LOBBY.VN
Administrator
Tập đoàn TI tiếp tục mở rộng phát triển tại Việt Nam
Sáng 9/11/2010 tại Hà Nội, Tiến sĩ Lê Duy Loan – người giữ trọng trách giám sát công nghệ và điều hành sản xuất các dự án kỹ thuật số trị giá hàng tỷ USD của Tập đoàn Texas Instruments (TI) đã có buổi họp báo trình bày kế hoạch sắp tới của Tập đoàn TI tại thị trường Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Duy Loan thuyết trình kế hoạch sắp tới của tập đoàn TI tại Việt Nam

Chiều 9/11 bà Lê Duy Loan trong chuyến thăm công ty BinhAnh Electronics tại Hà Nội
TI là tập đoàn quốc tế chuyên sản xuất và thiết kế IC bán dễ công nghệ analog và kỹ thuật số. Cùng với vi xử lý analog, vi xử lý tín hiệu kỹ thuật số (DSP) và vi điều khiển bán dẫ (MCU), TI thiết kế và sản xuất những giải pháp bán dẫn, công nghệ nhúng và xử lý ứng dụng
Tiến Sĩ Lê Duy Loan cho biết, ngay từ những ngày đầu thành lập (1930), TI đã đặt mục tiêu áp dụng những kĩ năng chuyên ngành độc nhất để mang tới thị trường những thay đổi cơ bản và kiến tạo những giá trị hoàn toàn mới. Chính vì vậy, xuyên suốt lịch sử TI là quá trình liên tục áp dụng các tiến bộ tiên tiến nhất của công nghệ phức hợp xử lý tín hiệu thời gian thực với những đột phá mang tính cách mạng thay đổi thế giới một cách toàn diện với tốc độ chóng mặt
Hiện, TI sản xuất, thiết kế và duy trì hoạt động thương mại tại hơn 30 quốc gia, phục vụ gần 80.000 khách hàng trên toàn thế giới
Nhận thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng, năm 2008 TI đã quyết định ‘tấn công’ vào thị trường nước này với 2 văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và 2 dịch vụ chính: Analog - Embedded processing
Tại Việt Nam, TI không chỉ cung cấp sản phẩm hiện đại mà còn giúp khách hàng tiếp cận thị trường nhanh hơn thông qua những hỗ trợ trực tiếp và trực tuyến. Những nguồn lực như thiết kế tham khảo, công cụ mô phỏng hiện đại và chương trình huấn luyện thông qua TI’s eLab Design Center cùng với trợ giúp trực tiếp, các khóa đào tạo và hội thảo từ những chuyên gia kinh doanh và ứng dụng giúp khách hàng đẩy nhanh những thiết kế của mình.
Cụ thể, TI cung cấp những thiết bị analog năng suất cao, hoàn thiện nhất và những công nghệ nhúng áp dụng rộng rãi nhất trong toàn ngành công nghiệp. Hiện, TI có hơn 60.000 sản phẩm và liên tục giới thiệu hơn 500 sản phẩm mới mỗi năm.
Xác định việc hiểu biết chuyên ngành trong cả lĩnh vực công nghệ analog, kĩ thuật số, thiết kế hệ thống và chip với công nghệ dẫn đầu giúp khách hàng hiện đại hóa tối đa các sản phẩm đầu cuối của mình, TI đã trợ giúp khách hàng các phần mềm, công cụ phát triển và thiết kế tham khảo.
Bên cạnh đó, TI còn cung cấp trợ giúp kĩ thuật tận nơi và trực tuyến với cộng đồng e2e năng động và hiệu quả, cùng với đó là các khóa huấn luyện và hội nghị chuyên đề, các tài liệu kĩ thuật và các công cụ lựa chọn sản phẩm.
Trong hơn 2 năm có mặt tại Việt Nam, TI đã phối hợp chặt chẽ với những đối tác địa phương và có một hệ thông dịch vụ toàn diện tại Việt Nam bao gồm các bên thứ ba và các nhà phân phối chính thức như Arrow, Avnet, Serial, WPG, WT
Trong thời gian tới, TI sẽ tiếp tục phát triển những ứng dụng như màn hình LED, E-meter, IP camera và theo đuổi mục tiêu giúp nền công nghiệp bán dẫn Việt Nam, bồi dưỡng những nhân tài trẻ thông qua các chương trình trợ giúp về tài chính, phương tiện, phòng thí nghiệm, thiết kế nội dung, các giải thưởng và học bổng tại các trường đại học.
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, TI còn đóng góp vào tổ chức Sứ mệnh Hoa mặt trời - một tổ chức phi lợi nhuận cam kết cải thiện cuộc sống người dân tại Việt Nam - thông qua việc trao tặng học bổng cho những sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ.
Tiến sĩ Lê Duy Loan hiện đang giữ trọng trách giám sát công nghệ và điều hành sản xuất cho các dự án kỹ thuật số trị giá hàng tỷ USD của Tập đoàn Texas Instruments.
Trước khi đảm nhận vị trí này, bà Lê Duy Loan từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong công ty TI. Năm 1982, bà Lê Duy Loan bắt đầu sự nghiệp của mình ở công ty TI với vai trò là Kỹ sư Thiết kế những thanh nhớ DRAM, một thiết bị quan trọng giải quyết hiệu quả vấn đề "nút cổ chai" của bộ nhớ máy tính thời điểm đó. Trong lịch sử phát triển của công ty TI, bà là người đầu tiên cung cấp các thiết bị Bộ nhớ máy tính TI cho các đối tác ở 3 châu lục. Một trong số các dòng sản phẩm Xử lý Tín hiệu số (DSP) của TI dưới sự chỉ đạo và dẫn dắt của bà đã được ghi vào Sách Kỷ lục Guinness thế giới, đồng thời mang về cho TI doanh thu hơn 1 tỷ đô-la Mỹ.
Năm 2002, bà Lê là người Mỹ gốc Á và đồng thời là người phụ nữ đầu tiên được trao danh hiệu "TI Senior Fellow" - Ủy viên cao cấp của TI. Năm 2002, bà cũng trở thành người phụ nữ duy nhất và cũng là người trẻ nhất được mời vào vị trí Giám đốc công ty National Instruments - thành viên quan trọng trong thị trường chứng khoán Nasdad.
Bà Lê Duy Loan đã nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá như: "Nữ chuyên gia Kỹ thuật xuất sắc trên thế giới", "Kỹ sư Công nghệ Quốc gia của năm", "Người tiên phong của Khoa học Quang phổ", "Kỹ sư người Mỹ gốc Á của năm", được ghi danh trong tạp chí “Who’s Who in the World” mục danh nhân thế giới, “Tầm nhìn của Phụ nữ: Nhà lãnh đạo”, “Top 15 người phụ nữ thành đạt trong Kinh doanh của Pink”, giải thưởng “Ngọn Đuốc Vàng” của Quốc hội Hoa Kỳ dành cho các Công dân lãnh đạo