What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tập đoàn phát triển thương mại nông nghiệp Alibobo

LOBBY.VN

Administrator
King Coffee bán sản phẩm trên toàn thị trường Trung Quốc
Tầm nhìn của TNI Corporation là sẽ trở thành tập đoàn cà phê hàng đầu và mang tầm vóc toàn cầu

Sáng nay (20/4), tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Bình Dương, Công ty TNI Corporation khánh thành nhà máy sản xuất cà phê TNI King Coffee. Đây là nhà máy thứ 6 mà CEO Lê Hoàng Diệp Thảo đã xây dựng tại Việt Nam, nằm trong chuỗi hệ thống nhà máy sản xuất cà phê hàng đầu châu Á

1492697982-khanh-thanh.jpg

Nhà máy được xây dựng trên tổng diện tích 51.300m2, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã hoàn thành xong gồm phân xưởng cà phê rang xay và phân xưởng cà phê hòa tan. Giai đoạn 2 sẽ chính thức khởi công phân xưởng trích ly cũng trong ngày 20.4

Khi đi vào hoạt động, nhà máy TNI King Coffee sẽ cung cấp 9,000 tấn cà phê rang xay và 19,800 tấn cà phê hòa tan mỗi năm, giải quyết việc làm cho 200-500 lao động địa phương

Tiền thân của TNI Corporation là Trung Nguyên International, có trụ sở tại Singapore, do bà Diệp Thảo thành lập từ năm 2008. Hiện nay, trụ sở chính của TNI Corporation đặt tại TP.HCM, Việt Nam


Sau 6 lần xây những nhà máy cà phê hàng đầu Việt Nam và châu Á, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cùng với đội ngũ nhân viên đặt mục tiêu xác lập tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao nhất, đạt những tiêu chuẩn khó nhất của các thị trường quốc tế

“Chất lượng và an toàn sản phẩm luôn là ưu tiên hàng đầu của nhà máy TNI King Coffee. Tất cả các sản phẩm cà phê King Coffee đều được kiểm soát chặt chẽ và tuyện đối an toàn” – bà Diệp Thảo cam kết

King Coffee ra mắt lần đầu tiên tại Mỹ, tiếp đến là thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Úc, Ấn Độ, Nga, CH Séc…

Trong 4 tháng đầu năm 2017, King Coffee đạt được Top 4 Thương hiệu bán chạy nhất trên kênh T-Mall Super Market – 1 trong bộ 3 website chủ chốt của Alibaba với hơn 6 triệu thành viên.Thông qua việc hợp tác với JD, YHD, Hello Oyster, TNI Corporation đang quyết tâm phủ sản phẩm King Coffee trên toàn bộ thị trường Trung Quốc

Tại Hàn Quốc, King Coffee đã được bán trên 300 website thương mại điện tử. Từ tháng 4/2017, người tiêu dùng Hàn Quốc còn có thể mua King Coffee ở 40 siêu thị của Kim’s Club và sắp tới triển khai toàn bộ các siêu thị khác ở Hàn Quốc

Tại Mỹ, rất nhiều siêu thị của người Việt ở Houston, Nam California, San Jose đều đã bán King Coffee. Sắp tới, King Coffee cũng sẽ được đưa vào hệ thống siêu thị 99, 168, Thuận Phát...


Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tuyên bố tầm nhìn của TNI Corporation là sẽ trở thành tập đoàn cà phê hàng đầu và mang tầm vóc toàn cầu.

Nguyên Thảo
 
Đàm phán để xuất khẩu lợn sang Trung Quốc qua đường chính ngạch
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, một trong những nguyên nhân khiến giá thịt lợn giảm là do dư thừa. Việt Nam đã sang đàm phán xúc tiến thương mại với Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch, song vẫn đang chờ phía bạn chấp nhận

Đó là khẳng định của ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi tại buổi hợp báo thường kỳ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức vào ngày 4/4


Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, những tháng đầu năm 2017 chăn nuôi lợn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ do thương lái Trung Quốc bất ngờ dừng mua. Giá thịt lợn hơi sụt giảm sâu, người chăn nuôi phải chịu thua lỗ nặng

Ông Tống Xuân Chinh cho biết, hiện nguồn cung thịt lợn trong nước đã dư thừa dẫn tới giá giảm mạnh

"Năm 2016, chúng ta sản xuất 5,02 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, nếu làm một phép tính đơn giản, cứ 3 kg thức ăn được 1 kg thịt lợn hơi thì có thể thấy được chúng ta sản xuất được bao nhiêu tấn thịt mỗi năm. Điều đó cho thấy sự mất cân bằng giữa cung và cầu. Mỗi năm chúng ta sản xuất hơn 2 triệu con lợn, đây là nguyên nhân quan trọng khiến thịt lợn bị dư thừa. Mặc dù giá lợn hơi đã nhích lên trên 36.000 đồng/kg nhưng sản lượng thừa trong dân vẫn còn", ông Chinh cho biết

Chính vì thế, xúc tiến thương mại, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc là giải pháp để giải quyết tình trạng thịt lợn dư thừa

Ông cho biết, vừa qua Bộ NN&PTNT đã có đoàn công tác sang đàm phán xúc tiến thương mại do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu. Hai bên thống nhất xúc tiến đi đến ký kết xuất khẩu mặt hàng chính thống trong đó có ưu tiên thịt lợn và sữa của Việt Nam

“Hi vọng trong thời gian tới, các căn cứ pháp lý, các điều kiện sẽ nhanh chóng được phía bạn chấp nhận, chúng ta có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”, ông nói.

Cũng theo ông Chinh, với năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, ngoài hướng tới xuất khẩu phải có biện pháp hành chính để giảm tốc độ sản xuất. Bởi khi phát triển nóng sẽ không chỉ liên quan đến vấn đề thị trường tiêu thụ mà còn vấn đề môi trường, kiểm soát an toàn thực phẩm. Vừa qua, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản gửi các địa phương, yêu cầu "hãm" mở rộng quy mô đàn lợn; dừng các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mới


Để có chiến lược lâu dài ổn định sản xuất mở rộng thị trường, ông Chinh cho rằng vấn đề quy hoạch cần phải được đổi mới để đảm bảo có thể giám sát được. Nếu quy hoạch không giám sát được thì khi giá tăng, người nuôi ồ ạt sản xuất, đến lúc dư thừa, thị trường có vấn đề, giá thấp, bà con lại kêu cơ quan quản lý nhà nước sao không tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm

Theo Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, việc xúc tiến thương mại, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, nhiệm vụ chính là của doanh nghiệp. Ông hy vọng các doanh nghiệp lớn với vốn và thị trường sẽ là đầu tàu liên kết sản xuất cho bà con nông dân; hình thành nhiều tổ đội hợp tác xã liên kết, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, trước tình hình giá một số mặt hàng nông sản xuống thấp nhất là heo, gà... Bộ NN&PTNT rất trăn trở và đang tiếp tục cố gắng tìm biện pháp tháo gỡ cho người nông dân. Với bài toán thị trường cho nông sản, hiện nay Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để tiếp tục mở rộng thị trường chính ngạch, từng bước khai thông từng mặt hàng, trong đó có gạo, lợn, gà…

Theo Thứ trưởng, Trung Quốc là một thị trường quan trọng với hàng nông sản của Việt Nam. Cần phải kiên trì, bằng mọi cách khai thông thị trường này

“Chúng ta đã bàn với phía đối tác hai năm nay, nhưng vấn đề không thể một sớm một chiều. Việc xuất nhập về gia súc, gia cầm cơ bản phải đảm bảo hài hoà về thể chế cả hai bên, nhằm đảo bảo an toàn về dịch bệnh, chất lượng hàng hoá và quan hệ thương mại cùng có lợi”, ông Tuấn nói

Cũng theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, trong tháng 5 tới sẽ có đoàn của Bộ NN&PTNT sang Trung Quốc xúc tiến đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi của Việt Nam và Trung Quốc buôn bán các sản phẩm của hai nước có thế mạnh

Diệu Thùy
 
Trung Quốc đồng ý nhập chính ngạch thịt lợn Việt Nam
Từ trước đến nay, Việt Nam chủ yếu chỉ xuất khẩu lợn hơi sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch...

0-7ad26-b69bf.jpg

Một cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc

Trao đổi với VnEconomy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, Trung Quốc đã đồng ý mở cửa thị trường cho thịt lợn từ Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang nước này

Tuy nhiên, đó là đồng ý về mặt chủ trương, còn để xuất khẩu thịt lợn sang được Trung Quốc, Việt Nam phải xử lý các vấn đề kỹ thuật, kiểm soát dịch bệnh…

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, sau một thời gian Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực làm việc với Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, cuối cùng cũng có kết quả

Ông Dương cho biết, phía Trung Quốc không chỉ yêu cầu rất khắt khe về chất lượng sản phẩm, mà họ còn đòi hỏi Việt Nam phải kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng...

Sau đó, hai bên sẽ từng bước có những buổi tiếp xúc, đàm phán cụ thể hơn để tiến tới ký kết về việc xuất khẩu chính ngạch thịt lợn Việt Nam sang thị trường Trung Quốc

Từ trước đến nay, Việt Nam chủ yếu chỉ xuất khẩu lợn hơi sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Hai nước cũng chưa có bất cứ ký kết chính thức nào về xuất nhập khẩu hàng hóa là động vật hoặc có nguồn gốc động vật

“Chúng ta đã gửi báo cáo dịch bệnh, kiểm soát chất lượng cho phía đối tác. Trung Quốc có thể sẽ cử đoàn công tác sang sớm để đánh giá cụ thể điều kiện kiểm soát dịch bệnh, chất lượng hàng hóa của chúng ta như thế nào. Nếu chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh, phía bạn sẽ mở cho chúng ta một con đường chính ngạch”, ông Dương nói và cho biết thêm những yêu cầu này cũng không quá khắt khe, thịt lợn Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của Trung Quốc

Tuy nhiên, theo Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Trung Quốc chỉ đồng ý nhập khẩu lợn cấp đông, lợn mảnh, chứ không nhập khẩu lợn sống vì rủi ro cao về dịch bệnh và hao hụt trong quá trình vận chuyển

Ông kỳ vọng, sau khi Trung Quốc đồng ý mở cửa, mỗi năm Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường này từ 1-2 triệu tấn thịt lợn

Ông Dương cho rằng, để giữ vững thị trường Trung Quốc, ngành chăn nuôi trong nước cần tái cơ cấu theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi, các hộ chăn nuôi liên kết lại thành hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp chế biến để hình thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tạo ra các giống lợn chất lượng năng suất, sức sinh sản cao để hạ giá thành

Đồng thời, ông cũng cảnh báo, người chăn nuôi lợn không nên vì diễn biến nói trên mà mở rộng quy mô, vì thị trường Trung Quốc cũng không còn hấp dẫn như trước

Bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc, ông Dương cũng cho hay, hiện Việt Nam đang mở rộng xuất khẩu sang thị trường Philipines

Trước tình hình giá lợn giảm sâu do cung vượt cầu khiến người chăn nuôi rơi vào tỉnh cảnh thua lỗ triền miên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức cuộc “giải cứu lợn” thông qua kêu gọi người dân ăn thịt lợn, tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu…

Kiều Linh
 
Trung Quốc có dễ "thay áo" nền nông nghiệp ?
Nền nông nghiệp Trung Quốc được Bloomberg mô tả ngắn gọn và đơn giản: có ít đất trồng trọt, được chia thành nhiều khoảnh nhỏ, được canh tác bởi nhiều nông dân đã lớn tuổi, và phần lớn đất còn bị ô nhiễm

Tuy nhiên, các thế hệ doanh nhân mới đang cho thấy nhiều nỗ lực nhằm "thay áo" cho nền nông nghiệp nước này

Nắm bắt thời cơ kinh doanh

Nhu cầu về thực phẩm sạch đang ngày càng gia tăng tại Trung Quốc, giúp tạo nên một thế hệ doanh nhân mới - những người nhanh chóng nắm bắt thời cơ kinh doanh nông nghiệp

“Nhiều người đang trở nên giàu có hơn và họ muốn mua các sản phẩm nông nghiệp an toàn”, Li Xiaojun (42 tuổi) – nhà nghiên cứu ngành Viễn thông tại Đại học Chiết Giang nói với Bloomberg. Lo lắng về chất lượng thịt ngoài các cửa hàng, cách đây 10 năm, Li Xiaojun đã thuê 7ha đất để tự nuôi gà và cung cấp cho gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, thịt gà của Xiaojun dần trở nên phổ biến đến mức ông đã tiếp tục mở rộng diện tích nuôi và hiện tại có 666ha đất nuôi gà thả vườn để cung cấp trực tiếp cho nhiều gia đình ở tận Hàng Châu, cách nông trại khoảng 100 cây số. Thịt gà của Xiaojun có giá cao gấp 4 lần thịt gà trong các siêu thị thông thường

An toàn thực phẩm là vấn đề ưu tiên hàng đầu đối với người kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp tại Trung Quốc. Cuộc điều tra về nguyên nhân ô nhiễm môi trường tại nước này hồi năm 2010 đã cho thấy lĩnh vực nông nghiệp chứ không phải công nghiệp là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm bề mặt nước

Người tiêu dùng Trung Quốc đã có cả thập kỷ phải trải qua nhiều vụ bê bối thực phẩm, khiến nhiều nhà giàu nước này chuyển sang sử dụng thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ, thực phẩm của các thương hiệu nước ngoài hoặc các hãng sản xuất nhỏ tại địa phương. Họ cũng muốn có thêm nhiều loại thực phẩm độc đáo, quý hiếm, và muốn dùng rau củ và trái cây tươi trong suốt năm

Không bỏ qua cơ hội này, Chen Jianming (49 tuổi) – một cựu công nhân nhà máy ô tô ở tỉnh Thiểm Tây – đã cùng với vợ thuê nửa hecta đất để trồng dâu tây trong nhà kính. Trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua, dâu tây của họ được bán với giá 10 USD/kg. “Chúng tôi không sử dụng thuốc trừ sâu, và mọi người thích dâu của chúng tôi”, ông Chen cho biết

Những nỗ lực của nhiều cá nhân như Li Xiaojun và Chen Jianming đã góp phần khắc phục tình trạng mất cân bằng lương thực và giúp giảm bớt mức độ nhập khẩu thực phẩm vào Trung Quốc

Bài toán “lớn hóa” đất nông nghiệp

4/5 đất nông nghiệp của Trung Quốc được chia ra thành các mảnh nhỏ hơn 3,3ha, và hầu hết những mảnh đất này thậm chí còn nhỏ hơn một sân bóng đá. Nông dân chủ yếu trồng các loại ngũ cốc như lúa, lúa mì trên đất được bón nhiều phân bón hóa học do chính phủ “tài trợ” nhằm tăng năng suất và giúp cho cây trồng được chắc hạt. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của tầng lớp trung lưu mới đối với nhiều loại thực phẩm sạch như thịt, trái cây, rau củ,… Trung Quốc cần có những diện tích đất nuôi trồng lớn hơn, chất lượng hơn và an toàn hơn


Tuy nhiên, điều này đặt chính phủ Trung Quốc vào thế tiến thoái lưỡng nan: nếu cho phép tất cả những mảnh đất nông nghiệp được tái canh tác an toàn, hàng triệu người lao động ở nông thôn có nguy cơ mất việc làm. “Gần một nửa dân số Trung Quốc sống ở nông thôn. Nếu họ không thể tìm được việc làm ở thành thị, vấn đề này sẽ tạo ra một sự bất ổn xã hội. Cách làm nông hiện đại lẫn các cánh đồng nhỏ truyền thống kiểu hộ gia đình sẽ phải cùng lúc tồn tại song song với nhau”, Hu Bingchuan – nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phát triển nông thôn, thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (Bắc Kinh) cho biết

Trung Quốc đang cố gắng từng bước mở rộng diện tích trung bình của các mảnh đất nông nghiệp. Nông dân Trung Quốc vốn không được sở hữu đất canh tác, mà được cấp quyền sử dụng thông qua chính quyền địa phương, thường là dưới hình thức thuê kéo dài hàng thập kỷ. Hồi tháng 12 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã cho phép chính quyền địa phương được “sáp nhập” quyền sử dụng đất đối với các mảnh đất nhỏ của các hộ nông dân và có thể cho doanh nghiệp thuê lại với hình thức trả tiền thuê hằng năm

Không phải hướng đến mục đích tạo ra nhiều nông trại lớn như các nước Hoa Kỳ, Canada hoặc Australia, nhưng cách “sáp nhập” những mảnh đất nhỏ như vậy cũng tạo điều kiện cho nông dân tận dụng hiệu quả các trang thiết bị công nghệ mới. Chính phủ Trung Quốc xác định “hạn mức thích hợp” để giao đất nông nghiệp cho một hộ nông dân vào khoảng 7 – 13ha

“Sáp nhập” đất nông nghiệp là bài toán khó đối với Trung Quốc, vì ngay cả khi chưa tính đến chuyện nông dân địa phương bị mất việc làm, đặc trưng đất trồng ở nhiều vùng của Trung Quốc là không đồng nhất về tính chất. Nhiều vùng rộng lớn ở phía bắc bị khan hiếm nguồn nước và còn thường bị ô nhiễm bởi các ngành công nghiệp như khai thác than. Phần lớn phù sa ở các vùng đồng bằng dọc theo bờ biển cũng đã bị cuốn trôi sau nhiều thập kỷ đô thị hóa

Để khắc phục vấn đề này, chính phủ Trung Quốc đang cố gắng di chuyển nguồn nước từ phía nam lên phía bắc thông qua một hệ thống lớn với nhiều con đập và kênh rạch. Không những cải thiện sự suy giảm lượng đất nông nghiệp tại các thành phố, cách làm này còn tạo điều kiện cho các mô hình nông trại lớn dễ dàng áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật mới trong nuôi trồng

Khi có quy định mới, hơn 1/3 hộ nông dân Trung Quốc đã cho thuê lại đất canh tác, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Qu Dongyu cho biết trong một hội nghị hôm 20/4. Ở các tỉnh miền Trung và miền Tây Trung Quốc, sự chuyển đổi của nông dân từ tự canh tác sang cho thuê đất không phải là điều bất ngờ. Bởi sau khoảng 3 thập kỷ người Trung Quốc có xu hướng di cư đến thành thị để tìm việc làm, nhiều đất nông nghiệp ở nông thôn chỉ còn được canh tác bởi những người lớn tuổi

Một nghiên cứu vào năm 2015 tại tỉnh Giang Tô cho thấy, tuổi trung bình của lực lượng lao động chính trong lĩnh vực nông nghiệp là 57. Nghĩa là, nếu các thế hệ doanh nhân mới không đảm đương việc sản xuất nông nghiệp, Trung Quốc có thể mất rất nhiều đất canh tác vì chúng sẽ dần bị bỏ hoang


Bích Trâm
 
Last edited:
Trung Quốc đang làm thay đổi sân chơi hàng hóa toàn cầu
Với tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức ấn tượng và tầng lớp trung lưu ngày một gia tăng, nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc vẫn là rất lớn

Là nước nhập khẩu và tiêu thụ hàng hoá lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã thúc đẩy giá hàng hóa tăng liên tục trong suốt thập niên 2000, và hiện vẫn đang chi phối hoạt động giao dịch nguyên vật liệu. Dưới đây là những ảnh hưởng mà Trung Quốc đã tạo ra lên các nhóm hàng hóa chủ chốt

Nông sản

Tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng, mối lo ngại về an toàn thực phẩm, và trào lưu tìm kiếm các loại thực phẩm bổ dưỡng là những nhân tố thúc đẩy việc nhập khẩu thực phẩm tại Trung Quốc

Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ và nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới. Đây là thứ nguyên liệu được sử dụng trong tất cả mọi lĩnh vực, từ sản xuất thức ăn chăn nuôi cho đến dầu ăn. Ngoài ra, mức thu nhập gia tăng của người dân Trung Quốc cũng đã thúc đẩy việc nhập khẩu các loại thực phẩm mới như dầu ôliu và bơ, và tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới

Các mối lo ngại về an toàn thực phẩm cũng đang tạo ra cơ hội cho các loại thực phẩm ngoại được cho là không bị ô nhiễm, chẳng hạn như sữa của New Zealand,. Ngoài ra, nó cũng dẫn tới sự đổi mới trong hoạt động quản lý chuỗi cung ứng từ nông trại đến bàn ăn

Doanh nhân người Singapore Douglas Foo, người điều hành chuỗi nhà hàng Sakae Sushi, nói với CNBC rằng ông đã đầu tư vào việc nuôi trồng thủy sản ở Nam Mỹ để cung cấp cho các cửa hàng của mình ở Trung Quốc, và sau này sẽ cung cấp luôn cho các chuỗi nhà hàng khác

"Chúng tôi chưa mở rộng mạnh mẽ trên thị trường Trung Quốc, không phải vì thiếu vốn, mà là vì muốn bảo đảm sự ổn định của chuỗi cung ứng", Foo nói

Các tiến bộ công nghệ cũng đang tạo ra động lực cho hoạt động kinh doanh thực phẩm an toàn. Theo Reuters cho biết, các nhà cung cấp thực phẩm tươi sống từ Úc và New Zealand đang sử dụng các ứng dụng của Trung Quốc như WeChat để giúp người tiêu dùng theo dõi đường đi của sản phẩm từ nông trại cho tới bàn ăn

d70101809943-80027136600x400221615836.jpg

Năng lượng

Là nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã phải đối mặt với nhiều vấn đề về ô nhiễm không khí, vốn là cái giá phải trả để đạt được mức tăng trưởng cao ngất trong 3 thập niên qua

Ngày nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang cam kết hỗ trợ chống lại biến đổi khí hậu - đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi hiệp định khí hậu Paris (tuy nhiên vẫn cần chờ xem lời hứa của Trung Quốc có đi kèm với hành động hay không)

"Trung Quốc là một nguồn cảm hứng về phát triển kinh tế. Mạng lưới điện quốc gia của nước này là lớn nhất thế giới. Lưới điện Trung Quốc đang đi tiên phong trong việc triển khai những nguồn năng lượng tái tạo mới, trong một hệ thống hoàn toàn đáng tin cậy với một quy mô lớn ", là bình luận của Adnan Amin, tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IREA), vào hồi đầu tháng này

Quy mô đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Trung Quốc cũng đang tăng lên theo cấp số nhân, ông Amin nói thêm

Theo một nhà nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc nói với Reuters,nước này sẽ khởi động một hệ thống giao dịch tín chỉ khí thải trên toàn quốc vào tháng 11 tới đây

Kim loại

Là nguyên liệu thô để sản xuất thép, quặng sắt thường được bán trên cơ sở hợp đồng tính bằng năm. Nhưng gần đây, hoạt động giao dịch quặng sắt đã chuyển dần sang các hợp đồng kì hạn ngắn hơn và cơ chế định giá giao ngay (spot pricing), do sự tham gia của các nhà giao dịch người Trung Quốc

Thị trường quặng sắt giao ngay cũng bắt đầu phổ biến trong bối cảnh giá cả ngày càng biến động, do người Trung Quốc không ngần ngại phá vỡ các hợp đồng kỳ hạn khi giá giảm mạnh. Họ sẵn sàng trả tiền phạt và thực hiện mua quặng giao ngay với giá rẻ hơn, thay vì chấp nhận trả mức giá cao hơn đã được đồng ý trước đó

Hoạt động giao dịch phái sinh hàng hóa sôi động ở Trung Quốc đại lục cũng tạo điều kiện cho các hợp đồng ngắn hạn, vì các nhà giao dịch có thể dễ dàng bảo vệ vị thế của mình

Trong ngành than cốc (coking coal), vốn cũng là một nguyên liệu khác để sản xuất thép, những xu hướng tương tự cũng đang diễn ra. Ngày nay hoạt động giao dịch than cốc đang chuyển từ các hợp đồng dài hạn với giá cố định sang các hợp đồng định giá dựa trên chỉ số (index-linked), phụ thuộc vào thị trường phái sinh

Quỳnh Như
 
Top