What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

OBAMA Capital

LOBBY.VN

Administrator
Quant: Thế lực mới tại Phố Wall
Nhiều người không biết rằng cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ “cướp” việc làm của nhiều thạc sĩ tài chính, kinh doanh

Gần đây, mọi người bàn luận nhiều về Cách mạng công nghiệp 4.0 và những ảnh hưởng của nó đến việc làm lao động phổ thông, còn các ngành đòi hỏi chất xám cao sẽ tạm thời an toàn với sự đe dọa của tự động hóa. Nhưng nhiều người không biết rằng cuộc cách mạng này còn “cướp” việc làm của nhiều thạc sĩ tài chính, kinh doanh. Đáng chú ý là xu hướng này đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn

Các lĩnh vực tiềm năng nhận được lợi ích kinh tế lớn từ ứng dụng công nghệ sẽ chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ nhất. Đó là các lĩnh vực sử dụng nhiều nhân công, hoặc nhân công hiếm, hay các lĩnh vực mà mỗi cải tiến trong sản phẩm, dịch vụ, chi phí vận hành đem lại giá trị cao cho khách hàng. Một ví dụ dễ thấy nhất là ngành tài chính

Mặc dù mô hình, cách thức của các tổ chức tài chính không thay đổi nhiều qua thời gian, gắn liền với hoạt động cho vay, huy động vốn, đầu tư để tạo ra lợi nhuận, nhưng các dịch vụ, sản phẩm được cung cấp lại tiếp cận nhanh chóng các công nghệ mới nhất

Đầu tiên là các kỹ thuật bảo mật, nhận dạng tân tiến, kỹ thuật thẻ, máy giao dịch tự động, ngân hàng điện tử, các chương trình thuật toán đánh giá rủi ro và cấp hạn mức tín dụng cũng như phí bảo hiểm, áp dụng thuật toán để nhắm đến từng phân khúc khách hàng và dự đoán nhu cầu tài chính của họ. Gần đây, khi các chính sách, quy định tài chính được nới lỏng, ngành tài chính ghi nhận sự bùng nổ của startup công nghệ tài chính (fintech).

Theo tờ Financial Times, những công ty fintech thu hút vốn đầu tư nhiều nhất xoay quanh các công nghệ cổng thanh toán, an ninh, ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI) thay thế nhân viên giao dịch, kỹ thuật đánh giá, phân loại rủi ro trong bảo hiểm và blockchain (công nghệ đằng sau các giao dịch bitcoin). Công nghệ mới này thường được các ngân hàng, tổ chức tài chính chú trọng trong chiến lược tiếp thị nhằm đảm bảo xây dựng hình ảnh ngân hàng có công nghệ tối tân, đem lại sự tiện lợi và an toàn cho khách hàng.

Ở Việt Nam, có thể thấy hoạt động quảng cáo của Timo, ngân hàng số trên điện thoại thông minh của VPBank, ví điện tử MoMo và hàng loạt các dịch vụ trung gian thanh toán khác như Payoo, 123Pay...

Tuy nhiên, ngành tài chính cũng có một vài mảng tối mà ở đó, sự kín kẽ, bí ẩn trong thông tin về các công nghệ được áp dụng là chuẩn mực. Đó chính là các quỹ đầu cơ sử dụng thuật toán (quant fund). Mang danh là các quỹ đầu tư, đầu cơ nhưng nhân sự của các quỹ này hầu hết là các tiến sĩ toán, vật lý và khoa học dữ liệu, gần như vắng bóng những người được đào tạo và có kinh nghiệm chuyên sâu trong tài chính. Các quỹ đầu cơ này là thế lực mới tại Phố Wall và sự thống trị của họ đang quét sạch mô hình các quỹ đầu cơ mà các giao dịch do con người quyết định.


Khi toán học lấn át tài chính

Việc ứng dụng toán cao cấp, khoa học thống kê vào đầu tư bắt đầu từ rất sớm, từ những năm 1974, bắt đầu là Ed Thorp, một giáo sư toán học, với quỹ Convertible Hedge Associates năm 1969, sau đó đổi tên thành Princeton/Newport Partners (P/NP) năm 1974. Ed Thorp đã sử dụng khoa học xác suất và thống kê để phát hiện và kiếm lời từ những bất thường trong giá trị cổ phiếu trên sàn giao dịch. Theo một bài báo của tờ Los Angeles Times viết năm 1989, P/NP đạt được mức lợi nhuận trung bình 15%/năm, sau khi đã trừ các khoản phí quản lý quỹ, giao dịch nghiệp vụ.

Đến nay, các quỹ quant đang dần chiếm lĩnh thị trường quản lý quỹ. Cụ thể, theo Wall Street Journal, cuối quý I/2017, các quỹ mang chiến lược quant đạt tổng cộng 932 tỉ USD tài sản quản lý, chiếm hơn 30% tổng tài sản quản lý của các quỹ đầu cơ toàn thị trường. Con số này đã tăng mạnh so với năm 2009 là 408 tỉ USD và 25% tổng tài sản quản lý toàn thị trường. Đạt được điều này là nhờ các quỹ quant vừa thu hút dòng tiền ký gửi của nhà đầu tư, vừa tạo ra lợi nhuận cao hơn hẳn thị trường và các quỹ khác. Trong quý I năm nay, các quỹ quant đã thu hút thêm 4,6 tỉ USD, so với dòng vốn ròng 5,5 tỉ USD rời khỏi toàn ngành quỹ đầu cơ

Quỹ quant với các công ty đầu tư kỹ thuật giao dịch tần suất cao (HFT). HFT chỉ thường xuyên thực hiện các giao dịch để hưởng lợi từ những bất thường nhỏ nhất trong giá chứng khoán trên cổ phần, thường chỉ tồn tại trong vài mili-giây. Cơ hội cho các HFT kiếm lời ngày càng ít đi khi thị trường không còn biến động nhiều như trước và cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt.

Ngược lại, các quỹ quant lớn nhất hiện nay, theo khảo sát của LCH Investments, như quỹ của Renaissance Technologies, Two Sigma Investments, Citadel, D.E. Shaw thường thực hiện các giao dịch trong ngày hoặc vài tháng 1 lần tùy theo các tín hiệu thị trường mà thuật toán phân tích được. Các quỹ này đều có đội ngũ phát triển chiến lược là những giáo sư, tiến sĩ toán học, vật lý, tin học đặt giả thuyết về chiến lược đầu tư và thử nghiệm bằng mô phỏng thị trường... Người duy nhất được đào tạo chuyên về tài chính tại các quỹ này thường là người sáng lập, nhưng họ hoàn toàn tự tin và giao việc phát triển chiến lược đầu tư cho các nhà toán học.


Ngắm mây để đầu tư cổ phiếu

Peter Brown, đồng CEO Renaissance Technologies, từng phát biểu tại một hội thảo về đầu tư năm 2013: “Bằng cách nghiên cứu độ phủ của mây, chúng tôi phát hiện tượng liên quan giữa những ngày nắng ấm và sự tăng điểm của thị trường chứng khoán New York và Paris. Mặc dù điều này chỉ đúng hơn 50%, nhưng đó là minh họa cho cách chúng tôi làm việc hằng ngày: tìm kiếm các tín hiệu có thể khai thác được. Chúng tôi có khoảng 90 tiến sĩ toán học và vật lý hằng ngày ngồi trên máy tính và tìm tín hiệu. Ngoài ra, chúng tôi cũng có 10.000 bộ vi xử lý máy tính luôn tìm kiếm những tín hiệu”.

Ngoài các nhà toán học, nhà vật lý học thiên thể, những người chuyên nghiên cứu vì sao, hành tinh, vũ trụ cũng đóng góp không nhỏ cho việc tìm kiếm các tín hiệu tại Renaissance. Các nhà vật lý học thiên thể rất giỏi trong việc sàng lọc các “tiếng ồn” trong dữ liệu bằng cách bóc tách lớp dữ liệu. Khi tiếng ồn được loại bỏ thì tín hiệu sẽ trở nên rõ ràng hơn, tăng hiệu quả cho việc sàng lọc dữ liệu. Quỹ Medallion của Renaissance từ năm 1994 đến 2014, trung bình đạt lợi nhuận 71,8%/năm, theo số liệu thu thập của Bloomberg, là quỹ đầu tư lợi nhuận cao nhất từ trước đến giờ, vượt mặt cả quỹ Quantum của tỉ phú nổi tiếng George Soros và có tỉ suất lợi nhuận cao ngất ngưởng so với mức trung bình toàn thị trường.

Cách mạng 4.0 đang ảnh hưởng sâu rộng hơn nữa khi đã xuất hiện nhiều quỹ quant áp dụng trí thông minh nhân tạo và khả năng tự học của robot (machine learning) để làm công việc dò tìm tín hiệu của các nhà khoa học. Tuy nhiên, dù robot đầu tư có thể làm việc hiệu quả hơn các chuyên gia tài chính hay nhà toán học, thì vẫn cần có nhân lực để sáng tạo, lập trình và ứng biến khi có sự cố

Paul Tudor Jones và Steve Cohen, hai nhà đầu tư nổi tiếng trong giới tài chính và quỹ đầu cơ định tính giá trị truyền thống, cũng đã phải cắt bớt nhân lực của quỹ truyền thống hiện tại và đầu tư để xây dựng quỹ thuật toán mới là Two Sigma và Point27 trước áp lực về lợi nhuận do các quỹ quant tạo ra. Khi sa thải 15% nhân viên, Paul Tudor Jones đã nói với số nhân viên còn lại: “Không có con người nào tốt hơn máy móc. Và không có máy móc nào tốt hơn một con người với một chiếc máy”

Tại Việt Nam, năm 2010 Vietfund Management (VFM) từng ra mắt Quỹ Đầu tư Năng động (VFA), là quỹ đầu tiên theo đuổi mô hình quant ở Việt Nam, cụ thể là đầu tư theo xu hướng. Tuy nhiên, tại đại hội nhà đầu tư năm 2017, quỹ này đang tính phương án giải thể do thua lỗ. Điều này cho thấy việc áp dụng mô hình quant tại Việt Nam là không hề dễ dàng, nhất là khi VFM là một trong những quỹ tiên phong trong ngành đầu tư tại Việt Nam và cũng đã gặt hái được nhiều thành công với 2 quỹ định lượng truyền thống là VF1 và VF4


24-25_kd_cn4.0_u_tr-r_21455619.jpg

Như Thọ
 
Last edited:
Kinh tế sẽ phục hồi mạnh và thế giới sẽ tràn ngập tiền những năm tới

photo1611466866716-1611466867002331211614.jpg

Theo TS. Phan Minh Ngọc, trong bối cảnh nới lỏng và tiền rẻ tràn ngập trên toàn cầu trong một thời gian dài nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục có cơ hội tăng điểm với triển vọng dòng vốn nước ngoài tiếp tục đổ vào

Triển vọng kinh tế thế giới năm 2021 đã trở nên lạc quan, rõ ràng hơn bao giờ hết sau một năm đầy rẫy khó khăn, biến động và bất định. Điều này được phản ánh qua sự thăng tiến mạnh mẽ của các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu kể từ tháng 11 năm ngoái

Những tin tức tích cực đã liên tục xuất hiện gần đây gồm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc, không những đã tránh được một cơn suy thoái mà còn tăng trưởng dương trên 2% năm 2020, đã và sẽ tiếp tục trở thành một cái phao cứu sinh cho kinh tế khu vực và thế giới tương tự như thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu đầu thập kỷ trước, cũng như cam kết mạnh mẽ của chính quyền Biden ở Mỹ về việc "chơi lớn" để vực dậy nền kinh tế nước này

Khu vực kinh tế châu Âu dù đang ngập chìm trong đợt phong tỏa mới trước sự tái bùng phát của Covid-19 nhưng việc triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 đã làm các Chính phủ ở đây đã trở nên lạc quan hơn vào triển vọng phục hồi nhu cầu do nới lỏng phong tỏa và sự bất trắc giảm đi

Do vậy, dù có thể vẫn còn một số bất đồng về mức độ và khu vực diễn ra sự phục hồi và tăng trưởng dương, nhưng sự đồng thuận nhìn chung là sẽ có một sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thế giới vào nửa năm sau của 2021, dựa trên các trụ cột chính gồm kiềm chế đại dịch, sự ổn định hơn về địa chính trị và các gói kích thích, hỗ trợ kinh tế khổng lồ. Trong số này, kiềm chế đại dịch (nhờ vaccine) là cơ sở quan trọng nhất bởi nó sẽ dập tắt nỗi sợ hãi về các đợt tái bùng phát dịch kèm theo là tái phong tỏa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phục hồi kinh tế

Cam kết của tân tổng thống Biden về phục hồi lại quan hệ với các đồng minh thân cận và với thế giới cũng có nghĩa là Mỹ sẽ trở nên dễ đoán định và nhất quán hơn trong quan hệ với các nước trên thế giới dưới thời ông Biden so với ông Trump, là người được biết đến có tính khí thất thường, thường bất ngờ thông báo lật ngược chính sách của mình qua những dòng twit. Quan hệ kinh tế quốc tế cũng vì thế mà sẽ ổn định, dễ tiên đoán hơn, góp phần thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong những năm tới

Các gói kích thích phục hồi kinh tế dựa trên chính sách tiền tệ và tài khóa siêu nới lỏng kể từ năm 2020 sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới. Trong số những gói kích thích kinh tế này phải kể đến gói 1,9 nghìn tỷ USD hỗ trợ tài chính gia đình và phòng chống dịch mới công bố ở Mỹ (tương đương 9% thu nhập quốc dân của Mỹ), 750 tỷ Euro ở khu vực EU nhằm không chỉ cứu trợ các ngành bị ảnh hưởng mà còn xây dựng một nền kinh tế mới ở khu vực này. Trung Quốc thì đã thi hành các gói hỗ trợ quy mô lớn tương tự từ quý 2 năm 2020

Điều đáng lưu ý là về xu hướng mới trong lập trường chính sách. Vốn đã từng vất vả chống đỡ với giảm phát và suy thoái trong cả thời gian dài, các ngân hàng trung ương chủ chốt dường như sẵn sàng duy trì chính sách nới lỏng để hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục kể cả sau khi nền kinh tế đã đi sâu vào giai đoạn phục hồi. Thậm chí Fed còn cam kết duy trì chính sách nới lỏng kể cả sau khi lạm phát vượt trên mức mục tiêu 2% trong một thời gian sau đó

Những diễn tiến và xu hướng nói trên đem lại những hàm ý lớn cho Việt Nam. Trong bối cảnh nới lỏng và tiền rẻ tràn ngập trên toàn cầu trong một thời gian dài nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục có cơ hội tăng điểm với triển vọng dòng vốn nước ngoài tiếp tục đổ vào đây. Triển vọng này của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là một phần kết quả của việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rất có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của mình trong thời gian tới, nhất là khi các ngân hàng trung ương khác trên thế giới tiếp tục bơm tiền mạnh mẽ, gián tiếp dẫn đến sự tăng giá của tiền đồng nếu NHNN không có sự điều chỉnh tương ứng

Chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng và lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp sẽ tác động tới giá bất động sản ở Việt Nam theo hướng tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung bị hạn chế bởi nhiều lý do

Tuy vậy, đằng sau sự lạc quan trên là một số rủi ro lớn. Trước hết, điều vẫn chưa rõ ràng nếu vaccine sẽ hoàn toàn ngăn ngừa sự mắc và lây lan virus Covid-19 và các biến thể của nó. Nhiều nhà khoa học cảnh báo rằng vaccine không phải là liều thuốc vạn năng và lo ngại sự nới lỏng quá nhanh các biện pháp phong tỏa, kiểm soát dịch sẽ làm tăng vọt sự lây nhiễm virus trong các nhóm người chưa được tiêm chủng. Nếu điều này xảy ra, chu kỳ phục hồi kinh tế thế giới sẽ tiếp tục bị ngắt mạch bởi những đợt phong tỏa mới. Nhu cầu không phục hồi như kỳ vọng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, và do đó, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Rủi ro lớn khác là kỷ nguyên tiền rẻ tràn ngập thế giới sẽ không kéo dài đủ lâu bởi các quan điểm đối lập ở các nền kinh tế lớn. Ở Mỹ, một số nghị sĩ phe Cộng hòa đã kêu gọi thắt chặt lại chính sách tài khóa trước sự tăng phi mã của khối nợ nần ở Mỹ. Điều này sẽ cản trở chương trình kích thích 1,9 nghìn tỷ USD của ông Biden. Ở châu Âu, từ Ý đến Đức đã có những lời kêu gọi tương tự nhắm đến nhanh chóng giảm thâm hụt ngân sách trong khu vực. Còn Trung Quốc thì phải đối mặt với các bất cân đối nghiêm trọng trong nền kinh tế trong dài hạn nên sẽ sớm phải thi hành các biện pháp tái cân bằng gồm giảm chi tiêu công, giảm nợ

Ngoài ra, lạm phát có thể là một điều được hoan nghênh ở nhiều nước sau nhiều năm phải chật vật đối phó với giảm phát. Nhưng lạm phát đối với NHNN là một trong những rủi ro vĩ mô chính. Do vậy, nếu lạm phát thế giới có xu hướng tăng, tác động quá lớn lên lạm phát trong nước, điều này sẽ buộc NHNN phải thi hành một chính sách tiền tệ thận trọng hơn, dù có thể đi ngược lại trào lưu chung của thế giới. Do vậy, biến số lạm phát trong nước luôn cần được dự đoán, phân tích khi muốn biết đường hướng của chính sách tiền tệ và lãi suất ở Việt Nam

TS. Phan Minh Ngọc
 
Cuộc chuyển giao tài sản lớn nhất lịch sử Mỹ đã bắt đầu

Hàng nghìn tỷ USD từ thế hệ baby boomer sẽ đến tay những người thừa kế ở Mỹ trong một cuộc chuyển giao tài sản lớn nhất lịch sử nước này, khắc sâu thêm tình trạng bất bình đẳng

Cuộc chuyển giao của cải giữa các thế hệ đang diễn ra ở Mỹ, và nó sẽ lấn át những lần chuyển giao trước đó, New York Times nhận định

Trong số 73 triệu người thuộc thế hệ baby boomer, những người trẻ nhất đang bước sang tuổi 60, trong khi những người già nhất thế hệ này đã gần 80

Sinh ra vào giữa thế kỷ XX tại Mỹ, thời điểm sự gia tăng tỷ lệ sinh diễn ra cùng lúc với sự phát triển vượt bậc sau thời kỳ suy thoái và Thế chiến II, những người thuộc thế hệ boomer đang dần qua đời với số lượng lớn hơn

Hầu hết trong số họ sẽ để lại hàng nghìn USD, một ngôi nhà hoặc không nhiều của cải. Nhưng những người khác đang để lại cho người thừa kế của họ hàng trăm nghìn, hàng triệu hoặc hàng tỷ USD dưới nhiều loại tài sản khác nhau

Năm 1989, nếu tính đến lạm phát, tổng tài sản gia đình ở Mỹ là khoảng 38.000 tỷ USD. Đến năm 2022, khối tài sản đó đã tăng gấp ba lần, đạt 140.000 tỷ USD

Trong số 84.000 tỷ USD dự kiến được chuyển từ những người Mỹ lớn tuổi sang những người thừa kế Gen Y và Gen X cho đến năm 2045, 16.000 tỷ USD sẽ được chuyển giao trong thập kỷ tới

Hưởng lợi từ bất động sản và cổ phiếu

Ngày càng có nhiều người thừa kế không cần đợi đến khi những người đi trước qua đời mới được hưởng lợi trực tiếp từ tiền của gia đình, do xu hướng “cho đi khi còn sống” ngày càng phổ biến

Douglas Boneparth, cố vấn tài chính của công ty New York phục vụ cho thế hệ millenials giàu có, cho biết: “Đó không còn là ‘hiện tượng sắp xảy ra’. Đó chính là những gì đang diễn ra ngày nay"


chuyen giao tai san anh 2

Thế hệ baby boomber được hưởng lợi từ việc bất động sản và chứng khoán tăng giá

10% hộ gia đình giàu có nhất sẽ chuyển giao phần lớn của cải. Trong số đó, 1% giàu nhất - nắm giữ của cải tương đương 90% còn lại và chủ yếu là người da trắng - sẽ quyết định phần lớn nhất của dòng tiền. 50% hộ gia đình nghèo nhất sẽ chỉ chiếm 8% giao dịch chuyển nhượng tài sản

Lý do chính khiến những khoản tiền sắp được thừa kế lớn đến vậy là cách thế hệ boomer được hưởng lợi lớn từ đà tăng trên thị trường tài chính và nhà ở

Giá trung bình của một ngôi nhà ở Mỹ đã tăng khoảng 500% kể từ năm 1983, thời điểm hầu hết người thuộc thế hệ baby boomer đang ở độ tuổi 20 và 30 - những năm lý tưởng để lập gia đình

Khi các công ty Mỹ phát triển thành những gã khổng lồ toàn cầu, những người đầu tư mạnh vào thị trường chứng khoán thậm chí còn thu được lợi nhuận lớn hơn. Từ đầu năm 1983, thị trường chứng khoán đã tăng hơn 2.800%

Baby boomer là thuật ngữ dùng để mô tả những người sinh trong giai đoạn 1946-1964, thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh sau Thế chiến II. Trong khi đó, thế hệ thiên niên kỷ (thế hệ millennial hay Gen Y) là những người sinh ra từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990

Gen X là thế hệ nằm giữa thế hệ baby boomer và Gen Y, sinh trong giai đoạn 1965-1980

Thế hệ "bánh mì kẹp"

Tuy nhiên, việc chuyển giao của cải, giống với bất kỳ hiện tượng tài chính nào, sẽ có nhiều khía cạnh

Nhóm người có thu nhập thấp hơn có thể chuyển đến ngôi nhà đã được cha mẹ trả hết nợ trong một thị trường nhà đất nóng - hoặc chỉ có thể nhận được một khoản tiền nhỏ vừa đủ trả nợ

Nhiều người thuộc thế hệ millennials, Gen X và những người trẻ thuộc tầng lớp thượng trung lưu, dù được hưởng thừa kế, cũng sẽ phải vật lộn với những cơn đau đầu của “thế hệ bánh mì kẹp”. Họ sẽ cùng lúc phải đối phó với chi phí chăm sóc cha mẹ già và trẻ em

Theo New York Times, nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thị trường tài chính, thị trường lao động và chính trị chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc chuyển giao tài sản này

Jennifer Doherty, nhà báo 33 tuổi, sống ở thành phố Union cùng chồng con. Mặc dù cô đã lên kế hoạch tự lo cho cuộc sống của mình, cô vẫn muốn có cơ hội sống thoải mái với tài sản thừa kế từ người ông

Tuy nhiên, cha cô đã phải sử dụng ngân sách gia đình nhiều hơn dự tính để chi trả phí y tế và duy trì lối sống. Do vậy, cô Doherty đã từ bỏ kỳ vọng mình sẽ nhận được khối tài sản thừa kế lớn

Vào tháng 9/2022, mặc dù lãi suất thế chấp cao hơn, cô và chồng vẫn có thể mua căn hộ chung cư ở thành phố Union. Tại đây, giá nhà trung bình dao động ở mức gần 500.000 USD, tăng khoảng 50% kể từ hè năm 2020

Hai vợ chồng chia sẻ họ cảm thấy hơi áp lực khi nằm trong “thế hệ bánh mì kẹp”. Cô Doherty gần đây thường phải đi lại giữa New Jersey và New Orleans “khoảng một tháng một lần” để chăm sóc người mẹ 74 tuổi, người bắt đầu điều trị ung thư tuyến tụy vào tháng 3

Hồi tháng 2, giá vé máy bay tăng 26,5% so với một năm trước đó, trong khi chi phí thuê người chăm sóc là 1.800 USD/tháng. "Tôi không biết làm thế nào mọi người làm điều đó. Có vẻ như bạn phải giàu có hoặc thực sự may mắn”, cô nói thêm


chuyen giao tai san anh 3

Jennifer Doherty đang cảm thấy áp lực khi vừa chăm sóc con nhỏ lẫn mẹ già

Khi quá trình chuyển giao của cải diễn ra, các học giả và giới phân tích cho rằng nó sẽ khiến bất bình đẳng ngày càng trở thành trọng tâm của các cuộc tranh luận chính sách

Joseph Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn RSM, cho rằng những thay đổi sẽ đến, nhưng chỉ khi nhóm người lao động được trả lương cao không còn đủ khả năng chi trả cho gia đình, nhà ở, chăm sóc người già và giải trí

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang hy vọng đẩy nhanh tiến độ của các chính sách công có liên quan đến việc giải quyết bất bình đẳng giàu nghèo

Khoản ngân sách mới nhất được ông công bố đề xuất việc dùng doanh thu từ thuế tài sản hàng năm để bù đắp phần lớn chi tiêu cho các chương trình xã hội. Mức thuế tài sản dự kiến là tối thiểu 25% đối với các hộ gia đình có giá trị ròng từ 100 triệu USD trở lên

David Kelly, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management, cảnh báo vấn đề không phải chỉ đơn thuần là đánh thuế tài sản của nhóm giàu nhất và chia nó cho những người khác, đặc biệt là vì thuế tài sản có thể bị tòa án coi là vi hiến

Ông Kelly và nhiều người khác nhận định rằng mặc dù khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng có thể là điều không thể tránh khỏi, vẫn có thể tìm ra những cách thức sáng tạo hoặc tiết kiệm chi phí để nâng cao mức sống cơ bản

“Câu hỏi thực sự không phải là ‘tại sao người giàu lại giàu’ hay phải làm gì với điều đó. Đó là câu hỏi ‘tại sao người nghèo lại nghèo’ và phải làm gì với điều đó”, ông nhận định
 
Quỹ hưu trí và các trường đại học Mỹ thoái vốn khỏi Trung Quốc

Các quỹ hưu trí công và các trường đại học của Mỹ đang đối mặt với áp lực phải thoái nhiều tỉ đô la vốn khỏi thị trường Trung Quốc trong bối cảnh cuộc đối đầu Mỹ – Trung ngày càng dâng cao

TexasStateCapitol.jpg

Tòa nhà Texas State Capitol, nơi đặt trụ sở Quốc hội và văn phòng Thống đốc bang Texas. Quỹ hưu trí của nhân viên ngành giáo dục công bang Texas (TRTS) đã cắt giảm một nửa phân bổ vốn vào thị trường Trung Quốc chỉ còn 1,5% trong tổng tài sản 200 tỉ đô la của quỹ

Luật liên bang và các tiểu bang đều có các quy định về việc không được sử dụng nguồn tài chính công để đầu tư vào Trung Quốc do các lo ngại về an ninh quốc gia. Giới lãnh đạo các quỹ và chính trị gia đều có chung một câu hỏi rằng liệu đồng đô la Mỹ có nên đến một quốc gia mà Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ xem là đối thủ cạnh tranh chiến lược hay không

Hồi tháng 5, một nhóm Thượng nghị sĩ do Marco Rubio thuộc Đảng Cộng hòa dẫn đầu đã giới thiệu lại luật cấm quỹ hưu trí của nhân viên chính phủ liên bang và quân nhân Thrift Savings Plan (TSP) đầu tư vào các công ty niêm yết, đặt trụ sở hoặc kiểm soát bởi Trung Quốc hoặc bất kỳ “quốc gia đáng quan ngại” nào khác. TSP là quỹ hưu trí lớn nhất ở Mỹ với tổng tài sản trị giá 892 tỉ đô la

Thượng nghị sỹ Rubio phát biểu khi công bố dự luật: “Quốc hội không thể ngồi yên và cho phép hội đồng quản trị TSP tài trợ cho sự trỗi dậy của Bắc Kinh với cái giá là sự thịnh vượng trong tương lai của nước Mỹ và lợi ích an ninh quốc gia”

Hệ thống hưu trí khu vực công của Mỹ nắm giữ khoảng 5.600 tỉ đô la, theo Public Plans Data – chương trình hợp tác của Trung tâm nghiên cứu hưu trí tại Đại học Boston và Viện Nghiên cứu MissionSquare. Trung bình 7% số tiền này được phân bổ cho cổ phiếu của các thị trường mới nổi

Các quỹ quyên tặng từ đóng góp cá nhân hay tổ chức cho các trường đại học vốn hưởng lợi lớn từ nguồn trợ dồi dào của công chúng và các ưu đãi về thuế của chính phủ. Nay, các quỹ này cũng phải đối mặt với sự giám sát với các dự án mà họ bỏ tiền vào

Năm ngoái, Hạ nghị sỹ Greg Murphy, đại điện của đảng Cộng Hòa cho khu vực Bắc Carolina, đã đưa ra một dự luật trừng phạt các quỹ thuộc các đại học có quy mô hơn 1 tỉ đô la mà có đầu tư hay tài trợ cho các công ty Trung Quốc có tên danh sách các thực thể bị trừng phạt của chính phủ Mỹ

Hồi tháng 4, Amnesty International USA đã đưa ra một báo cáo về 10 quỹ đầu tư lớn nhất của các trường đại học có bỏ vốn vào thị trường Trung Quốc. Amnesty International nói 7/10 quỹ trên bị tổ chức này xếp loại “không đạt” trong việc thẩm định đầy đủ về các vấn đề liên quan đến Tân Cương

Một số quỹ hưu trí đã đưa ra quyết định cắt giảm hoặc tạm dừng đầu tư vào Trung Quốc

Mùa thu năm ngoái, quỹ hưu trí của nhân viên ngành giáo dục công bang Texas (TRTS) đã quyết định cắt giảm 50% phân bổ vốn vào Trung Quốc, giảm khoản đầu tư vào Trung Quốc xuống còn khoảng 1,5% trong số tài sản gần 200 tỉ đô la. Lúc đó, Ủy ban chính sách của TRTS ra thông cáo rằng: “Việc thay đổi tỷ lệ phân bổ giúp cải thiện chính sách đa dạng hóa danh mục đầu tư và phân bổ tài sản rộng hơn của TRTS”

Trong tháng 7 này, Đại học Chicago và Quỹ Robert Woods Johnson (RWJF), một tổ chức từ thiện lớn về y tế công, sẽ tạm dừng các khoản đầu tư mới của Trung Quốc, tạp chí kinh doanh và công nghệ The Information đưa tin

CalSTRS, quỹ hưu trí giáo dục công cộng của California và là một trong những quỹ lớn nhất ở Mỹ, đang trong quá trình chọn người quản lý mới cho quỹ đầu tư chứng khoán Trung Quốc. CalSTRS đang xem xét lại chiến lược đầu tư vào Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2022, quỹ nào đã đầu tư khoảng 3,7 tỉ đô la vào Trung Quốc

Không chỉ các quỹ hưu trí Mỹ đang giảm đà đầu tư vào Trung Quốc

Hồi tháng 6-2023, theo Financial Times, Caisse de depot et place du Quebec (CDPQ), một trong những quỹ lương hưu lớn nhất ở Canada với giá trị tài sản 300 tỉ đô la, sẽ tạm dừng các giao dịch tại Trung Quốc. Quỹ này cũng sẽ đóng cửa văn phòng tại Thượng Hải trong năm nay

Vụ thoái lui của CDPQ diễn ra sau khi Quỹ hưu trí giáo dục Ontario trị giá 182 tỉ đô la xóa sổ nhóm đầu tư cá nhân tại Hồng Kông vào tháng 4. Trước đó, Quỹ quản lý đầu tư British Columbia trị giá 158 tỉ đô la quyết định cắt giảm khoảng 15% tỷ lệ tiếp xúc với Trung Quốc trong bối cảnh đối đầu giữa Ottawa và Bắc Kinh ngày càng gia tăng

Cả ba quỹ đều trích dẫn rủi ro địa chính trị gia tăng do căng thẳng Mỹ – Trung, cũng như chiến dịch “Thịnh vượng chung” đang được cổ súy tại Trung Quốc
 
Top