What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tỷ phú USD Việt

LOBBY.VN

Administrator
Tỷ phú USD Việt trên đất Mỹ

CDV-221-trungdung.jpg

Người Việt có đức tình cần cù, nhẫn nại và nghị lực nên dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn về vật chất, về ngoại ngữ nhưng họ đều cố gắng vượt qua và một số đã rất thành công trong sự nghiệp ở Mỹ

Để minh chứng cho điều này, những tên tuổi người Mỹ gốc Việt Trung Dung, Chinh E. Chu, David Duong… đã “lọt” vào danh sách tỷ phú Mỹ và liên tục xuất hiện trên các báo và tạp chí nổi tiếng như Forbes, Fortune, Financial Times, Wall Street Journal, San Francisco Chronicle...

Trung Dung: 2 USD gây dựng sản nghiệp

Ông Trung Dung Chuyện về một thanh niên người Việt đặt chân đến Mỹ với vỏn vẹn 2 USD trong túi và rồi 15 năm sau, anh đã bán công ty riêng của mình với giá 1,8 tỉ USD, đang trở thành huyền thoại trong thế giới công nghệ cao. Và rồi, năm 2006, anh đã trở về Việt Nam từ thung lũng Sillicon để nhận danh hiệu Vinh danh nước Việt vì có nhiều công lao đóng góp cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và vì sự phát triển đi lên của đất nước

Tiến sĩ Trung Dung sinh ngày 26/3/1967 tại Việt Nam. Năm 1984, khi mới 17 tuổi, anh cùng một số người trong gia đình rời Việt Nam và sang định cư tại sang Mỹ một năm sau đó. Lúc bấy giờ, khi bắt đầu đặt chân lên đất Mỹ, Trung Dung chỉ có trong tay 2 USD và vốn tiếng Anh rất ít ỏi. Song, với ý chí mãnh liệt vươn lên của bản thân, chàng thanh niên gốc Việt đã đã vượt qua được kỳ thi tại Mỹ với những kiến thức về toán học và khoa học tự nhiên nổi bật để được ghi tên học hai môn Toán và Tin học tại Đại học Massachusetts ở Boston. Và có lẽ, đây là thời gian khó khăn nhất với anh: vừa học vừa làm đủ thứ công việc, từ rửa chén bát trong nhà hàng đến kỹ thuật viên trong các phòng máy tính để nuôi sống bản thân và gia đình. Hàng tháng, anh trích một phần ba khoản thu nhập - từ 300 đến 400 USD - để gửi về gia đình ở Việt Nam. Cuối cùng, anh đã lấy được hai bằng đại học về toán và tin học, đồng thời hoàn tất một phần lớn chương trình cao học. Năm 1992, Trung Dung bảo vệ thành công tiến sĩ ngành Khoa học máy tính tại Đại học Massachusetts

Năm 1994, Trung Dung làm kỹ sư trưởng (Senior Engineer), phụ trách biên soạn phần mềm kinh doanh điện tử cho công ty Open Market Inc. Năm 1996, anh quyết định xin thôi việc tại hãng Open Market để thành lập công ty On Display Inc và đầu tư tất cả thời gian, công sức sáng tạo để theo đuổi kế hoạch phát triển một chương trình giúp các công ty kiểm soát, quản lý công việc kinh doanh qua mạng

Được sự hỗ trợ của Mark Pine, OnDisplay trở thành một trong những công ty phần mềm thành công, thu hút những khách hàng như Travelocity.com. Ý tưởng của anh thuyết phục được các nhà đầu tư và đã có thể huy động được 35 triệu USD từ các nhà đầu tư trước khi chuyển sang cổ phần hóa. Và khi công ty chuyển sang cổ phần hóa (năm 1999), trị giá cổ phiếu của tiến sĩ Trung Dung trên giấy tờ là 85 triệu USD. Năm tháng sau, công ty và thương hiệu này được chuyển nhượng cho Vignette với cái giá 1,8 tỉ USD

Tiếp tục con đường làm giàu, Trung Dung đầu tư 1 triệu USD vào Fogbreak và tìm kiếm nguồn vốn và lần này thì dễ dàng hơn, từ những nhà đầu tư như Mark Pine. Với Fogbreak, anh đặt mức yêu cầu cao hơn trước. Vừa là sáng lập viên, vừa đảm nhiệm chức vụ Giám đốc điều hành, anh muốn làm cho Fogbreak phát triển thành một công ty lớn và có lợi nhuận ngang ngửa với PeopleSoft nổi tiếng của Mỹ. Ngoài ra, Trung Dũng còn là nhà đầu tư chính và là thành viên Hội đồng Quản trị của công ty DICentral

Hiện, là tỷ phú người Việt ở Mỹ, nhưng điều khiến cho bạn bè và đối tác đánh giá cao Trung Dung không chỉ ở năng lực và lòng quyết tâm đã dẫn đến thành công của anh, mà còn là một tấm lòng luôn hướng về Tổ quốc. Hiện nay, anh đang là Giám đốc điều hành của V-Home Group, một tập đoàn đầu tư có mục đích là trở về làm ăn tại Việt Nam

Chinh E. Chu: Phất lên từ phố Wall

CDV-221ChinhChu.jpg

Ông Chinh E. Chu Ở tuổi 44, Chinh E. Chu có tổng tài sản hơn 1 tỉ USD, là Giám đốc Quản trị Tài sản của Tập đoàn Blackstone và được giới kinh doanh người Việt sống tại Mỹ đánh giá là người thành công nổi bật nhất trong cộng đồng

Chinh Chu là người kín tiếng, ít phô trương ở phố Wall. Tuy nhiên, những thương vụ mà ông đã từng thực hiện lại được rất nhiều người biết đến. Trong số đó, đáng kể nhất là việc ông đạo diễn mua tập đoàn hóa chất Celanese với tổng trị giá 3,8 tỉ USD năm 2005

Theo lời kể của tỷ phú gốc Việt này, khi còn đi học, ông không bao giờ nghĩ mình có thể tham gia vào lĩnh vực tài chính ở Phố Wall. Tuy nhiên, những cơ hội cuộc đời đã đưa ông tiếp cận lĩnh vực này. Song, yếu tố quan trọng nhất đưa ông đến với thành công là “ khả năng phân tích sâu sắc và nhạy bén về tài chính”, James Barlett, Tập đoàn Teletech, nhận xét

Năm 2008, Chính Chu đã mua căn hộ tầng 89 và một nửa tầng 90 của toàn tháp TrumpWorldTower với giá 34,5 triệu USD. Không những vậy, ông còn chi thêm 5 triệu USD để mua phần không gian trên nóc tòa tháp. Cơ ngơi đó của ông gồm 34 phòng, với 12 phòng ngủ, và 16 phòng tắm. Đây là tòa tháp nổi tiếng của tỷ phú bất động sản Donald Trump vì khách hàng của các căn hộ đều là những nhân vật giàu có, tiếng tăm

Bận rộn trong công việc kinh doanh, nhưng ông cũng nổi tiếng về tấm lòng từ thiện. Ông thường cùng vợ và chị gái trực tiếp điều hành 2 quỹ từ thiện của gia đình là Vietnam Relief Effort và Ha Phuong Foundation. Quỹ Vietnam Relief Effort, từ ngày thành lập đến nay, chuyên xây trường, cấp học bổng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em nghèo ở nông thôn Việt Nam

David Duong: Thành danh nhờ “yêu” rác

CDV-221david-duong.jpg

Ông David Duong David Dương sinh năm 1958 tại Sài Gòn trong một gia đình có truyền thống kinh doanh. Năm 1979, ông theo gia đình sang định cư tại San Francisco (Mỹ). Để phát huy truyền thống kinh doanh, năm 1980, David Dương cùng gia đình đã khởi đầu công việc kinh doanh bằng cách góp vốn của các thành viên lại và mua một chiếc xe tải đã qua sử dụng để mua gom giấy, phế liệu. Và trong những năm đó, David Dương ban ngày đi học tiếng Anh, tối về lại lái xe đi thu lượm phế liệu

Năm 1983, David Dương và gia đình đã thành lập ra công ty tái chế phế liệu East West Recycling. Năm 1984, công ty East West được đổi tên thành Cogido Paper Corp và ông Dương khi ấy đã trở thành Giám Đốc điều hành với dây chuyền phân loại và đóng kiện phế liệu trước khi mang đi bán. Từ đó, công ty bắt đầu tìm kiếm khách hàng để xuất khẩu trực tiếp phế liệu đến các nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Philippines, Indonesia, Japan, Thailand... Năm 1987, Cogido Paper Copr mở thêm một chi nhánh thu gom phế liệu tại thành phố San Jose, bang California. Cuối năm 1989, với hai cơ sở thu mua phế liệu, Giám Đốc David Dương đã có số khách hàng người Việt đông với gần 100 xe tải đi thu gom và bán phế liệu cho Cogido. Cùng năm, Giám Đốc Dương đã quyết định nhượng lại Cogido cho một Công ty thu gom và xử lý rác lớn thứ 4 của nước Mỹ

Năm 1992, ông David Dương thành lập một công ty thu gom phân loại xử lý chất thải rắn mang tên California Waste Solutions (CWS). Là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc điều hành công ty, ông David Dương đã xây dựng và phát triển CWS từ một cơ sở nhỏ trở thành một công ty lớn mạnh. Dưới bàn tay của tỷ phú Việt này, công ty CWS đã hoạt động rất thành công và được Tạp chí uy tín Waste Age bình chọn xếp thứ 37 trong số 100 công ty hàng đầu trong ngành thu gom vận chuyển và xử lý rác tại Mỹ. CWS hiện có 4 nhà máy thu gom và xử lý chất thải rắn

Vốn là người luôn “đau đáu” với quê hương, năm 2004, ông Dương trở về Việt Nam đầu tư dự án Công Ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions, Inc - VWS). Ngày 30/4/2004, ông David Dương chính thức bắt đầu thực hiện dự án xây dựng Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn tại TP. Hồ Chí Minh, bao gồm một nhà máy hiện đại chuyên phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế và tái sử dụng rác thải; một nhà máy chế biến phân compost từ rác hữu cơ; một bãi chôn lấp rác an toàn, hợp vệ sinh…

Được biết, tháng 2/2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bổ nhiệm ông David Dương làm ủy viên Quỹ Tài trợ giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation - VEF), một tổ chức độc lập do Quốc hội Mỹ lập và được tài trợ bởi Chính phủ Mỹ, có sứ mệnh thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt Nam thông qua giao lưu giáo dục trong lĩnh vực khoa học, công nghệ
 
Last edited:
Doanh nhân quốc gia Biển

- Ý tưởng, những ý tưởng độc đáo! Tôi không làm những cái mà thiên hạ đã làm. Tôi làm những cái mà thiên hạ không làm. Hoặc làm những cái mà thiên hạ nghĩ đến nhưng không làm được

ab9chuadao.jpg

"Chúa đảo" Đào Hồng Tuyển

Mấy năm, sau sự kiện Hoa hậu Việt Nam, tôi mới trở lại Tuần Châu. Ông chủ hòn đảo nổi tiếng trông vẫn như xưa, tự tin, cởi mở. Bốn năm bây giờ mới gặp nhau, bao nhiêu thay đổi, bao nhiêu lời đồn, bao nhiêu dự cảm…

Người ta gọi anh là người đào hoa !

Đào hoa ?! Tôi hiểu đào hoa theo nghĩa là một người rộng lượng, nhân ái, biết chia sẻ, cảm thông với người khác, nhất là với những người thuộc phái đẹp. Tôi rất yêu mẹ tôi. Mẹ tôi vừa qua đời ở tuổi 80, sau ngày mẹ mất, tôi mới hiểu ra nhiều điều…

Tôi cũng có một gia đình hạnh phúc. Tôi yêu vợ và ba đứa con. Con cả của tôi, cháu Đào Anh Tuấn tu nghiệp ở nước ngoài về. Bây giờ cháu thay tôi làm Tổng Giám đốc Công ty Âu Lạc, phụ trách toàn bộ khu vực Tuần Châu. Tôi có hai con gái là Đào Thị Đoan Trang - hiện đang làm việc tại Sài Gòn, cháu Đào Thị Phương Thảo vừa tu nghiệp về…

Thế mà người ta đồn rằng…

Đồn là tôi có mấy vợ chứ gì! Buồn cười thế đấy! Tôi chỉ có một vợ duy nhất, nhà tôi tên là Đỗ Minh Nguyệt

Thế còn vụ Hiền chèo mà báo chí…(Đào Hồng Tuyển cười ầm lên.)

Cô Hiền có thuê phòng ở đây, chỉ vậy thôi. Bây giờ, cơ quan điều tra đã kết luận, không có gì cả, thế mà thiên hạ... Tôi đã gặp người viết chuyện vợ tôi đánh ghen ầm ĩ trên sân bay Nội Bài, anh ấy thú nhận viết theo lời đồn...

Người ta còn đồn rằng, anh sắp phá sản, đã bán Tuần Châu cho Hàn Quốc?

Đồn tôi nợ 4 ngàn tỷ đồng, không trả cho ngân hàng? Tôi chính thức khẳng định rằng, đó là chuyện bịa đặt. Tôi có thuê một công ty Hàn Quốc để họ quản lý kinh doanh các dịch vụ ở Tuần Châu, nhưng xem ra họ không đảm trách được. Năm ngoái, họ đã rút về nước rồi

Ngoài Tuần Châu, anh còn đang kinh doanh ở những nơi nào?

Hiện giờ tôi có 14 công ty, 34 nhà máy xí nghiệp với cả vạn công nhân… Tôi kinh doanh ở nhiều nơi…

Và tài sản của anh là…?

Hai tỷ đô la Mỹ!


Anh là người giàu nhất Việt Nam?

Tôi đã tổ chức cuộc gặp một trăm người giàu Việt Nam và một trăm người đẹp từ khắp thế giới về đây…Anh biết rồi đấy...rất hoành tráng phải không?

Bí quyết làm giàu của anh?

Ý tưởng, những ý tưởng độc đáo! Tôi không làm những cái mà thiên hạ đã làm. Tôi làm những cái mà thiên hạ không làm. Hoặc làm những cái mà thiên hạ nghĩ đến nhưng không làm được!

Như việc đắp một con đường ra Tuần Châu?

Thời điểm đó, đúng là không ai dám làm. Khi tôi nói ý định đắp một con đường qua biển nối đất liền với đảo Tuần Châu, nhiều người cho tôi là tâm thần!

Tuần Châu đã có, đang là mơ ước của nhiều người, anh vừa lái xe đưa tôi đi xem cái mà Tuần Châu sẽ có…
Ngoài sân golf, tôi đã xây dựng xong một cảng biển, đang đóng 100 du thuyền hiện đại. Từ cảng biển này sang đảo Cát Bà là con đường gần nhất, chỉ mất 20 phút đi bằng phà du lịch. Từ đây du thuyền qua Hồng Kông, Ma Cao... đều rất thuận lợi. Một loạt biệt thự cao cấp sẽ được xây dựng, đậu ngay trước nhà là những du thuyền... mở cửa ra là nhìn thấy non nước Vịnh Hạ Long, kỳ quan thiên nhiên thế giới...

Nghe nói ông chủ họ Đào lại không phải họ Đào ?

Tôi vốn họ Lý dòng dõi vua chúa ở Kinh Bắc. Gần 600 năm trước, do những biến loạn ở triều đình; nhiều người trong hoàng tộc phải thay tên đổi họ, số thì vượt biển sang tận Cao Ly (nhiều người họ Lý làm ăn phát đạt ở Hàn Quốc đã tìm về nguồn cội Việt Nam mà báo chí đưa tin). Số còn lại dạt ra vùng sát biển, lập ấp, khai khẩn tạo lập những vùng quê đổi mới. Tổ tiên tôi lập ra ấp Hà Nam ở Quảng Yên… Đó là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Năm 12 tuổi, tôi có một ông bố nuôi người miền Nam tập kết. Nhờ có ông tôi được đi học trường thiếu sinh quân ở Quế Lâm (Trung Quốc). Sau đó, tôi tham gia Đoàn tàu không số vào Nam chiến đấu… năm 1979, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, tôi đang ở trong đoàn cố vấn cho Campuchia, bị gọi về…

duongvaodao1.jpg

Đường vào đảo Tuần Châu - một thời đã coi là ý tưởng "điên rồ"

Tôi không bao giờ quên những tối lang thang, ngủ trong vườn hoa Tao Đàn, như một kẻ bụi đời; Có hôm còn bị kẻ cắp lột mất đôi dép nhựa Tiền Phong tài sản quý giá nhất của tôi lúc đó. Tôi đi dọn phân lợn cho gia đình cán bộ (ngày ấy nhiều cán bộ ở Sài Gòn thường nuôi lợn trong nhà), hay hầu bia cho các thủ trưởng ở quán nhậu… Một đêm, đói lả người, ngồi trong gara ô tô (người đã cho tôi ngủ nhờ), tôi thấm thía cái đói cái rét, cái nghèo, cái hèn… Đêm đó, tôi thầm hứa với mình, sẽ trở thành một người giàu có của Việt Nam

Tôi bắt đầu liên hệ với những người đã học kỹ thuật ở Mỹ, ở Anh, ở Úc, nay đang thất nghiệp, cùng họ tận dụng nhà xưởng bỏ không (dạo đó ta đang cải tạo tư bản tư doanh) để mày mò sản xuất nước uống, sản xuất phân bón…

Nước khoáng Đảnh Thạnh, phân bón Bình Điền 2… là những sản phẩm chúng tôi làm ra, lúc bấy giờ bán rất chạy vì không có ai cạnh tranh… Chỉ mấy năm đã có hàng ngàn cây vàng, tôi mua nhà, mua đất… Nói thật, tôi giàu lên nhờ đất đai…

Vì sao anh lại chuyển về T.Ư Đoàn…?

Anh Hồ Đức Việt kéo tôi về làm Phó Giám đốc Tổng Cty xuất nhập khẩu T.Ư Đoàn. Lúc đó xuất nhập khẩu phải qua các tổ chức, công ty nhà nước, tư nhân không được làm. Với lại, tôi cũng ôm mộng làm quan! Ở trong quân đội, tôi cứ nghĩ mình sẽ thành tướng, nhưng thực tế, tôi chỉ là một người lính… tôi làm việc ở T.Ư Đoàn mấy năm. Năm 1988, lúc đầu tư làm đường ra đảo Tuần Châu tài sản của tôi đã hơn 10 triệu đô la

Mong ước lớn nhất của anh bây giờ ?

Làm trưởng một đặc khu hành chính !

Đặc khu hành chính ?

Vâng. Nghe có vẻ ngông cuồng phải không !

Tôi chưa hiểu lắm !

Cách đây 4 năm, tôi đã sang Campuchia đã gặp một số quan chức cao cấp, tôi bày tỏ nguyện vọng mua hai hòn đảo ở gần đảo Phú Quốc của Việt Nam. Tôi muốn xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế, tập hợp tất cả những người giàu có trên thế giới về đây, ai cũng có một biệt thự trên hòn đảo này. Ở đó người ta sống theo luật lệ quốc tế…

Anh có tin rằng, ý tưởng đó sẽ trở thành hiện thực ?

Tôi biết là rất khó khăn. Nó động chạm đến rất nhiều vấn đề, không chỉ vấn đề kinh tế mà còn chủ quyền, an ninh v.v… Nhưng đó là mong ước của tôi. Thành công hay không, tôi không dám chắc !

Có vẻ là một dự án không tưởng, thậm chí như anh nói là… điên rồ !

Tôi nghĩ rằng trên thế giới này, nếu không có những người dám mơ ước làm những việc động trời, dám có những ý tưởng mà mọi người cho là điên rồ, liệu thế giới có những biến đổi to lớn không? Những kỳ quan mà đời để lại cho chúng ta hôm nay có lẽ đều bắt nguồn từ những ý tuởng táo bạo và điên rồ !

Và anh muốn để lại một cái gì đó cho đời !

Chả phải tôi, mà nhiều người… "Làm trai sống ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông" như cụ Nguyễn Công Trứ đã nói. Nhưng con người cũng rất dễ rơi vào cái bả hư danh…

Đúng vậy! Khi người ta đã nhận ra thói hư danh, liệu người ta có còn mắc vào vòng danh lợi ?!
 
Last edited:
Ai là người giàu nhất Việt Nam ?

- Trên thế giới, hàng năm một số tờ báo có uy tín như tạp chí Forbes thường công bố những người giàu, với tài sản hàng chục tỷ đô la Mỹ. Cho đến nay, chưa thấy có tên những người giàu Việt Nam trong số đó.

images151243_NhatVuong.jpg

Ông Phạm Nhật Vượng

Từ chuyện một đai gia lịch lãm …

Ở Việt Nam gần đây một số tờ báo công bố người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Năm 2008 là ông Đặng Thành Tâm, năm 2009 là ông Đoàn Nguyên Đức; năm 2010 là ông Phạm Nhật Vượng

Nhưng, ở Việt Nam, giàu trên sàn chứng khoán chỉ là của “ nổi”, người ta còn phải tính đến của “chìm” nữa chứ ?

Vậy ai là người giàu nhất Việt Nam theo nghĩa đúng nhất của từ này . Nghĩa là có cả của “chìm” lẫn của “ nổi” ?

Thực ra, tôi đã tìm hiểu đề tài này từ lâu. Năm 2004 tôi có viết một bài báo đăng trên tờ Tiền Phong với tựa đề “Ai là người giàu nhất Việt nam” ?

Đến năm 2005, tôi cho ra đời cuốn sách “Ai là người giàu nhất Việt Nam” do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành. Cuốn sách đã được đón nhận rộng rãi vì có lẽ đó là cuốn sách đầu tiên ở nước ta đặt ra vấn đề này

Một số nhà báo hỏi tôi lý do viết cuốn sách này. Thúy Anh, lúc đó là phóng viên tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam, hỏi rằng có phải anh viết cuốn sách là để tri ân bạn bè, những người cùng học với anh ở Đông Âu không ? Tôi bảo không. Trong cuốn sách “Ai là người giàu nhất Việt Nam” có rất nhiều người không phải là bạn bè tôi và cũng không học với tôi ở Đông Âu. Thậm chí, có người tôi cũng chẳng quen biết gì. Tôi viết để lý giải về hiện tượng mới ở Việt Nam, để ủng hộ chủ trương làm giàu chân chính…

Khi cuốn sách được phát hành rộng rãi, tôi nhận được nhiều cú điện thoại, nhiều lá thư … Trong số độc giả, người thì hoan nghênh, người nghi vấn. Có người bảo anh phải viết thêm sâu hơn, cụ thể hơn để lý giải cặn kẽ vấn đề làm giàu ở nước ta

Sau đó, tôi thấy họ có lý. Tôi dành thời gian tìm hiểu, góp nhặt tư liệu, gặp gỡ nhân vật …và bắt tay vào viết phóng sự này. (Cũng là tập hai của cuốn sách mà hôm nay tôi sẽ công bố một phần trên báo điện tử Tầm Nhìn)

Điều đầu tiên, tôi nói về lý do vì sao tôi tâm huyết với đề tài này? Vì sao suốt một thời gian dài tâm lý ghét người giàu kinh khủng thế ?

Có lẽ bắt đầu từ tư duy tiểu nông của chế độ phong kiến. Cái câu

“Trâu buộc ghét trâu ăn,
Quan võ thì ghét quan văn dài quần”

lưu truyền trong dân gian cho đến ngày nay. Rồi thực tế phũ phàng của những người giàu, những “ chúa đất” với con ở, với người nghèo được thể hiện trong ca dao:

“Chúa trai là chúa hay lo,
Đêm nằm cắt việc ra cho mà làm.
Chúa gái là chúa ăn tham,
Đồng quà tấm bánh đút ngang trong buồng.
Ăn thì chết nứt chết trương,
Chẳng nhớ thằng ở, chẳng thường con đòi.
Mua cho một tấm khố sồi,
Bề ngang chiếc đũa, bề dài nửa thân.
Đi đâu chẳng dám cởi trần,
Trông thấy chúng bạn cực thân thay là…”

Cái cảnh bất công ấy, cái loại người giàu tiểu nông , bủn xỉn, bé nhỏ ấy hình như là phổ biến ở nước ta rất lâu. Nó đã vào ca dao, tục ngữ. Nó được đưa vào sách giáo khoa và một thời nhiều thế hệ học sinh phải học sái cổ

Rồi những năm chế độ bao cấp, của cải, tư liệu sản xuất đều công hữu hóa. Người giàu bị coi là đối tượng bóc lột. Có một ít vàng do ông cha để lại cũng phải mang nộp cho chính quyền, phải sung công … Tôi đã chứng kiến chiến dịch Z gì đó ở Hà Nội. Những ai có ngôi nhà hai tầng đều bị tịch thu, có người còn bị bắt đi cải tạo mà không cần biết tài sản của họ có bất minh hay không!

Hình như, cho đến bây giờ, người giàu không dám công khai tài sản của mình có lẽ do nỗi sợ từ đó. Bởi vậy, viết về người giàu Việt Nam rất khó

Tôi còn nhớ những ký ức khó quên của một thời “đói ăn, thiếu mặc”, dù đất nước đã thống nhất, hòa bình . Đó là thời kỳ cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Tòa soạn báo chúng tôi phải chia nhau từng cọng rau muống. Mỗi khi mua được một ít rau từ cửa hàng mậu dịch chợ Hôm, tòa soạn báo vui như mở hội! Ai cũng náo nức chờ được chia một mớ rau, nhiều khi chỉ có vài chục ngọn. Cả những cọng rau già khô quắt cũng được chia đều. Rồi người nào người nấy hớn hở đèo sau xe đạp về nhà

Một lần, lúc đó tôi là Bí thư chi đoàn của báo, vào thường trú ở Thành phố Hồ chí Minh, thấy phía sau khu nhà ở tập thể của ban đại diện có một ít đất bỏ không. Tôi lên gặp xếp phó (xếp vào làm việc với ban đại diện và đề xuất cho anh em trồng một ít rau để cho bếp ăn tập thể . Xếp phó trừng mắt bảo “ Tư tưởng cậu lồi lõm rồi… Cậu phải nhớ rằng một tấc đất tư hữu cũng có thể đẻ ra chủ nghĩa tư bản !” . Kinh hãi quá !

Lịch sử đã sang trang

Công cuộc đổi mới ở nước ta thực sự là một bước ngoặt lớn lao. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Nhà nước khuyến khích làm giàu chính đáng. Nhà nước bảo đảm cho người giàu bằng pháp luật

Nhưng, nhiều vấn đề mới lại đặt ra

Tôi còn nhớ một buổi tối trên tầng thượng của khách sạn Rex ở Sài Gòn. Năm 1990 có cuộc gặp mặt hoa khôi cùng các người đẹp sau cuộc thi người đẹp khu vực miền Đông Nam bộ và Thành phố Hồ chí Minh, chuẩn bị cho cuộc thi hoa hậu toàn quốc do báo Tiền Phong tổ chức. Một người đàn ông mặc com lê trắng, trông lịch thiệp hào hoa, ra dáng một ông chủ hiện đai tiến đến bắt tay tôi và tự dưới thiệu tên là Quang. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không nhớ họ của anh ta, vì chỉ gặp nhau vài tiếng đồng hồ trong bữa tiệc chiêu đãi các người đẹp. Đó là ông chủ sơn Mài Lam Sơn một thời nổi tiếng là giàu có bậc nhất ở các tỉnh phía Nam mà nhiều người đã biết . Năm đó sơn mài Lam Sơn có tài trợ một phần cho cuộc thi hoa hậu

Bẵng đi một thời gian, tôi nghe nói cơ nghiệp của ông bị phá sản , ông phải chạy trốn ra nước ngoài. Tiếp đến là một loạt các đại gia họ Tăng, họ Liên …ra tòa, cơ nghiệp của họ sụp đổ. Tiếng xấu về những đại gia, những người giàu lan đi khắp nơi …

Từ đó người ta ngại gặp người giàu, ngại quan hệ với các đại gia! Mỗi lần có người giàu nào đó, đại gia nào đó đặt vấn đề về tài trợ hay bảo trợ cho cuộc thi hoa hậu là tôi lại phải đắn đo, xem xét. Nhưng xem xét thế nào hết được khi mà nhũng thông tin về người giàu ở ta rất hạn chế, rất khó kiểm định

Tôi đã mất rất nhiều thời gian cóp nhặt thông tin để viết cuốn sách này. Cũng chỉ là bước đầu tìm hiểu về người giàu Việt nam …

Dương Kỳ Anh
 
Last edited:
Người có của “nổi” 1.2 tỷ USD

- Đầu những năm 90, tôi có một số chuyến công du nước ngoài, trong đó có chuyến đi Mỹ với hoa hậu Thu Thủy do một hãng nước ngọt nổi tiếng, nhiều năm tài trợ cho các cuộc thi hoa hậu Việt Nam mời và đài thọ chi phí

CarterHotelExteriorNY.jpg

Khách sạn Carter ở trung tâm thành phố New York

Hôm dến New York, người ta bố trí một máy bay lên thẳng chở chúng tôi đi thăm thành phố được coi là phồn thịnh bậc nhất thế giới này. Người phi công trẻ khi biết mình đang chở Hoa hậu Việt Nam nên nổi hứng lượn vòng vèo sát nóc những tòa nhà chọc trời , bay qua bay lại mấy lần trên tượng Nữ thần Tự do, Quảng trường Thời đại. Từ trên máy bay, tôi nhìn thấy một khách sạn mà sau đó chúng tôi đã đến ăn cơm trưa


CarterHotelInteriorNY.jpg

Đó chính là khách sạn Carter ở ngay trung tâm thành phố New York

Nhân viên phục vụ ở đây hầu hết là người Việt. Họ hỏi chúng tôi có phải là người Nhật không? (Tất nhiên là hỏi bằng tiếng Anh)

Khi nghe chúng tôi nói tiếng Việt và đến từ Việt Nam, họ trố mắt ngạc nhiên. Họ lấy thêm thức ăn cho chúng tôi và mời “ Ăn thật nhiều vào …chứ về Việt Nam làm gì có mà ăn!”. Tôi suýt bật cười. Họ hoàn toàn không biết rằng lúc đó Việt Nam đã trải qua mấy năm đổi mới, kinh tế phát triển, đã bắt đầu có gạo xuất khẩu ra thế giới

Tôi biết đó là khách sạn của ông Trần Đình Trường
Một khách sạn bề thế, ở ngay trung tâm thành phố bậc nhất thế giới, ở ngay trung tâm thường mại thế giới… là của một người Việt Nam. Ra khỏi khách sạn, tôi còn ngoái lại nhìn. Một sự thật khó tin

Chuyện ông Trần Đình Trường giàu có tôi đã được nghe kể trước đó. Người ta kể chuyện ông làm giàu lúc nước nhà chưa thống nhất, dưới chính quyền cũ như thế nào! Ông đã từng là chủ một một đội tàu viễn dương đi khắp thế giới. Chuyện đời ông theo những người quen biết của tôi kể lại như một cuốn tiểu thuyết vậy. Người ta nói ông là người giàu nhất trong số mấy triệu Việt kiều và cũng là người giàu nhất Việt Nam thời đó

Có một dạo, ở quê tôi, người ta còn đồn rằng ông Trường sẽ đầu tư tiền để làm con đường quốc lộ đi qua huyện Kỳ Anh (nơi ông đã sinh ra và lớn lên)

Rồi không thấy con đường mới làm đâu. Người ta lại nói ông đầu tư xây dựng với điều kiện con đường mang tên ông. Tất nhiên là chính quyền không đồng ý. Tôi cũng chỉ nghe vậy và biết vậy thôi, chứ không có điều kiện tìm hiểu thực hư

Ông Trần Đình Trường cùng quê với tôi . Ông có một người em trai tên là Trần Đình Triêm. Triêm học cùng lớp với tôi thời phổ thông (học cấp 3 thời đó) . Triêm học giỏi, đẹp trai. Nghỉ hè, tôi, Tiến sĩ nhà thơ Lê Quốc Hán và nhiều người bạn đến căn nhà sơ tán ở ngay giữa cánh đồng nơi gia đình Triêm ở đàm đạo văn chương

Rồi cuối năm học phổ thông, trong kỳ nghỉ hè tôi nghe tin Trần Đình Triêm đã bị bom Mỹ sát hại ngay trong căn nhà sơ tán của mình

Lúc đó tôi đang trên đường ra Bắc học đại học nên không đến chia buồn được. Nhưng hình ảnh chàng trai có mái tóc xoăn, có đôi mắt sáng thông minh cho đến bây giờ còn in đậm trong tôi

Trở lại chuyện ông Trần Đình Trường, tôi nhớ đến cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2004 do báo Tiền Phong tổ chức tại đảo Tuần Châu, lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp. Cuộc thi là một sự kiện văn hóa được hàng chục triệu người quan tâm và có tác động rất lớn đến người Việt ở nước ngoài

Sau cuộc thi, tôi có nhận được một bản fax từ Mỹ hoan nghênh cuộc thi và mời tôi và Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền sang thăm Mỹ. Chủ của bản fax đó là ông Trần Đình Trường. Tôi không đi được vì bận việc và cũng vì nhiều lý do tế nhị khác

Sau đó, có một người bà con của ông Trường (nghe nói là em trai thì phải ) có đến tìm tôi ở tòa soạn. Người bà con của ông Trường đó nói khách sạn Carter có người trả giá 900 triệu đô la Mỹ rồi. Tôi có gửi tặng ông Trần Đình Trường cuốn tiểu thuyết của tôi mới xuất bản là cuốn Xuyên Cẩm (Không biết có đến tay ông không?)

Khi bài báo “Ai là người giàu nhất Việt Nam” được xuất bản, trong đó tôi có nhắc đến ông Trần đình Trường với chi tiết khách sạn Carter 900 triệu đô la và cho rằng ông là người giàu nhất Việt Nam

Tết Bính Tuất năm đó tôi đã nhận được nhiều điện thoại, thư của bạn đọc hoan nghênh và trao đổi nhiều vấn đề - trong đó có thư của ông Trần Đình Trường

Ông Trường nói rằng ông đã đọc bài báo. Ông cảm ơn, nhưng muốn đính chính một chi tiết rằng ông không có ý định bán khách sạn Carter vì khách san đó là biểu tượng của sự thành công kinh tế tài chính vượt bậc và biểu lộ sự kiên trì của người Việt Nam tại Hoa Kỳ

Ông Trường viết “…Vì thế tôi nhấn mạnh rằng khách sạn Carter không phải để bán. Khách sạn Carter sẽ được chúng tôi duy trì như một tài sản vô giá”

Con trai đầu của ông Trần Đình Trường là Trần Đình Nam cùng vợ là Chu Thị Hạ từ Mỹ về có đến nhà tôi chuyển lời cảm ơn của ông Trần đình Trường
và cho biết khách sạn Carter của ông Trường có người trả giá 1 tỷ 200 triệu đô la Mỹ, nhưng ông không bán

Như vậy, có thể nói ông Trần Đình Trường là người Việt Nam có tài sản nhìn thấy là 1 tỷ 200 triệu đô la Mỹ

Qua câu chuyện vui đầu xuân, tôi hỏi Trần Đình Nam về cuộc sống gia đình, về một người giàu có như ông Trường tiêu pha, làm việc ra sao ?

Trần Đình Nam kể nhiều chuyện vui, chuyện ông tỷ phú đô la Trần Đình Trường đi công tác còn gói cả cơm nắm đi ăn, chuyện ông nghiêm khắc với các con như thế nào… Tôi bảo : “Có tiết kiệm thì mới giàu có được chứ”

Những người giàu tự tay mình làm nên nghiệp lớn thường là rất tiết kiệm và rất nghiêm khắc với bản thân và con cái

Vì tiền bạc họ làm ra từ mồ hôi, nước mắt chứ đâu phải tiền “ Chùa” !

Duong Ky Anh
 
Last edited:
USD vào Việt Nam - Sao nước không chảy chỗ trũng ?

USD-VND.jpg

Tại sao người Việt ở nước ngoài không mạnh dạn gửi tiền về nước để hưởng lãi suất cao mà chỉ có thể gửi tiền về đầu tư lâu dài. Tại sao nước không chảy chỗ trũng ?

Muốn huy động được tiền từ người Việt ở nước ngoài, cần phải sửa đổi lại quy chế quản lý ngoại hối hiện tại để tạo điều kiện cho dòng vốn thông thoáng từ nước ngoài gửi vào Việt Nam

Chuyển vào dễ, rút ra khó

Vừa qua Việt Nam phải đối mặt với mâu thuẫn. Trong khi Chính phủ phải phát hành trái phiếu quốc tế với lãi suất 7%/năm, các ngân hàng trong nước huy động USD của người dân tới 6%/năm (mới hạ xuống trần 3%/năm cuối tuần trước) thì tiền vay của các nước như Mỹ và Canada chỉ dao động từ 3% tới 4%/năm. Tiền gửi tiết kiệm tại các quốc gia phát triển này lai càng thấp, thậm chí chỉ còn 1%. Vậy tại sao người Việt ở nước ngoài không mạnh dạn gửi tiền về nước để hưởng lãi suất cao mà chỉ có thể gửi tiền về đầu tư lâu dài. Tại sao nước không chảy chỗ trũng ?

Với quy định quản lý ngoại hối hiện tại không có sự phân loại các đối tượng chuyển tiền ra nước ngoài, dẫn tới bất kỳ người dân nào muốn chuyển tiền ra nước ngoài đều phải chứng minh mục đích chuyển tiền và số tiền chuyển ra nước ngoài bị hạn chế ( khoảng 10.000 USD/năm), mặc dù đối với nhiều đối tượng, tiền của họ hoàn toàn có nguồn gốc rõ ràng. Đó là những khoản tiền được chuyển từ nước ngoài vào Việt nam nhằm mục đích hưởng lãi suất cao nhưng khi cần thiết lại không thể dễ dàng rút tiền từ Việt nam ra nước ngoài để phục vụ cuộc sống hay đầu tư. Điều này đã hạn chế sự hấp dẫn và làm bế tắc trong lưu thông dòng vốn giữa Việt nam và quốc tế

Muốn huy động được tiền từ người Việt ở nước ngoài, cần phải sửa đổi lại quy chế quản lý ngoại hối hiện tại để tạo điều kiện cho dòng vốn thông thoáng từ nước ngoài gửi vào Việt Nam, tránh hiện tượng chênh lệch lãi suất tiền gửi USD giữa Việt nam và nước ngoài như hiện tại. Những đối tượng chuyển tiền từ các ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam để gửi tiết kiệm lãi suất cao thì họ có toàn quyền chuyển tiền ra khỏi Việt Nam số tiền lãi và gốc sinh lời mà không cần phải xin phép bất cứ cơ quan chức năng nào. Việc chuyển tiền cũng cần phải thuận tiện bằng các thủ tục như ủy quyền hoặc chuyển tiền online để người Việt tại nước ngoài hay người nước ngoài có thể mở tài khoản và chuyển tiền một cách thuận tiện, dễ dàng từ Việt Nam ra nước ngoài

Thông thoáng như dùng thẻ

Hiện tại, Nhà nước chủ trương hạn chế cho vay bằng USD, khống chế trần lãi suất huy động USD xuống thấp, với mục đích tránh việc người dân đầu cơ và tích trữ USD, chuyển từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán trực tiếp. Nhưng giải pháp này cần phải lưu ý tới động lực chính để mà người dân muốn găm giữ USD không phải do lãi tiền gửi USD cao hay thấp mà đó chính là kênh trú ẩn an toàn khi mà tỷ giá USD/VND cứ liên tục tăng, đồng VND liên tục mất giá. Do vậy, để giải quyết triệt để gốc rễ vấn đề găm giữ ngoại tệ vẫn phải giải quyết tình trạng thiếu hụt USD do mất cân đối cung cầu USD ( thâm hụt thương mại, trả nợ vay nước ngoài, dòng vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm, kiều hối sụt giảm...)

Một trong những điểm còn chưa thống nhất trong quản lý ngoại hối là trong khi chuyển tiền thanh toán các hàng hóa và dịch vụ qua thẻ tín dụng quốc tế hiện nay khá đơn giản và thuận tiện thì việc chuyển tiền từ kênh ngân hàng lại quá phức tạp. Bản chất của hai hình thức này thì ngoại tệ vẫn bị chuyển ra nước ngoài, trong khi chuyển theo đường ngân hàng sẽ có lợi cho người dân và các ngân hàng Việt Nam hơn là qua một tổ chức tài chính trung gian của nước ngoài là Visa và Master. Đồng thời, các ngân hàng tại Việt Nam lại dễ kiểm soát mục đích chuyển tiền và số lượng tiền chuyển hơn là thông qua hệ thống thẻ tín dụng quốc tế

Do vậy, trong quy chế quản lý ngoại hối cần sửa lại để việc chuyển tiền thanh toán hàng hóa và dịch vụ của người dân qua đường ngân hàng và thẻ tín dụng quốc tế thông thoáng như nhau

Nguyễn Hồng Hải
 
Last edited:
Tập đoàn Geleximco

Gặp lại ông chủ của tập đoàn xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) tôi thực sự ngạc nhiên. Thời buổi kinh tế khó khăn, theo con số của bộ KHĐT mà báo chí đã đưa tin, cả nước hiện có 47.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Nhiều doanh nhân lừng lẫy một thời cũng đang “Méo mặt”! Ấy vậy mà ông chủ của một tập đoàn lớn đang đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng vào nhiều dự án trong cả nước, lại như trẻ ra đến mấy tuổi, gương mặt tràn trề niềm vui …

Nhà giàu có vợ đẹp


VoOVuVanTien-DNNguyenThiQuynhMai2.jpg

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai


Ông bảo, ông vừa có ba niềm vui lớn. Niềm vui mà lâu nay tôi vẫn lo cho ông ấy là cái bệnh gan. Ông đã chữa khỏi hẳn. Đúng hơn, ông đã cấy ghép gan thành công. Thành công đến kỳ diệu. Ông vén tay áo lên “ Anh xem, da em bây giờ thế này cơ mà …Trước đây, em chỉ mong được có nước da như anh …”

Tôi nhìn nước da trắng hồng của ông và nghe ông kể về ca ghép gan mà ông cho là “ thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Ông kể về giám đốc bệnh viện Việt Đức Nguyễn Tiến Quyết, về các chuyên gia nước ngoài, về những người đã giúp ông “ cải lão hoàn đồng ” như thế nào …

Ông kể về người vợ của mình đã thức trắng đêm bên giường bệnh với hai lần thập tử nhất sinh (Một lần ở Mỹ năm 2010 và lần này) đã lo mọi điều cho chồng …với niềm hạnh phúc và tự hào không dấu nổi trong ánh mắt, trong lời nói …

Niềm vui thứ hai là sau ca phẫu thuật một tháng, ông đã chỉ đạo hoàn tất việc xây dựng và khánh thành khu tưởng niệm doanh điền sứ Nguyễn công Trứ với diện tích gần ba héc ta, đầu tư 30 tỷ đồng tại vùng Tiền Hải (Thái Bình) quê ông

Tôi xem những bức ảnh khu doanh điền sứ mang tên một nhà thơ, một danh nhân văn võ song toàn, một người có công khai khẩn ra vùng đất ven biển của tỉnh Thái Bình, nơi doanh nhân Vũ văn Tiền đã sinh ra, lớn lên và hiểu rằng, ông đã tri ân quê hương mình một việc làm có ý nghĩa. Khu doanh điền sứ không chỉ là nơi để thờ phụng một người có công với nước mà còn là một khu công viên tuyệt đẹp để người dân địa phương có nơi vui chơi, nghỉ ngơi, giải trí, giao lưu …Một lá phổi xanh của vùng quê nghèo, đất chật người đông …

Niềm vui thứ ba là nhà máy sản xuất giấy của tập đoàn ông ở Tuyên Quang đã cho ra lò thành công mẻ bột đầu tiên

Khi tôi hỏi ông trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân điêu đứng …ông phải làm gì để các công ty, xí nghiệp trong tập đoàn của ông đứng vững và phát triển? Ông bảo: Bây giờ là lúc phải xiết chặt lại, xiết chặt mọi thứ, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó xem xét lại các hạng mục, các dự án, cân nhắc thật kỹ để chọn ra cái gì cần tiếp tục đầu tư, cá gì cần loại bỏ …

Chẳng phải chỉ có chính phủ phải xiết chặt mà mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân cũng phải tự mình xiết chặt…

Ông cho biết, bây giờ ông trở lại điều hành tập đoàn (Sau một thời gian ông giao lại cho người em ruột Vũ Văn Hậu). Bây giờ, mỗi tháng, số tiền lương và các chi phí cho bộ máy điều hành của tập đoàn dù đã tính toán, xiết chặt rồi cũng vẫn lên đến con số hàng chục tỷ đồng. Phải chi mỗi tháng hàng chục tỷ đồng tiền mặt trong thời điểm hiện nay không phải là chuyện đơn giản

Tôi bảo ông rằng trong phần đầu bài viết về ông đã đăng trên TamNhin.Net, tôi nhận được khá nhiều phản hồi của bạn đọc. Họ muốn biết thêm về người vợ của ông, về quá trình lập nghiệp của chính bản thân ông …

vuvantien.jpg

Ông Vũ Văn Tiền

Lần này, gặp lại ông, tôi có điều kiện đàm đạo về nhiều thứ quanh gia đình của một doanh nhân. Đàm đạo với vợ ông, cũng là một doanh nhân hiện đang quản lý trực tiếp một khách sạn lớn ở Quảng Ninh

Bây giờ tôi mới biết, vợ ông, Nguyễn Thị Quỳnh Mai đã tốt nghiệp trường đại học y khoa Hà Nội (hệ 6 năm), về mặt nào đó cũng có thể nói là một bác sỹ

Chả trách, Mai đã chăm sóc chồng tốt như vậy. Tôi nói là chăm sóc về mặt sức khỏe, vì nhiều năm qua ông bị một chứng bênh khá nan giải mà bây giờ ông đã chữa khỏi

Trò chuyện, tôi thật sự ngạc nhiên về những kiến giải sâu sắc, nhiều mặt của người vợ mà lâu nay tôi chỉ nghĩ là một người vợ đẹp,biết chăm sóc, yêu thương chồng, con …

Mai nói về hiện trạng của các ngân hàng hiện nay. Mai cho rằng cơ cấu lại ngân hàng không chỉ dùng biện pháp hành chính là đủ. Một ngân hàng to chưa chắc đã hơn một ngân hàng nhỏ. Vấn đề là chất lượng hoạt động của ngân hàng. Không thể sát nhập hay tái cơ cấu bằng cách mua lại giấy phép, hay sát nhập theo theo con số cộng đơn thuần. Không thể có hiệu quả tốt nếu làm theo cách ấy !

Mai cũng băn khoăn vì, hiện nay, người ta “tôn vinh” doanh nghiệp, doanh nhân nhiều quá. Nói đến doanh nghiệp, doanh nhân nhiều quá… Trong lúc có những ngành rất cần được tôn vinh như những người làm công tác khoa học, nhất là khoa học cơ bản, khoa học chuyên ngành. Một đất nước muốn phát triển bền vũng cái nền tảng là khoa học, các nhà khoa học. Mà ở ta, những nhà khoa học chân chính còn nghèo, thu nhập thấp, ít được công luận chú ý, tôn vinh …

Mai lấy ví dụ về việc cấy ghép gan, nếu không có sự tiện bộ của khoa học làm sao chồng mình chữa được chứng bệnh khó chữa đó !

Tôi hỏi Mai, làm vợ một người giàu có, một doanh nhân, chăm sóc ba đứa con, lại tham gia hoạt động kinh doanh, làm bà chủ một khách sạn lớn thời gian sẽ thế nào ?

Mai nói, mình phải biết sắp xếp thời gian cho hợp lý, biết ưu tiên giai đoạn nào cần tập trung giải quyết trước tiên vấn đề gì. Thời gian cho mọi người tưởng như nhau, nhưng thực ra, nó phụ thuộc rất nhiều vào sự sắp xếp của người đó. Là người có cá tính mạnh, nhưng Mai luôn lắng nghe mọi người chứ không nhất nhất làm theo ý mình. Có người hỏi Mai sao không ăn mặc sắm sửa, đi lại như những bà chủ giàu có…Mai cười: Mình mặc gì, đi xe gì, đeo trang sức gì …thì mình vẫn là mình mà thôi. Những thứ ngoại thân ấy không làm nên giá trị con người !

Ngày hai người mới quen nhau, doanh nhân Vũ văn Tiền bấy giờ còn là một chàng trai rụt rè, một học viên của học viện kỹ thuật quân sự. Sau nhiều năm làm công ăn lương ở một xí nghiệp xuất nhập khẩu bao bì của nhà nước cho đến năm 1993 mới ra thành lập công ty riêng

Hôm mới rồi, Vũ văn Tiền còn mời ca sỹ Chế Linh, Trung Đức, Thanh Hoa … cùng bạn bè, thân thích và cán bộ công nhân viên đến tầng 4 của tòa nhà cao 18 tầng, trụ sở chính của tập đoàn tại 36 Hoàng Cầu, tổ chức một đêm ca nhạc tri ân. Tôi cũng có mặt trong buổi giao lưu, thật cảm động. Người hát và người nghe như hòa làm một, trong tiếng vỗ tay ngỡ như không dứt …

Vũ văn Tiền nói, 30 năm trước, đói run người vẫn say mê nhe ca sỹ Chế Linh, Trung Đức, Thanh Hoa … hát. Nghe qua một chiếc loa phóng thanh công cộng, trong những ngày cắp sách đến trường. Nghe từ chiếc cát sét cũ kỹ trong các đám cưới ở quê thời bấy giờ …

Con người, thật lạ, khi đã trở nên giàu có, thành đạt lại không thể nào quên thủa hàn vi

Nhưng, tri ân với những gì đã qua thì mỗi người lại có cách thức khác nhau. Cách thức như vợ chồng doanh nhân Vũ văn Tiền đã làm, phải chăng là cách thức của những người có tâm, có học ?!

Dương Kỳ Anh
 
Last edited:
Đại gia chi tiền tỷ ở khách sạn 7 sao dịp Tết

Mặc dù năm 2011 đầy khó khăn về kinh tế nhưng vẫn có những doanh nhân ăn nên làm ra. Chào Tết Nhâm Thìn 2012, không ít đại gia tại TP.HCM đặt tour du lịch nước ngoài đắt tiền, thậm chí sẵn sàng chi tới 3.500 USD cho một đêm ở khách sạn 7 sao (Dubai)

Bỏ 3.500 USD/đêm ở khách sạn dát vàng

Một trong số người chịu chơi đó là gia đình anh Nguyễn Đức Tuấn, ngụ tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, chuyên kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản

Anh Tuấn bật mí, Tết này sẽ không ở nhà mà quyết định cho cả gia đình gồm vợ, chồng và hai đứa con đi tour Dubai – Abudhabi 6 ngày, khởi hành mùng 1 Tết, giá trọn gói khoảng 50 triệu đồng/người, ở khách sạn 4 sao

Tuy nhiên, anh Tuấn đăng ký tách đoàn 1 ngày để gia đình trải nghiệm tại khách sạn siêu sang 7 sao dát vàng Burj al-Arab

“Ở khách sạn 7 sao dát vàng Burj al-Arab chúng tôi tốn khoảng 3.500 USD/đêm cho hai người. Trên diện tích 8.000 mét vuông tường, các cột lớn của khách sạn đều được dát vàng lá 22 carat, 24.000 mét vuông đá marble, gồm 30 loại khác nhau. Không chỉ thế tôi nghe nói cả chiếc thang máy trong khách sạn cũng dát vàng

Trong đó căn phòng nhỏ nhất có diện tích 169 mét vuông, còn phòng rộng nhất là phòng hoàng gia (Royal Suite) 780 mét vuông với giá 28.000 USD/đêm .”- anh Tuấn hào hứng nói

Tính sơ sơ, chi phí đi du lịch Tết này của nhà anh Tuấn phải hết 500 triệu đồng

Cả nhà đi chơi Tết dự tính tiêu gần 1 tỷ

Nhà chị Giang, ngụ tại quận 1 TP.HCM, có công ty chuyên kinh doanh hàng mỹ nghệ cũng lên kế hoạch đi chơi Tết không kém phần sành điệu

Gia đình chị gồm 5 người sẽ tham gia tour du lịch 5 nước Châu Âu (Pháp - Ý - Đức - Bỉ - Hà Lan) có giá khoảng 100 triệu/người cho 13 ngày

Tham gia tour du lịch này, các thành viên trong gia đình chị Giang sẽ được ở khách sạn 4 sao, thăm quan các thành phố nổi tiếng thế giới như Paris- Roma- Amsterdam- Munich- Bruxelles trong không khí lành lạnh, mát mẻ

Ngày 27/1 Tết, gia đình chị Giang sẽ bắt đầu khởi hành

Chị Giang hồ hởi chia sẻ: “Đợt du lịch này riêng tiền tour đã ngốn hết của mình 500 triệu. Đó là chưa kể mình còn phải mang theo tiền để sắm sửa, mua quà về cho bạn bè, người thân.Cậu con trai cả nhà mình rất mê thời trang của Ý nên xin mẹ qua đó thế nào cũng phải kiếm được vài bộ quần áo, hoặc đôi giày độc về khoe với bạn bè

Còn cậu con trai thứ hai mê bóng đá, nằng nặc đòi sang Hà Lan phải kiếm được đồ lưu niệm hoặc chiếc áo có chữ ký cầu thủ mà nó thích. Mấy chị em trong nhà nghiện nước hoa Pháp nên gửi tiền dặn dò kiểu gì cũng cố mua bằng được. Tính sơ sơ nhà mình phải cầm thêm tối thiểu 10.000 USD thì mới dám nghĩ đến chuyện thoả mãn hết nhu cầu của các thành viên”

Chị Giang nói thêm, không chỉ gia đình chị mới đi du lịch nước ngoài vào Tết này mà bạn bè, đối tác cũng có nhiều người như thế

“Cả năm cực khổ kiếm tiền rồi, giờ đến lúc xả lai. Đi để mở mang đầu óc, để biết người ta sống thế nào mà phấn đấu, học tập. Cuộc đời sống được bao lâu đâu, làm cho lắm lúc chết cũng không mang theo được.” - Chị Giang cười tâm đắc

Theo thông tin chính thức từ công ty TST tourist thì tại TP.HCM dịp Tết Nguyên đán này có 30 khách đăng ký đi Dubai. Trong số đó có 2 gia đình đăng ký tách đoàn để ở khách sạn 7 sao với giá 3.500 USD/đêm

Còn phía Sài Gòn tourist tại TP.HCM cũng cho biết, Tết Nguyên đán 2012 đã tiếp nhận đăng ký cho hơn 200 khách tham gia các tour du lịch Châu âu cao cấp

Phần lớn các vị khách dám bỏ ra số tiền lớn tham gia các tour khủng như vậy là doanh nhân
 
Last edited by a moderator:
Top