài dịch vụ CNTT

LOBBY.VN

Administrator
Nhà nước thuê ngoài dịch vụ CNTT
- Thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) đang là xu hướng diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, nhưng lại đang bị hạn chế trong các cơ quan nhà nước tại Việt Nam do bị vướng bởi cơ chế, chính sách

Thay vì bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư cho hệ thống CNTT, cơ quan nhà nước có thể đi thuê lại của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Đây là hình thức lợi cả đôi đường, nó giúp Nhà nước phân tán áp lực ngân sách, tránh lãng phí do đầu tư tràn lan mà không sử dụng hết công suất. Còn với doanh nghiệp thì đó là cơ hội để tiếp cận một khách hàng rất lớn, cơ hội đang được kỳ vọng sẽ mở ra khi bản dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thuê dịch vụ CNTT sử dụng vốn nhà nước được ban hành


Gỡ vướng về chính sách trước

Sau khi nghe các ý kiến tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử diễn ra vào ngày 20-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nếu các ý kiến đều cho rằng thể chế, khung pháp lý là quan trọng để triển khai Chính phủ điện tử thì cần tập trung làm tốt việc này. Ông yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, khẩn trương đề xuất sửa đổi Nghị định 102 và Quyết định số 80 của Thủ tướng, hoàn thành trong tháng 11-2018

Chủ trương thuê ngoài dịch vụ CNTT trong các cơ quan nhà nước được cụ thể hóa bằng Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng. Về lý thuyết, việc thuê ngoài sẽ giúp các cơ quan nhà nước rút ngắn thời gian triển khai ứng dụng CNTT so với thực hiện quy trình đầu tư theo Nghị định số 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách. Song thực tế, việc triển khai thuê ngoài này còn nhiều vướng mắc nên ít dự án được triển khai. Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thuê dịch vụ CNTT sử dụng vốn nhà nước, do Bộ Thông tin Truyền thông đang hoàn thiện, nhằm tháo gỡ những vướng mắc này

Tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp diễn ra gần đây, đại diện của Viettel cho biết vướng mắc quan trọng nhất trong Quyết định 80 là các quy định liên quan đến lập dự toán thuê dịch vụ CNTT, chi phí dịch vụ, thuê tư vấn... nhưng dự thảo mới cũng chưa thay đổi nhiều. Các dự án mà các doanh nghiệp triển khai cơ bản chưa có thị trường hoặc là các dự án đặc thù, nên khi chào giá là gặp ngay khó khăn vì chưa có giá tương tự nào để tham khảo. Các nội dung về thời gian thuê, khấu hao tính vào phí, định giá, đánh giá chất lượng dịch vụ cũng chưa rõ. Bên cạnh đó, cả Quyết định 80 và dự thảo quyết định mới chưa nói rõ về việc bảo đảm an ninh dữ liệu trong và sau ký hợp đồng thuê dịch vụ CNTT

Vướng mắc quan trọng nhất trong Quyết định 80 là các quy định liên quan đến lập dự toán thuê dịch vụ CNTT, chi phí dịch vụ, thuê tư vấn... nhưng dự thảo mới cũng chưa thay đổi nhiều

Còn đại diện của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, một đơn vị đã triển khai thuê dịch vụ CNTT, cho biết Quyết định 80 chỉ áp dụng được với thuê phần cứng (hạ tầng CNTT) hay phần mềm đóng gói có sẵn trên thị trường. Còn đối với thuê phần mềm có tính chất đặc thù, Hà Nội đang vướng mắc việc tính giá...

Trong một sự kiện khác, khi làm việc với Văn phòng Chính phủ, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc tập đoàn VNPT, cũng cho biết trong vài năm qua VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 50 tỉnh thành trên cả nước và đã triển khai các giải pháp Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, đại đa số là đang làm miễn phí vì chưa có hướng dẫn cụ thể về giá thuê dịch vụ

Ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc Công ty Công nghệ DTT, ví việc thuê ngoài dịch vụ CNTT đối với cơ quan nhà nước không khác việc một người muốn thuê phòng khách sạn yêu cầu chủ khách sạn phải tính xem tổng đầu tư khách sạn bao nhiêu thì họ mới có thể trả giá để thuê. Về nguyên tắc có thể tính được nhưng không ai làm điều này cả

Tham khảo bản dự thảo quyết định mới, ông Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc tập đoàn FPT, cho biết với dự thảo này có một vấn đề vẫn chưa giải quyết được. Theo dự thảo, các cơ quan nhà nước có thể lấy kinh phí thường xuyên để thuê dịch vụ CNTT mà thông thường kinh phí thường xuyên đã được dùng để trả tiền lương, tiền nhà, tiền nước... Nếu Nhà nước không cấp thêm kinh phí thường xuyên thì cơ quan nhà nước sẽ không có ngân sách để trả tiền thuê dịch vụ CNTT. Đây cũng là lý do suốt nhiều năm VNPT vẫn phải đi làm miễn phí cho các cơ quan nhà nước. Ông Nguyễn Thế Trung đề xuất thêm là cần phải có cơ chế điều chỉnh giá thuê dịch vụ CNTT theo thị trường chứ không thể theo định mức, định giá được. Dự thảo chưa gỡ rối được hết, nhưng cũng mở ra cánh cửa mới là đấu thầu theo thị trường thay vì đi xây dựng theo định mức. Nhưng vẫn còn vướng về định giá chi phí của hệ thống, chưa biết sẽ giải quyết ra sao

Nhà nước được lợi nhiều hơn

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch tập đoàn Công nghệ CMC, hy vọng Quyết định mới nếu không gỡ được hết vướng mắc thì ít nhất cũng tạo ra được cơ hội để doanh nghiệp có thể cung cấp được dịch vụ cho cơ quan nhà nước. Ông cho rằng, giải tỏa rào cản đối với việc thuê ngoài dịch vụ CNTT không chỉ tạo cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, mà Chính phủ cũng được lợi ích rất lớn, nên đây là nhu cầu từ hai phía. Các cơ quan nhà nước thay vì phải chi ra số tiền ngân sách ban đầu rất lớn để tự đầu tư hệ thống, thì có thể trả dần hàng năm bằng việc đi thuê. Bên cạnh đó là những lợi ích về chi phí vận hành và rủi ro nếu chẳng may hệ thống bất ổn, vì với mô hình đi thuê thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ chịu hoàn toàn rủi ro này

“Với những doanh nghiệp đã đầu tư sẵn những hệ thống CNTT để cho thuê thì sẽ vui khi gỡ được vướng mắc về chính sách. Song với những dịch vụ mới, đặc thù thì doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc xem có nên đầu tư để cho thuê không, cam kết của bên thuê có lâu dài không. Thẩm định bên thuê có đủ lực để thuê lâu dài không”, ông Chính nói và cho biết thêm đó cũng là điểm mà dự thảo quyết định mới cần tính đến

Cùng chung quan điểm trên, ông Lê Đăng Dũng, Tổng giám đốc tập đoàn Viettel, cho rằng nếu vướng mắc về thuê dịch vụ CNTT được giải quyết thì Chính phủ sẽ có lợi nhất, tốt cho ứng dụng CNTT của Chính phủ khi ngân sách nhà nước không thể ngay một lúc có tiền trả để đầu tư các dự án. Vì với các doanh nghiệp, ai cũng muốn bán được ngay và thu tiền luôn một lần hơn là cho thuê rồi thu tiền dần. Vì vậy, theo ông, thuê ngoài dịch vụ CNTT tại các cơ quan nhà nước lợi cho Nhà nước là chính nên các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT của Nhà nước sẽ phải đảm đương trách nhiệm và nghĩa vụ này. Tất nhiên doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân đều phải tính toán đến yếu tố lợi nhuận. Song với doanh nghiệp nhà nước đôi khi thấy lợi nhuận thấp mà vì trách nhiệm vẫn phải làm

Tóm lại, việc thuê ngoài dịch vụ, trong đó có dịch vụ CNTT, tại các cơ quan nhà nước là hướng đi tích cực cho các cơ quan nhà nước trong điều kiện ngân sách đang khó khăn nhưng vẫn phải đẩy mạnh việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ mới để nâng cao hiệu suất và hiệu quả của các đơn vị này

Vân Oanh
 
Last edited:
Top