What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Saigon ThinkTank

LOBBY.VN

Administrator
Sài Gòn là thành phố ý tưởng - Think City


Sinh viên nghiên cứu kỹ thuật dược, khoa kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế

Hiện nay, nhiều người trẻ tại TP.HCM đang nỗ lực không ngừng để kết nối với những sáng kiến mới của quốc tế và chuyển tải tinh thần ấy về Việt Nam theo nhiều cách khác nhau

Điều đáng nói là những sáng kiến này xuất phát cả từ khu vực công lẫn tư ở cấp độ toàn cầu. Thông qua nhiều đại diện quốc tế tại Việt Nam, họ đang tự lực triển khai những chương trình hành động liên quan đến giáo dục và xã hội tại TP.HCM thuộc khuôn khổ sáng kiến toàn cầu như YOURE, Teach For Vietnam...

Rõ ràng, TP.HCM sở hữu nguồn nhân lực trẻ đầy năng lực và tầm nhìn, có khát khao đổi mới và thực hiện nhiều giá trị tiến bộ

Điều này chứng tỏ TP.HCM có nhiều tiềm năng trở thành một "think-city" - nơi hội tụ những ý tưởng hàng đầu, hướng đến giải pháp thiết thực cho các vấn đề quốc gia, khu vực, thế giới. Nguồn nhân lực trẻ chính là hạt nhân của "think-city"

Khi triển khai chiến lược "think-city" đạt đến mức độ tích lũy đầy đủ kinh nghiệm và nguồn lực, TP.HCM có thể mở rộng thương hiệu, nâng tầm trở thành một thành phố think tank của Đông Nam Á, đưa ra nhiều sáng kiến và chia sẻ nhiều giải pháp liên khu vực, liên chính phủ

Ở Đông Nam Á, những thủ đô như Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia), Manila (Philipinnes), Singapore hay các đô thị đang thay da đổi thịt sát cạnh Việt Nam như Sihanoukville (Campuchia) đều có những kinh nghiệm chính sách và vấn đề trục trặc cố hữu mong muốn phải xử lý bằng nguồn lực đa biên

Đây chính là đối tượng cần không gian thảo luận trong một diễn đàn khu vực. TP.HCM nên nhìn thấy cơ hội này để kiến tạo mạng lưới và kết nối các chủ thể quốc gia

Thành phố có thể bắt đầu xây dựng nhiều diễn đàn thường kỳ cho những lãnh đạo chính trị, nhà quản lý đô thị, lãnh đạo doanh nghiệp lớn, lãnh đạo trẻ các mảng kinh tế - giáo dục - xã hội trong nước và khu vực gặp gỡ, chia sẻ quan điểm, tìm kiếm ý tưởng giải quyết mục tiêu "6+1" - tức sáu chủ đề và một nền tảng, bao gồm: nguồn nhân lực, sáng tạo, giáo dục, quy hoạch đô thị, kinh tế phát triển, đa văn hóa, tất cả dựa trên nền tảng công nghệ

Sau đó, tiến dần đến thảo luận sâu cấp chuyên gia và trao đổi cấp lãnh đạo đô thị, lãnh đạo vùng

Hiện thực TP.HCM chính là nguồn phát đi nhiều ý tưởng ra bên ngoài và thu hút nhiều ý tưởng đóng góp ngược lại. Thương hiệu "hội tụ ý tưởng hàng đầu" chính là lợi thế cạnh tranh, là bản sắc Sài Gòn - TP.HCM. Nó chứa đựng hàm ý: một đô thị sẵn sàng chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt mới là đô thị hội tụ các ý tưởng hàng đầu!

Việc phát hiện nhu cầu, đề xuất yêu cầu, kêu gọi tài năng và định giá ý tưởng nên là kịch bản của một cơ quan bao gồm nhiều chuyên gia trong 6 lĩnh vực đã đề cập ở trên

Cơ quan này thực hiện quản trị và điều phối một "sàn giao dịch ý tưởng" - vừa đóng vai trò think tank của TP.HCM vừa đóng vai trò think tank khu vực, chuyên kết nối các ý tưởng và phát đi những đánh giá, thông điệp quan trọng làm cơ sở tham khảo cho các chính phủ, các đô thị, các khu vực hành chính, kinh tế và doanh nghiệp

Ngoài ra, giáo dục - văn hóa là lĩnh vực thuận lợi để phát triển ý tưởng và hợp tác sáng kiến bền vững

Các trường ĐH, viện nghiên cứu tại TP.HCM nên đóng vai trò trạm luân chuyển tri thức khu vực và toàn cầu, có mức độ tập trung tinh hoa cao, tạo cơ chế đưa các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý nước ngoài, gốc Việt/người Việt đang công tác trực tiếp ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu xuất bản ấn phẩm truyền tải kiến thức thực tiễn về toàn cầu hóa, những hiện tượng văn hóa mới nổi, xây dựng các thiết chế đô thị, nội luật hóa các nội dung thuộc về pháp lý quốc tế...
 
Sandbox cho Sài Gòn
Nhiều khả năng Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp vào tháng 5-2023. Một nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 54/2017/QH14 là rất cấp thiết vào lúc này, và quan trọng hơn, đây phải thực sự là “sandbox” cho thành phố
3-4.jpg

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 38/NQ-CP, thống nhất thông qua Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ thay mặt Chính phủ ký tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đề nghị xây dựng nghị quyết này vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023 theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với UBND TPHCM và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết

Trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vào kỳ họp tháng 5 tới theo trình tự, thủ tục rút gọn là một đề xuất xác đáng của Chính phủ bởi ít nhất ba lý do

Trước hết, việc này nhằm thể chế hóa Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quan điểm của Bộ Chính trị là tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TPHCM phát triển nhanh, bền vững. Thành phố phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước và phải sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ hoàn chỉnh Đề án ban hành nghị quyết mới về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TPHCM trình Quốc hội; Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TPHCM

Nhưng điều quan trọng hơn mà thực tiễn đã chỉ ra, đó là Nghị quyết mới phải trao cho thành phố những chính sách thực sự đặc thù, thực sự đột phá và một cơ chế thử nghiệm độc lập với môi trường thể chế ở bên ngoài (sandbox)

Thứ hai, thời gian năm năm triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 dù chưa đủ để đánh giá toàn diện về hiệu quả các chính sách mang lại song điều dễ nhận thấy là TPHCM ngày càng đối diện với nhiều thách thức mới. Một mặt, đà tăng trưởng chậm lại, nhiều động lực giảm sút

Giai đoạn 1996-2010 tăng trưởng bình quân 10,2%/năm; đến giai đoạn 2011-2025 giảm xuống còn 7,22%/năm; giai đoạn 2016-2020 chỉ còn 6,41%/năm. Mặt khác, chất lượng tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra, hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, khó khăn trong việc tiến lên nấc cao hơn của chuỗi giá trị và xác lập cơ cấu kinh tế hiện đại

Sự vượt trội của TPHCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, hệ thống giao thông, hạ tầng chưa có bước đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và phục vụ đời sống nhân dân

Tất cả những tác động bất lợi đến sự phát triển của TPHCM nói chung cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 nói riêng. Báo cáo của Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10-2022 cho biết nhìn tổng thể, nhiều nội dung triển khai còn chậm so với kế hoạch

Một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, như chính sách thu hút nhà khoa học, chuyên gia và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều. Cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp thành phố có điều kiện huy động thêm nguồn lực, mục tiêu hàng năm huy động thêm 40.000 đến 50.000 tỉ đồng nhưng trong cả giai đoạn 2018-2022 mới chỉ được 17.800 tỉ đồng

Các nguồn có tiềm năng, có số thu lớn chưa được triển khai thực hiện, như cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; thu khai thác tài sản và từ đất đai… Vì thế thành phố thiếu nguồn lực tài chính trầm trọng để phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật và xã hội

Thứ ba, có nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn cần được thể chế hóa thành các cơ chế, chính sách mới. Ví dụ, sau hơn một năm thực hiện chính quyền đô thị, TPHCM đã xác định được các cơ chế, chính sách cần được thể chế hóa để tạo nền tảng cho sự phát triển của thành phố Thủ Đức trực thuộc cũng như nhận thấy một số bất cập cần được Quốc hội điều chỉnh. Hoặc với khung thể chế hiện tại, việc xây dựng Đề án phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố chưa khả thi

Một vấn đề nữa là thành phố có nhu cầu rất lớn trong việc có hành lang cơ chế để thu hút nguồn lực tư nhân vào phát triển kinh tế, đặc biệt trong phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị, văn hóa, thể thao và các cơ chế để lựa chọn nhà đầu tư

Đồng thời, thành phố cũng có khả năng, có nguồn lực để thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành trung ương, chủ yếu là thủ tục hành chính, để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn

Không có chính sách đột phá thì rất khó đòi hỏi sự phát triển đột phá!

Với ba lý do nêu trên và thời hạn áp dụng Nghị quyết 54/2017/QH14 cũng chỉ kéo dài đến hết năm 2023, rõ ràng là cần thiết phải có ngay, có sớm một nghị quyết mới cho TPHCM, vừa để tránh sự đứt gãy cơ sở pháp lý, vừa tạo điều kiện cho thành phố khơi thông nguồn lực và phát triển mạnh mẽ trở lại

Nhưng điều quan trọng hơn mà thực tiễn đã chỉ ra, đó là nghị quyết mới phải trao cho thành phố những chính sách thực sự đặc thù, thực sự đột phá và một cơ chế thử nghiệm độc lập với môi trường thể chế ở bên ngoài (sandbox)

Nhìn lại năm năm triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14, kết quả chưa được như mong đợi vì nhiều nguyên nhân. Một phần, trong năm năm thực hiện thì thành phố dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị, hai năm tiếp theo thành phố chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nên không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của nghị quyết

Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, phức tạp, cần nghiên cứu kỹ trước khi quyết định. Trong bối cảnh như vậy, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền… chưa cao và một số ban, bộ, ngành trung ương chưa thật sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời – như đã được chỉ ra trong Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị

Đặc biệt, một nguyên nhân mang tính quyết định là các cơ chế đặc thù cho thành phố chưa có gì vượt trội, đột phá. Tất cả chỉ ở mức “vừa phải”. Ví dụ, thành phố quản lý hàng trăm lĩnh vực nhưng chỉ có cơ chế, chính sách đặc thù trong bốn lĩnh vực (quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính – ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức)

Trong mỗi lĩnh vực đó phạm vi của cơ chế đặc thù cũng rất nhỏ hẹp và bị bó chặt trong các lĩnh vực có liên quan. Ví dụ, về quản lý đất đai thì cơ chế duy nhất là HĐND thành phố được quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 héc ta trở lên; nhưng vẫn phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai

Không có chính sách đột phá thì rất khó đòi hỏi sự phát triển đột phá! Điều này đã được ghi nhận trong Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị! Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu “sớm ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TPHCM khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững”

“Phải có sandbox cho chính quyền. Chính quyền phải tự đặt ra sandbox này. Điều tôi mong mỏi nhất là TPHCM tiếp tục đi đầu về cải cách, dám nghĩ, dám làm như những gì thành phố đã làm những năm 1990-2000”, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nói tại một cuộc hội thảo tổ chức năm ngoái

Trong bài viết gần đây, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề xuất Nghị quyết mới của Quốc hội nên là một khuôn khổ pháp lý cho phép TPHCM chủ động tiến hành thí điểm khi cần thiết để tạo ra sự phát triển đột phá. Ông gọi đây là “quy chế thí điểm” – tựa như sandbox

Theo đó, khi cơ chế, chính sách hiện hành tỏ ra bất hợp lý và cản trở phát triển, thành phố có thể kích hoạt quy chế thí điểm để thực thi chính sách mà không nhất thiết phải xin phép Trung ương cho từng trường hợp thí điểm cụ thể

TS. Nguyễn Sĩ Dũng cũng nhắc lại rằng, TPHCM thật sự đã là một “sandbox” cho những cải cách mang tính đột phá theo cơ chế thị trường trong thời kỳ bao cấp. Nhờ dũng cảm “phá rào”, thành phố đã vượt qua được khủng hoảng và cho cả nước những kinh nghiệm quý báu để tiến hành đổi mới

Giờ đây, nếu có quy chế thí điểm, thành phố một lần nữa có thể trở thành “phòng thí nghiệm thể chế” cho những thử nghiệm quan trọng của đất nước để có bước phát triển đột phá

Nghị quyết mới có gì mới ?

So với Nghị quyết 54/2017/QH14, dự thảo lần 2 Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có phạm vi áp dụng rộng hơn, gồm sáu lĩnh vực (thay vì bốn lĩnh vực như trước đó)

Cụ thể, TPHCM sẽ được áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền thành phố và thành phố Thủ Đức. Bên cạnh đó, phạm vi của cơ chế đặc thù cũng mở rộng hơn so với trước

Một số chính sách mới đáng chú ý là, về quản lý đầu tư, dự thảo cho phép thành phố tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất

Thành phố cũng được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa với quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu không thấp hơn 100 tỉ đồng; được áp dụng hợp đồng BOT với dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu và dự án Đường trên cao số 5; được thực hiện dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông theo phương thức xây dựng – chuyển giao (hợp đồng BT)

Về tài chính ngân sách, thành phố quyết định áp dụng tăng mức thuế suất thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (không quá 5 lần mức thu hiện hành) và tăng mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên (không quá 2 lần mức hiện hành); được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài, trong nước của Chính phủ về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp (Nghị quyết 54/2017/QH14 là 90%)

Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược gồm

a) Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỉ đồng trở lên

b) Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỉ đồng trở lên

Nhà đầu tư chiến lược được hưởng ưu đãi, hỗ trợ như sau

a) Áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 5% trong thời gian 37 năm, miễn thuế 6 năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 13 năm tiếp theo

b) Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 22 năm và giảm 75% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; miễn tiền thuê đất trong suốt thời gian thuê đối với dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao

c) Được hỗ trợ một phần chi phí của dự án đầu tư từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách thành phố

Về tổ chức bộ máy, thành phố được thành lập Sở An toàn thực phẩm; giao một số chức năng nhiệm vụ thuộc thẩm quyền cho thành phố Thủ Đức; HĐND thành phố quyết định tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn trực thuộc thành phố Thủ Đức, cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường…
 
Last edited:
Nghiên cứu khoản vay 20-30 tỷ USD để SaiGon giải quyết các vấn đề ra tấm, ra món

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, có ý kiến cho rằng nếu TP HCM cần một nguồn lực thì sao không xây dựng chính sách để thành phố vay một khoản nào đó khoảng 20-30 tỉ USD

Chiều 8-6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (gọi tắt là Nghị quyết mới)

Nghiên cứu khoản vay 20-30 tỉ USD để TP HCM giải quyết các vấn đề ra tấm, ra món - Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các ý kiến thảo luận là hết sức tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm đối với dự thảo Nghị quyết mới

Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết mới, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho hay vấn đề này hầu hết được các đại biểu đồng tình, ủng hộ, thống nhất, thể hiện trách nhiệm rất cao và tình cảm rất lớn đối với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, TP HCM đang chững lại cả về tốc độ phát triển cũng như đóng góp trong GDP của cả nước, cũng như là tính đầu tàu, dẫn dắt, lan tỏa cho các vùng xung quanh. Các vấn đề phát sinh mới của thành phố như: ách tắc giao thông, ngập úng, các vấn đề đầu tư xã hội... là những cản trở, thách thức rất lớn của TP HCM. Do vậy, việc ban hành một Nghị quyết mới như các đại biểu nêu là hết sức cần thiết và cấp bách trong tình hình hiện nay để giúp cho thành phố có cơ sở phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhanh hơn nữa, bền vững hơn nữa trong giai đoạn tới đây, đóng góp lớn hơn cho cả vùng xung quanh cũng như là cho cả nước

Về việc xây dựng các cơ chế chính sách, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng đây là vấn đề quan trọng nhất như nhiều đại biểu nói. Cơ chế chính sách là phải cơ chế chính sách nào, có đủ mạnh không, có đi vào thực tế không, có hiệu quả không, nếu không thì lại giảm ý nghĩa của nghị quyết của Quốc hội đi

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT khẳng định tất cả các chính sách đều phải bám vào nguyên tắc và tất cả các chính sách mà các đại biểu nêu cũng đều xoay quanh 3 vấn đề: một là khơi thông và huy động nguồn lực; hai là phân cấp, phân quyền; ba là cho phép được thực hiện những quy trình, thủ tục rút gọn để thuận lợi và giảm thời gian. Xoay quanh 44 chính sách cũng chỉ tập trung vào 3 vấn đề như vậy

"Quan trọng nhất là các chính sách mới, gồm 27 chính sách đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng và chọn lọc, mới đầu là 53 chính sách nhưng sau đó thì quyết định chọn 44 chính sách. Chúng tôi đã trao đổi rất kỹ và thống nhất rất cao với TP HCM cũng như là các bộ, ngành liên quan" - Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nói

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, đề xuất các chính sách là để tháo gỡ những điểm nghẽn về mặt thể chế, vừa phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế của thành phố, vừa bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá thuộc thẩm quyền của Quốc hội

"Hôm nay, có rất nhiều đại biểu có các gợi ý mới, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng thành phố và các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu, nhất là trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề mới thiết thực và phù hợp hơn, mạnh hơn thì chúng tôi sẽ báo cáo với Quốc hội sau" - Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nói

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong quá trình thảo luận, có một số ý kiến cho rằng các chính sách của chúng ta quá nhiều, đang còn dàn trải, chưa tập trung hoặc chưa đủ mạnh. Ví dụ, có ý kiến cho rằng nếu TP HCM cần một nguồn lực thì sao không xây dựng một chính sách để cho thành phố phát hành trái phiếu quốc tế hay vay một khoản vay nào khoảng 20 tỉ, 30 tỉ USD để giải quyết toàn bộ vấn đề hạ tầng cốt lõi, quan trọng, chiến lược, đồng bộ cho thành phố thì "ra tấm", "ra món"

"Chỉ cần một việc đấy rồi cho một cơ chế đặc thù để thực hiện làm sao cho đúng trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Sau đó, thành phố bứt phá lên được, có quy mô, rồi đóng góp trở lại cho đất nước. Chúng ta hoàn toàn có khả năng trả lại khoản tiền đấy một cách bình thường, không ảnh hưởng đến các chỉ số. Đấy là việc chúng tôi cần quan tâm và sẽ nghiên cứu trong thời gian tới để làm sao đảm bảo một cách phù hợp" - Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho hay

Về thời hạn của nghị quyết, có đại biểu Quốc hội nêu cần kéo dài hơn, làm sao trùng với cả thời kỳ quy hoạch cho đến 2030, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đây là "một ý rất hay". Bộ sẽ cùng với TPHCM, Ủy ban Tài chính-Ngân sách sẽ nghiên cứu, nếu phù hợp và không ảnh hưởng gì đến các vấn đề liên quan khác thì sẽ báo cáo với các cấp có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để xử lý và tiếp thu ý kiến này

Về tổ chức thực hiện, theo Bộ trưởng KH-ĐT, hiện nay TP HCM đã xây dựng một chương trình và có kế hoạch để triển khai thực hiện ngay sau khi được Quốc hội thông qua Nghị quyết mới này. Chính phủ cam kết sẽ giám sát và đồng hành, hỗ trợ thành phố, các bộ, các ngành sẽ tham gia cùng với thành phố để làm sao đưa nghị quyết này vào cuộc sống, phát huy được cao nhất và mang lại hiệu quả lớn nhất cho thành phố
 
Saigon mời chuyên gia cùng thực hiện cơ chế đặc thù

Hội nghị lần thứ 21 Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI diễn ra ngày 8-7 tập trung dự thảo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội TPHCM 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trong đó thành phố sẽ mời chuyên gia cùng thực hiện cơ chế đặc thù

08-07-2023HNghi_42.jpg

Hội nghị lần thứ 21 Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra ngày 8-7

Cổng thông tin Thành ủy TPHCM đưa tin, tại Hội nghị lần thứ 21 Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra ngày 8-7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 là cơ hội lớn để thành phố tháo gỡ các điểm nghẽn

Đây cũng nhằm tạo bước chuyển biến đột phá để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TPHCM phát triển nhanh, bền vững

Bí thư Thành ủy lưu ý, Hội nghị Thành ủy lần thứ 19 tháng 11-2022 đã dự báo tình hình năm 2023 sẽ đối diện với nhiều khó khăn thách thức tác động trực tiếp từ bên ngoài và vướng mắc khó khăn từ bên trong

Thách thức đó, tác động trực tiếp đến giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế của cả nước và TPHCM nói riêng. Thực tế, tình hình đã diễn ra gần đúng dự báo nhưng kết quả còn chưa sát, chúng ta không nghĩ quí 1, GRDP giảm sâu 0,7%, buộc phải tìm nguyên nhân và những giải pháp tháo gỡ cho quí 2

Hội nghị Thành ủy lần thứ 20, TPHCM đã kịp thời đề ra giải pháp cấp bách. Có 12 nhóm giải pháp với những quyết tâm và hành động quyết liệt, và quí 2 có chuyển biến đáng khích lệ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, GRDP đạt 3,55%

Hội nghị lần này, TPHCM tập trung cho dự thảo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội TPHCM 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM

TTXVN đưa tin, theo nghị quyết mới, TPHCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) như một số nước phát triển: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã áp dụng, trong đó dùng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt, nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3. UBND thành phố được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, xã hội với các dự án này

Chính phủ đã đồng ý lập ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội ở cấp trung ương. Tại TPHCM cũng có ban chỉ đạo để triển khai nghị quyết, dưới ban có các tổ thực thi với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn bên ngoài, chuyên viên chuyên trách thuộc các sở ngành

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết, khi thực hiện mô hình TOD, cần xây dựng đề án học tập từ các nước, thiết kế khung pháp lý vì đây là phương thức mới đang nghiên cứu. Việc này không thể giao một sở hay tổ chức công tác liên sở vì mất nhiều thời gian và cần kiến thức chuyên môn sâu

Do đó, TPHCM sẽ huy động nguồn lực bên ngoài, các chuyên gia am hiểu sâu về các lĩnh vực liên quan tham gia. Điều này không chỉ giúp giảm tải công việc của sở, ngành mà còn chuyên nghiệp, hiệu quả hơn

Chủ tịch UBND thành phố thông tin, TPHCM sẽ rà soát, điều chỉnh việc bố trí cán bộ để phù hợp với các phần việc khi triển khai nghị quyết đặc thù. Theo đó, thành phố có thể thành lập các tổ chức dưới hình thức đơn vị sự nghiệp tự chủ như ban quản lý các công trình trọng điểm, dự án thí điểm…

Trước đó, tại buổi làm việc với Thường trực Chính phủ, TPHCM đã đề xuất thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98, dự trù trưởng ban chỉ đạo là người đứng đầu thành phố. Tuy nhiên, các điều khoản của nghị quyết khi phát sinh tình huống cần có hướng dẫn, phân cấp, trao đổi với các cơ quan trung ương. Sau khi thống nhất, Thủ tướng đã đồng ý làm trưởng ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ và TPHCM rà soát những nội dung cần phải ban hành nghị định thì tham mưu Chính phủ ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, đi đôi với phân công bộ, ngành chủ trì và các Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo. Các bộ, ngành cũng khẩn trương ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn trong thẩm quyền với thủ tục rút gọn. Các nhiệm vụ trên phấn đấu hoàn thành trong tháng này, chậm nhất là ngày 15-8
 
Top