What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Cờ Vây kinh tế ThaiLand

LOBBY.VN

Administrator

Tài phiệt giàu nhất Thái Lan - Họ là ai

Nhắc đến Thái Lan, có lẽ người ta sẽ nghĩ ngay tới du lịch. Nhờ du lịch, nền kinh tế Thái Lan đã phát triển vũ bão trong 1 thập kỷ từ năm 1985 - 1995 và nhanh chóng đưa nước này trở thành một quốc gia công nghiệp mới

Những điểm đến nổi tiếng như Ayutthaya, Pattaya, Bangkok, Phuket, Krabi, Chiang Mai, hay Ko Samui được xem là những nhân tố quan trọng đóng góp cho nền kinh tế

Tuy nhiên, những người giàu nhất Thái Lan lại không làm giàu trực tiếp nhờ du lịch

Dhanin Chearavanant, tỷ phú gốc Hoa hiện giàu nhất Thái Lan, đồng thời cũng đang là người giàu nhất Đông Nam Á lại hoạt động chính của trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2012, Dhanin đã qua mặt một tỉ phú nông nghiệp khác là Robert Kuok của Malaysia để vươn lên vị trí số 1 Đông Nam Á. Tài sản của ông tăng gần gấp đôi trong năm qua, đạt mức 14,3 tỉ USD

Chareon Pokphand Group (C.P Group), tập đoàn do ông Dhanin sở hữu là một trong những tập đoàn nông nghiệp lớn nhất thế giới, trong đó là nhà sản xuất lớn nhất thế giới về thức ăn gia súc

Bên cạnh nông nghiệp, C.P còn hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ-phân phối (C.P All) và viễn thông (True Corp) hoạt động tại hàng chục quốc gia khác nhau. Năm 2013, ước tính doanh thu của hệ thống C.P Group đạt 46,3 tỉ USD

Ngay tại Việt Nam, C.P Group cũng không hề xa lạ. Công ty con của C.P Group - C.P Việt Nam cũng là tập đoàn cung cấp thịt gà công nghiệp cũng như thức ăn chăn nuôi lớn nhất nước ta

Riêng trong năm 2012, tài sản của tỉ phú này đã tăng gấp đôi trong nhờ vào sự phát triển tốt của chuỗi cửa hàng 7-Eleven

Trái ngược với chính sách "ngoại giao cây sậy" nổi tiếng trong lịch sử, các tỉ phú người Thái lại tỏ ra rất quyết liệt trong hoạt động M&A. Tháng hai vừa qua, Dhanin đã có thương vụ thâu tóm công ty nước ngoài lớn nhất tại Trung Quốc khi ông bỏ tới 9,4 tỉ USD mua lại 15% cổ phần của tập đoàn bảo hiểm lớn thứ 2 Trung Quốc – Ping An từ HSBC. Đây là vụ thâu tóm đắt giá nhất trong lịch sử Thái Lan

Đứng ở vị trí thứ hai Thái Lan, tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi cũng mạnh tay không kém. Khối tài sản của ông Charoen đã tăng gấp đôi trong năm qua, đạt 11,7 tỉ USD nhờ đà tăng của cổ phiếu Thai Bev, tập đoàn đồ uống lớn nhất Thái Lan

ThaiBev là một trong những đại gia nhóm ngó mua lại APB (tập đoàn sản xuất bia Tiger và cung cấp Heineken cho khu vực Đông Nam Á). Dù không thành công, ThaiBev lại tiếp tục khiến mọi người "sửng sốt" với thương vụ 11 tỉ USD mua lại luôn cả công ty mẹ của APB - tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore Fraser & Neave

Mới đây, hãng này còn muốn Pepsi và Coke "san sẻ" thị phần với mình khi giới thiệu Est Cola tại thị trường Thái Lan. Bên cạnh đồ uống, Charoen còn có nhiều công ty con hoạt động trong các lĩnh vực khác như khách sạn, bất động sản, khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại,...

Cựu thủ tướng Thái Lan bị lật đổ vào năm 2006 và đang phải sống lưu vong tại nhiều nơi trên thế giới. Ông Thaksin quay lại trong danh sách này khi ông được trả lại 1 tỉ USD trong số 2,3 tỉ USD bị chính phủ Thái Lan đóng băng. Hiện tại, ông vẫn nắm giữ SC Asset Co, công ty bất động sản mà bà Yingluck, em gái ông Thaksin và cũng là thủ tướng đương nhiệm của Thái Lan từng điều hành

Nhìn chung, bất động sản vẫn là ngành ưa thích của các tỉ phú khi có tới 6/10 tỉ phú Thái Lan hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản. Và một lần nữa, các tỉ phú gốc Hoa lại ghi điểm về tài kinh doanh của mình khi xuất sắc chiếm vị trí dẫn đầu

Trang Lam
 
Last edited:

Doanh nhân 42 tuổi gây chấn động chính trường Thái Lan

Khi Pita Limjaroenrat ra tranh cử, ít người tin rằng doanh nhân 42 tuổi này có thể chiến thắng, nhưng kết quả kiểm phiếu đã làm rung chuyển chính trường Thái Lan

Số liệu sơ bộ do Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) tổng hợp sau cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5 cho thấy đảng Move Forward của ông Pita Limjaroenrat đang dẫn đầu với 151 ghế nghị sĩ tại Hạ viện, nhiều hơn đảng Pheu Thai 10 ghế

Pita, 42 tuổi, hôm nay tuyên bố chiến thắng và thành lập liên minh 6 đảng, trong đó có Pheu Thai, để nắm quyền và đặt mục tiêu trở thành thủ tướng. Pheu Thai nhất trí liên minh với Move Forward, nhưng chưa thống nhất được việc ai sẽ ngồi vào ghế thủ tướng tương lai. Dù vậy, kết quả bầu cử vẫn gây ra cơn địa chấn trong chính trường Thái Lan, khiến Pita trở thành ngôi sao vụt sáng

Pita Limjaroenrat sinh ngày 5/9/1980, là con trai cả của Pongsak Limjaroenrat, cựu cố vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, người sau này sáng lập Agrifood, công ty kinh doanh dầu cám gạo. Pita cũng là cháu trai Padung Limjaroenrat, cựu thư ký Bộ trưởng Nội vụ và cố vấn thân cận của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra

Ông từng du học ở New Zealand, rồi trở về Thái Lan học bằng cử nhân tài chính tại Khoa Thương mại và Kế toán thuộc Đại học Thammasat. Năm 2002, ông tốt nghiệp loại xuất sắc và nhận học bổng của Đại học Texas ở Austin, Mỹ

Sau đó, ông trở thành sinh viên Thái Lan đầu tiên nhận học bổng của Đại học Harvard. Pita tốt nghiệp bằng thạc sĩ chính sách công tại trường John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại trường Sloan thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Mỹ

Năm Pita 25 tuổi, khi vừa bắt đầu chương trình thạc sĩ ở Mỹ, ông phải trở về Thái Lan để tiếp quản vị trí giám đốc điều hành của Agrifood, vốn đã sa sút sau khi cha ông bất ngờ qua đời. Hai năm sau, Agrifood lấy lại được vị thế, cho phép Pita trở lại Mỹ hoàn thành khóa học và lấy bằng thạc sĩ năm 2011

Tháng 12/2012, ông kết hôn với nữ diễn viên Chutima Teepanart, có một con gái, nhưng hai người ly hôn vào tháng 3/2019. Pita từng làm giám đốc điều hành của Grab Thái Lan từ năm 2017 tới 2018

Ứng viên Pita Limjaroenrat tại sự kiện vận động tranh cử ở Bangkok, Thái Lan ngày 22/4. Ảnh: AFP

Ứng viên Pita Limjaroenrat tại sự kiện vận động tranh cử ở Bangkok, Thái Lan ngày 22/4​

Từ một doanh nhân, Pita bắt đầu tham gia chính trị với tư cách thành viên đảng Future Forward. Theo lời mời của lãnh đạo đảng Thanathorn Juangroongruangkit, ông chấp nhận đề nghị trở thành ứng viên của đảng trong cuộc tổng tuyển cử Thái Lan năm 2019 và giành một ghế trong Hạ viện

Tháng 7/2019, ông có bài phát biểu tại Hạ viện, thảo luận về "Lý thuyết 5 nút", kêu gọi chính phủ tập trung vào chính sách nông nghiệp như quyền sở hữu đất đai, nợ của nông dân, cần sa, du lịch nông nghiệp và tài nguyên nước. Dù Pita thuộc đảng khác, bài phát biểu của ông đã được Bộ trưởng Nội vụ Anupong Paochinda trong chính quyền Thủ tướng Prayuth Chan-ocha khen ngợi

Hai tuần sau khi đảng Future Forward bị giải tán theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan vì sai phạm luật bầu cử vào đầu năm 2020, ông được bổ nhiệm làm lãnh đạo đảng mới Move Forward, trong đó có 54 nghị sĩ của Future Forward

Dù mới thành lập năm 2020, Move Forward kế thừa nền tảng ủng hộ đông đảo của Future Forward, kết hợp với sự năng nổ của Pita để tạo nên "địa chấn" trong tổng tuyển cử ngày 14/5

Pita đã hoạt động tích cực trong chiến dịch tranh cử, tận dụng sức trẻ và năng lượng dồi dào của mình để tiếp cận các cử tri trẻ, vốn khao khát thay đổi nền chính trị Thái Lan sau 8 năm chịu ảnh hưởng lớn của quân đội

"Chúng ta sẽ cùng nhau viết lại lịch sử chính trị Thái Lan. Bỏ phiếu cho Move Forward và Thái Lan sẽ thay đổi", ông nói với người ủng hộ tại Bangkok tuần trước

Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ bùng lên ở Bangkok năm 2020. Những người trẻ tham gia biểu tình yêu cầu kiềm chế quyền lực và kiểm soát chi tiêu của hoàng gia, vi phạm luật khi quân vốn được chính quyền quân sự thi hành quyết liệt

Điều 112 trong Bộ luật Hình sự Thái Lan quy định mức tù 3-15 năm đối với tội khi quân, được định nghĩa là mọi trường hợp "bôi nhọ, xúc phạm hay đe dọa nhà vua, hoàng hậu, thái tử hoặc thái tử phi"

Forward Move là đảng duy nhất hứa hẹn cải tổ luật khi quân, dù đây từ lâu được coi là chủ đề "cấm kỵ" trong chính trường Thái Lan. Ngay cả đảng Pheu Thái cũng cho biết họ sẽ để vấn đề này cho quốc hội quyết định

Nhưng Pita không thể hiện thái độ né tránh như vậy. Ông nói với các phóng viên rằng "bất kể thế nào, chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy cải cách luật khi quân"

Thitinan Pongsudhirak, nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nhận định sự quyết liệt này của Pita đã giúp ông thu phục các cử tri trẻ, giúp họ vươn lên vị trí dẫn đầu trong cuộc bầu cử. Cương lĩnh cải cách mạnh mẽ của đảng Move Forward cũng giúp họ giành được gần như toàn bộ 33 ghế nghị sĩ đại diện thủ đô Bangkok, kết quả mà những người lạc quan nhất trong đảng cũng khó hình dung được trước ngày 14/5

Bất chấp những tín hiệu tích cực từ kết quả bỏ phiếu sơ bộ, giới quan sát cho rằng con đường trở thành thủ tướng Thái Lan của ông Pita sẽ không dễ dàng. Đảng Pheu Thái nhất trí liên minh với Move Forward, nhưng chưa chấp thuận để ông làm ứng viên thủ tướng

Trước cuộc bầu cử, đảng Palang Pracharath thân quân đội đã nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Bầu cử, cáo buộc Pita không công khai đầy đủ tài sản khi tranh cử. Dù ông tuyên bố rằng không làm điều gì trái pháp luật, những cáo buộc như vậy có thể phần nào cản trở con đường đến với ghế thủ tướng

Thanathorn, lãnh đạo đảng Future Forward, tiền thân của đảng Move Forward, từng rơi vào rắc rối pháp lý tương tự sau cuộc bầu cử năm 2019. Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Thanathorn trước kỳ họp lưỡng viện bầu thủ tướng, trước khi ra phán quyết giải thể Future Forward

Tuy nhiên, Pita vẫn là ứng viên được nhiều cử tri Thái Lan yêu mến và đặt kỳ vọng

"Ông ấy chính là tương lai", một người ủng hộ tại Bangkok nói

"Tôi thực sự tin tưởng ông ấy", một người khác nói
 
Vườn ươm khởi nghiệp Thái Lan

Thái Lan đang học hỏi và tìm cách phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ theo mô hình vườn ươm mà Singapore đã áp dụng. Chính phủ Thái Lan đã hình thành một lộ trình cho các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư khác thu được lợi nhuận miễn thuế từ việc bán cổ phần của các startup

ThaiInnovation.jpg

Các chính sách ưu đãi thuế được ban hành vào tháng 6-2022 và áp dụng cho các công ty hoạt động ở Thái Lan trong một số lĩnh vực, bao gồm công nghệ xe hơi thế hệ tiếp theo, điện tử thông minh và công nghệ sinh học. Thái Lan đang ráo riết học kinh nghiệm thu hút nhà đầu tư được nhiều như Singapore dù còn gặp rất nhiều thách thức

Trước một Singapore thu hút nhiều nhà đầu tư

Singapore đã thành công trong việc tạo ra các startup hàng đầu từ nhiều thập niên qua

Gempei Asama, quản lý cấp cao của tập đoàn Deloitte Tohmatsu, cho rằng: “Singapore thu hút các quỹ đầu tư bởi nhà đầu tư rất dễ dàng thoái vốn”

Singapore là nền kinh tế đứng đầu châu Á trong chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm nay do hãng nghiên cứu thị trường StartupBlink của Israel công bố – đứng thứ sáu toàn cầu, Trung Quốc hạng 12 và Nhật Bản hạng 18. Tham nhũng thấp, thủ tục giấy tờ dễ dàng và dân số có trình độ tiếng Anh cao là những yếu tố góp phần vào thứ hạng cao của Singapore. Sự thuận lợi của môi trường kinh doanh của Singapore ngang bằng với các nước phương Tây

Trong khi đó, Thái Lan đứng thứ 52 trên thang điểm hệ sinh thái khởi nghiệp, sau Indonesia ở hạng 41 và Malaysia xếp thứ 43

Những thách thức của Thái Lan

Deloitte đã xác định 13 điểm thách thức lớn ảnh hưởng đến hệ sinh thái khởi nghiệp của Thái Lan, trong đó có tình trạng độc quyền của các nhóm lợi ích hay tập đoàn, thiếu nhà đầu tư và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này có thể khiến các startup thoái lui. Tuy nhiên, việc miễn thuế lãi từ vốn hiện đang bắt đầu thúc đẩy đầu tư vào ngành công nghiệp khởi nghiệp

Theo DealStreetAsia, các startup Thái Lan đã huy động được 530 triệu đô la trong quí 1-2023, nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2019 trước đại dịch. Ngân hàng Ayudhya của Thái Lan cũng có kế hoạch ra mắt quỹ khởi nghiệp trị giá 1 tỉ baht (28,7 triệu đô la) vào tháng 9 sắp tới với mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái cho các công ty khởi nghiệp Thái Lan

Phần lớn vốn tập trung vào các startup tương đối quy mô hoặc đang trong giai đoạn tăng trưởng, nên các startup Thái Lan ở giai đoạn đầu gặp khó khăn về vốn. Vốn cho những startup non trẻ vẫn trong tình trạng khan hiếm

Ngoài ra, thủ tục giấy tờ và quy định về kinh doanh khá phức tạp ở Thái Lan vẫn là mối lo ngại; không có cơ quan chính phủ tập trung vào việc xử lý giấy tờ hay hỗ trợ các công ty mới. Người sáng lập phải mang đơn đến nộp ở nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau. Nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của chính phủ yêu cầu các startup phải gửi văn bản để được hỗ trợ, việc phê duyệt có thể mất nhiều năm…

Cuối năm 2022, Bangkok được xếp hạng 99 trên toàn thế giới về các chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp, tụt 28 bậc so với năm 2021 – theo bảng xếp hạng của StartupBlink

Câu chuyện của Thai Union

Thái Lan có nền nông nghiệp khá mạnh ở Đông Nam Á. Thế nhưng, danh sách 10 startup hàng đầu của nước này chỉ bao gồm các ngành giải trí và công nghệ. Các startup công nghệ nông nghiệp và thực phẩm của xứ chùa vàng vẫn còn chậm hơn các bạn đồng lứa ở Singapore

SPACE-F là chương trình vườn ươm và gia tốc dành cho các startup ngành công nghệ thủy hải sản có quy mô toàn cầu của Thái Lan. Đây là chương trình được thành lập bởi Cơ quan đổi mới sáng tạo Thái Lan (NIAT), Đại học Mahidol và Thai Union Group – một trong những tập đoàn thủy hải sản lớn nhất thế giới, chiếm đến 20% sản lượng cá ngừ đóng hộp toàn cầu

ThaiUnion3.jpg

Hiện chiếm 20% lượng cá ngừ đóng hộp toàn cầu, Thai Union đặt mục tiêu là 40%. Thai Union đang nghiên cứu khai thác dầu cá từ đầu cá ngừ vốn bỏ đi để thành “động cơ tăng trưởng và lợi nhuận mới”

Tiến sĩ Chris Aurand, người phụ trách các chương trình đổi mới sáng tạo của Thai Union, rất tự hào về nền tảng công nghệ, nghiên cứu và vốn mà Thai Union có thể hỗ trợ các startup

Năm 2019, tập đoàn đã chi 300 triệu baht (hơn 9 triệu đô la) để thành lập Global Innovation Center (GIC), một trung tâm nghiên cứu đồ sộ ở Bangkok với 130 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ, châu Âu và Trung Quốc

Cuối năm 2021, GIC đã bổ nhiệm Maarten Geraets đứng đầu bộ phận đạm thay thế (alternative protein) mới thành lập. Garaets được xem là “nhân vật đáng bái phục” khi có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tiếp thị và R&D tại tập đoàn Nestle. “Thai Union sẽ đứng đầu thế giới về các loại hải sản chế biến từ đạm thực vật”, Garaets nói với Nikkei Asia

Các viên xíu mại có hương vị cá ngừ và thịt cua làm từ đậu nành và bột mì đã được Thai Union bán ở các siêu thị khắp Thái Lan với giá hơn 100 baht/vỉ, khoảng 3 đô la. Tập đoàn còn nhận được các đơn hàng hải sản chế biến từ đạm thực vật của châu Âu và chuẩn bị tung ra các sản phẩm thực vật có hương vị tôm. Sức mua của thị trường Thái Lan hiện khá khiêm tốn và chỉ chiếm 10%, trong khi đó châu Âu nhập đến 29% và Mỹ tiêu thụ đến 43% các loại “hải sản giả chay” của Thai Union

Thai Union buộc phải có “khẩu vị” đầu tư khác. Quỹ mạo hiểm của tập đoàn tập trung vào ba mảng chiến lược chính – đạm thay thế, dinh dưỡng chức năng và công nghệ mới nhằm tăng chuỗi giá trị thực phẩm
 
Srettha Thavisin - trùm bất động sản trở thành Thủ tướng Thái Lan

Tân thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin được yêu mến trong cộng đồng doanh nghiệp và có quan điểm cởi mở về nhiều vấn đề xã hội

Quốc hội Thái Lan ngày 22/8 bầu tân thủ tướng là ông trùm bất động sản Srettha Thavisin, 60 tuổi, ứng viên từ đảng Pheu Thai. Diễn biến mới nhất này giúp chấm dứt ba tháng bế tắc chính trị của Thái Lan

Đảng Pheu Thai đã lập liên minh với 10 đảng, trong đó có hai đảng liên quan đến quân đội, để thành lập chính phủ. Pheu Thai là đảng nhận được nhiều phiếu bầu thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5, sau Move Forward, với 141 ghế

AWVHC34LINMXXDSY7MWL5QH2VA-3498-1692674608.jpg

Srettha Thavisin tại trụ sở đảng Pheu Thai ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, hôm 21/8

Sinh năm 1963, ông Srettha có bằng cử nhân kỹ thuật dân dụng từ Đại học Chulalongkorn ở Bangkok và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Claremont, Mỹ

Ông sở hữu chiều cao 1,91 m và là một người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt. Srettha bắt đầu con đường sự nghiệp với vai trò trợ lý giám đốc tập đoàn đa quốc gia Procter & Gamble tại Thái Lan rồi dẫn dắt Sansiri, công ty phát triển bất động sản của gia đình

Trước khi từ chức vào tháng 4 năm nay để tham gia cuộc tổng tuyển cử, Srettha giữ chức chủ tịch và giám đốc điều hành Sansiri, công ty có giá trị khoảng 880 triệu USD trên thị trường chứng khoán Thái Lan

Là bạn của cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, ông Srettha rất được yêu mến trong cộng đồng doanh nghiệp. Theo một cuộc khảo sát do báo địa phương Krungthep Turakij thực hiện, khoảng 66% trong 100 giám đốc điều hành (CEO) tham gia cuộc thăm dò nói rằng muốn ông Srettha trở thành tân thủ tướng

Trong một lần trả lời báo chí quốc tế, Srettha cho biết ông tham gia chính trường và hướng tới ghế thủ tướng bởi cảm nhận được nỗi thất vọng trong công chúng Thái Lan

"Hãy nhìn xung quanh khi ngồi trên đỉnh kim tự tháp, bạn sẽ thấy cách những người bên dưới sống", ông nói. "Tôi cảm thấy thất vọng vì những điều mình chứng kiến, vì chênh lệch xã hội, giáo dục, y tế hay những thứ cơ bản khác như đồ ăn trên bàn. Đó không phải thứ nên diễn ra ở một quốc gia có tiềm năng to lớn như Thái Lan"

Srettha vận động tranh cử dựa trên những cam kết về kích thích kinh tế, công bằng xã hội và quản trị nhà nước hiệu quả. Ông từng nói hồi tháng 4 rằng các ưu tiên trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền là giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt gia tăng, chấm dứt nghĩa vụ quân sự bắt buộc, đảm bảo bình đẳng hôn nhân cho các cặp đồng tính và soạn thảo một hiến pháp mới đại diện cho ý nguyện người dân

Theo giới quan sát, trên cương vị thủ tướng, ông Srettha sẽ phải đối mặt hàng loạt thách thức. Đà suy giảm kinh tế của Trung Quốc đang gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế Thái Lan, khiến xuất khẩu sụt giảm và du lịch bị mất đi một lượng du khách lớn. Thái Lan cũng đang phải vật lộn với vấn đề lâu dài là nợ hộ gia đình cao

Trong chiến dịch tranh cử, ông Srettha liên tục quảng bá về chính sách của đảng Pheu Thai là tặng 10.000 baht (295 USD) qua ví điện tử cho những người từ 16 tuổi trở lên

Ông cũng nhấn mạnh Pheu Thai "quan tâm đến nhân quyền" và cho rằng nhiều lao động tay nghề cao đã rời khỏi đất nước trong 9 năm chính quyền quân sự lãnh đạo

"Mọi người đang ra đi để sử dụng những kỹ năng của mình ở nơi nào đó mà họ có thể sống và thể hiện bản thân tự do hơn. Quyền được lựa chọn, tự do tham gia nghĩa vụ quân sự, quyền LGBTQ, những quyền đó cũng quan trọng như kích thích kinh tế", ông nói với trang tin Thai Enquirer hồi tháng 5

Vài ngày trước cuộc bầu cử, ông Srettha tuyên bố sẽ từ chối chức thủ tướng nếu đảng Pheu Thai phải thành lập liên minh với đảng liên quan đến quân đội của cựu thủ tướng Prayut Chan-o-cha hay đảng Palang Pracharath của cựu phó thủ tướng Prawit Wongsuwan

Ông Prayuth từng lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự năm 2014 lật đổ chính phủ Pheu Thai của Yingluck Shinawatra, em gái cựu thủ tướng Thaksin

"Tôi không tin vào các cuộc đảo chính quân sự", ông Srettha cho hay. "Nghĩ về việc làm việc với họ trong cùng một chính phủ, ngồi cùng một nội các, tôi không thể tưởng tượng được mình sẽ làm điều đó"

Giờ đây, khi Pheu Thai tuyên bố liên minh với các đảng của ông Prayuth và ông Prawit, Srettha nói với báo giới hôm 21/8 rằng ba tháng bế tắc chính trị tại Thái Lan đã khiến ông "phải quên đi những gì đã nói"

Srettha cho biết bản thân cảm thấy rất buồn trước những ý kiến chỉ trích từ công chúng về quyết định này của đảng. "Nhưng chúng ta đang sống với thực tại. Nhiều người đang chờ đợi chính phủ và các chính sách của đảng, những chính sách không thể thực hiện được nếu không có chính phủ do Pheu Thai lãnh đạo", ông nhấn mạnh
 
Top