What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tập đoàn Viettel

Viettel thêm cơ hội vào thị trường viễn thông Myanmar
Liên minh viễn thông Vodafone - China Mobile rút khỏi cuộc đua giành vé kinh doanh viễn thông tại Myanmar sẽ mở thêm khả năng để Tập đoàn Viettel tiến sâu hơn vào vòng xét duyệt sau cùng
Theo Reuters, ngày 31/5 liên minh Vodafone (Anh) và China Mobile (Trung Quốc) - hai nhà mạng lớn nhất thế giới đã tuyên bố rút khỏi cuộc đấu thầu giành giấy phép kinh doanh viễn thông tại Myanmar sau khi tính toán lợi nhuận không đủ bù chi phí đầu tư

Động thái này diễn ra sau khi Myanmar công bố bản điều kiện hợp đồng cuối cùng ngày 20/5 vừa qua. Hai hãng cho biết: "Cơ hội tại đây không đáp ứng các tiêu chuẩn đầu tư khắt khe mà cả Vodafone và China Mobile theo đuổi"

Người phát ngôn của Vodafone cũng tiết lộ một trong những lo ngại của công ty này chính là việc dự luật sửa đổi luật viễn thông tại đây chưa có hiệu lực trước khi Myanmar chọn được hai công ty thắng thầu ngày 27/6

Trước đó, nhiều nhóm hoạt động trên thế giới cũng cảnh báo các công ty kinh doanh tại Myanmar cẩn thận trọng trước khi nước này nới lỏng kiểm soát việc tiếp cận thông tin và tự do ngôn luận

Vodafone - China Mobile là một trong 12 ứng cử viên lọt danh sách rút gọn được quyền đấu thầu giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông tại Myanmar. Họ sẽ được quyền khai thác dịch vụ viễn thông trên toàn quốc trong 15 năm. Hạn chót để các công ty nộp hồ sơ là 3/6 và hai hãng trúng thầu sẽ được công bố trước ngày 27/6. Danh sách các công ty còn lại có liên minh của tỷ phú đầu tư George Soros, hãng di động Digicel (Jamaica) và công ty bất động sản Serge Pun. Viettel cũng lọt vào top 12

Sự rút lui của liên minh "đáng gườm" nhất trong cuộc chạy đua vào thị trường viễn thông Myanmar mở thêm cơ hội cạnh tranh cho Tập đoàn Viettel. Đại diện doanh nghiệp từ chối đưa bình luận ở thời điểm hiện tại. Một nguồn tin khác từ Viettel cho biết đây đang là giai đoạn căng thẳng để giành một trong hai chiếc vé trở thành nhà mạng tại Myanmar sẽ được công bố vào ngày 27/6 tới

"Sắp tới sẽ phải trình bày phương án kinh doanh trước hội đồng để xét duyệt, nhân lực cấp cao của tập đoàn đều được huy động để chuẩn bị. Dù cơ hội lớn 99% nhưng không có nghĩa chắc chắn thành công", nguồn tin chia sẻ

Viễn thông được đánh giá là một trong những mảnh đất màu mỡ nhất tại Myanmar. Đến cuối năm 2012, chỉ khoảng gần 10% trong hơn 60 triệu người dân được tiếp cận điện thoại di động. Chính phủ nước này tuyên bố muốn nâng tỷ lệ trên lên 75% - 80% giai đoạn 2015 - 2016

Họ kỳ vọng việc mở cửa cho nhà đầu tư cá nhân sẽ làm tăng tính cạnh tranh và phát triển ngành. Để thực hiện mục tiêu này, đầu năm 2013, Myanmar công bố kế hoạch cấp thêm 2 giấy phép viễn thông (mỗi giấy thời hạn 15 năm) cho các nhà đầu tư nước ngoài

Thùy Linh
 
Last edited:
Những bức phên dậu mềm bảo vệ đất nước từ xa
Kinh doanh hiệu quả, tạo được thiện cảm của người dân, được Chính phủ ủng hộ, những dự án đầu tư ra nước ngoài thành công của các doanh nghiệp như Viettel không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn góp phần tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế của Việt Nam, tạo ra khả năng bảo vệ đất nước từ xa

Thủ tướng Campuchia Hunsen trong một chuyến thăm dân và bộ đội đóng quân tại tỉnh Kampuchea, Campuchia không ngần ngại ngợi khen mạng viễn thông Metfone (thương hiệu của Viettel) khi mạng này đi được đến tận những vùng rất xa, ngay cả trong rừng

Ông Hunsen nói: “Tôi khuyên các bạn nên sử dụng mạng 097 (đầu số di động của Metfone tại Campuchia) không phải vì tôi thiên vị mà tôi thấy cái gì tốt thì nên dùng”

Một sự kiện đặc biệt hơn là cuối năm 2012, Viettel đã trở thành “đặc sứ” trong chuyến công du của Thủ tướng Cộng hòa Haiti đến Việt Nam. Chuyến đi ấy đã diễn ra một sự kiện chưa từng có trong lịch sử ngoại giao Việt Nam khi một doanh nghiệp trở thành “đối tác” của một Chính phủ

Với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đích thân Thủ tướng Laurent Salvador Lamothe đã cùng Tổng giám đốc Viettel ký bản ghi nhớ Viettel trở thành đối tác đầu tư chiến lược của Chính phủ Haiti

Vì sao Viettel có được những sự ủng hộ ấy? Câu trả lời có lẽ nằm ở một phát biểu của ông Fransico Chate, Giám đốc phụ trách Viễn thông, Cơ quan Quản lý Viễn thông Mozambique - một quốc gia thuộc châu Phi mà Viettel đầu tư

Trong một lần trả lời phỏng vấn của các nhà báo Việt Nam, ông này nói rằng “Cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cử Viettel đến đất nước chúng tôi. Chỉ sau một năm, Viettel đã làm được nhiều hơn những gì đã cam kết làm trong 3 năm với chính phủ Mozambique”

Có đến 30% số xã của Mozambique chỉ có sóng di động của Movitel (thương hiệu của Viettel tại đây). Sau hơn một năm kinh doanh, Movitel đã chiếm tới 80% thuê bao di động phát triển mới ở quốc gia Đông Phi này

Giờ đây, hạ tầng mà Movitel đầu tư ở Mozambique đưa quốc gia này trở thành đất nước có tài nguyên viễn thông lớn thứ ba vùng Cận Sahara, chỉ sau Nam Phi và Kenya

Trước đó, ở Campuchia và Lào, hạ tầng Viettel đã đầu tư cũng là những mạng lưới lớn nhất, phủ đến tận làng xã. Không những vậy, Viettel còn kết nối đường trục truyền dẫn Đông Dương nối trực tiếp ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia để vừa gia tăng dung lượng mạng lưới cho nước bạn, lại vừa vu hồi cho đường trục Bắc-Nam của Viettel tại Việt Nam

Ngoài ra, Viettel đã hỗ trợ Chính phủ Campuchia xây dựng hệ thống chính phủ điện tử, cầu truyền hình, hỗ trợ quân đội hoàng gia nước này xây dựng mạng điện thoại cố định dùng riêng

Năm 2010, khi tình hình biên giới Campuchia và Thái Lan có những căng thẳng tại khu vực đền cổ Preah Vihear, lúc nhận được đề nghị của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Campuchia, Viettel đã lập tức triển khai một trạm phát sóng ở khu vực này, vốn là một vách núi cheo leo đến mức người thường không thể đi bộ lên được

Và chỉ sau chưa đầy một tuần, Thủ tướng Hunsen đã có thể gọi điện trực tiếp đến chỉ huy quân đội hoàng gia tại khu vực xung đột để có những điều hành trực tiếp…

Tương tự đối với Lào, Viettel cũng triển khai hệ thống cầu truyền hình cho Bộ Quốc phòng nước này và đưa mạng của quân đội Lào trở thành mạng lớn nhất

Đối với người dân các nước đến đầu tư, Viettel không chỉ mang lại cơ hội phổ cập viễn thông cho mọi tầng lớp xã hội mà còn tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, trực tiếp góp phần vào ổn định an sinh xã hội. Mạng Internet trị giá hàng chục triệu USD được đưa miễn phí tới các trường học như là một sự đóng góp đầu tư vào tương lai của Viettel với những đất nước mình đến

Bởi vậy, ở Campuchia, Lào, Haiti, Mozambique, rồi Peru, Timor-Leste, Cameroon, Viettel đều xây dựng được mối quan hệ mật thiết tốt đẹp với chính phủ, quân đội và nhân dân các nước, trực tiếp nâng cao thương hiệu, uy tín, vị thế, tạo được sự ủng hộ nhiều mặt của nước bạn với đất nước và quân đội Việt Nam

Dù là láng giềng gần hay bạn bè xa, một mối quan hệ bền chặt và khăng khít được tạo nên bởi một hiện thực sống động, liên tục phát triển như những gì Viettel đã làm không chỉ mở ra không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, cho đất nước, mà còn góp phần tăng cường công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế của Việt Nam, đồng thời cũng chính là những bức phên dậu mềm bảo vệ đất nước từ xa trong thời đại của hòa bình và phát triển

Trần Trọng Tú
 
Last edited:
Viettel lập công ty ở Hoa Kỳ
- Tuoitre.vn - Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đầu tư sang Hoa Kỳ

Dự án có vốn đầu tư hơn 33 triệu USD theo hình thức: Viettel góp vốn điều lệ thành lập Công ty Viettel America tại Hoa Kỳ vốn điều lệ 100.000 USD, công ty mẹ (Viettel) ở trong nước cho công ty con (Công ty Viettel America tại Hoa Kỳ) ở nước ngoài vay 32.953.945 USD

Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng giám sát, kiểm tra thường xuyên việc sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại Viettel
 
Last edited:
Viettel tuyên bố từ bỏ khái niệm nhà mạng viễn thông
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel tuyên bố Viettel chính thức từ bỏ khái niệm nhà mạng viễn thông, mà chuyển sang khái niệm nhà cung cấp dịch vụ

Viettel xác định là doanh thu mà ngành viễn thông đem lại vào năm 2015 sẽ chiếm khoảng 50% tổng doanh thu của Viettel trên toàn cầu

Phát biểu khai mạc Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2013 (Vietnam ICT Summit 2013) diễn ra sáng nay, 20/6/2013 ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, nghề chính của "ông viễn thông" là cung cấp dịch vụ alo (dịch vụ thoại), nhưng dịch vụ này đã có gần 100% người dùng. Với xu hướng hiện nay thì các doanh nghiệp viễn thông sẽ phải từ bỏ nghề chính của mình – nghề alo

"Kinh doanh alo đã thấm đẫm vào trong những người làm viễn thông 100 năm rồi, và tôi nghĩ rằng có khá nhiều doanh nghiệp viễn thông không chỉ Việt Nam mà cả quốc tế sẽ khó đi qua được giai đoạn chuyển đổi này. Đây là một điều không dễ đối với các nhà mạng" ông Nguyễn Mạnh Hùng nói

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh; "Viettel đã chính thức tuyên bố từ bỏ khái niệm nhà mạng viễn thông, mà chuyển sang khái niệm nhà cung cấp dịch vụ. Thực ra Viettel đã thực hiện việc chuyển đổi này được gần 2 năm nay

Hiện nay số lượng người mà Viettel đầu tư cho phát triển ứng dụng là gần 10.000 người. Đến năm 2015, sẽ có 40% người Viettel tập trung vào phát triển các ứng dụng. Viettel xác định là doanh thu mà ngành viễn thông đem lại vào năm 2015 sẽ chiếm khoảng 50% tổng doanh thu của Viettel trên toàn cầu"

Theo phân tích của ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay với các thiết bị các thiết bị đầu cuối, các thiết bị về y tế, các thiết bị điện thoại, cộng với CNTT, tức là xử lý dữ liệu sẽ xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Doanh thu từ lĩnh vực này này sẽ gấp từ 4-5 lần doanh thu của viễn thông

Trong khi đó, khái niệm "viễn thông" giờ đây ít người nhắc đến, mà nó chuyển thành khai niệm "mạng thông tin quốc gia". Khi nói đến thông tin chữ "thông tin" là nói đến dữ liệu (data) gồm truyền data, lưu trữ data và xử lý data. Còn “quốc gia”, bây giờ nó không chỉ là câu chuyện "alo", mà là câu chuyện của mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, của tất cả các ngành, các nghề, vì vậy gọi là "hạ tầng quốc gia"

Về việc chuyển đổi một hạ tầng mạng thành một hạ tầng thông tin quốc gia thì hạ tầng bắt buộc phải thông minh, bắt buộc phải chuyển từ alo sang data. Hạ tầng thông minh tức là có khả năng xử lý và có khả năng lưu trữ, và đây cũng là một quá trình đầu tư mới của một nhà mạng

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để chuyển đổi về hạ tầng viễn thông thành hạ tầng thông tin quốc gia sẽ phải từ bỏ khái niệm phần trăm người sử dụng mà chuyển sang khái niệm mọi người và mọi nhà. Bên cạnh đó, băng hẹp chỉ dành cho nhắn tin và thoại từ 100 năm nay sẽ phải chuyển thành băng rộng để phục vụ được mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. 100 năm trước ngành viễn thông chỉ có mỗi 1 dịch vụ là "alo" và không phải sáng tạo gì nhiều, nhưng bây giờ muốn xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thì không phải chỉ có 1 dịch vụ như truyền thống mà sẽ phải sáng tạo ra rất nhiều dịch vụ

Ông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra dẫn chứng một số quốc gia trên thế giới đã bắt đầu thực hiện chiến lược này. Mới đây Viettel có chuyến thăm Úc và ngỡ ngàng bởi Chính phủ Úc thực hiện chính sách đẩy nhanh quá trình bắt nhà mạng chuyển thành nhà cung cấp dịch vụ

Để thực thi chính sách này, Chính phủ Úc không cho nhà mạng làm hạ tầng mà Chính phủ đứng ra làm. Vì vậy, nhà mạng bắt buộc phải chuyển đổi nhanh hơn, mạnh hơn để trở thành một nhà cung cấp dịch vụ
 
Last edited:
Viettel trượt đấu thầu viễn thông Myanmar
Bất chấp sự phản đối của Hạ viện, Hội đồng Đánh giá và Sàng lọc nhà thầu viễn thông Myanmar (TOTSC) tối 27/6 vẫn quyết định công bố hai công ty được nhận giấy phép kinh doanh là Telenor của Na Uy và Ooredoo của Qatar

Hai hãng này vượt qua 9 ứng cử viên khác đã lọt vào danh sách rút gọn, trong đó có cả liên minh của tỷ phú đầu tư George Soros - hãng di động Digicel (Jamaica) - Công ty bất động sản Serge Pun và Viettel của Việt Nam

Trước đó, Hạ viện Myanmar tuyên bố kết quả đấu thầu viễn thông sẽ hoãn công bố cho đến khi luật quản lý mới có hiệu lực. Dự luật này vẫn đang chờ Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, giới truyền thông đều tỏ ra nghi ngờ do việc công bố được chỉ đạo trực tiếp bởi TOTSC

Kết quả trên đã chấm dứt cuộc đua ròng rã 6 tháng của 91 ứng cử viên quan tâm đến hai giấy phép kinh doanh viễn thông tại Myanmar. Đây được coi là một trong những phần thưởng lớn nhất cho các nhà đầu tư ngoại kể từ khi Tổng thống Myanmar Thein Sein cải tổ nền kinh tế năm 2011. Hai giấy phép có thời hạn 15 năm với quyền khai thác viễn thông trên phạm vi cả nước

Công ty trúng thầu sẽ phải đảm bảo cung cấp dịch vụ thoại trên 75% tỉnh thành Myanmar trong vòng 5 năm và dịch vụ truyền dữ liệu tại một nửa đất nước. Đến nay, mới có gần 10% dân số Myanmar được tiếp cận điện thoại di động

Sigve Brekke, Giám đốc Telenor châu Á cho biết: "Chúng tôi rất mong muốn hợp tác với Chính phủ và người dân Myanmar để đẩy mạnh viễn thông. Đây là ngành công nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại Myanmar"

Cả Telenor và Ooredoo đều không công bố giá trị gói thầu hoặc số tiền dự định đầu tư để xây hệ thống mạng di động trên cả nước. Tuy nhiên, theo một công ty tham gia đấu thầu, lắp đặt hệ thống mạng sẽ tốn trên 2 tỷ bảng (hơn 3 tỷ USD). Trong khi đó, Digicel cho biết họ đã chuẩn bị đầu tư tới 6 tỷ bảng (9,1 tỷ USD) nếu thắng

Thùy Linh
 
Last edited:
Viettel tiếc vì trượt thầu tại Myanmar
Đại diện Viettel cho rằng đây là một thông tin đáng tiếc nhưng cũng không quá bất ngờ vì tập đoàn phải cạnh tranh với những đối thủ có tiềm lực rất mạnh

Hội đồng Đánh giá và Sàng lọc nhà thầu viễn thông Myanmar (TOTSC) vừa công bố hai công ty được nhận giấy phép kinh doanh tại quốc gia này là Telenor của Na Uy và Ooredoo của Qatar. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel ) - ứng viên duy nhất của Việt Nam tham gia cuộc đua này cùng 6 đại gia khác của làng viễn thông thế giới đã phải dừng cuộc chơi

Đại diện Viettel nói với VnExpress.net sáng 28/6 rằng, đây là một tin đáng tiếc đối với tập đoàn. Nhận định Myanmar là một thị trường rất tiềm năng, ngay từ khi tìm kiếm cơ hội đầu tư, bản thân doanh nghiệp cũng xác định phải cạnh tranh với những đối thủ rất mạnh về mọi mặt, đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, việc không giành được gói thầu cũng không quá bất ngờ. Vị đại diện Viettel cho biết tập đoàn có những dự định tương lai mà hiện nay chưa thể tiết lộ

Lãnh đạo một doanh nghiệp lớn cũng đang đầu tư sang Myanmar cũng nhận định: "Hai đơn vị giành được gói thầu có tiềm lực rất 'khủng', bên cạnh đó, các đối thủ khác cũng mạnh". Cho rằng đây là việc đáng tiếc cho Viettel trong cuộc đua ròng rã với 91 ứng cử viên khác, tuy nhiên, ông vẫn thấy đây là lựa chọn hợp lý của Myanmar

"Người Myanmar có sự suy tính về đường dài và dựa trên cơ chế thị trường để chọn những người làm tốt nhất cho họ. Đây cũng là lý do mà trước đây khoảng 2 tháng, họ đẩy China Mobile của Trung Quốc ra khỏi gói thầu viễn thông. Chính điều này vẽ lại bức tranh trong cuộc đua", ông cho hay

Vị lãnh đạo này cũng nhận định, lựa chọn trên của Myanmar có vẻ nhằm cân bằng giữa nguồn lực tài chính và công nghệ. Trong 2 đối tác trúng thầu, Telenor rất có kinh nghiệm về công nghệ, đã phát triển mạnh tại các nước châu Mỹ - Latinh, còn Ooredoo lại mạnh về tài chính.

Đồng tình với quan điểm của đại diện trên, một lãnh đạo của Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài chia sẻ, lý do Myanmar không chọn Viettel có thể liên quan nhiều tới vấn vấn đề công nghệ và quản lý khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế

"Viễn thông là một lĩnh vực công nghệ cao nên tâm lý của nước sở tại bao giờ cũng muốn chọn những hãng, tập đoàn lớn có công nghệ, quản lý tốt. Trong khi đó, Viettel chưa có nhiều danh tiếng trên thế giới, vẫn phải mua thiết bị từ nước ngoài", ông nhận xét

Bên cạnh đó, theo vị này, Viettel cũng vấp phải khó khăn vì thị trường Myanmar đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm nên tính cạnh tranh rất khốc liệt, đặc biệt là lĩnh vực viễn thông vốn bị quản chặt về số lượng tham gia

So sánh với những lần trúng thầu của Viettel tại Mozambique, Lào hay Campuchia, ông cho rằng đây là những thị trường khác hẳn với Myanmar. "Đó là những mảnh đất nhỏ và chưa có nhiều nhà đầu tư thực sự có tiềm lực nhòm ngó", ông nhận định

Chia sẻ trên Reuters, Jeremy Sell - Giám đốc chiến lược của Ooredoo cho biết đã lên kế hoạch đầu tư 15 tỷ USD trong vòng 15 năm tại Myanmar, bao gồm vốn đầu tư ban đầu, chi phí vận hành, phí lấy giấy phép và thuế. Còn Telenor chưa có tiết lộ cụ thể về những con số này

Về những kinh nghiệm trong việc đầu tư tại quốc gia này, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên cho rằng người Myanmar không chịu sức ép của lợi ích nhóm, hoặc bị hấp dẫn lớn bởi những giá trị ảo

"Điều này giúp những lựa chọn của họ hiện rất tốt, vì giá trị và quyền lợi thật. Do đó, một thông điệp cho doanh nghiệp Việt khi đầu tư vào Myanmar là tập trung vào giữ uy tín và chất lượng các dịch vụ, sản phẩm mới có thể đứng vững trên thị trường", vị này cho hay

Nguyễn Hà - Huyền Thư
 
Last edited:
Quả đắng xuất ngoại của Viettel
Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) không thể vui khi Hội đồng Đánh giá và Sàng lọc nhà thầu viễn thông Myanmar (TOTSC) xướng tên 2 công ty được nhận giấy phép đầu tư và kinh doanh mạng viễn thông tại Myanmar. Đó là Telenor (Na Uy) và Ooredoo (Qatar)

Mạnh vì gạo, bạo vì tiền

Như vậy, Viettel đã có bước khởi đầu không mấy suôn sẻ tại Myanmar, thị trường viễn thông được đánh giá là còn nhiều tiềm năng. Hiện quốc gia Đông Nam Á này có khoảng 60 triệu dân, nhưng tỉ lệ sử dụng dịch vụ viễn thông di động chưa đến 9% dân số

Thông tin từ TOTSC cho hay, 2 giấy phép cấp cho Telenor và Ooredoo có thời hạn 15 năm với quyền khai thác viễn thông trên phạm vi cả nước

Hai đại gia viễn thông này sẽ phải đảm bảo cung cấp dịch vụ thoại di động tại 75% tỉnh thành trong 5 năm và dịch vụ truyền dữ liệu tại hơn một nửa diện tích của Myanmar

Ông Fredrik Baksaas, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành Telenor, cho biết Telenor sẽ đầu tư mạng di động hiện đại nhất tại Myanmar. Telenor hiện sở hữu gần 150 triệu thuê bao di động tại 11 nước thuộc khu vực Trung, Đông Âu, châu Á và 18 thị trường khác thông qua 33% vốn sở hữu tại Tập đoàn Viễn thông VimpelCom (Nga)

Năm 2012, Telenor đạt mức doanh thu 16,5 tỉ USD, lãi ròng 1,4 tỉ USD. Tập đoàn này đã cam kết sẽ chính thức triển khai mạng di động tại Myanmar trong năm sau và phủ sóng toàn quốc trong vòng 5 năm

Ngay sau thời điểm TOTSC công bố danh tính 2 công ty thắng thầu, hầu hết giới truyền thông quốc tế đều cho rằng, lựa chọn này là sự cân bằng giữa nhà đầu tư Ooredoo vốn có nguồn lực tài chính vượt trội và Telenor khá mạnh về công nghệ

Ông Jeremy Sell, Giám đốc Chiến lược toàn cầu của Ooredoo, cho biết: “Chúng tôi dự kiến sẽ đầu tư 15 tỉ USD trong vòng 15 năm tại Myanmar, bao gồm vốn đầu tư ban đầu, chi phí vận hành, phí lấy giấy phép và thuế”

Bại không nản

Tại sao Viettel lại thất bại trong cuộc đua đầu tư vào ngành viễn thông tại Myanmar? Xét về trình độ công nghệ, có lẽ Viettel không thua kém mấy so với các đại gia viễn thông thế giới. Như vậy, câu trả lời khả dĩ nhất chính là tiềm lực tài chính. Đến nay, cả Telenor và Ooredoo đều không công bố giá trị gói thầu. Nhưng theo Reuters, giá đấu thầu này có thể vào khoảng hơn 3 tỉ USD

“Viettel đã cố gắng hết sức, cả về giá bỏ thầu, chuẩn bị tài liệu, cũng như các cam kết hấp dẫn đối với Chính phủ Myanmar. Nhưng đơn vị trúng thầu đã bỏ giá rất cao, nên Viettel nếu có bỏ thêm 100 hay 200 triệu USD cũng không đạt hiệu quả”, ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Viettel, cho biết

Tuy nhiên, ông Trung vẫn khẳng định, Viettel sẽ không bỏ cuộc vì những đơn vị trượt thầu vẫn có thể hợp tác với Telenor và Ooredoo trong dự án đầu tư vào ngành viễn thông tại Myanmar

Bên cạnh đó, Viettel cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định đầu tư gián tiếp ra nước ngoài để rộng đường làm ăn. “Ở nhiều thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp đã mua hết giấy phép hoạt động trong lĩnh vực viễn thông. Nếu nhà mạng Việt Nam muốn tham gia khai thác, phải mua lại cổ phần trong các doanh nghiệp của họ”, ông Hoàng Anh Xuân, Tổng Giám đốc Viettel, cho biết

Thông tin từ Viettel cho thấy, hiện Tập đoàn đang đầu tư và kinh doanh tại 7 nước gồm Lào, Campuchia, Myanmar, Haiti, Mozambique, Peru và Cameroon với tổng số thuê bao đang hoạt động là khoảng 10 triệu

Tương tự thị trường viễn thông Việt Nam cách đây vài năm được ví như con gà đẻ trứng vàng, tỉ suất lợi nhuận của Viettel ở các thị trường đang phát triển là rất khả quan. Năm 2009, Viettel đầu tư 40 triệu USD sang Campuchia bằng dự án Metfone

Dự kiến, cuối năm nay, chi nhánh Viettel tại Campuchia sẽ trả hết nợ ngân hàng, khấu hao xong 45.000 tỉ đồng và mạng viễn thông tại đây sẽ hoàn toàn trở thành tài sản của Viettel. Tại Mozambique, tập đoàn này khai trương mạng di động vào tháng 5.2012 đến cuối năm đã có lãi, dự kiến trong 3 năm sẽ khấu hao xong và trả hết nợ ngân hàng

Năm 2012, riêng mảng đầu tư ra nước ngoài của Viettel đã đem lại doanh thu gần 600 triệu USD, tăng 45% so với năm 2011. Năm nay, Viettel dự kiến sẽ chuyển khoảng 150 triệu USD lợi nhuận về nước từ mảng đầu tư ra nước ngoài

Ông Xuân Viettel khẳng định, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài chính là chiến lược dài hơi của Tập đoàn. Từ sau năm 2015, dự kiến thị trường nước ngoài của Viettel sẽ lớn hơn trong nước với khoảng 500 triệu dân

Vĩnh Bảo
 
Last edited:
Ví điện tử của Viettel giúp phổ cập thanh toán số ở quốc gia Châu Phi
Ngày 19/10/2019, tại Vienna (Áo), ví điện tử của Lumitel của Viettel tại Burundi (châu Phi), sẽ nhận giải Vàng ở hạng mục sản phẩm tăng trưởng nhanh nhất tại International Business Awards – IBA Stevie Awards

lumitel.jpg

Ví điện tử của Lumitel đã xây dựng được hệ thống kênh phân phối với 16.793 đại lý bao phủ 86% diện tích Burundi và trở thành dịch vụ mobile money có kênh phân phối lớn nhất tại Burundi

Stevie Awards là giải thưởng về kinh doanh được tờ New York Post mô tả là giải Oscar dành cho giới kinh doanh quốc tế

Lumitel bắt đầu cung cấp dịch vụ ví điện tử vào tháng 3/2017. Lúc đó, tại Burundi đã có 2 ví điện tử là Ecocash và Smart Pesa. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy một năm, ví điện tử của Lumitel đã xây dựng được hệ thống kênh phân phối với 16.793 đại lý bao phủ 86% diện tích Burundi và trở thành dịch vụ mobile money có kênh phân phối lớn nhất tại Burundi

Tại Burundi – một trong 10 quốc gia nghèo nhất thế giới, ví điện tử của Lumitel là ví điện tử duy nhất có thể sử dụng trên cả điện thoại cơ bản (điện thoại), khách hàng có thể truy cập và sử dụng dịch vụ trên nền USSD mạng 2G. Hiện tại, ví điện tử của Lumitel là ví điện tử số 1 tại Burundi với 1,4 triệu thuê bao đang hoạt động, tương đương hơn 60% thị phần. Kể từ đầu năm 2019 đến nay, ví điện tử của Lumitel đã kinh doanh có lãi và trở thành ví điện tử duy nhất do người Việt Nam vận hành có lãi hiện nay

Với ví điện tử này, người dân Burundi có thể chuyển tiền, rút tiền trên toàn quốc, thanh toán thuế, các khoản phí và lệ phí, thanh toán tiền điện, tiền nước, mua thẻ cào điện tử… bằng điện thoại di động. Sau khi triển khai thành công các dịch vụ cơ bản, ví điện tử Lumitel đang phát triển các giải pháp thanh toán cho khách hàng doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, cơ quan quốc tế (UNHCR, WFP ...). Trong tương lai, ví điện tử này sẽ triển khai các dịch vụ mới như API, mã QR và APP, dịch vụ cho vay tiêu dùng và kinh doanh...

Sau hơn 2 năm vận hành, ví điện tử của Lumitel đã góp phần quan trọng đưa tỷ lệ người dân Burundi dùng ví điện tử lên 18%, cao hơn nhiều so với tài khoản ngân hàng (7% dân số)

Bà Remy Ndayishimiye - Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Burundi nói: “Chúng tôi đánh giá rất cao dịch vụ ví điện tử của Lumitel. Chúng tôi nhìn thấy sự chuyển biến rất rõ rệt khi họ không chỉ tạo ra việc làm mà còn giúp lưu thông không còn bị tê liệt. Tôi tin rằng họ thành công vì đã thâm nhập sâu hơn vào cộng đồng, kết nối người dân ở khắp nơi bằng điện thoại. Ví điện tử của Lumitel không chỉ tạo điều kiện cho người dân ở thành thị mà còn hướng tới những người ở vùng nông thôn khó khăn nữa. Giá cũng rẻ hơn nhiều”
 
Tập đoàn NVIDIA chia sẻ với Viettel về cơ hội xây dựng hạ tầng AI

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, ông Jensen Huang, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn NVIDIA đã có buổi làm việc với Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng. Ông Jensen Huang khẳng định Viettel và NVIDIA cùng có tầm nhìn về phát triển cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo

Ông Jensen Huang bày tỏ khâm phục về việc Viettel đã tạo ra cuộc cách mạng di động, đưa Việt Nam nhảy vọt từ ngành công nghiệp máy tính (PC) sang ngành công nghiệp di động, giúp mọi người dân Việt Nam kết nối với công nghệ. Ông cũng đánh giá cao cách Viettel tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng quốc gia và đó chính là cơ hội và nền tảng để xây dựng trí tuệ kỹ thuật số cho Việt Nam. Từ đó góp phần xây dựng nền kinh tế mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới và các doanh nghiệp mới, giúp Việt Nam trở thành nguồn tài nguyên quý giá nhất, là trí tuệ được tạo ra từ siêu máy tính trí tuệ nhân tạo. Làn sóng này đang ở giai đoạn khởi đầu và đòi hỏi cơ sở hạ tầng”, ông Jensen Huang nhấn mạnh

“Trí tuệ nhân tạo của các bạn phải được tạo ra tại Việt Nam, vận hành tại Việt Nam và được cải tiến, nâng cấp tại Việt Nam”, ông lưu ý

Tại buổi làm việc, ông Tào Đức Thắng đề nghị NVIDIA hợp tác cùng Viettel trong cả 2 trụ cột của công nghệ AI: Hạ tầng siêu máy tính và đào tạo nhân lực

Viettel đề nghị hợp tác với NVIDIA xây dựng, đầu tư, kinh doanh, vận hành hạ tầng siêu máy tính sử dụng GPU, trước mắt quy mô 1.000 GPU đến 2025. Viettel có nguồn lực lớn về tài chính, quy hoạch hạ tầng trung tâm dữ liệu đồng bộ, và nhân lực để đảm bảo tiến độ triển khai. Viettel cũng đề nghị cùng NVIDIA thành lập Trung tâm đào tạo về AI, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ sinh thái, thúc đẩy đổi mới sáng tạo về AI cho cả hai bên và khu vực. Trung tâm đào tạo này sẽ nằm trong cơ sở đào tạo có sẵn của Viettel với các công cụ và giáo trình do NVIDIA thiết kế, hỗ trợ

<a><img></a>

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng phát biểu tại buổi làm việc

Trao đổi với Viettel về việc chiến lược xây dựng trung tâm dữ liệu hiệu quả, ông Jensen Huang cho biết nên ưu tiên đầu tư các trung tâm dữ liệu theo hướng tập trung thay vì nhiều cơ sở hạ tầng nhỏ. “Các mô hình lớn cần các máy tính lớn hoạt động cùng nhau. Một trung tâm dữ liệu có công suất 100 MW sẽ tốt hơn 10 trung tâm, mỗi trung tâm 10 MW”, ông Jensen Huang lưu ý thêm và cho rằng việc xây dựng trung tâm dữ liệu nên đảm bảo diện tích và hệ thống làm mát đủ lớn ngay từ đầu, nhưng chưa đưa toàn bộ máy tính vào ngay mà bổ sung dần theo nhu cầu sử dụng, do giá thành thiết bị sẽ giảm dần theo thời gian

CEO NVIDIA cũng chia sẻ với đội ngũ Viettel AI về xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, công nghệ nền tảng của các AI tạo sinh nổi tiếng hiện nay, đánh giá đây là sản phẩm trong tầm với của Viettel trong vài năm tới, lý do là các hệ thống tính toán đang được cải thiện với tốc độ gấp đôi mỗi năm và việc đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn trở nên dễ dàng hơn. “Sau mỗi 5 năm, năng lực của chúng tôi đã tăng 100 lần, do đó chi phí cũng giảm 100 lần. 10 năm trước, lần đầu tiên huấn luyện mô hình thị giác máy tính, AlexNet, chúng tôi đã cần một siêu máy tính, giờ đây công việc này có thể thực hiện được trên một chiếc máy bàn”, ông Jensen Huang nói

Viettel tham gia vào mạng lưới đối tác toàn cầu của NVIDIA, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc thực hiện chiến lược AI quốc gia, góp phần đưa các giải pháp AI của Viettel ra thị trường quốc tế
 
Top