What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tập đoàn MK

LOBBY.VN

Administrator
Tập đoàn MK​

Nguyễn Trọng Khang là Chủ tịch kiêm TGĐ doanh nghiệp nằm trong top 10 nhà sản xuất SIM điện thoại lớn nhất toàn cầu và là một trong 10 nhà sản xuất thẻ tài chính có độ bảo mật cao trên thế giới

khang.jpg

Nguyễn Trọng Khang, Chủ tịch Tập đoàn MK​

Với đánh giá này của Nilson Report, Nguyễn Trọng Khang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc Điều hành Tập đoàn MK, là người đã ghi danh Việt Nam vào bản đồ bảo mật thế giới

Đón đầu thị trường

Gặp Nguyễn Trọng Khang tại TP.HCM, cái se lạnh cuối năm của đất phương Nam khiến anh thoải mái hẳn dù có rất nhiều công việc cần giải quyết ở chi nhánh miền Nam của MK Group

“Tôi thích nơi này, nếu không có sự cố, có lẽ gia đình tôi đã định cư ở TP.HCM”, anh bảo vậy

Là một trong những người thuộc thế hệ du học sinh cuối cùng theo chương trình đào tạo liên kết giữa Việt Nam và Liên Xô, khi liên bang tan rã, thay vì ở lại, đi buôn như phần lớn những người cùng cảnh ngộ, Nguyễn Trọng Khang lại chọn con đường trở về Việt Nam, kiên trì, học tiếp vì lý do: “Dù đã học xong, tôi vẫn muốn trở về sống tại quê hương”

Thích sống tại Việt Nam nhưng số phận lại đưa Nguyễn Trọng Khang sang Malaysia làm việc 5 năm ròng và sau đó là sang Mỹ, học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Boise State

Anh cho biết, đây là quá trình anh nắm bắt cơ hội để tích lũy kiến thức nền tảng cho mình. “Không thể phủ nhận Việt Nam còn đi sau các nước phát triển trên thế giới, tôi chọn cách đi ra ngoài để có thể thấy điều gì đang là xu hướng và cơ hội cho mình”, Khang nói thêm

Trở về Việt Nam, anh và gia đình chọn TP.HCM làm đất lập nghiệp để có thể sống trong không gian năng động của thành phố này. Chân ướt chân ráo, vợ anh không may bị giật túi xách trên đường

Điều này khiến gia đình anh quyết định về Hà Nội nhưng lại làm tăng quyết tâm trong anh. Anh bảo, thói quen giao dịch tiền mặt và mang theo nhiều tiền mặt trong người cũng là một trong những lý do dẫn đến hiện tượng cướp giật túi xách ngày đó xảy ra khá nhiều

Bên cạnh đó, tại các khách sạn lớn, tòa nhà..., công tác bảo vệ phòng đều dựa vào khóa thủ công, rất ít nơi áp dụng thẻ từ. Công ty MK của Nguyễn Trọng Khang ra đời với mục đích đón đầu thị trường thẻ tại Việt Nam, vì lẽ đó

Xây chuyên sâu, tạo khác biệt

Khát khao của người làm chủ kết hợp với yếu tố thị trường hấp dẫn như thế giúp Nguyễn Trọng Khang tìm được những người cùng chí hướng. Đó là những người bạn cùng học với anh tại Mỹ, sẵn sàng góp vốn cùng anh gây dựng sự nghiệp

Bốn năm sau ngày khởi nghiệp, 2003, Nguyễn Trọng Khang đã có thể đưa vào sử dụng nhà máy sản xuất các loại thẻ như: thẻ chip, thẻ SIM, thẻ cào, thẻ từ, thẻ cảm ứng... đáp ứng mọi nhu cầu về bảo mật và an toàn của các tổ chức quốc tế do MK Smart, công ty thành viên MK Group, điều hành

Với vốn đầu tư hơn 150 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Thông minh MK hiện là nhà sản xuất thẻ lớn nhất Việt Nam, có khả năng sản xuất hơn 100 triệu thẻ/năm và cá thể hóa tới 60.000 thẻ/ngày. Đáng chú ý là dây chuyền sản xuất này được Tổ chức MasterCard và Visa cấp chứng nhận dành cho những nhà sản xuất và cung cấp, cá thể hóa thẻ tài chính

“Điều này đồng nghĩa với việc những chiếc thẻ “made in Việt Nam” này có thể sử dụng trên toàn thế giới với khả năng bảo mật tương đương với các nhà sản xuất lớn của thế giới”

“Chúng tôi không kinh doanh thẻ, mà là kinh doanh giải pháp”, Nguyễn Trọng Khang khẳng định. Theo “ông vua thẻ” của Việt Nam này, sản xuất chỉ là phần thô, muốn cạnh tranh trên thị trường thế giới, phải dùng đến phần “tinh” là những giải pháp bảo mật đi kèm với sản phẩm thẻ

Đó chính là lý do Nguyễn Trọng Khang chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu. Không chỉ ở Việt Nam, anh tổ chức các nhóm nghiên cứu, phát triển sản phẩm vệ tinh đặt ở Nga, Nam Phi, Thụy Điển... để khai thác chất xám và công nghệ của thế giới

“Trong thế giới phẳng, không nghiên cứu chuyên sâu, không tạo được khác biệt thì khó lòng bứt phá”, anh khẳng định

Nỗi lo tiềm năng không khai phá

Theo Nguyễn Trọng Khang, cũng chính nhờ khác biệt mà công ty thu hút được đầu tư từ các quỹ tài chính lớn như IDG, Mekong... “Ngành công nghiệp thẻ ở Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu, 70% dân số vẫn chưa biết dùng đến các dịch vụ tài chính

Ở khía cạnh ngân hàng, công tác xác thực bảo mật vẫn còn có quá nhiều kẽ hở khi dựa vào CMND... Mọi tiềm năng đều còn chờ người khai phá”, anh nhận định

Bên cạnh thẻ thông minh cho ngân hàng, số lượng thuê bao di động tại Việt Nam hiện nay cũng là một thị trường hấp dẫn cho những đơn vị sản xuất như MK. Đáng tiếc, 70% SIM card Việt Nam đang có mặt trên thị trường đều nhập khẩu từ Trung Quốc. “Thị trường hấp dẫn nhưng cũng tồn tại rất nhiều thách thức”, Nguyễn Trọng Khang chia sẻ

Vì điều này mà ngay trong giai đoạn kinh tế được xem là khó khăn như hiện nay, anh vẫn không ngừng đầu tư vào phát triển công nghệ. Anh bảo, ước mơ của anh là có thể đưa ra thị trường những SIM card 1 SIM nhưng 2 số, lưu hơn 1.000 danh bạ và tích hợp luôn cả thanh toán điện tử...

Nhưng, để tiến đến được điều này, MK phải thuyết phục được những nhà cung cấp dịch vụ. Hơn 20% thị phần SIM card tiêu thụ trong nước đã thuộc về MK Group nhờ bước đi chiến lược và thuyết phục là công nghệ

Vẫn còn đó nhiều con đường cho MK phát triển, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở thế giới, bởi Nguyễn Trọng Khang tin khi mình đã mang đến sản phẩm tốt cho thị trường, không lý nào mình lại bị chối từ

Phương Quyên
 
Từ thẻ nhựa trên đất Mỹ đến 80% thị phần thẻ ngân hàng Việt Nam​

DSC0198.jpg

Chiếc thẻ sinh viên được cấp trên đất Mỹ trở thành gợi ý ngàn vàng đối với Nguyễn Trọng Khang, đưa anh đến thành công với vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn MK, chiếm tới 80% thị phần thẻ thông minh trong ngành ngân hàng

Làm cách nào để có thể chiếm lĩnh ngành công nghiệp thẻ trong nước là câu hỏi đang đặt ra với nhiều doanh nghiệp Việt. Những chia sẻ của doanh nhân Nguyễn Trọng Khang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ MK đã gợi mở nhiều gợi ý thú vị

Chiếc thẻ sinh viên bằng nhựa được cấp trên đất Mỹ với nhiều ứng dụng như đi xe buýt, ăn uống tại căng tin… lại là một gợi ý ngàn vàng đối với Nguyễn Trọng Khang. Anh đã mạnh dạn thành lập Công ty MK ngay sau khi về nước

Trong 7 năm đầu tiên kinh doanh, MK liên tục đạt mức tăng trưởng 100% và các năm tiếp theo là 70-80%. Dự kiến mức độ tăng trưởng năm 2011 của MK là 30%. Sau 12 năm, hiện MK đang có gần 400 nhân viên với 5 công ty khác nhau. Lĩnh vực kinh doanh chính vẫn là tập trung vào sản xuất và cung cấp các giải pháp về thẻ thông minh

- Ở thời điểm anh khởi nghiệp chưa có nhiều nhà cung cấp dịch vụ thẻ, nhưng nay con số nhà cung cấp đã lớn hơn nhiều và cuộc chơi đã không chỉ là của MK nữa. Điều đó ảnh hưởng thế nào đến tốc độ và chiến lược phát triển của MK, thưa anh ?

Hiện không chỉ có doanh nghiệp Việt Nam mà còn có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp sim thẻ trên đất nước ta. Tôi không phản đối sự cạnh tranh, nhưng chúng ta phải làm sao để người Việt Nam luôn tự hào về hàng Việt Nam

Các doanh nghiệp Việt Nam muốn đáp ứng nhu cầu cạnh tranh thì phải phát triển thị trường trong nước đã, sau mới ra nước ngoài. Mặc dù MK tham gia ngành công nghiệp thẻ từ 12 năm trước, nhưng tôi nhận thấy cơ hội cho các doanh nghiệp Việt còn ở phía trước và đây mới đang là những bước đầu

Ví dụ như ở MK, hiện chúng tôi chiếm tới 80% thị phần trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng viễn thông thì rất ít, chỉ mới ở mức khiêm tốn 10-20%. Nếu chiếm được 50% thị phần sim thẻ viễn thông thôi thì doanh thu của 50% thêm ấy cũng đã là 35-40 triệu USD rồi. Rõ ràng cơ hội lớn vẫn còn đó !

- Vậy theo anh, cần phải làm gì để các doanh nghiệp Việt có thể chiếm lĩnh được thị trường trong nước ?

Tôi nghĩ trước hết phải có lòng tin

Trước hết là chính các doanh nghiệp Việt Nam phải có lòng tin rằng, mình có thể cung cấp ra những sản phẩm chất lượng tốt không kém gì người nước ngoài, thậm chí là tốt hơn và có giá phải chăng. Nếu bản thân doanh nghiệp không tin vào những gì mình làm ra thì cũng không thể khiến khách hàng tin được vào hàng hóa của mình

Thứ 2 là người tiêu dùng tin vào hàng Việt, không chạy theo những sản phẩm khác chỉ vì mác ngoại

Và thứ 3 là sự hỗ trợ về chính sách và cơ sở hạ tầng của Chính phủ cho các doanh nghiệp phát triển

Theo tôi, những sản phẩm nào mà Việt Nam có thể sản xuất được thì nên hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài. Sở dĩ chúng tôi mới chỉ chiếm con số ít ỏi trong thị phần sim thẻ viễn thông là do mức độ cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài rất lớn. Hiện sản phẩm sim thẻ nhập khẩu vào thị trường Việt Nam đều có thuế suất bằng 0

Đây đã là một thiệt thòi lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Nếu áp mức thuế cao hơn hoặc hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước hưởng mức thuế như thế thì câu chuyện sẽ khác

- Dẫu sao thì doanh nghiệp vẫn sẽ phải tự lực cánh sinh là chính. Họ cần phải làm gì để tự cứu mình trước khi được hỗ trợ ?

Các doanh nghiệp Việt Nam phải có lòng tin rằng mình có thể cung cấp sản phẩm chất lượng tốt không kém gì nước ngoài, thậm chí tốt hơn và có giá phải chăng

Phải tạo ra được sự khác biệt trong sản phẩm của mình với sản phẩm khác, yếu tố khác biệt rất quan trọng. Qua nghiên cứu, tôi phát hiện ra đến 80% điện thoại di động mà người Việt Nam đang dùng là điện thoại không thể "chat" được

Do đó MK đang chuẩn bị đưa vào ứng dụng sim card để "chat" skype, yahoo messenger mà điện thoại đó không nhất thiết phải có tính năng hỗ trợ. Tôi nghĩ đấy cũng đã là một sự khác biệt

Thứ 2 là phải có khả năng sản xuất lớn. Hiện MK có thể sản xuất 200.000 thẻ sim một ngày, nhưng vẫn không đáp ứng đủ! Tôi sẽ phải làm gì nếu một hãng viễn thông đặt hàng sản xuất 2 triệu thẻ trong 5 ngày ?

Giải quyết bài toán ấy thế nào cũng là thách thức không nhỏ. Tôi lấy ví dụ như Apple, họ không hề có nhà máy sản xuất mà thuê toàn bộ bên ngoài. Họ kiếm phần lớn số lãi của sản phẩm, trong khi Foxconn trực tiếp sản xuất ra lại hưởng số lãi ít hơn rất nhiều

- Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa có thói quen sử dụng thẻ trong giao dịch. Liệu đây có phải là rào cản chính cho sự phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam ?

Tôi nghĩ đó cũng là một vấn đề, nhưng không quá đáng ngại. Điều quan trọng là phải có niềm tin. Nếu chúng ta có một xã hội giao dịch dễ dàng, không tốn kém thì người ta sẽ sử dụng thôi. Nhưng làm cách nào để tạo ra niềm tin ấy ? Chính phủ, doanh nghiệp, ngân hàng và toàn thể người dân phải cùng làm

Trước hết là Chính phủ, doanh nghiệp, ngân hàng cùng đầu tư để phát triển hệ thống chấp nhận thanh toán. Làm được điều đó tự khắc sẽ giảm được lo lắng của người dân về thanh toán, tăng được lượng giao dịch tích cực. Thay vì rút tiền ra khỏi ngân hàng để giao dịch thì họ sẽ tự động gửi tiền vào ngân hàng để giao dịch, nếu thấy tiện lợi hơn

- Vậy MK có những kế sách gì để thay đổi thói quen đó và tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới ?

Chúng tôi chỉ là một công ty chủ yếu tạo ra các giải pháp công nghệ cho chính phủ, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, chứ không phải là những đơn vị có vai trò trực tiếp thay đổi thói quen người tiêu dùng

Do đó, MK chỉ đóng góp bằng cách cập nhật công nghệ mới từ nước ngoài xem họ triển khai ra sao, đi theo xu thế nào… và sau đó trao đổi, chia sẻ cho các doanh nghiệp trong nước để họ nắm được và cùng phát triển

Ngoài ra, chúng tôi cũng đóng góp ý kiến với các cơ quan nhà nước để đưa ra những định hướng phát triển công nghệ tốt nhất. Có thể nói, ngày hôm nay vấn đề không còn là phát triển công nghệ như thế nào nữa mà là làm sao từ công nghệ chúng ta có thể tạo ra được giá trị xã hội, đưa công nghệ vào giải quyết các vấn đề của xã hội như: thanh toán giao dịch, đóng thuế, bảo hiểm xã hội…

Nếu bạn đi về những vùng quê sẽ thấy người dân khó lòng thực hiện được các giao dịch online. Vì vậy, những công nghệ hỗ trợ giao dịch offline sẽ là vô cùng quan trọng

Tôi vẫn muốn nhắc lại là một công ty muốn phát triển thì phải trở nên toàn cầu, nhưng anh muốn ra ngoài thì trước hết phải phát triển ở đất nước mình trước đã

Bài viết được thực hiện dưới sự phối hợp của chương trình "Giải thưởng Ernst & Young - Bản lĩnh Doanh nhân Lập nghiệp"

Bích Ngọc
 
Top