What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Sản xuất linh kiện điện tử và máy tính

thoidaianhhung

Administrator
Sản xuất linh kiện điện tử và máy tính - 450 tỉ đồng có làm nên chuyện ?​

- Không có nền công nghiệp bán dẫn, thiếu vắng nguồn lực nghiên cứu và phát triển, thậm chí công nghệ điện tử do các công ty có vốn nước ngoài nắm giữ, bài toán chuyển từ lắp ráp sang sản xuất linh kiện, phụ tùng cho máy tính trong sáu năm tới khó có lời giải.

Gần 10 năm trước, khi máy tính thương hiệu Việt bắt đầu xuất hiện trên thị trường, không ít ý kiến cho rằng, Việt Nam có thể sản xuất linh kiện nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hoá.

Tỷ lệ nội địa hoá cực thấp

Mấy năm trước, chương trình máy tính giá rẻ mang tên Thánh Gióng, với sự ủng hộ của các hãng nước ngoài, ra đời. Vài tháng sau, liên minh khác ra đời, với mục đích cạnh tranh đưa ra máy tính G6 có thể cạnh tranh. Thực chất, giá bán từ hai nguồn này không chênh nhau nhiều. Đơn giản, bởi linh kiện đều nhập khẩu, nếu không nói từ cùng một nguồn. Lõi của máy tính Việt, dù là thương hiệu nào, thuần Việt như Thánh Gióng, hay tây hoá như CMS, Robo, FPT Elead, là cấu kiện nước ngoài như CPU của Intel, bảng mạch chính của Gigabyte, Asus; RAM của KingMax, Kingston; ổ cứng của Seagate, Maxtor, Samsung… Trình độ sản xuất, như tên gọi của giới thương mại, mang tầm tuốc-nơ-vit. Nhà sản xuất nào nghĩ xa hơn, đầu tư thêm công đoạn kiểm tra tiêu chuẩn “sốc tĩnh điện”. Hiện nay, hoạt động của các dây chuyền sản xuất thực tế chỉ bằng 30% công suất thiết kế, một doanh nghiệp lắp ráp máy tính xác nhận.

Về sự góp mặt của linh kiện Việt Nam, theo ông Lê Hoàng Sơn, phó giám đốc công ty Viễn Sơn, trong những linh kiện cấu thành chiếc máy tính, chưa có linh kiện nào được tính bằng tiền đồng Việt cả.

Theo đuổi một giấc mơ

Trong đề án mới nhất của bộ Thông tin và truyền thông vừa trình Chính phủ phê duyệt, có tên gọi là “Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin”, những người biên soạn đề án đã xác định mục tiêu mang tính đột phá. Theo đó, đến năm 2015 bước đầu chuyển từ lắp ráp các sản phẩm phần cứng – điện tử cho các công ty nước ngoài sang giai đoạn sản xuất linh kiện phụ tùng, phát triển công nghiệp phụ trợ, thay thế dần các chi tiết nhập khẩu, đẩy mạnh nội địa hoá sản phẩm… Đến năm 2020 tập trung sản xuất linh kiện phụ tùng, phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ, từng bước tổ chức nghiên cứu phát triển sản phẩm mới…” Để thực hiện được mục tiêu trên, trong đề án đưa ra dự án hỗ trợ nâng cao năng lực xây dựng một số doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất máy tính thương hiệu Việt Nam với số vốn được xác định là 450 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án này là năm năm, từ 2010 – 2015. Nguồn vốn này được sử dụng từ ngân sách nhà nước, quỹ dịch vụ viễn thông công ích và huy động từ đóng góp của xã hội. Không rõ, các chip thành phẩm từ nhà máy sản xuất của Intel đặt tại Việt Nam có nằm trong con tính của các nhà lập đề án.

Liệu có thực thi

Khoảng bảy năm trước, từng có doanh nghiệp sản xuất máy tính, điện tử dự tính đầu tư những nhà máy sản xuất linh kiện đơn giản nhưng sau khi tính toán, đành chấp nhận giải pháp: mua hàng từ nước ngoài do có giá rẻ hơn. Tuy rằng có thể gặp trường hợp bị ép giá nhưng dẫu có ép tới cỡ nào vẫn rẻ hơn nếu sản xuất trong nước. Sau khi tính toán kỹ, họ đành gác lại giấc mơ này. Kỹ sư Phạm Văn Bảy, nguyên chủ tịch hội Tin học TP.HCM khoá 1 nói: “Tôi không đồng tình việc áp đặt tỷ lệ nội địa hoá trong các sản phẩm, cụ thể là các sản phẩm máy tính. Thị trường hôm nay là thị trường mở, mở toàn cầu. Đừng nên quá ấu trĩ. Vấn đề mà chúng ta cần làm là gia tăng chất xám Việt Nam trong những sản phẩm đó. Có thể đó là một phần mềm Việt Nam, vậy là quý rồi”.

“Trừ những linh kiện quan trọng và phức tạp như CPU, mainboard, ổ cứng…, không thể làm được vì công nghệ phức tạp, còn những linh kiện như thùng máy, bàn phím, con chuột, bộ nguồn có thể làm được nhưng tôi dám chắc là không thể cạnh tranh, nếu không muốn nói là gấp 2 – 10 lần”, ông Phạm Thiện Nghệ, tổng thư ký hội Tin học TP.HCM phản biện. Còn ông Vũ Anh Tuấn, giám đốc công ty máy tính Cửu Long nói: “Có được những nhà máy sản xuất linh kiện là điều đáng mừng nhưng khó cạnh tranh được với các nhà máy bên Trung Quốc do số lượng lên tới chục triệu chiếc”. Theo ông Tuấn, thùng máy (case) là linh kiện có thể làm được vì khá đơn giản nhưng Việt Nam không có lợi thế quy mô để giảm giá. Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Trần Văn Sâm, giám đốc công ty Đông Á (sản xuất tivi nhãn hiệu SAM) cho rằng, số vốn đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện nên đầu tư cho các doanh nghiệp để họ “đồng bộ và tích hợp” từ những chi tiết thành những cấu kiện. “Còn đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện đại trà khó mà tồn tại được tại thị trường Việt Nam với những lý do sau: công suất, giá và thị trường tiêu thụ”, ông Sâm nói thêm.

Theo ông Nghệ, số tiền trên chỉ nên dùng vào việc đầu tư thương hiệu, nghiên cứu mẫu mã và viết các Phần Mềm Nhúng sẽ có giá trị hơn


Source
 
450 tỉ đồng để sản xuất linh kiện và máy tính thì làm được về mặt công nghệ. Nhưng về mặt kinh doanh thì chắc chắn là không thể bán được và không thể cạnh tranh được. 450 tỉ sẽ trở thành lãng phí là chắc chắn.

Để phát triển ngành điện tử thì phải cố gắng "chen chân" tham gia vào "công đoạn sản xuất" dễ nhất trong global manufacturing chain. Xem ra hiện tại chỉ có testing hoặc sửa chữa là thích hợp.

Dẫu sao VN là kẻ xuất phát sau, làm lại cái người khác đã làm, đi theo cái người khác đã đi thì chỉ nhận được những công đoạn sản xuất xương xẩu nhất, ít giá trị gia tăng nhất mà thôi.

Chỉ những ngành mới như công nghệ sinh học hay nano mới gọi là đi tắt đón đầu. Một nhà khoa học VN ko bao giờ có đủ tiền để chế tạo một con chip, nhưng có thể có đủ tiền để nghiên cứu ra một công nghệ bào chế hay tổng hợp chất nào đó ...

Ngoài ra ngành y tế cũng hay vật một đặc thù rất hay. Không phải giỏi công nghệ đã chế được sản phẩm tốt. Vì sản phẩm healthcare cần khối lượng test cực lớn (giả sử 10.000 người) thì bên nước ngoài ko đủ chi phí, người bệnh ... để test. Ở VN thì giá thành test rẻ hơn nhiều (do nhiều bệnh nhân và vài yếu tố hơi phi nhân đạo.... khác). Chẳng hạn ở nước ngoài để test một hoạt chất có ảnh hưởng đến độ ổn định của insulin thì chi phí hơi bị cao. Ở VN thì dễ hơn nhiều ^_^
 
Ở đâu “ngành công nghiệp” ti vi, máy vi tính Việt Nam ?

Số “0” tròn trĩnh​


Tiền lãi từ việc lắp ráp 1 chiếc tivi 21 inch (dạng đèn hình phẳng) khoảng 20.000 đồng, nên để tồn tại, nhiều doanh nghiệp điện tử trong nước đã chuyển sang lắp ráp các mặt hàng còn bán được là đầu karaoke, loa, ampli, đầu DVD… Tuy nhiên những mặt hàng này cũng “chết” trong mắt người tiêu dùng bởi sự thua kém về mẫu mã và chất lượng so với sản phẩm cùng loại đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và sự thật là ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang như con thuyền không bến...

Chỉ còn “cái mác dán”

Từ những năm 1990, dưới “tán cây bảo hộ”, ngành điện tử Việt Nam có những bước tiến được khá nhiều người tung hô là… phát triển vượt bậc. Theo Hiệp hội Các doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), ngành điện tử Việt Nam khi đó có tốc độ tăng trưởng 20% - 30%/năm; xuất khẩu sang 35 nước; kim ngạch xuất khẩu luôn tăng: năm 1996 đạt 90 triệu USD, năm 2005 đạt 1,5 tỷ USD. Trong 9 tháng 2006, doanh thu nội địa của ngành điện tử Việt Nam đã đạt được 1,3 tỷ USD…

Ngày nay ngồi nhìn lại “lịch sử”, lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành này thở dài: Những “tên tuổi” như Viettronic Tân Bình (VTB), Điện tử Biên Hòa (Belco), Công ty Điện tử Hà Nội (Hanel)… đã không còn thể hiện được sức mạnh của mình tại thị trường nội địa dù một thời từng giữ vị trí đầu tàu của ngành được trao nhiều ưu đãi. Chính vì thế, những sản phẩm từng là thế mạnh trên thị trường như tivi CRT (màn hình gương), đầu karaoke, đầu DVD, loa, ampli mang nhãn hiệu Belco, VTB, Hanel… nay phải dạt về các vùng xa ở Bình Định, Quảng Ngãi, Nghệ An, An Giang, Lai Châu, Điện Biên… với số lượng khá khiêm tốn.

Không e dè như người khác, ông Dương Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Điện tử Thủ Đức, thẳng thắn: “Tôi cho rằng ngành điện tử Việt Nam hiện nay là... con số không”. Thực tế, các nhà lắp ráp điện tử trong nước hiện sản xuất theo quy trình: Nhập linh kiện từ Trung Quốc rồi lắp ráp thành nguyên chiếc, dán mác của doanh nghiệp vào là xong”.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam với đa số ở quy mô nhỏ và vừa nên gặp nhiều hạn chế trong hoạt động. Công suất lắp ráp vài ngàn sản phẩm/năm, với số lượng nhân công không quá 500 người/doanh nghiệp và cũng không xác định sản phẩm chủ lực nên… cái gì cũng làm nhưng không làm ra cái gì xứng đáng để rốt cuộc không cái gì ra cái gì.

Song song đó, ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất phụ tùng linh kiện cũng phát triển chậm, không đáp ứng được nhu cầu lắp ráp trong nước, nên hàm lượng lao động Việt Nam trong các sản phẩm điện tử bình quân chỉ khoảng 5% - 10% giá trị sản phẩm… và như thế cũng dễ hiểu khi chúng ta không có sản phẩm “Made in Vietnam” đúng nghĩa.

Cầm cự bằng... ngành địa ốc!


Hiện nay, VTB đã có nhà máy sản xuất hàng điện lạnh có tổng vốn đầu tư 6,6 triệu USD với công suất 70.000 sản phẩm/năm (tủ lạnh mang thương hiệu VTB). Từ năm 2010 trở đi sẽ sản xuất các sản phẩm máy lạnh và máy giặt.

Còn theo Giám đốc Belco Đỗ Khoa Tân, công ty đang tập trung khai thác những mặt hàng như máy tính để bàn, ampli, loa… mà đối tượng mua sắm là những người có thu nhập thấp, tại các vùng trung du miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nam bộ…

Hiện tại, Hanel là doanh nghiệp có nhiều sản phẩm mới nhất, với những mặt hàng quen thuộc như tivi CRT, đầu DVD, giờ là tivi LCD, máy lạnh, máy giặt, đầu thu truyền hình số… nhưng số lượng mẫu mã không nhiều, ít xuất hiện tại các siêu thị điện máy lớn.

Ông Dương Minh cho rằng, các doanh nghiệp điện tử đang tìm lối thoát bằng những sản phẩm và mô hình kinh doanh mới. Nhiều tên tuổi như điện tử Bình Hòa, Viettronic Thủ Đức nhiều năm qua đã chuyển sang gia công sản phẩm, hợp tác sản xuất với các đơn vị nước ngoài. Vì đang trong thời kỳ “quá độ” nên các doanh nghiệp điện tử hiện nay phải sao nhãng kinh doanh những mặt hàng truyền thống để chuyển sang kinh doanh những mặt hàng, dịch vụ có lãi cao hơn như: phân phối, kinh doanh địa ốc, tham gia sàn giao dịch chứng khoán…

Ông Ngô Văn Vị, Tổng Giám đốc Viettronic Tân Bình, chia sẻ, VTB đang có kế hoạch đầu tư địa ốc trên đường Phạm Văn Hai (Tân Bình, TPHCM), nhưng hiện chưa thực hiện bởi kinh doanh văn phòng cho thuê tại Việt Nam đang chững lại. Theo nhiều người trong ngành, dự án này được VTB đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, lớn gấp nhiều lần số vốn đầu tư vào sản xuất đã đề cập ở phần trên. Trong khi đó, Belco từ lâu được biết đến như chủ sở hữu tòa nhà 97 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TPHCM) đang cho S-Fone thuê…

Đa phần các công ty điện tử là công ty cổ phần nên việc mở rộng hướng làm ăn theo kiểu đa ngành đa nghề để công ty tồn tại là điều tất nhiên. Điều này cũng đồng nghĩa ngành này đang mất dần hướng phát triển gắn liền với ngành nghề vốn có của nó.

Nói điều này vì nhìn sang các nước châu Á mới thấy cách họ kiên trì “nội địa hóa” thành công thế nào. Nhật Bản từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã tập trung nghiên cứu, học hỏi những tiến bộ công nghệ thế giới để phát triển thương hiệu nội địa, trở thành cường quốc số 1 về điện tử với Sony, JVC, Toshiba, Nec… Ngành điện tử Hàn Quốc được chính phủ đầu tư mạnh mẽ, đã tạo ra những thương hiệu hàng đầu thế giới như Samsung, LG… Trung Quốc chịu trở thành “đại công trường của thế giới”, ai “đặt gì làm nấy” rồi âm thầm tạo dựng thương hiệu lớn.

Như vậy với Việt Nam, nếu “còn yêu” thì nhất thiết phải chọn hướng đi phù hợp, còn không thì xóa bỏ ngành nghề này chứ không nên để doanh nghiệp “tự bơi” rồi “sống chết mặc bay” như hiện nay.
 
Sơn phết máy tính… rồi gắn tên​

Từ Quyết định số 223/2006/QĐ-TTg sửa đổi một số điều của Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 17-7-2006 của Thủ tướng về việc cho phép các dự án sử dụng ngân sách nhà nước mua máy tính lắp ráp trong nước, không phân biệt thương hiệu trong hay ngoài nước, xu hướng lắp ráp máy tính tại Việt Nam đã bùng phát: hơn 1,2 triệu máy tính được tiêu thụ ngay sau đó, trong đó 70% máy vi tính lắp ráp trong nước… Khi đó nhiều người khẳng định đây sẽ là cú hích cho “ngành công nghiệp” sản xuất máy tính Việt Nam nhưng hôm nay nhìn lại mới thấy nói vậy mà… không phải vậy.


“Xẻ thịt” máy tính thương hiệu Việt


Những chiếc máy tính mang thương hiệu Việt đã xuất hiện trên thị trường nội địa khoảng 10 năm qua. Ban đầu chỉ xuất hiện đơn lẻ, nay đã tăng lên gần 20 nhãn hiệu lớn nhỏ khác nhau như Robo, FPT Elead, CMS, SingPC, Nova, Trần Anh, Khai Trí, Bách Khoa Computer…

Hiện nay, máy tính trọn bộ lắp ráp trong nước (chủ yếu là nhóm máy tính để bàn - desktop) có lợi thế về giá cả so với các sản phẩm máy tính thương hiệu nước ngoài. Ước tính, có những kiểu cùng cấu hình rẻ 10% - 20% so với hàng ngoại nhập. Như cùng chạy CPU Dual Core E5200 2,5GHz, nhưng máy bộ của Bách Khoa Computer có giá 5 triệu đồng, còn Compaq có giá 6 triệu đồng, Acer Aspire X1700 giá gần 6 triệu đồng.

Thông tin máy tính thương hiệu Việt làm nhiều người vui mừng cho “ngành công nghiệp” này. Như Khai Trí với thương hiệu máy tính Wiscom trong 2 năm gần đây, mỗi năm xuất xưởng khoảng 20.000 máy. Bách Khoa Computer với thương hiệu BK cũng mỗi ngày bán khoảng 15 máy… Tuy nhiên, so sánh về chất lượng, số lượng bán ra… với những thương hiệu máy tính toàn cầu như Dell, HP, Acer, Lenovo… thấy rõ máy tính thương hiệu Việt cũng chỉ là “châu chấu đá xe”.

“Mổ bụng” những chiếc máy tính thương hiệu Việt, cụ thể nhất là máy tính thương hiệu FPT Elead thì thấy những chi tiết quan trọng như vi xử lý của Intel, chipset Intel, Ram (Kingston….), ổ cứng (Kingston), màn hình (thường là Samsung), ổ cứng (Hitachi...), bộ nguồn (CoolerMaster, AcBel) … đều là sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài như ASUS, Gigabyte, MSI, Intel, Abit…

Chi tiết quan trọng hơn trong máy tính thương hiệu Việt thường là bộ nguồn, lại thường “no name”, công suất “ảo”… lý giải vì sao máy tính Việt mau hư. Không chỉ vậy, những phụ kiện phụ như vỏ, thùng máy, chuột, bàn phím… thì chắc chắn không nhà sản xuất nào không chọn các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc bởi giá rẻ nhất, đa dạng về mẫu mã.

Có theo “vết xe đổ” của ti vi?


Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyện mác nội, ruột ngoại của máy vi tính đã trở thành chuyện khổ lắm nói mãi. Thực ra, nói cho đến tận cùng thì nhiều. Các thương hiệu lớn nước ngoài cũng vậy, khi những chi tiết quan trọng như vi xử lý, ram, ổ cứng, ổ đĩa quang… đều phải mua từ một số tập đoàn…

Nhiều nhà sản xuất trong nước đã hướng đến dòng sản phẩm laptop, thậm chí còn xoay cả chiêu hợp tác với nhau cho ra thương hiệu chung, nhưng gần như đều thất bại. Hiện nay hầu như chỉ còn mình CMS vẫn đeo đuổi “cái nghiệp laptop” thương hiệu Việt, nhưng thực chất cũng đơn thuần là nhập linh kiện, thiết bị lắp ráp. Netbook của CMS hiện đang dần tạo được chỗ đứng trên thị trường, nhưng cũng khó cạnh tranh nổi khi HP, Dell, Sony, Asus... đã và đang tung ra hàng loạt netbook nhỏ, gọn, đẹp, cấu hình cao...

Nhưng nhìn lại, trong lĩnh vực này, Việt Nam không sản xuất được thứ gì ngoài việc gắn tên vào máy tính để có máy tính thương hiệu Việt trong khi hoàn toàn có thể làm các chi tiết như vỏ máy, bộ nguồn, chuột, bàn phím… nhưng không ai làm.

Một doanh nghiệp cho rằng sản xuất các chi tiết như vỏ máy, bộ nguồn, chuột, bàn phím thì được nhưng sẽ có giá thành cao do sản lượng quá ít; tức một khuôn vỏ máy, sản xuất trong nước chỉ vài chục ngàn chiếc, trong khi Trung Quốc sản xuất hàng chục triệu chiếc nên doanh nghiệp máy tính thương hiệu Việt thường chọn giải pháp “nhập khẩu cho nhanh”, vừa rẻ lại đa dạng.

Chính vì thế, Việt Nam cũng chẳng thể nào sinh ra ngành công nghiệp phụ trợ. Thực tế đáng buồn hơn, Thái Lan có khoảng 50 - 60 doanh nghiệp lắp ráp hàng điện – điện tử, nhưng họ có tới 1.800 doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm, công nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp kia.

Trong khi đó, nước ta cũng có khoảng 50 - 60 doanh nghiệp lắp ráp, nhưng chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp cung cấp linh kiện, sản phẩm phụ trợ song lại chủ yếu là nhập khẩu hoặc “copy” của người khác về làm…

Là một nhà sản xuất máy vi tính thương hiệu Việt, ông Ngô Văn Vị, Giám đốc Công ty cổ phần Điện tử Tân Bình, cho rằng, Việt Nam không thiếu các công ty sản xuất máy vi tính với máy tính thương hiệu Việt nhưng thực tế cũng chỉ làm cái việc mua linh kiện từ A đến Z rồi… lắp ráp. Điều này cũng hết sức nguy hiểm vì chúng ta thấy cái gì thì làm cái đó chứ không có một định hướng tạo ra thương hiệu cụ thể, ít nhất là có chỗ đứng trên thị trường nội địa chứ chưa nói tới chuyện vươn xa, vươn cao như Samsung, LG (Hàn Quốc), Compaq, Lenovo (Trung Quốc)…

Đã đến lúc chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, các doanh nghiệp máy tính thương hiệu Việt với “mác Việt” chẳng qua là nhà phân phối linh kiện của các “đại gia” nước ngoài. Muốn thoát tình cảnh “công nghệ tuốc-nơ-vít”, không còn cách nào khác là phải chọn hướng đi riêng, chọn phân khúc có hàm lượng chất xám cao và nhất là phải đầu tư có chọn lọc, có trọng điểm để không rơi vào “vết xe” đổ của “ngành công nghiệp” sản xuất ti vi.
 
Top