What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Nghiên cứu Trung Quốc

L

LOBBY.VN

Guest
Xác định Trung Quốc là cơ hội hay thách thức​

- Sau một thời gian trì hoãn, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 15 hôm nay khai mạc tại Thái Lan. Từ cơ sở pháp lý cùng thể chế nền tảng cho liên kết khu vực, đã được ký kết tại Singapore hai năm trước, lần này Hiến chương ASEAN và Cộng đồng ASEAN sẽ được đặt thêm những viên gạch mới cho lộ trình tới năm 2015.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu thay đổi sâu sắc diện mạo thế giới. Đông Nam Á không nằm ngoài ảnh hưởng. Châu Á – Thái Bình Dương đang ở giao thời chiến lược, trước hàng loạt thách thức nghiêm trọng về địa – chính trị/kinh tế, an ninh, nhất là khi Đông Nam Á đang nằm ở tâm điểm cuộc chạy đua hiện đại hoá quốc phòng, cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn liên quan tới khu vực.

Hơn bất kỳ một khu vực địa lý nào khác, Đông Nam Á/ASEAN đang giải bài toán lớn: “Trung Quốc là cơ hội hay thách thức”. Năm 2003, khi Trung Quốc chủ động nâng cấp quan hệ với ASEAN lên hàng đối tác chiến lược, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nêu ra chính sách “mục lân, an lân và phú lân” (hoà hợp với láng giềng, yên ổn với láng giềng và làm giàu với láng giềng). Cơn địa chấn kinh tế tài chính khốc liệt toàn cầu năm qua làm suy yếu nghiêm trọng nhiều thị trường và đối tác truyền thống của các nước Đông Nam Á. Sau sáu năm trỗi dậy, Trung Quốc đang điều chỉnh không chỉ một chính sách đối với các nước láng giềng phương nam mà cả các chính sách của Trung Quốc với thế giới.

Trong chiến lược giải quyết khủng hoảng kinh tế hiện tại và cơ cấu lại mô hình phát triển hậu khủng hoảng những năm tiếp theo của nước hơn một tỉ dân này, quan hệ kinh tế đối ngoại với khu vực Đông Nam Á là một trọng điểm. Một số nền kinh tế ASEAN đã được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế khổng lồ của Trung Quốc. Song bên cạnh những dự án có lợi cho cả đôi bên, thì sông Mekong có thể trở thành “bản tình ca nghiệt ngã” anh ở đầu sông, em cuối sông, khi 14 con đập thuỷ điện khổng lồ ở thượng nguồn con sông này cùng những dự án nắn dòng chảy lên bắc của Trung Quốc được triển khai toàn diện.

Ở bên kia Thái Bình Dương, Barack Obama lên cầm quyền cùng một thế hệ các nhà hoạch định chính sách trẻ tuổi Mỹ không vướng víu nhiều ý thức hệ chiến tranh lạnh, đang đưa ra những cách tiếp cận mới cùng những chính sách thực dụng phù hợp với một nước Mỹ phải giải quyết cuộc khủng hoảng kép về kinh tế và vị trí nước Mỹ trên thế giới. Hầu hết các trung tâm quyền lực trên thế giới đang phản ứng hoặc thích nghi với những chính sách của chính quyền mới ở Washington. Không nước nào muốn chậm chân trước những chuyển biến của thời cuộc. ASEAN cũng không là ngoại lệ, đặc biệt khi ngoại trưởng mới của Mỹ, bà Hillary Clinton tuyên bố “Mỹ đang trở lại Đông Nam Á”.

Ở Đông Bắc Á, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Nhật Bản trải qua cuộc chuyển quyền lớn nhất từ 60 năm qua. Chính quyền mới Hatoyama chú trọng tới quan hệ với láng giềng, trước hết xem liên kết kinh tế với Trung Quốc là động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế Nhật Bản. Tư tưởng “Cộng đồng Đông Á”, được thủ tướng mới của Nhật Bản đưa ra tại hội nghị cấp cao ba bên vừa rồi tại Bắc Kinh, đang được ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cân nhắc xây dựng theo những sắc thái riêng, phục vụ cho mục tiêu quốc gia riêng của mỗi bên. Tạm thời, ASEAN vẫn là một diễn đàn chung cho các đối tác lớn thảo luận những vấn đề Đông Á, nhưng tương lai, không chừng bị cuốn hút vào trục Trung – Nhật là hạt nhân.

Thách thức lớn không bao giờ xuất hiện mà không kèm các cơ hội lớn. Sự liên kết kinh tế giữa ASEAN với chín tỉnh châu thổ Châu Giang cùng đặc khu Macao, Hong Kong tạo ra một thị trường rộng lớn, có lợi nhất cho các sản phẩm hàm lượng chất xám cao. Tất cả nước lớn liên quan đều quan tâm duy trì một Đông Nam Á hoà bình, ổn định, đa dạng và đa phương hoá quan hệ. Tình hình đang thử thách tài trí của ASEAN. Nhưng không phải không có trường hợp thách thức với nước này là cơ hội với nước khác. ASEAN có đoàn kết thì mới trở thành “một ASEAN trong trái tim châu Á năng động”.

Việt Nam, hơn bao giờ hết, trong tư duy nhận thức cũng như hành động, phải xem ASEAN là mái nhà chung của mình. Còn khoảng 70 ngày nữa, Việt Nam sẽ tiếp quản vị trí chủ tịch mới của ASEAN. Trên cương vị đó, Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM trong năm tới đòi hỏi những chương trình hành động cụ thể hơn nữa cho cộng đồng ASEAN.

Quan hệ ASEAN – Trung Quốc: hợp tác kinh tế phát triển, quy tắc ứng xử biển Đông chưa có

Quan hệ ASEAN – Trung Quốc tiến triển với tốc độ chưa từng có kể từ khi Trung Quốc bắt đầu tham dự hội nghị ASEAN năm 1991 tại Malaysia. Quan hệ này lắng lại vào năm 1995 liên quan tới vụ chiếm đảo Vành Khăn (Trường Sa) tháng 3.1995, dẫn tới ASEAN lần đầu tiên cùng nhau lên án Trung Quốc.

Một tháng sau, cuộc gặp tại Hoàng Sơn, Hàng Châu tạo điều kiện cho Bắc Kinh điều chỉnh chính sách đối ngoại và đánh giá thực lực ASEAN, thừa nhận sức mạnh tập thể và vai trò khu vực đang mở rộng của tổ chức này. Năm 2008, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ tám và là thị trường lớn thứ tư của toàn khối ASEAN.

Vào tháng 12.2002, ASEAN và Trung Quốc ký tuyên bố mang tính bước ngoặt về cách ứng xử của các bên ở biển Đông, bao gồm những quy tắc định hướng cho các bên ở các vùng biển có tranh chấp. Trong tuyên bố này, hai bên cam kết tăng cường hợp tác và tìm ra các cách thức hoà bình để giải quyết xung đột. Do không phải là một văn kiện mang tính ràng buộc, rất khó cho bên ký kết nêu vấn đề. Những nỗ lực mới trong bốn năm gần đây biến tuyên bố trên thành bộ quy tắc ứng xử cũng đã không thành hiện thực.

Trung Quốc đã đề xuất rằng trước bất cứ cuộc họp ASEAN – Trung Quốc nào về biển Đông, cần có những cuộc họp riêng rẽ giữa bốn nước có yêu sách chủ quyền – Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines – tiếp sau là các nước không có tuyên bố chủ quyền. Sau đó, 10 nước ASEAN sẽ gặp với Trung Quốc. ASEAN đã phản đối kế hoạch này bởi ASEAN muốn lên tiếng với tư cách là một khối

TS Nguyễn Ngọc Trường
 
Thương mại Việt Nam và Trung Quốc trong kỷ nguyên mới​

- Giáo sư quan hệ ngoại giao Brantly Womack của đại học Virginia, Mỹ, một chuyên gia về quan hệ Việt – Trung vừa có bài viết trên tạp chí Châu Á – Thái Bình Dương số ra tháng 10.2009, về mối quan hệ này. Bài viết Việt Nam và Trung Quốc trong thời đại bất ổn kinh tế phân tích mối quan hệ của hai nước trước và sau khủng hoảng toàn cầu. Sài Gòn Tiếp Thị trích giới thiệu và đặt tựa dựa trên bản dịch của Ngô Bắc.

Sự mất cân xứng trước khủng hoảng


Mậu dịch với Trung Hoa đi nhanh hơn mức tăng trưởng nói chung, nhưng mối quan hệ mậu dịch đó bất cân xứng trong mọi khía cạnh, và tình trạng bất cân xứng tạo ra các quan điểm khác biệt nền tảng về mối quan hệ.

Tổng sản lượng nội địa (GDP) của Việt Nam trong năm 2007 chỉ bằng 3% GDP của Trung Quốc. Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu hàng hoá nhiều thứ nhì và là nước nhập khẩu lớn thứ ba của thế giới. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 50 về xuất khẩu và 41 về nhập khẩu.

Cơ cấu mậu dịch của hai nước hoàn toàn khác biệt. Đối với Việt Nam, các sản phẩm nông nghiệp, nhiên liệu, và khoáng chất chiếm 46,3% tổng số xuất khẩu, trong khi đó đối với Trung Quốc, chúng chỉ cấu thành 6,7%. Sản phẩm Trung Quốc tràn ngập các thị trường Việt Nam. Đáng ngạc nhiên hơn, Trung Quốc bán trái cây và các loại rau cho Việt Nam gấp ba lần số Trung Quốc mua từ Việt Nam. Các sự khác biệt này trong năng lực và cơ cấu kinh tế, cũng như trong trọng lượng toàn bộ, tạo ra một khuôn khổ mất cân xứng cho mối quan hệ kinh tế.

Sự chênh lệch giữa nền kinh tế Trung Quốc và Việt Nam càng sâu sắc hơn bởi sự mất cân bằng giữa các số nhập khẩu và xuất khẩu. Ví dụ, Việt Nam xuất khẩu 70% số cao su sang Trung Quốc, nhưng phải mua lại các sản phẩm cao su chế tạo từ Trung Quốc nhiều hơn hai phần ba số Việt Nam bán. Nói chung, Việt Nam phải dựa vào Trung Quốc về một loạt nhiều loại hàng nhập khẩu. 20% tổng số nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc. Ngược lại, Việt Nam bán than đá, dầu hoả, và thực phẩm cho Trung Quốc.

Việt Nam là một thị trường đối ngoại tuyệt hảo cho sản phẩm của Trung Quốc bởi các điều kiện kinh tế và văn hoá tiêu thụ tương đồng và giá vận tải thấp. Trong khi Việt Nam không thể tìm được nguồn cung cấp với giá cả khả sánh cho phần lớn những gì Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc có thể mua các sản phẩm nhiên liệu và từ vùng nhiệt đới khác.

Dự trữ than đá của Việt Nam đang thu nhỏ dần. Trong năm 2010 nhu cầu nội địa về than đá sẽ xấp xỉ tổng sản lượng, và vào năm 2015 Việt Nam ước tính sẽ nhập khẩu 25 triệu tấn, nhiều hơn phân nửa sản lượng nội địa hiện thời. Nhưng trong sáu tháng đầu của năm 2009, hơn một nửa sản lượng đã được xuất khẩu, trong đó hai phần ba tổng số xuất khẩu sang Trung Quốc. Sản lượng dầu hoả cũng sút giảm từ năm 2005. Các số xuất khẩu dầu hoả trong năm 2007 thấp hơn số xuất khẩu năm 2000, mặc dù số thu hoạch lớn hơn nhờ tăng giá.

Việt Nam là một nước xuất khẩu tài nguyên, nhưng có số sản xuất và dự trữ giới hạn, và một nhu cầu khẩn cấp để trang trải các món nhập khẩu. Trung Quốc là nước nhập khẩu tài nguyên, nhưng có tiền mặt để trả cho khoản nhập khẩu đó.

Với Trung Quốc, mậu dịch Trung – Việt ít quan trọng hơn nhiều so với Việt Nam. Trong năm 2007, Việt Nam đứng hàng thứ 22 trong số xuất khẩu của Trung Hoa, và đứng thứ 38 về nhập khẩu. Trong các đối tác châu Á, Việt Nam đứng thứ 16 về xuất khẩu, đứng sau tất cả năm nền kinh tế lớn của khối ASEAN, và thứ 11 về nhập khẩu, sau Singapore, Malaysia, Indonesia, và Thái Lan. Tóm lại, các chiều hướng trong mậu dịch song phương với Trung Quốc bất lợi cho Việt Nam. Việt Nam nhập khẩu ngày càng nhiều hơn, nhưng xuất khẩu lại ít hơn.

Thâm thủng mậu dịch của Việt Nam trở thành lớn và gia tăng, nhưng được cân đối bằng khoản thặng dư mậu dịch của Việt Nam với Mỹ. Tuy nhiên, sự gia tăng rõ rệt trong sự mất cân bằng với Trung Quốc từ năm 2005 đã xoá dần lợi thế này của Việt Nam. Trong năm 2007, phần thặng dư mậu dịch với Mỹ trang trải cho 92% phần thâm thủng với Trung Quốc. Nhưng đến nửa năm đầu của 2009, nó chỉ bảo bọc được 81%.

Việt Nam cũng có một khoản thặng dư mậu dịch lớn với EU, nhưng do kết quả của cuộc khủng hoảng tài chính hiện thời, thị trường tiêu thụ của các nước đã phát triển đang đi xuống, trong khi nhu cầu của Việt Nam về các hàng hoá của Trung Quốc tiếp tục đi lên, nên lợi thế này cũng yếu đi.

Trong nửa năm đầu của 2009, tổng số mậu dịch với Trung Quốc là 16%, gần bằng mức mậu dịch với ASEAN (18,4%). Số xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 7,5% tổng số xuất khẩu, vào khoảng một nửa số xuất khẩu sang Mỹ (19.5%), trong khi Trung Quốc là nguồn cung cho 23% số nhập khẩu của Việt Nam, gần gấp ba lần số nhập khẩu từ EU và 1 tỉ USD nhiều hơn số nhập khẩu từ khối ASEAN.
 
Thách đố của hai nền kinh tế
- Trong kỷ nguyên mới hậu khủng hoảng, Việt Nam và Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thử thách chung và riêng. Nếu biết tận dụng thời cơ này, Việt Nam có thể cân bằng lại mối quan hệ với người láng giềng phương bắc.

Những thử thách tương đồng

Cả Việt Nam và Trung Quốc đều dựa vào các thị trường Mỹ và châu Âu cho gần một phần ba số xuất khẩu của mình. Cuộc khủng hoảng khiến thị trường Mỹ và châu Âu bị thu nhỏ lại, gây tổn thất cho các khu vực của nền kinh tế được tạo lập đặc biệt để phục vụ cho các thị trường này. Vì thế, thử thách trực tiếp nhất cho cả Việt Nam lẫn Trung Quốc sẽ là việc làm dịu nhẹ tổn thất của các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng.

Thử thách sâu xa và quan trọng hơn là việc chuyển hướng chiến lược phát triển các thị trường mới. Các thị trường tăng trưởng nhanh nhất trong kỷ nguyên mới của tình trạng bất định nhiều phần sẽ là các nước có lợi tức bậc trung, kể cả chính Trung Quốc, và các cơ hội dài hạn lớn nhất sẽ là ở các nước nghèo nhất. Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều có các lợi thế đặc biệt tại các thị trường này bởi vì chính bản thân hai nước là các nước đang phát triển và vì thế quen thuộc với các nhu cầu của các nền kinh tế như thế.

Thử thách quan trọng nhất của sự phát triển thị trường sẽ nằm trong phạm vi nền kinh tế nội địa của Việt Nam và Trung Quốc. Thị trường của chính mình là thị trường đáng tin cậy nhất trong thời kỳ có sự bất định toàn cầu. Đối với cả Việt Nam lẫn Trung Quốc, thị trường nội địa là cơ hội quan trọng tại châu Á.
Một thử thách chung cuối cùng cho Việt Nam, Trung Quốc và các nước láng giềng là phát triển và gia cố các định chế cấp miền, đặc biệt trong các lĩnh vực phát triển, mậu dịch và tài chính. Sự yếu kém và tính biến đổi của đồng USD càng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vùng Đông Á trong việc cung cấp sự ổn định tài chính quốc tế của chính nó.

Những khó khăn khác biệt


Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ hơn, và ít giàu có hơn nhiều so với Trung Quốc. Trung Quốc có lợi thế của bảy năm cải cách và cởi mở trước, và không bị chiến tranh và sự đối nghịch quốc tế kéo dài. Mỹ bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc từ năm 1979, nhưng với Việt Nam, mãi tới năm 1995. Việt Nam gia nhập vào WTO năm 2007, trong khi Trung Quốc gia nhập năm 2001.

Bởi kinh tế Việt Nam như một chiếc thuyền nhỏ hơn chèo sát mặt nước hơn, nên gặp nhiều khó khăn khẩn cấp hơn trong việc điều chỉnh theo cuộc khủng hoảng hiện thời. Trước khi cuộc khủng hoảng khởi phát, lạm phát đã là một vấn đề, lên đến 28% trong tháng 8.2008. Trung Quốc trải qua một chu kỳ tương tự của các áp lực lạm phát, các chính sách giảm phát, và các biện pháp kích thích, nhưng lạm phát ở mức ôn hoà hơn nhiều (5%) và nó có một thặng dư mậu dịch khổng lồ. Kể từ năm 2003, Việt Nam có các khoản thâm thủng mậu dịch với mọi nước trong khối ASEAN, trừ Campuchia và Philippines, và ngoại trừ hai nước đó cùng với Nam Phi, phần còn lại của khoản thặng dư của Việt Nam là với các nước đã phát triển.

Về việc tái định hướng thị trường, cơ hội đơn nhất to lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc. Biên giới phía bắc Việt Nam giáp với các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc là con đường tiếp cận đặc biệt với miền tây nam Trung Quốc, chưa kể sự tiếp cận hàng hải khá tốt với Quảng Đông và Hải Nam. Tuyến đường bộ và đường sắt tại miền nam Trung Quốc cũng tạo điều kiện dễ dàng cho Việt Nam tiếp cận Trung Quốc. Các dự án phát triển hỗn hợp tại các cửa ngõ quan trọng Lạng Sơn/Bằng Tường và Móng Cái/Đông Hưng mang lại các lợi điểm độc đáo, để thực hiện các dự án lớn hơn chẳng hạn như các kế hoạch để phát triển vùng vịnh Bắc Bộ.

Thử thách của Việt Nam trong việc đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc là khả năng khám phá các sản phẩm và các khu vực tiêu thụ mà các nhà sản xuất Việt Nam có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất nội địa Trung Quốc.

Ngoài mậu dịch với Trung Quốc, các thị trường của Việt Nam tại ASEAN và Đông Á còn chỗ để mở rộng. Bên ngoài châu Á, sự thành công của Trung Quốc tại châu Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi cho thấy Việt Nam cũng có cơ hội ở những nơi đó, bởi Việt Nam có các lợi điểm nguyên tố tương tự, nếu không phải về phạm vi và tư bản. Nam Phi, Úc và New Zealand cũng đang mời mọc hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Các quan hệ chặt chẽ của Việt Nam với Campuchia và Lào có thể được phát triển hơn nữa. Trong khi Trung Quốc xây dựng các đường nối theo trục dọc với miền Đông Nam Á lục địa, Việt Nam có thể tăng cường các sợi dây liên kết theo trục ngang. Các dự án này không tranh chấp nhau, nhưng sẽ nâng cao lợi ích của mỗi bên.

Việt Nam và Trung Quốc phải đối diện với các thử thách về sự tái tổ chức cấp miền, nhưng từ các lợi điểm khác nhau. Đối với Trung Quốc, đó là vấn đề đa miền, cùng lúc phải quản trị các mối liên hệ của mình với miền Đông Bắc Á, Đông Nam Á, và Trung Á. Đối với Việt Nam, công tác cấp miền quan trọng nhất là củng cố khối ASEAN, cả về mặt nội bộ lẫn trong các mối quan hệ tập thể của khối ASEAN với Trung Hoa và Ấn Độ.
 
Bán hàng vào Trung Quốc: không dễ

- Trong khi Trung Quốc tận dụng tối đa cơ hội do khủng hoảng đem lại để gia tăng xuất khẩu, chiếm lĩnh các thị trường nước ngoài (*) thì ở hướng ngược lại, nước này cũng dựng lên vô số rào cản để ngăn chặn hàng nhập khẩu, khiến các nhà kinh doanh nước ngoài ngày càng khó làm ăn.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường IMS, doanh thu tại Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng doanh thu của các công ty dược phẩm lớn như Pfizer, AstraZeneca và Bayer. Tập đoàn Procter & Gamble (P&G) - một người khổng lồ trong ngành hàng tiêu dùng, cũng chỉ thu được hơn 3 tỉ đô la Mỹ mỗi năm từ Trung Quốc, chưa bằng 5% tổng doanh thu. Tập đoàn Unilever còn tệ hơn nữa, với doanh số chưa bằng một nửa của P&G, các hoạt động của họ tại thị trường Trung Quốc hiếm khi có lãi. Tập đoàn bảo hiểm Mỹ AIG, dù được thành lập ở Thượng Hải và đã kiếm được lối vào Trung Quốc tốt hơn các đối thủ cạnh tranh, nhưng cũng chỉ được phép hoạt động ở tám thành phố. Các nhà phân tích ngờ rằng doanh thu của AIG tại Trung Quốc còn kém hơn tại Đài Loan, một thị trường có dân số chỉ bằng 2% của Trung Quốc và cạnh tranh khốc liệt hơn.

Do cuộc khủng hoảng kinh tế ở quê nhà, nhiều công ty quốc tế trở nên thiết tha hơn lúc nào hết trong việc đầu tư vào sự tăng trưởng của Trung Quốc. Nhưng khát vọng đó nhanh chóng chuyển thành ảo vọng khi vấp phải những rào cản trong thực tế. Xuất khẩu của châu Âu và Mỹ vào Trung Quốc chẳng hạn, gần như không thay đổi trong suốt năm ngoái, chiếm tỷ lệ chưa tới 7% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu của nước này. Cho dù kinh tế Trung Quốc tăng trưởng đạt mục tiêu nhà nước đề ra là 8% trong năm nay thì ảnh hưởng đến doanh thu các công ty phương Tây vẫn không đáng kể, theo ông Ronald Schramm, một giáo sư thỉnh giảng trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc-châu Âu tại Bắc Kinh.

Tất nhiên cũng có một số công ty nước ngoài ăn nên làm ra ở Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp ở hai cực của dây chuyền giá trị: một cực là những mặt hàng xa xỉ, cáp quang, máy bay phản lực và cực kia là dầu mỏ, quặng thép, rác tái chế… Nhưng đối với các mặt hàng nằm ở giữa hai cực này, việc tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc tiếp tục bị ngăn trở bởi những rào cản rõ ràng về pháp lý lẫn những trở ngại tiềm ẩn, bất chấp việc Trung Quốc đã tham gia Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) năm 2001. Xuất bản, truyền thông, thăm dò dầu khí, tiếp thị, dược phẩm, ngân hàng và bảo hiểm… vẫn là những ngành nghề được Chính phủ Trung Quốc bảo hộ chặt chẽ hoặc ngăn cấm sự tham gia của các công ty nước ngoài. Tệ nạn tham nhũng, chủ nghĩa bảo hộ, thủ tục hành chính quan liêu vẫn kìm hãm doanh nghiệp nước ngoài trong mọi lĩnh vực.

Các báo cáo mới đây từ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, từ Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Thượng Hải, Phòng Thương mại châu Âu ở Trung Quốc cho đến Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc, đều có chung cái nhìn khá u ám như vậy. Nỗi phiền muộn lớn nhất của họ không liên quan gì đến những lời phàn nàn thường có của doanh nghiệp, như thiếu hụt nhân viên có tay nghề hay chi phí cao, mà là sự cạnh tranh được nhà nước hỗ trợ, sự hạn chế tiếp cận thị trường, luật lệ mâu thuẫn, thiếu bảo vệ các tài sản trí tuệ, bộ máy hành chính độc đoán và không rõ ràng.

Hội đồng Thương mại Mỹ-Trung là một ví dụ. Để có thể hoạt động ở Trung Quốc, hội đồng phải mất sáu tháng với nhiều loại thủ tục để có được giấy phép hoạt động một năm. Khi gia nhập WTO, Trung Quốc đồng ý cho phép các công ty nước ngoài cạnh tranh cung cấp hệ thống đặt vé máy bay cho các hãng hàng không nội địa, nhưng theo Phòng Thương mại châu Âu thì cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa đưa ra các quy định cần thiết để thực hiện cam kết này.

Các quan chức địa phương Trung Quốc còn làm đủ cách để bảo vệ các công ty dưới quyền, chẳng hạn như ưu đãi quyền sử dụng đất và tín dụng, hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Chính phủ Trung Quốc kiểm soát các phương tiện truyền thông, do đó cũng kiểm soát các mức giá quảng cáo; làm cho chi phí tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc cao hơn ở nhiều nước phương Tây, cho dù kết quả rất thấp vì người dân Trung Quốc còn nghèo, theo lời ông Tom Doctoroff, Giám đốc Công ty Quảng cáo JWT.

Tỷ giá hối đoái có lẽ là rào cản lớn nhất đối với hàng hóa nhập khẩu. Việc Chính phủ Trung Quốc ghìm tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) ở mức thấp không chỉ giúp hàng hóa xuất khẩu của nước này rẻ hơn mà còn làm cho hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc đắt lên, hạn chế khả năng tiếp cận hàng nhập khẩu của người tiêu dùng Trung Quốc.

Trung Quốc tái lập sự ràng buộc của đồng NDT vào đô la Mỹ hồi tháng 7-2008, ấn định tỷ giá hối đoái giữa đồng NDT và đô la Mỹ ở quanh mức 6,82 NDT ăn 1 đô la Mỹ. Từ tháng 3-2009 đến nay, đồng đô la Mỹ giảm mạnh so với đồng tiền của các nền kinh tế lớn như yen Nhật, euro, bảng Anh và franc Thụy Sỹ nhưng Chính phủ Trung Quốc vẫn can thiệp mạnh vào thị trường để buộc đồng NDT phải giảm giá theo; hậu quả là đồng NDT giảm giá 6,9% so với đô la Mỹ, giảm 16% so với euro và giảm tới 31% so với đô la Úc. Đồng NDT càng giảm, cơ may bán hàng vào Trung Quốc càng teo lại, trước tiên là với các công ty châu Âu, Nhật, sau đó đến các công ty Mỹ. Đó cũng là lý do vì sao tại hội chợ hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới diễn ra tại Quảng Châu mới đây, hai dãy gian hàng dành cho các doanh nghiệp đến từ 35 quốc gia - bày bán sứ vệ sinh Ý, thảm Ấn Độ, tổ yến Malaysia… - không khí thật vắng vẻ và ảm đạm, trái hẳn với sự sôi động ở khu vực dành cho các công ty Trung Quốc - theo quan sát của phóng viên báo New York Times. Một số nhà xuất khẩu châu Âu đã quyết định ký hợp đồng mua bán với đối tác Trung Quốc bằng đô la Mỹ thay vì euro để hạn chế thiệt hại mà chính sách ngoại hối của Trung Quốc gây ra.

Công nghệ cao cũng khó​

Không chỉ đối với hàng tiêu dùng mà ngay trong lĩnh vực công nghệ cao, Trung Quốc cũng dùng nhiều thủ đoạn để ngăn chặn sự cạnh tranh của các tập đoàn nước ngoài. Theo tuần báo Time

, số ghi ngày 2-11-2009, khi Trung Quốc quyết định đẩy mạnh việc sản xuất và tiêu thụ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), thì các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực này hy vọng sẽ có thị trường tiêu thụ khổng lồ; nhưng hy vọng đó nhanh chóng biến thành ảo vọng.

Chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Trung Quốc đi kèm với chiến lược phát triển các doanh nghiệp trong nước - chẳng hạn theo một quyết định ban hành hồi tháng 3 năm nay, Chính phủ Trung Quốc tài trợ 50% chi phí thực hiện dự án sản xuất điện từ ánh sáng mặt trời, tỷ lệ này tăng lên 70% nếu dự án thực hiện ở vùng sâu vùng xa - với điều kiện những dự án này phải sử dụng thiết bị do Trung Quốc sản xuất. Nhờ các hình thức trợ cấp khác nữa, chỉ trong một thời gian ngắn, Trung Quốc đã có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất turbine điện gió, 400 công ty sản xuất pin mặt trời (solar panel) - những lĩnh vực mà chỉ vài năm trước còn khá xa lạ với doanh nghiệp Trung Quốc. Sự phát triển diễn ra mạnh và nhanh đến nỗi mới đây chính quyền phải đưa lĩnh vực này vào danh mục những ngành nghề hạn chế đầu tư.

Cũng nhờ sự trợ cấp hào phóng của chính phủ, các công ty sản xuất pin mặt trời và turbine điện gió của Trung Quốc có thể bán sản phẩm với giá thấp hơn 30% so với hàng nhập khẩu, từ đó dễ dàng “thắng thầu” cung cấp thiết bị cho các dự án năng lượng tái tạo trong nước và cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường nước ngoài, buộc Chính phủ Mỹ mới đây phải áp dụng thuế chống bán phá giá với mặt hàng pin mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc và hiệp hội các nhà sản xuất pin mặt trời của Đức đề nghị Chính phủ Đức có biện pháp tương tự.

Bên cạnh việc trợ cấp cho doanh nghiệp trong nước, Trung Quốc buộc các sản phẩm công nghệ cao bán tại thị trường nội địa phải có hàm lượng “nội địa hóa” ít nhất 70%. Các nhà cung cấp nước ngoài không có cách nào khác là phải thiết lập cơ sở sản xuất, tuyển dụng nhân viên và đưa công nghệ vào Trung Quốc - nơi quyền sở hữu trí tuệ hầu như không được coi trọng. Và điều đó đã tạo những cơ sở vững chắc để các doanh nghiệp Trung Quốc vươn lên làm chủ thị trường này. Theo Time, năm 2006 các nhà sản xuất turbine điện gió nước ngoài chiếm tới 60% thị phần Trung Quốc nhưng con số này giảm xuống 26% chỉ sau hai năm. Qua thực tế kinh doanh từ lĩnh vực xe hơi đến năng lượng tái tạo, các doanh nhân nước ngoài cũng đã rút ra được chiêu thức mà Chính phủ Trung Quốc liên tục áp dụng nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước: lợi dụng sức hấp dẫn của thị trường tiêu thụ khổng lồ để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, bắt buộc họ chuyển giao công nghệ và bí quyết sản xuất để đổi lấy các hợp đồng béo bở, sau đó sử dụng công nghệ đó để làm ra những sản phẩm giá rẻ hơn, cạnh tranh với chính các nhà sản xuất nước ngoài đã chuyển giao công nghệ. Công trình thủy điện Tam Hiệp là một ví dụ. Trong giai đoạn đầu, Trung Quốc mời các tập đoàn nước ngoài chế tạo và lắp đặt các tổ máy phát điện của nhà máy, nhưng hợp đồng ràng buộc các nhà sản xuất nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc - những người đã thay thế hoàn toàn vai trò của doanh nghiệp nước ngoài trong các giai đoạn sau.
 
Top