What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tập đoàn kinh tế gia đình

LOBBY.VN

Administrator
Bí ẩn những gia tộc quyền lực đang thâu tóm kinh tế châu Á

Một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế châu Á trong vài thập kỷ qua chính là sự phát triển của các tập đoàn gia đình trị

Khoảng 25km về phía Tây nhộn nhịp và đông đúc của trung tâm thủ đô Jakarta, người ta sẽ nhìn thấy ngôi làng Lippo – nơi khác hoàn toàn với phần còn lại của Indonesia

Làng Lippo được thiết kế tổng thể bởi kiến trúc sư người Scotland Gordon Benton với những ngôi nhà theo phong cách phương Tây nằm thẳng hàng, sân golf, trung tâm mua sắm, bệnh viện, văn phòng và rất nhiều hạ tầng hiện đại khác. Đặc biệt, có tới 154.751 cây xanh được trồng ở đây, đường giao thông dài 120km, hệ thống thoát nước kéo dài 250km và một nhà máy xử lý chất thải riêng cho ngôi làng

Một điều mà ít ai ngờ tới là chỉ khoảng 2 thập kỷ trước, đây vẫn là vùng đất cằn cỗi và hoang vu. Và người mang đến sự thay đổi cho vùng đất này là Lippo Karawaci – một nhà phát triển bất động sản thuộc gia tộc Lippo nổi tiếng ở Indonesia. Công ty của ông Karawaci đã mua 1.200 ha đất ở đây và mở rộng nó lên thành 3.000 ha

Lippo Group là một ví dụ điển hình cho các tập đoàn gia đình trị ở châu Á đã dùng tiền và sức ảnh hưởng của mình để đầu tư vào những nơi từng bị xem là rủi ro và gánh nặng

Được thành lập bởi Mochtar Riady, ban đầu tập đoàn Lippo hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phụ tùng xe đạp, sau đó lấn sang lĩnh vực ngân hàng với việc thành lập Lippo Bank. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã khiến cho hoạt động của Lippo Bank gặp khó khăn. Ngay lập tức, Mochtar đã nhìn thấy cơ hội từ khủng hoảng và chuyển hoạt động sang lĩnh vực bất động sản cho đến ngày nay

Túi tiền lớn

Các tập đoàn gia đình trị ở châu Á đang tận dụng lợi thế nguồn lực tài chính dồi dào để xây dựng thị trường mới

Tại Ấn Độ, Reliance Industries – một đế chế hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, hóa dầu, dệt may, tài nguyên thiên nhiên và bán lẻ thuộc gia tộc Mukesh do tỷ phú Mukesh Ambani đứng đầu, cũng đang tiếp tục chứng tỏ sức mạnh tài chính khi lấn sang thị trường dữ liệu điện thoại di động

Tỷ phú Mukesh Ambani từng khiến giới đưa tin xôn xao khi tuyên bố cung cấp tính năng sử dụng mạng 4G miễn phí cho 80% người dân Ấn Độ. Đây là dịch vụ mới Reliance Jio mà tỷ phú giàu nhất nước này cung cấp, trị giá mạng lưới này được ước tính khoảng 20 tỷ USD

Trước đó, ông Ambani từng hứa sẽ cung ứng dịch vụ giá cực thấp với tốc độ download có khả năng truyền tải trực tiếp video cho người dân. Cước dịch vụ này được miễn phí đến cuối năm 2016 và người dùng sẽ chỉ phải trả 149 rupee/tháng, tương đương 2,25 USD/tháng sau thời gian này

Theo hãng xếp hạng tín dụng Fitch Rating, doanh thu từ hoạt động hóa dầu và lọc dầu của Reliance Industries đủ lớn để tập đoàn này duy trì hoạt động viễn thông miễn phí trong một thời gian. Sau đó, tận dụng lợi thế và tiềm năng tăng trưởng của thị trường viễn thông Ấn Độ, với cơ sở hạ tầng mạnh và giá cả phải chăng, dịch vụ dữ liệu 4G được kỳ vọng sẽ đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Reliance Industries

Tại Trung Quốc, sức mạnh của các tập đoàn gia đình trị còn được thể hiện thông qua việc đưa đất nước này ra khỏi lạc hậu về kinh tế. Năm 1978, Đặng Tiểu Bình – lãnh đạo tối cao của Trung Quốc lúc bấy giờ đã kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm tạo ra một cuộc cách mạng trong cải cách và mở cửa nền kinh tế. Nắm bắt cơ hội này, rất nhiều tập đoàn gia đình trị của nước ngoài đã “nhảy vào” thị trường Trung Quốc

Tỷ phú Thái Lan Dhanin Chearavanont - ông chủ của CP Group, tập đoàn đa ngành hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là nông nghiệp, phân phối bán lẻ và viễn thông, là người đầu tiên có kế hoạch đầu tư vào tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc. “Khi tôi đến đó, nơi này ảm đảm và không có gì, nhưng tôi đã nhìn thấy cơ hội để phát triển một cái gì đó từ chính mảnh đất khô cằn này” – tỷ phú Thái Lan chia sẻ

Và chỉ đến cuối những năm 1979, khi ông quay lại, Quảng Châu đã trở thành một nơi “không thể nhận ra”. CP cũng là tập đoàn đầu tiên đã mở một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc – nơi cha Dhanin Chearavanont sinh ra và là nơi ông học tiểu học

Chia Tai Group, hay còn được biết đến với cái tên CP ở Trung Quốc, đã trở thành một tập đoàn lớn mạnh như chính công ty mẹ khi đầu tư tổng cộng 110 tỷ Nhân Dân tệ (tương đương 15,9 tỷ USD) với doanh thu năm 2015 đạt 100 tỷ Nhân Dân tệ

Robert Kuok Hock Nien, một nhà tài phiệt người Malaysia gốc Hoa cũng đi đầu trong chiến dịch đầu tư vào Trung Quốc. Xuất thân từ ngành mía đường, năm 1985, Tập đoàn Kuok Group do gia tộc Kuok đứng đằng sau đã mở rộng chỗ đứng của mình trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc khi xây dựng một trung tâm thương mại lớn nhất thế giới ở Bắc Kinh. Đến nay, hơn 60 khách sạn của gia tộc này đã hoạt động tại Trung Quốc và hơn một nửa hoạt động trên toàn cầu

Trong bối cảnh nhiều nhà sản xuất lớn Hồng Kong cũng chuyển địa điểm hoạt động về Trung Quốc, đặc biệt là các vùng lân cận tỉnh Quảng Châu, CLP Holdings – một công ty điện lực do gia tộc Kadoorie đứng sau, đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội đầu tư vào vùng này. Năm 1985, bắt tay với công ty đầu tư hạt nhân Quảng Đông, CLP đã xây dựng một nhà máy điện hạt nhân cung cấp điện cho cả 2 thành phố Quảng Đông và Thượng Hải

Ngoài các lĩnh vực kinh doanh chính ở Hồng Kong và Thượng Hải, gia tộc Kadoorie còn đứng sau hệ thống khách sạn Peninsula Hotel và Peak Tram tại Hồng Kong. Không những thế, Kadoorie còn sở hữu hệ thống khách sạn hạng sang ở Trung Quốc bao gồm Astor House Hotel ở Thượng Hải, hay Jianguo Hotel ở Bắc Kinh

Ăn nên làm ra

Song song với việc mở rộng hoạt động kinh doanh, các công ty gia đình trị ở châu Á cũng được nhận định là có tiềm năng đầu tư tốt hơn. Chẳng hạn như tập đoàn điện tử Samsung của tỷ phú Lee Kun-hee hay tập đoàn bất động sản Cheung Kong của tỷ phú Li Ka-shing. Vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết lớn thuộc tập đoàn Samsung lên tới 278 tỷ USD, trong khi tập đoàn Cheung Kong đạt 142 tỷ USD

“Các công ty gia đình thường hoạt động tốt hơn so với công ty nhà nước hoặc tập đoàn tự thân. Sức mạnh của họ đến từ những khả năng vô hình như mối quan hệ, sự tin tưởng, mạng lưới quen biết và các giá trị mà không thể mua hoặc bán trên thị trường” - Joseph P.H. Fan, Giáo sư chuyên nghiên cứu về hoạt động của các công ty gia đình trị tại Đại học Trung Quốc ở Hồng Kong cho biết

Tại Hàn Quốc, trong suốt thời kỳ trị vì của Tổng thống Park Chung-hee, các chaebol đã tích cực phát triển và lớn mạnh, trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc, tạo nên “sự kì diệu bên bờ sông Hàn” từ cuối những năm 1960

Tuy nhiên, điểm yếu của các công ty gia đình trị chính là trao quyền và kế vị. Những xung đột quyền lực trong việc lựa chọn người kế vị đã ảnh hưởng lớn đến danh tiếng của các công ty và phản ánh trực tiếp vào giá cổ phiếu

Tại Hàn Quốc, vụ bê bối “Choigate” mới đây đã hé lộ quan hệ thông đồng giữa các chính trị gia và các tập đoàn gia đình trị. Nhiều chính trị gia đứng đằng sau các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, thường gọi là chaebol để lập quỹ lập quỹ cho riêng họ, đồng thời tạo thuận lợi trong việc kinh doanh cho công ty

Tập đoàn Samsung của gia tộc Lee bị cáo buộc đã mua chuộc bà Choi Soon-sil – thân tín lâu năm của Tổng thống vừa bị đình chỉ chức vụ Park Geun-hye - gây nên một trong những vụ bê bối lớn nhất trong chính trường Hàn Quốc. Hiện các công tố viên nước này đang tiến hành điều tra và lục soát văn phòng Samsung

Bên cạnh Hàn Quốc, Hồng Kong cũng là nơi mà mối quan hệ giữa quyền lực chính trị và các tập đoàn gia đình luôn bị đặt dấu hỏi

Tuy nhiên, dù tốt hay xấu, có một thực tế không thể phủ nhận là các tập đoàn gia đình trị phát triển rất tốt và trở thành “xương sống” của nền kinh tế châu Á

Trong một khu vực mà phần lớn công ty nhà nước chi phối nền kinh tế, các tập đoàn gia đình trị thường sử dụng sức mạnh của đồng tiền, quan hệ và khả năng lãnh đạo để củng cố vị trí của gia tộc mình. Rất nhiều tập đoàn liên kết với các công ty nước ngoài để làm chủ thị trường

Theo nghiên cứu của một ngân hàng đầu tư, xét về giá trị cổ phiếu thì các doanh nghiệp do gia tộc lớn nắm giữ có xu hướng hoạt động hiệu quả hơn cổ phiếu blue-chips thông thường

Tuy nhiên cũng có một vấn đề các nhà đầu tư cần lưu ý là các công ty gia đình thường truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và rất dễ xảy ra mâu thuẫn hoặc xung đột quyền lực khi chọn người kế vị. Bên cạnh đó, do quan hệ mật thiết với chính phủ nên họ thường bị cáo buộc thông đồng với quan chức chính phủ

Hà My
 
Last edited:
Tài sản của 3 gia tộc giàu nhất Mỹ tăng gần 6.000% trong 36 năm
Tổng tài sản của 3 gia tộc này lớn gấp 4 triệu lần tài sản trung bình của một gia đình Mỹ...

Theo tờ The Guardian, tổng giá trị tài sản của 3 gia tộc giàu nhất tại Mỹ hiện là 348,7 tỷ USD, tăng 6.000% kể từ năm 1982

Ba gia tộc này gồm nhà Waltons - sở hữu hãng bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart, nhà Mars - chủ đế chế kẹo Mars lớn nhất thế giới và anh em nhà Koch - thừa kế công ty thuộc sở hữu tư nhân lớn thứ 2 tại Mỹ Koch Industries. Họ đều là những người thừa kế cơ nghiệp được xây dựng bởi cha ông mình. Tổng tài sản của 3 gia tộc này lớn gấp 4 triệu lần giá trị tài sản trung bình của một gia đình Mỹ

Nếu như từ năm 1982, tài sản của 3 gia đình này đã tăng thêm gần 60 lần (đã được điều chỉnh theo lạm phát), tài sản trung bình của hộ gia đình Mỹ lại giảm 3%

Cụ thể, tài sản của gia đình Walton đã tăng từ 690 triệu USD vào năm 1982 (tương đương 1,81 tỷ USD vào năm 2018) lên 169,7 tỷ USD trong năm 2018 - tương đương mức tăng hơn 9.000%

Thông thường tài sản của các gia đình sẽ tiêu tán bớt qua nhiều thế hệ khi tiền được tiêu đi, chuyển cho những người thừa kế, làm từ thiện và trả thuế. Chỉ khi có sự can thiệp tích cực, tài sản của các gia tộc này mới có thể tiếp tục tăng lên qua nhiều thế hệ, thậm chí khi số lượng người thừa kế tăng lên

Nhiều gia đình đã dùng quyền lực lớn của mình để can thiệp, chi triệu USD để bảo vệ khối tài sản tỷ USD của mình. Theo tờ The Guardian, một số gia đình đã vận động Quốc hội để đưa ra những quy định có lợi cho tài sản của gia tộc, như giảm thuế, các chính sách công giúp làm giàu thêm cho các doanh nghiệp của mình

Vào đầu những năm 2000, gia đình Mars, Walton và Gallo đã tích cực vận động để bãi bỏ thuế tài sản liên bang - vốn được trả chủ yếu bởi các triệu phú và tỷ phú. Anh em nhà Koch cũng xây dựng mạng lưới tài trợ nổi tiếng để vận động cắt giảm thuế cho người giàu, rút lại các quy định đối với ngành công nghiệp năng lượng - lĩnh vực mang lại nguồn thu lớn nhất cho đế chế Koch Industries của gia đình

Một số gia tộc giàu có khác sử dụng thủ thuật để che đậy bớt tài sản và chuyển cho những người thừa kế. Họ thuê những "đội quân" kế toán thuế, nhà quản lý tài sản, luật sư để thành lập các quỹ tín thác, tạo doanh nghiệp lá chắn và tài khoản ở nước ngoài để chuyển tiền lòng vòng, tránh phải nộp thuế và giải trình

Đơn cử trường hợp ông trùm sòng bạc Sheldon Adelson, xếp thứ 15 trong danh sách 500 người giàu nhất tại Mỹ do Tạp chí Forbes đưa ra, đã sử dụng các cơ chế tín thác phức tạp để chuyển 7,9 tỷ USD cho các con và tránh được 2,8 tỷ USD tiền thuế tài sản và thừa kế. Ông Adelson gần đây quyên góp hơn 100 triệu cho các chiến dịch trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ

Tuy nhiên, không phải tất cả người giàu đều chú trọng tới việc tích trữ tài sản cho thế hệ sau. Warren Buffett - người giàu thứ 3 thế giới, đã quyết định không cho con cái thừa kế khối tài sản khổng lồ. Thay vào đó, ông cam kết dành tài sản làm từ thiện và đóng góp cho cộng đồng thông qua việc nộp thuế cũng như ủng hộ việc tăng thuế tài sản

Phương Linh
 
Last edited:
Tư duy làm ăn của giới siêu giàu


Tỉ phú George Soros, nhà đầu cơ lừng danh thế giới, đã chuyển gần hết tài sản cá nhân cho tổ chức từ thiện của gia đình

Theo tờ tạp chí Economist, các dịch vụ quản lý tài sản gia đình hiện đại (family office) tại California hay Singapore là hình mẫu cho các doanh nghiệp tài chính hàng đầu hiện nay

Họ đầu tư vào chứng khoán Canada, bất động sản châu Âu và các startup tại Trung Quốc

Họ chính là giới siêu giàu, những người có tài sản trên 100 triệu USD, tức 0,001% người đứng đầu thế giới

Khi thế giới có thêm những người giàu có thì nền tài chính cũng biến đổi theo. Những người giàu có đã biết gạt bỏ tầng lớp trung gian để tạo nên những doanh nghiệp quản lý tài sản kiểu gia đình như family office

Lĩnh vực hoạt động chính của các công ty này là là quản lý tài sản tài chính, nhưng họ lùng sục khắp nơi mọi hàng cùng ngõ hẻm để tìm kiếm cơ hội, và mỗi công ty như thế có hàng trăm nhân viên, làm đủ thức việc như thuế, pháp lý, đặt chuyên cơ riêng và chăm sóc cho bất kỳ loại thú cưng nào họ muốn

The Economist nhận định các dịch vụ quản lý tài sản gia đình đang trở thành một thế lực trong lĩnh vực đầu tư khi sở hữu khối tài sản lên đến 4.000 tỉ, nhiều hơn bất kỳ quỹ phòng hộ (hedge fund) nào và tương đương 6% giá trị thị trường chứng khoán toàn cầu

Các doanh nghiệp kiểu này thực sự bùng nổ trong thế kỷ 21 với số lượng lên đến 5.000 đến 10.000, và đặt trụ sở tại Mỹ, châu Âu và các trung tâm châu Á như Singapore hay Hong Kong

Họ chính là những ông trùm châu Á như tỉ phú Jack Ma của Alibaba ở Trung Quốc hay nhà tài phiệt George Soros ở phương Tây

Các doanh nghiệp gia đình của các đại tỉ phú này không thua gì các tâp đoạn tại phố Wall, cạnh tranh trực tiếp với giới ngân hàng và tổ chức cổ phần tư nhân để mua lại các công ty khác

Theo The Economist, kể từ năm 1980, lượng tài sản mà nhóm 0,01% người giàu nhất thế giới sở hữu đã tăng từ 3% lên 8%

Nhóm này vừa nhận cổ tức và thu lời từ các cổ phiếu lần đầu phát hành ra công chúng (IPO), lại vừa tiếp tục tái đầu tư tiền của mình

Các cuộc khủng hoảng tài chính khiến cho đa số người giàu có dần mất niềm tin vào các quản lý quỹ ngoài, thay vào đó họ đặt niềm tin vào các các ngân hàng tư nhân

Tuy nhiên, vẫn còn đó những lo ngại từ đe dọa ổn định hệ thống tài chính, hay thâu tóm quyền lực kinh tế

Tuy nhiên, theo Economist, mục tiêu của giới siêu giàu lại là phân tán rủi ro chứ không phải là tập trung quyền lực, bằng cách chuyển vốn từ doanh nghiệp gia đình sang nhiều danh mục kinh doanh khác

Khác với các quỹ phòng hộ, các doanh nghiệp quản lý tài sản này có thói quen đón nhận cái mới và rất thích các công ty khởi nghiệp

Nguyên Hạnh
 
Gia tộc châu Á tìm cách phát triển kinh doanh trong 1.000 năm
Cách đây 130 năm, Lee Kum Sheung tình cờ phát minh ra dầu hào khi ông nấu một nồi hàu quá lâu, kết hợp với gia vị ngọt và mặn sẽ trở thành một món ăn chính của ẩm thực Quảng Đông. Và những người thừa kế của ông đã không bỏ qua cơ hội làm việc để chứng minh họ đang kế vị một trong những gia tộc giàu có nhất châu Á

Đến nay với thế hệ thứ năm, gia tộc Lee Kum Kee của Hong Kong (Trung Quốc) đã trở thành một trường hợp nghiên cứu mang tính giáo dục cho các gia đình giàu có ở châu Á. Nhiều người trong số đó đang loay hoay tìm cách để gia đình mình thoát khỏi câu ngạn ngữ "không ai giàu 3 họ"

Gia đình Lee đưa ra một hệ thống quản trị toàn diện “khác thường” vào đầu những năm 2000 sau khi người đứng đầu hiện tại, Lee Man Tat, phải trải qua các cuộc chiến giành quyền kiểm soát với các chú và sau đó là anh trai mình. Gia tộc gần như bị chia rẽ lần thứ ba vào cuối những năm 1990 sau khi con trai út của Lee đe dọa rút khỏi tập đoàn để giành quyền kiểm soát một công ty đầu tư

Các nhà lãnh đạo của gia tộc, nắm giữ khối tài sản trị giá khoảng 15 tỷ USD, hiện đang điều chỉnh hệ thống quản trị để “hấp dẫn” thế hệ trẻ hơn. Các sáng kiến gần đây bao gồm việc biến các đơn vị kinh doanh vốn như công ty đầu tư mạo hiểm của tập đoàn thành nơi "đào tạo con cháu" và đưa những thành viên trong gia tộc đến những nơi như Thung lũng Silicon và Israel để học tập. Mục tiêu chính của việc này là giữ cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong 1.000 năm

1000x-1-8474-1567259708.jpg

Ông Lee Man Tat năm 2013

Lee Man Tat, 89 tuổi, lần đầu tiên đứng ở vị trí điều hành gia tộc cũng cách đây gần 50 năm. Sau khi giải quyết tranh chấp với các chú của mình, ông đã mời anh trai giúp lãnh đạo công ty. Nhưng tầm nhìn của công ty chuyển hướng vào những năm 1980 và Lee Man Tat cuối cùng lấy lại toàn bộ quyền sở hữu. Các con ông cùng lúc đó cũng tham gia kinh doanh, sau khi lấy được bằng ở Mỹ, bao gồm cả khoa học thực phẩm, kỹ thuật hóa học, tiếp thị và tài chính

Gia tộc Lee đã tăng cường hoạt động quản trị sau những cuộc khủng hoảng kép vào cuối những năm 1990, khi châu Á bị sa lầy trong một cuộc khủng hoảng tài chính và con trai út của Lee Man Tat, Sammy Lee, đe dọa rời khỏi công việc gia đình. Công ty đã thành lập một hội đồng gia đình vào năm 2002, đặt nền móng cho văn phòng gia đình, hiến pháp gia đình, nền tảng gia đình và trung tâm học tập gia đình

Các quy tắc điều lệ của công ty trong đó bao gồm: Chỉ những người trong huyết thống mới có thể sở hữu cổ phần; tập đoàn không tuyển dụng con rể hoặc con dâu; và những người thừa kế trẻ hơn được yêu cầu làm việc bên ngoài doanh nghiệp gia đình trước khi trở về. Một màn hình điện tử tại trụ sở của một trong những chi nhánh của tập đoàn gần đây cho thấy hội đồng đã họp 65 lần trong 16 năm, 215 ngày và 17 giờ

Ngày nay, các hoạt động kinh doanh của gia tộc nhà Lee Kum Kee đa dạng hơn ngoài dầu hào, với một trong số đó là tập đoàn do 2 con trai của Lee Man Tat là Charlie và Eddy quản lý. Tập đoàn này tham gia vào tất cả mọi thứ, từ bất động sản đến chăm sóc sức khỏe và đầu tư mạo hiểm. Họ đã mua tòa tháp Walkie Talkie của London trong một hợp đồng trị giá kỷ lục 1,7 tỷ USD vào năm 2017 và đang hoàn thiện một trụ sở của mình Quảng Châu. Trụ sở tập đoàn được kiến trúc sư người Anh gốc Iraq, Zaha Hadid thiết kế. Bà là người phụ nữ đầu tiên nhận giải thưởng kiến trúc Pritzker

800x-1-9463-1567259709.jpg

Tòa nhà "Walkie-Talkie"

Công ty sản phẩm sức khỏe LKK, do Sammy lãnh đạo, có vẻ đã vượt trên cả ngành kinh doanh dầu hào để trở thành viên ngọc quý của tập đoàn. Công ty con Infinitus Co. có doanh thu khoảng 4,5 tỷ USD, trở thành doanh nghiệp bán hàng trực tiếp lớn nhất thế giới sau Amway, Avon và Herbalife, theo Direct Sell News. Sản phẩm của công ty bao gồm thuốc bổ sức khỏe, trà hỗn hợp và các sản phẩm chăm sóc da

Đây cũng là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực như vậy ở Trung Quốc, có thể gặp rủi ro. Truyền thông Trung Quốc năm nay đưa tin, các nhà chức trách đã ra lệnh điều tra quảng cáo sai lệch bởi một đại lý sản phẩm Infinitus có khách hàng bị đau tim. Công ty không phải bồi thường. Tuy nhiên, trong một trường hợp khác vào năm 2016, một tòa án đã ra lệnh cho Infinitus và một đại lý bồi thường cho một người đàn ông có vợ qua đời

“Cuộc thử nghiệm thực sự cho Lee Kum Kee sẽ là liệu thế hệ mới có thể duy trì công việc kinh doanh hay không khi Lee Man Tat nghỉ hưu”, Joseph Fan, Giáo sư tài chính tại Đại học Trung Quốc Hong Kong, nói. Nghiên cứu của ông cho thấy các vấn đề kế nhiệm gia đình Trung Quốc có liên quan đến việc mất hơn một nửa giá trị của các doanh nghiệp đối với các giao dịch công khai

Theo nghiên cứu của Kellogg School thì thế hệ thứ 5 của Lee Kum Kee cho thấy sự thích thú trong kinh doanh với một vài người có lợi thế về việc được thực tập và đào tạo kỹ càng

Theo Eric Ng, Giám đốc điều hành công ty đầu tư mạo hiểm của tập đoàn, Happiness Capital, người đầu tư vào Beyond Meat và Omnipork of Green Saturday, trụ sở tại Hong Kong. “Vài năm gần đây đã khởi sắc"

Trong một cuộc phỏng vấn, Ng cho biết, “Các thành viên thế hệ thứ năm tham gia vào cuộc họp tại công ty như như một phần của chương trình thực tập sinh. Nhóm G5, như được biết đến trong đó bao gồm cả Sammy – người đứng đầu công ty, tham gia vào “các chuyến đi” tìm kiếm các thỏa thuận cho nguồn cung ứng, nói chuyện với các công ty khởi nghiệp và đầu tư"

Ng đang đưa một số thành viên trong gia đình tham gia một chuyến đi đổi mới sắp tới tới Berlin, và một số người vốn đã rút lui khỏi công cuộc kinh doanh của gia đình đã quay trở lại

Lee Chack Fan, một giáo sư đã nghỉ hưu của Đại học Hong Kong, tập đoàn dòng họ Lee đang phải đối mặt với câu chuyện kế nghiệp

"Gia tộc Lee không chỉ phải giải quyết vấn đề kế tục mà còn phải mở rộng và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Họ phải đáp ứng nhu cầu của thị trường khi mọi thứ thay đổi", giáo sư Lee nói
 
Gia tộc kinh doanh
18 năm đồng hành và kế thừa tinh hoa

632x390px_trang-mo-dau_lf_201310708.jpg

Kinh tế tư nhân đã trở thành 1 trong 3 trụ cột quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam

Kinh tế tư nhân đã trở thành 1 trong 3 trụ cột quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Đáng chú ý, sau hơn 35 năm đổi mới, trong khối kinh tế tư nhân, doanh nghiệp gia đình có xu hướng vượt trội hơn các loại hình doanh nghiệp khác về doanh số, lợi nhuận và các chỉ số tăng trưởng khác

Thống kê của VCCI cho thấy 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đã đóng góp khoảng 1/4 GDP cả nước. Xu hướng này phù hợp với xu hướng trên toàn cầu khi 500 thương hiệu công ty thành công lớn nhất trên thế giới có tới hơn 1/3 là công ty theo mô hình gia đình; gần 1.000 công ty gia đình với vốn hóa thị trường ít nhất 1 tỉ USD

Doanh nghiệp gia đình nắm giữ các bí quyết kinh doanh hay những công thức sản xuất “gia truyền”, cùng sự gắn kết có tính dòng tộc đã gặt hái nhiều thành công nổi trội. Trong lịch sử, Việt Nam từng có những doanh nghiệp gia đình có lịch sử hàng trăm năm. Trong giai đoạn đất nước đổi mới, cũng có nhiều cơ sở tư gây dựng cơ nghiệp thành công như: Biti’s, Kinh Đô, Thiên Long, Thép Việt, Đồng Tâm, An Phước, Minh Long, Doji, Thành Thành Công, Đại Đồng Tiến...

Từ nỗ lực vươn lên làm giàu, họ đã khai phá những điều mới mẻ trong kinh doanh và tạo dựng được tên tuổi của mình. Những tên tuổi này cho đến nay đều trở thành những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng... Nhiều thương hiệu trở thành những thương hiệu tầm quốc gia, gửi gắm kỳ vọng hàng Việt Nam có thể cạnh tranh ở thị trường quốc tế

Khi mái tóc của thế hệ sáng lập những doanh nghiệp này đã ngả bạc cũng là thời điểm nhiều công ty gia đình bắt đầu có sự chuyển dịch mô hình để thích nghi với bối cảnh mới. Không chỉ là những thay đổi trong cung cách quản lý, để đảm bảo sự phát triển lâu dài và giữ vững di sản, việc chuyển giao quyền lực cho thế hệ kế thừa cũng là vấn đề đáng chú ý đối với mô hình công ty gia đình

Nhịp Cầu Đầu Tư từ những số tạp chí đầu tiên đã luôn trân trọng giữ vững niềm tin vào tôn chỉ “Đồng hành cùng doanh nghiệp” – cùng nhau mang lại sự thịnh vượng cho cộng đồng. Nhân kỷ niệm 18 năm thành lập, chúng tôi xin trân trọng ra mắt ấn phẩm “18 gia tộc kinh doanh tiêu biểu – Tinh hoa kế thừa”. Ấn phẩm này đánh dấu chặng đường 18 năm đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp gia đình – những người bằng tài trí, bàn tay tài hoa và tâm huyết đã cùng nhau tạo ra những dấu ấn trong nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội tại Việt Nam

Với niềm cảm hứng “18 năm đồng hành - 18 năm kế thừa tinh hoa”, ấn phẩm cũng mở tiếp một chương mới của những người kế thừa gia sản cũng như tinh hoa của gia đình

Cũng mang trong mình khao khát lập nghiệp, bắt đầu một điều gì đó mới mẻ, những người trẻ này nối tiếp giấc mơ của thế hệ trước và mở chân trời mới để bay xa và cao hơn. Không chỉ với tuổi trẻ tràn đầy lạc quan về tương lai của một nền kinh tế đang tăng trưởng, họ còn mang lại niềm tin khi người trẻ tiếp cận những kỹ năng, công nghệ và tri thức mới thì không gì có thể ngăn cản được họ vươn tới thành công và viết tiếp những câu chuyện vang danh thương hiệu Việt Nam
 
Trăm năm tinh hoa doanh nghiệp Việt

632x390px_doanh-nghiep-viet_lf_201312168.jpg

Xây dựng những công ty có lịch sử có thể lên đến hàng trăm năm là khao khát của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam

Cách đây vài năm, một nhóm doanh nghiệp Việt Nam đã lập Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam. Những thành viên đầu tiên của Hội đồng đặt kỳ vọng về những doanh nghiệp Việt hàng trăm năm tuổi sau này

Mục tiêu gây dựng doanh nghiệp gia đình sẽ hậu thuẫn cho sự phát triển của tinh thần và tư duy kinh doanh trong thế hệ trẻ. Đây là yếu tố quan trọng để thay đổi quan niệm của xã hội về doanh nghiệp, doanh nhân, là điều kiện quan trọng để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong nền kinh tế thế giới

Những doanh nghiệp trăm năm

Tại Việt Nam, sau hơn 35 năm đổi mới, doanh nghiệp gia đình có xu hướng vượt trội hơn các loại hình doanh nghiệp khác về doanh số, lợi nhuận và các chỉ số tăng trưởng khác. Thống kê cho thấy 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đã đóng góp khoảng 1/4 GDP cả nước. Xu hướng này phù hợp với xu hướng trên thế giới khi 500 thương hiệu công ty thành công lớn nhất trên thế giới có tới hơn 1/3 là công ty theo mô hình gia đình

Theo Credit Suisse, thế giới hiện có khoảng 920 công ty gia đình với vốn hóa thị trường ít nhất 1 tỉ USD. Những công ty này đến từ 35 quốc gia với hơn 64% “xuất thân” từ các thị trường mới nổi. Còn theo The Economist, khoảng 70% giá trị thị trường chứng khoán châu Á vẫn do các doanh nghiệp nhà nước hoặc tập đoàn gia đình kiểm soát. Chẳng hạn, Top 15 gia đình tại Hồng Kông kiểm soát 84% GDP, tại Malaysia là 76%, Singapore là 48% và Philippines 47%

Theo Consulus, các doanh nghiệp gia đình đều sở hữu một kho báu vô cùng quý giá là lòng trung thành, mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên. Mô hình kinh tế gia đình, bên cạnh yếu tố sở hữu thì yếu tố tạo nên tính bền vững là ngoài làm việc, tình yêu gia đình còn tạo ra sự tận tâm để làm ra sản phẩm tốt hơn vì sự phồn vinh của gia đình

Trong lịch sử, Việt Nam từng có những doanh nghiệp gia đình có lịch sử hàng trăm năm. Theo các tài liệu lịch sử, nền công nghiệp và thương mại Việt Nam hình thành, phát triển cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ở buổi ban đầu ấy, miền Nam và toàn Đông Dương vẫn kịp ghi nhận tên tuổi của 4 thương nhân giàu có bậc nhất, mà dân gian đã đúc kết “Nhất Sỹ (Lê Phát Đạt), Nhì Phương (Đỗ Hữu Phương), Tam Xường (Lý Tường Quan), Tứ Định (Trần Hữu Định)”

Bên cạnh đó, các ông Huỳnh Văn Hoa (Tứ Hỏa), Trần Trinh Trạch (Tứ Trạch), Bạch Thái Bưởi (Tứ Bưởi), Quách Đàm, Trương Văn Bền, Trần Chánh Chiếu… cũng đều lừng lẫy trong doanh giới lúc bấy giờ

Bước sang giai đoạn Đổi Mới (năm 1986), nhiều cơ sở tư nhân như Đồng Tâm, OPV... tìm cách gầy dựng lại cơ nghiệp. Cũng từ đây, hàng loạt công ty ra đời. Có thể kể ra các tên tuổi như: Bình Tiên (Biti’s), Kinh Đô (nay là Tập đoàn Kido), Thiên Long, Thép Việt, An Phước, Minh Long, Trường Hải, BRG, Doji, Hoàn Cầu, Thành Thành Công...

Tính đến nay, tuổi đời lâu nhất của một doanh nghiệp tư nhân chỉ khoảng 30, tương đương với chặng đường đổi mới của nền kinh tế Việt Nam. Nhiều trong số những gia đình kinh doanh nổi tiếng này bắt đầu có sự chuyển giao thế hệ. Một số doanh nhân thế hệ thứ 2 được đào tạo bài bản, được truyền lửa kinh doanh của gia đình bắt đầu tham gia vào công việc điều hành, phát triển sản nghiệp và sự nghiệp

Tuy nhiên, khảo sát của Đại học Chinese University of Hong Kong về 250 công ty gia đình tại Hồng Kông, Đài Loan, Singapore cho thấy, xung đột nghiêm trọng nhất trong các công ty gia đình là xung đột lợi ích giữa các thành viên, gây nhiều ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp thông qua sự sụt giảm giá cổ phiếu và uy tín với ngân hàng, đối tác, khách hàng... Theo Viện Doanh nghiệp Gia đình (Family Business Institute), vì những xung đột này, chỉ có 30% doanh nghiệp gia đình tồn tại đến thế hệ thứ 2 và 12% kéo dài đến thế hệ thứ 3, chưa đầy 3% truyền được đến thế hệ thứ 4

Tại Việt Nam, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu rạn nứt trong mô hình kinh tế gia đình. Không ít vụ tranh chấp tài sản, thương hiệu khi ly hôn xảy ra và trở thành tranh chấp nội bộ của nhiều công ty gia đình. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, lại lo ngại về khủng hoảng quản trị doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam. Cụ thể là vấn đề quản trị doanh nghiệp gia đình không tốt dẫn đến mâu thuẫn nội bộ

Bài toán chuyển giao quyền lực

Doanh nghiệp gia đình vẫn là xu thế của thời đại hiện nay, không chỉ tại các nước châu Á mà trên cả thế giới. McKinsey dự báo đến năm 2025, thêm 4.000 chủ doanh nghiệp gia đình tạo doanh số khoảng 1 tỉ USD. Theo đó, các công ty gia đình tại những nền kinh tế đang phát triển có thể chiếm 40% các công ty lớn nhất thế giới, so với con số 15% trong năm 2010

Lợi thế lớn nhất của các doanh nghiệp này chính là sự gắn kết giữa các cấp lãnh đạo vì phần lớn họ là những thành viên trong gia đình. Đặc biệt, việc hầu như không có tình trạng nghỉ việc ở cấp quản lý là một tiêu chí lý tưởng mà hầu như chỉ doanh nghiệp gia đình mới có được. Sự khác nhau duy nhất giữa các doanh nghiệp này là hệ tư tưởng kinh doanh. Một số doanh nghiệp cảm thấy hài lòng với việc chỉ phát triển trong nước, trong khi một số khác lại có tham vọng vươn đến thị trường khu vực và toàn cầu

Dù vậy, vẫn tồn tại bài toán mà mọi doanh nghiệp gia đình đều phải đối mặt, đó là chuyển giao quyền lãnh đạo theo mong muốn của người sáng lập và chủ sở hữu doanh nghiệp. Theo một khảo sát trên toàn thế giới của PwC, sẽ có 16.000 tỉ USD được chuyển giao bởi các doanh nghiệp gia đình trong vòng 30 năm tới, 40% sẽ chuyển giao sang thế hệ kế thừa trong vòng 5 năm nữa. Tuy nhiên, chỉ có 12% chuyển giao được đến thế hệ thứ 3, thường là do các vấn đề nội bộ

Theo ManpowerGroup, vấn đề nằm ở hệ tư tưởng của các thành viên trong gia đình. Thế hệ thứ nhất, người thành lập doanh nghiệp có thể thành công nhưng không nghĩ đến việc lên kế hoạch chuyển giao cho thế hệ thứ 2 trong khi thế hệ tiếp nối có thể không có đầy đủ kỹ năng lãnh đạo cần thiết. Thế nên, để có thể chuyển giao lãnh đạo thành công, chủ sở hữu doanh nghiệp cần một lộ trình chi tiết và rất cẩn thận. Tại Thái Lan, đa phần các doanh nghiệp chỉ có thể chuyển giao tối đa đến thế hệ thứ 3. Các nước Đông Nam Á khác cũng đối mặt với thực trạng này

Một ví dụ là Công ty Biti’s của vợ chồng ông Vưu Khải Thành với lịch sử phát triển qua hơn 1/4 thế kỷ dưới mô hình quản trị gia đình. Đến nay, vấn đề tìm người chuyển giao quyền lãnh đạo đang trở nên cấp thiết. Để tìm ra người chuyển giao, vợ chồng ông đã đầu tư cho 3 người con đi du học để tiếp thu kỹ năng quản lý của các nước phát triển. Hai người con gái lớn của ông đã tốt nghiệp và trở về nước đảm nhiệm những vị trí chủ chốt. Không dừng lại ở đó, vợ chồng ông Vưu vẫn theo dõi và đánh giá khả năng lãnh đạo của con. Tuy nhiên, ông bà vẫn có kế hoạch dự phòng tìm người khác đảm trách vị trí lãnh đạo trong trường hợp cần thiết

Vậy khi nào chủ doanh nghiệp nên chuyển giao quyền lực? Và chuyển giao như thế nào? Câu trả lời là ngay khi chủ doanh nghiệp nhận thấy thế hệ tiếp theo đã đủ sức lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp và cần phải có lộ trình cụ thể. Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, cho biết, doanh nghiệp Việt Nam theo mô hình quản lý gia đình nên học hỏi kinh nghiệm trên thế giới về xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong gia đình. Điều này sẽ giúp đảm bảo ai tham gia điều hành, vấn đề thừa kế cũng được chỉ định rất rõ ràng

Theo PwC, nhiều công ty gia đình tại Việt Nam bắt đầu chuyển dịch mô hình vận hành để thích nghi với tình hình mới. Chủ yếu mô hình vận hành hiện nay là do chủ sở hữu hoặc gia đình quản lý (lần lượt 52% và 36%). Điều này dự kiến sẽ thay đổi trong 5 năm tới theo hướng thuộc sở hữu gia đình và được bên ngoài quản lý, điều hành, với tỉ lệ tăng từ 12% năm nay lên 60% trong 5 năm tới

Báo cáo PwC nhấn mạnh để đảm bảo công thức thành công lâu dài, gìn giữ các di sản tương lai cho thế hệ kế nghiệp, doanh nghiệp gia đình Việt Nam cần tập trung giải quyết 3 lĩnh vực chính: Nâng cao khả năng chuyển đổi số, chuyên nghiệp hóa quản trị gia đình và quan tâm đến chiến lược phát triển bền vững
 
Top