What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tập đoàn Sawaco

LOBBY.VN

Administrator
SAWACO xây dựng hệ thống cung cấp nước thông minh

cntt_zpsd0888776.jpg

Sự phát triển của công nghệ Thông tin (CNTT) đã làm thay đổi thế giới, mang lại những tiện nghi cho cuộc sống, từ các ứng dụng vào nghiệp vụ trong kinh doanh, tự động hóa trong sản xuất, thiết bị thông minh, đến hoạt động giải trí

Ngày nay, CNTT là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho mọi hoạt động của doanh nghiệp và là một trong những lợi thế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, giữa các quốc gia

Năm 2005, SAWACO được thành lập và hoạt động theo mô hình mẹ con, các công ty cổ phần cấp nước ra đời. Hệ thống CNTT của SAWACO lúc ấy chỉ là chiếc máy chủ tính toán và in hóa đơn cho (ứng dụng Billing) khoảng 530.000 khách hàng; cơ sở hạ tầng đơn giản gồm đường truyền tốc độ thấp không ổn định, nối kết với vài chục máy tính để bàn

Ngoài ứng dụng in hóa đơn (Billing), các ứng dụng đơn lẻ khác chủ yếu là phần mềm văn phòng của Microsoft, phần mềm kế toán, phần mềm tiền lương thiếu tính chuyên nghiệp. Cơ sở dữ liệu rời rạc, phân tán, tính bảo mật và an ninh không cao phản ánh một hệ thống CNTT sơ khai của SAWACO lúc bấy giờ

Đến nay, SAWACO đã có khoảng 900.000 khách hàng. Để đáp ứng yêu cầu chất lượng dịch vụ ngày càng cao, dữ liệu thông tin về khách hàng và thông tin về sản xuất, kinh doanh tăng nhanh, sự phát triển chậm chạp của CNTT xem như “chiếc áo cũ chật chội”, cần phải “thay mới” cho phù hợp nhu cầu phát triển của “cơ thể”

Các đơn vị cấp nước đã thiết lập mạng nội bộ có máy chủ riêng, lập các trang Web riêng, ứng dụng các phần mềm nghiệp vụ như kế toán, tiền lương, phần mềm phục vụ công tác quản lý, lưu trữ; sử dụng thiết bị đọc số (handheld) kết hợp phần mềm nhập dữ liệu

Xí nghiệp Truyền dẫn Nước sạch thành lập Trung tâm DCC, ứng dụng thành công phần mềm truyền nhận dữ liệu PI, hỗ trợ rất hiệu quả công tác theo dõi vận hành hệ thống mạng cấp 1, 2. Các nhà máy nước thực hiện dự án SCADA nhằm nâng cao hiệu quả vận hành an toàn, sản xuất

Khẳng định vai trò trung tâm trong quản lý, điều hành hệ thống cấp nước, ngoài các ứng dụng nhỏ lẻ về CNTT phục vụ văn phòng, SAWACO đã và đang đầu tư phát triển các ứng dụng CNTT với quy mô lớn. Ứng dụng trong lãnh vực sản xuất như: GIS (hệ thống thông tin địa lý), SCADA (hệ thống điều khiển, giám sát và thu thập dữ liệu), WaterGem (phần mềm mô hình thủy lực) kết hợp vận hành tổng thể mạng lưới cấp nước

Ứng dụng trong lãnh vực kinh doanh: phần mềm quản lý nguồn lực (ERP) bao gồm kế toán, nhân sự, tiền lương, tài sản; phần mềm quản lý khách hàng và in hóa đơn (Billing), cổng thông tin điện tử mở trang Web xây dựng kênh thông tin với khách hàng; văn phòng điện tử

Trước tiềm năng lớn về ứng dụng CNTT và khả năng hữu hạn về nguồn lực của SAWACO, và khả năng cung cấp dịch vụ CNTT trên thị trường, SAWACO cần xác định chiến lược phát triển CNTT như thế nào để đầu tư phát triển ứng dụng CNTT phát huy được lợi thế và đạt hiệu quả cao

Phòng Công nghệ Thông tin SAWACO là đơn vị tham mưu xây dựng chiến lược CNTT, phối hợp tổ chức triển khai các ứng dụng CNTT, tham mưu xây dựng hành lang pháp lý trong quản lý hoạt động CNTT, tham gia các quản lý vận hành hệ thống CNTT của SAWACO, đã xây dựng đề xuất kế hoạch phát triển CNTT (2012-2015) trong chương trình phát triển khoa học- công nghệ

Phối hợp với tổ chức USTDA của Mỹ xây dựng hệ thống tổng thể CNTT và truyền thông của SAWACO, với định hướng cơ sở dữ liệu tập trung đề xuất phát triển CNTT từng bước và đồng bộ như sau

- Xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT làm nền tảng phục vụ cho phát triển các ứng dụng CNTT; nâng cấp mạng đường truyền dữ liệu với tốc độ truyền dữ liệu cao, ổn định; xây dựng Trung tâm dữ liệu Data-center đạt chuẩn đảm bảo cơ sở dữ liệu tập trung, an toàn, bảo mật

- Phát triển các ứng dụng CNTT rời rạc trong lãnh vực sản xuất, kinh doanh như đã nêu trên trong giai đoạn đầu làm tiền đề cho các giai đoạn phát triển chiến lược kế tiếp, tích hợp các ứng dụng trên nền cơ sở dữ liệu tập trung, xây dựng hệ thống thông tin quản lý MIS (management Information System) và thương mại điện tử

- Môi trường quản lý hoạt độnng CNTT thông qua hành lang pháp lý và kỹ năng CNTT của nguồn nhân lực được chú trọng đầu tư phát triển đồng bộ cùng với hệ thống CNTT để đảm bảo cho tính khả thi và ứng dụng hiệu quả CNTT

Nhìn lại chặng đường bảy năm phát triển CNTT của SAWACO, đến nay, so với các đơn vị cùng ngành trong nước, có thể nói CNTT chúng ta đã tụt hậu, chúng ta chưa thể hài lòng về kết quả khai thác lợi ích từ ứng dụng CNTT hiện nay. Tuy nhiên, các dự án đầu tư CNTT mà SAWACO đang ráo riết triển khai, đã nói lên sự quyết tâm và kỳ vọng của lãnh đạo về đóng góp của CNTT. Đó cũng là điều kiện tiên quyết cho việc thực thi thành công các ứng dụng CNTT

Mặc dù hàng loạt các ứng dụng phát triển CNTT của SAWACO đang ở giai đoạn thực hiện, chưa đưa vào vận hành khai thác, nhưng với một tiềm năng lớn về phát triển CNTT, với một định hướng phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại, một chiến lược CNTT đúng đắn, chúng ta tin tưởng rằng trong một tương lai không xa, mục tiêu chiến lược CNTT của SAWACO sẽ trở thành hiện thực, mang lại những giá trị to lớn góp phần phát triển SAWACO

Trần Đỗ Bảo Quế
 
Gia tộc Zobel de Ayala
Tập đoàn khổng lồ đang muốn "thâu tóm" ngành nước Sài Gòn​

McMicking_zps03c0665f.png

Joseph McMicking - Ông con rể đã đặt nền móng cho khu trung tâm tài chính Makati và cả sự giàu có của gia tộc Zobel de Ayala sau này​

Gia tộc Zobel de Ayala ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống kinh tế xã hội Philippines suốt gần 200 năm qua. Tham vọng của họ với ngành nước Sài Gòn là gì ?

Capture_zpsaf26dd22.png

Ayala Triangle - Biểu tượng của quyền lực nhà Ayala​

Đây Ayala. Kia Ayala

Xuống tàu ở nhà ga Ayala, đi khoảng 200m về phía Đông Bắc rồi rẽ trái là tới Đại lộ Ayala, trái tim của trung tâm tài chính Makati thuộc thủ đô Manila, Philippines. Nổi bật trong số các tòa nhà chọc trời trên đại lộ này là tháp Ayala Tower One nằm trong Tam giác Ayala (Ayala Triangle), nơi đặt Sở giao dịch chứng khoán Philippines

Đối diện bên đường là khu phức hợp mua sắm giải trí Ayala Center. Đây Ayala. Kia Ayala. Nhân tiện, khu Makati là do nhà Ayala xây dựng và giao thông công cộng ở Manila cũng do nhà Ayala đặt nền móng

Ayala là tập đoàn lớn nhất và giàu truyền thống nhất tại Philippines. Bốn trụ cột của tập đoàn là Ayala Land trong lĩnh vực bất động sản, Bank of the Philippine Islands (BPI) trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Globe Telecom trong lĩnh vực viễn thông và Manila Water trong lĩnh vực cấp thoát nước

Để bạn đọc dễ hình dung, nếu sáp nhập bốn người khổng lồ trong 4 lĩnh vực tương ứng là Ngân hàng Công thương, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Viettel và Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) thì sẽ ra một tập đoàn đa ngành (conglomerate) ngang ngửa với Ayala. Trong năm 2011, họ nhà Ayala đóng góp 4 thành viên trong số 20 doanh nghiệp thu lời nhiều nhất Philippines

ayala-pillars2_zps79fe0931.png

Tương quan "tứ trụ" nhà Ayala với 4 doanh nghiệp hàng đầu cùng ngành ở Việt Nam (đơn vị: triệu USD)​

Ngân hàng đầu tiên, đồng tiền đầu tiên

Với người Philippines, tập đoàn thành lập năm 1834 này là đã một phần của lịch sử và truyền thống. Năm 1851, Antonio Ayala, chủ nhân đời thứ hai của tập đoàn, là một trong các sáng lập viên của Banco Espanol Filipino de Isabel Segunda, ngân hàng đầu tiên của nước này đồng thời cũng là ngân hàng lâu đời nhất Đông Nam Á

Đây là ngân hàng duy nhất tại Philippines được phép phát hành tiền và hoạt động với tư cách ngân hàng trung ương suốt từ thời thực dân Tây Ban Nha cho đến thời Mỹ “bảo hộ”, và chỉ chấm dứt khi NHTW Philippines ra đời năm 1949

Antonio Ayala thừa kế Tập đoàn Ayala (khi ấy còn có tên Casa Rosax) từ nhà vợ de Roxas. Ông là người mở đầu cho hơn một trăm năm gia đình này phát đạt nhờ những ông con rể. Và cả hai con rể của ông đều là những tên tuổi lớn trong giới doanh thương Philippines đầu thế kỷ 20. Kết hôn với người con gái cả là Pedro Pablo Roxas, người sáng lập hãng bia San Miguel

Ý chung nhân của người con thứ là Jacobo Zobel Zangronitz, người kế thừa tập đoàn Ayala. Ở Philippines, ông nổi tiếng là một nhà ái quốc, cả đời bị thực dân Tây Ban Nha theo dõi, thậm chí đã có lúc bị biệt giam. Hệ thống giao thông công cộng tại Manila là do Jacobo Zobel cùng một người bạn chung vốn xây dựng

Người con rể Joseph McMicking

Sang thế kỷ 20, những người con rể của nhà Zobel de Ayala đưa gia đình tiến quân sang ngành bảo hiểm, bán dẫn, phân phối xe hơi, và nổi tiếng nhất là Joseph McMicking, người đưa ra Quy hoạch tổng thể Ayala (Ayala Master Plan) đặt nền móng cho toàn bộ khu trung tâm tài chính Makati sau này

Dù không mang dòng máu Philippines (nhà Ayala quê gốc ở Tây Ban Nha, nhà Zobel từ Đức và nhà McMicking từ Scotland), nhưng gia tộc Zobel de Ayala lại rất được trọng thị tại Philippines. Phần vì truyền thống ái quốc từ thời thực dân Tây Ban Nha, nhưng chủ yếu là nhờ hào phóng làm từ thiện. Năm 2010, Tạp chí Forbes đã tôn vinh Chủ tịch danh dự Tập đoàn Ayala với danh hiệu Anh hùng Từ thiện

Nhòm ngó Việt Nam

Ayala đánh dấu sự xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2008 thông qua công ty con Manila Water với dự án giảm thất thoát nước vùng 1 của TP. HCM trị giá 44 triệu USD. Theo ông Ronnie Lim, Giám đốc Phát triển Kinh doanh quốc tế của Manila Water, tới tháng 05/2012, dự án đã giảm thất thoát nước được 65.000m3/ngày, vượt xa so với mức cam kết tối thiểu tới tháng 08/2012 là 37.500m3/ngày. Ông Lim cho biết thêm, Manila Water đặt mục tiêu sẽ đạt tới con số 75.000m3/ngày khi kết thúc dự án kéo dài 6 năm này

Hồi tháng 11 năm ngoái, liên danh Manila Water, Mitsubishi và CTCP Cơ điện lạnh REE đã đề xuất với Sawaco triển khai dự án tương tự tại các vùng 4, 5 và 6. Theo ông Lim, phía Manila Water hy vọng sẽ sớm kết thúc đàm phán với Sawaco

Những động thái thâu tóm quyết liệt của Tập đoàn Ayala trong thời gian gần đây khiến giới đầu tư chú ý (và cơ quan quản lý nhíu mày). Khởi đầu là việc bỏ 42,6 triệu USD (tức gần 900 tỷ VNĐ) mua lại 49% cổ phần CTCP B.O.O Nước Thủ Đức từ tay CII hồi tháng 12 năm ngoái (lưu ý, đây không phải CTCP Cấp nước Thủ Đức, MCK: TDW, hiện đang niêm yết trên HOSE)

Theo thông tin từ Global Water Intelligence, doanh thu năm 2011 của BOO Nước Thủ Đức là 15 triệu USD (tức hơn 300 tỷ VNĐ) và lợi nhuận ròng là 3,9 triệu USD (tức 80 tỷ VNĐ)

Hơn nửa năm sau, Manila Water mua tiếp 47% CTCP Cấp nước Kênh Đông, công ty có sản lượng nước 150.000m3/ngày. Cộng thêm sản lượng gần 350.000m3/ngày của BOO Nước Thủ Đức, các công ty do Manila Water sở hữu lớn cổ phần hiện đang cung cấp khoảng 25-30% sản lượng nước cho TP.HCM

Tháng 05/2012, Ayala - thông qua công ty con AIT Pte. Ltd - đã mua 10% cổ phần CII và trở thành cổ đông ngoại lớn nhất và tới cuối năm là góp 49% vào CTCP Đầu tư Hạ tầng Việt Nam-Philippines (“VPI”) với mục tiêu là “triển khai các dự án hạ tầng dọc theo quốc lộ 1A của Việt Nam” theo Công văn số 06/2012/CV-VPII của công ty này gửi SGDCK TP.HCM

Ayala nhòm cái gì ?

Nước, đương nhiên rồi, nhưng Ayala có lẽ sẽ không cam phận làm một nhà đầu tư “chiến lược” mà chẳng khác gì “thiểu số” như HSBC tại Bảo Việt: hoàn toàn bị lấn át bởi cổ phần chi phối của phía Việt Nam

Đã nắm tới 49% cổ phần của VPI, không khó để Ayala liên kết thêm một số nhà đầu tư nội địa để nâng quyền biểu quyết lên quá 50%. Mới đây, VPI lại đăng ký mua tiếp 15% cổ phần CII

Khi ấy, Ayala sẽ vừa trực tiếp, vừa gián tiếp qua VPI, có quyền biểu quyết với 25% cổ phần CII và trở thành cổ đông lớn nhất. Có lẽ điều này đã nằm trong dự liệu, khi phía CII công khai ý định sẽ chỉ nắm 40% cổ phần trong VPI

Trong hai kỳ đại hội cổ đông vừa qua, số cổ đông tới dự họp chỉ đại diện cho chưa tới 70% số cổ phần có quyền biểu quyết. Như thế có nghĩa là dù chỉ nắm 25% cổ phần nhưng Ayala đang có 35% quyền biểu quyết tại CII. Hồi tháng 4 vừa qua, TGĐ Manila Water là ông Gerardo C. Ablaza, Jr. đã được bầu vào HĐQT của CII

Với ảnh hưởng lớn như vậy, thông qua CII và kết hợp với vốn góp do mình hoặc các công ty con trực tiếp nắm, Ayala có thể dành được quyền điều hành thực tế tại nhiều doanh nghiệp trong ngành cấp nước, bất chấp có bị cản trở bởi tỷ lệ sở hữu tối đa 49% của nhà đầu tư ngoại

Theo Nhịp cầu đầu tư, thậm chí toàn bộ Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn cũng có thể đang ở trong tầm ngắm khi tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp này bắt đầu. “Đó sẽ là cơ hội cho Manila Water”, tạp chí này viết

Minh Tuấn
 
Chuẩn bị xây nhà máy nước 1.200 tỉ đồng​

9f52a_16118_nha_may_nuoc_online_zpsbb9a034a.jpg

Nhà máy nước BOO Thủ Đức là một trong các nhà máy giúp ổn định nguồn cấp nước cho khu vực phía đông Sài Gòn​

- Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết ngày 8-4 tới sẽ khởi công xây dựng nhà máy nước Thủ Đức 3 có tổng vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng. Đây là một trong 5 nhà máy được Sawaco lên kế hoạch xây dựng từ nay đến năm 2024 để nâng công suất cấp nước sạch lên 3,4 triệu m3/ngày.

Theo thông tin được Sawaco gởi Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (2-4), nhà máy nước Thủ Đức 3 có diện tích 3 héc ta trên đường Lê Văn Chí, quận Thủ Đức có công suất 300.000 m3/ngày

Nhà máy sử dụng nguồn nước mặt sông Đồng Nai, dự kiến sẽ cấp nước vào tháng 6-2014, bổ sung nguồn nước sạch cho quận 9, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, quận 1, quận 3

Liên quan đến việc cấp nước sạch, ông Hà Văn Sang, Giám đốc Nhà máy nước sạch Kênh Đông, nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, rằng nhà máy nước Kênh Đông sẽ chính thức cấp nước trong tháng 5 tới với công suất 150.000 m3/ngày. Giữa tháng 4 tới nhà máy sẽ vận hành thử nghiệm

Theo ông Sang, nước từ nhà máy nước Kênh Đông sẽ được dẫn về nhà máy nước Tân Hiệp để bán lại cho Sawaco để cung cấp cho các khu vực phía tây thành phố

Dự án này do Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Sài Gòn (SWIC) làm chủ đầu tư. SWIC được thành lập vào năm 2010 bởi các cổ đông gồm Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) góp 60% vốn, Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE) góp 30% và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp thoát nước (Waseco) góp 10% vốn điều lệ

Trước đó vào tháng 11-2012, SWIC đã ký hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng) với Công ty Passavant Roediger (Đức) và Tổng công ty Xây dựng số 1 để xây dựng nhà máy nước này

Trong tổng vốn 1.200 tỉ đồng, chủ đầu tư sẽ vay 66,5% vốn từ Ngân hàng Commerzbank - Akabank (Đức) và 21% vốn vay từ Vietinbank, 12,5% vốn còn lại là vốn của SWIC

Hiện nay tổng công suất cấp nước sạch của Sawaco khoảng 1,5 triệu m3/ngày. Trong kế hoạch phát triển nguồn cấp nước, Sawaco dự kiến đến năm 2015 sẽ nâng công suất lên 2,4 triệu m3/ngày và đến năm 2025 đạt công suất 3,4 triệu m3/ngày

Văn Nam
 
Top