What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tập đoàn Trường Hải

LOBBY.VN

Administrator
Chủ tịch Ô tô Trường Hải Trần Bá Dương

"Với số tiền tôi có, đưa vào mua vài ba miếng đất rồi thong thả đi chơi, hưởng nhàn, bỏ ra xây dựng nhà máy tại Chu Lai, quản lý 7.000 con người làm gì cho mất công, mất sức..."

Gặp ông vào một buổi trưa, khoảng trống thời gian giữa hai chuyến bay. Không màu mè, không thủ tục chào hỏi phức tạp, Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Ô tô Trường Hải bắt đầu câu chuyện bằng việc giới thiệu bản thân một cách quả quyết, rành rọt:

“Tôi xuất thân là một kỹ sư cơ khí, làm nên Trường Hải từ hai bàn tay trắng

Tôi là con người của kỹ thuật, nên có rất nhiều việc phải làm

Tôi không là dân tài chính

Tôi không quen tư duy phát triển doanh nghiệp mình quy mô thế nào, quản trị ra sao...

Chỉ biết làm để có kết quả tốt nhất

Tôi cũng không có ý định mua lại công ty này, doanh nghiệp kia để mở rộng

Có muốn cũng chẳng được !

Chuyện khó ấy, dành cho các tập đoàn đa quốc gia

Tôi phát triển từ giá trị cốt lõi, từ quá trình sản xuất thực sự

Tôi mở rộng phương án kinh doanh để Trường Hải có thể phát triển

Để giải quyết được nhiều việc làm hơn....

Để đóng góp nhiều hơn..."

“Có lần, tôi bị nói mình dại”

* Chuyện anh kỹ sư, thợ sửa chữa xe Trần Bá Dương hai bàn tay trắng, bằng cố gắng của mình lập nên Trường Hải đã đi vào các trường đại học và ông vô tình trở thành “thần tượng” của rất nhiều sinh viên Bách Khoa hiện nay. Nhưng mọi người vẫn biết rất ít về những thất bại của ông trong quá trình xây dựng Trường Hải ?

- Thật ra thì thành công hay thất bại của Trường Hải cũng là thành công, thất bại của chính tôi. Có thể nói, cái phản ảnh của doanh nghiệp là hình ảnh của chính doanh nhân. Nếu đặt vấn đề thất bại, chúng tôi chỉ có những giai đoạn đối diện với khó khăn. Tuy nhiên, có khó khăn thì có nhiều cố gắng...

Tôi cho rằng, khó khăn chính là những cột mốc để công ty phát triển lên tầm cao mới. Cá nhân tôi, khó khăn nhất chính là việc phải đấu tranh giữa quan điểm gia đình và quan điểm bản thân. Ngày trước thì không nhưng bây giờ, gia đình hay phản đối và bảo tôi: “Giờ thì tiền có đủ để dùng rồi, ông còn làm nhiều thế làm gì, sức khỏe đâu mà chịu cho nổi...”. Tôi suy nghĩ và đấu tranh nhiều lắm cho vấn đề này

* Có vẻ như việc kinh doanh hay không, gây mất thời gian suy tư cho ông nhiều quá ?

- Nếu nghĩ đơn giản, kinh doanh là kiếm tiền thì đúng là không có động lực. Nhưng nếu nói là làm để phục vụ xã hội thì lại quá mênh mông, to tát. Tôi phải chọn mục tiêu ở mức vừa đủ thể hiện vai trò và tính phục vụ của mình với cuộc sống này

Trong tôi, giai đoạn khó khăn là những lúc tôi cần phải xác tín lại quan điểm, lập trường trong quá trình phát triển sự nghiệp của mình. Tôi tự hỏi, mục tiêu của mình là gì? Làm sao để chia sẻ mục tiêu đó với cộng sự, với gia đình? Chuyện tưởng đơn giản nhưng thực chất là rất khó

Hiện nay, môi trường xã hội có rất nhiều mô hình kinh doanh đôi lúc mang tính thời thượng. Cụ thể như chứng khoán, bất động sản... thời gian trước kiếm tiền rất dễ. Những người trong ngành này đi xe xịn, làm việc phòng máy lạnh, có thời gian nhàn rỗi chơi golf...

Trong khi đó, những người làm sản xuất, ví dụ như sản xuất xe như tôi thì trầy trật với bao nhiêu là phép tính nào lãi suất, nào nhân công... và người thì lúc nào cũng lấm lem dầu nhớt... Những hình ảnh này được gia đình tôi thấy đầy đủ cả

Có lần, tôi bị người trong nhà nói rằng mình dại. Với số tiền tôi có, đưa vào mua vài ba miếng đất rồi thong thả đi chơi, hưởng nhàn, bỏ ra xây dựng nhà máy tại Chu Lai, quản lý bảy ngàn con người làm gì cho mất công, mất sức mà nguồn thu về chẳng bằng giá đất lên. Nói thật, thất bại sẽ rất dễ xảy ra nếu tôi không giải quyết được bài toán về quan điểm lập trường và mục tiêu sản xuất

* Các chuyên gia kinh tế dự báo, từ đây đến cuối năm, tình hình kinh tế cũng chẳng sáng sủa hơn được mấy. Vừa đối mặt với khó khăn, vừa chịu áp lực từ gia đình, làm thế nào ông có niềm tin mà tiếp tục công việc ?

- Cuộc sống buộc con người phải thích nghi với môi trường sống thì kinh tế buộc doanh nghiệp phải thích nghi với môi trường phát triển, sản xuất kinh doanh của mình. Tất cả, đều cần nhận diện thực tiễn để rồi từ thực tiễn, tìm ra giải pháp đúng. Trong điều kiện kinh tế thế giới đang trong trạng thái bất ổn và Việt Nam thì lạm phát hiện nay, doanh nghiệp cần có giải pháp ứng phó tức thời

Đồng thời, phải xác tín với mình rằng, trong khó khăn thì luôn có cách để tồn tại và phát triển. Có niềm tin như thế thì trước mắt là doanh nghiệp đã thắng về mặt nghị lực. Từ nghị lực sẽ biến thành nội lực

Trong khó khăn, tôi không vẽ ra mục tiêu quá lớn để bị ngộp với chính mình mà đặt ra mục tiêu đơn giản, chỉ cần Trường Hải cạnh tranh được trong môi trường hội nhập quốc tế. Mục tiêu nhỏ nhưng bước tiến dài. Vững chãi thì mới mong có phát triển bền vững !

Mục tiêu hàng đầu ASEAN

* Năm 1997, ông thành lập Công ty CP Ô tô Trường Hải, tiên phong trong việc nhập xe ô tô cũ và chiếm lĩnh 50% thị trường. Năm 2003, ông kiên quyết dồn tài lực, công sức đầu tư nhà máy tại khu kinh tế mở Chu Lai, chính thức sản xuất ô tô tại Việt Nam. Chính ông cũng là người đầu tư, sản xuất dòng xe giường nằm thương hiệu THACO phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nội địa và thay đổi “văn hóa xe đò” của người dân Việt Nam, tạo sự thoải mái cho khách đường dài... Việc làm người tiên phong, mở cõi có khiến ông tự hào về mình ?

- Việt Nam là một nước đi sau các nước về công nghiệp. Tôi vẫn nghĩ rằng, mình đang phải liên tục học từng chút một những tiến bộ của nước ngoài. Cách học tốt nhất là đồng hành, sát cánh cùng họ. Thế nên, tôi chọn cách hợp tác với các thương hiệu mạnh như Huyndai và KIA... Chính phủ đang mong mỏi có một ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam

Trước đây, chúng ta có những nhận định không chính xác về ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Gần đây, Trường Hải cũng đã nói và đã làm cho xã hội biết rằng Việt Nam có thể sản xuất, lắp ráp ô tô theo hướng tham gia chuỗi giá trị, hướng đến thị trường AFTA khu vực ASEAN

* Để tham gia được thị trường này, doanh nghiệp phải gia tăng tỷ lệ nội địa hóa lên đến 40%. Con số này có vẻ không đơn giản với một doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy ?

- Điều này buộc tôi phải đầu tư và liên kết với nhiều doanh nghiệp khác trong và ngoài nước để nâng cấp các dây chuyền công nghệ, thiết bị phục vụ sản xuất cũng như nghiên cứu, sáng chế, thay đổi nhiều công đoạn trên dây chuyền sản xuất của nước ngoài cho phù hợp với Việt Nam

Tăng tỷ lệ nội địa hóa nghĩa là góp phần giảm được nhập siêu. Trong con số 40% ấy, còn có cả vấn đề giải quyết được việc làm cho người lao động. Và hơn hết, khi xuất khẩu được sang thị trường AFTA, chúng ta còn thu về ngoại tệ, góp phần cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam với các nước. Những lợi ích lâu dài như thế khiến tôi thấy mình cần nỗ lực hơn

* Sự kiện đáng chú ý nhất của THACO là việc ký kết hợp tác xây dựng Nhà máy động cơ THACO - Hyundai tại Khu Kinh tế mở Chu Lai - Quảng Nam. Sao không là một khu công nghiệp nào đó ở TP.HCM hay Hà Nội mà lại là Chu Lai, thưa ông ?

- Việc lựa chọn Chu Lai liên quan đến vấn đề chiến lược. Thực ra, đất nước chúng ta đang trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tham vọng của tôi là Trường Hải không chỉ là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam mà phải là hàng đầu Asean

Chúng tôi nhận diện mô hình của Trường Hải đến năm 2018, thời gian hoàn tất quy trình hội nhập ASEAN, là phải có được một khu công nghiệp tập trung của riêng mình. Chỉ có tập trung mới giảm thiểu được đầu tư hạ tầng công nghệ dàn trải, giảm chi phí vận chuyển...

Do đó, Chu Lai là một địa điểm thích hợp. Trong ước mơ của tôi, mô hình Chu Lai khi thành công sẽ là nơi tập trung sản xuất tất cả máy móc, phát triển ngành nghề liên quan đến lĩnh vực ô tô, cơ khí...

Trường Hải cũng đã mở trường, tập trung đào tạo con người Chu Lai về cơ khí, ô tô để tận dụng nguồn nhân lực địa phương, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước khác. Đi sau, chúng tôi bất lợi hơn về mặt công nghệ nhưng lại có lợi là có thể rút kinh nghiệm và tổ chức bài bản ngay từ đầu

Nhận diện lại bản thân

* Việt Nam là quốc gia nông nghiệp. Việc phát triển một khu công nghiệp lớn như thế ở một địa phương thuần nông như Chu Lai sẽ khó tránh các hệ lụy đến môi trường, đời sống. Ông nghĩ sao về vấn đề này ?

- Khi quyết định đầu tư vào Chu Lai, tôi thấy được những ưu điểm về mặt chiến lược. Khó khăn chỉ là vấn đề trước mắt bởi thay đổi môi trường sống và làm việc của người dân địa phương từ nông nghiệp sang công nghiệp và hơn nữa là công nghệ cao không đơn giản. Tuy nhiên, đây lại là việc làm thiết thực. Chu Lai thuộc dải đất miền trung, vốn chịu nhiều thiên tai, bão lũ...

Nếu xây dựng hệ thống hạ tầng nơi đây tốt, người dân nơi đây sẽ phòng chống và hạn chế được tác hại của thiên tai. Như vậy, bước chuyển này là tích cực

Qua rồi thời gian chỉ biết làm giàu cho mình, doanh nghiệp hiện nay đang bắt đầu quan tâm đến môi trường và sự phát triển bền vững. Đó là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Khi chọn Chu Lai, tôi đã tiên liệu rất nhiều những tác động môi trường để có thể có được giải pháp tốt nhất

* Trách nhiệm xã hội là một khái niệm đã xuất hiện trên thế giới từ cuối những năm 60, được đề cập đến ở Việt Nam từ năm 1999, nhưng chỉ trong thời gian gần đây mới trở thành một xu hướng, một chủ đề được cộng đồng, xã hội và chính các doanh nghiệp quan tâm đặc biệt. Ông nghĩ điều này có muộn quá không, thưa ông ?

- Doanh nghiệp muốn bền vững, trường tồn thì phải đảm bảo được môi trường xung quanh phải trường tồn trước. Trước đây, do hoàn cảnh đặc trưng, nhiệm vụ trước mắt của các doanh nghiệp là phải có sản phẩm, giải quyết được nhu cầu cấp thiết của xã hội. Bản thân việc quản lý xã hội cũng chưa có những quy định, mức độ... yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng

Tuy nhiên, tiến đến điểm phát triển như bây giờ, cách nhìn này đã dần được thay đổi. Vấn đề sạch, xanh được đưa lên hàng đầu và sản xuất công nghiệp phải đảm bảo không phá vỡ môi trường

* Thời gian dài trước đây, ông thường xuyên từ chối tham gia vào các giải thưởng trong nước. Rồi bất ngờ ông tham gia vào Giải thưởng Bản lĩnh Doanh nhân lập nghiệp do VCCI, Ernst & Young đồng tổ chức với sự tài trợ của Techcombank, là một giải thưởng tôn vinh doanh nhân. Đến lúc, ông thấy mình cần được nhớ tới chăng ?

Lobby & Thaco Auto

- Có nhiều công ty xem việc tham gia giải thưởng như việc làm truyền thông. THACO cũng đã như thế trước đây. Sau này, tôi thấy việc ấy không cần thiết nữa

Tuy nhiên, với giải thưởng Bản lĩnh Doanh nhân lập nghiệp, tôi thấy đây là một giải thưởng khá nghiêm túc. Các tiêu chí mà giải thưởng đề ra chính là đòi hỏi mà doanh nhân thời đại phải có. Tham gia sân chơi này là dịp cho tôi nhận diện lại doanh nghiệp của mình trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

* Ông kỳ vọng gì ở việc nhận diện lại bản thân doanh nghiệp như thế ?

- “Biết người” được đặt ngang hàng với “biết ta”. Doanh nghiệp nhận diện lại để thấy được vai trò của mình trong thời đại mới. Ở chiều ngược lại, tôi kỳ vọng xã hội sẽ nhận diện được lực lượng doanh nghiệp, vai trò doanh nghiệp... trong sự phát triển của kinh tế hiện nay
 
Last edited:
Doanh nhân Trần Bá Dương " Tôi đam mê với giấc mơ Trường Hải "

"Khi vượt qua được cái tưởng chừng như không thể, khi nuôi dưỡng đam mê lớn dần với những khoảng cách được nhân đôi, khi đó, tôi mới thấy mình chạm vào thành công"

"Khi vượt qua được cái tưởng chừng như không thể, khi nuôi dưỡng đam mê lớn dần với những khoảng cách được nhân đôi, khi đó, tôi mới thấy mình chạm vào thành công. Thành công là đam mê, chấp nhận, hy vọng, và không ngộ nhận !"...

Đó là triết lý của ông chủ Tập đoàn Trường Hải (THACO), một con người được biết đến bởi niềm đam mê với công việc, sự cống hiến cho xã hội, và tài " chiêu hiền đãi sĩ”. – Doanh nhân Trần Bá Dương

"Uớc mơ, hãy "gieo" cho khéo…"

Điềm tĩnh, chân thành, luôn biết lắng nghe với sự tôn trọng, đó là phong cách đối thoại của vị doanh nhân gốc Huế. Trong câu chuyện của chúng tôi, thỉnh thoảng, anh lại trầm tư, không phải để sắp xếp ý tứ, cũng không phải để ngắt mạch cho đều câu chuyện

Anh trầm tư để lắng nghe cảm xúc, để nó trải ra với sự chia sẻ chân thành: "Có lẽ, mẹ tôi là người đã có ảnh hưởng rất lớn với tôi bởi nghị lực và niềm đam mê. Bà đã cho anh em chúng tôi hiểu rằng ước mơ, nếu khéo biết gieo, sẽ nảy mầm được như ý muốn. Bởi từ cái thời còn nghèo khổ nhất, từ khi đôi vai mẹ yếu gầy nhất, mà mẹ lại gánh được những "ký nặng" tưởng chừng như không thể

Đó là khi đại gia đình chúng tôi mất đi người cha, còn lại mình mẹ nuôi anh em chúng tôi trong sự gánh gồng, mà ngày đó chúng tôi đâu có biết rằng, mẹ đã gánh gồng cả những ước mơ vào trong cái khó…"

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, với tấm bằng Kỹ sư Cơ khí, chuyên ngành Máy Xây dựng và máy Bốc xếp, nhưng anh chàng tân kỹ sư đã không nề hà bất cứ công việc gì. Bởi thế mà anh cũng đã từng có cả một giai thoại về công việc chuyên móc mỡ bò ở một xưởng sửa chữa ô tô

Vốn yêu lao động và luôn tôn trọng những sản phẩm lao động, anh luôn là người làm việc hăng say nhất xưởng sửa chữa ô tô ngày đó. Có những lúc, phải nằm dài dưới gầm ô tô, mải miết từ sáng tới trưa, bụng thì đói mềm, đầu thì không được ngẩng cao quá 20 cm, nằm bẹp như dấu trừ dưới gầm ô tô, anh cũng không nản

Vừa làm việc, vừa mày mò, cái gì không biết thì anh lại hỏi. Anh tiếp chuyện: "Lúc đầu, muốn hỏi, nhưng cũng hơi e dè, bởi chút "sĩ diện" của cái mác kỹ sư. Nhưng sau tôi nghĩ, kỹ sư mà chỉ có kiến thức mà không có kinh nghiệm thì chỉ là "bán kỹ sư” thôi !"

Và thế là lại học hỏi, dần dần, anh đã biết ứng dụng để nâng tầm thành chế tạo máy, đúng với cái đã được học. Rồi, bắt đầu mơ…

Mầm nảy như ý bởi… khéo gieo

Năm 1997, Công ty ô tô Trường Hải được thành lập, hoạt động quy mô và bài bản. Tiếp đó đến năm 2000, anh mở xưởng lắp ráp xe tải hạng nhẹ mang thương hiệu KIA. Sản phẩm chưa làm xong đã kín đơn đặt hàng

Ngay trong năm đầu tiên, doanh số đã đạt mức 500 tỷ đồng, một con số không hề khiêm tốn chút nào! Như sức bật với bàn đạp lực mạnh, Trường Hải đã đủ tầm để xây dựng nhà máy sản xuất xe ô tô mang tên Chu Lai – Trường Hải. Ngay sau khi xây dựng, nhà máy đi vào hoạt động tại khu kinh tế mới Chu Lai

Các dòng sản phẩm của công ty như Kia Morning và Kia Canival đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường với con số kỷ lục về doanh số bán hàng là trên 300 đầu xe mỗi tháng. Đó là một con số mà nhiều hãng ô tô liên doanh lớn tại Việt Nam còn cho vào ước mơ

Lúc đó, Trần Bá Dương là người Việt Nam đầu tiên đã làm được xe du lịch. Miệt mài gieo mầm cho những ước mơ, đam mê cháy bỏng để thực hiện ước mơ, anh đã thành công với một nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe khách, xe con, với hàng chục mẫu mã, sản phẩm

Từ dòng xe Kia, Thaco, Kinglong…Trần Bá Dương đã đưa Trường Hải trở thành doanh nghiệp tư nhân với 100% vốn trong nước đầu tiên lắp ráp và sản xuất xe du lịch. Và, ước mơ "mon men" năm nào đã thành hiện thực

"Nhân lực là nguồn vốn quý giá. Nên phải biết "chiêu" !

Xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp, đó cũng là điều mà Trần Bá Dương luôn tâm đắc. Anh chia sẻ: "Mình đã từng làm thợ, đã từng ngưỡng mộ ông chủ. Ắt mình phải hiểu thợ cần gì, và chủ cần phải làm gì ?"

Với những người thợ, người công nhân trẻ biết ước mơ, và đam mê với công việc, anh luôn khuyến khích và động viên, tạo mọi điều kiện tối đa khi có thể

Luôn trọng người tài và biết cách dụng nhân, anh xây dựng được một mái nhà Thaco, mà ở đó sự gắn kết được đặt ở vị trí số một. Bài ca truyền thống của công ty "Trường Hải niềm tin" và "Chu Lai – Trường Hải", đã được anh em cán bộ công nhân viên trong công ty cài làm nhạc chờ điện thoại

Chia sẻ về nguyên tắc trong nghiệp cầm quân, anh rõ ràng: "Với tôi, người lãnh đạo phải là người biết cho những gì nhân viên muốn nhận. Biết đưa ra hình thức để đủ sức răn đe khi cần thiết. Cái "được" và cái "sợ" từ cả hai phía phải là sự tôn trọng lẫn nhau. Không tùy hứng theo cảm xúc !

Nhân lực là "vốn liếng"quý báu của doanh nghiệp, nó đứng trên vốn liếng về tài chính, bởi nó quyết định đuợc tài chính. Vậy nên, tôi luôn nhắc mình, phải quản lý "nguồn vốn" đó, sao cho thông minh nhất !"

Nâng tầm cao mới

Hơn mười năm xây dựng và phát triển, Trần Bá Dương đã đưa Trường Hải Auto trở thành thương hiệu có uy tín trên thương trường. Trường Hải đã có nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô lớn nhất Việt Nam, mỗi năm xuất xưởng hàng chục ngàn xe ô tô các loại, chiếm hơn 40% thị phần ô tô trong nước

Đam mê và sẵn sàng đánh đổi để có một Trường Hải như ngày nay, Trần Bá Dương và các cộng sự của mình một lần nữa đã chứng minh được năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam, chứng minh được khả năng phát triển của ngành công nghiệp ô tô

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhà máy chuyên sản xuất ô tô du lịch Thaco- Kia với công suất 20.000 xe mỗi năm đã đi vào hoạt động. Hệ thống thiết bị, máy móc của nhà máy thuộc loại tiên tiến nhất hiện nay, được nhập khẩu và lắp đặt trực tiếp từ tập đoàn Kia Motor như giàn gá hàn thân xe, máy cân bằng tự động, dây chuyền sơn tự động

Sản phẩm Kia New Morning, Kia Canival, Bus…hiện đang là những mẫu xe bán chạy nhất ở Việt Nam. Trường Hải hiện là công ty duy nhất tại Việt Nam sản xuất lắp ráp và cung ứng đa dạng, đủ các phân khúc ô tô tại Việt Nam từ xe tải, xe khách, bus, xe chuyên dùng và xe du lịch

Mục tiêu của Trần Bá Dương và tập đoàn Trường Hải là tiếp tục đầu tư xây dựng một khu liên hợp ô tô hiện đại nhất Việt Nam và khu vực để thực hiện chiến lược xuất khẩu ô tô

Miệt mài với những công việc cứ nối tiếp, nhưng trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng luôn được vị doanh nhân này đưa lên làm nhiệm vụ trọng trách trong kế hoạch phát triển chung của Tập đoàn

Trong những năm qua, doanh nhân Trần Bá Dương đã làm từ thiện và tài trợ cho các chương trình phát triển cộng đồng lên tới hàng chục tỷ đồng, với quan niệm mà anh cho rằng rất đỗi giản đơn: "Trách nhiệm với xã hội, là phần cốt yếu của mỗi doanh nghiệp nếu muốn phát triển thực sự

Vật chất chỉ là phương tiện để doanh nhân hoàn thành sứ mệnh của mình. Khi hoàn thành sứ mệnh, doanh nhân có trách nhiệm chuyên chở những khó khăn nhất trong xã hội bằng chính phương tiện đó”

Trong khuôn khổ giải thưởng Sao Vàng Đất Việt năm 2011, Tập đoàn Trường Hải đã vinh dự và xứng đáng lọt vào Top 10 Sao Vàng Đất Việt. Đây là năm thứ tư liên tiếp, Thaco được nhận danh hiệu này

Riêng vị Chủ tịch HĐQT, TGĐ Trần Bá Dương đã được bình chọn vào top 5 "Diễn đàn Doanh nhân trẻ ASEAN – Trung Quốc"

Với doanh nhân Trần Bá Dương, đó chưa phải đỉnh cao của những ước mơ. Mục tiêu tiếp theo mà anh hướng tới cho Tập đoàn là đưa thương hiệu Kia lên đẳng cấp mới, đứng đầu Việt Nam vào năm 2015. Cả một đời gắn bó với Thaco, nâng tầm Thaco, vị thủ lĩnh này luôn mong muốn

"Sản phẩm của Thaco, không chỉ mang lại sự hài lòng ngày càng cao của khách hàng. Hơn thế nữa, nó phải là sự tự hào của khách hàng khi dùng sản phẩm của chúng tôi !"
 
Last edited:
Top