What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Viettel

LOBBY.VN

Administrator
Sau viễn thông, Viettel nuôi khát vọng vị trí số 1 về IT

tixung.png

Mới "chân ướt, chân ráo" vào lĩnh vực CNTT khoảng 2 năm nay nhưng Viettel đang tự tin tiến tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam vào năm 2015

Tiến vào thị trường IT với cách làm khác biệt

Gần 2 năm nay, rất nhiều người băn khoăn chuyện khi Viettel tham gia thị trường CNTT thì sẽ xảy ra câu chuyện gì đối với các doanh nghiệp phần mềm. Trong bối cảnh cả nước đã có tới hơn 1.000 doanh nghiệp phần mềm, trong đó có nhiều “cây đại thụ” như FPT, CMC,… liệu có xảy ra việc Viettel sẽ thâu tóm, sáp nhập một vài “ông lớn, ông nhỏ” để nhanh chóng trở thành “số 1 Việt Nam" hay không

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết: "Từ trước đến nay, trong mọi lĩnh vực hoạt động, Viettel luôn tìm ra cách đi khác so với các doanh nghiệp, đối thủ cạnh tranh. Với lĩnh vực CNTT, phần mềm cũng vậy, nếu Viettel vẫn làm theo cách giống như 1.000 doanh nghiệp CNTT kia đang làm thì sẽ dẫn tới sự cạnh tranh khốc liệt và không biết điều gì sẽ xảy ra

Trên thực tế, Viettel đã và đang chọn cách đi khác, mở ra một không gian mới ngoài không gian mà 1.000 doanh nghiệp kia đang làm. Trong khi 1.000 doanh nghiệp kia chỉ tập trung đưa ứng dụng CNTT vào đời sống thì Viettel định hướng đưa ứng dụng CNTT và viễn thông đến với từng người dân, từng hộ gia đình, doanh nghiệp. Không gian của cụm từ "...và viễn thông" sẽ giúp Viettel không va với không gian của các doanh nghiệp CNTT”

Minh họa rõ hơn cho khái niệm “ứng dụng CNTT và viễn thông”, ông Hùng dẫn chứng ví dụ triển khai công tơ điện thông minh ở các hộ gia đình được tích hợp 1 sim điện thoại 3G để trả tiền qua điện thoại di động, không cần người đến thu tiền điện hàng tháng (có thể áp dụng phương thức trả trước giống như thuê bao điện thoại di động trả trước). Hoặc hạ tầng viễn thông được đầu tư tới cấp xã của Viettel đang hỗ trợ triển khai các ứng dụng Chính phủ điện tử, cơ sở dữ liệu dân cư, y bạ điện tử, học bạ điện tử...

Hay việc đưa băng rộng đến từng hộ gia đình kết hợp với việc đẩy nội dung của sách giáo khoa lên mạng sẽ giúp học sinh có thể tự học ở nhà tới 50% dung lượng kiến thức học ở trường, giảm số lượng giáo viên đứng lớp

“Chỉ chữ "Và" đó thôi cũng sẽ làm cho thị trường CNTT theo cách hiểu truyền thống tăng trưởng lên khoảng chục lần, qua đó giảm chi phí xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Hùng nhấn mạnh

5 lợi thế để Viettel đặt niềm tin

Dù rằng “chậm bước” vào thị trường CNTT hơn nhiều doanh nghiệp phần mềm, CNTT lớn khác song Viettel rất tự tin vào khả năng hiện thực hóa mục tiêu của mình bởi Tập đoàn này đang sở hữu 5 lợi thế mà các doanh nghiệp phần mềm - CNTT khác không có được

5 lợi thế được ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Viettel liệt kê gồm

- Thị trường hàng trăm triệu khách hàng trong và ngoài nước

- Nguồn vốn lớn hàng chục nghìn tỷ đồng

- Sở hữu mạng lưới hạ tầng lớn nhất Việt Nam, đội ngũ nhân viên kỹ thuật

- Kinh doanh được phân bổ rộng khắp cả nước, có ưu thế trong các dự án Viễn thông và CNTT quy mô lớn

- Văn hóa làm việc có kỷ luật, sáng tạo và quyết liệt (xuất phát từ truyền thống “Anh bộ đội cụ Hồ” và văn hóa doanh nghiệp của Viettel)

Được áp dụng cơ chế trả lương mới, cho phép Viettel có thể trả lương theo sự đóng góp, phấn đấu của từng cá nhân, giúp giải quyết được bài toán thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Chiến lược bình dân hóa dịch vụ IT

Viettel sẽ làm cho CNTT trở thành dịch vụ bình dân tương tự như đã làm với lĩnh vực viễn thông. Tuyên bố này của Viettel đang nhen lên niềm hy vọng cho cộng đồng về việc được sử dụng các giải pháp, ứng dụng CNTT với chất lượng cao và chi phí hợp lý

Vẫn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trong mọi lĩnh vực dịch vụ, Viettel đều đặt ra chiến lược phổ cập như đã từng làm đối với dịch vụ điện thoại di động. Viettel đã chứng tỏ sự đúng đắn khi áp dụng chiến lược phổ cập di động, giúp người dân Việt Nam được hưởng lợi về giá cước, mở rộng vùng phủ và đảm bảo chất lượng mạng lưới

Tương tự, đối với mảng phát triển các ứng dụng CNTT, Viettel cũng mong muốn làm sao đưa các dịch vụ CNTT đến tay mọi người dân, doanh nghiệp

“Việc phổ cập, bình dân hóa dịch vụ CNTT không đơn giản vì đến giờ, ngay cả ở các cơ quan quản lý Nhà nước, công ty lớn thì việc ứng dụng CNTT cũng vẫn rất hạn chế

Tuy nhiên, Viettel đã định hình được một cách rõ ràng hướng đi của mình, đó là khai thác các dịch vụ mới của điện toán đám mây cộng với khả năng kết nối gần như không giới hạn, qua đó có thể giảm giá thành đầu tư trên dịch vụ, đẩy được ứng dụng CNTT với giá rẻ đến tận tay người tiêu dùng cuối

Viettel xác định vai trò của mình là người khởi tạo - đầu tư trước các ứng dụng CNTT và thúc đẩy quá trình ứng dụng CNTT để quá trình này diễn biến nhanh hơn, tạo thói quen sử dụng ứng dụng CNTT trong cộng đồng, sau khi đã quen rồi thì cộng đồng sẽ tiếp tục nảy sinh ra thêm nhiều nhu cầu ứng dụng CNTT mới khác”, ông Hùng phân tích

Ba dự án IT trọng điểm

Từ năm 2008 trở lại đây, hàng trăm dự án phần mềm - CNTT đã được nghiên cứu phát triển và triển khai tại Viettel. Trong đó có 3 dự án trọng điểm nổi bật

Một là, Dự án xây dựng triển khai hệ thống Bán hàng, Tính cước và Chăm sóc khách hàng (BCCS). Với dự án này, toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của Viettel đã được tin học hóa, giúp điều hành và quản lý hơn 50 triệu thuê bao, 1.000 cửa hàng, 64 chi nhánh, 10.000 giao dịch viên, 25.000 cộng tác viên, quản lý doanh thu hàng tháng 5,000 tỷ đồng. Hệ thống cho phép quản lý đến chi tiết nhỏ nhất, có thể kiểm soát đến từng giao dịch của nhân viên giao dịch tại cửa hàng

Hai là, Dự án Quản lý khai thác mạng viễn thông. Hiện tại, toàn bộ mạng lưới của Viettel, bao gồm mạng truyền dẫn 2G, 3G, mạng cố định, với hơn 30,000 node mạng đã được quản lý bằng CNTT, quản lý và xử lý sự cố theo thời gian thực. Toàn bộ các hoạt động của mạng lưới, tác động của nhân viên vào mạng lưới được giám sát, điều khiển từ xa. Bộ phận quản lý có thể kiểm soát chi tiết việc hoạt động, tiêu hao xăng/dầu đến từng trạm phát sóng

Ba là, Dự án xây dựng phần mềm quản trị và điều hành doanh nghiệp. Với dự án này, toàn bộ tài sản của Tập đoàn trị giá hơn 30.000 tỷ đồng được quản lý chi tiết, chính xác trên hệ thống phần mềm; 25,000 cán bộ nhân viên Viettel được quản lý, đánh giá hiệu quả lao động và tính lương trên hệ thống phần mềm

Hoạt động nghiên cứu và phát triển đang được Viettel tập trung đầu tư mạnh mẽ cùng với khát vọng đưa ra thị trường những sản phẩm “Made in Vietnam, Made by Viettel”. Viện Nghiên cứu & Phát triển Viettel đang trở thành “cái nôi” của những thiết kế, sản phẩm của người Viettel

Bên cạnh đó, việc điều chuyển 2 nhà máy M1 (chuyên về điện tử) và M3 (chuyên về cơ khí, linh kiện) về cho Viettel quản lý, và việc thành lập Trung tâm Dây chuyền sản xuất thiết bị đã tạo nên một tổ chức hoàn chỉnh cho định hướng sản xuất thiết bị của Viettel

Với chủ trương chính sách thu hút nhân tài linh hoạt, Viettel đã có được một nguồn lực mạnh dành riêng cho hoạt động sản xuất thiết bị với gần 1.500 người, trong đó có rất nhiều người là tiến sĩ, là thạc sĩ đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này ở cả trong và ngoài nước
 
Last edited:
Hai ông lớn FPT và Viettel "bắt tay" lập liên minh phần mềm

FPT vừa cho biết, trong năm 2012, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) sẽ thành lập liên minh doanh nghiệp đầu tiên với trụ cột là 2 doanh nghiệp "đầu đàn" trong ngành là FPT Software và Viettel Software

Liên minh sẽ hoạt động theo mô hình "clustering" - tập hợp liên kết các doanh nghiệp có liên quan về lĩnh vực sản xuất kinh doanh thành một nhóm

Theo đó, các doanh nghiệp trong Vinasa sẽ liên kết lại, khi các doanh nghiệp lớn giành được những hợp đồng lớn thì hợp tác, chia sẻ công việc với các doanh nghiệp nhỏ trong Hiệp hội

Mô hình này sẽ có tác dụng tăng cường năng lực của mỗi doanh nghiệp, nâng tính cạnh tranh trên thị trường, đồng thời làm tăng tính khả thi của các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ do các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh

Theo số liệu khảo sát nhanh của Vinasa, năm 2011, các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ CNTT cho thị trường trong nước bị sụt giảm mạnh doanh thu, gặp nhiều khó khăn trong việc thanh quyết toán cho các hợp đồng đã thực hiện

Điểm sáng của ngành là khu vực gia công xuất khẩu phần mềm và dịch vụ vẫn có kết quả kinh doanh tốt, có doanh nghiệp tăng tưởng đến 100%. Đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm về tiềm năng phát triển thị trường năm 2012 cũng rất khả quan

Tuy nhiên, điều khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc là không chỉ lạm phát và chi phí vốn vay tăng cao mà đặc biệt là chi phí nhân lực ngày càng bị đẩy lên cao do hiện tượng các doanh nghiệp tranh giành nhân lực của nhau mỗi khi khi có dự án lớn

Đây là thực trạng không lành mạnh, khiến chi phí bị đẩy lên cao và làm ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của ngành, hay như một chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là "cuộc đua cùng chết" mà các doanh nghiệp vẫn phải khởi đua

Theo các doanh nghiệp, mô hình liên kết clustering sẽ tránh được tình trạng tranh giành nhân lực trong ngành và tăng cường quan hệ cộng sinh, cùng vượt qua những khó khăn đã được dự báo trước trong năm nay
 
Last edited:
Vinamilk có hệ thống quản lý bán hàng trực tuyến hiện đại
Theo lãnh đạo Viettel, hệ thống này còn cho phép giám sát hoạt động bán hàng và nhân viên bán hàng

Chiều 22-2, tại Hà Nội, lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và lãnh đạo Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) ký kết triển khai Hệ thống quản lý bán hàng trực tuyến trên phạm vi cả nước

Hệ thống này được cho là lớn nhất thế giới và rất hiện đại. Đây là hệ thống tổng thể quản lý bán hàng đảm bảo dữ liệu tập trung, xử lý trực tuyến, giám sát vị trí và lộ trình tức thời do Viettel xây dựng cho Vinamilk. Hệ thống do Viettel cung cấp trước, Vinamilk sử dụng dưới hình thức thuê dịch vụ

Theo bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, hệ thống của Viettel có khả năng mở rộng không hạn chế số lượng người sử dụng

Giải pháp này kết hợp với mạng 3G của Viettel đã giúp Vinamilk giải quyết được bài toán quản lý các điểm bán rộng khắp …

Sau 4 tháng triển khai thử hệ thống quản lý bán hàng trực tuyến với 300 nhân viên bán hàng tại TPHCM, doanh thu bán hàng của Vinamilk tại đây đã tăng 40%...

Theo lãnh đạo Viettel, hệ thống này còn cho phép giám sát hoạt động bán hàng và nhân viên bán hàng

Ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào, người quản lý đều có thể nhìn thấy từng hộp sữa được bán ra, từng đồng tiền được thu về... Từ ngày 21-2, Viettel và Vinamilk triển khai hệ thống này tới hơn 200 nhà phân phối, gần 2.000 nhân viên bán hàng và 200.000 cửa hàng bán lẻ trên cả nước
 
Last edited:
Nên triển khai hình thức PPP trong lĩnh vực IT
Cho dù không thuộc danh mục 7 lĩnh vực được thí điểm thực hiện một số dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), nhưng hoàn toàn không khó khăn để xin cơ chế thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước theo hình thức này

Điều này được chứng minh qua Dự án Đấu thầu qua mạng đang được Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) triển khai. Mặc dù được phê duyệt 200 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để thực hiện Dự án trên, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ không xin khoản tiền, mà chuyển sang thực hiện dự án theo hình thức PPP

Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, thực hiện dự án đấu thầu qua mạng theo hình thức PPP không chỉ giải quyết bài toán khó khăn của ngân sách nhà nước, mà còn đạt được hiệu quả cao trong quản lý, điều hành sau này

“Nhà nước có thể bỏ ra 200 tỷ đồng để thực hiện Dự án này, nhưng với năng lực hiện tại về công nghệ thông tin, liệu các cán bộ cơ quan nhà nước có đủ khả năng để quản lý một cách tích cực khi dự án bước vào giai đoạn vận hành ?” ông Tăng băn khoăn

Cùng chung quan điểm trên, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Đào tạo công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, có nhiều dự án liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin có thể giao cho các đơn vị chủ lực, như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông (VNPT) làm vừa nhanh, vừa tiết kiệm hơn nhiều so với các hình thức đầu tư khác, chẳng hạn như sử dụng vốn ODA

Minh chứng cho nhận định của mình, ông Ngọc nêu một ví dụ Viettel hỗ trợ ngành giáo dục thực hiện Dự án Kết nối Internet đến tất cả các đơn vị trong ngành trên phạm vi toàn quốc, với chi phí chỉ khoảng 20 triệu USD trong vòng 2 năm

Về phía doanh nghiệp, ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ FPT cho rằng, nếu trông chờ vào tiền từ ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành tại hệ thống bệnh viện công, thì sẽ mất rất nhiều thời gian

“Hiện FPT kỳ vọng và sẵn sàng đứng ra huy động các nguồn tài chính để đầu tư vào các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện theo hình thức PPP’, ông Anh nói

Đồng quan điểm trên, ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Viettel nhận xét, nếu thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước chỉ bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, thì rất khó có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai

“Trên thực tế, Viettel đã từng gặp nhiều dự án cho dù đã được ghi vốn, nhưng không biết bao giờ mới có khả năng thực hiện”, ông Trung nói và cho biết, Viettel sẵn sàng đầu tư cho các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước để cùng tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện một số dự án công nghệ thông tin lớn theo mô hình PPP

Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sở dĩ Bộ muốn được áp dụng hình thức PPP trong một số dự án ứng dụng công nghệ thông tin là nhằm huy động các nguồn lực từ xã hội, đồng thời giảm bớt những ảnh hưởng do cắt giảm đầu tư công ở những lĩnh vực do Bộ quản lý
 
Last edited:
Để PPP trong lĩnh vực y tế không dừng ở tiềm năng
Nhu cầu đầu tư cho y tế rất lớn, trong khi nguồn lực của Nhà nước không thể đáp ứng hết. Bộ Y tế đã chủ trương đẩy mạnh thu hút tư nhân tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), vấn đề còn lại là bắt tay vào thực hiện bằng những dự án cụ thể

deppptrongytekodungotiemnang_zpsf25c361b.jpg

Tại Hội thảo Kết hợp công tư trong lĩnh vực y tế diễn ra ngày 6/12 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã bày tỏ quan điểm rõ ràng là tăng cường thu hút tư nhân đầu tư vào y tế theo hình thức PPP để cùng hợp tác với Nhà nước giải quyết các vấn đề ưu tiên của y tế Việt Nam, góp phần cải thiện công tác chăm sóc sức khoẻ của người dân với các dịch vụ y tế chất lượng hơn. Điều này cũng phù hợp với chủ trương chung về PPP vì theo Quyết định 71/2010/QĐ-TTg, y tế cũng là một trong những lĩnh vực ưu tiên triển khai thí điểm PPP

Theo ông Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính thuộc Bộ Y tế, hiện nhu cầu đầu tư cho hệ thống bệnh viện vào khoảng 100 nghìn tỷ đồng, cho các trường đại học y dược thuộc Bộ Y tế là trên 1.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh phải cắt giảm đầu tư công hiện nay, cụ thể năm 2013 vốn đầu tư của Bộ Y tế giảm đến 21%, thì việc chuyển hình thức đầu tư, thu hút sự tham gia của tư nhân là yêu cầu cấp bách

Tại Việt Nam, tư nhân đã tham gia đầu tư vào lĩnh vực y tế và có xu thế phát triển mạnh trong tương lai. Hiện tại, Việt Nam đã có 100 bệnh viện tư (chiếm 9% số bệnh viện cả nước) với 6.000 giường bệnh (4,6% số giường bệnh) và trên 30.000 phòng khám tư nhân. Ngành y tế đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt tỷ lệ tối thiểu 25 giường bệnh/10.000 dân, trong đó có 5 giường bệnh tư nhân

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Bộ Y tế tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế để làm thí điểm PPP ở một số bệnh viện, trường đại học ngành y. Nếu cứ nói chính sách PPP chung chung thì rất khó, cần phải bắt tay làm luôn một số dự án, vì đây là lĩnh vực rất tiềm năng và nhiều nước đã làm thành công

Bộ Y tế đã khảo sát mô hình PPP trong lĩnh vực y tế tại nhiều nước. Có một số dạng phổ biến như tư nhân xây dựng hạ tầng trong khuôn viên bệnh viện công, sau đó bệnh viện thuê lại, trả tiền thuê cho tư nhân. Cách làm này không thành công nhiều vì chi phí thuê lại hạ tầng đắt

Cách khác là tư nhân xây dựng hạ tầng, đầu tư trang thiết bị, bệnh viện thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh, lợi nhuận chia theo tỷ lệ quy định trong hợp đồng. Cách làm này khả thi hơn. Trong cả hai cách thì khi tư nhân hoàn vốn, hạ tầng đó sẽ được chuyển giao lại cho bệnh viện


Bên cạnh đó, trong ngành y tế cũng đã thực hiện một số dạng kết hợp công - tư áp dụng theo Thông tư 15/2007/TT-BYT là huy động tài chính từ tư nhân dưới các hình thức liên doanh, liên kết đặt máy phân chia lợi nhuận hoặc đặt máy độc quyền cung cấp hóa chất tại bệnh viện công

Qua hình thức này, Viện Chiến lược và chính sách y tế cho biết, ước tính cả nước đã huy động được trên 3.200 tỷ đồng vốn từ tư nhân, nhiều dịch vụ kỹ thuật cao đã được triển khai mà không có nguồn vốn nhà nước

Tuy nhiên, sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực y tế theo những hình thức trên vẫn còn hạn chế, lĩnh vực còn hẹp và chưa bền vững. Theo nhận định của Hội đồng Y tế châu Âu, PPP trong y tế có thể mang đến những giải pháp bền vững dài hạn để giúp tối đa hóa chăm sóc người bệnh thông qua việc sử dụng công nghệ mới và công nghệ kết hợp

Rõ ràng, tiềm năng và cơ hội đầu tư PPP trong y tế là dễ thấy. Song theo lãnh đạo Bộ Y tế thì vấn đề triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc. Ông Phạm Lê Tuấn cho rằng, một trong những vướng mắc lớn là về khung pháp lý hiện hành, việc triển khai đầu tư theo hình thức PPP truyền thống như BOT, BTO, BT theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP và PPP theo Quyết định 71/2010/QĐ-TTg còn khác biệt; địa vị pháp lý của Quyết định 71/2010/QĐ-TTg còn thấp

Ngoài ra, hiện chưa có cơ chế tài chính cấp quốc gia cũng như cấp địa phương, Bộ, ngành để huy động nguồn lực cho dự án PPP. Vấn đề nhân lực thực hiện PPP đối với Bộ Y tế cũng là khó khăn không nhỏ…

Những khó khăn này cần phải nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ, tuy nhiên, nhiều ý kiến đề xuất, vẫn cần bắt tay ngay vào việc thực hiện những dự án cụ thể để PPP trong lĩnh vực y tế không dừng mãi ở tiềm năng

Việt Thắng
 
Last edited:
Sứ mệnh Make in Vietnam và sự tái sinh của “đại bàng” Việt
Năm 2020, Tập đoàn Vingroup (công ty tư nhân thành công nhất hiện nay ở Việt Nam) và Tập đoàn Viettel (công ty Nhà nước thành công nhất hiện nay ở Việt Nam) đều công bố những cột mốc về sản phẩm Make in Vietnam với công nghệ 5G. Ngoài thông điệp song hành với thế giới về công nghệ, đó còn là tín hiệu cho sự tái sinh của 2 “đại bàng” Việt Nam

Cách đây 31 năm, Tổng Công ty Điện tử thiết bị thông tin (SIGELCO) được thành lập, là tiền thân của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Những ngày đầu, Sigelco có khoảng 40 nhân sự, vốn là bộ đội từ các đơn vị của Binh chủng Thông tin liên lạc

Cách đây 27 năm, tiền thân của Vingroup, Technocom, một công ty chuyên sản xuất mì gói ra đời tại tại Ukraina

Cách đây 3 năm, Vingroup chính thức trở thành doanh nghiệp tư nhân đa ngành lớn nhất Việt Nam với mức vốn hóa lên đến chín tỷ USD; và là doanh nghiệp lớn thứ 11 trong hơn 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam; nổi tiếng với hệ sinh thái phủ rộng trên khắp các lĩnh vực, từ bất động sản, du lịch đến y tế, giáo dục...

Cùng năm đó, Viettel chính thức khai trương mạng viễn thông 4G tại Việt Nam. Với vùng phủ toàn quốc lên tới 95% dân số, Viettel là nhà mạng đầu tiên trên thế giới có vùng phủ 4G toàn quốc ngay khi khai trương

Cách đây 2 năm, cả hai tập đoàn này – một nhà nước, một tư nhân - đã cùng tái sinh và làm nên những điều kỳ diệu cho Việt Nam



Tháng 8/2018, sau ba giai đoạn phát triển kéo dài gần 30 năm, từ một Công ty xây lắp (giai đoạn 1989 - 1999) trở thành một công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam (giai đoạn 2000 - 2010) và hiện là một Tập đoàn công nghiệp công nghệ cao (giai đoạn 2010 - 2018), Viettel bước vào giai đoạn thứ tư - sớm hơn dự kiến hai năm

Giai đoạn phát triển 4 là giai đoạn của 4.0 và kinh doanh toàn cầu. Chiến lược phát triển trong giai đoạn này là duy trì tốc độ tăng trưởng 10-15%. Viettel phải nỗ lực bứt phá trở thành Tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu, tiếp tục duy trì vị thế dẫn dắt số một Việt Nam về viễn thông và công nghiệp công nghệ cao

Điểm đặc biệt của giai đoạn này là chỉ trong vòng 2 năm từ 2018-2020, Viettel đã chuyển đổi rất mạnh từ hoạt động cốt lõi là dịch vụ viễn thông sang cung cấp dịch vụ số. Trong thời gian này, bước tiến mới đặc biệt quan trọng của Viettel là 5G


Vào tháng 1/2020, cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị 5G do chính Viettel nghiên cứu sản xuất đã được thực hiện, đưa Việt Nam trở thành một trong số rất ít quốc gia trên thế giới làm chủ công nghệ này. Với việc sản xuất thành công thiết bị 5G, Viettel đã lọt top 6 nhà cung cấp trên thế giới bên cạnh Ericsson, Samsung, Huawei, Nokia..., và là nhà mạng duy nhất trong số đó

Cuối năm 2020, tròn 1 tháng sau khi được cấp phép thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G ở Hà Nội, tại sự kiện "5G Viettel Xin chào Việt Nam" ngày 30/11/2020, Viettel trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam chính thức công bố khai trương kinh doanh thử nghiệm dịch vụ trên quy mô rộng. Một lần nữa, Viettel đã thực hiện đúng cam kết với Chính phủ và người dân trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong về cung cấp 5G trên thế giới, thúc đẩy kiến tạo xã hội số ở Việt Nam theo đúng lộ trình

Với 5G do Việt Nam làm chủ, những điều diệu kỳ tưởng như chỉ có trong phim viễn tưởng như xe tự lái, ô tô bay… có thể sẽ sớm trở thành sự thật. "Trước đây, chúng ta nghĩ đó là công nghệ của tương lai, nhưng tương lai đang ở rất gần chúng ta rồi. Sóng 5G sẽ đóng góp mạnh mẽ vào những thay đổi trong đời sống kinh tế xã hội" – Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Q. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel nói


Bên cạnh Viettel, Vingroup cũng khiến cả thế giới sững sờ khi tạo nên kỳ tích trong 2 năm gần đây. "Năm 2018, VinFast - công ty xe hơi thuộc Tập đoàn Vingroup của Việt Nam, đã khiến thế giới sửng sốt khi tung ra những chiếc xe nội địa đầu tiên" – Discovery bình luận ngày 28/3 khi chiếc VinFast Lux SA2.0 trắng lao vút trên đường thử và thời khắc Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng bước ra khỏi chiếc xe đầu tiên vừa rời dây chuyền sản xuất

Ngày 12/6/2018, Vingroup công bố thành lập công ty cổ phần nghiên cứu và sản xuất VinSmart với vốn điều lệ ban đầu là 3.000 tỷ đồng trong đó Vingroup góp 80%. Chỉ sau nửa năm, ngày 14/12/2018, công ty công bố ra mắt 4 dòng sản phẩm điện thoại đầu tiên tại Landmark 81

Sau 2 công ty công nghiệp là hàng loạt các hoạt động liên quan đến công nghệ như sự ra đời của Vintech (tháng 8/2018), Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo - VinAI Research (tháng 4/2019), Quỹ VinTech Fund (tháng 5/2019). Đó là những bước chuyển mạnh mẽ hay cũng có thể gọi là sự bắt đầu cho cuộc tái sinh của một công ty bất động sản lớn nhất Việt Nam

Trong năm 2020, Vinfast và Vsmart đã đạt được những thành tựu bước đầu khi VinFast bất ngờ đóng có 2 mẫu xe lọt top 10 ô tô bán chạy nhất thị trường gồm Lux SA2.0 và Fadil, trong khi Vsmart đứng thứ 4 về thị phần smartphone ở Việt Nam với 9%. Vingroup cũng liên tục đặt ra những kế hoạch vô cùng tham vọng: xuất khẩu ô tô điện và điện thoại sang thị trường Mỹ


"Trong mắt rất nhiều bạn bè quốc tế, Việt Nam vẫn là nước nghèo và lạc hậu. Chúng tôi sẽ tìm cách chứng minh sản phẩm của mình đại diện cho một Việt Nam năng động đang phát triển đã có thể vươn tới các tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới", ông Vượng nói trong một cuộc phỏng vấn Bloomberg

Và Vingroup đã thực sự bước một chân vào tham vọng đó

Vinsmart mới đây đã công bố thông tin sẽ bán mẫu điện thoại 5G đầu tiên của công ty tại thị trường Mỹ vào năm sau. Bà Nguyễn Thị Hồng, Tổng Giám đốc khối Điện thoại của VinSmart cho hay, trong năm 2021, điện thoại thương hiệu Vsmart sẽ chính thức được đưa vào thị trường Mỹ qua các kênh phân phối. Model đầu tiên vào Mỹ năm tới là Aris 5G

Bà Hồng chia sẻ về lý do đưa sản phẩm này sang Mỹ trước thị trường Việt Nam: "Chúng tôi mang điện thoại 5G sang Mỹ trước vì tại đây mạng 5G đã được phủ sóng chính thức. Máy cũng sẽ bán ra ở thị trường trong nước khi các nhà mạng Việt Nam thương mại hóa 5G"


Trong "năm Covid", kết quả tích cực từ sự tái sinh Vingroup và Viettel với mũi nhọn về công nghệ cùng sản phẩm 5G Make in Vietnam cho thấy triển vọng về một Việt Nam đang trỗi dậy mạnh mẽ. Nếu như trước đây, Việt Nam luôn đi sau thế giới về công nghệ và chỉ nhận chuyển giao từ nước khác thì giờ đây, tình thế bắt đầu thay đổi

Những công ty như Viettel, Vingroup có khát vọng cho cả thế giới thấy sự tự chủ về công nghệ của người Việt với các sản phẩm "Make in Vietnam" chứ không phải "Made in Vietnam", và còn xuất khẩu được ra thế giới, đến thị trường khó tính nhất (Mỹ)

Nhận định về tham vọng của các tập đoàn này, PGS.TS Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đánh giá, doanh nghiệp vừa phải liều, vừa phải có bản lĩnh. "Nhìn từ khía cạnh năng lực, điều này chứng minh người Việt Nam đi sau có thể vượt trước", ông Thiên nói


Hiện nay, Viettel và Vingroup là 2 hình mẫu cho một Việt Nam đang trỗi dậy mạnh mẽ về công nghệ nhưng còn có nhiều công ty khác chưa được nêu tên, cũng đang ngày đêm nỗ lực vì một Việt Nam hùng cường. Sứ mệnh "Make in Vietnam" không chỉ thuộc về các tập đoàn lớn - những "đại bàng", nó cũng có thể được thực hiện bởi rất nhiều startup công nghệ - "chim sẻ" với sản phẩm bạn đầu rất nhỏ, phục vụ nhu cầu của đời sống hàng ngày

Thế nhưng, nếu được nuôi dưỡng ở một môi trường kinh doanh tốt, "chim sẻ" sẽ có cơ hội trở thành "đại bàng". Người ta thường nói về "đại bàng tái sinh" nhưng tại sao không nghĩ về câu chuyện nhiều "chim sẻ" có thể "tái sinh thành đại bàng" vì chỉ khi thực hiện được điều đó, Việt Nam mới có thể thực sự hùng cường

Hoàng An
 
Top