What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Thị trường lương thực thế giới

WB muốn châu Phi tự cung cấp được lương thực

Từ nhiều năm qua, do hạn hán, chiến tranh và nhiều nguyên nhân khác, châu Phi thường xuyên phải dựa vào nguồn lương thực nhập khẩu từ các nước khác ngoài châu lục, chủ yếu là châu Âu và Đông Nam Á

cp123-1.jpg

Ước tính trong năm nay, chỉ riêng 11 nước Tây Phi sẽ phải nhập khẩu hơn 3,3 triệu tấn lương thực, gần bằng 50% tổng mức tiêu thụ cả năm (7 triệu tấn). Thời gian qua, tình trạng hạn hán nhiều nơi tại Mỹ cùng với sự gia tăng nhu cầu về nhiên liệu sinh học (khiến cho nông sản dành làm lương thực - thực phẩm bị giảm sút) đã đẩy giá lương thực thế giới tăng cao, đe dọa sự ổn định trong đời sống kinh tế của nhiều nước châu Phi

Trong tình thế đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đang thúc giục châu lục này tăng cường việc mua bán lương thực trong phạm vi khu vực, bởi vì sự an toàn lương thực có thể được đảm bảo chỉ bằng việc cho phép người nông dân được mua bán trên toàn châu lục một cách dễ dàng hơn hiện nay

Theo những dữ liệu được công bố gần đây, dù tình trạng lương thực đang rất thiếu an toàn, trong khối lượng ngũ cốc do các nước châu Phi nhập khẩu, chỉ có 5% được mua bán trong phạm vi châu lục, 95% còn lại phải nhập khẩu từ các nước ngoài châu Phi hoặc từ nguồn viện trợ

Trong khi đó, theo một kết quả nghiên cứu của Makhtar Diop, Phó chủ tịch WB phụ trách châu Phi, tại nhiều khu vực rộng lớn ở châu lục này, chỉ có 10% đất khả canh đang được canh tác, nếu tăng tỷ lệ này lên thì chẳng những thỏa mãn được nhu cầu tiêu thụ trong phạm vi châu lục mà còn có thể xuất khẩu cho phần còn lại của thế giới

Tuy nhiên vấn đề tái cấu trúc nền nông nghiệp châu Phi gặp không ít trở ngại. Để thực hiện đúng như khuyến cáo của WB, tạo điều kiện cho người nông dân châu Phi được bán sản phẩm trên toàn châu lục, cần phải giải quyết vấn đề chia sẻ kiến thức nông nghiệp giữa các nước trên đại lục cũng như việc tiếp cận những công nghệ phù hợp

Hiện nay, nông dân châu Phi gặp nhiều lực cản trong việc canh tác và đưa sản phẩm ra thị trường châu lục hơn là nông dân ở phần còn lại của thế giới. Do đó, theo Diop, cần xóa bỏ quan điểm quốc gia hạn hẹp để mang lại lợi ích cho khu vực, chẳng hạn nếu Malawi bị hạn hán thì Nam Phi sẽ cung cấp lương thực cho họ thay vì phải nhờ ngoại viện hay nhập khẩu từ bên ngoài châu lục

Bên cạnh những giải pháp mang tính đồng bộ do WB đề xuất, một vài quốc gia châu Phi tự định cho mình một hướng đi mới phù hợp với điều kiện riêng của nền kinh tế. Tiêu biểu cho khuynh hướng trên là Guinea. Giá cả gạo nhập khẩu gia tăng đã khuyến khích nhiều người dân nước này thay đổi hẳn cơ cấu chính của bữa ăn hằng ngày

Họ sử dụng sắn (khoai mì) làm lương thực chính thay vì gạo. Theo các số liệu thống kê do Cơ quan An ninh Lương thực Guinea (SNSA) công bố, diện tích đất canh tác sắn đã tăng từ 54.424ha năm 2004 lên 122.550ha vào năm 2011, đạt sản lượng 775.500 tấn, biến loại nông sản này thành lương thực được sử dụng nhiều thứ hai sau gạo

Được biết Guinea trồng rất ít lúa và hằng năm phải nhập khẩu 200-300 ngàn tấn gạo của châu Á. Hiện nay sản lượng sắn trồng được trong nước đã thay thế dần lượng gạo nhập khẩu và đấy là sự lựa chọn phù hợp trong điều kiện giá cả lương thực trên thế giới ngày một tăng cao

Lê Cần
 
Châu Phi có thể nuôi sống cả thế giới

Theo phân tích của nhiều tổ chức có uy tín, châu Phi có khoảng 600 triệu hécta đất có thể canh tác đang bị bỏ hoang, chiếm khoảng 60% đất canh tác của thế giới

Trong một bài viết mới đây, ông Olusegun Obasanjo, cựu Tổng thống Nigiêria và là thành viên Hội đồng vì sự tiến bộ của châu Phi (APP) do cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Kofi Annan làm Chủ tịch, đã đưa ra một đánh giá gây không ít ngạc nhiên

Châu Phi – khu vực luôn gắn liền với sự nghèo đói – hoàn toàn có thể nuôi sống “bản thân”, thậm chí trở thành nguồn cung cấp lương thực chủ chốt cho phần còn lại của thế giới, nếu tiềm năng nông nghiêp của châu lục này được đầu tư, khai thác đúng đắn

Theo báo cáo mới nhất của LHQ, có tới 239 triệu người dân châu Phi đang thiếu đói, tăng khoảng 20 triệu so với 4 năm trước. Các cuộc khủng hoảng vừa qua tại vùng Sừng châu Phi và vùng Sahel cho thấy nguồn cung cấp lương thực cho hàng triệu người dân trong khu vực vẫn còn hết sức bấp bênh, tình trạng thiếu dinh dưỡng vẫn để lại những vết sẹo trên mỗi bước tiến trong các lĩnh vực y tế và giáo dục

Nhưng theo phân tích của nhiều tổ chức có uy tín, châu Phi có khoảng 600 triệu hécta đất có thể canh tác đang bị bỏ hoang, chiếm khoảng 60% đất canh tác của thế giới. Còn trên những vùng đất đang được canh tác thì công nghệ và kỹ thuật lạc hậu đã làm cho năng suất thấp

Hiện sản lượng ngũ cốc của châu Phi chỉ bằng khoảng 1/3 mức trung bình của thế giới đang phát triển và hầu như không tăng trong suốt ba thập niên qua. Một trong những lý do chính là có tới 80% diện tích canh tác phụ thuộc vào nguồn nước mưa chứ không phải vào hệ thống thủy lợi

Ông Olusegun Obasanjo cho rằng năng suất là một trong những vấn đề then chốt của nông nghiệp châu Phi. Để nâng cao hiệu quả canh tác, trước hết các chính phủ và nhà tài trợ phải tập trung vào các hộ nông dân nhỏ lẻ. Một số chính phủ ở châu Phi đang chạy theo phương thức trang trại thương mại quy mô lớn như một giải pháp giúp nâng cao năng suất

Nhưng châu Phi không thể nâng cao sản lượng lương thực, không thể tạo ra nhiều việc làm và giảm đói nghèo mà không giải phóng tiềm năng của các hộ nông dân nhỏ lẻ. Tầng lớp thanh niên đông lên nhanh chóng ở châu lục khiến cho nhu cầu tạo công ăn việc làm trở thành một vấn đề cấp bách đối với nhiều quốc gia. Hiện nay, có gần 2/3 người dân châu Phi sống bằng nghề nông

Thứ hai, các chính phủ châu Phi phải giải quyết ổn thỏa tình trạng xâu xé đất đai hiện nay. Xu hướng gia tăng dân số, với tầng lớp trung lưu ngày một hùng hậu trên toàn thế giới, và nhu cầu phải tìm kiếm các nguồn năng lượng thải ít cácbon cho thấy nhu cầu về lương thực và nhiên liệu sinh học đang ngày một cấp bách

Phát hiện cơ hội kiếm lời, các nhà đầu tư nước ngoài đang chen chân nhằm giành giật những phần đất của châu Phi. Họ thuê đất, sử dụng những phương pháp canh tác tiên tiến nhất (và cả nguồn nước quý giá của châu Phi) rồi xuất khẩu lương thực ra nước ngoài và thu lời lớn

Châu Phi đang trở thành tâm điểm của các thương vụ đất đai toàn cầu. Chẳng hạn, năm 2000 - 2011, thông qua 948 vụ giao dịch, đã có 124 triệu hécta đất ở châu Phi được chuyển nhượng (một diện tích lớn hơn lãnh thổ của các nước Pháp, Đức và Anh cộng lại), chủ yếu dọc theo các con sông Nile và Niger là những nơi có nguồn nước dồi dào

Trong các thương vụ này, các nhà đầu tư nước ngoài thường được hưởng giá thuê thấp và được miễn nhiều loại thuế. Các hợp đồng thường được thương lượng sau các cánh cửa đóng kín mà không tham khảo ý kiến của các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Trên thực tế, các giao dịch này đã khiến nhiều nông dân phải rời bỏ ruộng vườn của mình

Bên cạnh lợi ích của việc kết hợp công nghệ nước ngoài với kinh nghiệm để tăng năng suất, tạo công ăn việc làm và chuyển giao công nghệ, các thương vụ đất đai trên quy mô lớn đang bị đặt câu hỏi, khi các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng nguồn đất và nước của châu Phi để cung cấp lương thực và nhiên liệu sinh học cho các nước khác

Thứ ba, các chính phủ và các tổ chức cần trợ giúp các hộ nông dân nhỏ lẻ đối phó với rủi ro một cách hiệu quả hơn. Các cuộc khủng hoảng ở vùng Sừng châu Phi và Sahel đã làm lộ diện những nguy cơ đối với các tiểu nông, những người phải kiếm ăn một cách chật vật để nuôi sống bản thân và gia đình họ

Một nghiên cứu mới đây ở Tandania cho thấy, với việc đầu tư 100 triệu USD hàng năm cho những hộ sản xuất nhỏ - bao gồm hỗ trợ phát triển hệ thống tưới tiêu quy mô nhỏ, phát triển ruộng bậc thang, cải thiện đường sá..., có thể ngăn chặn thiệt hại lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm

Thứ tư, châu Phi cần được cộng đồng quốc tế trợ giúp nhiều hơn nữa trong mục tiêu cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng, một trong những thách thức lớn nhất của phát triển. Một nghiên cứu toàn cầu năm 2008 cho thấy, có tới 1/3 số trẻ em chết yểu ở châu Phi là do suy dinh dưỡng

Thứ năm, cộng đồng quốc tế cần đẩy mạnh nỗ lực nhằm làm giảm nhẹ và thích nghi với biến đổi khí hậu. Hiện tượng nhiệt độ Trái đất tăng cao, nước bốc hơi mạnh hơn và thời tiết khó dự báo hơn là những nhân tố làm gia tăng sức ép về nước, khiến hạn hán lan rộng mà hậu quả là làm suy giảm năng suất nông nghiệp

Tóm lại, các nhà lãnh đạo châu Phi và các đối tác cần phải làm nhiều hơn nữa để phát huy tiềm năng nông nghiệp khổng lồ của châu lục này

Nhưng trước hết, châu Phi cần phải tự nuôi sống mình
 
Top