What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tập đoàn Đồng Xuân Berlin

LOBBY.VN

Administrator
Nguyễn Văn Hiền 'Soái' Việt lớn nhất Berlin​

images-1.jpg

Dẫu trong cộng đồng người Việt ở Đức, từ “soái”, cách gọi những ông chủ trung tâm buôn bán lớn dành cho người Việt, không thông dụng như đối với cộng đồng ở Nga, những “đại gia” kinh doanh đồng hương vẫn phải thừa nhận anh là “soái” lớn nhất Berlin

Sở hữu trung tâm Đồng Xuân hiện đại rộng 14 ha với 6 tòa nhà có diện tích kinh doanh đến 21.000 m2, góp phần ổn định kinh doanh cho hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam, “soái” Nguyễn Văn Hiền xứng đáng với tên gọi đó..

Hai lần bị ám sát hụt

Thứ Bảy. Như thông lệ, trung tâm Đồng Xuân tấp nập ô tô ra vào, dù tuyết rơi ngày càng dày. Phải mất vài cuộc điện thoại, Tổng giám đốc Cty TNHH Đồng Xuân Nguyễn Văn Hiền mới dứt được các cuộc họp tiếp chúng tôi trong căn phòng khách ấm áp. “Để có cơ ngơi này nơi đất khách quê người, tôi đã phải trải qua bao nhiêu thăng trầm, thậm chí từng bị ám sát hụt tới 2 lần”. – Anh Hiền mở đầu câu chuyện

“Năm 1988, khi đang là cán bộ của Cty rau quả Ninh Bình, tôi được cử sang CHDC Đức làm Đội trưởng đội xây dựng thuộc xí nghiệp xây dựng đóng tại thành phố Potsdam. Năm 1991, nước Đức thống nhất, xí nghiệp cũng phá sản. Tôi và nhiều anh em trong đội đã quyết tâm trụ lại lên Berlin làm ăn để có lưng vốn trước khi về nước”. – Anh Hiền kể. Như bao công nhân lao động Việt Nam thất nghiệp sau khi CHDC Đức tan vỡ, Nguyễn Văn Hiền cũng phải “xuống đường” bán quần áo. Ngày ngày anh cùng đồng hương trải bìa carton bán hàng ngoài hè phố

Sau đó, anh sang Ba Lan “đánh” hàng quần áo về bán buôn cho những hộ kinh doanh lẻ. Hồi đó, chưa có các trung tâm buôn bán dành cho người Việt nên phòng ở được trưng dụng làm nhà kho và nơi giao hàng. Đó là thời điểm giữa những năm 90 của thế kỷ trước

Thấy được nhu cầu địa điểm buôn bán, một phụ nữ Việt Nam cũng là công nhân xuất khẩu lao động đã đứng ra xây trung tâm thương mại. Tuy nhiên, do không được sự ủng hộ của các hộ kinh doanh nên cả 4 lần mở trung tâm thì cả 4 lần bà chủ này đều thất bại dù không có bất kỳ đối thủ nào. Ngay lúc ấy, nhiều “soái” đã nhảy vào mở trung tâm thương mại

Gần như đồng thời 6 trung tâm buôn bán cho người Việt đã mọc lên ở Berlin, trong đó có 1 trung tâm do người Đức và 1 do người Trung Quốc với tiềm lực kinh tế rất mạnh xây dựng. Nhưng rồi, 4 trung tâm đã “chết” do không có người đến thuê

Trong bối cảnh ấy, dù đã sở hữu 1 trung tâm thương mại mang tên Đồng Xuân ở Leipzig, anh Hiền vẫn quyết định mở 1 trung tâm buôn bán ở Berlin

Ban đầu, anh thuê nhà xưởng của một xí nghiệp dưới thời CHDC bị phá sản sửa sang lại để làm địa điểm bán buôn quần áo. Vào năm 2003, thấy các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng nơi giao hàng ngày càng nhiều, anh quyết định mua đứt 14.000 ha đất trống của một ngân hàng và đầu tư 10 triệu euro xây 3 dãy nhà kinh doanh hiện đại cùng 3 nhà kho lớn cho thuê

Nhưng công việc kinh doanh của anh không phải lúc nào cũng suôn sẻ như vậy. Cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh trung tâm thương mại diễn ra khốc liệt đến mức đối thủ đã thuê sát thủ ám sát anh 2 lần. Rất may, cảnh sát hình sự Berlin đã phát hiện ra âm mưu này và chủ động thông báo cho anh. Lần đầu vào năm 2000, cảnh sát mời anh đến thông tin: “Chúng tôi biết một tổ chức đang thuê người bắn chết ngài (các cơ quan công quyền Đức dùng đại từ nhân xưng này với bất kỳ ai mà họ phục vụ) với giá 5 triệu D mark”

Lần khác, vào một buổi chiều mùa hè năm 2002, 5 cảnh sát bất ngờ đến văn phòng anh thông báo: “Ngài đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Chúng tôi sẽ bảo vệ ngài. Tốt nhất ngài nên đến chỗ chúng tôi bố trí ở vài tuần, không liên lạc ra bên ngoài”. Anh buộc phải trở về Việt Nam “lánh nạn” 3 tuần

Quay sang Đức, anh tiếp tục bị theo dõi. Bất cứ khi nào về nhà riêng, anh đều phải hỏi cảnh sát xem có mối nguy hiểm nào không. Nếu không an toàn, anh phải đến khách sạn ngủ. Hàng tháng trời sau đó, anh luôn phải sống trong cảnh “cơ động”. Mọi tư trang cần thiết đều để trong xe ô tô để sẵn sàng đến ngủ khách sạn đề phòng nguy hiểm. Khi những kẻ mưu sát là những tay súng Đông Âu bị bắt, anh mới thở phào nhẹ nhõm và dồn hết tâm sức cho công việc kinh doanh

80% thành công do khách hàng giúp đỡ

“Chú Hiền đã “lôi kéo” chúng tôi bằng chữ “đức” và chữ “tín”.” – Bác Nguyễn Văn Dũng, quê Hải Phòng, một trong những chủ doanh nghiệp lớn nhất tại trung tâm Đồng Xuân Berlin, chuyên nhập hàng từ Việt Nam sang, nhận xét về thái độ kinh doanh của “soái” Hiền. Có lẽ vì thế mà không có bất cứ kios trong Đồng Xuân để trống. “Kinh doanh nơi đất khách quê người này, chỉ cần nói dối vài lần là bà con mình biết ngay. Cho nên tôi càng phải thấy trách nhiệm của mình. 80% thành công của Đồng Xuân là nhờ các doanh nghiệp – bà con của mình ở Đồng Xuân” – Tổng giám đốc Cty Đồng Xuân, đồng thời là Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức Nguyễn Văn Hiền bộc bạch

Bác Dũng kể với những chủ hàng nào thuê chỗ gặp khó khăn, anh Hiền sẵn sàng cho trả dần để giải quyết khó khăn. Nếu hộ kinh doanh phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do làm ăn thua lỗ, họ cũng được anh Hiền “miễn” số tiền trong hợp đồng đối với thời gian còn lại. Hiện nay, trung tâm Đồng Xuân có hơn 200 doanh nghiệp thuê mặt bằng kinh doanh, trong đó số doanh nghiệp Việt Nam chiếm khoảng 40%, còn lại là của Đức, Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ…

Góc Việt ở Berlin

Hầu như các đoàn công tác từ Việt Nam sang công tác ở Berlin đều ghé Đồng Xuân để thăm cộng đồng và cũng là để tìm đến những nét quen thuộc của quê nhà nơi đất khách quê người

Một dự án phát triển trung tâm, đã được quận Lichtenberg phê duyệt, đang được anh Hiền ráo riết triển khai. Trung tâm sẽ được xây dựng thêm 2 tòa nhà kinh doanh, trong đó 1 tòa nhà rộng 2.000 m2 cho Cty Kaiser của Đức thuê bán đồ ăn; 1 nhà văn hóa Việt Nam, 1 bệnh viện đông y với đội ngũ bác sỹ được đưa từ Việt Nam sang làm việc, 1 khách sạn 100 phòng để phục vụ các đoàn khách Việt Nam và nước ngoài. Đặc biệt, khách đến thăm trung tâm sẽ được ngắm 2 nhà sàn dân tộc thiểu số đưa từ Việt Nam sang để làm nổi bật văn hóa Việt. Vốn đầu tư những hạng mục này lên đến trên 30 triệu euro

“Tôi muốn người nước ngoài, đặc biệt là người Đức hiểu rằng người Việt cũng có chỗ kinh doanh hiện đại riêng của mình. Từ trước đến giờ, người Việt mình kinh doanh chủ yếu ở những khu nhà cũ, nhếch nhác, phần nào đưa ra hình ảnh không đẹp về người Việt Nam. Đồng Xuân không đơn thuần là nơi kinh doanh mà còn là địa chỉ văn hóa Việt Nam, niềm tự hào của tất cả cộng đồng.” – Anh Hiền nói

Chẳng thế mà, theo “soái” Hiền, một tập đoàn lớn chuyên kinh doanh bất động sản Berlin có số vốn đến hàng tỷ euro đã đến đặt vấn đề mua lại Cty Đồng Xuân. “Nếu bán, tôi lãi rất nhiều. Nhưng tôi không thể bán vì như vậy chỗ đứng của người Việt sẽ bị mất đi.” – Tổng giám đốc Đồng Xuân giọng chắc nịch

Không dừng lại ở đó, “soái” Hiền liên tục mở rộng lĩnh vực đầu tư của mình. Ở Việt Nam, anh cũng đang có nhiều dự án đầu tư. Một trong số ấy là dự án khu resort rất lớn tại Bình Thuận
 
Sức mạnh kinh tế Việt ở quận Lichtenberg​

Kể từ năm 1989, sau bao biến cố, cộng đồng người Việt ở Cộng hoà Liên bang (CHLB) Đức ngày nay đã có khoảng 100 ngàn người. Nhiều gia đình Việt đã an cư lạc nghiệp, một thế hệ mới đã kịp sinh ra, lớn lên và trở thành công dân Đức

Báo chí Việt, chợ Việt, đền chùa Việt và cả nghĩa trang riêng của người Việt cũng lần lượt xuất hiện ở nơi đây. Văn hoá Việt hiện diện ngày càng rõ nét nơi xứ người...

Điều lạ là, cộng đồng người Việt đã và đang từng bước hội nhập khá thành công vào một xã hội Đức văn minh hiện đại và nổi tiếng là kỷ cương nền nếp. Lạ hơn nữa, khắp xứ Âu châu này hễ người Việt làm kinh doanh bao giờ cũng ở hàng chiếu dưới so với người Trung Quốc, trừ nước Đức

Về chính trị, mới đây thôi cái tin một người Đức gốc Việt (36 tuổi, Bộ trưởng Y tế Liên bang) vừa trở thành thành viên trẻ nhất trong nội các của nữ Thủ tướng Đức Merkel đã làm nức lòng cộng đồng người Việt tại đây

Con em người Việt học giỏi hơn cả người Đức

Ngay hôm báo Đức đồng loạt đưa tin về sự kiện này, anh Nguyễn Văn Hiền - Tổng Giám đốc Trung tâm thương mại (TTTM) Đồng Xuân tại Berlin (người Việt bên này quen gọi là chợ Đồng Xuân) - khoe với tôi rằng, mấy trợ lý người Đức của anh đã lập tức cầm báo đến đưa cho xem rồi bắt tay chúc mừng một cách đầy thán phục

Anh bảo, tôi cảm nhận được một sự vị nể thực sự trong ánh mắt của họ, người Việt mình giờ đây ngày càng được đánh giá cao trong xã hội Đức

Quả đúng như vậy, nhiều năm nay báo chí Đức đã không ít lần đưa tin về khả năng học tập vượt trội của con em người Việt trên khắp nước Đức, thậm chí kết quả học tập của các em còn cao hơn cả học sinh Đức

Tạp chí uy tín Deutschland của Đức xuất bản bằng 11 ngôn ngữ tại 180 quốc gia trên thế giới số ra tháng 8 - 9/2009 vừa có bài viết dài 3 trang nhan đề Điều kỳ diệu Việt Nam (The Vietnamese Miracle) ca ngợi những học sinh Việt - thế hệ thứ hai của người Việt trên nước Đức - còn học giỏi hơn cả người Đức và luôn đứng vào top đầu của lớp

Tác giả bài báo thừa nhận một thực tế: Không có nhóm di dân nào tới Đức học giỏi hơn người Việt Nam: Khoảng 50 phần trăm con cái họ được vào học các trường trung học. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ học sinh người Việt vào học đại học cao hơn cả người Đức

Được biết, hệ thống giáo dục phổ thông tại nước Đức thực hiện việc phân luồng học sinh từ rất sớm, thường là đến lớp 7 em nào có khả năng sẽ tiếp tục học tiếp trung học để vào đại học, còn lại sẽ chỉ theo học trường dạy nghề

TTTM Đồng Xuân của người Việt rộng tới 18 ha toạ trên khu phố Herzberg thuộc quận Lichtenberg ở thủ đô Berlin đã trở thành địa điểm thực tập quen thuộc của nhiều sinh viên Đức đang học tại các trường kinh tế

Họ tới đây để tìm hiểu về mô hình và phương thức giao nhận hàng hoá khá thành công của người Việt

Mới đây, báo chí Đức đã có hẳn bài phân tích nhan đề Sức mạnh kinh tế của người Việt ở quận Lichtenberg. Đây có lẽ cũng là quận tập trung đông người Việt sinh sống nhất tại Berlin (ước tính có khoảng 4.000 người)

Trường trung học Barnim ở khu vực này có khá nhiều học sinh người Việt và các em học rất giỏi. Nhà báo Đức Martin Spiewak trong bài Điều kỳ diệu Việt Nam cho biết có tới 17 phần trăm học sinh của trường này là người Việt, ở các lớp dưới con số này chiếm 30 phần trăm

Còn thầy giáo hiệu trưởng Detlef Schmidt - Ihnen chỉ phàn nàn duy nhất một điều: Có quá nhiều học sinh Việt Nam đoạt giải Olympic toán học đến nỗi ông rất vất vả để đọc sao cho đúng họ tên của các em. Chẳng hạn như học sinh lớp 7 đoạt giải là Tran Phuong Duyen hay Duyen Tran Phuong? Khối lớp 10 là Dao Minh Duc hay Duc Dao Minh ?

'Đất Mẹ' nơi xứ người


Khu chợ Đồng Xuân thời Cộng hoà Dân chủ (CHDC) Đức nghe nói vốn là một nhà máy pin, rồi sau đó ngừng sản xuất và bỏ hoang... Giờ đây cả khu vực rộng lớn này đã được ông chủ Nguyễn Văn Hiền mua đứt. Ý tưởng táo bạo biến khu đất hoang thành một trung tâm thương mại và văn hoá, cho người Việt đã được ông chủ rất kiệm lời này ấp ủ từ lâu

Anh chia sẻ : Hồi đó, thấy tôi thuê máy xúc, máy ủi tới san nền xây chợ, chính nhiều người Việt mình còn bán tín bán nghi, nghĩ chắc ông này chỉ làm phép...

Thế nhưng anh làm thật, bắt đầu từ Haller 1 (khu 1) đến Haller 2... và mới đây nhất là Haller 4 khang trang và đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn của người Đức cứ lần lượt hiện lên

Khu nào cũng tấp nập và đầy ăm ắp các gian hàng, từ hàng hoá tiêu dùng như quần áo, giầy dép đến siêu thị thực phẩm Việt Nam, nhà hàng, quầy sách báo văn hoá phẩm, cửa hàng cắt tóc làm đầu, chăm sóc sắc đẹp...

Mỗi một khu như vậy rộng tới 5.000 m2, tổng cộng đã có tới 500 gian hàng tương ứng với chừng ấy các công ty đang thuê một diện tích lên tới 20.000 m2

Tính cả đường sá, bãi đỗ xe và hạ tầng phụ trợ thì cũng mới có già một nửa diện tích trong tổng số 18 ha được sử dụng, điều đó có nghĩa là quỹ đất nơi xứ người của ông chủ Hiền còn rất nhiều và chắc hẳn sẽ còn không ít dự án mà ông chủ người Việt này đang ấp ủ

Chỉ biết rằng, mới đây hơn 100 sinh viên khoa Kiến trúc và Thiết kế đô thị trường Đại học tổng hợp Berlin đã mở hội thảo về Đề án xây dựng cơ sở hạ tầng Trung tâm Thương mại Đồng Xuân. Chủ đề Học tập Đồng Xuân là một trong những dự án đầu tiên, lớn nhất từ trước tới nay của trường dành cho người nước ngoài tại Đức

Anh Trần Công Thành, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức tự hào khẳng định : Riêng ở nước Đức, giới kinh doanh người Trung Quốc phải chịu đứng hàng thứ hai sau người Việt ! Trong tổng số 500 gian hàng tại khu TTTM Đồng Xuân có tới 75% là của người Việt, số còn lại là người Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Ấn Độ, Pakistan...

Khắp xứ Đông Âu này, chuyện người Việt đứng ra mở chợ thành công đạt được qui mô lớn như Đồng Xuân, và người Trung Quốc phải thuê lại của người Việt chắc chỉ có ở nước Đức

Ông chủ Nguyễn Văn Hiền cho tôi biết, mới đây thôi vừa đón tiếp ông chủ chợ Tứ Hổ nổi tiếng người Trung Quốc ở Budapest, Hungary sang thăm chợ Đồng Xuân để học tập kinh nghiệm

Những năm gần đây, Sức mạnh kinh tế của người Việt ở quận Lichtenberg giữa thủ đô Berlin này ngày càng được khẳng định không những trên thương trường mà ngay cả trong cách nhìn nhận của chính quyền thành phố, cảnh vây ráp khám xét các gian hàng của cảnh sát một thời nay dường như không còn nữa

Anh Thành tiết lộ, chính quyền thành phố Berlin và quận Lichtenberg còn đang có kế hoạch biến con đường Herzberg chạy qua khu TTTM Đồng Xuân thành Con đường ẩm thực châu Á, nhiều tour du lịch của người Đức tới Berlin đã coi Đồng Xuân là một điểm dừng chân hấp dẫn về ẩm thực và văn hoá Á Đông, không ít chính trị gia, tỷ phú người Đức cũng đã từng ghé Đồng Xuân

Có lẽ cung cách làm ăn đường hoàng, bài bản của người Việt tại đây đã thuyết phục được chính quyền sở tại, hơn nữa chỉ riêng việc TTTM này đang tạo công ăn việc làm chính đáng cho hàng ngàn người lao động (trong đó có cả người Đức) và đóng góp nghiêm chỉnh những khoản thuế kinh doanh rất đáng kể cho khu vực này cũng đủ chứng minh lý do tồn tại và phát triển của nó.

Riêng công ty Hà nail tại đây, nơi chuyên cung cấp máy móc, thuốc và mỹ phẩm cho các tiệm nail khắp nước Đức, đã có doanh số tới 1 triệu euro trong năm 2008

Chưa có con số thống kê cụ thể về doanh số hàng ngày của khu TTTM chủ yếu là bán buôn này, nhưng nhìn vào 500 gian hàng tấp nập và đầy ắp hàng hoá, dịch vụ, nhìn bãi xe tải ra vào nườm nượp hàng trăm chiếc kia, một doanh nhân tại đây ước đoán con số doanh thu lên tới cả triệu euro mỗi ngày chứ không ít

Có lẽ ít người Việt nào tới thủ đô nước Đức mà lại không ghé chợ Đồng Xuân. Giờ này Berlin đã chớm đông, trời buốt lạnh, bạn sẽ thực sự cảm thấy ấm lòng và vợi đi nỗi nhớ quê hương xứ sở khi bước chân vào khu chợ Việt này

Ngoài đường Herzberg kia tuyết rơi trắng xoá là một không gian Âu châu trầm mặc, vắng vẻ khiến người xa xứ dễ có cảm giác cô đơn... Ấy thế mà chỉ rảo thêm vài bước chân thôi, bạn đã cảm thấy như đang được trở về đất Mẹ.

Nhạc Việt văng vẳng đâu đây, biển hiệu quán xá nhan nhản với đầy đủ các món khoái khẩu, từ phở bò, gà, bún, miến tới lẩu, mực, cua, ghẹ và thậm chí cả tái dê, lòng lợn, cháo lòng, thịt chó Nhật Tân chính hiệu (được chuyển bằng máy bay qua)

Còn nếu muốn đi chợ về nấu nướng, hãy qua khu bán đồ thực phẩm, bạn có thể mua được tất tật từ giò chả, bánh chưng, xôi gấc đến cá chép tươi rói đang bơi trong chậu, lạng giá đỗ hay mớ rau thơm...

Muốn đọc sách báo, đã có gian hàng văn hoá phẩm, tin cộng đồng có tờ Tuần tin tức và nhiều loại khác, tin trong nước thì có đủ từ Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi Trẻ tới An ninh thế giới...

Chiều muộn Chủ nhật cuối tháng 10 vừa qua, ghé chợ Đồng Xuân, tôi bắt gặp một đám cưới Việt tổ chức tại đây. Chợt nhận ra, cái khu chợ Việt rộng 18 ha giữa lòng Berlin này đâu chỉ có mỗi mua và bán, mọi sinh hoạt cộng đồng của người Việt từ chuyện hiếu, hỉ tới hội đồng hương, đêm trung thu... hay đơn giản chỉ là gặp gỡ chuyện trò, cà phê đều hiện diện nơi đây

Mảnh đất Đồng Xuân xa xứ này đã thực sự trở thành điểm hội tụ của văn hoá Việt, cốt cách Việt giữa trời Tây
 
Người phụ nữ mang nghề nail tới nước Đức​

tp6.jpg

Chị Hà - phó chủ tịch Hội DN Việt Nam tại CHLB Đức​

Người Việt từ lâu đã rất thành công và chiếm lĩnh thị trường hoa tươi, nhà hàng ở Berlin và nhiều TP lớn khác tại nước Đức. Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, người Việt lại đi tiên phong và gần như độc chiếm luôn hệ thống phân phối và các cửa hàng làm nail (sơn sửa móng tay) trên toàn nước Đức

Chủ nhân của hệ thống phân phối trang thiết bị, hóa chất, mỹ phẩm làm nail tại Đức chính là một phụ nữ Việt Nam, một Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức. Tên chị là Nguyễn Thị Hà, còn cư dân ở Đồng Xuân - Berlin quen gọi là Hà nail. Chị vinh dự được là một trong những đại biểu về dự đại hội Người Việt toàn thế giới lần thứ nhất tổ chức tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội

Thành công trên thương trường, nhưng...

Nếu như cộng đồng người Việt tại Mỹ rất nổi tiếng với nghề làm nail đến nỗi tới Mỹ bạn muốn gặp người Việt thì cách nhanh nhất là vào các tiệm nail, thì tại châu Âu cái nghề này lại mới xuất hiện và cũng do chính người Việt mình du nhập vào. Đầu tiên là ở London vào năm 2001 rồi mãi tới 2005 mới du nhập vào Đức, CH Séc..., và Hà nail chính là người đầu tiên tại hai nước này mở tiệm làm nail

Có lẽ sự khéo tay cộng với đức tính cần cù chịu khó và luôn niềm nở với khách của người Việt đã thuyết phục được người Đức, khách hàng mỗi ngày một nhiều, các tiệm nail theo đó cứ đua nhau mọc lên trên khắp nước Đức

Chị Hà cho biết, đến nay riêng tại khu vực xung quanh Berlin đã có tới 2.000 - 3.000 tiệm nail, trong đó có tới 70% là của người Việt, một số Việt kiều từ Mỹ cũng qua Đức mở tiệm nail

Nhận thấy thị trường của dịch vụ này phát triển rất nhanh chóng tại Đức và một số nước Đông Âu khác, Hà nail lại một lần nữa đi tiên phong trong lĩnh vực cung cấp và phân phối trang thiết bị, hóa chất, mỹ phẩm cho các tiệm nail. Thân gái dặm đường, một mình chị lặn lội sang Anh rồi qua Mỹ tìm hiểu, đặt hàng. Hiện công ty chị là nhà nhập khẩu lớn của ba nhà máy hóa chất hàng đầu về ngành nail tại Mỹ

Hàng năm chị đều dành thời gian đi dự hội chợ nail tại Mỹ để học hỏi kinh nghiệm và tìm đơn hàng mới. Chị cũng thường xuyên về Việt Nam để đặt hàng bàn ghế, nội thất cho các tiệm nail, mẫu mã do chị gửi về, trong nước giá nhân công rẻ mà thợ mình lại khéo tay nên kiểu cách và chất lượng không hề thua kém - chị cho biết

Ngoài giá cả cạnh tranh nhờ nhập hàng số lượng lớn cùng chữ tín trong kinh doanh, Hà nail còn có một lợi thế mà ít người trong nghề có được, đó là có thể tư vấn, giải thích một cách khoa học về các loại thuốc làm nail cho khách hàng, loại nào không độc và loại nào có thể gây dị ứng... Sở dĩ như vậy, vì ít người biết rằng chị từng tốt nghiệp ĐH ngành Hóa tại Liên Xô cũ

Năm 1979, cô nữ sinh nết na học giỏi Nguyễn Thị Hà quyết định thi vào ĐH Sư phạm I Hà Nội, đỗ điểm cao và trúng tuyển đi du học tại Liên Xô chuyên ngành Hóa học. Sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ rồi Liên Xô tan rã, những biến chuyển nhanh chóng của thời cuộc đã xô đẩy cuộc đời cô kỹ sư Hóa này sang một bước ngoặt khác...

Cô sang Đức hành nghề bán quần áo ở thành phố nhỏ Magdeburg cách Berlin 180 km. Lăn lộn đủ nghề nơi xứ người, một mình nuôi hai con nhỏ, người phụ nữ đầy nghị lực này cuối cùng đã may mắn thành công khi khai phá ra một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ tại đây - nghề làm nail

Thất bại trong hôn nhân

Giờ đây ngồi trò chuyện với người phụ nữ này giữa một siêu thị đồ nail rộng cả ngàn mét vuông tại Berlin với doanh số bán hàng lên tới hơn 1 triệu euro mỗi năm, tôi mới hiểu đằng sau sự thành công trên thương trường này là cả một nỗ lực phi thường của chị

Nhiều người tại Đức biết đến chị như một phụ nữ Việt Nam năng động và giàu có, làm từ thiện nhiều cho cộng đồng và quê hương. Nhưng ít ai biết gia đình chị từ lâu đã vắng bóng người chồng, người cha sau một cuộc đổ vỡ về hôn nhân. Nữ doanh nhân thành đạt trên đất khách này quyết liệt và táo bạo bao nhiêu trên thương trường thì ngược lại, dường như ngại ngùng và e sợ bấy nhiêu trong chuyện tình cảm

Chị tâm sự, rất hay đọc báo chí trong nước nhất là các tờ báo tạp chí dành cho phụ nữ, nhưng cứ mỗi lần đọc đến những câu chuyện tan vỡ gia đình của người khác là chị lại thấy nhói đau và sợ hãi... bởi chị quá hiểu nỗi thiệt thòi, cô đơn của một người phụ nữ khi chia tay

Có thể chính sự thành đạt trên thương trường cộng với tính cả nghĩ của một phụ nữ có học lại là điểm yếu ngăn cản người phụ nữ tài năng này xây tiếp một mái ấm cho đúng nghĩa. Chị nói, giờ đây tài sản vô giá của mình chính là hai cô con gái 16 tuổi và 10 tuổi ngoan ngoãn, học giỏi

Chị tiết lộ, ở Berlin này có lẽ chị là người Việt đầu tiên dám cho con học trường tư với học phí lên tới 1.900 euro/tháng, bởi những trường phổ thông tư thục trên nước Đức vốn chỉ dành cho tầng lớp quý tộc giàu có.

Những lần đi họp phụ huynh hay đón con, chị bắt gặp những ánh mắt ngạc nhiên của người Đức bởi họ chưa từng gặp bất cứ người Việt nào đưa con vào những ngôi trường danh giá như vậy. Nữ doanh nhân này quan niệm, đầu tư cho con cái là sự đầu tư hiệu quả nhất

Ba mẹ con người phụ nữ Việt này hiện đang sống trong một ngôi nhà riêng sang trọng và đầm ấm giữa thủ đô Berlin, không có người giúp việc như nhiều gia đình khá giả ở trong nước, một tay chị cơm nước làm việc nhà

Thói quen tự lập và tự mình quyết định mọi chuyện, dám làm dám chịu cũng là một nét văn hóa, tư duy ở trời Tây. Hà nail kể, một ngày làm việc của chị bắt đầu từ 10 giờ sáng tới 8 giờ tối, một mình lái xe trở về nhà lại lao vào cơm nước cho các con, sau khi chúng ngủ chị lại lọ mọ một mình làm việc tới tận khuya...

Từ một du học sinh thời Liên Xô cũ, rồi một người bán quần áo và giờ đây là một thương hiệu Hà nail nổi tiếng tại CHLB Đức, cộng đồng doanh nhân Việt tại Đức biết đến chị như một phụ nữ thành đạt nhất trên thương trường, một nữ doanh nhân làm từ thiện và công tác xã hội tích cực nhất

Chị tâm sự, quan điểm của chị là lộc bất hưởng tận, do vậy luôn sẵn sàng ủng hộ đồng bào mình trong và ngoài nước mỗi khi có cơ hội. Chị nói, dân Việt mình nơi đất khách vẫn còn nhiều người khổ lắm, cứ nhìn cảnh người Việt nhẫn nại đứng bán hoa tươi ở bến tàu điện ngầm hun hút gió giữa trời đông băng giá mà thấy xót xa...

Nhiều doanh nhân tại TTTM Đồng Xuân Berlin nhận xét, người đàn ông Việt giàu có nhất nước Đức chính là ông chủ TTTM Đồng Xuân Nguyễn Văn Hiền, còn người phụ nữ kinh doanh giỏi nhất chắc không ai qua mặt được Hà nail. Phàm một nỗi, cả hai con người nổi tiếng này lại vẫn đang cô đơn...
 
Nghề bán hoa tươi của người Việt​

tp11231.jpg

Một góc chợ hoa bán buôn tại Berlin​

Đi tàu điện ngầm ở Berlin chắc chắn bạn sẽ bắt gặp không ít cảnh đồng bào mình bán hoa tươi tại các ga tàu điện ngầm hun hút gió lạnh, thường ở ngay cửa ga - chỗ ra vào nhiều nhất. Ngoài ra, trên đường phố cũng nhan nhản quầy bán hoa tươi của người Việt

Một người Việt có thâm niên bán hoa tươi cho tôi biết, ước tính toàn Berlin có tới 500 cửa hàng của người Việt

Độc chiếm thị trường hoa tươi

Theo đánh giá, hiện người Việt đang độc chiếm thị trường hoa tươi tại Berlin, còn lĩnh vực nhà hàng cũng chỉ đứng sau người Thổ Nhĩ Kỳ. Người Berlin rất yêu hoa, còn người Việt thì đã chọn trúng những nơi đắc địa để bán hoa

Berlin có một hệ thống tàu điện ngầm (U-Bahn) và nổi (S-Bahn) thuộc loại hiện đại, lớn nhất châu Âu, chuyên chở khoảng 1 triệu lượt khách mỗi ngày. Người Berlin có thói quen đi làm hoặc đi đâu đó bằng tàu điện chắc bởi tính cực kỳ tiện lợi, đúng giờ (thường trung bình khoảng từ 5 - 7 phút/chuyến), và đặc biệt là không hề có kiểm soát vé như ở những nước khác

Tất cả các ga tàu điện ngầm đều thông thống không có barie soát vé, người người ra vào lên xuống tấp nập. Đây là một minh chứng cho tính tự giác đã đạt tới trình độ rất đáng khâm phục của người Đức

Ai đi tàu cũng đều tự giác mua vé, dập vé (để ghi ngày giờ bắt đầu sử dụng), đến nỗi nhiều người Việt mình sống lâu năm bên này nói : Bây giờ mỗi khi đi tàu điện ngầm mà vô tình quên mua hay dập vé tự nhiên không bước nổi lên tàu nữa, chân cứ nặng như chì và rồi giật mình nhớ ra mình quên chưa mua vé, phải quay lại thôi

Té ra, thói quen tốt hay xấu của con người lâu ngày rồi cũng ngấm vào máu, tùy theo môi trường chúng ta sinh sống mà thôi. Tuy nhiên, để tạo ra thói quen tốt phải có chế tài: Không mua vé phạt gấp 20 lần

Có thời gian tôi đi tàu điện ngầm suốt 3 tháng ở Berlin mà chỉ duy nhất một lần gặp người kiểm tra vé đột xuất, khắp toa tôi ngồi không thấy ai trốn vé cả

Như vậy nhân công tiêu tốn cho việc kiểm tra vé rất ít, lại không phải thiết lập hệ thống barie soát vé tự động (vào và ra), rõ ràng người Đức đã tiết kiệm được một chi phí lớn nhờ vào văn hóa tự giác rất cao của họ

Chuyện dông dài về đức tính tự giác đã trở thành thói quen của người Đức và cả một số người Việt mình bên này, cũng để muốn kể về một thói quen khác mà người Berlin đang góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn người Việt, đó là hễ mua hoa là phải mua của người Việt. Đơn giản hoa của người Việt bó rất đẹp, mẫu mã phong phú, giá cả lại rẻ hơn hẳn hoa bán trong tiệm của người Đức

Ngoài ra người Việt thường rất chiều khách, niềm nở và hay cười... Bên này, mỗi cửa hàng hoa của người Việt bao giờ cũng có một lượng khách quen rất ổn định, thường là cư dân quanh khu vực hay khách đi tàu, xe đi làm qua

Nhưng, chính cái giá cả rẻ rúng ấy nhiều khi lại làm phương hại đến cộng đồng mình, bởi người Việt đua nhau hạ giá để cạnh tranh lẫn nhau, rốt cục bán nhiều nhưng lãi ít. Nhất là thời buổi khủng hoảng, kinh tế khó khăn hiện nay, người Đức phải từ bỏ một số thói quen xa xỉ, họ mua hoa ít đi trông thấy

Anh Hà có cửa hàng hoa ở phía Tây Berlin cho biết: Ế lắm, nếu như trước đây bán được 10 phần thì nay chỉ được 2 - 3 phần thôi. Bây giờ chỉ bán chạy nhất vào mỗi tuần đầu tiên của các tháng vì dân Đức mới lĩnh lương, càng về cuối tháng càng ế. Hy vọng dịp Noel sắp tới sẽ khá khẩm hơn

Ngày làm việc bắt đầu từ 3h sáng…

Cái nghề bán hoa tươi lấy công làm lãi cũng vất vả cực nhọc lắm. Sau nhiều lần gạ gẫm, cuối cùng tôi được anh Hà đồng ý cho đi tác nghiệp để tìm hiểu cái nghề độc quyền của người Việt tại Berlin này

Ba giờ sáng, trời rét buốt, tuyết rơi trắng xóa... đang ngủ say tôi bị dựng dậy. Chiếc xe tải đỗ ngoài đường của anh tuyết phủ kín. Cầm chiếc xẻng trong tay, anh nhanh chóng đục một lỗ nhỏ trên tấm kính chắn gió đủ để nhìn được ra bên ngoài

Nuốt vội ngụm cà phê loãng, rít điếu thuốc cho tỉnh ngủ, tôi leo lên chiếc xe tải chuyên dùng để chở hoa nhằm hướng Cổng Brandenburg thẳng tiến, gần khu vực này có một chợ bán buôn hoa nhập từ Hà Lan sang, do một ông chủ người Đức điều hành. Phía Đông Berlin cũng có một chợ tương tự, nhưng chủ chợ lại chính là người Việt mình

Càng gần đến chợ hoa, càng bắt gặp nhiều xe tải của người Việt từ khắp nơi chạy đến. Giờ này Berlin đương ngủ say, đường phố vắng ngắt không một bóng người, dưới ánh đèn đường vàng hắt hiu kia là màn tuyết trắng xóa giăng giăng khắp nơi...

Chỉ có những bóng dáng bé nhỏ, cần mẫn của người Việt nơi xứ người ra vào cái chợ hoa bán buôn này, để sáng hôm sau khi người Berlin thức dậy thì trên mỗi góc đường, mỗi bến tàu điện ngầm lại tươi rói những bó hoa tươi của người Việt

Cứ như vậy, suốt từ 3 - 4 giờ sáng đến tận 7 - 8 giờ tối, suốt 365 ngày mỗi năm, gánh hàng hoa của người Việt xa xứ luôn hiện diện khắp Berlin để mưu sinh, để nuôi con ăn học, để gửi tiền về gia đình nơi quê nhà và cũng để làm đẹp cho cả thành phố này

Bước chân vào khu chợ hoa rộng hàng ngàn m2, tôi choáng ngợp với vô số loại hoa đẹp lộng lẫy vừa mới được chuyển từ Hà Lan qua. Nhưng ấn tượng hơn chính là một không gian thuần Việt tràn ngập khắp chợ, người Việt mình vừa mua bán vừa tranh thủ trò chuyện, tán gẫu...

Mua hoa ở chợ bán buôn này phải dùng xe đẩy, chọn được mớ nào ưng ý thì vứt lên xe, cuối cùng thì đẩy xe ra quầy thanh toán

Dạo một vòng quanh chợ, cuối cùng tôi cũng gia nhập được một nhóm tán gẫu. Một anh người Hải Phòng cho biết, dạo này ế ẩm nên mới có thời gian nói chuyện phiếm thế này, chứ bình thường phải tranh nhau mua ấy chứ

Một cậu người Nam Định chêm vào, em ra đây chơi cho đỡ buồn vì đã thành quen cứ giờ này là thức giấc nằm cũng không ngủ được, chứ có bán được đâu mà mua, hôm nay mua mỗi vài chục đồng (euro) cho vui thôi

Một phụ nữ lướt qua, khuôn mặt trái xoan trắng trẻo, đeo cặp kính cận xinh xắn, một cậu trong nhóm nhanh nhảu : Này cô em, sao thân gái lại lọ mọ một mình thế kia ? Cô nhoẻn miệng cười và trả lời bằng một cú hích vai vui vẻ

Lang thang suốt hai tiếng ở chợ, tôi nhận ra rằng, tất cả người Việt ở cái chợ hoa này đều biết nhau tuốt, không biết tên thì cũng biết quê và nhẵn mặt

Hỏi ra, ở cái chợ hoa này người Việt mình thuộc diện có học nhất chợ chứ chả chơi, tốt nghiệp đại học trong nước, ngoài nước cũng không ít, không biết tiến sĩ, thạc sĩ có không chứ chợ Bốn Con Hổ bên Budapest tôi đã sang thì nhiều lắm, còn chợ Đồng Xuân ở Berlin này thì kỹ sư, bác sĩ cũng không ít

5 h sáng, tôi và anh Hà rời chợ với dăm mớ hoa tươi. Bên ngoài tuyết vẫn rơi…

Nghề hàng hoa cũng lắm công phu, trước hết phải đòi hỏi sự khéo tay, biết bó hoa đẹp và nắm bắt được xu hướng, thị hiếu của khách hàng. Ngoài ra cũng cần có một số bí quyết giúp hoa tươi lâu

Cửa hàng hoa của anh Hà vốn nổi tiếng là có nhiều mẫu mã độc đáo được khách hàng ưa chuộng. Hơn chục năm trong nghề, có thời kỳ ăn nên làm ra anh từng thuê hẳn một góc siêu thị với vài người làm thuê mà cũng không kịp bán

Cửa hàng anh bán đủ thứ, từ hoa tươi đến cây cảnh, bonsai. Mẫu mã một phần do anh sáng tạo ra, một phần phải liên kết với vài trường dạy cắm hoa ở Đức, nhưng quan trọng nhất là phải hiểu được văn hóa Đức

Anh cho biết, tôi hiểu được văn hóa của họ, giải thích ý nghĩa của bó hoa, chậu cây cảnh cùng những phụ kiện đi kèm, thuyết phục được họ rồi thì lần sau họ lại tìm đến mình

Anh vốn là một kỹ sư nên nhiều phụ kiện trang trí đi kèm đều tự làm được từ xưởng của mình. Nghề hoa một vốn bốn lời, trung bình cũng lãi tới 50%, dạo này kinh tế khó khăn anh Hà cho biết chỉ đủ ăn không có tích lũy, chứ thời hoàng kim vào dịp noel có ngày anh kiếm cả ngàn euro...

Nhìn căn hộ 70m2 đầy đủ tiện nghi giữa tây Berlin mà vợ chồng anh đang ở, tôi biết nghề hoa tươi một thời từng đem lại thu nhập rất khá cho người Việt, giờ đây họ đang hy vọng nước Đức sẽ nhanh chóng thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế, và người Berlin lại sẽ mua nhiều hoa tươi
 
Nhọc nhằn mưu sinh​

Chiều đông muộn Berlin, mưa rơi mau quất vào mặt lạnh buốt. Góc phố ngoại ô vắng ngơ vắng ngắt. Một dáng người lầm lũi vác trên lưng một bao tải nặng đi ra từ cổng chợ Đồng Xuân

Tôi cố nán lại để chờ người bạn đồng hành chưa quen biết ấy - một đồng bào của tôi - trên chuyến tàu điện cuối ngày chạy tới ga S-Bahn Landsberger Alee nằm trên đường vành đai Ring AB

Gói bánh chưng trong trại

Trời mùa đông tối rất nhanh, cái bến tàu điện nổi gần cổng chợ chỉ nhõn 2 người, tôi và anh bạn đồng hành đứng đợi tàu. Ánh đèn đường yếu ớt đủ cho tôi nhận ra một khuôn mặt còn rất trẻ trong chiếc mũ len trùm kín đầu, vừa đặt huỵch cái bao tải xuống ngay dưới chân vừa thở hổn hển. Tôi quay sang bắt chuyện làm quen: Em về đâu ?/ Dạ, về trại/ Trại gì?/ Trại tị nạn gần ga Jungfernheide ấy, anh có gần đó không ? Thế cùng đường tàu S42 rồi, bao gì mà nặng thế?/ Gạo nếp ấy mà…

Tôi giúp Hoàng khênh vội bao gạo nếp không dưới 2 chục cân lên tàu. Câu chuyện của Hoàng, quê Hà Tĩnh, nguyên sinh viên năm thứ nhất một trường ĐH trong nước đang tha hương nơi xứ người khiến tôi ngậm ngùi

Chán học, chỉ muốn kiếm tiền, nghe bạn bè mách nước, thế là nằng nặc đòi bố mẹ lên đường sang đây với chi phí trên 10.000 USD. Hoàng mới nhập trại được 4 tháng, hằng ngày ra chợ mua gạo về nấu bánh chưng, rồi lại mang vào giao trong chợ

Hoàng bảo, tạm thời kiếm tiền bằng nghề này, rồi tính sau... Song quyết sẽ không về chừng nào chưa kiếm tiền lập nghiệp được ở đây. Những người Việt có giấy tờ định cư hợp pháp bên này cho tôi biết, trường hợp như Hoàng sẽ có thể bị buộc về nước bất cứ lúc nào

Hoàng kể, gọi là trại nhưng thực ra đi lại khá tự do, miễn trong phạm vi Berlin là được. Một hoặc hai người ở một phòng có đủ tiện nghi bếp núc, lò sưởi...

Nước Đức chu cấp ngoài tiền ăn uống tằn tiện, quần áo ra Hoàng cũng còn dư được cỡ 100 euro tiêu vặt mỗi tháng, ốm đau được chữa bệnh miễn phí. Luật pháp Đức rất tôn trọng sự tự giác của mỗi người, trên thực tế Hoàng có thể đi bất cứ đâu trên nước Đức, nhưng nếu cảnh sát hỏi giấy tờ thì sẽ bị phạt nặng vì phạm luật

Bán thuốc lá lậu ở bến tàu

Từ ga tàu điện nổi Landsberger Alee, bắt xe điện (tram) số M8 đi xuôi xuống cỡ chục bến sẽ tới chợ Đồng Xuân. Dọc hành trình này, tôi thường gặp rất nhiều người Việt mình

Ngay lối ra vào ga S-Bahn Landsberger Alee hun hút gió lạnh, tôi bắt gặp cảnh 3, 4 chàng trai người Việt trẻ măng đứng bán thuốc lá lậu cho Tây. Cứ 10-15 phút, khi một chuyến tàu tới ga là họ lại bán được kha khá, dân nghiện thuốc thường mua một lúc dăm bảy bao hoặc một vài cây vì giá rẻ gần một nửa so với mua tại cửa hàng

Đúng ra là chỉ có một người đứng bán, tay xách một chiếc túi nhỏ đựng vài cây, hết hàng có một người khác tiếp tế ngay lập tức, người còn lại làm nhiệm vụ cảnh giới coi chừng cảnh sát ập đến. Theo báo chí Đức, những tụ điểm này thường tập trung tại những ga phía ngoại ô Berlin

Nhìn cảnh những thanh niên còn rất trẻ độ mười tám đôi mươi, áo quần lam lũ phong phanh, mặt mũi xám ngoét đứng trong rét buốt dưới không độ, miệt mài bán thuốc lá lậu cho dân sở tại, chốc chốc họ lại nhớn nhác nhìn ra xung quanh, tôi thấy buốt lòng...

Để có quyền đứng bán thuốc 15 ngày một tháng (vào những ngày chẵn) tại cửa ra vào cái ga ngoại ô xứ người này, mấy thanh niên người Việt tại đây phải nộp cho nhóm bảo kê tới 2.000 euro/tháng. 15 ngày lẻ còn lại do một nhóm khác “thuê bao”

Như vậy, băng nhóm bảo kê cửa ga này đã thu tới 4.000 euro mỗi tháng. Một cậu đứng trên cao, cách đó một đoạn giữ vai trò chỉ đạo, điều hành, cảnh giới cảnh sát. Cả nhóm hiện thuê chung một căn hộ chật chội ở khu Đông Berlin giá 250 euro/tháng để làm chỗ đi về ăn nghỉ

Một cậu trong nhóm tên Tuấn kể, em sang được gần năm rồi hết 11.000 đô la, đến biên giới Séc - Đức là vứt hết giấy tờ đi, rồi bịa ra một cái tên tuổi gì đó. Thậm chí, có một số người mới sang còn khai là người... Lào để khỏi bị bắt về Việt Nam

Tuấn tâm sự, trước đây thì cũng kiếm được khoảng 100 đồng (euro) mỗi ngày, song bây giờ kém lắm vì bị cảnh sát đuổi suốt, chẳng đủ ăn đâu anh ạ. Biết thế này em đã chả sang đây làm gì, không biết lấy gì mà trả nợ ở nhà đây

Nước Đức có chế độ phúc lợi xã hội thuộc diện top đầu thế giới, những người thất nghiệp hay không có giấy tờ hợp pháp như Tuấn đều được bao cấp mọi thứ, từ ăn ở cho tới ốm đau bệnh tật. Thế mới có chuyện, ở nước Đức này, nhiều người có việc làm hợp pháp hẳn hoi lại sống khá chật vật vì phải lo trang trải mọi khoản và chưa chắc đã sướng hơn mấy anh thất nghiệp

Nhưng Tuấn và nhóm bạn cùng quê không chịu ở trong trại mà trốn ra ngoài ở, Tuấn giải thích, vừa tự do hơn lại vừa có tiền. Mấy người bạn Tuấn từ quê sang, đặt chân tới Berlin dăm bữa nửa tháng là lao ra đây bán thuốc, bởi gánh nặng vay lãi cả chục ngàn đô ở quê nhà đang đè nặng lên vai họ

Tuấn mệt mỏi bảo tôi, trông thế này thôi nhưng rủi ro lắm, công an mình sang tận đây phối hợp với cảnh sát Đức túm cổ về như chơi. Bản thân Tuấn đã từng bị cảnh sát Đức bắt nhiều lần về tội bán thuốc lá lậu rồi. Cả nhóm hồn nhiên kể, được cái cảnh sát bên này bắt được cũng chả đánh đập hay làm gì cả, họ chỉ lấy vân tay, ghi tên tuổi rồi lại thả. Bắt được nhiều lần thì phạt tiền, không có tiền nộp thì ngồi tù trừ nợ. Luật bên này rất rõ ràng, thế đấy

Một người bạn tên Cường trong nhóm của Tuấn đã phải ngồi tù dăm tháng về tội bán thuốc lá lậu, được cái đi tù bên này cũng giống như đi an dưỡng ở nhà thôi, Cường cười tỉnh bơ. Một thanh niên đứng cạnh tôi chêm vào: Cảnh sát trông tù bên này như cấp dưỡng phục vụ mình ấy mà. Tivi, sách báo xem thoải mái không mất tiền...

Nghe nhóm thanh niên này hồn nhiên kể chuyện mưu sinh nhọc nhằn nơi xứ người, thậm chí cho chụp ảnh thoải mái cảnh bán thuốc lá lậu mà tôi cứ thấy đắng chát... Họ đã không nhận ra một điều, trên đời này cái khổ nhất của kiếp người là bị mất quyền công dân, mất sự tự do cá nhân - thứ giá trị nhất của mỗi con người.

Ở góc ga ngoại ô Berlin này, tôi còn bắt gặp nhiều nhóm thanh niên người Việt khác, đang liều lĩnh đùa với cái chết trắng. Tuấn cho tôi biết, họ bị nghiện, kiếm được đồng nào từ tiền bán thuốc là lại đem đốt hết. Họ sống vật vờ không mục đích...

Có lần, ngay ở một bến tàu điện ngoại ô phía Đông Berlin, tôi sững người khi nhận được câu trả lời ráo hoảnh của một thanh niên trông dáng càn quấy. Hỏi: Em làm gì bên này? Đáp: Ăn cắp! Tuy nhiên, đến nay nhiều người Việt bên này cho hay, thực trạng đáng hổ thẹn này không phải là phổ biến bởi các siêu thị cũng đã tăng cường cảnh giác và lắp đặt hệ thống báo động, camera theo dõi

Ở Berlin này, nếu bạn xuống tàu ở ga Landsberger Alee sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh những thanh niên người Việt còn rất trẻ tụ tập thành nhóm đi lại nói chuyện oang oang trên đường. Một người Việt sống lâu năm bên này cho tôi biết, hầu hết trong số họ đều không có giấy tờ hợp pháp, chỉ vật vờ sống cho qua ngày

Rõ ràng nước Đức không phải là một thiên đường như họ tưởng - những thanh niên không có nghề nghiệp chuyên môn, không học hành song lại muốn kiếm nhiều tiền bằng mọi giá nơi đất khách. Tất cả họ khi đặt chân đến xứ này đều vỡ mộng và ngộ ra rằng: Nước Đức không hề có chỗ dành cho họ
 
Top