What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tập đoàn Dao Heuang

LOBBY.VN

Administrator
Tập đoàn Đào Hương

LeThiLuong4.jpg

Thương hiệu cà phê "Dao" gần như độc quyền tại Lào và có uy tín với các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản​

- Cúp Bông hồng vàng đã vinh danh bà Lê Thị Lượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đào Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài

Vẫn chỉ là một người phụ nữ Việt bình thường

Bà chủ của một trong những tập đoàn kinh doanh đa ngành lớn nhất Lào vẫn giữ nguyên vẻ phúc hậu, dễ gần và đôi khi pha chút tất tả điển hình của người phụ nữ Việt Nam; chẳng khác so với lần đầu gặp mặt hồi năm 2006 tại dinh cơ của bà tại Pakse

“Tôi vừa phải chạy ra phố mua cái áo khoác mới cho đêm trao giải tối nay. Ban Tổ chức vào đúng ngày cuối mới thông báo không được mặc màu áo trùng với phông màu vàng của sân khấu”, bà Lượng cười thanh minh khi tới muộn dăm phút, cho dù bà đã cẩn thận cử người trợ lý ở nhà đón khách rồi mới một mình tất tả ra phố

Mạng lưới kinh doanh của bà trải dài khắp các tỉnh nam Lào, từ Champasak, Attapeu cho đến Savanakhet, nhưng cuộc đời tần tảo của cô gái làm thuê Lê Thị Lượng với đủ thứ nghề khổ cực ngày nào rồi trở thành một trong những người phụ nữ nổi tiếng trên khắp đất Lào hiện nay thì không hề bằng phẳng

Năm 1960, khi mới 11 tuổi, là chị cả trong một gia đình đằng sau còn 8 đứa em, bà Lượng phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ. Bà phải làm đủ thứ nghề từ gánh nước mướn, giặt mướn, bán khoai nướng, bán chè, cháo, ngô luộc, bán thịt...

Hơn chục năm cóp nhặt được chút vốn, năm 1974, bà lên Viên Chăn làm ăn. Việc làm ăn cũng dễ dàng hơn, nhưng bà vẫn chỉ đủ khả năng loanh quanh dăm nghề vặt như bán bún, làm thạch...

Kể từ sau thời điểm đất nước thống nhất, bà con người Việt sang Lào làm ăn nhiều nên bà Lượng chuyển sang dựng một quầy tạp hoá. Người đi chợ bắt đầu đông đúc, dân nước bạn thì lại chưa quen với chuyện làm ăn nên khi đó bà buôn bán đắt hàng lắm

Khi kinh tế mở cửa, với số vốn gây dựng nên từ quãng thời gian làm bánh-mứt-kẹo rất thành công ở Pakse, bà Lượng đứng ra buôn bán hàng qua đường hàng không, rồi mạnh dạn mở hẳn cửa hàng miễn thuế ở cửa khẩu Lào-Thái

Việc kinh doanh thành công, bà mở tiếp một cửa hàng miễn thuế nữa ở biên giới Lào-Việt. Thấy bà con tiểu thương người Việt mình nay đây mai đó, bà Lượng đứng ra lập chợ Đào Hương, khu chợ có quy mô lớn nhất tỉnh Champasak, để bà con tụ họp về đây buôn có bạn, bán có phường

Rồi để cân bằng hoạt động đang thiên về nhập khẩu của mình, bà Lượng đã tiến hành kế hoạch trồng hàng loạt trang trại cao su, cà phê, sầu riêng để tiến tới xuất khẩu. Hiện nay, tại địa bàn các tỉnh trung và hạ Lào, cà phê mang thương hiệu "Dao" đang đứng vững và chiếm lĩnh thị trường với đủ các chủng loại sản phẩm...

Bà Lượng thổ lộ, ít ai biết được rằng bà đã phải chịu lỗ khá nhiều tiền vào khu chợ Đào Hương, bởi giá cho thuê không thể lấy của bà con quá cao, trong khi chi phí hàng tháng là khá lớn. "Có gì đáng lấy tiền thì lấy, giúp được gì thì giúp. Tôi làm ăn được chút đỉnh thì cũng mong bà con mình làm ăn được”

“Chú tính xem, mình xét cho cùng vẫn là một người phụ nữ Việt bình thường, nếu không giúp bà con mình nơi xứ người thì giúp ai”, bà chủ tập đoàn Đào Hương tâm sự

LeThiLuong1.jpg

Bà Lê Thị Lượng cùng những người phụ tá đã xây dựng nên Đào Hương, một trong những tập đoàn thương mại và chế biến nông sản mạnh nhất tại Lào​

“Mẹ cà-phê” trên cao nguyên Boloven

“Kể từ cái lần gặp chú, Đào Hương giờ mở rộng thêm nhiều lắm: thu mua xuất khẩu cà-phê quy mô lớn; nhà máy sấy trái cây; nhà máy sản xuất nước trà xanh làm đầu ra cho các đồn điền trà tự trồng; nhà máy sản xuất nước khoáng và cuối năm nay khánh thành nhà máy cà-phê hòa tan…”

2 năm nay tập đoàn Đào Hương tập trung nhiều hoạt động đầu tư vào Paksong, thủ phủ cà-phê của đất Lào trên cao nguyên Boloven, nơi cho ra đời một trong những loại cà-phê Arabica ngon nhất thế giới. Hàng ngàn hecta được đầu tư cùng với chính sách thu mua lấy quyền lợi của dân làm trọng, chính sách ươm giống cà-phê rồi tạm ứng trước cho người trồng, xây dựng bệnh viện và trường học cho người dân...

Dự án mới nhất của tập đoàn Đào Hương là nhà máy chế biến sản xuất cà-phê hòa tan trị giá gần 800 tỷ đồng với hy vọng chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Châu Á-TBD và Châu Âu

“Giờ tôi còn có cái tên khác là Mẹ. Người trồng cà-phê ở Paksong họ gọi tôi như vậy, có thể cũng bởi quan điểm của Đào Hương là vì quyền lợi của người lao động, ngay cả trong vấn đề nhạy cảm nhất là giá thu mua”, bà Lượng thổ lộ

Cái chính sách thu mua quyết liệt theo giá thị trường này đã có lần làm khó bà. Ngay từ những năm 2001-2002, người ta đã từng kết tội bà là phá hoại mặt bằng thu mua. Một cuộc gặp với ông Tỉnh trưởng khi đó và cũng chỉ một câu hỏi “Tôi làm như vậy là làm khó dân hay làm khó một bộ phận ép giá thu mua?” đã hóa giải sự hiểu nhầm cho chính sách bám sát thị trường này

“Có những năm kiếm hàng triệu USD khi giá lên, nhưng tôi vẫn xót xa cho bà con trồng cà-phê ở Việt Nam mình. Tôi không hiểu trong nhiều năm cứ công bố sản lượng tăng, trong khi chính tôi gọi điện cho từng chủ vườn ở Tây Nguyên thì họ nói là giảm 30%, 40%, thậm chí có năm tới 50%. Chủ vườn lớn còn kêu mất mùa, vậy sản lượng tăng ở đâu? Công bố như vậy có khác gì giúp thu mua ép giá bà con?”, bà Lượng bức xúc

“Tại sao một tấn cà-phê nhân người nông dân Việt mình bán lãi có 10-20 USD, trong khi tôi bán một tấn lãi tới hàng trăm USD? Tôi thấy thế mà đau cho bà con mình lắm, chú giúp tôi hỏi câu này tới những người có trách nhiệm nhé, cứ nói là bà Lượng nhờ hỏi dùm”, bà chủ tập đoàn Đào Hương vẫn cứ đau đáu câu chuyện kể cả khi đang sải những bước chân lên bậc thềm nhà hát lớn TP HCM
 
Thương hiệu Việt trên đất triệu voi

Trong hành trình đến với Champasak - một vùng đất trù phú, được xem là thủ phủ của Nam Lào, chúng tôi đã cảm nhận được rất nhiều dấu ấn Việt trên đất nước triệu voi. Trong đó, nổi bật nhất về lĩnh vực kinh tế là thương hiệu điển hình mang tên một loài hoa đẹp.

Ngôi sao sáng

Nổi bật trong giới kinh doanh ở Champasak không là đấng mày râu mà lại là một “liễu yếu đào tơ” với thương hiệu Đào Hương. Ông Đặng Văn Luân, Chánh Văn phòng Chợ Đào Hương, một kiều bào tại Lào cho biết, chữ Đào trong tiếng Lào có nghĩa là ngôi sao, chữ Hương có nghĩa là sáng, ghép 2 chữ lại thành ngôi sao sáng. Đào Hương cũng còn có ý nghĩa là một loài hoa đẹp, ngát hương. Còn tên thật của bà chủ thương hiệu Đào Hương là Lê Thị Lượng hay còn được gọi là Lượng Lít Đặng.

t6thuonga.jpg

Một góc chợ Đào Hương​

Bà Lượng là người Lào gốc Việt, có nguồn gốc ở tỉnh Thừa Thiên - Huế nhưng được sinh ra và lớn lên ở vùng đất Pakse, tỉnh lỵ của Champasak. Trước đây, gia đình bà Lượng rất khổ, phải đi ở đợ, làm thuê, bán hàng rong khắp nơi để kiếm sống. Bước ngoặt trong cuộc đời của bà Lượng bắt đầu từ thuở làm bánh gai, kẹo mứt để bỏ mối. Nhờ bánh có chất lượng, bán hàng uy tín... nên hàng của bà không chỉ đáp ứng nhu cầu trong khu vực Pakse mà còn xuất sang các nước như Campuchia, Thái Lan. Năm 1991, Công ty Đào Hương được thành lập và kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan. Dần dần, công ty ăn nên làm ra và tạo được uy tín, thanh thế trên thị trường rộng lớn không chỉ ở Champasak mà còn cả nước Lào và Thái Lan.

Hiện nay, ngoài chợ Đào Hương, bà còn sở hữu các cửa hàng miễn thuế lớn ở thủ đô Viêng Chăn, cửa khẩu Champasak- Thái Lan, Lao Bảo (Quảng Trị), cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). Ngoài hệ thống chợ, siêu thị, bà còn thành lập và phát triển công ty trồng và chế biến cà phê với thương hiệu Đào Hương, quy mô lớn nhất nước Lào. Sản phẩm cà phê Đào Hương gần như thống lĩnh trên toàn thị trường Lào và còn xuất khẩu đi nhiều nước khác ở châu Âu, châu Á. Với những thành tích nổi bật trong kinh doanh, bà Lượng đã từng được vinh danh là một doanh nhân giỏi của khu vực Đông Nam Á, một giám đốc điều hành Tập đoàn Đào Hương nổi tiếng khắp nước Lào. Và dĩ nhiên, mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, bà đã xây dựng thành công một thương hiệu Việt trên đất Lào, góp phần đưa hàng Việt đến với du khách gần xa, trở thành một tấm gương cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên đất nước triệu voi.

Vấn vương hồn Việt

Đến với chợ Đào Hương, ngay trung tâm của Pakse, ta dễ dàng cảm nhận được một không gian rất gần gũi, bởi giao dịch nơi đây không chỉ có tiếng Lào mà còn rộn rã tiếng Việt cùng nhiều hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam.

Trước đây, khu vực này là chợ cũ của tỉnh Champasak đã bị cháy, sau đó Công ty Đào Hương đầu tư xây dựng chợ mới để phục vụ nhu cầu buôn bán của người dân nơi đây. Theo ông Luân, chợ được xây dựng từ năm 1999, quy mô hơn 7 ha, vốn đầu tư hơn 5 triệu USD và được hoàn thành vào đầu năm 2001. Trải qua các năm, nhiều hạng mục khác cũng được đầu tư mới, sửa sang và xây dựng thêm khu nhà phố cạnh bên, nay trở thành một khu vực buôn bán sầm uất. Chợ có hơn 700 gian hàng, nếu tính thêm cả các lô, sạp thì có tới hơn 1.000, trong đó đa phần là người Việt Nam và người Lào buôn bán.

t6thuongb.jpg

Khu hàng của người Việt Nam trong chợ Đào Hương​

Xuất xứ hàng hóa tại chợ chủ yếu từ 3 nguồn chính, gồm: Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc, trong đó hàng Thái Lan chiếm đa phần với chủ yếu các mặt hàng như giày dép, áo quần, đồ xa xỉ phẩm; hàng Việt Nam chủ yếu là nông sản, thủy sản, áo quần... và chiếm khoảng 1/3 số lượng hàng hóa ở chợ. Riêng hàng Trung Quốc tràn ngập đồ điện tử, áo quần, vải vóc, túi xách... nhưng chất lượng không bảo đảm. Vì thế, du khách khi đến với chợ cần xem kỹ xuất xứ sản phẩm trước khi móc hầu bao.

Còn hàng hóa của nước Lào nổi bật nhất trong khu chợ Đào Hương là các loại cá nước ngọt được cung cấp từ 2 dòng sông Mê-kông và Sedone. Ở đây, loài cá lăng sông Mê-kông được người dân Lào cũng như du khách ưa chuộng bởi thịt cá trắng, dai, ăn rất thơm ngon. Người dân nơi đây còn có câu ví rằng “chưa ăn cá lăng xem như chưa đến Pakse”, cũng đủ thấy rằng loài cá này là một đặc sản nổi tiếng của Pakse. Chợ hoạt động bắt đầu từ 8 giờ sáng trong ngày và kết thúc vào lúc 16 giờ. Chợ rất đông đúc, nhộn nhịp cảnh mua bán nhưng dường như không thấy xuất hiện sự cãi cọ hay mắng vốn lẫn nhau. Nếu du khách không thích mua hàng ở một sạp nào đó thì cứ việc thoải mái lựa chọn sạp khác mà không sợ bị chủ chèo kéo, hay nguyền rủa để xả xui. Người Lào thật hiền hòa và gần gũi!

Bà Nguyễn Thị Lệ, quê quán ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, 10 năm trước đây bà qua Pakse với một số bạn bè cùng quê để kinh doanh, buôn bán, thấy làm ăn được nên đưa cả gia đình sang Lào định cư lâu dài. Hiện nay, bà thuê 2 sạp trong chợ Đào Hương để buôn bán, mỗi năm đóng thuế 1.000 USD/sạp. Với mức thuế khá mềm cộng với buôn bán thuận lợi, bà Lệ đủ nuôi sống cả gia đình và còn có tiền về thăm quê.

Ông Khăm-phèn Chăn-kông-xín, Giám đốc chợ Đào Hương cho biết, tổng doanh thu bình quân của chợ Đào Hương đạt khoảng 11 tỷ Kíp/năm (1 Kíp tương đương 2.600 VND), có 140 nhân viên quản lý cùng với hệ thống camera quan sát khá hiện đại. Đây không chỉ là chợ của riêng Champasak mà còn là chợ đầu mối của cả khu vực rộng lớn thuộc Nam Lào. Chợ nằm trên trục hành lang Đông - Tây nên rất thuận lợi cho việc trao đổi, giao thương hàng hóa từ Thái Lan, Việt Nam, Campuchia sang Lào và ngược lại. Cùng với các chợ khác, chợ Đào Hương trở thành một đầu mối trung tâm hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế của địa phương. Chợ cách cửa khẩu Bờ Y (Việt Nam) và cửa khẩu Thái Lan với khoảng cách không xa nên rất tiềm năng. Hiện nay, chợ nhập nhiều hàng nông sản và thủy sản từ Việt Nam sang, hy vọng trong tương lai hàng hóa từ Việt Nam sẽ nhập vào nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của người dân Pakse nói riêng, Nam Lào nói chung.

“Tôi đã từng tháp tùng đoàn lãnh đạo của tỉnh Champasak đi tìm hiểu và trao đổi thông tin, tìm cơ hội giao thương với các tỉnh ở Việt Nam, trong đó có Bình Dương. Qua đó, thấy Bình Dương phát triển rất nhanh, nhiều khu công nghiệp, nhà máy được xây dựng. Cá nhân tôi mong muốn các nhà doanh nghiệp ở Bình Dương nói riêng, Việt Nam nói chung tăng cường đầu tư hơn nữa vào Champasak cũng như Lào để hai nước cùng phát triển, cùng thắt chặt mối quan hệ truyền thống lâu đời, mãi mãi bền vững” - ông Khăm-phèn Chăn-kông-xín nói.
 
Nữ tướng người Việt trên cao nguyên Boloven

Bà Lê Thị Lượng nói với chúng tôi rằng: Dao Heuang trong cắt nghĩa của người Lào là ngôi sao sáng và đó là cách mọi người đang gọi tôi hiện nay. Thực tình khi chọn cái tên này để bước ra thị trường tôi không nghĩ rằng có ngày người ta dành nó cho tôi. Chẳng qua cũng chỉ là một ước mơ nhỏ”. Với chúng tôi – những người làm báo thì cho rằng với ước mơ nhỏ bé đó nhưng thực sự bà Lê Thị Lượng đã làm nó tỏa sáng trên cao nguyên Boloven.

Tập đoàn kinh tế Dao Heuang (Đào Hương) được biết đến là doanh nghiệp lớn nhất đất nước Lào trong lĩnh vực trồng trọt, sản xuất và chế biến cà phê. Nhưng vị thế có được hôm nay của Dao Heuang đã phải trải qua muôn vàn sóng gió. Ngôi sao bé nhỏ có những lúc tưởng chừng vụt tắt. Đó là vào năm 1999, năm đầu tiên sau 9 năm tham gia hoạt động thương mại, bà Lê Thị Lượng cùng chồng là ông Đặng Đỗ Hảo (tên Lào là Hao Lit Dang) quyết định mở rộng đầu tư thêm trang trại cà phê. 150ha cà phê của vụ đầu tiên đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch đầu tiên thì sau một đêm sương muối toàn bộ diện tích cà phê héo úa thành củi. Trong khi đó các lĩnh vực kinh doanh khác cũng đứng trước nguy cơ suy sụp do sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Nhưng trong khó khăn thử thách bản lĩnh của người phụ nữ mang dòng máu Việt không chịu chùn bước. Bà Dao Heuong vẫn kiên định với mục tiêu đưa cây cà phê trở thành sản phẩm chủ lực của tập đoàn mình. Sau thất bại đầu tiên, bà cho trồng lại 70ha, rồi thêm 80ha năm kế tiếp và cho đến nay trang trại của bà có 235ha cây cà phê, giống cà phê chè - Abica. Nhưng đó mới là diện tích của trang trại do tập đoàn quản lý. Sau 12 năm đầu tư vào cây cà phê bà đã mở rộng được vùng nguyên liệu với diện tích trên 20.000ha. Để có được vùng nguyên liệu này, ông bà cũng đã rất dày công vận động, tuyên truyền, thuyết phục và hỗ trợ giống, phân bón để nhân dân địa phương tham gia đổi mới tư duy phát triển kinh tế. Vậy là trên một vùng cao nguyên Boloven rộng lớn của đất nước triệu voi, những nông trại, lâm trường cà phê đã phủ xanh đồi dốc, đồng thời thay đổi cuộc sống cho hàng ngàn hộ dân.

Thành công của vùng nguyên liệu đã tạo đà cho sự lớn mạnh của tập đoàn kinh tế Dao Heuang cho dù, doang nghiệp này còn kinh doanh nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, xuất nhập khẩu, thương mại. 100 triệu USD đầu tư vào trung tâm chế biến cà phê với 3 nhà máy quy mô gần 50 ha tại bản Paxieng đủ gây lo lắng cho bất cứ doanh nghiệp nào. Nhưng với bà Dao Heuang - Lê Thị Lượng thì đây mới chỉ là điểm khởi đầu, cho dù vào thời vụ mỗi ngày tập đoàn thu mua 200 tấn cà phê của nông dân từ vùng nguyên liệu để sản xuất cà phê nhân xuất sang thị trường Nhật Bản, mỗi tháng công suất chế biến đạt 108 tấn cà phê loại sấy phun và sấy lạnh – đây cũng đồng thời là 2 sản phẩm cà phê cao cấp đặc thù của tập đoàn. Nhưng chưa hết dây chuyền sản xuất đóng gói cà phê hòa tan 3 trong 1 mỗi ngày xuất xưởng 400 thùng cà phê với chất lượng được đánh giá là có thể so sánh với bất cứ thương hiệu nào ở khu vực. Vậy nhưng, đã có lúc những nghi ngại khiến Dao Heuang đứng bên bờ vực đổ vỡ. Ông Đặng Đỗ Hảo còn nhớ, vào năm 2005 khi đưa sản phẩm của tập đoàn đi tham gia hội chợ ở nước ngoài, người ta đã không nghĩ có thể một thương hiệu cà phê xuất xứ từ đất nước Lào – nơi nền sản xuất chưa bao giờ được biết đến. Nhưng rồi khi được thử vị cà phê của vùng đất đỏ bazan trên cao nguyên Bolovan, nhất là sau khi được tận mắt chứng kiến hoạt động của các nhà máy sản xuất, chế biến cà phê của Dao Heuang nhiều chuyên gia quốc tế đã không khỏi ngỡ ngàng.

Với dây chuyền công nghệ tiên tiến nhất của Đan Mạch, Đức, Nhật Bản, Dao Heuang đã khuất phục được những khách hàng khó tính nhất. Và trên 300 cán bộ, kỹ sư, công nhân của trung tâm chế biến cà phê hoàn toàn có quyền tự hào với đóng góp của mình. Không chỉ có vậy, ngay trên vùng nguyên liệu, cuối năm 2011 vợ chồng ông Đặng Đỗ Hảo và bà Lê Thị Lượng đã đầu tư 3 nhà xưởng chà vỏ cà phê tươi với công suất 2.100 tấn/giờ, qua đó đảm bảo khép kín quy trình sản xuất, chế biến cà phê từ khâu đầu tiên đến khâu thành phẩm cuối cùng. Với trên 80 chủng loại sản phẩm cà phê mang thương hiệu Dao Heuang trên cao nguyên có độ cao chênh lệch 1.200m của đất nước xứ sở đoọc khun không phải ai cũng dám mơ ước, song nữ doanh nhân Việt kiều Lê Thị Lượng đã làm được. Đó chẳng phải là niềm tự hào của người Việt sao?

1.JPG

Văn phòng Công ty DAO HEUANG tại CHAMPASAK

12.JPG

Nhà máy Cà phê DAO HEUANG

2.JPG

Kho cà phê nhân

2a.JPG

Cà phê nhân chuyển vào hệ thố ng làm sạch tạp chất

3.JPG

Hệ thống máy sao rang công nghệ hiện đại

4.JPG

Cà phê rang xong sẽ được chuyển đến công đoạn nghiền bột

5.JPG

6.JPG

7.JPG

Đóng gói cà phê

8.JPG

Chúng tôi tìm hiểu về giá cà phê qua một nông dân bản Nong boua

9.JPG

Không nơi nào có vườn Cà phê được trồng cây dưới bóng mát như ở đây

10.JPG

PV Bà Đào Hương - Nữ tưởng người Việt trên cao nguyên Boloven

11.JPG

Phỏng vấn công nhân Công ty Cà phê DAO HUEANG
 
Khánh thành nhà máy cà phê của Việt kiều tại Lào
Vừa qua, Tập đoàn Đào Hương do bà Lê Thị Lượng, Việt kiều tại Lào làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị đã khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất cà phê tan quy mô gần 9.000 m2, tổng vốn đầu tư 29 triệu euro

Cafe Đào hiện là thương hiệu đã chiếm lĩnh thị trường Lào và Thái Lan. Với sự đầu tư này, mục tiêu của Tập đoàn là chiếm lĩnh thêm thị phần ở Nhật, Đài Loan và châu Âu

Tại Lào, Đào Hương là tập đoàn chuyên thu mua, xuất khẩu cà phê quy mô lớn. Hiện, tập đoàn có nhà máy sấy trái cây, nước trà xanh, nước khoáng, cà-phê hòa tan xuất khẩu. Tập đoàn cũng có 250 ha trồng cà phê ở tỉnh Champasak, thu hoạch mỗi năm là 500 tấn, mang lại 1,1 triệu USD/năm

Bà Lượng, được đánh giá là doanh nhân gốc Việt uy tín tại Lào và có nhiều đóng góp cho nước Lào cũng như cho cộng đồng Việt kiều tại đây. Hiện bà Lượng là Ủy viên Ban chấp hành nhiệm kỳ II của Hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài
 
Top