What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tổng thống Obama

LOBBY.VN

Administrator
Việt Nam với nhiệm kỳ mới của Obama
Những ai đang tìm kiếm ý nghĩa biểu tượng của thông báo về chuyến công du đầu tiên trong nhiệm kì hai của Obama sẽ không bỏ lỡ một điều: châu Á sẽ được chú ý nhiều hơn

Và rồi cuối cùng thì bầu cử Mỹ đã kết thúc. Ngày bầu cử đã qua và người dân Mỹ đã lựa chọn chính quyền của mình. Sau một mùa tranh cử ồn ào, chính quyền mới rốt cục không có gì thay đổi so với trước. Đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số ở Hạ viện

Đảng Dân chủ nắm được nhiều ghế hơn ở Thượng viện. Và Tổng thống Obama sẽ ngồi lại Nhà Trắng thêm bốn năm nữa. Hiếm có khi nào trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ, một chiến dịch tranh cử tốn kém và kéo dài như vậy lại không tạo ra được mấy thay đổi so với tình trạng hiện thời

Ai đó có thể nhìn vào kết quả và kết luận rằng người dân Mỹ hài lòng với cách thức mà mọi việc đã diễn ra trên đất nước họ và quyết định trao cho ê-kíp cũ cơ hội tiếp tục. Nhưng thực tế có rất ít bằng chứng để đảm bảo cho kết luận này. Hàng loạt các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy người Mỹ không hài lòng với hướng đi của đất nước, bất bình với những gì mà Quốc hội đang thực hiện và hoài nghi sâu sắc về tổng thống

Những gì mà kết quả cuộc bầu cử cho thấy không phải là sự ủng hộ áp đảo dành cho Tổng thống Obama, mà chỉ là người Mỹ chọn cách giữ nguyên trạng bởi không cảm thấy thuyết phục bởi lựa chọn thay thế mà Mitt Romney và Paul Ryan đưa ra

Trong số những người lẽ ra phải đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử, chỉ có 30% bỏ phiếu cho Obama. Một tỷ lệ xấp xỉ khác bỏ phiếu cho Romney và hơn 40% không tham gia bỏ phiếu. Khó có thể nói đó là một sự ủng hộ rộng rãi cho Tổng thống và các chính sách của ông

Vậy thì bây giờ sẽ là gì ? Trong "thổ ngữ chính trị Mỹ", Obama hiện là một tổng thống "vịt què" (lame-duck). Hiến pháp Mỹ giới hạn tổng thống chỉ được tối đa hai nhiệm kỳ, Obama sẽ không thể tìm kiếm việc tái cử vào năm 2016

Tình trạng "vịt què" mang đến nhiều thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội. Thách thức sẽ càng hiển hiện rõ ràng cho đến những ngày cuối nhiệm kỳ hai, khi các đối thủ của tổng thống biết rằng họ có thể chờ đợi tổng thống ra đi. Nếu họ không thích những chính sách mà ông đề xuất, họ sẽ có thể tìm cách trì hoãn nó cho đến khi một tổng thống mới nhận nhiệm sở. Những người Cộng hòa đã thực hiện rất hiệu quả chiến thuật này vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ 2 của Lyndon Johnson cũng như những người Dân chủ đã làm vào nhiệm kỳ cuối của Gerald Ford năm 1976

Mặt khác, tình trạng "vịt què" có thể giải phóng cho tổng thống. Không cần phải lo lắng về việc cử tri sẽ phản ứng ra sao với các sáng kiến chính sách, một tổng thống trong nhiệm kỳ cuối là của mình có thể thực hiện các bước đi táo bạo hơn, chấp nhận nhiều rủi ro hơn là một tổng thống luôn phải lo lắng về việc tái đắc cử hay nguy cơ thất cử trước mắt

Trong một cuộc hội đàm hồi tháng 5/2012 với Dmitri Medvedev, Tổng thống Obama, vốn không biết cuộc nói chuyện đang bị ghi âm, đã thật thà nói với nhà lãnh đạo Nga: "Đây là cuộc bầu cử cuối cùng của tôi. Sau cuộc bầu cử này, tôi sẽ có nhiều không gian linh hoạt hơn"

Có lẽ đây là một cách thức trung thực bất thường khi một tổng thống nói ra một sự thật mà ai cũng biết. Chắc chắn sẽ có nhiều không gian linh hoạt hơn khi mối quan ngại tái đắc cử không còn là một phần trong phương trình hoạch định chính sách

Obama sẽ sử dụng "khả năng linh hoạt" này như thế nào ?

Nhiều khả năng chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời trong các nỗ lực chính sách đối ngoại nơi mà Quốc hội, với những thành viên phải quan tâm đến khả năng tái cử - ít quyền tham gia vào. Chúng ta sẽ có ý niệm rõ ràng hơn về định hướng chính sách đối ngoại nhiệm kỳ hai của Obama vào vài tuần tới khi đội ngũ mới của ông được công bố

Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta sẽ sớm ra đi. Việc những ai sẽ thay thế họ sẽ giúp chúng ta phán đoán được hướng tư duy của Obama. Tuy nhiên, một số triển vọng khác cũng đã xuất hiện

Nhiều khả năng chính quyền mới sẽ có những nỗ lực mạnh mẽ hơn trong các cuộc đối thoại với Iran về chương trình vũ khí hạt nhân. Đảng Cộng hòa đã chỉ trích Obama về việc ông sẵn sàng đàm phán với Iran. Nay ông không cần phải lo ngại về chỉ trích của Cộng hòa nữa. Một sự rò rỉ thông tin vài ngày trước cuộc bầu cử cho thấy nền tảng cho những cuộc đàm phán như vậy đã được khởi động

Chúng ta cũng có thể trông đợi nhiệm kỳ hai của Obama sẽ chứng kiến sự cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Cho đến nay, nước Mỹ đã tiêu tốn ngân sách quốc phòng bằng hầu hết các nước khác trên thế giới gộp lại. Trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, một mức chi tiêu như vậy đã vượt quá năng lực. Ngày nào trong chiến dịch tranh cử, Romney cũng chỉ trích Obama về việc cắt giảm chi tiêu quân sự, nhưng người dân Mỹ không hề động lòng bởi lý lẽ công kích này

Và chúng ta có thể mong chờ một sự quan tâm nhiều hơn đối với châu Á trong nhiệm kỳ hai này. Sau ngày bầu cử, Nhà Trắng đã ra thông báo về chuyến công du sắp tới của Tổng thống đến Myanamar, Campuchia và Thái Lan. Những ai đang tìm kiếm ý nghĩa biểu tượng của thông báo này sẽ không bỏ lỡ một điều: châu Á sẽ được chú ý nhiều hơn trong nhiệm kỳ hai

Và, nếu Thượng nghị sỹ John Kerry được chỉ định làm Ngoại trưởng trong nhiệm kỳ mới, như nhiều người đang trông đợi thì điều này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Kerry là một người bạn vong niên của Việt Nam, ông đã đến thăm đất nước này nhiều lần và hiểu rõ người dân cũng như lãnh đạo của Việt Nam

Trong mối quan hệ với Việt Nam, cũng như với tất cả những nước khác trong một thế giới phức tạp, Hoa Kỳ sẽ đối mặt với những thách thức trong thời gian tới. Nhưng nước Mỹ đã có một nhà lãnh đạo giờ đã sành sỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, người luôn đề cao giá trị của ngoại giao và trên tất cả, sẽ tìm kiếm cách thức giải quyết bất đồng quốc tế thông qua đàm phán thay vì bằng vũ khí. Giờ là lúc để tiếp tục với sứ mệnh ấy

GS Calvin Mackenzie - ĐH Colby, Hoa Kỳ
 
Last edited by a moderator:
Mỹ cần một “chính phủ khôn ngoan hơn”
- Trong bài diễn văn hàng năm “Thông điệp Liên bang” đọc trước Quốc hội Mỹ tối thứ Ba 12-2-2013 (tức sáng nay giờ Việt Nam) Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng nước Mỹ cần có một “chính phủ khôn ngoan” (smart government) để vượt qua thử thách và khôi phục nền kinh tế

Đây là thông điệp liên bang đầu tiên của ông Obama sau khi tái đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua. Ông thúc giục Quốc hội Mỹ có biện pháp ngăn chặn việc cắt giảm ngân sách quốc phòng và an sinh xã hội, dự kiến sẽ bắt đầu được triển khai từ ngày 1-3 tới

Ông Obama nói việc cắt giảm này là “một ý tưởng thực sự tồi tệ”, có thể gây nguy hiểm cho công cuộc phục hồi kinh tế rất mong manh hiện nay; riêng việc cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội như Medicare còn tệ hại hơn nữa và gây tổn thương cho tầng lớp trung lưu

“Chúng ta không cần một chính phủ to lớn hơn, nhưng cần một chính phủ khôn ngoan hơn, biết đặt ra các ưu tiên hợp lý và biết đầu tư cho sự tăng trưởng rộng rãi”, ông nói

Đặc biệt, ông Obama cam kết đặt ưu tiên cho sự phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo và năng lượng sạch. Theo các cuộc thăm dò dư luận, kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của người Mỹ hiện nay

“Một nền kinh tế tăng trưởng, tạo ra nhiều công ăn việc làm phải là ngôi sao Bắc đẩu dẫn dắt các nỗ lực của chúng ta. Mỗi ngày, với tư cách một dân tộc, chúng ta cần tự hỏi mình 3 câu hỏi: Làm thế nào để thu hút nhiều công việc làm đến đất nước mình ?

Làm thế nào chúng ta trang bị cho người dân các kỹ năng mà những công việc ấy đòi hỏi? và Làm thế nào chúng ta bảo đảm rằng người làm việc cần cù sẽ có cuộc sống xứng đáng ?” ông Obama nói

Ông Obama cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua các biện pháp bảo đảm an toàn trong việc sử dụng súng ống; ông nói rằng các nạn nhân của bạo lực súng ống – chẳng hạn các cư dân thị trấn Newtown bang Connecticut, nơi có 26 người thiệt mạng trong vụ tàn sát hồi tháng 12-2012 – “xứng đáng được bỏ một phiếu” thông qua đạo luật cấm lưu hành vũ khí tấn công và hộp đạn cỡ lớn

Về đối ngoại, ông Obama chỉ đưa ra cam kết sẽ rút 34.000 lính Mỹ khỏi chiến trường Afghanistan trong năm tới – tương đương một nửa số lính Mỹ hiện đồn trú tại đó và lên án vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên

Thái Bình
 
Last edited by a moderator:
Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, Mỹ điện đàm
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm 16/2 có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry, để bàn về một số biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương

Ông Kerry chúc mừng nhân dân Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, đồng thời khẳng định chính sách của chính quyền Tổng thống Barack Obama trong nhiệm kỳ hai là tiếp tục coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay

Bộ trưởng Phạm Bình Minh cảm ơn Ngoại trưởng Kerry đã gọi điện thoại trong những ngày đầu năm mới, và mong muốn người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới

Hai bộ trưởng cũng trao đổi về một số biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và trao đổi các chuyến thăm trong năm 2013
 
Last edited by a moderator:
Người hùng của Israel có thể giải cứu kinh tế Mỹ ?
Rất có thể Stan Fischer sẽ trở thành người nước ngoài đầu tiên đảm nhiệm một trong những vị trí quan trọng nhất của chính phủ Mỹ

Cuối năm 2001, Stan Fischer rời khỏi Quỹ tiền tệ quốc tế IMF. Một vài tháng sau, ông gia nhập Citigroup với vị trí phó chủ tịch. Đến năm 2005, Fischer được mời về làm Thống đốc NHTW Israel

Tại thời điểm đó, NHTW Israel rất tập trung và thống đốc gần như có quyền lực tuyệt đối để theo đuổi bất cứ chính sách nào mà ông muốn. Và, mặc dù không từ bỏ quốc tịch Mỹ, ông ngay lập tức được cấp quốc tịch Israel

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu Fischer làm việc với đất nước này. Thời kỳ giữa những năm 1980, ông đã cố vấn cho chính phủ Israel, giúp nước này thoát khỏi khủng hoảng lạm phát. Trong thập kỷ sau đó, ông cùng với Anna Karasik, Leonard Hausman và nhà kinh tế học đã đạt giải Nobel Thomas Schelling làm việc trong 1 dự án với nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh xung đột Israel-Palestine

Trở thành thống đốc NHTW của 1 đất nước nhỏ bé trong bối cảnh khủng hoảng tài chính đang hoành hành trên khắp thế giới không phải là 1 công việc đơn giản. Giống như rất nhiều quốc gia khác, Israel cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi mớ hỗn độn trên phố Wall

Trên lý thuyết, đáng lẽ ra các nhà hoạch định chính sách của nước Mỹ đã có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng và chỉ mình họ làm được điều này. Là thống đốc NHTW Israel, Fischer không có khả năng ấy. Tuy nhiên, ông có thứ vũ khí của riêng mình: shekel – đồng nội tệ của Israel

Các NHTW có quyền năng vô hạn đối với đồng nội tệ, phá giá đồng nội tệ có thể làm gia tăng giá trị của hàng hóa xuất khẩu và cuối cùng là tạo ra tăng trưởng kinh tế

Thông thường, NHTW của các nền kinh tế lớn rất thận trọng khi sử dụng đòn bẩy này. Nếu như Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke bóp méo giá trị của đồng USD, hoạt động xuất khẩu của nước này được đẩy mạnh

Tuy nhiên, động thái này cũng có thể gây nên thảm họa cho hệ thống tài chính toàn cầu. Giá trị của mọi tài sản được niêm yết bằng đồng USD, trong đó có tất cả các loại trái phiếu, sẽ lao dốc không phanh

Ngược lại, phá giá tiền tệ chính là lợi thế của các nước nhỏ. Các nước khác không tích trữ đồng shekel nhiều như đồng USD và euro. Fischer đã tận dụng được lợi thế ấy. Ngày 30/5/2008, 1 USD có thể đổi được 3,2 shekel. Ngày 6/3/2009, tỷ lệ là 4,2 shekel. Trong vòng chưa đến 1 năm, Fischer đã giảm giá đồng shekel tới 25%

Chính sách này đã tỏ ra hiệu quả. Với xuất khẩu tăng vọt, cán cân thương mại của Israel chuyển từ trạng thái thâm hụt 2 tỷ USD trong năm 2008 lên thặng dư 5 tỷ USD trong năm 2009. Trong khi các quốc gia khác chìm sâu hơn vào suy thoái, nền kinh tế của Israel khởi sắc

Ứng viên hoàn hảo thay thế Ben Bernake ?

Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ là chức vụ đi kèm với rất nhiều trọng trách, trong đó có việc đưa ra các chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến của nền kinh tế. Trong bối cảnh hầu hết các nước đã hạ lãi suất xuống mức gần 0 như hiện nay, Chủ tịch Fed còn phải quyết định sẽ sử dụng công cụ đặc biệt nào để thúc đẩy tăng trưởng

Trong bối cảnh đặc biệt hiện nay, chủ tịch Fed cũng phải là 1 nhà ngoại giao tài tình để có thể đại diện cho nước Mỹ tại các diễn đàn kinh tế thế giới. Ông phải đứng ra chịu trách nhiệm khi khủng hoảng xảy đến, đưa ra các giải pháp một cách nhanh gọn nhưng chính sách

Vị chủ tịch của Fed cũng phải là một nhà quản lý tài năng hiểu rõ những mối đe dọa xuất phát từ thị trường tài chính. Người này còn phải là 1 chính trị gia tài ba có thể xoa dịu cơn giận của các nhà làm luật và ứng phó với nhiều câu hỏi hóc búa của các nhà báo

Trên thực tế, gần như không ai có đầy đủ tất cả các kỹ năng trên khi mới bắt đầu công việc này. Bản thân Ben Bernanke không có nhiều kinh nghiệm về thị trường tài chính, luật lệ quản lý ngân hàng hay tình hình chính trị khi ông được bổ nhiệm năm 2006

Những người đã từng làm thống đốc NHTW như Fischer là 1 trường hợp ngoại lệ. Và, tên tuổi của ông đang bắt đầu xuất hiện trong các cuộc bàn luận giữa các nhà quan sát động thái của Fed. NHiều người cho rằng Fischer dày dặn kinh nghiệm trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng toàn cầu và đạt được thỏa thuận với các chính phủ nhờ vào thời gian làm việc ở IMF. Ông cũng đã trải qua 3 năm làm lãnh đạo ở 1 ngân hàng lớn. Ông cũng được biết đến là 1 người khá ôn hòa – tố chất đặc biệt quan trọng để lãnh đạo Ủy ban thị trường mở FOMC

Fischer càng được hoan nghênh sau khi Carney được bổ nhiệm làm Thống đốc NHTW Anh. Trước đó, người ta dễ dàng gạt bỏ ý tưởng bổ nhiệm thống đốc 1 NHTW của nước khác. Tuy nhiên, đã có tiền lệ xảy ra. Hơn nữa, Fischer còn gắn bó với nước Mỹ nhiều hơn so với Carney gắn bó với nước Anh. Ông đã sống ở Mỹ trong gần 50 năm, làm việc ở Học viện công nghệ Massachuset, Chicago, World Bank và IMF

Mùa hè này, Tổng thống Obama và nội các của ông sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Nhiệm kỳ của Bernanke sẽ kết thúc vào tháng 1 năm 2014 và nhiều nguồn tin thân cận cho hay ông sẽ từ nhiệm sau 8 năm chống chọi với khủng hoảng

Nước Mỹ chưa có tiền lệ bổ nhiệm 1 người nước ngoài vào một trong những vị trí quan trọng nhất trong chính phủ. Tuy nhiên, thời gian làm việc ở Israel có thể là một điểm cộng rất lớn cho Fischer trong con mắt đánh giá của nội các Tổng thống Obama

Thu Hương
 
Last edited by a moderator:
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Obama
Ngày 25/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng, trong đó hai nhà lãnh đạo đánh giá quan hệ hai nước đã phát triển sâu rộng và quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện

Tổng thống Obama hoan nghênh Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tới thăm chính thức Mỹ; khẳng định sự coi trọng quan hệ Việt Nam với Mỹ và vai trò của Việt Nam tại khu vực; đồng thời mong muốn quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ

Tổng thống Obama nhấn mạnh nước Mỹ tiếp tục coi trọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tổng thể chiến lược chung, trong đó có vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang định hình cũng như các cơ chế hợp tác tiểu khu vực; mong muốn thúc đẩy quan hệ với ASEAN cũng như các đối tác khác của Mỹ tại Đông Bắc Á...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam hoan nghênh Mỹ tăng cường hợp tác với châu Á-Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, nhấn mạnh Việt Nam coi trọng và mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Mỹ. Hai bên nhất trí đánh giá quan hệ hai nước thời gian qua đã phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trên cả bình diện song phương và đa phương, tạo nền tảng cho quan hệ bước sang một giai đoạn phát triển mới

Trên cơ sở đó, hai nhà Lãnh đạo đã quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ sẽ tạo ra khuôn khổ mới cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, môi trường và y tế, hợp tác nhân đạo - giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng-an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, và văn hóa-thể thao-du lịch...

Hai nhà Lãnh đạo tin tưởng Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ sẽ không chỉ phục vụ tốt hơn lợi ích hai nước mà còn đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama cũng đã trao đổi các biện pháp nhằm đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, trong đó có tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, thiết lập các cơ chế hợp tác mới hoặc nâng cấp các cơ chế hiện có. Hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh việc thiết lập cơ chế đối thoại thường kỳ giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao

Hai bên nhấn mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là nền tảng và động lực của Đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ, khẳng định cam kết hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào thời điểm sớm nhất có thể trong năm, tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của mỗi nước trong khuôn khổ một hiệp định cân bằng và toàn diện

Tổng thống Obama hoan nghênh những thành tựu đổi mới kinh tế của Việt Nam, nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư thông qua khuôn khổ Hội đồng TIFA, cũng như Sáng kiến Tăng cường liên kết kinh tế ASEAN (E3) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC); ghi nhận quan tâm của Việt Nam về việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Hai nhà Lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác khoa học-công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân, công nghệ không gian và nghiên cứu biển. Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực song phương khác, như: giáo dục, quốc phòng-an ninh, hợp tác nhân đạo khắc phục hậu quả chiến tranh... cũng như tăng cường phối hợp trên các diễn đàn quốc tế và khu vực như APEC, ARF, EAS, ADMM+...

Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Hai nhà Lãnh đạo cũng tái khẳng định ủng hộ nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển và lãnh thổ

Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh giá trị của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, và tầm quan trọng của việc khởi động đàm phán để đạt được bộ Quy tắc ứng xử (COC) hữu hiệu trên Biển Đông

Hai bên cũng đã trao đổi về một số vấn đề còn khác biệt, trong đó có vấn đề quyền con người; nhất trí tiếp tục thông qua đối thoại xây dựng và tôn trọng lẫn nhau để tăng cường hiểu biết, giảm thiểu khác biệt, không để vấn đề này ảnh hưởng tới quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước

Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã giới thiệu với Tổng thống Obama bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman ngày 16/2/1946, trong đó bày tỏ Việt Nam mong muốn được “hoàn toàn độc lập” và ý nguyện thiết lập “hợp tác đầy đủ” với Mỹ (bức thư gốc hiện đang được lưu giữ tại Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ)

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã mời Tổng thống Obama và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam vào thời gian thích hợp và Tổng thống Obama đã vui vẻ nhận lời

Sau cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama đã có cuộc gặp gỡ báo chí. Hai bên đã ra Tuyên bố chung về quan hệ Việt Nam-Mỹ

Cùng ngày, tại Thượng viện, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp Chủ tịch thường trực Thượng viện Patrick Leahy. Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò của Thượng nghị sĩ Leahy và Thượng viện Mỹ trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước; cảm ơn cá nhân Thượng nghị sĩ đã ủng hộ quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ, trong đó có việc ký Hiệp định thương mại song phương (BTA), Mỹ trao Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam và hỗ trợ tài chính giải quyết hậu quả chất da cam/dioxin

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn Thượng nghị sĩ Leahy tiếp tục đóng góp thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới, như ủng hộ việc thiết lập cơ chế đối thoại thường niên giữa hai Quốc hội, tái lập nhóm nghị sỹ vì quan hệ Việt Nam-Mỹ, ủng hộ Việt Nam trong đàm phán TPP, công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, loại bỏ các biện pháp cản trở thương mại hai nước trong đó có chương trình giám sát cá da trơn mới theo Đạo luật Nông trại 2013, bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, tăng hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh, không thông qua các dự luật, nghị quyết không có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước

Chủ tịch thường trực Thượng viện Patrick Leahy đã chào mừng Chủ tịch nước tới thăm chính thức Hoa Kỳ; bày tỏ vui mừng về kết quả hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama, nhất là việc hai nước tuyên bố xác lập Đối tác toàn diện, cho rằng việc xác định khuôn khổ mới định hình cho sự phát triển quan hệ trong thời gian tới là điều hết sức cần thiết và kịp thời. Thượng nghị sĩ Leahy ghi nhận tích cực những đề nghị của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về quan hệ song phương, nhất là vấn đề tăng cường đối thoại giữa hai Quốc hội và giải quyết hậu quả chất da cam/dioxin

Thượng nghị sĩ Leahy cho biết Thượng viện Hoa Kỳ rất quan tâm tới tình hình khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, ủng hộ chính sách tái cân bằng của Chính quyền Tổng thống Obama, ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc đang nổi lên ở khu vực, ủng hộ vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trong ASEAN cũng như trong các vấn đề khu vực và quốc tế; hoan nghênh Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc từ 2014 và sẽ sớm tham gia Công ước chống tra tấn

Thượng nghị sĩ Leahy tái khẳng định Thượng viện Mỹ phản đối việc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực hay các biện pháp cưỡng ép trong giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982, ủng hộ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC)

Chiều ngày 25/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) và có bài phát biểu quan trọng. Tối cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Thủ đô Washington DC đi thăm thành phố New York
 
Last edited by a moderator:
Obama hé lộ tham vọng cực lớn khi rời Nhà Trắng
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hé lộ những phác thảo đầu tiên về trung tâm tổng thống mà ông cùng với vợ định xây dựng, với hy vọng nó sẽ trở thành nơi đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai

Trung tâm Tổng thống Obama sẽ được xây dựng tại công viên Jackson ở Chicago và dự kiến hoàn thành vào năm 2021, Daily Mail đưa tin


Theo thiết kế, trung tâm gồm có ba tòa nhà, một bảo tàng, một thư viện, một hội trường, các nhà hàng và ba lối đi dạo dưới những hàng cây xanh mướt

Những phác họa về trung tâm đã được đăng tải trên trang web của Quỹ Obama. Trong khi thư viện sẽ là nơi lưu trữ các bức thư điện tử và tài liệu của ông Barack Obama khi đương chức, các món đồ lưu niệm của vợ chồng cựu tổng thống trong thời gian sống tại Nhà Trắng sẽ được trưng bày tại bảo tàng


Dự án này sẽ được triển khai trên một diện tích rộng 18.600m2, với tổng kinh phí lên tới hàng trăm triệu đôla

Ông Obama ước tính trung tâm sẽ hoàn thành trong 4 năm nhưng nói rằng, công trình sẽ được khởi công vào cuối năm nay



"Những gì chúng tôi muốn là nơi này sẽ trở thành nơi đào tạo hàng đầu dành cho những thanh niên và nhà lãnh đạo trẻ để tạo ra một sự khác biệt trong cộng đồng của họ, đất nước họ và trên toàn thế giới", ông Obama nói trước đám đông gồm những người dân địa phương và các nhà lập pháp tại Trung tâm Cộng đồng South Shore vào hôm 3/5

Cựu Tổng thống Mỹ cũng thông báo, ông và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ ủng hộ 2 triệu USD cho các nỗ lực việc làm mùa hè tại Chicago. "Chúng tôi không muốn đợi một tòa nhà. Đây là điều mà chúng tôi có thể làm ngay lúc này", ông cho biết

Sầm Hoa
 
Top