What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Cờ Vây Türkiye

LOBBY.VN

Administrator
Sự trỗi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ

Giữa lúc khu vực xảy ra nhiều bất ổn, Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng tận dụng cơ hội để tấn công vị trí của Ả Rập Xê Út và Iran

Trong chuyến thăm vào tuần này đến Ankara, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Jerzy Buzek nhận định Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò giữ vững sự ổn định của Trung Đông. Tờ Today’s Zaman dẫn lời ông Buzek cho rằng nước này đang tiên phong đề ra các biện pháp giải quyết bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi, mới đây nhất là ở Syria

Trước đó, Thủ tướng Thổ Recep Tayyip Erdogan được chính quyền mới và người dân Ai Cập chào đón như một người hùng trong chuyến công du đến Cairo. Việc ông Erdogan thời gian qua liên tục chỉ trích Israel về vấn đề các đoàn tàu cứu trợ cho Dải Gaza cũng khiến nhiều nước Ả Rập “đẹp lòng”. Giới quan sát nhận định Thổ Nhĩ Kỳ đang tận dụng rất tốt thời thế để phục vụ mục tiêu trở thành cường quốc khu vực, cạnh tranh ngày càng gay gắt với Ả Rập Xê Út và Iran
Khẳng định vai vế

Thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục gây áp lực mạnh lên Syria. Động thái này được cho là nhằm khẳng định tiếng nói tại khu vực và nằm trong chiến lược giành vai trò sắp xếp trật tự chính trị an ninh trong thời hậu chính biến. Ngày 25.11, Thủ tướng Erdogan gửi tối hậu thư cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad rằng ông này chỉ có một cơ hội cuối cùng là từ chức ngay, theo Reuters. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói với các phóng viên tại Istanbul: “Đây là cơ hội cuối cùng cho Syria”

Trước đó, Ankara liên tục đưa ra những thông điệp đanh thép yêu cầu Tổng thống al-Assad ra đi. Ngày 22.11, Thủ tướng Erdogan tuyên bố thẳng ông al-Assad phải từ chức “nếu không muốn đối mặt với cái chết”. Ông Erdogan còn chỉ trích tuyên bố của ông al-Assad nói sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Theo Thủ tướng Erdogan, “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để chống lại nhân dân của mình chẳng phải hành động anh hùng mà chỉ là sự hèn nhát”

Thực lực quân sự

Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO được đánh giá có tiềm lực mạnh cả về lục quân, không quân lẫn hải quân. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ có khoảng 612.000 binh sĩ thường trực và 429.000 quân dự bị. Ngân sách quân sự hằng năm vào khoảng 25 tỉ USD

Quân đội nước này có 4.246 xe tăng cùng hàng chục ngàn xe bọc thép và xe hậu cần, 7.574 súng pháo, 559 dàn phóng rocket. Thổ Nhĩ Kỳ được trang bị 1.940 máy bay gồm 874 trực thăng và 798 máy bay chiến đấu với nhiều dòng hiện đại do Mỹ cung cấp, cùng các loại máy bay khác. Hải quân có khoảng 265 tàu chiến gồm 16 tàu ngầm, 19 tàu hộ tống, 108 tàu tuần tra, 20 tàu phá mìn và 55 tàu đổ bộ cùng một số tàu hỗ trợ, theo Global Fire Power

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn bác bỏ khả năng sử dụng vũ lực nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy nước này sẵn sàng đi tiên phong trong việc can thiệp quân sự vào Syria. Ngày 22.11, kênh truyền hình địa phương CNN Turk đưa tin một số lãnh đạo cấp cao của quân đội Thổ đến thành phố phía nam Şanlıurfa, ngay sát biên giới với Syria, để kiểm tra tình hình. Trước đó, báo chí Thổ trích lời giới chức cấp cao nói Ankara có thể thiết lập vùng cấm bay “để bảo vệ thường dân”

Kịch bản này vốn đã được phương Tây sử dụng để hạ bệ chế độ của ông Muammar Gaddafi tại Libya. Ngày 22.11, tờ al-Rai của Kuwait đưa tin các nước Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ, với sự hậu thuẫn của Mỹ, đã hoàn tất lập kế hoạch đặt vùng cấm bay đối với Syria. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn cho phép khoảng 7.000 người đối lập Syria trú ẩn. Những người này được nhận định là thành phần nòng cốt để hình thành lực lượng nổi dậy đánh đổ Tổng thống al-Assad

Đến ngày 24.11, chỉ huy lực lượng đối lập Syria Riyadh al-Asaad, đang ở Thổ Nhĩ Kỳ, lên tiếng kêu gọi nước ngoài tiến hành không kích. Vì thế, giới quan sát tin rằng khả năng Ankara ra tay không phải không có

Cầu nối chiến lược

Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ luôn được đánh giá là một đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông và Bắc Phi. Thời gian qua, Mỹ nhiều lần ngó lơ để Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các chiến dịch tấn công nhằm vào lực lượng người Kurd ở phía bắc Iraq, theo Reuters

Washington còn thường xuyên hỗ trợ Ankara trong các hợp đồng bán vũ khí. Giữa tháng này, quốc hội Mỹ đã thông qua quyết định cho phép bán 3 máy bay trực thăng chiến đấu AH-1 Super Cobra cho Thổ Nhĩ Kỳ. Loại trực thăng này rất hiệu quả trong các chiến dịch tấn công du kích người Kurd đang đấu tranh đòi ly khai. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong danh sách hợp tác cùng Mỹ phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35. Nước này còn là một phần cốt yếu của vành đai an ninh mà Mỹ đang muốn thiết lập ở Trung Đông để kiềm chân và bao vây Iran sau khi hoàn toàn rút khỏi Iraq

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thành viên duy nhất của NATO nằm ngay giữa trục tiếp giáp các vùng nóng của thế giới: Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á. Vì thế, nước này có vai trò quan trọng trong kế hoạch gia tăng ảnh hưởng của NATO. Vị thế cầu nối chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ khiến một số đối thủ của phương Tây cũng muốn tranh thủ. Hồi tuần trước, Iran lên tiếng sẵn sàng giúp Thổ Nhĩ Kỳ phát triển công nghệ hạt nhân, nhưng sau đó Ankara đã từ chối. Nga cũng nhiều lần tỏ ý muốn đẩy mạnh quan hệ. Vì thế, việc Thổ Nhĩ Kỳ lĩnh ấn tiên phong tại Syria được xem là giải pháp an toàn nhất của phương Tây vì có thể hạn chế những lời chỉ trích

Phát triển không cần EU

Không chỉ tăng cường sức mạnh quân sự và vị thế chính trị, Thổ Nhĩ Kỳ cũng gây ấn tượng mạnh mẽ trong việc phát triển kinh tế. Theo tờ The Journal of Turkish Weekly, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng 9% trong năm 2010 và đạt 10% nửa đầu năm 2011

Ankara còn đang nổi lên như nhà sản xuất thép hàng đầu và được dự báo sẽ chiếm vị trí số 1 của ngành này tại châu Âu vào năm 2015. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Pháp hồi đầu tháng, Thủ tướng Erdogan tự hào rằng thâm hụt ngân sách của nước ông chỉ ở mức 1,7% so với GDP và nợ công chưa đến 40% GDP

Những con số này hiện đang là niềm ao ước của nhiều thành viên EU khi khu vực sử dụng đồng euro đang ngụp lặn trong khủng hoảng nợ công và thâm hụt ngân sách nghiêm trọng. Đây quả là điều trớ trêu cho EU vì bao lâu nay liên minh này luôn cao ngạo gây “khó dễ” trong việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ. Đến mãi gần đây, EU vẫn cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ chưa đủ điều kiện kinh tế xã hội để gia nhập khối

Bây giờ thì thời thế đã đổi thay. Việc chưa gia nhập EU giúp Thổ Nhĩ Kỳ miễn nhiễm với tác động của khủng hoảng và còn thẳng tiến trên đường phát triển kinh tế. Chính vì thế, Ankara cũng không còn ưu tiên cho việc gia nhập EU mà chính liên minh phải tìm cách tranh thủ nước này

Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ từng có quốc hiệu là đế quốc Ottoman trong khoảng từ cuối thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 20. Năm 1299, Nhà nước Ottoman chính thức ra đời và bắt đầu mở rộng lãnh thổ. Đầu tiên, đế quốc này bành trướng gần như khắp khu vực Địa Trung Hải và Balkan sau khi xâm lược nhiều vùng đất lân cận

Đế quốc Ottoman đạt đỉnh cao hùng mạnh trong khoảng thế kỷ 15 - 16 với lãnh thổ gồm hầu hết khu vực đông nam châu Âu, một phần châu Á và Bắc Phi. Vùng đất rộng lớn này giờ đây là lãnh thổ của khoảng 30 nước như: Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Bulgaria, Romania, Hungary, Slovenia, Croatia, Serbia, Syria... và một phần Nga

Kể từ giữa thế kỷ 16, đế quốc Ottoman dần rơi vào thời kỳ nhiều thăng trầm, suy yếu rồi phục hồi phần nào và sức mạnh từng bước giảm dần. Đến Thế chiến 1, đế quốc Ottoman đứng về phe Liên minh rồi sau đó bại trận và suy tàn dẫn đến tan rã vào năm 1923, mở đường cho CH Thổ Nhĩ Kỳ ra đời. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn vướng mắc ngoại giao với Armenia liên quan đến việc đế chế Ottoman bị cáo buộc đã sát hại 1,5 triệu người Armenia hồi Thế chiến 1

Sau một thời gian dài phải đứng dưới cái bóng của Ả Rập Xê Út và Iran do trải qua nhiều bất ổn và đảo chính, đến nay Thổ Nhĩ Kỳ lại tiến bước mạnh mẽ. Sự lớn mạnh này một phần nhờ Thủ tướng Erdogan đã củng cố được vị thế quyền lực và chế ngự được giới quân sự trong nước

Ngô Minh Trí
 
Last edited:
Giải mã sự thành công của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2011

Petrotimes - Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ là nước gặt hái được nhiều thành công nhất năm 2011 và sẽ có một vị trí với sức mạnh đáng kể trên trường quốc tế ?

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp, các quốc gia châu Âu oằn mình vì bão nợ thì Thổ Nhĩ Kỳ – đất nước nằm ở ngã tư đường, nơi gặp nhau của châu Á và châu Âu đang có những bước phát triển nhảy vọt ngoạn mục

Quy mô của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp 3 lần kể từ khi Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan lên cầm quyền (năm 2002) và khẳng định rõ quyết tâm cũng như tầm nhìn đến năm 2023 sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới – đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ

Sự lạc quan hiếm hoi trên bản đồ các quốc gia Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại trái ngược với bức tranh nghèo đói, lạm phát có khi lên tới 3 con số và đầy bất ổn chính trị trong quá khứ

Nền móng cho câu chuyện thành công của Thổ Nhĩ Kỳ là sự lãnh đạo mạnh mẽ của chính phủ. Trái ngược hoàn toàn với các nhà lãnh đạo châu Âu, những người đứng đầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cam kết theo đuổi cải cách và tập trung vào việc nắm bắt những cơ hội nảy sinh từ cuộc khủng hoảng hiện nay

Những yếu tố nào làm cho Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng quản lý những rủi ro trong giai đoạn hiện tại và tiếp tục khai thác thành công những cơ hội tiềm năng ?

Đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ gần như đã giải quyết được các xung đột sắc tộc, tôn giáo trong nội bộ quốc gia

Không giống các nước có cộng đồng Hồi giáo chiếm đa số khác, ở Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã có truyền thống tách biệt giữa tôn giáo và quốc gia. Thậm chí nhà nước không có bất kỳ hành động/hay khuyến khích tôn giáo, nhà nước giám sát tích cực những lĩnh vực tôn giáo

Hiến pháp cấm phân biệt giữa các tôn giáo và thực hiện điều này rất chặt chẽ. Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ công nhận tự do tôn giáo cho các cá nhân, và các cộng đồng tôn giáo nằm dưới sự bảo vệ của nhà nước, nhưng hiến pháp cũng quy định rõ rằng tôn giáo không được can thiệp vào quá trình chính trị, ví dụ thông qua cách thành lập một đảng phái tôn giáo

Không đảng phái nào được tuyên bố rằng mình được hình thành để đại diện cho một niềm tin tôn giáo. Tuy nhiên, những sự nhạy cảm tôn giáo nói chung thường được thể hiện thông qua các đảng bảo thủ

Đất nước giao thoa của những nền văn hóa Á – Âu, Đông – Tây, tôn giáo – thế tục đã biết phát huy sự phong phú và bề dày lịch sử văn hóa của mình. An ninh xã hội và các quy định của pháp luật đã trở thành các họa tiết trung tâm trong câu chuyện tôn giáo ở đây

Thứ hai, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã giành được sự ủng hộ và tin tưởng khi đưa ra những quyết định chính trị khó khăn

Nội các của Thủ tướng Erdogan đã bắt tay vào cải cách tài chính và tiền tệ đồng thời với việc tiến hành sửa đổi hiến pháp thông qua các cuộc trưng cầu dân ý sâu rộng

Là mẫu hình nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhưng ông Erdogan đã vượt qua các vấn đề kinh điển của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ bị “vây” bởi những “môn đệ” yếu thế hơn

Những nhân vật trong nội các của ông như Phó Thủ tướng Ali Babacan, Bộ trưởng các vấn đề EU và trưởng đoàn đàm phán gia nhập EU Egmen Bagis, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ahmet Davutoglu và Bộ trưởng Tài chính Mehmet Simsek đều là những tiếng nói có uy tín, trọng lượng và họ cùng chia sẻ quan điểm về những thách thức của Thổ Nhĩ Kỳ và tuân thủ phương hướng triển khai các chính sách cần phải thực hiện

Một điều rất đáng ghi nhận về sự “được lòng dân” của Đảng Công lý và Phát triển của Erdogan khi Đảng cầm quyền đã thiết lập được mối quan hệ sâu sắc với nhiều tầng lớp nhân dân trong nước. Qua đó, bộ máy điều hành nhận được sự ủng hộ, chia sẻ với các chính sách đang thực thi, huy động được những lá phiếu bầu cử và tìm được những tiếng nói đồng tình từ thế hệ trẻ

Thứ ba, giữa chính phủ và khu vực tư nhân đã thiết lập được mối quan hệ đối tác hữu cơ, mở ra một sự thay đổi sâu sắc trong việc hình thành và hoạt động của lĩnh vực kinh tế

Trong quá khứ, các tầng lớp doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào sự bảo trợ và bảo vệ của chính phủ. Nền kinh tế đóng của Thổ Nhĩ Kỳ đã là một hệ thống dễ bị khủng hoảng, nơi mà lạm phát định kỳ “quét” sạch tiết kiệm và khiến cho người nghèo phải hứng chịu thêm rất nhiều thiệt thòi

Các doanh nhân và các doanh nghiệp mới của Thổ Nhĩ Kỳ, ngược lại, là sản phẩm của cạnh tranh toàn cầu – một trường học rất khắc nghiệt và đang không ngừng cố gắng tạo dựng danh tiếng của mình ở nhiều mảng thị trường tại nhiều quốc gia. Tính linh hoạt mới của Thổ Nhĩ Kỳ đã được minh chứng rõ ràng trong hoạt động kinh doanh: quốc gia này đã định hướng lại nền kinh tế của mình để cạnh tranh toàn cầu

Thổ Nhĩ Kỳ với ngành công nghiệp của mình đã nổi lên như một nhân tố quan trọng với địa bàn hoạt động được mở rộng từ Nga đến Kurdistan (Iraq). Với sản phẩm được đa dạng hóa từ mệt may đến điện tử và công nghiệp quốc phòng, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang tập trung vào vào các thị trường mới nổi trên toàn thế giới

Chính phủ không ngồi để bình xét doanh nghiệp mà hỗ trợ quyền tự chủ của họ và hợp tác với họ, tạo điều kiện để họ mở rộng các cơ hội thị trường toàn cầu. Khu vực tư nhân lần lượt chấp nhận sự cần thiết của một môi trường pháp lý dự đoán được và được định hướng bởi chính phủ cũng như đòi hỏi đầu tư mạnh mẽ hơn nữa của nhà nước vào con người – nền tảng của cạnh tranh quốc gia. Thực tế, chưa khi nào Thổ Nhĩ Kỳ lại dành nhiều % trong ngân sách quốc gia của mình để ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ như bây giờ

Tính hợp pháp trong nước chính là nền tảng cho chính sách hoạt động ở nước ngoài – và Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng một vai trò ngày càng nổi bật trên trường quốc tế. Quốc gia này đã nói với một giọng nói đặc biệt về các vấn đề quốc tế khác nhau từ Afghanistan đến “mùa xuân Arab” và đến châu Âu, từ khủng hoảng tài chính đến quyền độc lập và được công nhận của Palestine hay nạn đói ở Somalia

Việc Thổ Nhĩ Kỳ liên kết với Liên đoàn Arab trong các phản ứng với cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Syria thông qua một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đã biểu hiện sự linh hoạt của Thổ Nhĩ Kỳ với sự thay đổi cục diện ở Trung Đông

Tiềm năng phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể bị đe dọa bởi những vấn đề cũ của nó. Căng thẳng giữa chính phủ và người Kurd, di sản của những căng thẳng gây chia rẽ giữa các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự, xung đột bị đóng băng tại Cyprus và Armenia, sự trì trệ ở châu Âu và sự không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu đều có thể đe dọa đến lợi ích quốc gia và khơi lên những mâu thuẫn nội tại. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã vượt qua được những trở ngại đã cản trở sự phát triển của mình trong quá khứ

Bằng cách trở thành một “người nằm ngoài” thế giới Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ về sự thành công thu được khi thực hiện ý chí chính trị và cam kết dân chủ. Và thực sự, đất nước cầu nối Âu – Á này đã trở thành một quốc gia thành công nhất trong năm 2011, được ghi nhận bởi những bứt phá về kinh tế, sự ổn định về xã hội, năng lực lãnh đạo của Chính phủ, sự cải thiện vị trí chính trị trên trường quốc tế và sự tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu

Phương Anh
 
Last edited:
Nhà lãnh đạo tài năng và khôn khéo

Petrotimes - Mặc dù không được Time lựa chọn là "Nhân vật của năm 2011" nhưng đương kim Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lại là người có công lớn trong việc đưa quốc gia này trở thành một "hiện tượng" tại Trung Đông và trên trường quốc tế…

Năm 1983, Erdogan gia nhập Đảng thịnh vượng Hồi giáo (RP) mới do vị Thủ tướng tương lai Necmettin Erbakan sáng lập và được giao phụ trách chi nhánh tại Stambul. Khi mọi cấm đoán “chính trị hóa tôn giáo” được dỡ bỏ, Erdogan được bầu làm Thị trưởng Stambul

Một năm sau, đến lượt Erbakan trở thành Thủ tướng, sau khi RP giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội. Như cá gặp nước, cả hai cấp chính quyền mới tại trung ương và thành phố đã rất nỗ lực tuyên truyền các giá trị của đạo Hồi

Trong nước, các linh mục Hồi giáo có dịp củng cố ảnh hưởng của mình. Còn trên diễn đàn quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu gần gũi hơn với Iran và các quốc gia Hồi giáo khác, rời xa dần ảnh hưởng của phương Tây

Sự thay đổi chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia từ nhiều năm đã nằm trong NATO và được coi là hình mẫu của con đường phát triển phi tôn giáo, đã khiến cho nhiều thế lực có ảnh hưởng lâu năm tại Thổ Nhĩ Kỳ không thể chấp nhận. Năm 1997, cuộc đảo chính quân sự tiếp theo nổ ra tại Thổ Nhĩ Kỳ

Đảng RP bị cấm hoạt động, còn Erbakan mất ghế thủ tướng. Erdogan không những bị tước chiếc ghế thị trưởng, mà còn bị tống vào tù trong 4 tháng. Những biến cố này dường như đã làm “mềm hóa” tư tưởng tôn giáo của Erdogan. Năm 2001, ông tham gia vào quá trình thành lập một đảng Hồi giáo mới với quan điểm ôn hòa hơn. Nhưng rồi đảng này cũng bị cấm hoạt động

Như một sự sắp đặt của số phận, tên tuổi của Erdogan có dịp được biết đến rộng rãi ở nước ngoài nhờ có một dự án chính trị mới. Ông tham gia lãnh đạo Đảng công lý và phát triển (AKP) cùng với đương kim Tổng thống Abdullah Gul. AKP công khai tuyên bố trung thành với các giá trị của đạo Hồi, nhưng lại không ép buộc phụ nữ phải dùng khăn

Đảng này ủng hộ việc xích lại gần hơn với thế giới Hồi giáo, trong khi vẫn không từ bỏ chính sách gia nhập EU và hợp tác với phương Tây

Nhờ những đường lối cách tân và khôn khéo kiểu này, AKP đã giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2002. Abdullah Gul trở thành tân Thủ tướng. Còn Erdogan tạm hài lòng với chiếc ghế nghị sĩ – tại Thổ Nhĩ Kỳ khi đó vẫn tồn tại đạo luật nghiêm cấm người có “quá khứ hình sự” tham gia vào chính phủ

Nhưng cũng chỉ một năm sau, Gul đã tìm cách sửa đổi hiến pháp, gỡ bỏ hoàn toàn những hạn chế trên. Tiếp đó, ông nhường ghế Thủ tướng cho Erdogan, còn bản thân chuyển sang nắm Bộ Ngoại giao. Thổ Nhĩ Kỳ bước sang một thời đại mới

Dưới sự lãnh đạo của Erdogan, AKP tiếp tục hai lần giành chiến thắng tại các đợt bầu cử. Đến năm 2007, đảng này đã nắm được đa số quyết định hiến pháp tại Quốc hội. Kể từ thời điểm đó, Erdogan tiếp tục điều hành đất nước cùng với Gul, người giờ đây đã trở thành tổng thống

Erdogan được đánh giá là một nhà lãnh đạo tài năng, cương quyết nhưng cũng rất khôn khéo. Cho dù không được giới tướng lĩnh quân sự ưu thích, nhưng Erdogan lại nhận được sự ủng hộ rất rộng rãi trên bình diện xã hội – từ các tộc trưởng cho đến các thương gia (cả tiểu thương lẫn các trùm tài phiệt). Khi còn là Thị trưởng Stambul, ông đã nổi danh với khả năng giúp cho thành phố này phát triển rất nhanh. Còn trên cương vị thủ tướng, Erdogan đã bảo vệ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, giúp cho nó gần như không bị ảnh hưởng gì trong những năm khủng hoảng

Chỉ số phát triển kinh tế hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ đang nằm trong nhóm các quốc gia cao nhất thế giới. Trong năm 2011 vừa qua, GDP của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng tới 8%. Còn tỉ lệ thất nghiệp lần đầu tiên sau nhiều năm đã giảm xuống dưới mức 10%. Đây là những con số đặc biệt ấn tượng nếu xét trên bình diện cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu

Trong lĩnh vực đối nội, một trong những thành công đáng chú ý của Erdogan là việc cho phép mặc trang phục Hồi giáo tại các trường đại học, từng bị cấm đoán nghiêm ngặt từ năm 1925. Nhưng mặt trận quan trọng nhất của Erdogan chính là cuộc chiến chống lại ảnh hưởng của giới tướng lĩnh quân sự thân phương Tây

Tại Thổ Nhĩ Kỳ từ vài năm qua đang diễn ra một phiên tòa xét xử tổ chức sĩ quan bí mật “Ergenekon” với âm mưu lật đổ chính quyền Hồi giáo. Năm ngoái, một cuộc trưng cầu dân ý do ông tiến hành đã thông qua quyết định điều chỉnh hiến pháp, tăng cường vai trò của chính phủ và quốc hội do Erdogan kiểm soát, đồng thời giảm bớt ảnh hưởng của Tòa thượng thẩm và Hội đồng An ninh quốc gia (là nơi giới quân sự có thế lực mạnh hơn)

Erdogan thực thi một chính sách đối ngoại được đánh giá là khá tích cực và chủ động. Để chống lại các phần tử ly khai người Kurd, ông đã vài lần đưa quân sang cả đất Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chiến dịch của NATO chống lại Muanmar Gaddafi, đồng thời cũng là một trong những quốc gia hàng đầu phản đối chế độ của Bashar Assad tại Syria (các thủ lĩnh đối lập hàng đầu của Syria hiện đang ẩn náu tại Stambul)

Tuy nhiên, chính sách chống Syria của Erdogan không ảnh hưởng tới quan điểm giúp đỡ người Palestine và không ngại đối đầu với Israel của ông. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã kịp thể hiện mình là một đối tác trung gian có uy tín trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran

Quan điểm cương quyết nhưng cũng rất linh hoạt của Erdogan được thể hiện trong quan hệ với phương Tây. Khi Quốc hội Pháp thông qua nghị quyết về nạn diệt chủng người Armenia, Erdogan cho triệu hồi ngay đại sứ tại Paris, đồng thời hạ mức hợp tác ngoại giao giữa hai bên. Bất chấp nhiều bất đồng và tranh cãi với phương Tây, nhưng Erdogan chủ trương không làm gián đoạn quan hệ với họ

Ông chấp thuận cho bố trí các thành phần của hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Dù có nhiều chỉ trích, Erdogan kiên quyết không cắt đứt quan hệ với Israel. Đương kim Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ là đồng tác giả của ý tưởng về một “Liên minh các nền văn minh”, là nơi cộng đồng Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và tất cả những người khác đều có thể cùng nhau bàn luận về những vấn đề cấp thiết

Bằng những hành động của mình, Erdogan đã thể hiện mình luôn là người ủng hộ các tư tưởng Hồi giáo, nhưng đồng thời ông cũng là một chính trị gia mềm dẻo chứ không cuồng tín. Erdogan đang cố gắng tận dụng một cách tốt nhất vị thế duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ – trên một địa bàn tiếp giáp giữa các khu vực, nền văn minh và văn hóa khác nhau

Nhiều người còn ví Erdogan đang âm thầm với mơ ước tái dựng một đế chế Osman hùng mạnh trong quá khứ. Dù thế nào, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một cường quốc trong khu vực. Thành quả này không thể có nếu thiếu những nỗ lực của Erdogan

Hồng Sơn
 
Last edited:
Cờ Vây BRICS

Sau màn "gây sốc" phương Tây cách đây 5 năm, quốc gia được ví như "Trung Quốc ở châu Âu" đang có khả năng trở thành thành viên chính thức của BRICS


Trung Quốc đã công khai ý định mời Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS

Theo Press TV , Trung Quốc đã công khai ý định mời Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối các nền kinh tế mới nổi BRICS. Động thái của Bắc Kinh diễn ra khi BRICS mới kết nạp thêm 6 thành viên mới và Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra tại Ấn Độ (từ ngày 9-10/9)

Thổ Nhĩ Kỳ - ứng viên tiềm năng mà Trung Quốc nhắm tới - đang là một thành viên cốt cán trong G20. Song, điểm đáng chú ý hơn cả nằm ở tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực

Theo tờ Aydinlik của Thổ Nhĩ Kỳ, trong cuộc gặp với các nhà báo ở Ankara ngày 1/9, Đại sứ Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ Lưu Thiếu Bân cho biết Trung Quốc "mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS" , đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh và Ankara sẽ sánh vai cùng nhau trên con đường phát triển kinh tế

Ông Lưu nhắc lại việc BRICS kết nạp thêm 6 thành viên mới trong tháng 8 và nói rằng đây "là một khởi đầu lịch sử được mong đợi trên trường quốc tế"

Đáng nói, trong vài ngày nữa, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ có chuyến thăm tới Nga và gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin. Theo kế hoạch, Nga sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh BRICS vào năm tới tại Kazan - thủ phủ của Cộng hòa Tatarstan, một chủ thể của Liên bang Nga có số lượng lớn người Thổ sinh sống



Trong chuyến thăm Nga sắp tới, ông Erdogan sẽ thảo luận về khả năng gia nhập BRICS

Các nguồn tin của Press TV cho biết ông Erdogan và ông Putin sẽ có cuộc thảo luận về khả năng Ankara tiếp cận BRICS. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn đầu tư mới để bù đắp thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra những năm gần đây. Một số chuyên gia nhận định, việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận được Ngân hàng Phát triển mới (NDB do BRICS thành lập) sẽ "mở đường" cho Ankara

Bên cạnh đó, tư cách thành viên BRICS cũng có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng doanh thu thương mại, bởi Ankara vốn đã là đối tác thương mại lớn của các thành viên BRICS như Nga, Ấn Độ, Iran, Saudi Arabia và UAE

Một "Trung Quốc ở châu Âu"

Thổ Nhĩ Kỳ giữ vai trò quan trọng chiến lược trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nước này nằm dọc phía Nam Biển Đen, có vị trí như một cây cầu kết nối châu Âu và châu Á, giáp với Trung Đông ở phía Nam, Trung Á ở phía Đông và khu vực Kavkaz ở phía Bắc

Trong số những quốc gia giáp Biển Đen, các eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ là tuyến đường duy nhất dẫn tới biển Aegean, Địa Trung Hải và các đại dương khác

Nhờ vị trí đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ là trạm trung chuyển năng lượng giữa châu Âu và châu Á với dự án "Đường ống gas tự nhiên xuyên lục địa Anatolia" (TANAP). Trong tình trạng Nga đang chịu lệnh trừng phạt về nhiều mặt từ Hoa Kỳ và EU, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như một đối tác thay thế lý tưởng và đáng tin cậy nhờ những điều kiện đang sở hữu



Thổ Nhĩ Kỳ được ví như "Trung Quốc ở châu Âu"

Năm 2015, khi đề cập tới việc Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), ông Volkan Bozki - Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ khi đó tuyên bố: "EU không thể nói không với Thổ Nhĩ Kỳ. Các hệ quả sẽ tiêu cực đối với châu Âu, chứ không phải với chúng tôi"

Giới chuyên gia nhận định, sự tự tin của Thổ Nhĩ Kỳ là có cơ sở, do nước này sở hữu tiềm lực kinh tế mạnh hơn so với nhiều nước thành viên của EU thời điểm ấy. Tốc độ phát triển kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn đó nhanh tới mức họ được ví von như một "Trung Quốc ở châu Âu"




Cách đây 5 năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã '"gây sốc" phương Tây khi tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS

Trong khi đó, theo Silk Road Briefing , một khối hồi giáo mạnh mẽ trong BRICS đã bắt đầu nổi lên (với Ai Cập, UAE, Saudi Arabia) và ông Erdogan sẽ không muốn Thổ Nhĩ Kỳ nằm ngoài một nhóm có ảnh hưởng như vậy

Trong bối cảnh nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cần được đầu tư và hỗ trợ xuất khẩu, ông Erdogan đã thực hiện một chuyến gây quỹ nhỏ ở Trung Đông vào tháng 7 năm nay để tìm kiếm nguồn vốn cho nhiều dự án

Hoạt động này đã gặt hái được thành công, ông Erdogan đã ký được các thỏa thuận trị giá hơn 50 tỷ USD với UAE và thêm khoản đầu tư trị giá 9,9 tỷ USD với Qatar

Với việc các nước thành viên BRICS đang có ảnh hưởng đáng kể đến các hiệp định thương mại tự do tại những khu vực tương ứng của họ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ coi khối này là thị trường phát triển mới đầy tiềm năng

Ở chiều ngược lại, chuyên gia phân tích Jim O'Neill (người đã sáng tạo ra cụm từ viết tắt BRIC trước khi Nam Phi gia nhập) cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giải quyết được những vấn đề phức tạp của hệ thống lấy Mỹ làm trung tâm và trật tự thế giới mới

Hiện chưa có xác nhận nào từ giới chức Thổ Nhĩ Kỳ hay các thành viên BRICS rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức nộp đơn gia nhập khối này. Song, một số chuyên gia cho rằng, ngay cả khi chính phủ Erdogan nộp đơn xin gia nhập BRICS thì các thành viên NATO vẫn có thể gây áp lực để buộc Ankara từ bỏ ý định
 
Top