What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

ThanhHoa - Điện Biên Phủ kinh tế

LOBBY.VN

Administrator
Thanh Hóa công bố quy hoạch sân bay

Sáng 8/1, tại huyện Tĩnh Gia, UBND tỉnh Thanh Hoá phối hợp với Cục Hàng Không Việt Nam, Bộ Giao Thông Vận tải tổ chức lễ công bố quy hoạch sân bay Thanh Hoá đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Theo đó, sân bay Thanh Hoá sẽ được xây dựng tại vị trí xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, cách trung tâm thành phố Thanh Hoá khoảng 30km về phía Nam, cách Quốc lộ 1A khoảng 1,3km về phía Đông, chạy dọc theo bờ biển

Ngay sau khi lễ công bố quy hoạch diễn ra, UBND tỉnh Thanh Hoá cùng các ngành chức năng đã thực hiện cắm mốc giới tại địa điểm xây dựng, lập dự án đầu tư và tiến hành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 với khoảng 213ha

Tổng số vốn đầu tư xây dựng Sân bay Thanh Hóa dự kiến lên đến trên 2.600 tỷ đồng, được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn: Trong đó mục tiêu giai đoạn 1 đến năm 2020 sẽ xây dựng Sân bay Thanh Hóa trở thành sân bay cấp 3C, có chức năng thoả mãn nhu cầu bay taxi, du lịch, dịch vụ y tế, cứu trợ nhân đạo, chính sách xã hội; Dịch vụ tìm kiếm cứu nạn trên không, trên biển, cứu nạn phòng chống thiên tai, cháy rừng; phục vụ an ninh quốc phòng, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm buôn lậu ma tuý; phục vụ dịch vụ khác như bay chụp ảnh, thăm dò khoáng sản...

Sang giai đoạn 2 từ sau năm 2020 trở đi sẽ trở thành sân bay cấp 4C, đủ khả năng đáp ứng vai trò của sân bay có lịch bay thường kỳ, là cảng hàng không nội địa

Theo dự kiến ở giai đoạn 1, sân bay Thanh Hoá sẽ mở các tuyến đường bay từ Thanh Hoá đi Gia Lâm, Cát Bi, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất với lưu lượng hành khách đạt 250.000 lượt/năm, hàng hoá 10.000 tấn/năm

Sau năm 2020 mở thêm các tuyến Thanh Hoá đi Ban Mê Thuột, Đà Lạt, Nha Trang và có thể có các tuyến bay quốc tế gần với lưu lượng hành khách đạt 1 triệu lượt/năm và hàng hoá đạt 20.000 tấn/năm
 
Last edited:
Hơn 410 triệu USD xây thủy điện Trung Sơn tại Thanh Hóa

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt kết quả đàm phán hiệp định vay vốn và các vấn đề pháp lý liên quan đến việc triển khai dự án thủy điện Trung Sơn tại tỉnh Thanh Hóa

Đây là dự án thủy điện được đầu tư trên cơ sở vốn vay chủ yếu của Ngân hàng Thế giới (WB). Tổng mức đầu tư của dự án là 411,72 triệu USD

Trong tổng số vốn đầu tư trên, vốn vay của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) thuộc WB là 330 triệu USD, vốn đối ứng (81,72 triệu USD) được bố trí trong dự toán ngân sách của các cơ quan thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước

Thủ tướng ủy quyền cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thay mặt Chính phủ ký với WB Hiệp định vay và các văn bản pháp lý liên quan của dự án trên

Thủy điện Trung Sơn là một dự án hồ chứa và đập đa mục tiêu vừa cung cấp điện vừa giúp kiểm soát lũ. Công trình được xây dựng trên sông Mã thuộc huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nhà máy điện có công suất lắp đặt 260 MW, sản lượng điện hàng năm 1,55 GWh, là nguồn bổ sung quan trọng cho lưới điện quốc gia

Ngoài ra, khi hoàn thành thủy điện Trung Sơn cũng sẽ giúp kiểm soát lũ cho vùng hạ lưu với dung tích phòng lũ thường xuyên 112 triệu m3 và mang lại những lợi ích về môi trường, giúp giảm phát thải lượng khí nhà kính (GHGs) so với các nhà máy điện có cùng qui mô hoạt động bằng nhiên liệu hóa thạch. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2018
 
Last edited:
Khai chương sân bay Thọ Xuân

Hôm nay (5.2), Bộ GTVT phối hợp cùng UBND tỉnh tổ chức lễ khánh thành cảng hàng không Thọ Xuân và khai trương đường bay Thanh Hóa - TP.Hồ Chí Minh

Tới dự có đồng chí Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội Hà Nội. Cũng tại lễ khai trương, chuyến bay đầu tiên chở gần 200 hành khách từ TP.Hồ Chí Minh đã đáp xuống sân bay Thọ Xuân an toàn lúc 12h40 phút cùng ngày

Thông tin của Vietnam Airlines cho biết, đường bay thẳng TP.Hồ Chí Minh - Thanh Hóa khởi động từ ngày 5.2 với tần suất 5 chuyến/tuần vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu, Bảy và Chủ nhật bằng máy bay Airbus A321 (184 ghế)

Các chuyến bay sẽ xuất phát từ TP.Hồ Chí Minh lúc 7h20 phút và chiều ngược lại khởi hành lúc 10:00, thời gian bay dự kiến là 1h55 phút

Nhân dịp khai trương, từ ngày 5.2 đến 31.3, Vietnam Airlines bán vé một chiều cho hành trình giữa TP.Hồ Chí Minh và Thanh Hóa từ 1.150.000 VNĐ, áp dụng cho vé xuất từ nay đến hết ngày 31.3 và có hành trình khởi hành từ 6.2-12.2 trên chặng bay từ Thanh Hóa đi TP.Hồ Chí Minh và từ 25.2-31.3 trên chặng bay TP.Hồ Chí Minh đi Thanh Hóa (mức giá trên có kèm theo điều kiện và chưa bao gồm các khoản thuế, lệ phí và phụ thu)

Nhân dịp này, Vietnam Airlines không thu phí chuyển đổi hành trình cho hành khách có nhu cầu chuyển vé đã mua từ hành trình giữa TP.Hồ Chí Minh - Vinh và TP.Hồ Chí Minh - Hà Nội sang hành trình giữa TP.Hồ Chí Minh - Thanh Hóa. Theo đó, việc đặt chỗ, đổi hành trình cần được thực hiện trong giai đoạn từ 15.1 đến hết ngày 28.2 tại các phòng vé và đại lý của Vietnam Airlines
 
Last edited:
Marubeni-Kepco trúng thầu nhiệt điện Nghi Sơn 2
Chiều 22/3, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức trao thầu cho hai nhà đầu tư là Marubeni (Nhật Bản) và Kepco (Hàn Quốc) trúng thầu Dự án Nhiệt điện than Nghi Sơn 2 tại Thanh Hóa theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT)

Dự án Nhiệt điện than BOT Nghi Sơn 2 có quy mô 1.200 MW, gồm 2 tổ máy công suất 600 MW, nằm cạnh Nhà máy Nhiệt điện than Nghi Sơn 1 có quy mô 600 MW của do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư

Đây là dự án được thực hiện theo hình thức BOT đầu tiên trong ngành điện tiến hành lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu lựa chọn giá điện

Ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết đây là dự án BOT được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương đấu thầu quốc tế và sau khi xem xét hồ sơ thì hai tổ hợp nhà thầu Marubeni - Kepco đã trúng thầu

Dự án nhiệt điện Nghi Sơn 2 áp dụng công nghệ siêu tới hạn với hiệu suất cao, góp phần giảm tiêu thụ than, giảm phát thải khí nhà kính và các vấn đề về môi trường khác

Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn và kinh tế cho khu vực Bắc Trung bộ, giảm tổn thất công suất truyền tải trên hệ thống điện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng nam Thanh Hoá - bắc Nghệ An, đặc biệt là khu kinh tế Nghi Sơn - Thanh Hoá

"Dự kiến nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 sẽ vận hành thương mại vào năm 2017," ông Phong nói

Marubeni là một tập đoàn hàng đầu về thương mại và đầu tư của Nhật Bản, đã tham gia nhiều dự án xây dựng nhà máy điện tại Việt Nam như Nhà máy điện dầu Trà Nóc (Cần Thơ), Nhà máy điện than Na Dương, Nhà máy điện than Hải Phòng 1... Trong khi đó, Kepco cũng là tập đoàn lớn của Hàn Quốc chuyên trong lĩnh vực điện

Đức Duy
 
Last edited:
Thanh Hóa - điểm sáng mới trên bản đồ đầu tư khu công nghiệp Việt Nam
Foxconn, tập đoàn công nghiệp chuyên sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử cho nhiều "ông lớn" công nghệ toàn cầu, trong đó có Apple vừa tìm kiếm các địa điểm để đặt nhà máy tại Thanh Hóa. Lãnh đạo tỉnh này cho biết 3 địa điểm dự kiến được lựa chọn để xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện là Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn, khu công nghiệp (KCN) phía Tây TP Thanh Hóa hoặc KCN tại huyện Thiệu Hóa

Trước đó, vào tháng 12/2020, công ty WHA Industrial Development (Thái Lan) quyết định nghiên cứu đầu tư 2 dự án xây dựng hạ tầng KCN tại Thanh Hóa với tổng mức đầu tư hoảng 335 triệu USD. Tổng diện tích khoảng 1.339 ha, bao gồm 539 ha tại KKT Nghi Sơn và 800 ha tại KCN Phú Quý. Công ty WHA có kinh nghiệm 30 năm phát triển BĐS KCN, từng đầu tư hơn 3.200 ha KCN tại dự án KCN WHA IZ 1 – Nghệ An thuộc KKT Đông Nam Nghệ An

Trong 5 năm qua (2016 - 2020), Thanh Hóa thu hút hơn 1.070 dự án đầu tư trực tiếp, bao gồm 76 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tổng vốn đăng ký lần lượt hơn 114.500 tỷ đồng và hơn 3,6 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI

Hiện nay, tỉnh có KKT Nghi Sơn, diện tích 106.000 ha và 8 KCN đang hoạt động gồm Lễ Môn, Đình Hương – Tây Bắc Ga, Bỉm Sơn, Hoàng Long, Lam Sơn – Sao Vàng, Ngọc Lặc, Bãi Trành và Thạch Quảng. Một số dự án đầu tư lớn tại đây như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 - 2, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn...

Theo quy hoạch phát triển các KKT, KCN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa sẽ phát triển thêm KKT Cửa khẩu Na Mèo thuộc huyện Quan Sơn và 2 KCN đô thị - dịch vụ phía Tây và phía Bắc TP Thanh Hóa. Trong đó, khu phía Bắc TP Thanh Hóa có diện tích 800 ha, mục tiêu phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, hướng đến nền “công nghiệp 4.0”. Còn khu phía Tây TP Thanh Hóa quy hoạch tổng diện tích 1.200 ha, bao gồm 900 ha phát triển KCN còn lại là khu đô thị, khu công cộng

170809152400824520160622144305-5288-3271-1615975656.jpg

Một góc khu kinh tế Nghi Sơn

Lợi thế thu hút đầu tư

Ông David Jackson, Tổng giám đốc của Colliers Việt Nam nhận định lý do quan trọng bậc nhất để Thanh Hóa có thể thu hút đầu tư lớn là chính sách vĩ mô. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho địa phương vươn lên trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc. Theo đó, Thanh Hóa cùng với Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng hình thành tứ giác phát triển tại miền Bắc. Có thể nhận thấy, Chính phủ đã có nhiều kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng tại Thanh Hóa. Tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn Ninh Bình – Thanh Hóa đang được tiến hành và sẽ tác động tích cực, to lớn đến sự phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng của xứ Thanh trong tương lai gần

Thứ hai, Thanh Hóa có một vị trí chiến lược quan trọng với cảng nước sâu Nghi Sơn với năng lực khai thác hơn 100 triệu tấn hàng hóa mỗi năm và có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 100.000 DWT. KKT Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha là một trong số 8 KKT ven biển được vận hành với những cơ chế ưu đãi đặc biệt về thuế TNDN, tiền thuê đất, thuế nhập khẩu... Trong khi đó, sân bay Thọ Xuân đang được quy hoạch để trở thành sân bay quốc tế, cửa khẩu Na Mèo giúp liên thông với Lào và các quốc gia Đông Nam Á bằng đường bộ. Ngoài ra, Thanh Hóa cũng được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh, nổi bật là bãi biển Sầm Sơn đã và đang được đầu tư nhiều resort, khách sạn cao cấp

Thứ ba, Thanh Hóa có nguồn nhân lực dồi dào với hơn 2,5 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm đến hơn 60% dân số của tỉnh, vừa là nguồn lao động vừa mang đến nhiều cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực như bán lẻ, các dự án nhà ở hay văn phòng

Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, giá thuê trung bình BĐS KCN tại Thanh Hóa vào khoảng 40 - 50 USD/m2/kỳ hạn thuê. Mức giá này vô cùng hấp dẫn so với các tỉnh và thành phố lân cận. Ví dụ, mức giá ở Hà Nội là 140 USD/m2, Hải Phòng là 95 USD/m2, Hưng Yên là 75 USD/m2 còn Hải Dương khoảng 60 USD/m2 mỗi kỳ hạn thuê. Các KCN thường có thời hạn sử dụng đất trên 50 năm và kỳ hạn mà bên thuê trả phí cho chủ đầu tư khu công nghiệp tùy thuộc vào thời hạn thuê đất còn lại của chủ đầu tư được quy định trong các văn bản pháp lý liên quan


capture-png15-6423-1615975656.png

Đơn vị: tỷ đồng
Tiềm năng tăng trưởng tương lai

BĐS KCN Việt Nam được đánh giá có nhiều triển vọng trong tương lai, với nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc…. Nhu cầu về BĐS công nghiệp, kho bãi hay nhà xưởng xây sẵn có khả năng tăng lên đáng kể trên khắp cả nước. Điều này cũng có tác động dây chuyền và khiến giá thuê BĐS KCN Thanh Hóa dự kiến tăng lên trong dài hạn

Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận BĐS Công Nghiệp Savills Việt Nam nhấn mạnh 4 khu vực của Thanh Hóa được xác định là trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong tương lai là TP Sầm Sơn, KKT Nghi Sơn, KCN Bỉm Sơn và KCN Lam Sơn - Sao Vàng. Tỉnh cũng xác định 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng là công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng đô thị. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bao gồm các tuyến đường nội tỉnh, dẫn đến KKT Nghi Sơn, các KCN, khu du lịch nối Thanh Hóa với các tỉnh

Đại diện Colliers Việt Nam nhận định giá thuê BĐS công nghiệp tại Thanh Hóa có thể tăng khoảng 10% tính đến cuối năm nay trong bối cảnh vẫn có khoảng cách khá lớn với nhiều tỉnh thành khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Gía thuê thậm chí có thể tăng hơn nữa nếu các chuyến bay thương mại có thể vận hành nhiều hơn, nhà đầu tư quốc tế có thể trở lại Việt Nam tìm cơ hội và tính đến các phương án thuê đất tại các khu công nghiệp Thanh Hóa

Các ngành công nghiệp nặng nhiều khả năng sẽ được phát triển không ít trong những năm tới do Thanh Hóa nằm ở khu vực có nhiều tài nguyên năng lượng. Với thành công của KKT Nghi Sơn, Colliers Việt Nam tự tin về tiềm năng của Thanh Hóa và về khả năng một thành phố công nghiệp hiện đại sẽ sớm thành hình trong tương lai gần
 
Doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu đầu tư 'Công viên dược phẩm' 500 triệu USD tại Thanh Hóa
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có buổi làm việc trực tuyến với Đại sứ Phạm Sanh Châu, các tham tán, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ về việc vận động dự án “công viên dược phẩm”

44d4cbb681c2486da2.webp

Tỉnh Thanh Hóa vừa có buổi làm việc với Đại sứ Phạm Sanh Châu về việc vận động dự án “công viên dược phẩm”

Dự án “Công viên dược phẩm” thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ, mục tiêu là xây dựng khu dược phẩm đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam, quy mô khoảng 500ha, tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu USD

Dự án hướng tới việc thu hút các công ty dược phẩm toàn cầu kết nối, thiết lập cơ sở sản xuất; nâng cao khả năng tự chủ về dược phẩm, đưa Việt Nam lên bản đồ dược phẩm thế giới, đồng thời, mang lại những lợi ích dài hạn như tạo việc làm cho 50.000 lao động trực tiếp và 200.000 lao động gián tiếp…

Các nhà đầu tư Ấn Độ mong muốn tìm kiếm hạ tầng đầu tư, phát triển sản xuất trong thời hạn 99 năm. Một số tiêu chí ban đầu như: vị trí xây dựng công viên dược phẩm gần các cảng biển nhưng không quá xa thành phố và có hạ tầng giao thông tốt để thuận tiện cho việc nhập khẩu nguyên liệu thô và xuất khẩu thành phẩm; diện tích đất sạch tích lý tường từ 500 - 1.000ha (tối thiểu 300ha) cùng những ưu đãi cho xây dựng hạ tầng và sản xuất kinh doanh từ chính quyền; nguồn cung năng lượng không gián đoạn; nguồn nước sạch đảm bảo sản xuất; nguồn cung nhân lực dồi dào...

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đánh giá việc kêu gọi, vận động vự án “Công viên dược phẩm” từ Ấn Độ hoàn toàn phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Còn theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, tỉnh Thanh Hoá là một trong 12 tỉnh, thành phố được các nhà đầu tư Ấn Độ lựa chọn, tìm hiểu để đầu tư dự án “Công viên dược phẩm”. Tỉnh có những tiềm năng, điều kiện thuận lợi để triển khai đầu tư, thực hiện dự án

Tuy nhiên, để thuyết phục được các nhà đầu tư, Đại sứ Châu cho rằng tỉnh Thanh Hoá cần cung cấp thêm những thông tin cụ thể, chi tiết hơn về mặt bằng dự kiến để triển khai dự án, nguồn nhân lực, những chính sách hỗ trợ khuyến khích và thông tin về doanh nghiệp có đủ tiềm lực để triển khai dự án

Bên cạnh đó, phía đại sứ quán cũng mong muốn tỉnh Thanh Hoá cung cấp đầu mối để thuận lợi cho việc liên lạc, thông tin về dự án “Công viên dược phẩm” và nhiều dự án khác phù hợp với địa phương

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết ngay sau buổi làm việc, tỉnh sẽ triển khai thực hiện những yêu cầu mà đại sứ quán đưa ra về đầu mối liên lạc, thông tin về các doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện dự án, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các khu công nghiệp

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Sở Ngoại vụ tiếp tục thực hiện đấu mối thông tin về vận động dự án “Công viên dược phẩm”; giao Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp những yêu cầu, đề xuất của đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, tham mưu UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan cung cấp thông tin, trả lời phía đối tác trong thời gian sớm nhất
 
Chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa
Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa

thanh-hoa.webp

Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa

Theo đó, về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hàng năm do Quốc hội quyết định

Hàng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao

Ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh

Ngoài ra, HĐND tỉnh Thanh Hóa được quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa được quy định hoặc điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án

Ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định trên

Tỉnh Thanh Hóa được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này

Về quản lý rừng, đất đai, HĐND tỉnh Thanh Hóa được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50ha; đất rừng sản xuất dưới 1.000ha; đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ
 
Thanh Hóa được tự quyết chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng dưới 50 ha
Sáng 13/11, sau khi nghe giải trình, tiếp thu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa với 414/462 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 82,97%...

4c5ed93a-a0c0-46ec-b8a0-f8227e4aa890.jpg

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết

Sáng 13/11, sau khi nghe giải trình, tiếp thu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa với 414/462 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 82,97%

Theo Nghị quyết, về quản lý rừng, đất đai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên; đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên của tỉnh Thanh Hóa và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất

Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha; đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha; đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định

Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng nêu trên phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng và bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan

Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, đất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa do Thủ tướng Chính phủ quy định

Về quản lý quy hoạch, trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện

Về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, tỉnh Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước

Hàng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Tuy nhiên, con số không vượt quá số tăng thu so với số thu thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu

Ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh

Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án

Ngân sách tỉnh được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí trên để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh và không dùng để xác định số bổ sung cân đối ngân sách và số bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương cho ngân sách tỉnh

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và được thực hiện trong 5 năm. Quốc hội giao Chính phủ sơ kết 3 năm việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024 và tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2026

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa và đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này
 
Lập quy hoạch “siêu đô thị” rộng 1.500 ha ở TP.Thanh Hóa

photo1637240486473-16372404866561976512969.jpg

Dự án thuộc khu vực địa giới hành chính các phường: Quảng Thành, Quảng Đông, Quảng Cát, Quảng Phú, Quảng Tâm (TP.Thanh Hóa); xã Quảng Minh, TP.Sầm Sơn và xã Quảng Định, huyện Quảng Xương

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Đông Nam TP.Thanh Hóa

Theo phê duyệt, dự án có quy mô lập quy hoạch 1.500 ha, dân số dự kiến 150.000 người

Dự án thuộc khu vực địa giới hành chính các phường: Quảng Thành, Quảng Đông, Quảng Cát, Quảng Phú, Quảng Tâm (TP.Thanh Hóa); xã Quảng Minh, TP.Sầm Sơn và xã Quảng Định, huyện Quảng Xương

Về chức năng, đây là khu đô thị tăng trưởng mới phía Đông Nam của TP.Thanh Hóa, gồm: Trung tâm thể dục thể thao, một phần của trung tâm giáo dục, đào tạo; trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; Trung tâm thương mại, dịch vụ và vui chơi giải trí; các khu ở đô thị với hạ tầng theo tiêu chuẩn đô thị loại 1

Mục tiêu đề án nhằm sắp xếp hợp lý các khu vực chức năng để tăng tính khả thi của quy hoạch, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu thực tế, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển của đô thị trong tương lai, nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị…

Liên quan đến dự án này, đầu tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn yêu cầu Sở Xây dựng và Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) khẩn trương hoàn thiện hồ sơ ý tưởng quy hoạch khu đô thị Đông Nam TP.Thanh Hóa để báo cáo chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 22/4
 
Kiểm tra tiến độ thi công dự án Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện - Thanh Hóa I
Ngày 2-11, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã đến kiểm tra tiến độ thi công dự án Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện - Thanh Hóa I tại xã Minh Tiến ( huyện Ngọc Lặc)



150d2153829t35442l0.jpg

Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh kiểm tra tiến độ thi công dự án Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện - Thanh Hóa I tại xã Minh Tiến

Cùng tham gia có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo huyện Ngọc Lặc

Dự án Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện - Thanh Hóa I tại xã Minh Tiến (Ngọc Lặc) khởi công xây dựng vào cuối tháng 12-2020 do Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư, có tổng mức 36.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, hàng năm Dự án tạo ra 180.000 tấn thực phẩm từ thịt lợn; 50 nghìn tấn thành phẩm từ trái cây, rau củ quả; 1,2 triệu tấn thức ăn chăn nuôi; 600.000 tấn phân vi sinh hữu cơ; hình thành tổng đàn lợn 67.500 lợn nái và cung cấp 1,5 triệu lợn thịt; tổng doanh thu 38.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách Nhà nước mỗi năm khoảng 1.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động....

150d2153844t34454l0.jpg

Các nhà máy của khu liên hợp sẽ thu mua nông sản tại địa phương và vùng lân cận làm nguyên liệu sản xuất nước trái cây và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nhờ đó dự án góp phần thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện đời sống của bà con nông dân; gia tăng chỉ số thu hút đầu tư của tỉnh. Đến nay, nhiều hạng mục công trình của dự án vượt tiến độ đề ra, dự kiến vào cuối tháng 12- 2021 sẽ đưa 1.000 con lợn giống vào nuôi

150d2153855t26828l0.jpg

Qua kiểm tra thực tế, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực phấn đấu của Tập đoàn trong việc đầu tư tổ hợp chăn nuôi lớn tại Thanh Hóa cũng như triển khai xây dựng các khu chăn nuôi đúng tiến độ trước những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra

150d2153956t25792l0.jpg

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Tập đoàn Xuân Thiện tiếp tục tập trung nguồn lực, tích cực đôn đốc nhà thầu thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình theo kế hoạch; đảm bảo an toàn lao động; phòng, chống cháy nổ, tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, đồng thời bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững. Huyện Ngọc Lặc luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Dự án
 
Top