What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

VinhPhuc ThinkTank

LOBBY.VN

Administrator
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ lay động về tầm nhìn giáo dục
Là một Tiến sĩ Kinh tế, tư duy thực tiễn và hiệu quả, ông Lê Duy Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chia sẻ tầm nhìn rộng mở, những hoài bão và trăn trở đối với phát triển GD&ĐT Vĩnh Phúc. Điều đặc biệt khiến những mong mỏi ấy đi vào lòng người nghe, đó cách tiếp cận vấn đề trực tiếp, dung dị từ cương vị của một công dân, một phụ huynh, một học trò cũ, mà không chỉ bao hàm cách nhìn, quan điểm, tiếng nói của người đứng đầu chính quyền tỉnh

Phần phát biểu của Chủ tịch Lê Duy Thành trong khoảng 45 phút tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 do Sở GD&ĐT tổ chức hôm 31/8, tập trung vào 10 vấn đề căn cốt và nâng tầm giáo dục Vĩnh Phúc. Ban Biên tập tường thuật, tổng hợp có chọn lọc những thông điệp, chia sẻ sâu sắc, khơi dậy và truyền lửa

1. Giáo dục mầm non phải giữ được sự hồn nhiên cho lớp thế hệ công dân tương lai

Nói đến giáo dục giai đoạn vừa qua là nói đến cải cách, đổi mới. Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT yêu cầu chúng ta thay đổi rất nhiều thứ. Xã hội cũng yêu cầu chúng ta thay đổi rất nhiều thứ. Đổi mới, thay đổi là cần thiết nhưng đổi mới thế nào, đổi mới ra sao để không bị lệch lạc, mất phương hướng mới là vấn đề quan trọng

Chúng tôi nghĩ, giáo dục phải là môi trường đòi hỏi những nguyên tắc căn bản, những kiến thức nền, những chuẩn mực, gọi là “khuôn vàng thước ngọc”. Giáo dục cần sự ổn định, thế nhưng thực tiễn lại đòi hỏi chúng ta phải đổi mới liên tục, vậy thì vấn đề ở đây đặt ra là đổi mới thế nào để vừa đáp ứng được nguyên tắc, chuẩn mực của nghề, mà cũng đáp ứng được yêu cầu đổi mới của ngành, của xã hội? Đây là điều mà ngành phải tính, phải nhận thức thật sự thấu đáo đề làm đúng. Là lãnh đạo quản lý, chúng ta phải tạo điều kiện, môi trường để các thầy cô đạt được cả hai yêu cầu này

Bác Hồ nói về giáo dục đã căn dặn: Dạy mẫu giáo trước tiên phải dạy giữ mãi sự hồn nhiên cho các cháu. Chúng tôi cho ý của Bác như là tuyên ngôn của ngành Giáo dục mầm non. Câu hỏi ở đây là chăm sóc, dạy dỗ kiến thức nhưng phải làm sao giữ được sự hồn nhiên cho các cháu? Hiện nay chúng ta có dạy cứng nhắc theo giáo trình, dạy trẻ con nói giọng của người lớn, tư duy theo kiểu người lớn hay không? Chúng ta có đặt ra yêu cầu dạy kiến thức, những điều quá lớn với giáo viên mầm non hay không? Các cô giáo phải làm sao để gìn giữ, duy trì sự hồn nhiên của lớp thế hệ công dân của chúng ta trong tương lai? – Đó là những vấn đề chúng ta phải trăn trở, tư duy

2. Dạy đạo đức là nhiệm vụ hàng đầu của Giáo dục tiểu học

Giáo dục phải dạy những gì? – Giáo dục phải dạy kiến thức gì hết sức cơ bản của con người. Đạo đức là toàn bộ nền tảng của Giáo dục tiểu học – đó là lời của Bác Hồ. Cho đến giờ, hơn 50 tuổi rồi, nhưng tôi vẫn không bao giờ quên được những tiết học cấp 1. Tôi khẳng định với các đồng chí, những thầy cô giáo cấp 1 là những người đi vào tâm khảm của học sinh lâu nhất, nhớ nhất, và những tiết học mà chúng tôi nhớ nhất lại là những tiết học Đạo đức

Những câu chuyện mà cứ cuối giờ, gấp sách bút lại, cô giáo dành một thời gian đọc, kể cho chúng tôi một câu chuyện về đạo đức. Những câu chuyện mà nghe có vẻ rất đơn giản nhưng nó lại làm cho chúng ta nhớ mãi, như câu chuyện: Tô mỳ của người lạ, giáo dục chúng ta về tình cảm, ứng xử đối với cha mẹ. Câu chuyện nhỏ, rất đơn giản, ngắn gọn thôi nhưng có thể nói là nhớ cho đến già. Nó thay cho rất nhiều bài học khác

Chúng tôi muốn làm sao ở bậc Tiểu học, các đồng chí phải truyền giảng, dành cho các em - lứa, lớp công dân sau này, có kiến thức, có sự nhân văn trong tâm khảm của mình. Có một nhà sư phạm đã nói: “Giáo dục đại học là nơi đầu tiên của hội nhập nhưng Giáo dục tiểu học lại là nơi cuối cùng của gìn giữ bản sắc văn hóa, đạo đức của con người”. Rõ ràng, ta muốn dạy một con người có đạo đức thì phải cố gắng làm sao đưa ngay vào chương trình ở bậc Tiểu học

Những câu chuyện mà tôi khắc ghi từ khi còn tiểu học, giờ đây chúng tôi vẫn dành thời gian để dạy con cái. Chúng nhớ hơn rất nhiều. Có thể chúng ta không làm thay đổi chương trình của các thầy cô được nhưng có lẽ chúng ta cần xen kẹp, tích lũy cho các em những vốn sống cao quý đó vào những buổi dạy, những tiết học. Tôi thực sự mong muốn chúng ta có một nền giáo dục thực sự nhẹ nhàng nhưng đi sâu vào tâm khảm của các em như vậy


 
Last edited:
3. Tập trung dạy cho học sinh trung học bản lĩnh, kiên trì, kỹ năng sống và tạo cơ hội nghề nghiệp rộng mở

Với học sinh trung học, dạy kiến thức cơ bản và hãy dạy cho các em bản lĩnh, kiên trì, ứng phó trước sóng gió, sự thay đổi của cuộc sống. Trước tiên là dạy cho các em có khả năng, sau này ra trường làm thợ. Tại sao chúng ta đang duy trì tỉ lệ ngày càng cao hơn học sinh đi học nghề sau khi tốt nghiệp THPT chính vì mục tiêu này

Những vấn đề liên quan đến ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống, tôi cho đây là 2 vấn đề hết sức cơ bản. Nếu chúng ta biết cách làm, biết cách xã hội hóa thì tôi cho rằng hết sức thuận lợi. Ngoại ngữ để giúp con trẻ chúng ta có thêm một font văn hóa, có thêm tư duy và kiến thức, có thêm khả năng tiếp cận với thế giới bên ngoài, mở ra cơ hội rất lớn về công việc trong điều kiện thế giới phẳng như hiện nay

Chúng tôi muốn giáo dục làm sao để sau này các em học sinh tốt nghiệp THPT, có rất nhiều cơ hội, thậm chí nếu không sống tại quê hương, chúng có thể sang các nước khu vực và thế giới để sống và làm việc. Philippines là đất nước lạc hậu hơn chúng ta nhưng người dân thậm chí không sống ở đó thì họ sang Anh tìm việc làm ngay, vì họ có một thứ, đó là ngoại ngữ

Còn kỹ năng sống là giúp trẻ em chống chọi, ứng phó được các thay đổi, các nguy hiểm, sinh tồn. Rất nhiều câu chuyện trẻ em thoát chết, sống sót vì chúng được đào tạo kỹ năng thoát nạn. Đấy là kỹ năng sống. Cần không? – Cần quá đi chứ! Bố mẹ sẵn sàng nộp 50.000 - 100.000 đồng/tháng để các con được học, được tiếp cận những cái đó. Mong mỏi và đề nghị các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND cũng quan tâm tạo cơ chế cho phép các trường thu tiền để đào tạo các nội dung đó cho các em. Bởi không ở đâu khác, đào tạo kỹ năng sống trong nhà trường là tốt nhất

4. Nói KHÔNG với bạo lực, xâm hại trong học đường

Bạo lực học đường là vấn đề rất nóng hiện nay. Trước đây chúng ta đi học có hiện tượng đó không? – Có, có nói xấu, chửi bới, đấm đá nhau nhưng nó không đến mức như bây giờ. Nhiều trường hợp học sinh bây giờ chứng kiến các bạn đánh nhau không can ngăn, không báo cáo thầy cô, không cầu cứu người lớn ngăn cản. Tại sao các em lại như thế? Chúng ta phải làm sao để các em có chỗ dựa, được chia sẻ. Ngoài bố mẹ, các thầy cô phải làm sao để khi gặp bất kỳ trắc trở nào, các em cũng sẽ tìm đến

Bạo lực học đường không chỉ là giữa trò với trò, mà ngày nay còn giữa trò với thầy, thầy với trò, phụ huynh với thầy, thậm chí có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa thầy với thầy. Rồi liệu có hay không vấn đề trầm cảm, tệ nạn xã hội, lạm dụng tình dục và cả bạo lực gia đình đối với các em không? Nếu học trò nào có sự thay đổi tính nết, hành vi, các thầy cô quan tâm, yêu thương, phát hiện ra thì các thầy sẽ làm thế nào, phản ứng ra sao, gọi cho ai ?

Tôi xin khẳng định, môi trường giáo dục của Vĩnh Phúc chúng ta không chấp nhận cho những vấn đề về bạo lực học đường dưới mọi hình thức. Nếu có vi phạm thì những trường hợp đó khó có thể đứng được trong đội ngũ chúng ta. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, dứt khoát Giám đốc Sở GD&ĐT phải đặt vấn đề lên bàn hội nghị, hội thảo, phải tìm, soi, xem có hay không, phải nhận dạng nó và tìm ra giải pháp cho tất cả vấn đề này

5. Trao cơ hội học tập, quan tâm đến những nhóm yếu thế, tạo bình đẳng trong tiếp cận giáo dục

Môi trường Giáo dục của chúng ta hiện vẫn còn những khiếm khuyết, cần phải được lấp đầy, một trong số đó là vấn đề bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh yếu thế, học sinh khuyết tật, mồ côi, đặc biệt là học sinh tự kỷ

Có những học sinh tự kỷ hành động bột phát trong lớp học, gây nguy hiểm cho các bạn, nhưng chúng ta không tách bạch các em đó ra được. Vấn đề này chúng tôi đặt ra với ngành, trong năm tới cần phải đặt lên bàn để nghiên cứu, đề xuất. Nếu có tách, chúng ta phải có một đề án, chương trình cụ thể để xây dựng được môi trường riêng cho các em có chỗ học tập và vui chơi, thậm chí cần phải đầu tư hơn vì các em đó là đối tượng thiệt thòi


6. Giữ gìn sự tâm huyết, trách nhiệm, sự trong sáng của giáo dục

Gian lận trong thi cử, tiêu cực trong ngành từ việc xin điểm, cất nhắc, đề bạt, chuyển trường, có hay không có? Đây là vấn đề chúng ta cũng phải đặt lên bàn để trả lời, xem xét. Phải khẳng định được với xã hội là chúng ta thật sự không có những chuyện đó. Nếu như có mầm mống ở đâu thì chúng ta phải xử lý triệt để ngay

Phải làm thế nào để môi trường này thực sự là môi trường trong sạch, minh bạch, đào tạo ra những con người có Đức, Trí, Thể, Mỹ, bởi tiêu cực ở một ngành, một lĩnh vực khác, nó chỉ ảnh hưởng đến phạm vi con người, cá nhân, ngành đó, nhưng tiêu cực trong ngành giáo dục, nó ảnh hưởng đến cả một thế hệ

Đơn giản như chuyện phụ huynh đi chơi, đến nhà thầy cô giáo. Tôi không muốn nói là chúng ta không nhận quà hay gì khác, nhưng những món quà trân trọng, trân quý của mọi người đến với người thầy, khác với những món quà về vật chất mà thái độ, cách cho tặng không thật sự đúng. Chia sẻ điều này không phải phê bình mà chúng tôi mong muốn làm sao ta thay đổi cách nghĩ, cách làm. Thầy cô phải thực sự trong sáng thì mới dạy, mới đào tạo ra được những công dân trong sáng

Đối với các thầy cô giáo, xã hội còn đòi hỏi ở người thầy một cái tâm, sự say mê sáng tạo, một phương pháp phù hợp, mới mẻ để học sinh thích, hiểu, “tiêu hóa” được kiến thức một cách hứng thú nhất; đòi hỏi một cách tiếp cận làm sao vừa gần gũi, vừa chân thành nhưng vẫn nghiêm túc để học sinh muốn đến trường, muốn học tập và tự tin phát triển bản thân. Đó đều là những điều khó khăn, vất vả mà chúng tôi muốn chia sẻ với những người đã chọn sự nghiệp đứng trên bục giảng, nhưng đấy cũng chính là những điều mà học sinh, phụ huynh, nhân dân và lãnh đạo tỉnh mong muốn, yêu cầu, đòi hỏi ở chúng ta

7. Xây dựng một xã hội học tập sẽ có một mặt bằng dân trí

Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, chúng ta đã làm rất tốt, nhưng tôi mong ngành Giáo dục thấm nhuần và phát huy, tiếp tục làm tốt hơn nữa. Đây là nội dung mà tôi cho là hết sức quan trọng. Ai đó đã từng đúc kết: Trong dạy và học thì học quan trọng hơn. Trong học thì tự học là vô cùng quan trọng. Muốn tự học được thì phải có ý thức, có mong muốn. Công tác khuyến học đóng góp quan trọng vào điều đó

Thứ hai, chúng tôi vẫn nói giáo dục mũi nhọn với các em học sinh đạt Huy chương quốc tế giúp nâng tầm tỉnh chúng ta lên, nó làm cho chúng ta rất tự hào, nhưng tôi xin đề nghị với ngành Giáo dục liên hệ với một trường hợp là em Nguyễn Xuân Thọ - Huy chương Vàng Toán quốc tế, em đã học xong nhiều bằng ở Mỹ rồi, làm thế nào để mời được em đó quay về Vĩnh Phúc? Mặc dù Nghị quyết của tỉnh đã chi rất nhiều tiền để thu hút nhân tài nhưng đến bây giờ vẫn chưa thuyết phục được các em ấy quay về. Điều đấy để nói lên điều gì? - Muốn nói đến các em ấy chưa về Vĩnh Phúc có nhiều nguyên nhân. Một là Vĩnh Phúc chúng ta chưa thực sự có đủ điều kiện để đáp ứng được yêu cầu của các em, nhưng cũng cần nhận ra rằng, xây dựng xã hội học tập để tạo ra cả một xã hội cùng học, nó sẽ tạo ra và nâng cao được mặt bằng dân trí của tỉnh

Một em đạt Huy chương Vàng như một cánh én nhỏ, không làm nên mùa xuân, chưa thể làm thay đổi được chúng ta, chưa thể làm thay đổi được Vĩnh Phúc, nhưng một xã hội học tập, trong vòng 5 năm tới, nếu làm tốt, thì sẽ làm thay đổi cả Vĩnh Phúc. Nhiệm vụ này, các đồng chí Phó Chủ tịch Hội – Quỹ Khuyến học phải hết sức quan tâm. Còn chúng ta có thiếu tiền không? - Xin nói, chỉ cần một hội nghị tuyên truyền thôi, chúng ta đã nhận được mấy chục tỷ từ sự ủng hộ, đóng góp của xã hội. Vấn đề chỉ là chúng ta sử dụng đồng tiền ấy thế nào để tạo ra một phong trào xã hội học tập thật sự


8. Nếu chỉ trông vào ngân sách, chúng ta mãi là giáo dục nghèo

Vấn đề mà chúng tôi tâm huyết, quan tâm, đề nghị các thầy cô, đặc biệt là lãnh đạo Sở GD&ĐT, đó là thu hút đầu tư trong lĩnh vực GD&ĐT, vấn đề hội nhập trong giáo dục

Nhiều năm nay, chúng ta có một tình trạng là thiếu giáo viên, thiếu tiền đầu tư cho giáo dục, nhưng chúng tôi khẳng định rằng, việc thiếu giáo viên chỉ một phần do chính sách, cái chính là chúng ta chưa làm tốt, chưa xây dựng được cơ chế xã hội hóa giáo dục. Nếu giáo dục chỉ trông mãi bằng chi ngân sách thì chúng ta sẽ mãi là giáo dục nghèo

Tôi học Kinh tế, là người ngoại đạo với Giáo dục, nhưng có thể khẳng định: không có một ngành nào chỉ trông vào đồng ngân sách để phát triển ngành đấy cả. Cho nên, để thu hút đầu tư, để xã hội hóa giáo dục thì phải làm ngay từ mỗi nhà trường, mỗi gia đình. Đơn giản nhất là mỗi gia đình có thể đóng góp để con em học ngoại ngữ hay kỹ năng sống kể trên

Hình thức xã hội hóa cao hơn đó là thu hút các trường tư có thương hiệu về đầu tư. Ta có trường công lập nào nếu dành được khu đất đấy cho các trường tư nói trên thuê, để họ mang Trí, mang Lực, mang Tài của họ về đào tạo cho con em chúng ta, thì thứ nhất, chúng ta thu được tiền, thứ hai, ngân sách không phải trả lương cho toàn bộ giáo viên của trường đó, thứ ba, chất lượng giáo dục họ mang từ thế giới về đây dạy con em chúng ta, thay vì áp lực thầy cô giáo của chúng ta vừa dạy học, vừa “cõng” các kiến thức từ Mỹ, Pháp, Canada về đây...

Việc có nhà đầu tư bỏ ra vài trăm tỷ để đào tạo cho 200-300 học sinh thôi, chúng ta sẽ nhẹ gánh đi rất nhiều. Tư duy đấy chúng ta sẽ phải thay đổi trong ngành Giáo dục. Thậm chí, chúng ta có thể mời 1 trường của Mỹ về đây để họ dạy cho con em mình thì rõ ràng họ lại làm thuê cho mình, vừa giảm gánh nặng về ngân sách, cũng là một trong những cách để nâng tầm giáo dục chúng ta lên. Đấy là kỹ năng trong kinh tế người ta gọi là đứng trên vai những người khổng lồ

Thu hút đầu tư trong giáo dục là vấn đề mà ngành Giáo dục trong nhiệm kỳ này, các đồng chí phải quan tâm, đề xuất, dành quỹ đất, tiếp cận, thu hút các trường, trung tâm, cơ sở về đây

9. Hội nhập trong giáo dục: “Vấn đề không phải quan trọng, mà là hết sức cấp thiết”

Hội nhập trong giáo dục hiện nay, là vấn đề tôi cho là hết sức cấp thiết rồi chứ không phải là quan trọng nữa. Trong điều kiện thế giới phẳng hiện nay, chúng ta đào tạo ra các công dân, phải là công dân quốc tế. Ngành Giáo dục trả lời giúp tôi, năm nay có bao nhiêu học sinh tốt nghiệp cấp 3 đủ khả năng vào các trường thế giới, bao nhiêu phần trăm học sinh Vĩnh Phúc đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế? Chúng ta cần phải theo dõi chỉ số này

Thực tế, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh thu hút đầu tư rất tốt, thể hiện qua con số nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, con số nộp thuế thu nhập cá nhân có thể nói là cao nhất toàn quốc, thế nhưng nhìn vào danh sách nộp thuế thu nhập cá nhân, địa chỉ người Vĩnh Phúc rất ít. Như vậy những người làm việc và thu nhập cao, nộp thuế nhiều đều ở đâu đến đây, trong khi đó, ta đào tạo ra những con người rất giỏi nhưng chúng ta lại không biết các em đang ở đâu. Nói cách khác, chúng ta đào tạo ra các em rất tốt nhưng sau đó thì việc tái thu hút, sử dụng các em, quay trở lại không tốt

Tôi rất nhớ câu chuyện đoàn lãnh đạo cao cấp của tỉnh đi công tác tại Mỹ. Đoàn có đi thăm các trường đại học là Arizona ở bang Arizona và Portland ở bang Oregon. Đến nơi thì chúng tôi nêu ra đề xuất mà trước đó đã được trao đổi thống nhất giữa hai bên trước khi đoàn đi là đề nghị trường Đại học Arizona hỗ trợ cho Vĩnh Phúc một số học bổng. Thực ra sau này, tôi rất xấu hổ vì đề nghị ấy. Vì sau đó, họ nói rằng, họ sẵn sàng đồng ý nhận, đào tạo, cấp học bổng cho học sinh miễn phí nhưng nếu chúng ta đưa sang đây đủ điều kiện. Rõ ràng, đủ điều kiện rồi thì cần gì phải xin nữa?

Và họ nói với chúng tôi thế này, nếu các bạn thay đổi tư duy, cách tiếp cận một chút, đó là đề nghị Arizona mở một cơ sở ở Vĩnh Phúc, đưa toàn bộ con người, giáo trình, kiến thức sang để lập một cơ sở đào tạo của trường Đại học Arizona tại Vĩnh Phúc. Trong đó, đào tạo cho người Vĩnh Phúc có thể miễn, giảm học phí, nhưng quan trọng là thu học phí của người học ở các địa phương khác, quốc gia khác cũng phải đến Vĩnh Phúc để được học và được cấp bằng của Đại học Arizona, thì tại sao lại không?

Họ đề xuất như vậy, chúng tôi mới thấy rằng đúng là chúng ta phải thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách tiếp cận, mà cái này đâu phải quá khó nếu chúng ta có đủ đất, đủ cơ chế. Họ cũng kể cho chúng tôi một câu chuyện, Malaysia cách đây 10 năm cũng đã đến trường đặt vấn đề tương tự. Cuối cùng Malaysia đã mở được Trường Đại học tổng hợp Arizona. Thay vì việc mỗi năm nước này phải chi 20 tỷ đô để cho con em đi học ở Mỹ và các nước khác, thì đến bây giờ, ngành Giáo dục của Malaysia mỗi năm mang về cho ngân sách hơn 40 tỷ đô. Tất nhiên, đó không phải từ giáo dục của Malaysia mà từ giáo dục của các trường đại học lớn của thế giới đặt tại Malaysia

Thực hiện hướng đi này, chúng ta hãy bắt đầu đặt một cơ sở nho nhỏ thôi, làm dần dần thì nó sẽ thay đổi. Cách tốt nhất, con đường ngắn nhất của giáo dục để đưa được dân tộc, người dân ra biển lớn bắt kịp với thế giới, nâng tầm Vĩnh Phúc lên; trao thêm cơ hội cho các em, các cháu chúng ta và giảm gánh nặng cho ngân sách chính là thu hút đầu tư và vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế này


10. Quan tâm đến thu nhập, đời sống của giáo viên

Tất cả vấn đề nêu trên đều là xã hội đặt vấn đề, yêu cầu đối với ngành Giáo dục, yêu cầu với các thầy cô, nhưng có một thứ, đề nghị lãnh đạo HĐND, UBND phải quan tâm, đó là nhìn vào thu nhập thực tế của các thầy các cô xem hiện nay đã thật sự tương xứng với thu nhập của xã hội hay chưa? Khi xã hội phát triển đi lên thì thu nhập đấy đã thực sự phù hợp chưa?

Lương thì chúng ta đã có quy định nhà nước, nhưng còn những thu nhập khác, cơ hội khác, điều kiện khác thì đó là những gì? Ngành Giáo dục phải đề nghị, phải quan tâm. Xã hội có quyền đòi hỏi, yêu cầu các thầy cô nhưng chúng ta cũng có quyền đòi hỏi xã hội

Trong suốt thời gian dịch Covid-19 vừa rồi, tất cả đối tượng được quan tâm từ xe ôm, người bán hàng rong, nhưng riêng có một nhóm là giáo viên mầm non tư thục, thu nhập 1 tháng được 3 triệu nhưng nghỉ dịch suốt 6-7 tháng thì chúng ta đã tổng hợp chưa, đã đề xuất hỗ trợ cho họ kinh phí này chưa, thì đây là vấn đề đặt ra

Ngoài ra, một vấn đề của toàn cầu vô cùng lớn khác, đó là đại dịch Covid. Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã vào Việt Nam lần thứ 4, đã cướp đi sinh mạng của quá nhiều người dân vô tội. Vĩnh Phúc đã có 4 lần chống chọi với đại dịch. Lần nào vào Việt Nam, nó cũng đặt chân ở Vĩnh Phúc đầu tiên. Chúng ta đã cố gắng, đã kiềm chế và đã bảo vệ nhưng đến bây giờ, nguy cơ đang hiện hữu, cực kỳ lớn

Tối 30/8, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh đã phát đi một thông báo khẩn, đó là toàn dân Vĩnh Phúc tuyệt đối không được lơ là, không được chủ quan; vào những nơi đông người phải thực hiện tuyệt đối những quy định về chống dịch; không được phép cho tất cả công dân ở những vùng dịch về mặc dù họ là con, là em, là cháu, là gia đình, cố gắng ai ở đâu ở đó để chúng ta giữ yên cho Vĩnh Phúc.
Trong nhà trường, lớp học, chúng ta phải xây dựng ngay chương trình, kế hoạch, làm sao phải xây dựng được các tiêu chí của các Trường học xanh, để các em vào đó có kỹ năng chống dịch, có nhận thức về dịch, từ đó chúng ta có thể bảo vệ được các em

Nếu như chúng ta chậm 1 ngày, chúng ta mất ngay 1 tuần; chậm 1 tuần mất 1 tháng; chậm 1 tháng mất 1 năm; chậm 1 năm mất cả nhiệm kỳ. Cho nên làm được gì, ngay bây giờ, ngay lúc này, ngay sau hội nghị này, về các đồng chí tập trung, bắt tay vào làm ngay và không ngại kiến nghị, đề xuất. Làm sao đấy để chúng ta cùng chung tay, cùng với Đảng bộ và nhân dân xây dựng, nâng tầm ngành Giáo dục lên cao hơn nữa


IMG_1894.JPG

Ông Nguyễn Văn Huyến – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT

Những gì đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành phát biểu, cô đọng rất nhiều thứ. Thứ nhất là cảm xúc. Cảm xúc ấy được lan tỏa đến đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo, giáo viên của ngành trong hội nghị hôm nay. Thứ hai là rất nhiều vấn đề mà Chủ tịch trăn trở, dành cho Giáo dục. Tôi đã và đang được tiếp thu rất nhiều từ những vấn đề được Chủ tịch nêu bật

Tại hội nghị hôm nay, các thầy cô ở các cơ sở giáo dục được tiếp nhận những thông tin, chia sẻ rất dung dị, rất đời về giáo dục. Đó chính là những thông điệp vô cùng lớn, vô cùng sâu sắc, ý nghĩa để mỗi chúng ta hiện nay cùng nhìn lại chặng đường mình đã qua và những gì hiện tại, tương lai chúng ta phải làm

Trong 10 vấn đề, tôi quan tâm đến những nội dung cốt lõi như: bạo lực học đường, tăng cường ngoại ngữ, kỹ năng sống, xã hội hóa giáo dục… Tất cả những vấn đề đó đặt lên đôi vai của ngành và chúng ta tiếp tục phải đổi mới

Thay mặt toàn ngành, xin được trân trọng cảm ơn, xin tiếp thu ý kiến chỉ đạo quý báu, sâu sát của Chủ tịch UBND tỉnh đối với ngành, xin hứa sẽ cố gắng cống hiến, mang hết sức mình, cụ thể hóa những quan điểm chỉ đạo đó thành hiện thực trong tương lai
 
Last edited:
Top