LOBBY.VN
Administrator
Minh Việt School of Maths
Thưa ông, để có thể trở thành người phiên dịch cho Tổng thống Hoa Kỳ Obama, hẳn từ nhỏ ông đã được học Tiếng Anh và tiếp cận với chương trình giáo dục Mỹ?
- Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ như vậy, nhưng thực tình tôi lớn lên trong một gia đình nghèo. Mặc dù bố mẹ đều là cán bộ ngành giáo dục nhưng khi xưa, trong nhà không bao giờ có tài sản gì quý giá hơn một cái xe đạp cũ và chiếc giường đôi bốn người nằm chung. Tôi lúc lớn lên gầy gò, đói ăn, học hành làng nhàng, không có một thứ gì hữu hình hay vô hình có giá trị cả
Tôi được bố dạy Tiếng Nga ở nhà từ khi 8 tuổi, nhưng cũng chỉ biết chút ít chứ không giỏi giang gì. Hết lớp 9 là năm 1989, tôi được bố mẹ cho đi học lớp Tiếng Pháp buổi tối, nhưng 6 tháng sau kết quả học tập không ra sao nên bố phạt nghỉ học tiếng Pháp
Lúc Đông Âu có biến động chính trị, bố tôi cho rằng "Việt Nam chắc sẽ tiến gần hơn với phương Tây" nên đã cho tôi tiền đi học thêm Tiếng Anh ở trung tâm, nhưng đang mê tiếng Pháp, nên tôi học Tiếng Anh không vào
Tháng 5/1990, tôi và một người bạn cùng lớp phấn khởi tới thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày khai trương. Tình cờ lúc về qua chùa Một Cột, chúng tôi gặp một khách du lịch người Anh đang sống ở Malaysia. Ông ấy khoe là nói được mấy thứ tiếng, tôi rất muốn nói một đơn giản nhưng không thể nói được dù đã học Tiếng Anh mấy tháng
Lúc đó tự nhiên lòng tôi thấy nhói lên cảm giác áy náy và thương bố mẹ phải chật vật xoay xở tằn tiện từng đồng lương mà mình lại học hành chẳng ra sao. Xấu hổ quá nên tôi quyết định sẽ tự học bằng cách ra khu Lăng Bác và chùa Một Cột để nói tiếng Anh với khách du lịch nước ngoài
Ồ! Tôi thực sự rất bất ngờ! Vậy ông đã tự học Tiếng Anh như thế nào ở thời điểm đó?
- Tôi đã bỏ hết việc học tiếng Anh theo kiểu trường lớp mà chỉ đi học "Đại học chùa Một Cột". Từ năm 1990 đến năm 1995, ngày nắng cũng như ngày mưa, kể cả năm 1992, sau khi nhập học Đại học Ngoại thương, tôi vẫn dành thời gian cả ngày chủ yếu là ở khu vực có nhiều khách du lịch nước ngoài qua lại này để chơi và nói Tiếng Anh với các bạn Tây ba lô. Chỉ 6 tháng sau tôi nhận ra là Tiếng Anh của mình đã tốt lên không thể tin nổi
Đôi lúc tôi làm cả công việc của hướng dẫn viên du lịch để kiếm chút tiền tự trang trải và đỡ đần gia đình. Tôi đã kiếm được những đồng tiền đầu tiên (một tờ 10 USD và một tờ 5 USD) từ công việc này vào năm 1991 lúc giữa năm lớp 12 ở Trường Trung học Chu Văn An
Vẫn biết thời điểm đó người giỏi Tiếng Anh ở Hà Nội không nhiều, nhưng tại sao khi mới 19 tuổi, ông lại được chọn là người phiên dịch cho Đại biện Hoa Kỳ tại Việt Nam?
- Những năm 1994-1995, người nói tiếng Anh cập nhật, thứ tiếng Anh sống động của thế giới ở Hà Nội còn ít, tôi còn trẻ lại không quá coi tiền bạc, kiến thức cũng có nên được mời dịch rất nhiều
Ngay từ năm 1994, tôi bắt đầu làm việc tình nguyện cho Tổ chức Phẫu thuật Nụ cười (Operation Smile) là tổ chức từ thiện của Mỹ hàng năm gửi các bác sĩ Mỹ sang mổ miễn phí cho trẻ em có dị tật mặt như hở môi, hở hàm ếch
Cuối năm 1995, sau khi phiên dịch cho các bác sĩ Phẫu thuật Nụ cười tại khách sạn Metropole, Đại biện Hoa Kỳ Desaix Anderson đã khen tôi dịch rất hay và mời tôi phiên dịch cho ông. Tôi thấy vô cùng hân hạnh và nhận lời ngay
Đó chính là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời, biến tôi từ một đứa trẻ long nhong vừa qua tuổi 19, chỉ giỏi chút Tiếng Anh và hay đi dịch dạo kiếm chút tiền giúp mẹ thành một người bắt đầu có ý thức xã hội, bắt đầu học cách áp dụng kiến thức lâu nay đọc được từ sách vở vào phân tích các sự việc xung quanh
Trong vai trò phiên dịch viên hợp đồng của Phòng Liên lạc Hoa Kỳ trong gần 2 năm cho tới lúc bác Desaix rời Hà Nội (5/1997), tôi được đi cùng bác đến nhiều nơi, gặp nhiều người, nói nhiều chuyện thời đó được coi là thâm cung bí sử. Hai năm làm việc với bác mới chính là hai năm đại học thực sự của tôi. Ở tuổi 19, tôi được tin cậy thay mặt bác nói những lời tình cảm chân thành bằng Tiếng Việt với các vị lãnh đạo Việt Nam