What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Thủ tướng Shinzo Abe

LOBBY.VN

Administrator
Thủ tướng Nhật Abe sẽ thăm Việt Nam trước Mỹ
Các báo lớn của Nhật là Asahi và Yomiuri ngày 8/1 cho biết tân Thủ tướng nước này, ông Shinzo Abe sẽ thăm Đông Nam Á trước tiên, cho dù trước đó ông từng cam kết sẽ tới Washington trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên

Theo đó, người lần thứ hai đảm nhiệm chức Thủ tướng Nhật dự kiến sẽ thăm Indonesia, Thái Lan và Việt Nam trong tháng này, theo các báo trên, nhưng không trích dẫn nguồn

Hôm 7/1, ông Abe nói rằng mặc dù ông muốn thăm Mỹ trước tiên để tăng cường mối quan hệ đồng minh giữa Tokyo và Washington, nhưng “việc sắp xếp lịch trình khó khăn” đã ngăn cản ông đến Mỹ trước bất cứ nước láng giềng nào khác

images1172123_Tan_thu_tuong_Nhat_tham_viet_nam_truoc_my_datvietvn_zps0caf3fa1.jpg

Tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Theo Asahi và Yomiuri thì chuyến thăm Washington của ông Abe sẽ được sắp xếp lại vào tháng Hai tới

Trước đó, Kyodo dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida nói rằng ông này sẽ thăm Mỹ trong tháng Giêng để hội đàm với người đồng cấp Hillary Clinton, chuyến đi được coi là làm tiền trạm cho chuyến thăm của ông Abe

Chuyến đi này được thông báo sẽ diễn ra vào ngày 18/1 sau khi ông Kishida có cuộc nói chuyện với Bộ Ngoại giao Mỹ và đồng ý tăng cường an ninh giữa hai đồng minh, nhằm duy trì ổn định trong khu vực

Tuy nhiên, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga đã từ chối bình luận về các thông tin nói trên, nhấn mạnh rằng chưa có gì được quyết định trong kế hoạch của ông Abe

Theo AFP, ông Abe đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thắt chặt quan hệ với Washington trong thời điểm mà căng thẳng với Bắc Kinh tăng cao do tranh chấp lãnh thổ

Trong lần đầu làm Thủ tướng Nhật hồi năm 2006-2007, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Abe là tới Trung Quốc. Nhưng trong cuộc tranh cử tháng trước, ông Abe nói rằng sẽ đi Washington trước bất cứ nước láng giềng nào khác
 
Last edited:
Shinzo Abe thăm Việt Nam đầu tiên
Trong cử chỉ thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam với Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chọn Hà Nội là điểm đến đầu tiên của chuyến công du nước ngoài

Ông Shinzo Abe sẽ thăm Việt Nam từ 16 đến 17/1, trước khi đến Thái Lan và Indonesia

Tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm nay, người phát ngôn Lương Thanh Nghị cho biết ông Abe và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ “trao đổi phương hướng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản”

Hai phía sẽ “thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư...” người phát ngôn của Việt Nam nói

Hai Thủ tướng “cũng sẽ tuyên bố khai mạc Năm Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản 2013 kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước”

Cuộc gặp hai thủ tướng

Hôm 28/12, ông Shinzo Abe đã có buổi nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng

Ông Abe từng hy vọng thăm Mỹ trước nhưng chuyến đi phải đình hoãn vì lịch trình của Tổng thống Barack Obama, theo lời người phát ngôn của Tokyo

Bộ trưởng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 10/1 nói các nước mà ông Abe sẽ thăm đứng đầu về tăng trưởng kinh tế ở châu Á và Nhật Bản cần mở rộng quan hệ kinh tế với các nước này

“Cần thắt chặt hợp tác với các nước Asean để bảo đảm hòa bình và thịnh vượng ở châu Á – Thái Bình Dương,” ông Suga tuyên bố

Quan hệ của Nhật Bản và Trung Quốc đã xấu đi từ tháng Chín năm ngoái vì mâu thuẫn quanh tranh chấp quần đảo mà Nhật gọi là Senkaku

121217053032_sp_shinzo_abe__304x171_reuters_nocredit_zpsc5bad5b7.jpg

Chiến thắng bầu cử của ông Abe có thể là dấu hiệu Nhật Bản nghiêng về phía hữu

Kể từ khi chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 12, ông Abe đã gửi ngoại trưởng đi thăm Đông Nam Á và gửi phái viên đến Hàn Quốc và Nga

Ông Suga, tuy vậy, nhấn mạnh chuyến thăm của Thủ tướng không nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng

“Trung Quốc là nước quan trọng với Nhật Bản,” ông Sugar nói.
Tuy vậy, Nhật Bản chia sẻ lo ngại về Trung Quốc với nhiều nước có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc

Nhân chuyến thăm tuần này của ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Ngoại trưởng Philippines tiết lộ Nhật Bản đề nghị giúp Manila trước hành động “rất đe dọa” của Trung Quốc trên biển
 
Last edited:
Định giá Abenomics

dinh-gia-abenomics_zps30f44e55.jpg

Liệu Abenomics có thể giải quyết triệt để những vấn đề của Nhật Bản ?

Abenomics là thuật ngữ dùng để chỉ các chính sách kinh tế mạnh mẽ của ông Shinzo Abe

Trong 1 năm, Natume – 1 showroom ô tô ở Tokyo – bán ra khoảng 300 chiếc xe Bentleys, Ferraris và những thương hiệu xe sang khác. “Năm nay, chúng tôi hi vọng số lượng bán ra sẽ lên đến 400 – 450 chiếc”, Kenichi Oguma, ông chủ của showroom này nói. Oguma rất tin tưởng vào chính sách điều hành kinh tế của Shinzo Abe – tân Thủ tướng vừa tái đắc cử của đất nước mặt trời mọc

Kể từ tháng 11 năm ngoái, khi đảng Dân chủ tự do (LDP) của ông Abe gần như đã nắm chắc chiến thắng, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã tăng hơn 40%. Gói kích thích tài khóa lên tới 10.000 tỷ yên (tương đương 107 tỷ USD) là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp xây dựng của Nhật Bản

Hôm qua (4/4), NHTW Nhật Bản (BoJ) lại tiếp tục củng cố quyết tâm kích thích kinh tế khi thông báo tăng gấp đôi cơ sở tiền tệ trong vòng 2 năm

Đồng yên yếu đi giúp hàng hóa xuất khẩu rẻ hơn và hỗ trợ cho các nhà sản xuất vốn đang gặp khó khăn

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kết luận rằng ông Abe có thể giúp các doanh nghiệp Nhật Bản lấy lại tinh thần – điều mà họ thiếu đi bấy lâu nay

Một khảo sát được Reuters thực hiện hồi tháng 2 cho thấy 85% số công ty có kế hoạch giữ nguyên mức lương trả cho người lao động, thậm chí là cắt giảm

Hiện tượng doanh nghiệp không muốn đầu tư hoặc tăng lương có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch vươn tới mục tiêu lạm phát 2% của ông Abe. Các số liệu được công bố tuần trước cho thấy sản lượng tại các nhà máy đột ngột sụt giảm trong tháng 2 với nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu từ Trung Quốc sụt giảm

Báo cáo Tankan vừa được công bố trong tuần này cũng cho thấy hầu hết các công ty vẫn khá bi quan về tương lai. Phiên ngày 1/4, sau khi báo cáo được công bố, TTCK Nhật Bản giảm 2%

Tuy nhiên, ngày tiếp theo đó, nội các của Thủ tướng Abe lại thông qua kế hoạch đầy tham vọng nhằm cải cách ngành công nghiệp điện của nước này. Hiện nay, thị trường điện của Nhật Bản đang ở trong tình trạng độc quyền địa phương và do đó giá điện ở mức cao. Ông Abe hi vọng sẽ có thể chia tách bộ phận sản xuất điện với bộ phận truyền tải điện đồng thời cho phép cạnh tranh trong việc bán lẻ điện

Nếu như được Quốc hội thông qua, đây sẽ là cuộc cải cách lớn nhất của ngành điện kể từ những năm 1950 đến nay. Các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng được hưởng khá nhiều lợi ích từ điều này. Hiện nay, giá điện ở Nhật Bản đang ở mức cao gấp 3 lần so với ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, người ta cũng dự báo hoạt động cải cách sẽ gặp phải nhiều trở ngại. Các công ty điện lực thực hiện vận động hành lang khá tốt

“Người ta đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào chính phủ nhưng chúng tôi vẫn đang chờ xem liệu đà phục hồi có bền vững hay không”, Hiroshi Nishijima, giám đốc của Nishijimax – nhà cung cấp phụ tùng cho ngành công nghiệp xe hơi – cho biết

Nhờ vào chính sách của ông Abe, các sản phẩm của ông đã có giá rẻ hơn ở các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, Nishijima vẫn khẳng định không thay đổi kế hoạch kinh doanh bởi nền kinh tế thế giới vẫn còn khá yếu ớt

Sợ làm tổn hại người nông dân

Rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang chờ đợi ông Abe hoàn thành Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những người nông dân – bộ phận đóng vai trò quan trọng trong đảng LDP - đang phản đối hiệp định này

Các quan chức chính phủ, TPP có thể khiến GDP Nhật Bản tăng thêm 3.200 tỷ yên (tương đương 0,7%) trong thập kỷ tới. Theo Hiroshi Mikitani, giám đốc của nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Nhật Bản Rakuten, thuyết phục được bộ phận nông dân và thắng cử sẽ là bằng chứng để thuyết phục rằng “Abenomics” là hiệu quả

Mikitani đánh giá rất cao gói kích thích tài khóa và nới lỏng tiền tệ mà ông Abe đã thực hiện. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng thử thách thực sự nằm ở chỗ tạo ra một chiến lược tăng trưởng tầm cỡ quốc gia

Chiến lược mà ông Mikitani muốn nhắc đến chính là những cải cách cùng với các chính sách công nghiệp của chính phủ. Ông muốn Thủ tướng Abe cho phép buôn bán trực tuyến nhiều mặt hàng hơn nữa, trong đó có các loại thuốc. Tuy nhiên, đây là điều mà các công ty dược phẩm phản đối và họ cũng là một trong những lực lượng hùng hậu nhất ủng hộ đảng LDP

Chính sách ngoại giao cũng là điều khiến người ta lo lắng về ông Abe. Đã có những tín hiệu cho thấy ông Abe có thể đến thăm ngôi đền Yasukuni Shrine, nơi thờ phụng những tội phạm chiến tranh. Điều này sẽ khiến mối quan hệ với Trung Quốc trở nên căng thẳng trong khi đây là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật. Bị ảnh hưởng từ tranh chấp biển đảo, hoạt động thương mại song phương giữa 2 nước đã xấu đi trong thời gian gần đây

Tuy nhiên, Mikitani vẫn dự báo ông Abe sẽ đặt lợi ích thương mại lên hàng đầu. “Ông ấy là người giỏi ngoại giao và thông minh”, ông nói

Thu Hương
 
Last edited:
Thủ tướng Nhật Bản quyết chiếm thị trường Myanmar


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Myanmar, mang theo gần 1 tỷ USD tiền viện trợ phát triển và một kế hoạch thiết lập mạng lưới điện trên toàn quốc cho đất nước này

Đây là một trong những nỗ lực của Nhật Bản nhằm tìm kiếm chỗ đứng trong các dự án phát triển đang được thúc đẩy mạnh mẽ tại Myanmar

Chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Nhật Bản diễn ra sau chuyến thăm của nhiều nhà lãnh đạo thế giới đến quốc gia này kể từ khi Myanmar được chào đón trở lại cộng đồng quốc tế, sau khi một chính phủ dân sự trên danh nghĩa được thành lập ở Naypidaw. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản đến Myanmar kể từ năm 1977

Trong chuyến thăm này, ông Abe sẽ đóng vai trò là "giám đốc kinh doanh" của công ty Japan Inc., đặt mục tiêu tăng gấp ba lần hoạt động xuất khẩu cơ sở hạ tầng của công ty này nhằm giúp khôi phục nền kinh tế trì trệ của Nhật Bản

Mọi động thái ngoại giao dù nhỏ nhặt nhất đang được theo dõi sát sao. Một quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Tokyo muốn hỗ trợ tiến trình chuyển đổi nhanh chóng tại Myanmar. Theo quan chức này, chuyến thăm sẽ "chứng tỏ rằng cả khu vực nhà nước và tư nhân của Nhật Bản sẵn lòng hỗ trợ tối đa mọi nỗ lực hướng đến dân chủ, đề cao luật pháp, thị trường hóa và hòa giải dân tộc của Myanmar"

Quan chức này cho biết Thủ tướng Abe, người hiện có tỷ lệ ủng hộ khá cao ở trong nước nhờ những thành tích kinh tế đáng khích lệ và những thành tựu nổi bật của các thị trường chứng khoán, sẽ ở thăm Myanmar trong 3 ngày

Nhật báo kinh tế Nikkei của Nhật Bản ngày 23/5 đưa tin Thủ tướng Abe sẽ công bố viện trợ phát triển cho Myanmar 100 tỷ yen (980 triệu USD)

Quan chức trên cho biết tháp tùng ông Abe sẽ là một phái đoàn doanh nhân hùng hậu gồm 40 người, trong đó có các quan chức điều hành chính của một số công ty thương mại hàng đầu của Nhật Bản như Mitsubishi, Mitsui, Marubeni and Sumitomo, và các công ty chuyên về cơ sở hạ tầng như Taisei và JGC

Nhật báo Nikkei cho biết trong chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Abe, Nhật Bản sẽ đề xuất một kế hoạch cơ bản về phát triển mạng lưới điện tại Myanmar vào năm 2030, đồng thời nêu ý tưởng sử dụng các công nghệ xanh mà trong đó các công ty của Nhật Bản như Mitsubishi Heavy Industries, Hitachi và Toshiba sẽ hỗ trợ

Tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản cho biết ông muốn Nhật Bản sẽ bán được các dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng trị giá 30.000 tỷ yên vào năm 2020, đồng thời cam kết sẽ đi khắp thế giới để "tiếp thị"

Myanmar rõ ràng là một điểm đến mà ông Abe nhắm tới vì nước này đang cần các nguồn đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng và thay thế các cơ sở hạ tầng đổ nát, trong khi Nhật Bản - nước dựa vào xuất khẩu - lại đang tìm kiếm những cơ hội mới tại đất nước giàu tài nguyên này để thúc đẩy sự phát triển vốn đang trì trệ của mình

Quan chức trên cho biết ngoài chương trình nghị sự kinh tế, ông Abe được cho là sẽ đề cập đến vấn đề các nhóm thiểu số sắc tộc của Myanmar do những tháng gần đây tại Myanmar xảy ra rất nhiều vụ đổ máu liên quan đến sắc tộc và tôn giáo

Ông nói: "Hai đến ba năm tới là thời điểm vô cùng quan trọng không chỉ đối với các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà còn đối với các mối quan hệ song phương của chúng tôi", đồng thời lưu ý rằng Myanmar sẽ đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN vào năm tới và rằng "còn rất nhiều việc phải làm trong công cuộc cải cách chính trị ở Myanmar"

Quan chức trên nhấn mạnh: "Thông điệp quan trọng nhất gửi đến Myanmar... là chính quyền Abe nghĩ rằng các nước ASEAN có vai trò quan trọng đối với Nhật Bản, và Myanmar là nước duy nhất mà cả Ngoại trưởng lẫn Thủ tướng Nhật Bản vẫn chưa đến thăm"

Ngoài cuộc gặp cấp cao ngày 26/5 với Tổng thống Myanmar Thein Sein, Thủ tướng Abe còn gặp nhà lãnh đạo phe đối lập của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, người đã tới Nhật Bản hồi tháng trước

Không giống các nước đồng minh phương Tây, Nhật Bản vẫn duy trì quan hệ thương mại và đối thoại với Myanmar trong những năm chính phủ quân sự nắm quyền ở đất nước này vì cho rằng việc áp dụng lập trường cứng rắn đối với Myanmar có thể đẩy Naypyidaw xích lại gần hơn với Trung Quốc, đồng minh then chốt của Myanmar

Một quan chức thuộc văn phòng Tổng thống Myanmar, yêu cầu giấu tên, nói với AFP: "Myanmar... rất cần sự hỗ trợ cụ thể của Nhật bản. Nhật Bản có thể giúp Myanmar về công nghệ, ngân hàng, thị trường tiền tệ, phát triển nhân lực, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, nhà máy, xóa nợ, hỗ trợ tăng cường và cơ sở hạ tầng"

Tháng 12/2012, hai nước đã nhất trí trong năm 2013 khởi công một khu công nghiệp lớn ở gần Yangon. Tháng 1/2013, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết Nhật Bản sẽ thực thi cam kết xóa nợ cho Myanmar và cung cấp các khoản cho vay mới

Tháng 4/2012, chính phủ Nhật Bản khi đó thông báo sẽ xóa nợ 300 tỷ yen (3,4 tỷ USD) trong tổng số tiền 500 tỷ yen mà Nhật Bản cho Myanmar vay sau khi nước này thực hiện một loạt cải cách chính trị mạnh mẽ

TTXVN
 
Last edited:
Nhật quyết định "đổ" vào châu Phi 14 tỉ USD
- Ngày 1-6, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố Tokyo tài trợ cho châu Phi 14 tỉ USD trong năm năm tới


Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bắt tay Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete tại Tokyo​

“Viện trợ phát triển chính thức (ODA) sẽ lên đến 1.400 tỉ yen (14 tỉ USD)” - AFP dẫn lời Thủ tướng Abe tại cuộc hội nghị kéo dài ba ngày ở Tokyo, thu hút sự tham dự của lãnh đạo hơn 40 quốc gia châu Phi

Ông Abe cho biết số tiền viện trợ này nằm trong khoản 3.200 tỉ yen (31,7 tỉ USD) mà Nhật sẽ cung cấp cho châu Phi để hỗ trợ các quốc gia lục địa đen phát triển kinh tế, hạ tầng cơ sở

Tuy nhiên, ông Abe nhấn mạnh muốn biến đổi quan hệ Nhật - châu Phi từ nhà tài trợ - nước tiếp nhận thành quan hệ đối tác kinh tế. Hiện các công ty Nhật muốn mở rộng sự hiện diện tại châu Phi, một thị trường lớn và dễ tính

Ông Abe cho biết Tokyo sẽ mời khoảng 1.000 sinh viên châu Phi đến Nhật mỗi năm để học tập tại các trường đại học và lấy kinh nghiệm ở các công ty Nhật. Nhật sẽ tăng cường các dự án tạo công ăn việc làm cho 30.000 người ở châu Phi

Các tập đoàn Nhật coi châu Phi là một cơ hội để phát triển bởi thị trường nội địa Nhật đang bị thu hẹp do dân số già đi và giảm sút. Giới quan sát nhận định chính quyền Nhật cũng muốn cạnh tranh với Trung Quốc để giành ảnh hưởng ở châu Phi

Thủ tướng Abe cam kết sẽ phục hồi nền kinh tế Nhật sau hai thập kỷ phát triển yếu ớt. Tháng trước ông cho biết sẽ đi khắp thế giới để quảng bá công nghệ xây dựng đường cao tốc, đường sắt cao tốc, hạ tầng điện... của Nhật. Ông Abe muốn tăng xuất khẩu hạ tầng lên 30.000 tỉ yen (298 tỉ USD) mỗi năm vào năm 2020

Nguyệt Phương
 
“Mũi tên thứ ba” của Thủ tướng Nhật
Nhật Bản sẽ tự do hóa hoàn toàn thị trường điện bán lẻ...


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay (5/6) đã công bố chiến lược dài hạn về việc phục hồi nền kinh tế, trong đó gồm việc lập các khu kinh tế đặc biệt để hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào các ngành như công nghệ và quản trị nhân lực

Ông Abe nói rằng, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiến hành tự do hóa hoàn toàn thị trường điện bán lẻ và hướng tới thúc đẩy chi phí đầu tư liên quan tới điện lực lên mức 30 nghìn tỷ Yên (300 tỷ USD) trong vòng 10 năm tới

Theo hãng tin CNBC, kế hoạch dài hạn này là "mũi tên" thứ ba trong chiến lược ba mũi tên của ông Abe đối với kinh tế Nhật Bản. Hai mũi còn lại là các gói kích thích tiền tệ và tài chính đã được thực thi trong năm nay

Tuy nhiên, giới phân tích kinh tế cho rằng, nếu không có những thay đổi về cơ cấu thì các chính sách kinh tế mạnh mẽ của ông Abe cũng vẫn thất bại. Hiện Nhật Bản đang là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ

Nước này cho tới nay vẫn chưa hoàn toàn giảm bớt được những ảnh hưởng từ tình trạng giảm phát và liên tục thoát ra, rồi lại rơi trở lại suy thoái và nhiều nỗ lực được đưa ra nhưng chuốc phải thất bại nặng nề

Trên thực tế, tình hình nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã có nhiều dấu hiệu tốt hơn kể từ sau khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền lãnh đạo và thực thi một loạt những chương trình cải cách, với mục tiêu giúp Nhật Bản thoát ra khỏi những khó khăn hiện tại

Tờ The Economist số ra ngày 18/5 từng bình luận rằng, đương kim Thủ tướng Nhật Bản là một người “có tầm nhìn về một nước Nhật Bản thịnh vượng và có lòng yêu nước”

Kể từ khi bị Trung Quốc qua mặt và đoạt lấy danh hiệu "nền kinh tế lớn thứ hai thế giới" vào năm 2010, hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản đã rơi vào tình trạng trì trệ và đồng Yên nhiều lúc o ép lợi ích kinh tế. Nhưng với việc đồng Yên giảm giá so với USD nhờ chính sách của ông Abe, các nhà xuất khẩu của xứ sở mặt trời mọc đã bắt đầu lấy lại được niềm tin và lợi nhuận. Thị trường xuất khẩu phục hồi đã giúp nền kinh tế Nhật Bản sôi động trở lại

Quý 1 vừa qua, tăng trưởng GDP của Nhật Bản đạt 0,9%, giữa lúc khu vực đồng tiền chung châu Âu tiếp tục chìm trong đợt suy thoái dài nhất trong lịch sử khối này. Kinh tế Nhật Bản vượt lên là nhờ kim ngạch xuất khẩu trong ba tháng đầu năm tăng 3,8%, chủ yếu là các mặt hàng xe ôtô và máy móc vào thị trường Mỹ và sự ổn định của tiêu thụ nội địa. Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 đã tăng khoảng 70% kể từ tháng 11 năm ngoái

Chuyên gia kinh tế Hideki Matsumura thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản nhận định, triển vọng lạc quan hơn của nền kinh tế làm tăng giá trị các loại tài sản, trong đó bao gồm cổ phiếu. Do đó chi tiêu cá nhân tăng trở lại và lĩnh vực xuất khẩu cũng đang được phục hồi

Còn theo ông Taro Saito, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu NLI ở Tokyo, kinh tế Nhật Bản đã bước vào con đường phục hồi toàn diện sau khi chạm đáy cuối năm 2012

Do đó, nhiều chuyên gia tin tưởng chiến lược phục hồi kinh tế "ba mũi tên" của ông Shinzo Abe sẽ thành công. Tuy nhiên, cũng có không ít quan điểm cho rằng, chính sách này sẽ khó gây được ảnh hưởng lâu dài cho kinh tế Nhật, vốn đã trì trệ quá lâu

Trong suốt quá trình dài hơn 15 năm qua, người ta đã quá quen thuộc với hình ảnh một nước Nhật giảm phát và trì trệ, khó có khả năng thoát khỏi tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng

Ngay như việc đồng Yên giảm giá cũng không hoàn toàn là yếu tố có lợi, bởi nó có tác động tích cực tới xuất khẩu nhưng lại khiến chi phí nhập khẩu tăng mạnh và kéo dãn thâm hụt thương mại của Nhật Bản

Chưa hết, việc tăng chi tiêu công trong lúc nợ công của Nhật Bản đang chất cao như núi, có thể làm gánh nặng này thêm khó gánh hơn và mức lạm phát cao hơn có thể khiến lãi suất tăng cao, từ đó làm tăng thêm chi phí vay mượn

Thanh Hải
 
Abenomics, “canh bạc” không chỉ của nước Nhật

Abenomics chính là cơ hội tốt nhất, và cũng có thể là cơ hội cuối cùng, để Nhật Bản ngăn chặn một cuộc khủng hoảng

Trong gần 2 thập kỷ qua, Nhật Bản gần như đã trở thành một quốc gia ít ảnh hưởng đối với nền kinh tế toàn cầu. Sự trì trệ không có lối thoát đã khiến nền kinh tế một thời lớn thứ nhì thế giới của đất nước mặt trời mọc không còn tạo ra được nhiều lực tác động đối với thế giới bên ngoài

Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Wall Street Journal, thời kỳ đó của nước Nhật đang đi vào hồi kết, với những ảnh hưởng có thể là tốt mà cũng có thể là xấu. Báo này cho rằng, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang dấn thân vào một “canh bạc” lớn để đưa đất nước thoát khỏi quỹ đạo của sự tăng trưởng èo uột và giảm phát

Công thức được đưa ra để đạt được sự thay đổi này là kết hợp giữa chi tiêu chính phủ, những dòng vốn lãi suất thấp bơm mạnh vào thị trường, và công cuộc cải tổ đầy tham vọng đối với nền kinh tế thủ cựu của nước Nhật

Nếu công thức được gọi là Abenomics này thành công, thì nước Nhật, với cương vị hiện tại là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ xuất hiện trở lại với tư cách một đầu tàu tăng trưởng lớn trong bối cảnh kinh tế châu Âu đình trệ và kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Ngược lại, nếu chính sách này thất bại, thì khối nợ công khổng lồ được ví như “núi Phú Sĩ” của Tokyo có thể sụp đổ, kéo theo những cơn chấn động lớn trong nền kinh tế toàn cầu

Câu hỏi ngược lại là, điều gì sẽ xảy ra nếu Abenomics không đạt được những thành công như kỳ vọng? Trong tháng 7 này, IMF đã đưa khả năng này vào danh sách những rủi ro hàng đầu mới đối với kinh tế thế giới

“Nếu xảy ra, đó sẽ là một cú sốc cực lớn”, kinh tế gia cao cấp Michael Manetta thuộc hãng nghiên cứu Roubini Global Economics nhận xét. “Xét về phản ứng trên thị trường vốn, cú sốc đó có lẽ sẽ tương tự như những gì mà chúng ta chứng kiến sau vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers”

Đến nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Nhật Bản nhằm tái sinh tăng trưởng. Sự hồi phục của nước Nhật “rõ ràng sẽ là một chiến thắng cho nền kinh tế toàn cầu” - theo Trưởng đại diện của IMF tại Nhật Bản Jerry Schiff. “Đó sẽ là một lợi ích lớn ở vào thời điểm không có động lực tăng trưởng toàn cầu”

Kịch bản xấu nhất được IMF phác họa như sau

Ở mức gần 2,5 lần GDP, nợ công của Nhật Bản lớn hơn nhiều so với mức nợ công của bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác trên thế giới. Cho đến nay, các nhà đầu tư vẫn sẵn lòng cho Chính phủ Nhật vay vốn với lãi suất siêu thấp trên thị trường trái phiếu, cho phép Tokyo dễ dàng thanh toán những khoản nợ đã vay từ trước

Tuy nhiên, trong trường hợp Abenomics không đem lại được mức tăng trưởng dự kiến, giới đầu tư có thể bắt đầu nghi ngờ về khả năng trả nợ của Chính phủ Nhật. “Rủi ro nằm ở chỗ các nhà đầu tư trở nên lo ngại về sự bền vững của mức nợ công, và đòi mức lãi suất cao hơn”, kinh tế trưởng Olivier Blanchard của IMF nhận định. “Điều này sẽ khiến Nhật Bản khó duy trì được khối nợ như vậy”

Khi đó, để tránh vỡ nợ, Chính phủ Nhật có thể tạo áp lực buộc Ngân hàng Trung ương (BoJ) tiếp tục mua nợ, một quy trình có thể dẫn tới siêu lạm phát. Mức sống của người Nhật khi đó sẽ giảm mạnh, một cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng và lãi suất tăng vọt sẽ gây hiệu ứng lan tỏa trong khu vực và gây tổn thương cho nền kinh tế toàn cầu vốn dĩ đã mong manh

“Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật tăng vọt có thể có tác động lớn trên phạm vi toàn cầu”, đại diện IMF Schiff nói. “Điều đó có thể ảnh hưởng không hề nhỏ tới nền kinh tế thế giới”

Nhiều năm qua, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng mức nợ công của Nhật Bản là không bền vững. Đến nay, giới đầu tư vẫn phớt lờ cảnh báo này. Đó chủ yếu là do 95% nợ công của Nhật nằm trong tay chính người Nhật vốn nổi tiếng tiết kiệm, thông qua các ngân hàng, công ty bảo hiểm và quỹ lương hưu

Tuy nhiên, đến một thời điểm không còn bao xa, thị trường nợ nội địa của Nhật sẽ trở nên bão hòa, và lượng trái phiếu chính phủ mới phát hành sẽ phải tìm đến những khách mua là các nhà đầu tư nước ngoài hay dao động hơn. Chỉ trong vòng 3-4 năm tới đây, tiền tiết kiệm của các hộ gia đình sẽ bắt đầu vơi đi, khi thế hệ “baby-boomer” ở Nhật về hưu

“Đến lúc đó, nếu Chính phủ Nhật vẫn chưa làm nên chuyện, thì tình hình sẽ rất khó khăn vì nhu cầu tự nhiên đối với trái phiếu chính phủ nước này - vốn được hỗ trợ bởi nguồn tiền tiết kiệm của các hộ gia đình - sẽ bắt đầu suy giảm”, ông Manetta nói

Trong một báo cáo vào năm ngoái, hai kinh tế gia có ảnh hưởng của Nhật Bản là Takatoshi Ito và Takeo Hoshi ước tính rằng, điểm bão hòa của thị trường trái phiếu nước này có thể đến trong 10 năm tới nếu không có biện pháp ngăn chặn. Giới đầu tư có thể lường trước được thời điểm đó, dẫn tới một cuộc khủng hoảng xảy ra trước khi thời điểm đó thực sự tới

Thủ tướng Abe đã đề xuất tăng thuế tiêu thụ lên mức 10%. Nguồn thu bổ sung này sẽ giúp trì hoãn thời điểm bão hòa nói trên, nhưng sẽ không đủ để giúp giữ mức nợ công ổn định. Để đạt được sự ổn định về nợ công, chính sách Abenomics sẽ phải thành công trong việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn của nước Nhật

Chính phủ của ông Abe đã bắn đi mũi tên đầu tiên trong số “ba mũi tên” của Abenomics, đó là bổ nhiệm một Thống đốc BoJ mới, người quyết định bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế. Mũi tên thứ hai là chính sách tài khóa, mới chỉ được phóng đi nửa chừng. Tokyo đã bắt đầu thực thi kích thích tài khóa, nhưng vẫn chưa công bố một kế hoạch trung hạn về tăng thuế và cắt giảm chi tiêu

Các nhà đầu tư đang chờ đợi Chính phủ của Thủ tướng Abe công bố kế hoạch cho những thay đổi lớn mang tính cơ cấu cho nền kinh tế trong mùa thu năm nay, sau khi Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mới đây tại Thượng viện

Để duy trì sự hồi phục dự kiến có được của nền kinh tế, ông Abe sẽ phải bắn mũi tên thứ ba, đó là một cuộc cải tổ lớn đối với nền kinh tế Nhật. Đến nay, người đứng đầu Chính phủ Nhật mới chỉ đưa ra những biện pháp mờ nhạt, được cho là sẽ không giúp ích gì nhiều cho thúc đẩy tăng trưởng

Những điều mà IMF muốn nhìn thấy ở Nhật Bản bao gồm những thay đổi sâu sắc hơn để khuyến khích phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động, tạo điều kiện dễ dàng hơn để sa thải người lao động có tuổi, và nới lỏng các hạn chế đối với ngành nông nghiệp và dịch vụ. IMF kỳ vọng rằng, những thay đổi như thế sẽ giúp đẩy nhanh sự tăng trưởng của kinh tế Nhật nhờ tăng sử dụng lao động, tiền lương và chi tiêu dùng

Những tháng tới đây sẽ có ý nghĩa rất quan trọng. Các nhà đầu tư đang chờ đợi Chính phủ của Thủ tướng Abe công bố kế hoạch cho những thay đổi lớn mang tính cơ cấu cho nền kinh tế trong mùa thu năm nay, sau khi Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mới đây tại Thượng viện

Nếu ông Abe do dự, Abenomics có khả năng sẽ thất bại, và sẽ chỉ thành công ở phương diện bổ sung thêm nợ quốc gia cho xứ sở anh đào

Tờ Wall Street Journal kết luận rằng, Abenomics chính là cơ hội tốt nhất, và cũng có thể là cơ hội cuối cùng, để Nhật Bản ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ có nguy cơ đẩy lùi tăng trưởng toàn cầu thêm một lần nữa

Rõ ràng, không chỉ có người Nhật có quyền lợi trong “canh bạc” đầy may rủi này

An Huy
 
Top