What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

OBAMA GROUP

LOBBY.VN

Administrator
Tổng thống Obama
Đầu tư vào khoa học và công nghệ sẽ mang tới nhiều công ăn việc làm

Chính quyền của ông Obama đã đầu tư hơn 1 tỉ đô la cho các chương trình nghiên cứu khoa học, những dự án cần thiết cho sự nghiệp phát triển và bảo vệ đời sống người dân Mỹ

075515_tai-xuong-2-.jpg

Tổng thống Barack Obama khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ
Trong bài phát biểu hàng tuần ngày 15/10, Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh “đầu tư vào khoa học và công nghệ sẽ mang tới cho đất nước thêm nhiều công ăn việc làm và những ngành công nghiệp mới”

Ông Obama nói rằng sự sáng tạo nằm trong ADN của mỗi người dân Mỹ, và họ cần điều đó hơn bao giờ hết để có thể giải quyết các vấn đề đang phải đối mặt

Tổng thống Obama phê bình những ai thờ ơ trước các thực tế khoa học, cho rằng họ là những người lạc hậu khi tuyên bố biến đối khí hậu là hoang đường

Thêm vào đó, những người đó còn ra sức làm mọi cách để cắt giảm ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển - lĩnh vực đã mang đến cho nước Mỹ những công nghệ đột phá như GPS (hệ thống định vị toàn cầu), MRIs (chụp cộng hưởng từ), hay tạo ra Siri (tính năng điều khiển/ra mệnh lệnh bằng giọng nói) cho điện thoại thông minh

Tổng thống Obama phát biểu: ”Chỉ có khoa học mới có thể chữa lành bệnh tật, cứu hành tinh duy nhất nơi chúng ta sinh sống, bảo đảm những lợi thế cạnh tranh mà Hoa Kỳ có được với tư cách là nền kinh tế có tính sáng tạo hàng đầu thế giới”

Obama
 
Obama - Tổng thống công nghệ đích thực
Không chỉ là tín đồ của công nghệ, ông Obama còn có những chính sách và sáng kiến đưa Mỹ trở thành cường quốc về công nghệ

Obama là vị tổng thống Mỹ đầu tiên coi công nghệ thông tin là động lực chính cho cuộc sống phồn thịnh và giúp phát triển xã hội tốt hơn

Trở thành tổng thống Mỹ nhờ sức mạnh số

Không nhiều người biết rằng ông Obama là tổng thống kỹ thuật số đầu tiên của Hoa Kỳ. Năm 2008, chiến dịch tranh cử của ông thành công chủ yếu dựa vào mạng xã hội

Thành công đó có một phần đóng góp của sáng lập Facebook, Chris Hughes, người "kết" chiến dịch vận động tranh cử của thượng nghị sĩ bang Illinois tới mức đã quyết định rời Facebook, khi đó chỉ là một công ty khởi nghiệp non nớt, để toàn tâm toàn ý hỗ trợ cho vị tổng thống đương nhiệm hiện nay

Ấn tượng với những thành quả do CNTT mang lại, sau khi trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, ông Obama đã bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng liên quan tới công nghệ

Những chức vụ này bao gồm: giám đốc công nghệ, trưởng khoa học gia về dữ liệu, và giám đốc hoạt động (liên quan tới công nghệ)

Obama từng tham gia nhiều chương trình hỏi-đáp trên Reddit, tiết lộ danh sách các bài hát ông yêu thích trên Spotify và sử dụng mạng xã hội Twitter rất thường xuyên. Ông thậm chí còn bông đùa Bill Clinton trên mạng xã hội

Ông Obama từng có mối liên kết chặt chẽ và sâu đậm với các nhân vật cốt cán của Silicon Valley, trong đó có Steve Jobs, Bill Gates và Mark Zuckerberg. Điều này là dễ hiểu bởi hơn ai hết, ông hiểu rõ sức mạnh công nghệ và những thay đổi to lớn mà chúng có thể mang lại

Tuy vậy, cũng có những cú "phốt" lớn, chẳng trang HealthCare.gov, vốn ngốn hơn 600 triệu USD tiền xây dựng, đã bị treo cứng ngay sau khi đưa vào vận hành. Sự cố này được cho là trục trặc kỹ thuật

Và ngay cả khi chính quyền Mỹ gây sức ép lên các công ty Silicon Valley buộc họ phải ủng hộ chính sách về an ninh mạng thì ông Obama, với vai trò chủ Nhà Trắng, vẫn giành được sự cảm thông của giới công nghệ

Liên tục đưa ra chính sách thúc đẩy công nghệ

Chính quyền của ông Obama thường xuyên có những chính sách làm hài lòng người yêu công nghệ, chẳng hạn chính sách mở rộng băng rộng và tự do chia sẻ trên web

Vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ cũng là người đưa ra nhiều sáng kiến thúc đẩy doanh nghiệp trẻ toàn cầu mà phần lớn trong số này có liên quan tới công nghệ

Obama cũng rất biết cách tận dụng mối quan hệ với giới công nghệ để làm ngoại giao. Năm ngoái, ông đã mời Brian Chesky, giám đốc điều hành Airbnb, tháp tùng ông sang thăm Cuba trong nỗ lực xây dựng các công ty khởi nghiệp có giá trị

Chính quyền Obama coi Internet là trọng tâm trong các hoạt động ngoại giao trên khắp thế giới, và nỗ lực tạo nên các sáng kiến nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng tận dụng Internet

Nổi bật trong số đó là Sáng kiến Kết nối Toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ. Sáng kiến này tập trung khuyến khích các quốc gia ưu tiên cho kết nối Internet trong các kế hoạch phát triển của mình, đồng thời thúc đẩy phổ cập số hoá và hỗ trợ sự phát triển của công nghệ cũng như quan tâm đến môi trường pháp lý

Ngoài ra, chính quyền Obama còn nỗ lực thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch ở châu Phi, bao gồm các chương trình cung cấp nguồn vốn cho các công ty trẻ mong muốn nhận sự hỗ trợ từ các người khổng lồ công nghệ như Zuckerberg, Bill Gates và Paul Allen

Mới tháng trước, Nhà Trắng tổ chức festival "South by Southwest", sự kiện thường niên quy mô lớn dành cho giới công nghệ và âm nhạc. Năm nay, ông Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama là diễn giả chính của sự kiện

Thông qua festival này, ông Obama muốn nhấn mạnh công nghệ không phải là cái gì xa vời mà nó xuất hiện trong chính cuộc sống hàng này. Hình ảnh nước Mỹ được khơi dậy giống một công ty khởi nghiệp và công nghệ là ngành công nghiệp mũi nhọn, tràn đầy ước mơ với nhiều nhà sáng tạo nhiệt huyết

Thực tế, trong suốt nhiệm kỳ 8 năm qua của Obama, nước Mỹ chứng kiến sự phát triển vượt bậc về công nghệ. Một làn sóng Silicon Valley thứ hai đã diễn ra, nhiều công ty có giá trị hàng tỉ USD xuất hiện như Facebook, Uber, Snapchat, Palantir và Dropbox

Các công ty công nghệ lâu đời như Amazon, Apple và Google tiếp tục khẳng định vị thế của mình và gây dựng tầm ảnh hưởng khắp thế giới

Ngay cả khi ông Obama hết nhiệm kỳ thì có vẻ mối quan hệ giữa Washington và Silicon Valley vẫn tiếp tục nồng ấm

Facebook vừa âm thầm bàn với Nhà Trắng kế hoạch triển khai ứng dụng tranh cãi có tên Free Basics. Về cơ bản, Free Basics nghe rất tuyệt: hứa hẹn internet di động miễn phí cho người thu nhật thấp

Tuy nhiên, chỉ có Facebook và những dịch vụ được Facebook cho phép mới được xuất hiện qua ứng dụng này. Ngoài ra, ứng dụng sẽ thu thập dữ liệu người dùng và đây chính là điểm gây tranh cãi nhiều nhất

Tín đồ công nghệ

Ông Obama được coi là tín đồ nổi tiếng của công nghệ. Điển hình là việc ông tranh đấu để giành quyền sử dụng chiếc điện thoại BlackBerry. Hai trong số những chiếc điện thoại BlackBerry mà ông sử dụng là BlackBerry Curve 8300 và BlackBerry Curve 8900

Tất nhiên, chiếc BlackBerry của ông Obama không phải hàng thông thường. Nó là "hàng thửa" được trang bị khả năng bảo mật và mã hóa cao nhất

Có thể bắt gặp hình ảnh ông Obama dùng BlackBerry tại những nơi trang trọng như Nhà Trắng, trên chuyên cơ Air Force One, trong chiếc Quái thú (The Beast) nổi tiếng, thậm chí cả trong các chuyến công du nước ngoài

Ông Obama còn sử dụng chiếc iPad 3 (màn hình Retina) đặt trên chiếc bàn gỗ nổi tiếng Resolute ở phòng Bầu dục. Tổng thống được biết đến như một người ưa thích trải nghiệm các nền tảng khác nhau, từ máy tính Mac, BlackBerry hay các đời iPad

Có vẻ Obama cũng là tín đồ của Quả táo. Ngoài chiếc iPad 3, ông còn dùng chiếc MacBook Pro (15-inch) khi họp với các cố vấn, trả lời câu hỏi trên diễn đàn Reddit hoặc đăng các đoạn tweet lên Twitter.

Ông Obama còn dùng hàng loạt các thiết bị công nghệ khác, trong đó có máy tính xách tay Dell Latitude E6420, HP Elitebook 6930p, và nhiều điện thoại có dây an toàn khác

Gia Nguyễn
 
Last edited:
Các tập đoàn đang trở thành trường đại học của tương lai
Andy Bird (Giám đốc điều hành Pearson) nhận định các tập đoàn có xu hướng kết hợp với tổ chức giáo dục online nhằm cung cấp chương trình đào tạo chuyên môn

Công ty Giáo dục toàn cầu Pearson từng là một "gã khổng lồ" về sách giáo khoa. Trong bối cảnh chuyển dịch về công nghệ giáo dục toàn cầu, công ty này đang chuyển hướng sang giáo dục trực tuyến và hỗ trợ các doanh nghiệp cấp chứng nhận cho người lao động, tương tự như Coursera và edX


Với các chương trình đào tạo trực tuyến đa dạng và sẵn có, sinh viên ngày nay có thể linh hoạt lựa chọn các chứng chỉ cần thiết cho nhu cầu phát triển bản thân mà không nhất thiết phải theo một chương trình đại học truyền thống. Ông Andy Bird cho biết: "Cách học của sinh viên ngày càng linh hoạt hơn, họ sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong tương lai"

Nhiều trường công lập và tư thục tại Mỹ đã có kinh nghiệm hoặc bắt đầu tham gia vào giáo dục trực tuyến. Trong đó, Đại học Arizona đã mua lại trường trực tuyến Ashford

Hơn hết, các chủ doanh nghiệp cũng "tập trung hơn rất nhiều vào loại hình học tập mà nhân viên của họ đang nhận được". Chính các nhà tuyển dụng đang cung cấp các chương trình chứng chỉ thay thế bằng đại học để đào tạo nhân viên

Gần đây, Amazon hợp tác với Lambda School, trường đào tạo trực tuyến kỹ thuật, và Học viện đào tạo lập trình Kenzie để tung ra một chương trình nâng cao kỹ năng giúp nhân viên trở thành kỹ sư phần mềm sau 9 tháng học trực tuyến. Amazon hướng tới mục tiêu nâng cấp đội ngũ nhân viên cho chính mình trong bối cảnh nhu cầu về vị trí chuyên gia khoa học máy tính ngày càng tăng. Ashley Rajagopal, lãnh đạo Học viện Kỹ thuật Amazon, đơn vị triển khai chương trình cho biết: "Chúng tôi chủ ý phát triển chương trình và cách giảng dạy riêng để có thể tiếp cận những người không có cơ hội theo đuổi bằng đại học về kỹ thuật phần mềm"


Bên cạnh đó, Coursera cũng đã phát triển một chương trình để giúp một số sinh viên kiếm chứng chỉ chuyên môn từ Google (GOOGL) và các cơ quan chính phủ Mỹ

"Các công ty giáo dục trực tuyến sẽ có được cơ hội lớn từ những thay đổi này", ông Andy Bird nhận định. Không chỉ đánh giá được lực lượng lao động, từ nhu cầu này, các công ty giáo dục còn có thể tạo ra chương trình học dành riêng cho các tập đoàn để đảm bảo rằng nhân viên có được hình thức học tập, nâng cao kỹ năng cần thiết

Giám đốc điều hành của Pearson nói thêm: "Trong thời kỳ đại dịch, các tập đoàn đang trở thành những trường đại học mới của tương lai theo nhiều cách. Tại đây, nhu cầu đào tạo kỹ năng và nâng cao năng lực cho lực lượng lao động đang dần trở nên phổ biến. Chúng tôi thấy một cơ hội rất lớn trong bối cảnh này"

Nguyên Chương
 
Nhà nước kiến tạo phát triển hay nhà nước khởi tạo
Các bằng chứng kinh tế gần đây chỉ ra rằng khi chính phủ của quốc gia nào chủ động hành động táo bạo giống như các doanh nhân khởi nghiệp, không phung phí chi tiêu công cho các nhu cầu ngắn hạn, ưu tiên nguồn vốn đầu tư công thích đáng cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, quốc gia đó sẽ đạt được tăng trưởng tốt hơn trong dài hạn. Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng, các chuyên gia cho rằng Chính phủ có thể tham khảo mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển của các nước Đông Bắc Á và Nhà nước khởi tạo của Mỹ

ToaDam,16Mar21_1(1).JPG


Vai trò của nhà nước trong phát triển kinh tế, mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, giữa nhà nước với khu vực doanh nghiệp là trọng tâm thảo luận trong cuộc toạ đàm "Từ Chính phủ Kiến tạo đến Nhà nước Khởi tạo: Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế 4.0" do Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) tổ chức. Toạ đàm bàn luận mở rộng từ cuốn sách "Nhà nước Khởi tạo: Giải những huyền thoại về vai trò của Nhà nước và khu vực tư nhân" của Giáo sư Mariana Mazzucato (Đại học Tổng hợp London) đã thu hút sự chú ý rộng rãi của giới chuyên gia, báo chí và dư luận quan tâm

Nhà nước nhúng mình vào thị trường nhưng phải giữ được sự độc lập

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nguyên thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính Phủ, nêu quan điểm mô hình Nhà nước Kiến tạo Phát triển có thể là một lựa chọn phù hợp cho Việt Nam. Đặc trưng của mô hình này là nhà nước có chương trình công nghiệp hoá tham vọng và can thiệp mạnh mẽ vào thị trường để thúc đẩy chương trình đó. Như vậy, đặc trưng của nó là nằm giữa hai mô hình: nhà nước kế hoạch hoá tập trung của các nước xã hội chủ nghĩa và nhà nước điều chỉnh (mô hình Anh – Mỹ), theo đó nhà nước chỉ can thiệp khi thị trường thất bại

Theo ông, nhìn vào lịch sử phát triển của tất cả các nền kinh tế Đông Bắc Á theo mô hình Nhà nước Kiến tạo Phát triển hoặc các nền kinh tế có văn hoá Đông Bắc Á theo mô hình Nhà nước Kiến tạo Phát triển đều đã phát triển thành công "hoá rồng" như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và mới đây là Trung Quốc đang trên đường "hoá rồng"

ToaDam,16Mar21_2.jpg

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa lựa chọn rõ ràng dứt khoát đi theo mô hình này, mặc dù những đổi mới bước đầu theo hướng mô hình Nhà nước Kiến tạo Phát triển thực chất đã manh nha. Một trong những cơ sở của quan điểm này đó là Việt Nam có nền văn hóa dù đứt gãy nhưng tương đồng với các "con rồng, con hổ" châu Á

"Một trong những lý do Nhà nước Kiến tạo Phát triển của các nền kinh tế Đông Bắc Á có thể thúc đẩy phát triển là vì nó có một nền hành chính công vụ tinh hoa. Nền hành chính công vụ tinh hoa bắt đầu từ truyền thống khoa bảng, thi tuyển người tài. Công chức của nền hành chính này đặt trọng văn hoá liêm sỉ là cơ sở quan trọng cho sự thành công của bộ máy hành chính công. Đây là một nền tảng rất quan trọng" – theo ông Nguyễn Sĩ Dũng

Chia sẻ với quan điểm trên, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nhấn mạnh một đặc điểm quan trọng của nhà nước kiến tạo phát triển là "embedded autonomy", nghĩa là một mặt nhà nước phải nhúng mình vào thị trường, gắn bó với doanh nghiệp để thực sự hiểu doanh nghiệp, hiểu thị trường mới có những chính sách đúng đắn; nhưng mặt khác nhà nước phải giữ được sự độc lập. Nếu không, nhà nước có nguy cơ bị chi phối, bị thao túng và trở nên tham nhũng. Đấy là ranh giới mong manh khi định hình về vai trò của Nhà nước

ToaDam,16Mar21_3.jpg

"Các nước Đông Á theo mô hình này thành công bởi Nhà nước hiểu biết thị trường nhưng vẫn giữ được độc lập, liêm chính và trọng dụng nhân tài, nhờ đó kiến tạo được những chính sách khai phóng, tạo ra năng lượng cho đất nước phát triển" – Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nói thêm

Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho các chiến lược và chương trình công nghiệp hoá của Việt Nam trước đây, từ xi măng lò đứng đến thép lò cao, từ một triệu tấn mía đường đến Vinashin nhìn chung đều thất bại. "Nhà nước và cả hệ thống chính trị chỉ duy trì sự gần gũi với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chứ không hiểu biết thực sự về thị trường và cách thức vận hành của doanh nghiệp. Đồng thời, nhà nước cũng không giữ được sự độc lập với doanh nghiệp," Tiến sĩ Tự Anh giải thích

Mặc dù mô hình nhà nước kiến tạo phát triển được xem như một lựa chọn phù hợp cho Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cũng lưu ý rằng bối cảnh của những năm 1960 đến 1980 của thế kỉ trước cho phép các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore có thể công khai bảo hộ các ngành công nghiệp nội địa một cách dễ dàng. Nhưng hiện tại, Việt Nam đã gia nhập WTO, CP-TPP, EVFTA, RCEP và các Hiệp định Thương mại Tự do song phương nên chúng ta không thể sử dụng các công cụ bảo hộ mà các nước Đông Bắc Á đã có trong giai đoạn trước

ToaDam,16Mar21_4.jpg

"Bối cảnh nền công nghiệp mới này thay đổi rất nhanh và linh hoạt, nếu chính phủ không có tầm nhìn xa thì luôn ở phía sau. Do đó, Nhà nước phải có tầm nhìn và sự linh hoạt, không được phép duy ý chí trong việc sử dụng sức mạnh và nguồn lực của mình trong chiến lược công nghiệp", Tiến sĩ Tự Anh khuyến cáo

Iphone và vai trò khởi tạo của Chính phủ Mỹ

Trong bối cảnh nền công nghiệp mới này, Việt Nam có thể tham khảo mô hình Nhà nước khởi tạo (Entreprneurial State). Theo Mazzucato, Nhà nước Khởi tạo là Nhà nước chủ động đi đầu không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo công nghệ mới mà còn tạo ra thị trường mới, từ đó dẫn dắt khu vực tư nhân đi theo. Chọn Mỹ, quốc gia được xem là nước tư bản chủ nghĩa điển hình trong đó vai trò chủ đạo là doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong nền kinh tế thị trường, và nhà nước chỉ đóng vai trò ổn định vĩ mô và điều chỉnh, bổ sung khi thị trường thất bại, Giáo sư Mazzucato đã chứng minh rằng nhà nước Mỹ đã có một vai trò khởi nghiệp, sáng tạo, cách tân, chịu đựng rủi ro, nghĩa là có đủ các thuộc tính như một doanh nghiệp

"Trong hàng thập kỷ qua, Chính phủ Mỹ đã và đang triển khai các dự án đầu tư công lớn vào công nghệ và đổi mới sáng tạo, là tiền đề cho thành công kinh tế của Mỹ trong quá khứ và hiện tại. Từ Internet, công nghệ sinh học và khí đá phiến, chính phủ Mỹ đều đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo – họ thường đầu tư vào giai đoạn sơ khai nhất của quá trình đổi mới sáng tạo, cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này dựa hơi để tiếp tục phát triển.", Mazzucato nhấn mạnh

ToaDam,16Mar21_5.jpg

Nếu không có vai trò khởi tạo này của nhà nước thì Mỹ không có Thung lũng Silicon, không có iPhone và huyền thoại mang tên Apple. Sự thiên tài và "dại khờ" của Steve Jobs đã tạo ra những lợi nhuận và thành công khổng lồ, phần lớn là do Apple đã tận dụng tốt làn sóng đầu tư lớn của Nhà nước vào các công nghệ "cách mạng" làm nền tảng cho iPhone và iPad: Internet, GPS, màn hình cảm ứng và các công nghệ truyền thông. Nếu không có những công nghệ được tài trợ bởi Nhà nước này, sẽ không có làn sóng nào để mà Apple lướt một cách "dại khờ"

Chọn người thắng cuộc hay để thị trường tự quyết định?

Nối gót chính phủ Mỹ, các nước Trung Quốc, Nhật, Đức,... ra sức đẩy mạnh đầu tư công vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) các công nghệ nguồn, công nghệ cơ bản mang tính cách mạng. Chẳng hạn, Trung Quốc là nước đi sau trong lĩnh vực công nghệ điện gió nhưng đến 2010 Trung Quốc đã nhanh chóng vượt qua Mỹ trở quốc gia sản xuất năng lượng gió lớn nhất thế giới, chỉ 5 năm sau khi nước này triển khai mạnh mẽ chương trình tài trợ cho các hoạt động R&D và các dự án bằng các khoản trợ cấp hoặc các điều khoản cho vay thuận lợi. Tương tự, chính phủ Trung Quốc đã chi hàng tỷ đô la khuyến khích phát triển tấm quang năng trong nước và từ đó vươn lên vị trí dẫn đầu

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng trong bối cảnh Việt Nam đang dịch chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, vai trò khởi tạo của nhà nước như Mỹ, Trung Quốc...là những gợi ý chính sách đáng tham khảo. Theo đó, nhà nước có thể chủ động đứng ra đầu tư vào những nghiên cứu cơ bản đòi hỏi thời gian lâu, rủi ro lớn, cường độ vốn cao. Tuy nhiên, đối với những nghiên cứu mang tính ứng dụng, tức là có yếu tố thương mại thì tự doanh nghiệp có động lực làm và làm tốt hơn nhà nước

"Vấn đề của Việt Nam là khi nhà nước có vai trò thì lại thường đẩy vai trò đó lên quá mức. Ví dụ như nhà nước có thể có vai trò tài trợ cho các dự án nghiên cứu, nhưng nhà nước có nên trở thành người thực hiện các nghiên cứu này hay không lại là một dấu hỏi lớn về tính hiệu quả", Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nêu quan điểm

Chuyên gia tư vấn kinh tế của Thủ tướng chỉ ra một thực trạng ở Việt Nam, nhà nước thường ôm hết từ A đến Z. Lấy dẫn chứng câu chuyện của Vinashin được tập trung đầu tư và ưu đãi "khủng" của nhà nước với tham vọng xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu ở Việt Nam, nhưng cuối cùng thất bại vì "cái gì nhà nước cũng ôm hết, kể từ khâu làm que hàn"

"Nhưng kết cục là đến que hàn chúng ta cũng phải nhập, chứ chưa nói đến những thiết bị cơ bản của một con tàu như động cơ, vỏ tàu hay hệ thống định hướng,.. gần như nhập khẩu nguyên chiếc. Nếu mở ra, giao bớt cho tư nhân làm thì có thể Việt Nam đã có cơ hội", Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh tiếc nuối

ToaDam,16Mar21_6.jpg

Bởi vậy, theo Tiến sĩ Tự Anh, Chính phủ có thể thực hiện vai trò tài trợ nhưng nhất thiết phải thông qua cơ chế cạnh tranh. Ví dụ, các công ty, các nhà khoa học và các phòng thí nghiệm cùng cạnh tranh để giành được khoản tài trợ từ nhà nước. Khoản tài trợ đó phải được thông qua bình duyệt độc lập bởi đội ngũ chuyên môn rất am hiểu

"Giống như một đàn ngựa trên thảo nguyên, phải để cho tất cả đều chạy, con ngựa nào mạnh nhất thì chiến thắng, thay vì cách làm lâu nay của Việt Nam là lựa chọn sẵn con thắng cuộc. Do đó, phải kết hợp vai trò của nhà nước với cơ chế cạnh tranh thị trường để sàng lọc khắc nghiệt thì mới có dự án, công trình thực sự hiệu quả. Nếu không sợ rằng với đội ngũ làm chính sách, công chức không đủ hiểu biết, không thực sự liêm chính, chịu thao túng của lợi ích tư nhân thì một khoản tiền ngân sách khổng lồ có thể đổ sông đổ biển", Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cảnh báo

Những cảnh báo của Tiến sĩ Tự Anh không hề xa lạ khi mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra danh sách 7 doanh nghiệp nhà nước lớn có tổng tài sản trên 20 nghìn tỷ như VNPT, Viettel, VCB, PVN...được tham gia Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, phát huy vai trò dẫn dắt mở đường. Theo Tiến sĩ Tự Anh, đây là điển hình của cách nghĩ và lối làm cũ "chọn sẵn người thắng cuộc" trong khi chiến lược công nghiệp hoá dựa vào các tập đoàn nhà nước, "những cú đấm thép" đã thất bại trong thập niên trước

Bắt đầu từ khung thử nghiệm thể chế

Là đồng sáng lập nhiều startup công nghệ đình đám ở Thung lũng Silicon (Mỹ) như Katango, OhmniLabs, Tiến sĩ Vũ Duy Thức (tốt nghiệp Đại học Stanford) cho rằng, vai trò khởi tạo của nhà nước trong đổi mới sáng tạo không nhất thiết phải là "nhà nước bỏ tiền ra đầu tư" mà có thể từ việc tạo ra các "policy sandbox" – khung thử nghiệm thể chế, cho phép một số công ty có thể thử nghiệm những công nghệ mới trong giới hạn cho phép trước khi triển khai ứng dụng rộng rãi

Tiến sĩ Thức lấy ví dụ Toyota được Chính phủ Nhật Bản cho phép xây dựng một thành phố mới trên diện tích 70 ha với khái niệm phòng thí nghiệm sống để đưa tất cả ứng dụng công nghệ mới vào, trong đó có xe tự lái. Toyota bỏ tiền ra triển khai thí nghiệm này với điều kiện khi thành công chính phủ sẽ có chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho Toyota triển khai những công nghệ này trên toàn quốc. Singapore cũng đang áp dụng mô hình tương tự với công nghệ xe tự lái hay blockchain

"Với các "sandbox" này, chính phủ cũng có cơ hội để thử và sai, để thất bại nhanh và học nhanh", Tiến sĩ Vũ Duy Thức bình luận

ToaDam,16Mar21_7.jpg

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng, nếu chính phủ đủ cởi mở thì có thể tạo ra những cơ chế mang tính thử nghiệm cho doanh nghiệp hay một địa phương, một vùng nào đó và nếu thành công có thể nhân rộng. Những thử nghiệm trước Đổi Mới 1986 như khoán hộ, phi hợp tác xã...xét về mặt nào đó chính là những "policy sandbox"

"Nhưng dù là thử nghiệm thì các sandbox này vẫn đặt trong tổng thể chung của hệ thống thể chế quốc gia. Bởi vậy, nhiều khả năng người được giao thực hiện sandbox phải chịu rủi ro lớn xuất phát từ độ vênh giữa hệ thống tổng thể và thể chế thử nghiệm. Do đó, phải có một cơ chế nào đó bảo vệ để họ dám làm", Tiến sĩ Tự Anh cảnh báo

Việt Lâm
 
Top