What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Soái Việt ở Châu Phi

P

PoCoLo

Guest
Người xứ Nghệ làm ăn tại Angola

Cắm rễ" ở lục địa Đen đã hơn 20 năm, Tổng Giám đốc công ty xuất nhập khẩu MQ - Comércio General Lê Thiết Thảo vừa là một bạn hàng tin cậy của nhiều đối tác nước bạn, vừa trở thành một nhịp cầu quan trọng nối hàng hoá và cả các đoàn doanh nghiệp Việt Nam với thị trường Angola

Ông được cộng đồng hơn 1.000 kiều bào ta tại Angola tín nhiệm bầu là Chủ tịch đầu tiên của Hội Người Vietnam tại Angola và năm 2002 đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

1. Từ Hà Tĩnh tới Luanda

Trả lời câu hỏi đầu tiên của chúng tôi về lý do chọn Châu Phi xa xôi làm địa điểm làm ăn, ông Thảo đùa: "Thì dân Nghệ Tĩnh chúng tôi còn biết đi đâu hơn là xông vào những nơi khó khăn, nóng bỏng !"

Xuất thân từ một làng quê nghèo khó ở Kỳ Châu - Kỳ Anh - Hà Tĩnh, anh Thảo đã trải qua thời kỳ quân ngũ, bị thương trong chiến dịch Xuân Lộc ngay trước ngày giải phóng Sài Gòn năm 1975

Xuất ngũ rồi trúng tuyển vào học tiếng Pháp tại trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, chỉ sau hai năm học tập anh Thảo được đưa sang Mozambique học thêm tiếng Bồ Đào Nha. Vốn ngoại ngữ có lẽ là viên gạch đầu tiên "lót đường" đưa Lê Thiết Thảo đến với nghề phiên dịch, bước đầu là trong ngành nông nghiệp và sau đó sang Ban Hợp tác chuyên gia của Hội đồng Bộ trưởng suốt thập niên 1980

Song lần "chạm ngõ" với miền đất Châu Phi - sau này đã trở thành quê hương thứ hai của ông Thảo - phải tới năm 1990 mới diễn ra, khi ông được chuyển sang làm công tác quản lý chuyên gia ở Đại sứ quán Việt Nam tại Angola

Sau gần năm năm công tác tại nước bạn, ông Thảo "tự ngộ" ra một điều rằng đây là một miền đất nhiều tiềm năng còn chưa được khám phá


2. Mỗi ngày một "viên gạch"


Đó có thể coi là phương châm của Lê Thiết Thảo, khi đường đời đưa ông chuyển sang lĩnh vực kinh doanh, bước đầu là qua trao đổi giữa Cty Xuất nhập khẩu chuyên gia lao động (IMF) - nơi ông Thảo chuyển sang làm việc từ năm 1993 - với công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ (VTC) của Đài Truyền hình Việt Nam

Từ vị trí Giám đốc Văn phòng đại diện VTC ở Angola, ông Thảo đã dần thiết lập được mạng lưới đối tác xuất và nhập hàng tiêu dùng từ Việt Nam sang nước bạn, tiến tới đứng ra thành lập công ty xuất nhập khẩu tổng hợp riêng MQ có kho hàng rộng 1.000m2 tại trung tâm thương mại sầm uất Sao Paulo ở thủ đô Luanda và có chi nhánh ở 12 trên 18 tỉnh thành của Angola

Từng bước một, với phương thức bước đầu đặt cơ sở làm ăn, tiến tới mở rộng cơ sở và đưa dần người lao động Việt Nam sang cùng làm việc với bạn, tới nay MQ đã dần mở rộng quy mô lên 200 nhân viên có lương bình quân 500 USD/tháng. Cùng với các doanh nghiệp Việt Nam khác, mỗi tuần MQ nhập khẩu 4 container với tổng trọng tải 160 feet để cung cấp hàng hoá cho hầu khắp cả đất nước Angola

Và tuy chưa được rộn rã náo nhiệt như các tiểu khu Việt Nam khác ở các nước phát triển, song tầng trệt khu thương mại Sao Paulo giờ đây cũng đã mang đậm sắc Thái Việt với gần 20 kios của các doanh nghiệp Việt Nam rực rỡ các mặt hàng được người tiêu dùng Angola vốn chuộng màu sắc rất ưa thích vì chất lượng cao mà giá cả lại vừa túi tiền

Mô hình do MQ khởi xướng "1 laboratory ảnh + 1 cửa hàng" kiên trì cung cách làm ăn đi từ nhỏ tới trung bình, mở rộng địa bàn dần theo kiểu cắm chân rết được đánh giá là một trong những mô hình kinh doanh phù hợp và thành công tại thị trường Angola nói riêng và Châu Phi nói chung

Lê Thiết Thảo
 
Last edited by a moderator:
Chàng trai Việt một mình sang Châu Phi lập nghiệp

Tốt nghiệp ĐH, anh chàng này xách balo sang châu Phi lập nghiệp. Tưởng chừng sẽ khó kiếm sống ở mảnh đất khô cằn này nhưng cuối cùng anh chàng đã thành công với thu nhập khá hằng tháng

Trở thành một ông chủ nhỏ ở đất nước Angola xa xôi, anh chàng Nguyễn Lương Huy Hoàng hiện đang có một cuộc sống rất mới mẻ, thú vị ở lục địa Đen. Từ một ý tưởng được xem là "điên rồ" - sang châu Phi lập nghiệp, Huy Hoàng là một minh chứng cho việc dám nghĩ dám làm và dám chịu

Hiện Hoàng đang sở hữu hai cửa hàng game nhỏ, mở hàng ngày phục vụ nhu cầu giải trí cho trẻ em nơi đây. Thời gian đầu, cửa hàng game của Hoàng tạo thành cơn sốt" nhỏ, được nhiều người yêu thích

IMG_7214-7aa0c.jpg

Quán game nhỏ dành cho trẻ em Angola biết đến các trò giải trí


Nguyễn Lương Huy Hoàng

Facebook: Hoàng La Mã

Ngày sinh: 13-07-1988

Trường: Tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin - ĐH Hồng Bàng 2010

Năng khiếu: Hát

Sở thích: Du lịch trong và ngoài nước, câu cá

Thành tích: Huy chương Bạc giải trẻ Teakowndo



Chào Huy Hoàng, điều gì đã khiến bạn quyết tâm sang Châu Phi - vùng đất khắc nghiệt để lập nghiệp một thân một mình ?

Từ bé mình đã muốn kinh doanh. Nhưng bây giờ để làm một gì đó ở Việt Nam hay các nước tiên tiến thì môi trường cạnh tranh rất khốc liệt, mình còn “non” và khả năng lẫn kinh nghiệm nên cũng chưa dám thử. Vì thế, mình chọn Châu Phi - một thị trường hoàn toàn mới mẻ. Ở đây dân trí còn thấp nên nhu cầu của họ không cao, mình đầu tư cũng ít tốn kém nữa – mình thấy những điều đó thích hợp với điều kiện và mơ ước của mình nên đã quyết tâm thực hiện nó

Và mình cũng nghĩ là mình còn trẻ, đi cho biết đó biết đây. Nếu có thất bại thì cũng là một kinh nghiệm cho mình trong cuộc sống. Suy nghĩ này đã giúp mình thêm tự tin với quyết định chọn Châu Phi cho bước chân đầu tiên trên đường đời của mình

Hoàng đã mất bao nhiêu thời gian để ấp ủ và thực hiện kế hoạch này ?

Ngay khi ra trường, mình đã thử tham gia vào một số công việc trong vòng vài tháng, tuy nhiên, mình không có cảm hứng để làm việc. Và ý tưởng lập nghiệp từ con số 0 ở một nơi hoàn toàn xa lạ được nảy ra vào thời điểm đó

Mình nôn nóng lắm, chỉ muốn đi ngay, thực hiện ngay tất cả những dự tính của mình ở vùng đất xa xôi ấy nhưng để làm giấy tờ sang Châu Phi cũng mất khá nhiều thời gian, mình mất 1 năm để có thể xách balô lên đường

Ngay khi được thông báo giấy tờ đã hoàn tất, mình mừng và hồi hộp lắm, đặt ngay vé bay vào tuần sau, mọi thứ gấp gáp đến mức mình không kịp thông báo và chào bạn bè nữa. Đến khi biết chuyện thì đều rất ngạc nhiên nhưng rồi ai cũng ủng hộ, chúc mình thành công

Lần đầu tiên đặt chân đến nơi xa lạ đó, bạn có cảm xúc như thế nào ?

Lúc máy bay chuẩn bị hạ cánh, nhìn từ máy bay xuống thấy đất đai khô cằn, nhà cửa lụp xụp – dù đúng như những gì mình mường tượng từ trước những vẫn không khỏi bỡ ngỡ. Đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng mình vẫn hơi shock…

Nhìn mọi thứ đều lạ lẫm và to lớn (người Châu Phi da đen và thường cao to), mình thấy sợ - đó là những cảm xúc đầu tiên về nơi này mà bây giờ, đôi khi nghĩ lại, mình vẫn còn nguyên cảm giác lạ lẫm ấy

Để hòa đồng được ở châu Phi, đó là sự chân thành. Người châu Phi khá tinh tế và họ nhận ra bạn có chân thành hay không. Bằng tất cả nhiệt huyết và niềm tin của mình, mình đã sớm hòa đồng, hòa nhập vào môi trường ở đây

IMG_3703-fdd0f.jpg

Chắc hẳn những ngày đầu tiên sẽ gặp không ít khó khăn ?

Khi bước chân sang đây bố mình chỉ cho 200 USD ( khoảng 4 triệu đồng) để lo tiền ăn ở và tiêu vặt. Mình dự tính là sẽ tìm việc làm thuê và học thêm ngoại ngữ trong thời gian đầu làm quen cuộc sống. Nhưng khi vừa xuống máy bay thì cảnh sát đã thu một khoản khá lớn từ mình, phải nộp gần hết số tiền bố cho. Mình đã cố gắng liên lạc với một người sống ở đây và xin ở nhờ trong lúc khó khăn này

Hằng ngày mình àm các việc vặt trong nhà như rửa chén bát, nấu ăn và phụ bán hàng. Đó cũng là thời gian mình tập tiếp xúc với người bản xứ và học thêm tiếng Bồ Đào Nha (ngôn ngữ chính ở đây)

Khoảng 6 tháng sau mình bắt đầu tìm địa điểm để làm cửa hàng cho riêng mình – khởi đầu cho ước mơ mà hơn cả năm qua mình ấp ủ

Hoàng đã dùng hết bao nhiêu tiền cho việc khởi nghiệp của mình ? Kết quả ra sao ?

Tất cả mất khoảng 5000 USD (khoảng 100 triệu VNĐ). Đó là số tiền mình vay mượn từ bạn bè và gia đình sau khi đã đủ tự tin khởi nghiệp. Mình mở một phòng game Play Station để phục vụ cho trẻ em ham mê với bóng đá đến chơi, với giá 200kz/h ( Kwanzat là mệnh giá tiền ở Châu Phi ) – tương đương với 40.000 đồng tiền Việt

Để tiết kiệm chi phí và dễ quản lý phòng game, mình sống luôn tại phòng. Sau 4 tháng, mình đã mở rộng kinh doanh bằng một phòng game thứ 2 nhỏ hơn nhờ vào tiền lãi tích góp được từ phòng game đầu. Chỗ này thì mình nhờ một người bản xứ quản lý – đây là một nhân viên mà mình rất tin tưởng

Bạn có thể chia sẻ về số tiền "cá kiếm" được của mình mỗi tháng được không ?

Trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận là 1.500 USD mỗi tháng (khoảng 30 triệu VNĐ) - nghe thì thấy nhiều nhưng cũng là một con số bình thường so với mệnh giá tiền ở nơi đây

Mọi thứ ở đây cũng đắt đỏ hơn hẳn Việt Nam nên mình cũng phải rất tiết kiệm để mỗi tháng có được từng ấy tiền lãi. Ngoài việc đi chợ cuối tuần (tiêu tốn khoảng 100 USD), dự tiệc cưới hỏi, sinh nhật ... thì mình còn tham gia các hoạt động cộng đồng nữa

Mình đang là admin của trang cộng đồng người Việt ở đây với khoảng gần 300 thành viên trên cả nước. Đây là nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cho người Việt đang và sẽ sang sinh sống tại Angola

sinh-hoat-cong-dong-46bec.jpg

Cộng đồng người Việt ở Angola

Có được một khởi đầu có thể đánh giá là thành công, bạn có phải "mất điều gì không ?

Cuộc sống hiện tại rất thoải mái tự do. Thời gian qua đã giúp mình trưởng thành lên rất nhiều. Ngoài việc xa gia đình thì cuộc sống bên này cũng vui lắm. Biển ở đây có nguồn hải sản rất phong phú. Đi tắm biển cuối tuần nếu chịu khó vác theo lưới hay cần là có một bữa thịnh soạn ngay. Bào ngư, cua ghẹ gì cũng không thiếu

Đặc biệt, vùng mình ở (tỉnh Lobito thuộc thành phố Benguela của Angola) nổi tiếng Tôm hùm có quanh năm, muốn ăn là có, thích lắm

Về chuyện lập nghiệp, ngoài việc kiếm được thu nhập ổn định thì mình còn học được nhiều điều mới mẻ, cũng như cảm thấy rất vui vì đã đem lại niềm vui cho các bạn nhỏ ở Angola này, nhìn bọn trẻ vui cười hạnh phúc với những trò giải trí - mình như thấy được tuổi thơ của mình trong đó

Nói chung, mình chưa thấy "mất" gì khi sống ở đây. Có thể nhiều người sẽ cho rằng cuộc sống ở đây khắc nghiệt, nhưng tùy theo cách nghĩ của mỗi người. Đối với mình, cuộc sống ở đây rất ổn

Dự định cho tương lai xa của bạn trong thời gian tới như thế nào ?

Hiện tại mình đang vận động một số người bạn ở Việt Nam sang để hổ trợ quản lý, phát triển kinh doanh. Tương lai xa thì mình muốn mở rộng ra các nghành nghề khác như làm văn phòng phẩm, Photocopy, chụp ảnh lấy ngay.. làm photoshop, quay chụp biên tập phim cho đám cưới cũng như đám ma…

Ngoài ra còn có dự định làm một cửa hàng sửa chữa điện lạnh và máy tính. Mình thấy những dịch vụ này sẽ kiếm được lợi nhuận tốt và gáp phần cải thiện đời sống tinh thần cho người dân ở nơi đây

Với những gì đã trải qua, bạn có bài học nào cho mình và có điều gì chia sẻ với mọi người không ?

Mình rút ra được nhiều điều nhưng những điều đó cũng có thể thấy trước mắt, đó là không gì quý bằng tình bạn bè. Sang bên này sống xa gia đình nếu không có bạn bè thì chắc mình cũng không bám trụ được đến bây giờ

Người Châu Phi rất mạnh mẽ, họ rất có lập trường và cá tính mạnh. Điểm này cũng giống người Việt Nam, tuy nhiên, người Việt Nam ở mức "nhẹ" hơn. Vì vậy, khi ở Châu Phi, mình luôn tôn trọng tuyệt đối họ. Không phải họ ở một châu lục nghèo có nghĩa là họ không có lòng tự tôn

Mình không dám nói là mình có thể thân thiết với họ nhưng mình cũng rất nể phục và học được nhiều điều từ họ. Vì vậy, muốn sống được ở châu Phi bạn cần phải tìm hiểu rõ về văn hóa, bản sắc, con người ở đây để đồng cảm với họ trước đã

Còn về việc khởi nghiệp, mình nghĩ, các bạn trẻ hãy sáng tạo cho chính tương lai của mình. Mình có một trải nghiệm rất thú vị mà nếu mình ở Việt Nam mình không có được. Bạn hãy rủ bỏ lối mòn và làm những gì con tim mách bảo xem sao, nếu mục đích tốt đẹp, gia đình sẽ ủng hộ bạn đến cùng

Cám ơn Hoàng về những chia sẻ thú vị của bạn, chúc Hoàng ngày càng thành công trong cuộc sống

Vietnam - Angola
 
Last edited by a moderator:
Người Việt mưu sinh ở Angola - Giàu sang & nước mắt
- Lâu nay, nhiều người cứ nghĩ đi xuất khẩu lao động sang Angola là con đường kiếm bộn tiền. Tuy nhiên, mưu sinh ở đất nước châu Phi này không hề đơn giản, bên cạnh giàu sang là những cạm bẫy, rủi ro


Một thành phố ở Angola nơi thu hút nhiều lao động Việt Nam buôn bán kinh doanh

Tới Angola bắt máy photocopy đẻ ra tiền

Ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đa số các xã đều có người đi làm việc tại Angola. Truyền thống đi Angola làm giàu đã trở thành phong trào từ nhiều năm nay ở vùng quê nghèo khó này.

Theo một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, những năm trước đây, không phải ai cũng có điều kiện đi Angola làm việc. Chỉ những gia đình có quan hệ, có tiền mới dám cho con em sang nước này mở nhà xưởng, cửa hàng để buôn bán, kinh doanh

“Những lao động Việt Nam đầu tiên đến Angola giờ đều đã thành danh và trở thành các ông chủ, bà chủ” - vị lãnh đạo nói

Ở Kỳ Anh, hầu như ai cũng biết đến ông Lê Thiết Thảo. Bằng kinh nghiệm 20 năm sinh sống và làm ăn tại Angola, ông Thảo đã đưa rất nhiều con em Kỳ Anh sang nước này làm việc

Nhiều người coi ông Thảo là ân nhân, doanh nhân thành đạt khi gắn với tên tuổi Tập đoàn TIC của ông ở Angola. Những người được ông đưa sang Angola làm ăn đều đã thành danh

Thậm chí, có người mở được cả công ty và đang dần chuyển hướng đầu tư sang nước láng giềng Mozambique. Khi gặp PV Tiền Phong, ông Thảo nói rằng, nước bạn rất khuyến khích người Việt Nam làm giàu cho mình


Ông Lê Thiết Thảo, một tỷ phú Việt Nam tại Angola

Ngoài ông Thảo, tại Kỳ Anh, nhiều người đi Angola về đã trở thành tỷ phú. Các căn nhà bạc tỷ mọc lên ở Kỳ Anh đa số được xây dựng từ tiền của những người đi Angola gửi về. Anh L.T.Q, sinh năm 1980, xã Kỳ Châu là một điển hình

“Hiện, Bộ LĐ-TB&XH chưa cho phép bất cứ công ty hay cá nhân nào được phép đưa lao động sang Angola vì hai nước chưa ký thỏa thuận về lao động”

Ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước


Năm 2001, anh Q tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh. Sau khi ra trường, anh không theo nghiệp giáo viên mà sang Angola lập nghiệp. Chi phí để sang Angola thời điểm đó khá cao, vào khoảng 1.000 USD

Khi sang Angola, anh Q mở một cửa hàng photocopy. Anh Q cho biết, không hiểu sao, đất nước châu Phi này người dân lại rất thích photocopy. Giấy tờ gì họ cũng đem đi photocopy. Nhiều khi, máy photocopy hoạt động 24/24 giờ mà vẫn không đáp ứng nhu cầu

Vào những năm 2000, nhiều người Việt Nam sang Angola chỉ mở cửa hàng photocopy. “Máy photocopy thời điểm đó được ví như máy in tiền. Nếu hoạt động hết công suất, có thể thu hàng ngàn USD/tuần” - anh Q cho biết

Chết xứ người vẫn nợ 3 tỷ

Nhưng không phải ai đi Angola cũng thành danh và trở nên giàu có. Nhiều lao động đi Angola về cho biết, người Việt khi sang Angola đều phải chủ động thành lập các nhà xưởng, cửa hàng...

Thậm chí, có nhiều người thuê cả lao động sở tại để phụ giúp kinh doanh. “Sang Angola phải làm ông chủ mới có tiền, chứ sang làm thuê, lương chỉ được 500-600 USD/tháng, là không đủ sống” - anh Nguyễn Tiến Dũng, một lao động vừa về từ Angola cho biết

Còn theo anh Bùi Thắng ở thị trấn Kỳ Anh, nhiều người, vì không chịu được áp lực công việc nên phải chấp nhận về nước. Năm 2012, qua môi giới, anh Thắng bỏ khoảng 9.500USD để được sang Angola làm việc

Đến Angola, anh Thắng được bố trí làm thuê cho một ông chủ Việt Nam, với mức lương chỉ 500 USD/tháng. “Công việc nặng nhọc, nhưng lương thấp, trong khi ăn ở sinh hoạt tại Angola rất đắt đỏ. Dù biết về nước là mất tiền nhưng không còn cách nào khác” - anh Thắng nói

Theo anh Thắng, đông đảo lao động đến từ Hà Tĩnh, Nghệ An khi sang Angola chủ yếu đi qua cò mồi, môi giới nên rủi ro rất cao

Gần đây, tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, rộ lên nhiều đường dây đưa người sang Angola làm việc. Bất chấp cảnh báo từ phía Bộ LĐ-TB&XH, nhiều công ty vẫn ngang nhiên thông báo tuyển lao động đi làm việc tại Angola. Nhiều lao động vì giấc mơ làm giàu, chấp nhận rủi ro nên đã dính bẫy các “công ty lừa”

Ông Nguyễn Công Hợp (phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) vì cả tin nên đã vay 6.500 USD đưa cho người quen cùng xã để con trai Nguyễn Công Nguyên được sang Angola. Nhưng vì đi chui, bắt đầu từ ngày 7/5/2012 khi đặt chân đến Angola, anh Nguyên phải sống chui lủi

Bức xúc trước thái độ của những người đưa đi, anh Nguyên và 3 lao động cùng xóm chuyển sang làm việc cho một chủ thầu xây dựng khác. Làm việc được ít tháng, anh Nguyên bị ốm. Do không được chạy chữa nên bệnh tình trầm trọng

Ở nhà, dù chưa nhận được khoản tiền nào từ con trai gửi về, nhưng ông Hợp vẫn phải chạy vạy mượn thêm 6.000USD để gửi sang Angola cho con chữa bệnh. Do bệnh tình quá nặng, anh Nguyên đã tử vong vào ngày 9/3/2013, để lại khoản viện phí khổng lồ lên tới hơn 150 ngàn USD (khoảng hơn 3 tỷ đồng)

Anh Nguyên mất để lại người vợ trẻ và đứa con thơ mới chỉ 10 tháng tuổi. Đau lòng hơn, để đưa được xác anh Nguyên về nước, chính quyền địa phương phải nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola kêu gọi ủng hộ và đàm phán để bệnh viện giảm chi phí từ 3 tỷ đồng xuống 700 triệu đồng

Angola nằm ở phía Tây Nam châu Phi, là đất nước có ít nhà xưởng nên lao động Việt Nam sang đây thường mở các cửa hàng để buôn bán, kinh doanh. Hiện, có hàng nghìn lao động phổ thông Việt Nam đang làm việc ở Angola

Phong Cầm
 
Last edited by a moderator:
Chuyện về hai cô gái Sài Gòn trở thành công chúa nước Trung Phi

Vào năm 1972, Tổng thống nước Cộng hòa Trung Phi (sau là Vương quốc Trung Phi) thông báo tìm đứa con rơi thời ông đi lính lê dương ở Sài Gòn. Một cô gái lai ở Sài Gòn tên là Baxi được đưa sang Trung Phi


Bokassa (ảnh trái), công chúa Martine và con

Một thời gian sau, một người con gái lai khác tên là Nguyễn Thị Martine được xác định mới đúng là “cô công chúa” mà ngài Tổng thống Trung Phi cần tìm. Và, cả 2 cô gái Sài Gòn đều được nhận làm công chúa

Tổng thống tìm con

Vào năm 1972, Tổng thống nước Cộng hòa Trung Phi Jean Bedel Bokassa nhờ Bộ Ngoại giao Pháp tìm kiếm giùm ông đứa con rơi đang thất lạc tại Sài Gòn, kết quả của mối tình giữa ông thời đi lính lê dương với một cô gái Sài Gòn

Những người có trách nhiệm của chính quyền Sài Gòn thời ấy đã cất công đi tìm, cuối cùng đưa được một cô gái lai tên Baxi, con của bà Ba Thân ở Xóm Gà, Cây Quéo - Gia Định, giao cho Bộ Ngoại giao Pháp đem về Trung Phi. Tổng thống Bokassa đã tổ chức tiệc ăn mừng rất lớn để đón đứa con lưu lạc gần 20 năm

Thông tin về việc Tổng thống Bokassa tìm được đứa con rơi ở Sài Gòn đã được báo chí ở đây đưa tin trang trọng. Ngay tức thì, có một người khách tới tòa soạn báo Trắng Đen xin gặp ông chủ nhiệm Việt Định Phương. Người khách tự xưng là cậu ruột của cô gái lai tên Nguyễn Thị Martine - đứa con đích thực của ngài Tổng thống Trung Phi

Bằng sự nhạy bén nghề nghiệp, chủ nhiệm tờ báo đã phân công một dàn phóng viên hùng hậu vào cuộc. Câu chuyện tình yêu của anh lính lê dương Bokassa và cô thôn nữ Nguyễn Thị Huệ đã được các phóng viên thể hiện thành bài điều tra nhiều kỳ trên báo. Số lượng phát hành của báo Trắng Đen tăng vùn vụt sau từng số báo, trở thành tờ báo có số lượng phát hành cao nhất Sài Gòn

Chuyện tình anh lính lê dương

Jean Bokassa đi lính cho Pháp từ năm 18 tuổi, lúc nước Trung Phi còn là thuộc địa của Pháp. Bokassa theo đội quân lê dương có mặt tại nhiều nước trước khi đến Việt Nam vào năm 1953. Bokassa mang lon trung sĩ nhất đóng tại Chánh Hưng, Sài Gòn (quận 8 bây giờ)

Có thời gian Bokassa được tăng cường về Biên Hòa làm nhiệm vụ gác cầu ở Cù Lao Phố (cầu Gành). Hồi đó, những làng mạc xa xôi hẻo lánh, người dân rất sợ đoàn quân “Tây đen mặt gạch”, phụ nữ không may gặp họ trên đường hành quân thì coi như hết đời

Nhưng ngay giữa thành phố hay những nơi thị tứ đông người thì người dân không sợ đám lính đánh thuê này. Mấy người lính Tây đen có nhiệm vụ canh giữ cầu Gành trên mảnh đất Cù Lao Phố không dám giở thói côn đồ, họ có vẻ hiền từ

Bokassa là người hiền nhất trong đám lính gác cầu Gành. Hồi đó, ở gần cầu Gành có một cái phôngtên nước công cộng để người dân trong vùng đến hứng gánh về dùng. Trong xóm đầu cầu ngày đó có người con gái tên là Nguyễn Thị Huệ chuyên gánh nước mướn

Sau giờ “gác cầu”, Bokassa lê la đến bên vòi nước phôngtên công cộng để “tán gái” theo bản năng. Phụ nữ Việt Nam thời ấy rất sợ lính “Tây đen”, nên khi thấy Bokassa lởn vởn ngoài phôngtên là các cô trốn biệt, không dám gánh nước

Ban đầu cô Huệ cũng trốn biệt khi thấy “Tây đen” ngoài chỗ lấy nước, nhưng rồi vì chén cơm manh áo, người mướn cứ thúc giục, nên cô Huệ “đâm liều” đến chân cầu Gành lấy nước. Bokassa tập tành nói tiếng Việt với cách phát âm lơ lớ, làm cô Huệ phải phì cười. Chàng lính lê dương cười theo, nhe hàm răng trắng phau

Dần dà, những cử chỉ ngô nghê, vụng về của anh lính da đen làm cho cô Huệ thấy có cảm tình hơn là sợ sệt. Rồi cô dạy cho Bokassa nói tiếng Việt. Cô không còn cảm thấy ngượng ngùng mỗi khi đối diện với anh lính da đen này nữa mà trái lại - mỗi khi quảy đôi thùng ra phôngtên gánh nước, cô có ý trông chờ gặp mặt anh lính Châu Phi

Bokassa cũng biết cách “galăng”, khi thì mua tặng cho cô Huệ cái khăn, khi thì chai dầu thơm, lúc thì khúc vải để may quần áo… Cũng có khi anh tặng cho cô tiền mà cô phải gánh nước hàng tuần mới có được. Việc gì đến phải đến, một ngày cuối tuần Bokassa đón cô Huệ về Sài Gòn...

Kết quả của cuộc tình Phi -Việt này làm cho cô Huệ mang thai. Cha cô Huệ không chịu nổi chuyện ấy, bỏ nhà ra đi. Chỉ tội nghiệp mẹ cô Huệ, nước mắt rơi từng hạt, bà chết lặng không nói được câu nào. Cô Huệ không có một lời nào để thanh minh, cô bật khóc và ôm chầm lấy người yêu, Bokassa lặng lẽ lấy khăn tay lau nước mắt cho người tình.

Họ rời khỏi nhà cha mẹ cô Huệ như một cuộc trốn chạy… tủi hổ, vội vàng. Sau đó hai người về xã Tân Thuận Đông, quận Nhà Bè, một xã vùng ven Sài Gòn thời đó, nơi đơn vị của Bokassa đóng quân. Họ mướn nhà ở đây và sống với nhau như hai vợ chồng.

Tình nghĩa vợ chồng đang hương lửa mặn nồng bỗng chốc biệt ly, mỗi người một ngả - Bokassa chia tay với người vợ trẻ đang mang thai để trở về cố quốc bởi quân đội Pháp đã hoàn toàn thảm bại tại chiến trường Việt Nam

Công chúa bốc vác

Sau cuộc chia tay đẫm nước mắt với chồng, cô Huệ một mình lủi thủi trong căn nhà vắng lặng ở Tân Thuận Đông mặc cho xung quanh bao lời gièm pha, chê trách

Gần tới ngày sinh nở, tinh thần cô Huệ càng suy sụp hơn, cô quyết định quay về với mẹ. Đó là một ngày tháng 10/1954, cô Huệ trở về nhà cha mẹ với một hình hài ốm xanh, bụng căng to, sắp đến ngày sinh nở

Mới có mấy tháng mà cha cô vì nhớ thương cô nên già khọm đi trông thấy, ông ôm đứa con gái vào lòng, nước mắt của người cha già chảy dài xuống mái tóc của cô. Mẹ cô thì vui mừng khôn xiết, đã bao ngày bà tưởng cô không bao giờ trở về căn nhà này nữa, bởi bà nghe nói: Pháp thua trận, Tây trắng, Tây đen đem vợ con xuống tàu chạy trốn hết rồi

Rồi đứa bé gái chào đời, mình mẩy đen nhẻm, mái tóc xoăn tít, đôi môi dày… giống hệt Bokassa. Cô Huệ cho con mang họ mẹ, nhưng nhớ lời người chồng dặn dò trước lúc chia ly, cô đặt tên cho con là Nguyễn Thị Martine. Sau khi sinh nở, hoàn cảnh của hai mẹ con cô Huệ càng lúc càng túng quẫn hơn

Số tiền của Bokassa để lại cho cô theo ngày tháng cứ cạn dần rồi hết hẳn. Cha mẹ của cô rất thương cháu ngoại, nhưng sức già lực yếu, hai ông bà chỉ có tình thương và… nước mắt

Thời gian này hoàn cảnh hai mẹ con cô Huệ thật bi đát, cô phải thức khuya dậy sớm, làm đủ mọi công việc để có tiền nuôi con. Nơi ăn chốn ở cho bé Martine hoàn toàn không ổn định, cô đi làm ở đâu thì tha con bé đi theo đó - khi thì về Gia Định, lúc xuống Thủ Đức, có lần cô bồng Martine về nhà bà con ở tận Sa Đéc để làm ruộng

Mặc cảm vì màu da và những đường nét trên gương mặt càng làm cho Martine ít nói. Vì sinh kế gia đình, Martine theo mẹ đến sinh sống tại chợ Nhỏ, Thủ Đức. Cô làm đủ thứ nghề để phụ giúp mẹ - từ bán báo, đậu phộng, bánh mì, trà đá…, dù vất vả khổ cực đến đâu Martine cũng cố gắng vượt qua

Cô từng nghe mẹ nói: “Ngày lên tàu để rời khỏi Việt Nam, ba và má khóc hết nước mắt, ba của con vét hết túi tiền đưa cho má để dành chờ ngày sinh con. Ba con hứa sẽ trở lại Việt Nam để đón mẹ con mình”

Đầu năm 1972, Martine 18 tuổi, cô làm bốc vác cùng đám đàn ông ở nhà máy ximăng Hà Tiên, một công việc mà đàn ông sức vóc đôi khi còn ngán ngẩm. Một ngày cuối năm 1972, khi đang bốc vác, Martine nghe người cậu kêu: “Đi về thay đồ, chuẩn bị đi gặp ba mày là tổng thống...”

Năm 1966, Bokassa mang quân hàm trung tá, cầm đầu một binh đoàn lật đổ Tổng thống D.Dacô. Ông tự phong cho mình làm Chủ tịch Hội đồng Cách mạng, Tổng Tư lệnh Quân đội, xóa bỏ hiến pháp để quân đội hoàn toàn nắm quyền hành cai trị đất nước

Năm 1968, dưới áp lực quốc tế, Bokassa tổ chức bầu cử tổng thống, ông trở thành vị tổng thống thứ hai của nước Cộng hòa Trung Phi. Cuối năm 1976, Bokassa tuyên bố giải tán chế độ cộng hòa để lập nên Vương quốc Trung Phi, tự xưng mình là Hoàng đế Bokassa đệ nhất

Năm 1979, Hoàng đế Bokassa bị chính con rể (phò mã, đại úy Fidel Obrou - chồng của Baxi) hạ bệ, ông ta phải ra nước ngoài lánh nạn. Ông mất năm 1996, để lại 13 người vợ và 54 người con

Hoàng Tư
 
Last edited by a moderator:
Doanh nhân gốc Việt kinh doanh nông sản ở Bờ Biển Ngà
Người Việt ở Bờ Biển Ngà chỉ chừng một trăm người, phần lớn đều mở nhà hàng, quán ăn, nhưng riêng anh Nguyễn Thế Phiệt lại chọn xuất khẩu nông sản

Năm 1984, anh Nguyễn Thế Phiệt xuất cảnh sang Bờ Biển Ngà phụ quản lý nhà hàng cho gia đình tại đây

Sau khi tốt nghiệp đại học ngành marketing, anh Phiệt làm việc tại công ty chuyên về logistic và phụ trách giao dịch cho một tập đoàn bao bì ở Hong Kong (Trung Quốc). Sau đó, anh tiếp tục theo học bằng thạc sĩ về kinh tế quốc tế, cùng lúc mở xưởng bao bì riêng tại Bờ Biển Ngà. Vào thời điểm đó, anh Phiệt nhận được lời đề nghị của một người chú tại TP HCM ngỏ ý muốn nhập hạt điều thô. Từ đây, anh nhận thấy tiềm năng kinh doanh các loại nông sản là rất lớn, nên quyết định thành lập công ty chuyên xuất nhập khẩu mặt hàng như điều, cà phê, cacao…

Để đảm bảo số lượng và chất lượng mặt hàng, anh và nhân viên thường đến các khu trang trại ở Bờ Biển Ngà, làm quen với các hợp tác xã để thương lượng mua hạt điều. “Tôi cùng một nhóm kỹ thuật xuống tận nơi kiểm tra quy cách phơi điều, nếu phát hiện bị mốc sẽ loại ngay”, anh chia sẻ. Có khi phải nói chuyện, tìm hiểu, giao dịch và đàm phán giá cả hơn một chục nơi mới tìm được một chỗ ưng ý


Mỗi năm, công ty anh Phiệt xuất khoảng 100.000 tấn điều thô sang Việt Nam, Ấn Độ và Brazil

Vào năm 1999, do vốn liếng chưa nhiều, mỗi năm anh Phiệt chỉ cung cấp được khoảng 3.000 tấn điều thô cho đối tác Việt Nam. Cũng vì mới thâm nhập thị trường, do ít thông tin và kinh nghiệm, nên có những hợp đồng anh phảichịu lỗ hơn một nửa giá trị của lô hàng để giữ uy tín. Tuy nhiên, dần dần nhờ vào các mối quan hệ bạn bè, đối tác từng làm việc, anh bắt đầu tham gia các triển lãm thương mại, hội chợ giao thương để mở rộng thị trường

Vào những năm tiếp theo, việc kinh doanh của công ty phát triển ổn định với số lượng hàng năm xuất khoảng 100.000 tấn điều thô sang Việt Nam, Ấn Độ và Brazil. Trải nghiệm thương trường gần 8 năm, anh Phiệt thấy đã đến lúc phải mở rộng quy mô kinh doanh. Năm 2007, một số đối tác ở châu Âu cho biết cần một số loại nông sản khác ngoài điều, nắm bắt cơ hội này công ty của anh Phiệt bắt đầu thiết lập mạng lưới thu mua và cung cấp ca cao cho những nhà sản xuất chocolate ở Thụy Sĩ, London (Anh), số lượng gần 20 nghìn tấn mỗi năm

Tiếp đến, anh xuất cà phê robusta cho các nhà máy tại châu Âu với sản lượng chừng 10.000 tấn mỗi năm. Không dừng lại ở đó, anh và một người bạn thân gốc Ấn Độ mở một công ty tại Singapore chuyên cung cấp và thu mua các mặt hàng nông sản, nhất là điều thô tại Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria…

Theo kinh nghiệm của anh, do giá cả thị trường thế giới trồi sụt theo từng giờ, nên việc dự đoán theo mùa vụ còn phụ thuộc yếu tố chủ quan lẫn khách quan như thời tiết, chính sách… để đưa ra quyết định hợp lý tránh tổn thất hàng hóa và các khoản phí khác như lưu kho bãi

Công ty của anh hiện có khoảng 100 nhân viên đến từ Ấn Độ, châu Phi, Philippines, Trung Quốc và người bản địa. “Người Việt rất được tôn trọng ở đây do có uy tín trong việc chi trả lương với phúc lợi xã hội đầy đủ cho người lao động. Và tôi tiếp tục kế thừa đức tính này của các bậc cha chú đi trước”, anh chia sẻ

Bôn ba xứ người gần 30 năm, anh Phiệt tâm sự: “Việt Nam là một quốc gia đi trước, có nhiều kinh nghiệm về nông nghiệp và Bờ Biển Ngà cũng có nét tương đồng như thế. Tôi nghĩ tại sao mình không trở thành cầu nối để giới thiệu hàng hóa giữa hai nước ?”

Sẵn có mối quan hệ làm ăn lâu năm với các bạn hàng và biết được nhu cầu của thị trường tại Bờ Biển Ngà, công ty của anh đang nhập cá hộp, cá tra của Việt Nam khoảng 5 container 40 feet mỗi tháng. Ngoài ra, anh còn mang các loại thực phẩm chế biến đóng gói từ Việt Nam như bánh tráng, bún gạo… và nhiều gia vị khác đến các nhà hàng ở thành phố Abidjan, Bờ Biển Ngà tiêu thụ

Anh Phiệt cho biết, mới đây công ty của anh có dự án liên kết với các nhà máy sản xuất điều nhân ở Việt Nam nhằm quảng bá và giới thiệu sản phẩm điều Việt tại các siêu thị lớn ở Bờ Biển Ngà cũng như tại các nước trong khu vực Liên minh kinh tế và tiền tệ châu Phi (UEMUA)

Trong khi đó, theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), dự báo năm nay ngành điều đạt 2,2 tỷ USD, trong đó 1,8 tỷ USD từ xuất khẩu điều nhân. Ngoài phải thu mua 100% nguyên liệu sản xuất trong nước, tương ứng 350.000 tấn điều thô, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 650.000 tấn điều thô từ châu Phi và Đông Nam Á

Mai Phương
 
Last edited by a moderator:
Top