What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Super Lobbyist Suu Kyi

LOBBY.VN

Administrator
Super Lobbyist Aung San Suu Kyi​

120622125952_assk_464x261_assk_nocredit.jpg

Các nhà báo BBC Miến Điện đón bà Aung San Suu Kyi​

Thứ Ba vừa qua, tôi được mời dự cuộc gặp mặt với bà Aung San Suu Kyi vào thăm trụ sở của BBC tại London

Tòa nhà New Broadcasting House từ lúc khai trương mươi tuần trước cũng đã đón nhiều đoàn khách hoặc các nhân vật nổi tiếng tới thăm

Nhưng ngày bà Suu Kyi đến có không khí khác hẳn

Ngoài chủ tịch hội đồng quản trị Chris Patten, tổng giám đốc Mark Thompson và giám đốc Global News, ông Peter Horrocks còn có các trưởng biên tập khu vực, một số nhà báo tiếng Anh kỳ cựu, nhóm quay phim BBC TV, và ban Miến Điện được mời đến lễ đón bà trong khoảng 30 phút, địa điểm là khu tiếp khách trên tầng 5

Lý do ban giám đốc nêu ra là Bộ Ngoại giao Anh yêu cầu hạn chế số người vì lý do an ninh

Nhưng ngay từ sáng, những nhân viên, nhà báo khác của BBC, với con số hàng trăm người, đã bàn tán, chờ đón người phụ nữ nổi tiếng từ Miến Điện

Họ xuống dưới khu sân rộng trước tòa nhà, tụ tập bên ngoài thang máy ở tầng 5 để ‘xem Aung San Suu Kyi’

Cả trong và ngoài khu vực dành cho lễ đón, tôi thấy ai ai cũng hồ hởi nói chuyện cứ như là đi hội

Ban Miến Điện thì tíu tít sửa sang trang phục dân tộc, chia người chụp ảnh, chọn hoa. Tiếng ồn tưởng như người ta đang đi chợ hoặc sắp chen nhau vào xe điện ngầm

Nhưng khi bà từ thang máy bước vào khu đón tiếp, được các ông Patten, Thompson và Horrocks dẫn lối thì đột nhiên cả tầng 5 của tòa nhà BBC bỗng im bặt

Hàng trăm con mắt dồn vào người phụ nữ châu Á gầy gò, mắt sáng, tóc đeo một chùm hoa trắng, nhẹ bước rẽ đám đông tiến vào

Tôi chú ý đến cử chỉ, nụ cười và cách thức bà Suu Kyi đối đáp trước diễn từ long trọng của các quan chức hàng đầu thuộc về phía BBC

Sự sang trọng của lương tâm

120622131253_assk_464x261_assk_nocredit.jpg

Ông Peter Horrocks trao quà là chiếc micro cho bà Suu Kyi​

Dù con nhà nòi, có bố là tướng, mẹ là nhà ngoại giao, bản thân học ở Anh, lấy chồng người Scotland bà Aung San Suu Kyi nhìn gần vẫn hoàn toàn là một phụ nữ Á Đông nhẹ nhàng, mảnh khảnh, nét hiền từ, gò má hơi cao

Bà cũng luôn giữ thái độ ‘cho Tây nói trước’, tức là lịch sự nhường và luôn cười, theo thói quen người châu Á chúng ta hay làm khi đối thoại với người Âu Mỹ vốn mạnh bạo về cách giao tiếp

Khi ông Horrocks trao chiếc microphone làm quà từ BBC, bà tỏ ra ngạc nhiên một thú vị và hỏi (đùa): “Tôi có dùng nó được ngay không ?”

Đó là câu tiếng Anh đầu tiên tôi nghe thấy bà nói từ lúc bước vào vì trước đó, chỉ có các quan chức BBC thay nhau đón chào, giới thiệu bà

Ai cũng cười và ông tổng giám đốc như lo bà không hiểu là cần dùng chiếc microphone nào nên mau mắn chỉ lối để bà bước ra đằng sau chiếc bục đặt sẵn với hệ thống bá âm để phát biểu

Bà Aung San Suu Kyi bắt đầu nói, chủ yếu là cảm ơn BBC đã duy trì luồng thông tin, bằng cả chương trình tiếng Anh và tiếng Miến Điện, đem lại hy vọng cho đất nước của bà những ngày đen tối

Như mỗi khi nghe người nước ngoài nói tiếng Anh, tôi chú ý đến giọng của bà

Bà nói tiếng Anh vẫn có âm sắc Miến Điện, hay châu Á, không phải là cách nói quý tộc của những ‘con nhà’ được bố mẹ giàu có hoặc làm quan chức từ Trung Quốc, Trung Đông, Nam Á gửi sang Anh du học từ nhỏ

Giọng nói của bà rõ ràng, cách lập luận nhẹ, khúc chiết, không nặng về chính trị mà toàn nói về cách trải nghiệm riêng với làn sóng BBC khi bị giam tại gia, khi gặp đồng bào Miến Điện ở các tỉnh, các làng xa xôi

Nhưng bà cũng rất ý nhị kiểu Ăng Lê khi ‘tự hỏi’ bằng một nụ cười có vẻ ngạc nhiên rằng không hiểu vì sao, từ lúc bà được tự do thì một loạt chương trình yêu thích của bà trên làn sóng BBC đã không còn nữa

Tôi để ý thấy các lãnh đạo BBC đều yên lặng dù ai cũng hiểu bà có ý trách đài đã cắt bỏ nhiều chương trình trong cuộc cải tổ số hóa và chuyển hướng chiến lược

Sau đó, bà Aung San Suu Kyi được mời vào một phòng riêng gặp các nhà báo BBC Miến Điện, vốn tri âm tri kỷ với bà trong bao năm

Sau cuộc gặp, ông Peter Horrocks gửi email cho nhân viên rằng lễ đón Aung San Suu Kyi là điểm nhấn cho toàn bộ BBC từ khi chuyển vào trụ sở mới

Tôi thoáng nghĩ, có điều gì thật đặc biệt: trụ sở xây mất hơn một tỷ bảng với hàng nghìn nhân viên phải chờ bà Aung San Suu Kyi, một người không tiền của vào 'xông nhà'

120622125402_assk_464x261_assk_nocredit.jpg

Lưỡng viện Quốc hội Anh nghe bà Suu Kyi đọc diễn văn​

Sự sang trọng như thế đến từ lương tâm và tinh thần công ích nhiều hơn là sự đồ sộ của công trình

Sau khi rời BBC, bà Suu Kyi tiếp tục thăm Anh và chuyến đến Điện Westminster của bà để đọc diễn văn trước Quốc hội được truyền hình trực tiếp

Tôi cũng lao vào lo các việc khác nên không để tâm nhiều nữa đến phần tiếp trong chuyến đi Anh của bà

Nhưng lời bình của một đồng nghiệp ban Ả Rập hôm qua làm tôi giật mình

Biết tôi hay bàn chuyện Asean, anh nói: “Cả một thế kỷ nay, Anh Quốc chưa đón ai với nhiều vinh dự như bà Suu Kyi”

Quả thật, trước bà chỉ có chuyến thăm Anh của Thánh Gandhi từ Ấn Độ thu hút cả nước

Nhưng khi Gandhi sang Anh năm 1931, phe hữu vẫn tuyên truyền rằng ông tìm cách phá hoại ngành dệt may của Anh (sau yêu sách đòi London thương mại bình đẳng, không để thợ dệt Ấn phá sản vì bán hàng Anh vào ồ ạt), khiến nhiều báo đả kích ông

"Cả một thế kỷ nay, Anh Quốc chưa đón ai với nhiều vinh dự như bà Suu Kyi"

Nay, một phụ nữ Đông Nam Á đã được mọi giới ở Anh ngưỡng mộ, và được chính quyền đón trọng thể chưa từng có

Trước bà, chỉ có Nữ hoàng Anh là phụ nữ duy nhất đọc diễn văn trước hai viện của Quốc hội

Thái độ của người Anh với một phụ nữ từ Asean làm tôi suy nghĩ

Một thời gian trước, các vị như Mahathir Mohammad, Lý Quang Diệu vẫn đề cao giá trị châu Á như thể Á châu có gì đó ưu việt về quản trị xã hội hơn Âu Mỹ

Nhưng cái họ đề cao lại nặng về cấm đoán, phạt tiền, bêu riếu, đè nén tự do cá nhân nhân danh quyền lợi tập thể hơn là tính nhân văn, tao nhã – những giá trị châu Á khác – mà bà Aung San Suu Kyi đang thể hiện

Ở một góc độ khác, các lãnh đạo Trung Quốc, Việt Nam cũng vẫn nhấn mạnh đến tính đặc thù lịch sử, dân tộc để cho rằng các giá trị văn hóa bác bỏ mô hình dân chủ Phương Tây

Bà Aung San Suu Kyi đã chứng minh ngược lại, và làm điều đó bằng đúng những gì người châu Á chúng ta vẫn tự hào về văn minh lâu đời của mình là tính nhân bản, mềm mại mà sâu sắc, tình nhiều hơn lý

Sức mạnh từ đâu ?

Trong các bài viết của bà mà tôi được đọc, Aung San Suu Kyi dùng nhiều khái niệm của Phật giáo, của trí tuệ dân gian Miến Điện

120622130218_assk_304x304_assk_nocredit.jpg

Bà Aung San Suu Kyi nói đến thăm BBC như 'trở về nhà'​

Nhưng bà cũng trích dẫn các triết gia, các nhà hoạt động nhân quyền châu Âu và chuyến đi sang Thuỵ Sĩ, Na Uy, Ireland và Anh của bà là dịp giới thức giả và quyền quý ở châu lục này xem lại mình

Các bạn trong ban BBC Miến Điện cho tôi hay cả ‘phái đoàn’ của Aung San Suu Kyi sang châu Âu chỉ có đúng bốn người phụ tá bà, trong đó một người đã là bác sĩ chuyên lo sức khỏe cho bà, một người nữa là dân biểu trẻ của NLD đi công du để mở rộng quan hệ

Toàn bộ lịch trình làm việc, từ gặp Tổ chức Lao động Quốc tế ở Geneva, diễn văn trước Ủy ban Nobel ở Oslo, thăm giới nghiệp đoàn Ireland, tới BBC, trả lời phỏng vấn truyền hình của Newsnight, vào Phủ thủ tướng, thăm Hoàng gia Anh đều do một mình bà tự lo, tự soạn, tự trình bày

Mà đến đâu bà cũng nói không cần cầm giấy, tự nhiên, và rất có duyên

Nếu mà nói về ‘ngoại giao con nhà nghèo’ lại đạt hiệu quả đẳng cấp quốc tế cao nhất thì tôi chưa biết có ai hơn bà Aung San Suu Kyi

Tôi tin rằng thấm nhuần Phật giáo và rất sắc về chính trị, bà Suu Kyi đã lấy cái ‘không có’ của mình và của phong trào dân chủ Miến Điện, và cái nghèo chưa bị đầu tư của xã hội đó thành một vũ khí ngoại giao lợi hại

Tôi cũng được dự nhiều cuộc tiếp tân thì thường thấy quan chức châu Á sang Anh hay mời gọi đầu tư như một cách ‘bán hàng’, muốn giới tư bản vào khai thác xứ sở của mình càng nhiều càng hay

Bà Aung San Suu Kyi là người châu Á đầu tiên thẳng thắn nói nếu các đại công ty như BP của Anh vào Miến Điện đầu tư thì rất hoan nghênh, nhưng họ cần nghĩ đến người dân, và đừng dùng đồng tiền gây ra tham nhũng và tiếp tay cho giới giàu tiền và giàu quyền

Mặt khác, tôi tin rằng người châu Âu, vốn đang trong giai đoạn tinh thần bị xuống mạnh vì chao đảo của đồng euro, của sự đổ vỡ hàng loạt giá trị, cũng thầm mong được nghe thấy gì đó có ý nghĩa sâu sắc từ bà Suu Kyi

Hôm qua, lúc đi thang máy, tôi tình cờ thấy một cô gái Anh khoe trên mobile phone với bạn hình chụp được bà Aung San Suu Kyi vào thăm đài hôm đầu tuần

Như thế, bà Aung San Suu Kyi quả đã là một ngôi sao của châu Á trong tâm trí người dân bình thường nhất ở Anh

Tôi thấy tự hào lây cho người Miến Điện và cũng có thêm một chút hy vọng cho Asean

Nguyễn Giang
 
Myanmar làm lễ vinh danh cha bà Suu Kyi​

- Lần đầu tiên sau 65 năm kể từ khi tướng Aung San, cha của thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi, qua đời, nhà nước Myanmar đã tổ chức lễ vinh danh ông cùng 8 anh hùng độc lập khác của Myanmar

578232.jpg

Thủ lĩnh đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi dự buổi lễ vinh danh cách liệt sĩ ở Yangon ngày 19-7-2012

Các nhà phân tích nhìn nhận lễ vinh danh liệt sĩ cho thấy những thay đổi chính trị đang diễn ra mạnh mẽ ở Myanmar

Theo Reuters, Phó tổng thống Sai Mauk Kham đã chủ trì buổi lễ tưởng niệm 9 anh hùng thiệt mạng do bị các đối thủ chính trị giết chết vào tháng 7-1947 khi đang họp bàn kế hoạch giành độc lập từ tay Anh

Sự hiện diện của các lãnh đạo nhà nước Myanmar tại Yangon cũng cho thấy tầm quan trọng của sự kiện do trước đây chỉ có thị trưởng Yangon chủ trì buổi lễ không được làm trọng thể

Chương trình tưởng niệm được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình nhà nước và thu hút sự chú ý của tất cả tầng lớp dân chúng Myanmar. Tham dự buổi lễ còn có người thân của các anh hùng đấu tranh vì độc lập, các nhà ngoại giao. Sau đó, bà Suu Kyi trò chuyện với những người ủng hộ ở trụ sở đảng, kêu gọi thanh niên noi theo tinh thần các liệt sĩ

Đây là lần đầu tiên trong 9 năm qua bà Suu Kyi dự lễ vinh danh các liệt sĩ. Bà hầu như bị giam lỏng tại nhà suốt gần 2 thập kỷ trước khi được thả tự do vào cuối năm 2010

Khi tướng Aung San bị giết, bà mới 2 tuổi. Ông được xem là kiến trúc sư cho cuộc nổi dậy đòi độc lập của Myanmar từ tay Anh. Ông qua đời một năm trước khi thời kỳ thực dân chấm dứt năm 1948

Đến nay tướng Aung San vẫn là biểu tượng của lòng tự hào Myanmar. Hình ảnh của ông và bà Suu Kyi hiện có thể nhìn thấy rõ ràng hơn nhiều so với thời gian trước
 
Gạt bỏ tình riêng

120923054626_aung_san_suu_kyi_464x261_epicture_nocredit_zps4e787a64.jpg

Bà Suu Kyi là biểu tượng dân chủ được thế giới kính trọng​

Trong hơn hai thập niên, phần lớn thời gian của Aung San Suu Kyi, nhà đối kháng Miến Điện và chủ nhân giải Nobel hòa bình, là bị giam lỏng tại nhà riêng ở Rangoon – cách xa chồng và các con ở nước Anh hàng ngàn dặm

Bà hiếm khi nào nói về nỗi đau của sự chia cách này

“Tôi nghĩ bà thật sự mạnh mẽ. Ngay cả khi buồn phiền về chuyện gì thì bà luôn ý thức rằng bà phải đương đầu với nó. Bà sẽ không phí hoài thời gian để ngồi than khóc,” Kim Aris, con trai Aung San Suu Kyi, nói về mẹ

Ngày qua ngày trong gần 20 năm, Aung San Suu Kyi luôn đối diện một lựa chọn: hoặc tiếp tục sống trong cảnh giam cầm ở Rangoon hoặc đoàn tụ với chồng con ở Oxford. Bà biết rằng nếu rời khỏi đất nước thì bà không còn có thể quay lại để lãnh đạo người dân của mình

Lựa chọn khó khăn

“Đương nhiên tôi tiếc là mình đã không thể dành thời gian cho gia đình,” bà từng thừa nhận

“Ai cũng muốn ở bên cạnh gia đình. Đó là lý do tại sao mọi người cần gia đình. Lẽ tất nhiên tôi cũng ân hận về điều đó. Đó là sự nuối tiếc của riêng tôi”

“Tôi đã muốn ở cùng với gia đình. Tôi muốn nhìn thấy các con mình khôn lớn. Nhưng tôi không hối tiếc việc tôi chọn ở lại cùng với đồng bào của tôi trên mảnh đất này,” bà nói

Aung San Suu Kyi là con gái của Tướng Aung San, vị anh hùng giải phóng dân tộc của Miến Điện – người đã bị ám sát khi bà chỉ mới hai tuổi

Bà luôn tin rằng số mệnh của bà là phụng sự người dân Miến Điện. Bà thậm chí đã nói điều này với chú rể Michael Aris vào đêm trước lễ thành hôn

"Tôi đã muốn ở cùng với gia đình. Tôi muốn nhìn thấy các con mình khôn lớn. Nhưng tôi không hối tiếc việc tôi chọn ở lại cùng với đồng bào của tôi trên mảnh đất này"

Aung San Suu Kyi


“Tôi muốn đoan chắc ngay từ đầu rằng anh ấy cần biết Tổ quốc có ý nghĩa như thế nào đối với tôi và nếu như điều kiện cần tôi trở về sống ở Miến Điện thì anh ấy sẽ không bao giờ ngăn trở tôi,” bà kể lại

Sau một thời gian làm việc ở hải ngoại, Suu Kyi và Michael trở về Oxford, Anh quốc, để ổn định với đời sống nghiên cứu và nuôi dạy hai con trai là Alexander và Kim. Mọi việc cứ thế cho đến khi mẹ của Suu Kyi trở bệnh nặng ở Rangoon vào năm 1988

Về lại quê nhà để săn sóc mẹ, Suu Kyi đã trở thành lãnh đạo của phong trào đấu tranh dân chủ. Bà đã lập nên đảng chính trị Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD)

Phe quân sự tiếm quyền đã giam cầm bà ngay tại nhà và cuộc sống gia đình của bà cũng chấm dứt từ đó

“Lúc đó dĩ nhiên tôi biết rằng mối quan hệ của tôi với gia đình sẽ thay đổi rất nhiều bởi vì chúng tôi không thể nào giữ liên lạc với nhau nữa,” bà thuật lại

Nhà cầm quyền quân phiệt Miến Điện lúc đó nghĩ rằng họ có thể sử dụng chiến thuật này để buộc Suu Kyi rời khỏi đất nước

“Giáng sinh đầu tiên sau khi tôi bị quản chế, Michael được phép đến thăm tôi nhưng họ không cho phép các con đi cùng,” bà nói

120923054437_aung_san_suu_kyi_304x304_epicture_nocredit_zps258ea32f.jpg

Bà Suu Kyi đã không được ở bên cạnh chồng khi ông qua đời​

Nhưng Aung San Suu Kyi đã chọn ở lại Miến Điện để dấn thân vào cuộc đấu tranh đòi cải cách chính trị mặc dù nỗi buồn riêng của bà không bao giờ vơi

“Có những điều mà ta chỉ có thể làm cùng với gia đình mà không làm với người khác. Điều đó rất đặc biệt. Gia đình là rất đặc biệt. Cho nên khi một gia đình phân ly thì không có gì tốt đẹp cả. Không bao giờ tốt đẹp,” bà cho biết

Nối lại tình mẫu tử

Bà chỉ gặp lại người con trai út của mình sau 12 năm xa cách

Khi Kim cuối cùng cũng được chính quyền Miến Điện cho phép vào thăm mẹ, tình mẫu tử đã được nối lại qua tình yêu âm nhạc

“Nó đem theo các đĩa nhạc mà nó thích. Nó lấy ra các đĩa nhạc đó và hỏi tôi: ‘Mẹ có biết ai đây không ?”

“Cái nào tôi cũng đoán sai, nhưng sau đó tôi cũng bắt đầu biết được ai là ai. Nó đã cho tôi nghe rất nhiều bài của Bob Marley do đó tôi cũng bắt đầu thích Bob Marley

Áp lực càng đè nặng trong lòng Suu Kyi khi chồng bà – lúc đó vẫn đang ở nước Anh – được chẩn đoán ung thư vào năm 1997

Chính quyền quân sự khi đó nói rằng bà có thể ra đi để đoàn tụ với chồng – nhưng bà tin rằng bà sẽ không bao giờ được phép quay lại. Cả Suu Kyi và Michael đều không hề tính đến chuyện bà sẽ rời Miến Điện

"Chúng ta biết rằng điều kỳ diệu đang diễn ra. Tất cả chúng ta đều ý thức được rằng đây là một thời khắc rất đặc biệt đối với Miến Điện. Đây là một khoảnh khắc tuyệt vời cho đất nước chúng tôi"

Aung San Suu Kyi


“Chưa có lúc nào mà tôi nghĩ rằng tôi sẽ ra đi. Tôi biết rằng tôi sẽ không đi và anh ấy cũng biết điều đó,” bà nói

Michael qua đời vào năm 1999

Mười năm sau, khi Miến Điện đang chật vật với nền kinh tế của mình, các lãnh đạo quân sự của nước này bắt đầu nhận thấy rằng họ cần sự giúp đỡ từ phương Tây. Tuy nhiên điều này có nghĩa là họ phải thực hiện cải cách và cuối cùng là phải chấm dứt quản thúc Aung San Suu Kyi vào năm 2010

Giờ đây, bản thân Suu Kyi và nhiều đảng viên NLD đã được bầu vào Quốc hội do các tướng lĩnh lãnh đạo mặc dù tiến đến dân chủ hoàn toàn vẫn là một viễn cảnh xa vời ở đất nước này

Mặc dù quá khứ đau thương về những mất mát cá nhân vẫ́n đè nặng trong lòng, Suu Kyi vẫn lạc quan về tương lai

“Chúng ta biết rằng điều kỳ diệu đang diễn ra. Tất cả chúng ta đều ý thức được rằng đây là một thời khắc rất đặc biệt đối với Miến Điện. Đây là một khoảnh khắc tuyệt vời cho đất nước chúng tôi"
 
Bà Suu Kyi 'có thể trở thành Tổng thống'

120929230534_u_thein_sein_304x171_bbc_nocredit.jpg

Tổng thống Miến Điện Thein Sein nói chính quyền sẽ tôn trọng ý nguyện của người dân qua bầu cử​

Nhà lãnh đạo Miến Điện, ông Thein Sein, nói với BBC ông sẽ chấp nhận bà Aung San Suu Kyi là tổng thống nếu người dân bỏ phiếu cho bà

Tổng thống Miến Điện nhấn mạnh rằng ý chí của người dân sẽ được tôn trọng về bất cứ ai mà họ lựa chọn trong cuộc bầu cử dự kiến vào năm 2015

Ông nhắc lại cam kết của mình đối với chương trình cải cách của đất nước, và cho biết ông và bà Suu Kyi đã đang làm việc cùng nhau

Ông Thein Sein, một cựu lãnh đạo của chính quyền quân sự từng thống trị Miến Điện trong nhiều thập niên, đã giám sát cuộc thay đổi mạnh mẽ hướng tới một chính phủ do dân sự lãnh đạo

Hai ngày trước, ông phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, chúc mừng bà Suu Kyi nhận Huân chương Vàng của Quốc hội Mỹ

Cũng phải chấp nhận

"Việc bà ấy (Suu Kyi) trở thành nhà lãnh đạo quốc gia phụ thuộc vào ý chí của người dân. Nếu người dân chấp nhận bà, thì tôi cũng sẽ phải chấp nhận bà," ông nói"
Tổng thống Thein Sein

Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Hardtalk của BBC, ông đã đi xa hơn nữa bằng cách nói về khả năng khôi nguyên giải Nobel Hòa bình trở thành tổng thống

"Việc bà ấy trở thành nhà lãnh đạo quốc gia phụ thuộc vào ý chí của người dân. Nếu người dân chấp nhận bà, thì tôi cũng sẽ phải chấp nhận bà," ông nói

"Không có bất kỳ vấn đề nào giữa tôi và bà Aung San Suu Kyi. Chúng tôi đang làm việc cùng nhau"

Nhưng ông nói thêm rằng quân đội, vốn vẫn giữ nhiều số ghế trong Quốc hội, sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong nền chính trị của đất nước.
Bà Suu Kyi đã bị quản chế trong 15 năm trong thời kỳ cầm quyền của chế độ cũ

Nồng nhiệt nhất

120926105209_utheinsein_dassk_304x171_bbc_nocredit.jpg

Ông Thein Sein nói ông và bà Suu Kyi đang cùng làm việc với nhau trên các công việc​

Lời bình luận của ông Thein Sein tuần này được cho là những lời lẽ nồng nhiệt nhất đến từ một nhà lãnh đạo chính trị của Miến Điện, kể từ khi chính thể quân sự chính thức giải thể hồi tháng 3/2011

Nhưng Miến Điện vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề trong đó có bùng phát giao tranh gần đây giữa những người Hồi giáo Rohingya và những người Rakhine theo Phật giáo

Tổng thống đã nhiều lần cam kết chấm dứt xung đột nội bộ, nhưng cả ông lẫn bà Suu Kyi đều chưa đưa ra được các giải pháp khả dĩ giải quyết vấn đề ở tiểu bang Rakhine

Trong khi đó, Tổng thống cũng nhắc lại lời kêu gọi gỡ bỏ các trừng phạt kinh tế đối với Miến Điện

Ngoại trưởng Hillary Clinton nói rằng Hoa Kỳ sẽ nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng hóa Miến Điện

Cùng lúc, nhiều biện pháp và chế tài đã được Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác gỡ bỏ
 
Sự biến đổi của Myanmar là win - win​

GS - TS Trần Ngọc Vương đánh giá thế nào về sự thay đổi ở Myamar, Việt Nam học được gì từ quốc gia này ?

Chỉ vài năm trước đây thôi, trên nhiều tiêu chí Myanmar còn bị coi là "vùng trũng" của Đông Nam Á. Những biến đổi theo chiều hướng tích cực rất mạnh mẽ và rõ ràng của quốc gia này gần đây biến nó thành một điểm nóng, thành một tâm điểm của sự chú ý của dư luận quốc tế. Chắc chắn là tôi không thấy những đánh giá tiêu cực, hoài nghi hay chê trách đối với những tiến bộ to lớn ở quốc gia này

Có vài câu hỏi cần được nêu lên ở đây

- Vì sao Myanmar có thể có được những chuyển biến ấy ?

- Áp lực nào khiến họ phải thay đổi ?

- Có gì "sai lầm, chệch hướng" chăng ở giới cầm quyền của họ ?

- Giới cầm quyền của họ được gì, mất gì khi tiến hành những cải cách quan trọng đến thế ?

- Những cải cách, cải tổ ấy đưa đất nước họ về đâu ?

- Có thế lực thù địch, chống phá, hay ngược lại, "đỡ lưng" nào đối với họ không ?..

Nếu tìm câu trả lời thật nghiêm túc cho những câu hỏi đó thì sẽ có những bài học thiết thực và to lớn đối với Việt Nam. Và ai là chủ thể có trách nhiệm lớn nhất phải tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi vừa được nêu lên đó ? Dĩ nhiên là những người đang nắm vận mệnh quốc gia rồi !

Theo tôi, quá nhiều bài học có thể rút ra từ thực tế Myanmar đối với Việt Nam. Và điều quan trọng là tôi thấy những biến đổi ở Myanmar không gây tổn thất cho bất cứ một bộ phận nào, một thành phần nào trong đất nước họ

Đó chính là biểu hiện của tinh thần "win - win" (mọi bên cùng thắng) mà các nhà lập thuyết trên thế giới nói tới !

Hoàng Hường
 
Mỹ tranh đường vào Myanmar
- Ngay đầu tháng 5, chính quyền Washington đã có những động thái mở rộng vòng tay với Myanmar. Giới quan sát nhận định đây là cách Mỹ lấn vào “sân sau” của Trung Quốc


Người dân Myanmar chọn thức ăn tại một trong chuỗi nhà hàng Feel ở Yangon. Kinh tế Myanmar khởi sắc hẳn từ khi bắt đầu mở cửa​

AFP dẫn lời một thành viên giấu tên trong Quốc hội Mỹ cho biết Tổng thống Myanmar Thein Sein dự kiến sẽ có mặt ở Washington vào ngày 20 hoặc 21-5, và ông là nguyên thủ đầu tiên của Myanmar đến đây trong gần 50 năm qua, kể từ sau chuyến thăm của thủ lĩnh quân đội Ne Win theo lời mời của tổng thống Lyndon Johnson năm 1966

Rồi ngày 2-5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố chấm dứt lệnh cấm vận thị thực đối với Myanmar đưa ra từ năm 1996, theo đó cấm giới chức và các nhân vật được hưởng trợ cấp chính phủ vào Mỹ. Nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh các quan chức trên vẫn sẽ phải tuân thủ một số quy định cấp thị thực nghiêm ngặt

Chính trị - kinh tế song hành

Washington đã có những phản ứng khá nhạy để bước vào Myanmar qua các chuyến thăm con thoi trong hai năm qua. Đầu tiên là chuyến đi của Ngoại trưởng Hillary Clinton hồi tháng 12-2011, sau vài thập niên cắt đứt quan hệ ngoại giao. Chưa đầy một năm sau đó, Tổng thống Barack Obama đã đích thân đến quốc gia này

Giới chuyên gia cho rằng thông qua việc tăng tốc chính sách ưu tiên ngoại giao với Myanmar, Mỹ đang muốn kéo Myanmar thoát khỏi ảnh hưởng Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc không chỉ có số lượng lớn các doanh nghiệp đầu tư vào Myanmar, mà còn xây dựng tuyến đường ống vận chuyển dầu khí chiến lược từ Myanmar đến tỉnh Vân Nam để không còn phụ thuộc vào tuyến đường vận chuyển qua eo biển Malacca do Mỹ kiểm soát

Washington đã đi từng bước nhưng khá nhanh. Trước hết là dỡ bỏ cấm vận rồi tích cực ủng hộ cải cách dân chủ ở Myanmar. Ngay từ tháng 7-2012, Chính phủ Mỹ đã bật đèn xanh cho các công ty trong nước được phép đổ tiền đầu tư vào Myanmar sau thời gian dài cấm vận

Trong thời điểm hiện nay, Washington đang xem xét cho phép Myanmar tham gia một thỏa thuận tiếp cận khoảng 5.000 loại hàng hóa miễn thuế của Mỹ. Tổng thống Obama cũng đã gia hạn thêm một năm đạo luật Tình trạng khẩn cấp quốc gia, cấm các công ty và cá nhân Mỹ đầu tư hoặc giao dịch, làm ăn với một số quan chức Myanmar nhằm đảm bảo những cải cách tại Myanmar tiếp tục được thực hiện

David Steinberg, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Myanmar tại Đại học Georgetown, nhận định những động thái trên cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và quốc gia được mệnh danh là “sân sau của Trung Quốc” đang ấm dần lên

Nhất là trong bối cảnh Washington đang đẩy mạnh chiến lược “xoay trục châu Á”, mà nội hàm không chỉ là tăng cường quân sự với đồng minh và đối tác mà còn bao gồm cả kinh tế. Myanmar là cái tên mới mà Mỹ đang đưa vào danh sách để mở rộng biên độ ảnh hưởng của mình

Bức tranh chính trị mới

Các nguồn tin từ Washington trong thời gian qua cho thấy không chỉ ưu tiên thương mại và những trao đổi song phương, chính quyền Obama còn chú trọng đến yếu tố quân sự khi tiếp cận với Myanmar. Theo nhận định của giới chuyên gia, một khi xây dựng được quan hệ quân sự với Myanmar, tức Mỹ đã xây dựng được quan hệ ngoại giao “thân thiết” và có thể nâng tầm quan hệ này thành quan hệ đồng minh ở Đông Nam Á

Bước đầu, Mỹ đã cho mời các nhà quan sát quân sự Myanmar tham gia cuộc tập trận Hổ mang vàng ở Thái Lan hồi tháng 2-2013. Báo Asia Times ngày 2-5 dẫn lời quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Joseph Yun nói trước Quốc hội Mỹ rằng “chính quyền Mỹ đang để mắt đến nhiều biện pháp hỗ trợ cam kết quân sự với Myanmar nhằm khuyến khích quốc gia Đông Nam Á này mở rộng thêm cải cách chính trị”

Cựu phóng viên chuyên viết về Myanmar của tạp chí Far Eastern Economic Review Bertil Lintner nhận định những động thái trên cho thấy một dấu hiệu mới đang xuất hiện trong bức tranh chính trị của Myanmar

Tuy nhiên, Washington đang thận trọng nhằm tránh gây căng thẳng với Trung Quốc. Theo chuyên gia Steinberg, Bắc Kinh sẽ rất quan ngại nếu Myanmar chuyển hướng quan hệ gần Mỹ hơn bởi Trung Quốc luôn cho rằng đây là bước thứ hai trong chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ

“Song tôi cho rằng Myanmar sẽ theo đuổi một chính sách cân bằng vì nước này không muốn lệ thuộc quá nhiều vào Mỹ hay Trung Quốc. Myanmar sẽ xoay xở để không làm mất lòng Trung Quốc trong khi cho phép phương Tây can dự nhiều hơn vào đất nước này” - tạp chí Foreign Policy dẫn lời ông Steinberg

Mỹ Loan
 
Top