What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Asean News

LOBBY.VN

Administrator
Philippines, Myanmar, Thái Lan lập hiệp hội lúa gạo

Cơ sở sản xuất của hiệp hội sẽ đặt ở Myanmar, nơi có chi phí rất thấp và Chính phủ cung cấp nhiều ưu đãi về thuế

Các tập đoàn kinh doanh nông nghiệp chủ chốt của Philippines, Myanmar và Thái Lan đã thành lập một hiệp hội lúa gạo để phát triển chuỗi cung ứng gạo trong khu vực Đông Nam Á bằng cách sử dụng công nghệ giống lai độc quyền và chất lượng cao của tập đoàn SL Agritech Corp của Philippines

Henry Lim Bon Liong, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành SL Agritech, cho biết vài tuần trước tập đoàn đã ký một Bản ghi nhớ (MOU) với tập đoàn IBTC của Myanmar và công ty Capital Rice của Thái Lan nhằm thiết lập quan hệ đối tác khu vực tư nhân của ba quốc gia

Sự hợp tác nhằm thiết lập một "hiệp hội lúa gạo lớn nhất" trong khu vực. Theo đó, SL Agritech sẽ đóng góp công nghệ và giống lúa cho hiệp hội trong khi đối tác Myanmar sẽ cung cấp đất để sản xuất, còn Thái Lan sẽ xử lý tiếp thị toàn cầu

Bản MOU quy định việc tiến hành các nghiên cứu khả thi để xác định đất cho sản xuất và hoàn thiện chi tiết mối quan hệ đối tác vào cuối tháng 12 năm nay

Cơ sở sản xuất của hiệp hội sẽ đặt ở Myanmar, nơi có chi phí rất thấp và Chính phủ cung cấp nhiều ưu đãi về thuế

Ông Lim cho biết, tập đoàn đối tác IBTC là nhà sản xuất hàng đầu của Myanmar, tiếp thị và phân phối các loại đồ uống có cồn

Còn Capital Rice, một nhánh của tập đoàn STC, là một trong những nhà xuất khẩu gạo hàng đầu của Thái Lan. Ước tính xuất khẩu của đối tác Thái Lan đạt 2,2 triệu tấn trong năm 2011, trong khi trung bình hàng năm là khoảng 1,8 triệu tấn

Ông Lim cũng cho biết đầu tư ban đầu cho hiệp hội sẽ không quá lớn, khoảng từ 10-20 triệu USD, và dự kiến liên doanh sẽ bắt đầu hoạt động vào năm tới
 
Last edited:
Chương trình mua lúa giá cao của Thái Lan

8261b_thai_lan_va_nhung_he_luy_cu_zpse53429da.jpg

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra vận động tranh cử ở vùng nông thôn Thái Lan vào năm 2011

- Áp lực ngày càng tăng với Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra sau khi nội các Thái Lan phê duyệt ngân sách 240 tỉ baht (7,8 tỉ đô la Mỹ) để kéo dài chương trình mua lúa giá cao thêm một năm nữa vào ngày 2-10

Chương trình bắt đầu vào tháng 10-2012 và dự kiến sẽ mua 15 triệu tấn lúa. Các nghị sĩ đảng đối lập Dân chủ không tin các kho dự trữ lúa của chính phủ chỉ còn bốn triệu tấn như Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom thông báo. Họ nói còn 14 triệu tấn lúa trong các kho dự trữ

Ngày 3-10, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Thái Lan Virabongsa Ramang cảnh báo chương trình mua giá lúa giá cao sẽ đe dọa sự ổn định của quốc gia và cần hủy bỏ. Ông nói chương trình này ngốn một khoản ngân sách lớn của chính phủ và có thể làm nảy sinh tham nhũng

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra phản bác quan điểm của ông Ramang. Bà cho rằng tăng thu nhập của nông dân sẽ giúp kích thích nền kinh tế

Lỗ 80 tỉ baht vì mua lúa giá cao

Thách thức ẩn chứa trong chính sách trợ cấp nông nghiệp vẫn là vấn đề nhức nhối của các nước có mức thu nhập trung bình: Làm thế nào để thu nhập người dân ở vùng nông không tụt sâu hơn nữa so với thu nhập người dân thành thị

Các chuyên gia cảnh báo các chính sách theo hướng chủ nghĩa dân túy như chương trình mua lúa giá cao có thể dẫn đến những hệ lụy tiêu cực cho ngân sách của chính phủ

Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra quyết định mua lúa cao hơn 40% so với giá thị trường vào năm ngoái với ước vọng sẽ giúp tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa. Những nông dân này đang đòi hỏi chính phủ phân phối thịnh vượng tốt hơn và không phải ngẫu nhiên mà họ ủng hộ mạnh mẽ đảng cầm quyền Pheu Thai

Trong năm qua, chương trình thu mua giá lúa giá cao đã tiêu tốn của chính phủ Thái Lan khoảng 260 tỉ baht (8 tỉ đô la Mỹ) tính đến nay. Năm nay, giá gạo trong nước tăng lên trong thời gian ngắn khi hạn hán hoành hành ở Mỹ nhưng nói chung vẫn còn yếu

Chính phủ Thái Lan đã thu mua rất nhiều lúa và phải bán lỗ để giải phóng các kho dự trữ quá chật chội. Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom thừa nhận chính phủ lỗ khoảng 70-80 tỉ baht (47.600-54.400 tỉ đồng Việt Nam) cho chương trình mua lúa giá cao trong năm qua

Tính ra, trong năm qua, chính phủ Thái Lan đã chi 3,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chương trình mua lúa giá cao

Chất lượng gạo giảm

Nông dân Thái Lan đang sản xuất nhiều lúa gạo hơn nhờ chính sách hỗ trợ của chính phủ. Tuy nhiên, về lâu dài, chính chính sách thua mua lúa giá cao sẽ khiến nông dân tập trung vào sản lượng thay vì chất lượng

Nhà kinh tế trưởng Sutapa Amornvivat ở phòng nghiên cứu của ngân hành thương mại Siam (Thái Lan) cảnh báo chính sách mua lúa giá cao 15.000 baht (10,2 triệu đồng VN)/tấn sẽ hủy hoại hiệu quả sản xuất lúa gạo

Nông dân sẽ chạy đua tăng sản lượng bằng cách sử dụng nhiều phân bón hóa học và làm hỏng đất đai. Bà cho biết sản lượng gạo của Thái Lan năm ngoái giảm xuống chỉ còn 450kg/rai (1.600 m2), chỉ bằng phân nửa so với Việt Nam. Điều đáng lo ngại hơn là việc chạy đua sản lượng sẽ khiến chất lượng gạo của Thái Lan xuống thấp

Hơn nữa, chương trình mua lúa giá cao sẽ khiến Thái Lan mất vị trí xuất khẩu gạo số một thế giới do thua thiệt về lợi thế cạnh tranh

Hiện nay, giá gạo xuất khẩu Thái Lan cao hơn 30-40% so với giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Ấn Độ. Trong khi đó, Myanmar, từng là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đang bắt đầu cải cách và sẽ sớm nâng cao sản lượng như đã làm cách đây 10 năm nhờ chi phí lao động thấp

Bà Amornvivat kêu gọi chính phủ chi nhiều tiền hơn để cải thiện chất lượng gạo, tăng năng suất và củng cố sức cạnh tranh thay vì tiếp tục chương trình mua lúa giá cao. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) nhận định Thái Lan chỉ lấy lại vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới chỉ khi chấm dứt chương trình mua lúa lúa giá cao

Chính sách trợ cấp không đi đúng hướng

Dư luận chung có thể đồng tình với việc các nước công nghiệp chưa phát triển như Thái Lan đưa ra các chính sách trợ cấp nhằm tránh để các vùng nông thôn bị bỏ lại phía sau khu vực thành thị. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chương trình mua lúa gạo ở Thái Lan là giải pháp đúng

Điều cần thiết hơn là các nhà hoạch định chính sách Thái Lan cần thúc đẩy thu nhập nông thôn tăng tự nhiên thông qua tăng năng suất nông nghiệp qua cải tạo và bồi bổ đất đai, cơ khí hóa, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ mới

Chính sách trợ cấp nông nghiệp vẫn được thực hiện ngay cả ở những nền kinh tế phát triển như Mỹ hay châu Âu nhưng tác động tài chính của chúng chỉ ở mức nhỏ vì nông dân chỉ chiếm 3-5% lực lượng lao động

Trong khi đó, ở các nước thu nhập trung bình, nông dân chiếm đến 20-30% lực lượng lao động, do vậy, các nước này có nguy cơ bị kẹt với khoản ngân sách khổng lồ dành cho các chương trình trợ cấp nông nghiệp

Đưa ra chương trình mua lúa giá cao, bà Yingluck đang tự đặt mình vào thế đặng chẳng đừng vì bà đang cần sự ủng hộ của bộ phận cử tri nông thôn để củng cố sức mạnh chính trị. Nếu bà ngưng chương trình, nông dân sẽ không chịu ngồi yên và căng thẳng xã hội có thể trỗi dậy

Bằng chứng là ngày 2-10, 3.000 nông dân đã tụ tập trước Viện quản lý phát triển quốc gia Thái Lan để biểu tình phản đối sau khi một nhóm học giả của viện này kiến nghị tòa án hiến pháp Thái Lan ra quyết định ngưng chương trình mua gạo giá cao

Chánh Tài - Reuters
 
Last edited:
Người nước ngoài dễ kiếm tiền ở Đông Nam Á

vnm2012490317_zps877b8736.jpg

Đây là kết quả từ cuộc khảo sát Expat Explorer của HSBC được thực hiện với hơn 5.300 người ở 4 châu lục trong năm 2012

Đông Nam Á đã trở thành là điểm thu hút người nước ngoài đến làm việc hàng đầu trên thế giới. Người nước ngoài cảm thấy họ kiếm nhiều tiền hơn và thoải mái với cuộc sống ở đây. Đây là kết quả từ cuộc khảo sát Expat Explorer của HSBC

Cuộc khảo sát lần thứ năm này đã được thực hiện với hơn 5.300 người ở bốn châu lục trong năm 2012. Nó đưa ra bảng xếp hạng các nơi được hài lòng nhất dựa trên các yếu tố như mức lương, thu nhập sau thuế và khả năng mua sắm đồ xa xỉ

Có đến 4 nước của Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đứng trong “top ten” của bảng xếp hạng năm nay. Singapore là nước giành vị trí số 1, tiếp sau đó là Thái Lan đứng thứ 3, Hồng Kông đứng thứ 4, Trung Quốc đại lục ở vị trí thứ 7 và Việt Nam đứng thứ 10

Tại Singapore, 54% số người nước ngoài tham gia khảo sát có thu nhập hơn 200.000 đôla một năm, trong khi con số này chỉ là 7% nếu tính trung bình toàn cầu. 46% người nước ngoài được hỏi tại Singapore làm việc trong ngành tài chính và 67% ở lứa tuổi 35 – 54

Bên cạnh đó, 80% những người nước ngoài cho biết thu nhập sau thuế của họ tăng kể từ khi đến ở Singapore. Xu hướng thu nhập tăng thêm cũng phổ biến ở các nơi khác ở châu Á như Hồng Kông (79%), Malaysia (72%) và Trung Quốc đại lục (69%)

Chỉ có 25% người sống ở nước ngoài trên thế giới cho rằng cuộc sống xã hội của họ sôi động hơn khi rời quê hương, trong khi tỷ lệ này đối với những người sống ở Đông Nam Á cao gấp đôi. Theo báo cáo, có hai nhân tố khiến người ta muốn ra nước ngoài là muốn tìm kiếm cuộc sống tốt hơn cũng như môi trường xã hội tốt hơn. Dường như những người nước ngoài sống ở Đông Nam Á đánh giá cao những ưu điểm này ở đất nước họ đang sống

Các nước Trung Đông có tỷ lệ hài lòng về cuộc sống và kinh tế rất cao, chẳng hạn Oman: 90%, Qatar 89%, Saudi Arabia 83%, UAE 77% và Kuwait 68%... so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là 59%. Mặc dù có thu nhập cao và hài lòng với chất lượng cuộc sống nhưng đa số người nước ngoài sống tại đây cho biết họ chỉ có kế hoạch ở ngắn hạn

Điều này cho thấy nhiều người nước ngoài có xu hướng chuyển đến Trung Đông trong một thời gian nhất định để hưởng những lợi thế về thu nhập trước khi quay trở về nước hoặc đến khu vực khác

Trong khi đó, người nước ngoài làm việc ở châu Âu tỏ ra bi quan, khi 68% ở Anh và 48% ở Pháp không hài lòng về tình trạng kinh tế của nước họ sống. Những người nước ngoài ở châu Âu cảm nhận rất rõ về cuộc khủng hoảng ở đây, đặc biệt nhất là những người sống ở Tây Ban Nha. 92% những người nước ngoài sống ở Tây Ban Nha, nước đang vật lộn với tình trạng khủng hoảng nợ công, bày tỏ sự thất vọng về tình trạng hiện tại của nền kinh tế

Mặc dù bi quan về môi trường kinh tế hiện tại, nhưng đa số người nước ngoài ở châu Âu cho thấy sức chịu đựng bền bỉ trước cơn khủng hoảng ngày một lan rộng

Trong khi 13% người sống ở nước ngoài trên thế giới cho biết họ đang tìm cách chuyển khỏi nước hiện tại thì không người nước ngoài nào (0%) ở Tây Ban Nha tìm cách chuyển đi và 74% vẫn muốn ở lâu dài. Những cư dân ngoại quốc ở Anh và Pháp cũng có thái độ tương tự, 71% và 69% là tỷ lệ tương ứng số người muốn ở lại lâu dài, so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là 62%

Đức dường như là nước châu Âu lạc quan duy nhất, khi 91% người nước ngoài ở đây tin rằng kinh tế đang đi lên hoặc ít nhất cũng không thay đổi

Cuộc khảo sát Expat Explorer là cuộc khảo sát hàng năm lớn nhất cho đến nay về người di cư vì mục đích công việc. Kết quả phản ánh quan điểm, xu hướng của những người đang sống và làm việc ở nước ngoài

Dương An
 
Last edited:
Lý do khiến ASEAN muốn Obama thắng cử

Ngày 7/11, cộng đồng quốc tế sẽ biết người mà cử tri Mỹ chọn trong cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng với các nước Đông Nam Á, Obama chính là lựa chọn, rõ như ban ngày

obama_22.jpg

Giới phân tích cho rằng Barack Obama là vị tổng thống Mỹ hiểu và đánh giá cao ASEAN nhất

Đó là đánh giá của tờ The Nation, báo tiếng Anh lớn nhất của Thái Lan. Điều này cũng trùng với mong muốn của đa số người Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Một thống kê công bố hôm qua cho thấy, nếu thế giới được bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ, ông Obama sẽ giành chiến thắng vang dội với 81% phiếu bầu. Trở lại với ASEAN, The Nation cho rằng có 10 lý do để hiệp hội này muốn Obama tại vị

Các nhà lãnh đạo ASEAN muốn Obama ở lại Nhà Trắng để ông có thể tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, sự kiện sẽ diễn ra tại Phnom Penh trung tuần tháng này. Hội nghị sẽ là một trong những cuộc gặp quan trọng nhất giữa lãnh đạo ASEAN với lãnh đạo các cường quốc thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ

Mỗi cường quốc đều sắp trải qua những thay đổi lớn do những lợi ích trong nước lẫn bên ngoài. Đối với ASEAN, Obama đại diện cho sự tiếp tục các cam kết của Mỹ đối với châu Á

Nếu cựu thống đốc Mitt Romney giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông sẽ chẳng có lý do nào để tới Đông Nam Á trong tương lai. Nhiệm vụ đầu tiên của Romney sẽ là củng cố bộ máy chính quyền và thay đổi chính sách đối ngoại đối với Trung Đông, tập trung vào Iran và Israel. Nếu Romney hướng tới châu Á thì ông sẽ chỉ quan tâm tới Trung Quốc và Nhật Bản. ASEAN sẽ nằm ở vị trí cuối cùng trong danh sách ưu tiên của ông

Giới chức Campuchia, nước đang giữ vai trò chủ tịch ASEAN, thực sự vui mừng khi Obama xác nhận ông sẽ thăm Campuchia và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Đây là dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng tin tưởng rằng Obama sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hôm nay. Sau sự cố khiến ASEAN không thể đưa ra thông cáo chung trong cuộc họp thường niên hồi tháng 7, đương nhiên Phnom Penh rất muốn chứng tỏ rằng họ theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập đối với các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc

Cả giới chức Myanmar và Thái Lan đều muốn tổng thống Obama tới thủ đô của họ trong chuyến công du tới Phnom Penh. Các nhóm an ninh tiền trạm của Mỹ đã tới hai nước để chuẩn bị cho khả năng có chuyến thăm bất ngờ của ông trước Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Chuyến thăm của ông chủ Nhà Trắng tới Myanmar, Thái Lan và Campuchia sẽ đều mang tính lịch sử, đặc biệt là với Myanmar

Những cải cách gần đây tại Myanmar nổi bật đến nỗi Obama không thể làm ngơ. Trên thực tế, quan hệ giữa Mỹ và Myanmar ngày càng trở nên ấm hơn. Nếu tới tận Campuchia và Myanmar mà không đặt chân lên Thái Lan, một đồng minh lâu đời của Mỹ, chắc chắn là không thể được

Để khẳng định vai trò của Thái Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Penetta sẽ đáp xuống Bangkok trước khi tới Siem Riep vào ngày 15/11, còn Ngoại trưởng Mỹ cũng tới Bangkok trong hai ngày trước khi tới Phnom Penh

Obama là tổng thống Mỹ hiểu và đánh giá cao ASEAN nhất. Trong vòng 4 năm qua, Obama đã thành công trong việc tạo dựng niềm tin đối với phần lớn giới lãnh đạo ASEAN. Trên thực tế, ASEAN đang muốn tổ chức tiếp một cuộc họp giữa lãnh đạo khối với Obama. Những cuộc gặp gỡ Obama trước đây đều mang đến kết quả tốt. Giới quan sát nhận định Obama đã giúp Mỹ thiết lập và duy trì vai trò của Washington trong mối quan hệ với ASEAN

Các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao chính sách cân bằng của Mỹ. Nếu Obama tiếp tục nắm quyền, những chính sách của ông sẽ bước vào giai đoạn thứ hai, với mức độ tham gia lớn hơn với ASEAN trong mọi lĩnh vực. Kế hoạch thăm Myanmar của Obama sau Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và việc Mỹ mời Myanmar làm quan sát viên trong cuộc tập trận Hổ Mang Vàng vào năm sau là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Washington chủ trương tăng mức độ hợp tác an ninh với các nước Đông Nam Á. Với sự hiện diện và cam kết mạnh hơn của Mỹ, Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương sẽ có thể trở thành hiện thực do một số nước ASEAN sẽ muốn tham gia hiệp định. Ngược lại, ông Mitt Romney sẽ không tập trung vào toàn bộ châu Á

Đông Nam Á trông chờ một tổng thống Mỹ có một chính sách đối ngoại thực tế đối với Trung Quốc. Nằm gần nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mang đến cả cảm giác dễ chịu lẫn căng thẳng cho ASEAN. Khối 10 quốc gia này đang học cách đối phó với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lớn mạnh hơn và tỏ ra tự hào với những thành tựu mà họ đạt được. Chính quyền Obama muốn vừa cạnh tranh vừa hợp tác với Trung Quốc – một chủ trương phù hợp với quan điểm của ASEAN. Khối này sẽ hưởng lợi từ sự cân bằng trong chính sách vừa hợp tác vừa cạnh tranh với Trung Quốc của Mỹ

ASEAN muốn một nhà lãnh đạo Mỹ không coi Nga là kẻ thù, mà coi đó là một nhân tố quan trọng trong hòa bình và ổn định khu vực này. Nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đang quay trở lại Đông Nam Á, đặc biệt là Đông Dương. Moscow muốn mối quan hệ gần gũi hơn với ASEAN và sẵn sàng thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường mối quan hệ. Ảnh hưởng của Nga tại Việt Nam, Lào và Campuchia vẫn còn hiện rõ

Nếu ông Obama tiếp tục lãnh đạo Mỹ, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ có thêm thời gian để dự liệu chính sách của bộ máy lãnh đạo mới tại Trung Quốc sau đại hội Đảng Cộng sản vào ngày 8/11. Trong một thập kỷ qua, ASEAN luôn cho rằng Trung Quốc sẽ điều chỉnh mọi bất đồng với khối này vì hai bên có nhiều lợi ích chung. Nhưng cuối cùng những tranh chấp ở Biển Đông đã làm thay đổi quan niệm cố hữu đó

Từ nay về sau, ASEAN sẽ phải cố gắng “giải mã” ý định của thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc đối với khu vực. Nếu không làm được việc đó, sự nghi ngờ lẫn nhau giữa hai bên sẽ trở nên sâu sắc hơn. Trong cuộc họp vừa qua tại Pattaya, Thái Lan, các quan chức cấp cao của Trung Quốc và ASEAN không thể ấn định ngày khởi động đàm phán về quy tắc ứng xử trên Biển Đông

Trong khi các quan chức ASEAN tỏ ra nhã nhặn và tích cực, các quan chức Trung Quốc sử dụng những ngôn từ thẳng thắn và cứng rắn. Họ khẳng định Bắc Kinh sẽ không bao giờ nhân nhượng và mọi hành động gây hấn sẽ bị đáp trả xứng đáng

Những nhà lãnh đạo châu Á, đặc biệt là những nước Hồi giáo, không muốn chính sách của Romney – sẵn sàng chiến tranh với Iran – bởi họ có mối quan hệ song phương tốt đẹp với Tehran. Bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu, một số nước châu Á vẫn giao thương với Iran. Thái Lan, Indonesia và Malaysia có mối quan hệ kinh tế rộng với quốc gia Hồi giáo

Việt Linh
 
Last edited:
Có một cuộc khủng hoảng gạo ở Thái Lan

Sau nhiều năm là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, các chính sách dân túy của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đang gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp nước này

Tiến sĩ Vitthaya Inala, thượng nghị sĩ Quốc hội Thái Lan của tỉnh Nakhom Phanom, hiện đang có những quyết định khó khăn. Phần lớn trong số 750.000 cử tri ở tỉnh Nakhom Phanom là sống nhờ cây lúa và hiện đang được hỗ trợ đầy đủ bởi một chương trình của Chính phủ Thái Lan hứa hẹn mua lại gạo của họ với mức giá khoảng 488 USD cho mỗi tấn gạo trắng, cao hơn nhiều so với thu nhập của họ trong quá khứ

“Nếu điều này thành công, nông dân nghèo sẽ được nhận lợi ích và sẽ rất tốt cho người dân Thái Lan”, tiến sĩ Vitthaya nói. Ngoại trừ việc chính sách cam kết giá lúa của Chính phủ nước này đã được chứng minh là một sự thất bại, ông nói thêm

Tuần trước, Ủy ban Thượng viện về kinh tế, thương mại và công nghiệp, nơi ông Vitthaya làm Phó chủ tịch, đã nộp một báo cáo trong đó đổ lỗi cho chương trình dân túy về tình trạng tham nhũng tràn lan và đổ một núi nợ tăng cao tương đương với những núi gạo đang tồn trong kho của Thái Lan – một chính sách dân túy được coi là một phần trong những nền tảng động lực (dù chưa rõ ràng) đã đưa bà Yingluck lên nắm quyền lực hồi tháng Năm năm ngoái

Kế hoạch này đang đe dọa sẽ gây ra một tổn hại lớn cho Chính phủ Thái Lan, một số người còn cho rằng thậm chí điều này có thể gây hại cho liên minh của chính phủ do bà Thủ tướng nắm quyền

Các lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã chỉ trích kế hoạch này, kể cả các học giả, các nhà kinh tế và thậm chí là Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cảnh báo tác động của chính sách giá gạo quốc tế. Cuối tháng này, Thủ tướng Yingluck của Đảng Người Thái yêu người Thái sẽ phải đối mặt với một cuộc điều trần kéo dài hai ngày trước phe đối lập và Thượng viện để trả lời cho câu hỏi: Tại sao chính sách này lại đi sai đến như vậy ?

Về lý thuyết, chính sách này tạo ra cảm giác hoàn hảo. Nếu bạn trả cho nông dân cao hơn giá thị trường lúa gạo, họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Gạo Thái Lan, được biết đến với chất lượng khá cao và có uy tín, sẽ tăng giá cao trên thị trường thế giới

Nhưng với mức giá 15.000 baht/tấn (488 USD) và 20.000 baht/tấn (680 USD) cho loại gạo chất lượng cao hoa nhài Hom Mali được các nhà phê bình cho rằng nó đã trở nên quá đắt. Với mức giá đó, cộng thêm chi phí và lưu trữ kho đã tích lũy cho người mua phải thanh toán một hóa đơn lũy tiến quá lớn

Một báo cáo gần đây của Thượng viện cho biết nợ công của Thái Lan ở mức 42,4% GDP vào cuối tháng 4/2012, nó sẽ tăng trung bình 4% mỗi năm nếu Chính phủ nước này tiếp tục kế hoạch hỗ trợ cho ngành gạo. Chương trình cam kết lúa gạo đã được hỗ trợ 300 tỷ baht trong năm nay và được chính phủ hứa sẽ bổ sung 405 tỷ bạt cho năm 2013, tương đương 33 tỷ USD

Trong khi đó, lượng lúa gạo lưu trữ đang dần có chất lượng xấu đi, theo hiệp hội sản xuất lúa gạo Thái Lan cho biết. Chính phủ Thái Lan sẽ vấp phải áp lực khi nước này bước vào vụ thu hoạch thứ hai trong năm, buộc chính phủ phải bán càng nhiều gạo càng tốt, nếu không nước này có nguy cơ thiếu hụt trầm trọng các nhà kho lưu trữ gạo

Ước tính có khoảng 14 triệu tấn gạo đang được lưu trữ trên khắp Thái Lan, một kỷ lục mới, nhiều hơn rất nhiều so với mức có thể bán được trong một năm, thậm chí là nhiều hơn mục tiêu xuất khẩu đầu tham vọng 8,3 triệu tấn gạo trong năm 2013 của chính phủ nước này

Tháng trước, báo chí Thái Lan cho biết, Bộ Thương mại đã thực hiện một thỏa thuận “nguyên tắc” về việc lưu trữ lúa gạo trong một nhà chứa máy bay tại Sân bay Dong Muang ở Bangkok trong một nỗ lực tìm kiếm kho chứa khi vụ thu hoạch sắp đến. “Chúng tôi đang tìm kiếm kho chứa ở bất cứ đâu”, ông Amraporn Suntivong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kho công cộng của chính phủ Thái Lan cho biết, “chúng tôi mời các chủ kho tiến lên phía trước”

Khi Đảng Dân chủ đưa ra câu hỏi cho Chính phủ về chương trình này vào cuối tháng này, nó được cho là sẽ chỉ đến bằng chứng cho rằng chủ kho đang được hưởng lợi từ chương trình với việc thuê nơi lưu trữ tăng mạnh trong những tháng gần đây

Phan Sương
 
Last edited:
Indonesia có thể là cơ sở công nghiệp của ASEAN
Chủ tịch KADIN nhận định Indonesia có tiềm năng rất lớn để trở thành một cơ sở công nghiệp chế tạo và chế biến trong khu vực ASEAN

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) Suryo Bambang Sulisto nhận định Indonesia có tiềm năng rất lớn để trở thành cơ sở công nghiệp chế tạo và chế biến của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) sau khi thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015 (AEC-2015)

Phát biểu tại một cuộc Hội thảo được tổ chức bên lề Hội chợ Triển lãm IBEX-2013 (Indonesia Banking Expo 2013) từ 21 đếm 25/5 ở Jakarta, ông Suryo Bambang Sulisto nhấn mạnh rằng tiềm năng nói trên của Indonesia - quốc gia lớn nhất, đông dân nhất và cũng là nền kinh tế lớn nhất khu vực, có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc đất nước có chuẩn bị sẵn sàng và đáp ứng đầy đủ về cơ sở hạ tầng, đất đai và nguồn nhân lực có tay nghề cao

Theo ông Suryo Bambang Sulisto, để có thể hội nhập và tận dụng được các cơ hội cũng như đối phó hiệu quả với những thách thức từ AEC-2015, điều quan trọng nhất Indonesia cần phải chuẩn bị là yếu tố xã hội, cụ thể là để người dân chấp nhận AEC nói riêng và Cộng đồng ASEAN nói chung, và để các mục tiêu lớn lao này không chỉ thuần túy là ý chí của các nhà lãnh đạo

Ông Suryo Bambang Sulisto khuyến cáo Indonesia hiện vẫn chưa có một sự chuẩn bị nhất quán và có hệ thống cho người dân và cho các doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa để cạnh tranh trong AEC nói riêng và trong một Cộng đồng ASEAN nói chung

Vì vậy chính phủ và các ngành các cấp cần có biện pháp để các doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa hoàn thành vai trò của mình trong AEC, bởi Indonesia còn rất nhiều vấn đề cần hoàn thiện trong việc kết nối, tích hợp các thành phần trong nước
 
Last edited:
Top