What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Thị trường lương thực thế giới

LOBBY.VN

Administrator
Cảnh báo bức tranh xám của thị trường lương thực thế giới​

Liên tục “lên đỉnh” về giá cả, thị trường lương thực thế giới đang trải qua những biến cố “chưa từng có tiền lệ” và nguy cơ đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của nhiều người dân trên thế giới trong năm 2011

Những con số ‘biết khóc’ trong năm 2010

Năm 2010 chứng kiến những mức tăng kỷ lục của giá lương thực, thực phẩm trên toàn cầu. Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực tháng 12/2010 vọt lên mức cao nhất kể từ khi các biện pháp đo đếm được thực hiện trong vòng 20 năm qua

Cụ thể, chỉ số giá lương thực tháng 12/2010 tăng từ 206 điểm của tháng 11 lên 214,7 điểm, trong đó giá đường lên tới 398,4 điểm từ mức 373,4; giá thịt tăng lên 142,2 điểm từ 141,5. Các mặt hàng khác như giá ngũ cốc cũng tăng lên 237,6 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 8/2008. Chỉ số giá dầu ăn tăng lên 263 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008, còn chỉ số giá các sản phẩm từ sữa tăng lên 208,4 điểm, so với 207,8 điểm của tháng 11/2010

kt_111_luong1in.jpg

Năm 2010 chứng kiến những mức tăng kỷ lục của lương thực​

Chuyên gia kinh tế Paul Collier nhận định, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ngày càng trở nên tồi tệ hơn chính là do các tầm nhìn ngắn hạn của một số Chính phủ. Trong bài bình luận của mình, ông cho rằng, các phản ứng trước đợt khủng hoảng lương thực hiện nay đều rơi vào bế tắc do các quyết định như cấm xuất khẩu của các nước xuất khẩu lương thực. Chính điều này khiến nguồn cung càng ít hơn và nông dân không có động cơ để đầu tư thêm cho kết quả mùa màng cao hơn

Thêm vào đó, Viện nghiên cứu chính sách quốc tế, nhận xét, giá lương thực đặc biệt tăng mạnh còn do cháy rừng ở Nga hồi năm ngoái - nước chiếm 11% lượng xuất khẩu toàn cầu. Các trận lụt gần đây ở Australia, nơi cũng chiếm 11% lượng xuất khẩu toàn cầu cũng làm cho vấn đề thêm phức tạp. Hạn hán ở Argentina, nước xuất khẩu ngô lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ, cũng góp phần tạo nên cơn bão giá

"Tình hình rất căng thẳng. Nếu chúng ta hứng chịu thêm thảm họa thiên nhiên, chúng ta có thể gặp vấn đề thực sự", chuyên gia kinh tế của FAO, ông Abdolreza Abbassian nhận định

Chỉ số giá lương thực là chỉ số quốc tế được tính toán dựa trên việc xuất khẩu lúa mỳ, ngô, các sản phẩm sữa, thịt, đường và dầu. Chỉ số này không tính giá nội địa vì nó có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, ví dụ trợ giá

Bức tranh năm 2011 u ám

Theo FAO, dù sự tăng vọt về giá này chưa dẫn tới một cuộc khủng hoảng song tình hình như trên là rất đáng báo động và thế giới có thể phải đối mặt với một cú sốc về giá thực phẩm trong năm nay

Cảnh báo về giá các mặt hàng nông sản có thể tăng cao hơn, nhà kinh tế kỳ cựu Abdolreza Abbassian khẳng định: "Giá lương thực cao chót vót càng kéo dài thì nguy cơ một cuộc khủng hoảng như hồi 2007 - 2008 tái diễn sẽ càng lớn"

Theo ông, hiện có rất nhiều nguy cơ khiến giá ngũ cốc có thể tiếp tục leo thang như nạn lụt nghiêm trọng tại một trong những vựa lúa mỳ của thế giới là Australia hay có gì đó bất lợi xảy ra với vụ mùa tại Nam Phi

kt_111_luong2in.jpg

FAO dự báo, tình hình giá lương thực trong năm 2011 cũng không có dấu hiệu suy giảm​

Chia sẻ quan điểm này, Luke Matthews, chuyên gia về hàng hóa tại Ngân hàng Thịnh vượng chung Australia, đánh giá, sẽ có rất ít nhân tố góp phần hạ nhiệt tình trạng leo thang của giá thực phẩm trong năm 2011. Ông thậm chí còn đánh cược vào các mặt hàng ngô, đường và bột mỳ do chúng chắc chắn chịu ảnh hưởng xấu từ việc hiện tượng thời tiết La Nina sẽ kéo dài trong ba tháng tới. La Nina là hiện tượng thời tiết mát mẻ, dẫn tới chuyện mưa nhiều và gây lụt ở Australia, một trong những nhà sản xuất bột mì và đường lớn nhất, đồng thời sẽ ảnh hưởng tới cả khu vực Đông Nam Á

Chuyên gia này giải thích thêm, bản thân tính không ổn định của thị trường lương thực thế giới cũng buộc FAO phải đưa ra những nhận định gây sốc về giá lương thực thế giới trong năm 2011. Ông dẫn chứng, trái với dự báo hồi tháng 6/2010 rằng sản lượng ngũ cốc trong năm 2010 sẽ tăng khoảng 1,2%, sản lượng lương thực năm nay chỉ đạt hơn 2.200 triệu tấn, giảm 2% so với năm ngoái

Không chỉ vậy, giới phân tích thị trường lương thực thế giới cho rằng, nguyên nhân khác khiến giá lương thực có thể “leo dốc” là do dự trữ lương thực toàn cầu sẽ giảm đáng kể trong thời gian tới bởi thời tiết khắc nghiệt trong mùa đông có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mùa vụ thu hoạch. Theo FAO, dự trữ ngũ cốc sẽ giảm khoảng 7%, lúa mạch giảm gần 35%, ngô 12% và lúa mì 10%. Nếu điều này xảy ra, giá một chiếc bánh mỳ tại Mỹ và châu Âu có thể sẽ tăng tới 10%

Khó khăn chồng chất

Theo ông George Magnus, cố vấn kinh tế cấp cao của UBS, người dân nghèo ở thế giới thứ 3 sẽ là lực lượng cảm nhận rõ nhất ảnh hưởng của giá lương thực leo thang, vì chi tiêu của họ cho miếng ăn hằng ngày chiếm phần lớn hơn rất nhiều trong khoản thu nhập của gia đình so với người dân ở các nước phát triển

Giáo sư kinh tế Paul Collier của ĐH Oxford cho rằng: “Các gia đình nghèo chi tới một nửa thu nhập để có miếng ăn và dĩ nhiên không thể tự vệ trước cơn bão giá”

kt_111_luong3in.jpg

Nhiều người dân trên thế giới sẽ gặp khó khăn muôn vàn​

Chuyên gia Abdolreza Abbassian cũng nhận định, các nước nghèo đang phải nhập khẩu lương thực với giá cao hơn nhiều giá trị thật. Khi giá lương thực leo thang hơn nữa, gần 100 nước nghèo thuộc khu vực châu Á và châu Phi chắc chắn phải hứng chịu những tác động nặng nề, với gần 30 nước sẽ xảy ra tình trạng cướp bóc lương thực, đồng thời thế giới sẽ có hơn 100 triệu người lâm vào cảnh "đứt bữa"

Do đó, nhiều nhà phân tích nhất trí quan điểm rằng, vấn đề thiếu hụt lương thực này có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở cả trẻ nhỏ và người lớn, đồng thời gây ra các biến động lớn về chính trị. Ngoài ra, giá lương thực thế giới tăng cao cũng là yếu tố gây nên tình trạng lạm phát trong nước và cũng có khả năng ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của thế giới. Như vậy, nếu các quốc gia không nhanh chóng chung tay chặn đứng đà leo thang của giá lương thực, chắc chắn nhiều người dân trên thế giới sẽ gặp nguy
 
Roubini: Giá leo thang đe doạ ổn định chính trị​

a139.jpg

Giá lương thực, năng lượng ngày càng tăng nhanh đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sự ổn định toàn cầu

Phát biểu tại cuộc họp thường niên năm 2011 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ, Nhà kinh tế học hàng đầu người Mỹ Nouriel Roubini nói rằng nền kinh tế toàn cầu đang là "một chiếc cốc nửa đầy nửa vơi" với một số dấu hiệu phục hồi

Nhưng ông cũng cho biết vẫn còn "rất nhiều điều có thể xấu đi" trong năm tới, trong đó Roubini nhấn mạnh vào sự gia tăng mạnh của giá hàng hóa

Ông nói sự gia tăng nhanh "có thể là nguồn gốc của sự bất ổn chính trị chứ không chỉ sự yếu ớt về tài chính và kinh tế"

"Điều đã xảy ra ở Tunisia và hiện đang xảy ra ở Ai Cập, rồi các cuộc nổi loạn tại Morocco, Algeria, Pakistan không chỉ liên quan tới tỉ lệ thất nghiệp cao và sự bất bình đẳng về thu nhập, mà còn là sự gia tăng nhanh chóng của giá lương thực và hàng hóa"

Roubini, một giáo sư kinh tế tại trường kinh doanh Stern đại học New York cho rằng, thế giới đã chứng kiến các tác động của sự tăng vọt về giá hàng hóa. Ông nói: "Khi giá dầu đạt đỉnh 148 USD 1 thùng vào mùa hè năm 2008, nền kinh tế toàn cầu lâm vào suy thoái và đó không chỉ do tác động của sự kiện Lehmann [Brothers]"

"Sự gia tăng giá dầu và hàng hóa dẫn đến những tác động tiêu cực đáng kể đối với thu nhập và tiêu dùng tại Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, tại tất cả các nước nhập khẩu hàng hóa"

Roubini cho CNN biết Mỹ, khu vực Châu Âu và Trung Quốc đều sẽ phải đối mặt với những thách thức trong năm tới. Ông nói, tại Mỹ, mức tăng trưởng khoảng 3% là có thể nhưng thất nghiệp sẽ vẫn cao

Roubini nói với một nhóm người tham gia hội thảo tại WEF rằng các nước bên ngoài khu vực Châu Âu vẫn có rủi ro vì tiếp tục tăng trưởng chậm chạp, điều này, theo ông, có thể dẫn đến sự bất ổn xã hội hơn nữa

"Nếu các nước này không có được sự tăng trưởng kinh tế, các phản ứng gay gắt về chính trị xã hội đối với khó khăn và cải cách sẽ trở nên tồi tệ hơn bởi mọi người không nhìn thấy 'ánh sáng cuối đường hầm'"

Ông cho rằng Trung Quốc đã trì hoãn giải quyết các vấn đề kinh tế của mình quá lâu và có thể phải trả giá trong năm nay, điều này có thể ảnh hưởng không nhỏ tới phần còn lại của thế giới. "Trung Quốc đã ở phía sau đường cong xét về khía cạnh thắt chặt tiền tệ - họ làm quá ít so với những gì họ nên làm và rủi ro hiện giờ là lạm phát có thể vượt ngoài tầm kiểm soát"

Ông nói: "Bởi vì họ không muốn mất lợi thế cạnh tranh, thương mại và xuất khẩu... họ khiến cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn và khi lạm phát thực sự gia tăng, họ sẽ phải thắt chặt nhiều hơn"

"Mỗi lần Trung Quốc thắt chặt, tác động đối với thị trường chứng khoán, không chỉ tại Trung Quốc và Châu Á mà trên toàn cầu là rất lớn"
 
Davos và tín hiệu mới cho nông nghiệp Việt Nam​


- Nếu nhà nước chỉ đầu tư về nông thôn để tái cân bằng xã hội, nếu tư nhân chỉ đầu tư cho nông nghiệp để đầu cơ nông sản thì một thảm họa tổng hợp cho thế giới cả về kinh tế, xã hội và môi trường là khó tránh khỏi.

Đứng trước thách thức đó, Diễn đàn Kinh tế thế giới bế mạc hôm nay (30/1) ở Davos, Thụy Sĩ đã đưa ra một chương trình hành động có tên “Tầm nhìn mới cho nông nghiệp”. Đây là sáng kiến của 17 công ty đa quốc gia đối tác của Diễn đàn Kinh tế Thế giới chuẩn bị 18 tháng qua, với sự tham gia của 350 lãnh đạo doanh nghiệp, nhà nước, xã hội dân sự, tổ chức quốc tế và các nhà khoa học

20110129184246_1.jpg

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với các đại biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới. Ngồi ngoài cùng bên trái là cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan​

Đáng chú ý, mô hình sáng kiến được chính thức đưa ra thảo luận với các nhà lãnh đạo toàn cầu trong một phiên họp chuyên đề. Về phía chính khách, có cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan, Tổng thư ký đương nhiệm Ban Ki-moon, Bộ trưởng Nông nghiệp của Hoa Kỳ, Việt Nam, Tanzania, Tổng thống Tanzania, Phó Thủ tướng Việt Nam...

Các cơ quan phát triển quốc tế có lãnh đạo Tổ chức phát triển và hợp tác Thụy Sĩ, Cơ quan Phát triển quốc tế Anh, Chương trình Lương thực thế giới Liên hợp quốc..., cùng đông đảo đại diện các công ty toàn cầu.
Một trong những vấn đề trầm kha khá phổ biến trên thế giới trong cả trăm năm qua là tình trạng nhiều quốc gia tiến mạnh vào công nghiệp hóa đã bỏ rơi nông nghiệp, lãng quên nông thôn. Kết quả là đầu tư cho lĩnh vực này ngày càng giảm, khoảng cách bất công bằng kinh tế và xã hội ngày càng tăng giữa nông thôn và thành thị. Mất ổn định chính trị, xã hội là vấn đề đau đầu cho lãnh đạo nhiều quốc gia. Đầu tư cho nông nghiệp được coi là trách nhiệm của các nhà nước

Từ năm 2008 trở lại đây, giá nông sản liên tục tăng cao, giới kinh doanh tư nhân chú ý đến nông sản là hàng hóa khá an tòan về mặt tài chính, không bị ràng buộc bởi các qui định kiểm sóat thị trường. Mua bán các hợp đồng giao sau lương thực, thực phẩm trở thành thị trường phái sinh béo bở. Theo WDM, các ngân hàng và quĩ đầu tư tư nhân quốc tế đã chuyển 200 tỷ USD từ thị trường phái sinh địa ốc sang đầu cơ lương thực, thực phẩm. Loại đầu tư này đã chiếm đến 70-80% doanh nghiệp trên thị trường Mỹ từ 3 năm nay. Những khoản tiền to lớn này không làm tăng sản lượng lương thực thế giới và không đem lại lợi ích cho nông dân các nước phát triển

Trong 10 năm tới, giá lương thực toàn cầu rất có thể tăng tiếp, 40-50 năm nữa loài người cần gấp đôi sản lượng lương thực hiện nay, trong điều kiện biến đổi khí hậu tòan cầu diễn biến ngày càng phức tạp. Các nguồn tài nguyên như đất, nước, lao động… ngày càng bị rút ra khỏi nông nghiệp. Nếu nhà nước chỉ đầu tư về nông thôn để tái cân bằng xã hội, nếu tư nhân chỉ đầu tư cho nông nghiệp để đầu cơ nông sản thì một thảm họa tổng hợp cho thế giới cả về kinh tế, xã hội và môi trường là khó tránh khỏi

Bản lộ trình để thực hiện tầm nhìn nông nghiệp mới đề ra cho ngành nông nghiệp ngoài nhiệm vụ nuôi sống và cung cấp năng lượng cho loài người còn có một vai trò rộng lớn bao gồm cả sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ môi trường, và những đóng góp xã hội để phát triển kinh tế, công nghiệp hóa và đa dạng hóa cuộc sống

Trong hoàn cảnh các nguồn tài nguyên ngày càng hiếm hơn, sản xuất nông nghiệp vẫn phải làm ra ngày càng nhiều của cải cho xã hội. Không những thế, nông nghiệp còn phải giải quyết đủ lương thực cho 1 tỷ người đang bị đói hiện nay và giảm nghèo cho ¾ số người nghèo đang sống ở nông thôn. Phải làm sao để nông dân là người được hưởng lợi nhiều nhất, và là giải pháp chính cho phát triển nông nghiệp

Để đạt tới tầm nhìn Thiên niên kỷ cho một nền nông nghiệp mới là tăng sản xuất lên 20% trong khi giảm mức thải carbon bớt 20%, giảm tỷ lệ người nghèo sống ở nông thôn 20% mỗi thập kỷ tới đây, với chủ trương huy động chính sức mạnh của cơ chế thị trường, bản lộ trình này kêu gọi sự phối hợp của mọi đối tượng liên quan đến sản xuất nông nghiệp bao gồm: nông dân, doanh nghiệp, chính phủ và xã hội công dân

Bài học từ ngành công nghiệp và dịch vụ cho thấy dù cơ hội tốt đến mấy, nếu không có chiến lược phát triển khôn ngoan, sự chuẩn bị tốt về nội lực thì sự tăng trưởng có được cũng kém hiệu quả và không vững bền.
Trong suốt cả chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, kinh doanh và ra thị trường, có biết bao vướng mắc cần có sự phối hợp để tháo gỡ, đó chính là mong muốn và cam kết của những đối tác tham gia xây dựng bản lộ trình này. Một sự thay đổi hệ thống được đề xuất bao gồm cả chính sách đúng, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, kết cấu thị trường hợp lý, trên cơ sở đó các giải pháp kỹ thuật và quản lý mới áp dụng và phát huy được

Trong 2 năm qua, tại Tanzania, Chính phủ và các doanh nghiệp đã phối hợp xây dựng một sáng kiến mới về hợp tác công -tư theo hướng hình thành một kế họach mở ra một hành lang phát triển theo lãnh thổ, kết nối từ các vùng sản xuất nông nghiệp sâu trong nội địa, nối liền với cửa khẩu xuất cảng ở ven biển, dọc theo hành lang này, một hệ thống kết cấu hạ tầng tử thủy lợi cho sản xuất nông nghiệp đến kho tàng, bến cảng, đường giao thông, và các dịch vụ phương tiện vận tải sẽ được cả nhà nước và tư nhân phối hợp xây dựng để phát triển các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp gắn với các khu công nghiệp chế biến, và các trung tâm thương mại, nâng cao giá trị của các loại nông sản là thế mạnh của quốc gia

Tại Việt Nam, trong vòng nửa năm từ Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á họp tại TP Hồ Chí Minh năm 2010 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với một số doanh nghiệp trong và ngoài nước hình thành 5 nhóm công tác phân chia theo một số ngành hàng chính như cà phê, chè, thủy sản, rau quả và nhóm ngành hàng chung

Tại từng nhóm, các cuộc họp định kỳ giữa đại diện các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý của ngành và một số đại diện hiệp hội, địa phương đã hình thành các sáng kiến khác nhau để xây dựng các tổ chức quản lý ngành hàng với sự tham gia của các tác nhân khác nhau, xây dựng kế họach hoạt động để phát triển ngành hàng như xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, tiến hành nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, tổ chức áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và vệ sinh an tòan thực phẩm chính, hình thành kênh phân phối, tổ chức hoạt động khuyến nông… Các hoạt động đều dựa trên các mô hình thí điểm gắn với các tổ chức nông dân tại các địa bàn thích hợp có khả năng mở rộng qui mô sản xuất trong tương lai

Tại Davos năm nay, các đại biểu đến từ nhiều tổ chức và các quốc gia, các doanh nghiệp toàn cầu đã lắng nghe trực tiếp lãnh đạo của ngành nông nghiệp hai nước. Các công ty lớn đã tham gia chuẩn bị các sáng kiến trình bày về khả năng thực tế và những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện các sáng kiến

Lần đầu tiên, một lộ trình phức tạp và tham vọng định hướng cho một nền nông nghiệp tương lai có cơ hội để hiện thực hóa tại hai quốc gia đang phát triển. Bài trình bày của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát đã thu hút được cảm tình đặc biệt của đông đảo cử tọa

Từ các buổi trước, thành tích xuất sắc của nền nông nghiệp Việt Nam vươn lên trong hoàn cảnh không hoàn toàn thuận lợi đã được nhiều doanh nghiệp và quốc gia quan tâm theo dõi. Những câu trả lời trực tiếp của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm cử tọa rất phấn chấn khi nhận thấy cam kết rõ ràng của Chính phủ với sự nghiệp phát triển nông thôn và lợi thế to lớn của Việt Nam về nông nghiệp. Rất nhiều tập đoàn đa quốc gia và các tổ chức phát triển tỏ ý muốn cùng Việt Nam nắm lấy cơ hội này chuyển nó thành hiện thực

Nếu biết rằng sản xuất nông nghiệp Việt Nam đã vươn lên trong hoàn cảnh đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp thấp hơn nhiều so với mức trung bình thế giới, đặc biệt đầu tư nước ngoài cho nông nghiệp hầu như không đáng kể thì mới thấy một cơ hội thu hút một nguồn vốn lớn từ các tập đoàn đa quốc gia vào thẳng sản xuất nông nghiệp sẽ đem lại cơ hội to lớn cho nông dân Việt Nam tiếp thu khoa học công nghệ và kỹ năng quản lý mới

Điều này cho phép chúng ta kết nối hệ thống phân phối còn rất sơ khai của mình vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhờ đó áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn hiện đại, giảm thấp rủi ro của các cạnh tranh không công bằng và các biện pháp bảo vệ thị trường của các quốc gia nhập khẩu. Có thể nói giống như công nghiệp Việt Nam đã tranh thủ thời cơ đầu tư và thị trường nước ngoài để phát triển nhanh trong thời gian qua, phải chăng đã đến lúc nông nghiệp Việt Nam có cơ hội cất cánh ?

Mặt khác, cũng từ bài học của ngành công nghiệp và dịch vụ, chúng ta đã thấy dù cơ hội tốt đến mấy, nếu không có một chiến lược phát triển khôn ngoan, một sự chuẩn bị tốt về nội lực thì sự tăng trưởng có được cũng kém hiệu quả và không vững bền

Trong trường hợp ngành nông nghiệp, muốn dành thế chủ động trong quá trình tham gia vào liên kết kinh tế toàn cầu, trước hết, số đông nông dân sản xuất nhỏ phải được nhanh chóng tổ chức lại trong các hợp tác xã, các hiệp hội ngành hàng, các hội nông dân thực sự vững mạnh và hiệu quả. Các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp phải nhanh cóng vươn lên ccả về công nghệ, quản lý và tổ chức lại trong các hiệp hội đủ mạnh. Các cơ quan quản lý nhà nước phải làm tốt công tác qui họach, cung cấp dịch vụ công và định hướng xây dựng kiết cấu hạ tầng. Chúng ta phải chủ động sắp sẵn thế trận để liên kết với lực lượng đồng minh mới trước khi cùng bước vào cuộc đấu toàn cầu

Cơ hội đi liền thách thức. Cùng với xuân mới, tín hiệu mới từ Davos là tin vui cho đông đảo bà con nông dân Việt Nam

TS Đặng Kim Sơn - Davos
 
Xuất khẩu gạo khi lộ trình WTO có hiệu lực​

7403_WTO-xk-gao.jpg

Việc mở cửa thị trường xuất khẩu gạo cũng mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, số lượng người mua nhiều hơn sẽ giúp người nông dân có lợi về giá bán

Thị trường gạo năm 2011 sẽ có bất lợi cho doanh nghiệp trong nước và lợi thế cho nông dân như dự báo ?

Khi thị trường gạo phải mở cửa hoàn toàn theo lộ trình cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong năm 2011, thế độc quyền của các thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) sẽ chấm dứt. Họ phải chia sẻ quyền lợi cùng các doanh nghiệp tư nhân trong nước lẫn doanh nghiệp nước ngoài. Thị trường sẽ diễn biến như thế nào sau cột mốc này ?

Sàng lọc trong nội địa

Doanh nghiệp tư nhân sẽ có quyền tham gia hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung, điều mà trước đây chỉ có thành viên của VFA được phép. Nhưng đến hết tháng 9.2011 và vào đầu tháng liền sau đó, nếu không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về kho chứa và cơ sở xay xát, tất cả doanh nghiệp phải ngừng xuất khẩu

Hiện nay, Việt Nam có 264 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, chỉ 30 doanh nghiệp trong đó được coi là chủ lực của ngành, đa phần còn lại là doanh nghiệp nhỏ, cả năm chỉ xuất được vài container. Thêm nữa, các doanh nghiệp nhỏ chủ yếu là của tư nhân trong khi doanh nghiệp chủ lực hầu hết thuộc VFA, vốn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo yêu cầu của Nghị định 109 (hiệu lực từ 1.1.2011). Do đó, thực chất, dù mất lợi thế thì doanh nghiệp lớn vẫn chẳng có gì phải lo lắng, vấn đề là nằm ở các doanh nghiệp nhỏ lẻ

Khó khăn thứ nhất doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt là nguồn tài chính. Thứ đến là cơ sở xay xát lúa gạo. Rất khó để họ có thể đầu tư một cơ sở xay xát có công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ, kho chứa tối thiểu 5.000 tấn trong vòng vài tháng. Các doanh nghiệp này lại thường không xuất khẩu nhiều nên thành tích xuất khẩu không theo yêu cầu

Trong một lần trả lời báo giới, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA, khẳng định các tiêu chuẩn trên càng tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ năng lực tham gia hợp đồng tập trung. Thị trường sẽ không rối loạn, thậm chí còn sàng lọc được doanh nghiệp đủ “sức khỏe”. Đồng thời, nhà nghiên cứu thị trường gạo Đoàn Hữu Nguyên cho biết các tiêu chuẩn còn giúp thị trường tránh được tình trạng tranh mua, tranh bán gây ra cơn sốt ảo

Và ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cảnh báo, có nguy cơ doanh nghiệp nhỏ lẻ lọt vào tay doanh nghiệp kinh doanh gạo nước ngoài. Nếu đúng như vậy, họ sẽ trở thành hệ thống chân rết, giúp doanh nghiệp nước ngoài mau chóng thâm nhập thị trường. Việc này sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến năm 2012, những điều khoản ràng buộc trong Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo mới có hiệu lực, nên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn một năm để chuẩn bị nếu không muốn phá sản hoặc bị thâu tóm

Cuộc chiến với bên ngoài

Một khi doanh nghiệp lương thực nước ngoài không còn phải liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam khi kinh doanh gạo, thì đối tượng được nhiều thuận lợi sẽ là nông dân. Bởi họ sẽ chọn được nhiều khách hàng, ai trả giá cao hơn, hợp lý hơn thì bán. Trên thực tế, cho dù giá lúa gạo lâu nay được Nhà nước bảo hộ, thu nhập bình quân của nông dân mỗi năm cũng không quá 400 USD/người, trong khi thu nhập của người dân thành thị là hơn 2.500 USD/người

Như vậy, việc mở cửa hoàn toàn thị trường gạo sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh lớn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Sức ép đối với doanh nghiệp Việt Nam sẽ cao hơn, thúc đẩy họ phải có động thái nào đó để giữ thị trường, nhà nghiên cứu gạo Hữu Nguyên chia sẻ

Tuy nhiên, khi tham gia kinh doanh gạo tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài buộc phải tuân thủ yêu cầu của Nghị định 109. Theo Nghị định, doanh nghiệp nước ngoài cũng phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa và 1 cơ sở xay xát lúa, gạo công suất tối thiểu 10 tấn/giờ, trữ ít nhất 10% lượng gạo xuất khẩu 6 tháng trước đó. Doanh nghiệp nước ngoài khi xuất cho bên thứ 3 là nước hoặc vùng lãnh thổ có giao dịch hợp đồng tập trung với Việt Nam phải được sự đồng ý của bên bán (theo Thông tư 44 của Bộ Công Thương)

Trên đây hầu hết là những công việc các doanh nghiệp nội đã thực hiện từ hơn 10 năm qua. Nhưng ông Hữu Nguyên vẫn khuyến cáo, doanh nghiệp trong nước cần nhanh chóng tăng năng lực kho bãi, mạng lưới thu mua, dự trữ, bảo quản lúa gạo; đồng thời liên kết chặt chẽ với nông dân để tổ chức vùng nguyên liệu, sản xuất các loại gạo chất lượng cao. Bởi lẽ, việc mở cửa thị trường xuất khẩu gạo cũng mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, số lượng người mua nhiều hơn sẽ giúp người nông dân có lợi về giá bán

Cũng theo ông Hữu Nguyên, thị trường xuất khẩu gạo sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều khi có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu không có lộ trình cho doanh nghiệp chuẩn bị thì giá xuất khẩu gạo sẽ giảm so với giá bán trong nước vì sự cạnh tranh giá giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện nay, gạo Việt Nam vẫn được bán theo quy đổi phần trăm tấm nên mức giá xuất khẩu thấp hơn so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á (ví như Thái Lan)

Thế nhưng theo VFA, nếu chủ quan, không chỉ hơn 200 doanh nghiệp nhỏ mà cả 30 doanh nghiệp lớn được chuẩn bị kỹ lâu nay cũng có thể bị thua ngay trên sân nhà. Bởi trên thương trường, vốn liếng là yếu tố quan trọng nhất, mà doanh nghiệp nước ngoài lại nhiều tiềm lực về điều này. Trong khi đó, lãi suất vay vốn của doanh nghiệp nước ngoài thấp (khoảng 5%/năm), doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn phải chịu mức lãi suất cao, khoảng 15-18%/năm

Mặc dù vậy, nhận định về tình hình trong thời gian tới, ông Phong, VFA, vẫn tự tin rằng, với nhà máy thứ 2 đang được xây dựng có công suất 1.000 tấn/ngày của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, cộng với lượng khách hàng truyền thống trong và ngoài nước, sức cạnh tranh của 30 doanh nghiệp lớn của Việt Nam là khá cao

Thanh Hương
 
Đằng sau các cuộc biểu tình ở Ai Cập​


Ngân hàng, trường học, thị trường chứng khoán tại Cairo đều đóng cửa. Người dân xếp hàng dài bên ngoài các cửa hiệu bánh mỳ để tích trữ lương thực...

Một cuộc biểu tình quy mô khổng lồ dự kiến sẽ diễn ra ở Thủ đô Cairo trong hôm nay (1/2) khi những người tuần hành gia tăng nỗ lực để lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak

Các nhà tổ chức tuyên bố họ hy vọng sẽ có khoảng một triệu người đổ ra đường phố trong sự kiện được cho là lớn nhất từ trước tới nay. Một cuộc biểu tình khác cũng được lên kế hoạch tại Alexandria

Cho tới nay, các nhà bình luận vẫn đang nỗ lực tìm kiếm lý do thực sự đứng sau các cuộc biểu tình tại Ai Cập và những nơi khác. Không đơn giản là sự bất ngờ bắt nguồn từ kỳ vọng cải cách. Vấn đề chính được cho là giá lương thực. Có hai thách thức với chính phủ Ai Cập: Đầu tiên, dân số gia tăng không ngừng và có thể nhanh chóng vượt qua ngưỡng 80 triệu người; thứ hai, tỉ lệ sản xuất lương thực theo đầu người ngày một giảm sút

Các cuộc bạo lực vì lương thực đã xảy ra trong năm 1977 và 2008. Chính phủ Ai Cập khi ấy may mắn vì họ có thể giải quyết vấn đề một cách thẳng thắn, không phức tạp

Bộ Nông nghiệp Ai Cập năm ngoái cho hay, khoảng 40% tổng sản lượng lương thực thực phẩm của nước này, trong đó có 60% bột mỳ - loại lương thực chủ yếu - được nhập khẩu. Ai Cập từng là một trong những “trụ cột” sản xuất lương thực của thế giới, nay lại trở thành một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất toàn cầu

Giá ngũ cốc leo thang buộc chính phủ trong năm 2010 phải mở rộng số lượng người chia khẩu phần lương thực, cũng như khẩu phần lúa gạo và đường. Chính phủ Ai Cập cũng tuyên bố rằng 50% lượng bột mỳ cung cấp bị sâu bọ côn trùng phá hoại. Và, một chính phủ như vậy buộc phải đối mặt với những câu hỏi về năng lực quản lý

20110201155248_Aicapmoi.jpg

Người biểu tình Ai Cập tập trung tại quảng trường Tahrir​

Vậy bạo lực có thể dừng lại? Có lẽ là không, trừ phi có ai đó nhận trách nhiệm về giá lương thực leo thang (thậm chí kể cả khi họ không phải là nguyên nhân) và dịch sâu bọ phá hoại mùa màng. Trong năm 2010, giá lúa mỳ đã tăng từ 50-70%, chủ yếu do các nguyên nhân thời tiết. Trong năm nay, giá ngũ cốc có thể sụt giảm ở mức khiêm tốn

Tuy nhiên, người ta còn chờ đợi xem xét sự ràng buộc giữa giá ngũ cốc với Trung Quốc và Ấn Độ. Thu nhập ngày một gia tăng ở các nước này dẫn tới nhu cầu ngày một lớn về lượng đạm thịt và các sản phẩm sữa. Hầu hết các thị trường mới nổi điều hiểu rằng họ khó có thể cạnh tranh về ngũ cốc với Trung Quốc và Ấn Độ. Không chỉ có Ai Cập hay Tunisia lo lắng. Algeria và Yemen cũng trong tình cảnh tương tự. Cả hai nước này vẫn đang trong con đường phục hồi từ các cuộc nội chiến

Bất ổn liệu có lan tới vùng Vịnh? Có lẽ cần xem xét lại vì các quốc gia khu vực này sẵn sàng mua và trợ cấp lương thực. Bất ổn không phải về chính trị mà là lương thực. Đó là lý do vì sao Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak cho rằng, ông có thể vượt qua được sóng gió, nhưng điều đầu tiên ông cần làm là nhanh chóng thực thi giá lương thực rẻ

Ở một tin tức mới, hôm nay quân đội Ai Cập đã cam kết không dùng vũ lực với người biểu tình. Hơn 10.000 người mang theo kèn trống, hét vang các khẩu hiệu phản đối chính phủ tập trung tại quảng trường Tahrir, trung tâm của các cuộc biểu tình kéo dài một tuần qua

Chiều tối qua, Phó Tổng thống Omar Suleiman - được ông Mubarak bổ nhiệm mới chỉ hai ngày trước - đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia tuyên bố đề xuất đàm với “các lực lượng chính trị” về cải tổ hiến pháp và lập pháp

Suleiman không đề cập tới những thay đổi chi tiết hay nhóm cụ thể nào mà chính phủ có thể thương thảo. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cử cựu quan chức cấp cao Frank Wisner tới Ai Cập và sẽ gặp gỡ các quan chức nước này nhằm thúc giục họ thực hiện các thay đổi sâu rộng về kinh tế và chính trị

Tuyên bố của quân đội Ai Cập được phát sóng trên tuyền hình, nói rằng họ công nhận “những yêu cầu hợp pháp của người dân”. Theo giới phân tích, đây là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy, họ sẵn sàng để biểu tình tiếp tục diễn ra chừng nào còn hòa bình

Lệnh giới nghiêm kéo dài sang ngày thứ tư liên tiếp hầu như bị phớt lờ. Ngân hàng, trường học và thị trường chứng khoán tại Cairo đóng cửa trong ngày làm việc thứ hai. Mọi người xếp hàng dài bên ngoài các cửa hiệu bánh mỳ để tích trữ lương thực

Các nước và vùng lãnh thổ tiếp tục tăng cường nỗ lực đưa công dân ra khỏi Ai Cập khi biểu tình chưa có dấu hiệu dừng lại. Hai máy bay của Air China và Hainan Airlines đã rời Cairo hôm nay mang theo 480 người Trung Quốc bị mắc kẹt ở Ai Cập. Hai máy bay khác cũng đang trên đường tới Cairo. Đài Loan lên kế hoạch đưa 500 người trở về

Cả ba máy bay đưa các du khách Nhật Bản mắc kẹt đã rời Cairo và tới Rome sáng sớm nay, mang theo 463 người. Chính phủ Nhật ước tính có khoảng 600 du khách vẫn đang ở Ai Cập. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hơn 1.200 công dân nước này đã được sơ tán trên chín chuyến bay tới Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp… Khoảng 2.600 người Mỹ đã liên lạc với đại sứ quán yêu cầu giúp đỡ rời khỏi Ai Cập. Các hãng hàng không châu Âu đã điều máy bay tới Ai Cập để đáp ứng yêu cầu sơ tán

Du lịch là một trong những nguồn mang lại ngoại tệ lớn nhất cho Ai Cập, chiếm hơn 11% GDP. Năm 2009, khoảng 12,5 triệu du khách đã tới nước này, mang lại nguồn thu 10,8 tỉ USD

Nga đã khuyến cáo người dân không tới Ai Cập. Bộ Ngoại giao Đức cũng có động thái tương tự
 
Ngành công nghiệp thực phẩm thế giới trước cơn “bão giá” nguyên liệu​


- Ngành công nghiệp thực phẩm thế giới hiện đang “oằn mình” trước việc giá nguyên vật liệu leo cao vùn vụt, trong khi khó có thể chuyển toàn bộ gánh nặng này lên vai người tiêu dùng

Ngành này hiện đang đứng trước một cơn “sốc” giá do cacao, bột mì, gia vị và các nguuyên liệu khác đang lên giá vùn vụt

Mùa vụ thất thu ở châu Á, nhu cầu ngày một gia tăng ở các nước đang trỗi dậy và nạn đầu cơ đã khiến cho giá các nông sản làm nguyên vật liệu như cacao, bột mì hay gia vị leo cao vòn vọt. Thậm chí, một số loại nông sản hiện không còn được bày bán ở các siêu thị

Giá nhập khẩu của các loại nguyên vật liệu dành cho ngành công nghiệp thực phẩm nói chung trong tháng 12/2010 đã tăng tới 12% so với cùng kỳ năm trước – trong đó giá cà phê nguyên liệu nhập khẩu tăng 65,1%, ngũ cốc tăng 56,7% và thịt bò tăng 12,1%

Các nhà sản xuất thực phẩm hiện đang chịu sức ép nặng nề. Chủ tịch tập đoàn Nestlé, ông Peter Brabeck-Letmathe than thở: “Tăng năng suất lao động chỉ có thể bù đắp một phần cho giá nguyên vật liệu leo cao và giá nguyên vật liệu sắp đến mức khó có thể chịu nổi. Lần này, tôi e rằng đà tăng giá sẽ còn kéo dài”

Để chia sẻ gánh nặng, nhiều tập đoàn như Nestlé, Unilever, Oetker & Kraft... đã tìm cách nâng giá bán buôn, nhưng lại vấp phải sự phản ứng dữ dội của các siêu thị và người tiêu dùng. Theo dự đoán, doanh số của các tập đoàn thực phẩm trong năm 2010 chỉ tăng có 1% so với 1,5% tăng doanh thu của các. Trong năm 2009, doanh số của các tập đoàn nói trên mất tới 4,6%, so với khoản thất thu 2% của các nhà bán buôn, bán lẻ

Chủ tịch Hiệp hội thương mại Đức Kai Falk nói với Manager Magazine: “Có một thực tế là giá nguyên vật liệu trên các thị trường thế giới đang chịu nhiều áp lực. Giá nguyên vật liệu tăng ắt tác động đến giá bán lẻ, đến người tiêu dùng”. May mắn là yếu tố cạnh tranh sẽ ngăn cản giá bán lẻ “đội trần đi lên”

Giám đốc chi nhánh Nestlé tại Đức Gerhard Bersenbrügge lo ngại: “Sau nhiều năm không có lạm phát trong ngành công nghiệp thực phẩm, giá thực phẩm trong năm 2011 có thể lần đầu tiên tăng vượt tỷ lệ lạm phát bình quân”

Nhiều nhà sản xuất thực phẩm nhỏ lo ngại khả năng không có một số nguyên vật liệu cần thiết để sản xuất, đặc biệt là một số gia vị quí hiếm nhập khẩu từ Indonesia. Phát ngôn viên Radermacher của Hiệp hội thương mại Đức nói: “Có thể các bà nội trợ không cần đến các loại gia vị này, nhưng các nhà máy sản xuất xúc xích thì không thể thiếu”
 
Vì sao giá lương thực thế giới tăng kỷ lục ?

- Theo Cơ quan Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực trên thế giới đã lên tới đỉnh điểm lịch sử trong tháng giêng 2011, vượt kỷ lục năm 2008

rising_food_prices_321725.jpg

FAO lo ngại nguy cơ bạo loạn tái diễn ở các nước nghèo mặc dù đã trải qua bài học 2008. Giá thực phẩm đắt đỏ là một trong những nguyên nhân gây ra phong trào phản đối tại Bắc Phi mà điển hình là biến cố tại Tunisia và Ai Cập

Theo FAO, giá thực phẩm trong tháng 1/2011 đã tăng 3,4% so với tháng 12 năm trước, lên đến 231 điểm theo chỉ số của tổ chức này. Đây là kỷ lục cao nhất kể từ khi FAO thiết lập biện pháp đo lường này vào năm 1990

Tuy giá thịt còn ổn định nhưng các loại nhu yếu phẩm khác như ngũ cốc, dầu ăn và sữa đã tăng giá từ 3% đến 6,2%

Do thời tiết xấu, tình trạng giá cả tăng nhiều nhất xảy ra tại châu Á: ở Bangladesh, Ấn Độ , Indonesia và Trung Quốc cũng như ở nước Nga

Tại châu Phi , Uganda và nhất là Somalia bị mất mùa nghiêm trọng

Theo chuyên gia của FAO thì mọi chỉ số đều xấu và dự báo lương thực tiếp tục theo chiều hướng lên giá từ 7 tháng nay

Trước hết là thời tiết. Trung Quốc đang bị hạn hán ở mức kỷ lục từ 60 năm nay. Suốt 120 ngày qua, một vùng đất canh tác 5 triệu hecta trải dài từ Hà Nam đến Sơn Đông, rộng bằng phân nửa diện tích Hàn Quốc không có một giọt mưa

Một nhà tư vấn về nông phẩm tại Bắc Kinh cho là nếu hạn hán kéo dài đến tháng Ba, tháng Tư thì mùa lúa mì năm nay sẽ thất bát trầm trọng, tổn thất không dưới 10 triệu tấn

Đáng lo hơn nữa là Cơ quan thủy văn không dự báo có mưa trong hai tháng tới đây trong vùng xung quanh Bắc Kinh, ở châu thổ sông Hoài và sông Hoàng Hà, hai dòng sông chính mang nước cung cấp cho các cánh đồng lúa mì ở phía bắc và lúa gạo ở phía nam

Đã thế, chính quyền Trung Quốc buộc phải ưu tiên đem nước về các thành phố. Bộ trưởng bộ Thủy lợi Trần Lợi, hôm chủ nhật vừa qua báo động là hai phần ba đô thị ở Trung Quốc đang thiếu nước dùng

Tình hình Ấn Độ cũng không khá hơn do nạn hạn hán nghiêm trọng không kém Trung Quốc

Trên thế giới các quốc gia xuất khẩu lúa mì như Mỹ , Pháp và Nga đang theo dõi diễn biến thời tiết hại ở hai nước “khổng lồ châu Á” này. Nếu cả hai nước cùng mất mùa, thì tác động sẽ rất khủng khiếp đối với giá lương thực

Trong khi đó thì hai nước xuất khẩu nông phẩm khác là Australia và Nga cũng gặp thiên tai, khiến cho mùa màng thất bát

Cơn lũ thế kỷ, cuồng phong Yasi thổi qua miền Tây Bắc Australia đã phá hủy một phần diện tích canh tác mía và chuối. Australia là quốc gia xuất khẩu đường đứng hàng thứ ba thế giới và : 85% số đường sản xuất bán cho khách hàng châu Á

Do hạn hán, Nga đã găm lại lúa mì để phục vụ thị trường nội địa và nhập khẩu khoai tây bù đắp thiếu hụt do mùa màng thất thu. Hậu quả là giá khoai tây tại Nga tăng gấp đôi tính từ ba tháng qua và gây tâm lý lo ngại thiếu lúa mì trên thị trường thế giới

Vào năm 2007 và 2008, các cuộc “bạo loạn vì đói” đã xảy ra tại nhiều nước châu Phi cũng như tại Haiti và Philippines. Suốt năm 2008, chỉ số giá cả của FAO lên đến 200 điểm

Giá cả thực phẩm trở thành chủ đề nóng từ khi Tổng thống Tunisia Ben Ali bị lật đổ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm dân chúng xuống đường tại Algeria, Jordan và nhiều nước khác trong vùng Trung Đông

Algeria đã vội vã nhập khẩu lúa mì trong lúc nhiều nước láng giềng trải qua kinh nghiệm bạo loạn năm 2008 sẽ mua thêm ngũ cốc. Hậu quả là giá lương thực sẽ tiếp tục leo thang trên thị trường thế giới
 
Các nước Châu Á đẩy mạnh dự trữ lúa gạo

- Giá lương thực leo cao khiến các nước châu Á đẩy mạnh dự trữ, báo hiệu một cuộc chạy đua mới về lương thực trên thế giới

Indonesia thúc đẩy nhập khẩu gạo để tăng dự trữ lương thực thêm 1/3 lượng dự trữ hiện tại, do lo ngại sự tăng giá lương thực và sự suy giảm nguồn cung có thể đẩy lạm phát lên cao hơn nữa

Bangladesh cho biết đã mua 200.000 tấn gạo sấy của Thái Lan, trong khi Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch trợ cấp để tăng sản lượng ngũ cốc trong năm nay

Giá lương thực toàn cầu đã tăng cao kỷ lục trong những tháng gần đây do sự thu hẹp nguồn cung cấp lúa mì, ngô, đậu tương và các loại hạt có dầu. Trong khi đó, thị trường ít lo lắng hơn về sự tăng giá gạo nhờ có nguồn cung lớn từ 2 nhà xuất khẩu gạo hàng đầu là Thái Lan và Việt Nam

Hôm qua, ngày 9/2, Chính phủ Indonesia đã có buổi thảo luận về tình hình an ninh lương thực. Bộ trưởng Kinh tế Hatta Rajasa yêu cầu cơ quan hậu cần Nhà nước Bulog phải đảm bảo nhập khẩu để tăng lượng dự trữ lúa gạo lên 2 triệu tấn từ 1,5 triệu tấn hiện nay, do lo ngại sự thiếu hụt lương thực có thể gây đột biến giá cả

Các thương nhân cũng cảnh báo nguy cơ hai nhà xuất khẩu hàng đầu là Thái Lan và Việt Nam có thể giảm nguồn cung do phải đối mặt với áp lực lạm phát thực phẩm

Tổng thống Indonesia đã kêu gọi người dân bắt đầu trồng cây lương thực tại nhà. Ông phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos rằng chiến tranh kinh tế tiếp theo có thể sẽ là cuộc chạy đua các nguồn lương thực khan hiếm, do dân số thế giới ngày càng tăng nhanh hơn

Tuy nhiên, một số thương nhân cho biết giá gạo có thể giảm trong vài tuần tới khi Việt Nam bắt đầu thu hoạch vụ lúa đông xuân vào cuối tháng 2. Thái Lan cũng sẽ bắt đầu thu hoạch vụ mùa thứ 2 với sản lượng dự kiến khoảng 9,5 triệu tấn, mức cao nhất từ trước tới nay, cao hơn sản lượng 8,8 triệu tấn vào năm ngoái
 
Khủng hoảng lương thực toàn cầu bắt đầu lộ diện​


- Báo cáo mới nhất của Viện Chính sách Trái Đất cho biết hiện tượng thiếu hụt lương thực vốn được cảnh báo lâu nay đã bắt đầu lộ diện từ đầu năm 2011

Theo báo cáo của Viện Chính sách Trái Đất - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, từ đầu năm 2011, giá lúa mì tăng cao chưa từng thấy tại Anh. Nước Nga cũng phải nhập khẩu ngũ cốc nuôi gia súc vì thiếu cỏ dự trữ. Ấn Độ chật vật đương đầu với giá tiêu dùng tăng 18% gây ra tình trạng bất ổn, Trung Quốc nhập khẩu lúa mì và ngô với số lượng lớn do thị trường nội địa khan hiếm. Mexico nhập khẩu nhiều ngô để tránh tình trạng thiếu hụt như mấy năm trước. Saudi Arabia chuẩn bị mua 2 triệu tấn lúa mì trong mấy tuần tới, trong khi các cuộc biểu tình phản đối giá lương thực leo cao đang lan rộng sang nhiều nước

Trong khi đó, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cũng cảnh báo giá nông sản, lương thực và nhu yếu phẩm tăng cao chưa từng thấy kể từ năm 1990 và chưa có dấu hiệu đảo chiều đi xuống. Chỉ riêng trong tháng 1/2011, giá lương thực tăng 3,4% so với tháng 12/2010. Từ tháng 5/2010 đến nay, giá ca cao tăng 6% và giá cà phê hột nguyên liệu tăng tới 30%. FAO cho biết chỉ số giá cả của 55 mặt hàng nhu yếu phẩm bao gồm thịt, ngũ cốc, đường, sữa… trong tháng 1/2011 đã lên tới gần 231 điểm, tăng mạnh so với 224 điểm của hồi tháng 6/2008 - thời điểm được coi là “nóng” nhất của cuộc khủng hoảng lương thực thế giới năm 2008

Chuyên gia Matthew Roney của Viện Chính sách Trái Đất cho rằng có nhiều yếu tố dẫn đến khủng hoảng lương thực như số người tham gia canh tác nông nghiệp giảm, nhu cầu tăng trong khi nguồn cung không đủ đáp ứng. Trong khi đó, một số quốc gia tiên tiến như Mỹ - nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới - đã dành tới 30% sản lượng ngô để sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol thay vì để làm lương thực. Đó là chưa kể đến một số nguyên nhân được nói đến từ lâu là hiện tượng biến đổi khí hậu - do thiên nhiên và do con người gây ra - đang tác động mạnh đến sản lượng ngũ cốc và gây khủng hoảng lương thực toàn cầu. Nguồn nước ngầm đang bị cạn kiệt, nhiều khu rừng biến mất do nạn phá rừng bừa bãi, đất canh tác không đủ màu mỡ để trồng trọt. Ngoài ra, khí hậu Trái Đất ấm dần đang làm băng tan và khiến cho mực nước biển dâng cao, làm nhiễm mặn nhiều diện tích trồng lúa tại châu Á mà đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là một thí dụ điển hình. Kết quả nghiên cứu dự đoán vào cuối thiên niên kỷ này, nhiều vùng đất trên các châu lục sẽ chìm ngập dưới 2m nước biển. Khu vực châu thổ sông Me Kong (trong đó có đồng bằng sông Cửu Long) sẽ bị chìm ngập trong nước biển với độ sâu tới 1m và sản lượng gạo sẽ giảm hẳn một nửa hoặc hơn

Trước tình trạng trên, Viện Chính sách Trái Đất đã đề xuất một số giải pháp, trong đó đặt điều kiện tiên quyết là hạ giá lương thực. Để làm được điều này, biện pháp đầu tiên và cấp bách nhất là giảm việc sử dụng ngô để chế biến ethanol bởi dự án này không có lợi về mặt kinh tế cũng như an ninh lương thực. Biện pháp thứ hai là bảo vệ nguồn nước và diện tích canh tác khi gần nửa dân số trên Trái Đất bị đe dọa bởi nạn thiếu nước và hạn hán. Biện pháp thứ ba là giảm bớt tiến trình đô thị hóa. Theo ông Roney, một khi càng nhiều đô thị mọc lên thì ngày càng nhiều đất canh tác bị mất vào những dự án đường sá, bãi đậu xe và những trung tâm thương mại đồ sộ

Theo Viện Chính sách Trái Đất, để tránh những cuộc khủng hoảng lương thực trong tương lai, thế giới cần phải thực hiện những biện pháp này ngay từ bây giờ
 
Giá lúa mì thế giới lập kỷ lục trong 3 năm​

Giá lúa mì đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 do nhu cầu cao và hạn hán tại Trung Quốc

Giá lúa mì đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 do tình hình chính trị căng thẳng tại Trung Đông và Bắc Phi đã làm cho các chính phủ tăng cường nhập khẩu ngũ cốc, trong khi hạn hán vẫn đe dọa mùa màng tại Trung Quốc

Theo Reuters, Ai Cập, nước nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, đã đồng ý mua 170.000 tấn trong đó có 55.000 tấn từ Mỹ. Iraq hiện đag nhập khẩu lúa mì từ Mỹ và Úc. Giá lúa mì tại Trung Quốc đã lên mức cao kỷ lục sau khi chính phủ Trung Quốc thông báo rằng tuyết rơi đã không làm giảm được tình trạng khô hạn

Tổng giám đốc của Global commodity Analytics& Consulting tại Lafayete Ấn Độ, Mike Zuolo cho hay : “Tình trạng bất ổn tại Trung Đông đã làm nảy sinh tâm lý phải tăng dự trữ. Tuy nhiên thị trường có thể đáp ứng tốt nhu cầu này, phần nào làm dịu bớt tình hình căng thẳng tại Ai Cập”

Giá lúa mì giao hàng tháng 5/2011 tăng 5,25 cents, tương đương 0,6%, ấn định ở mức 9,04 USD/giạ tại Chicago. Trước đó, giá đã chạm mức 9,1675 USD, mức giá cao nhất cho hợp đồng thời hạn gần nhất kể từ tháng 8 năm 2008. Giá ngũ cốc đã tăng 80% trong năm ngoái sau khi hạn hán đã làm ảnh hưởng đến mùa vụ tại Nga và lũ lụt hoành hành tại Úc và Canada

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu ngũ cốc của Mỹ tăng 26% trong năm 2010 và Ai Cập đã tăng gấp đôi lượng nhập khẩu

Các cuộc biểu tình đang lan tràn các quốc gia như Yemen và Bahrain sau khi Tổng Thống Mubarak của Ai Cập đã từ chức sau hai tuần bất ổn tại nước này

China Snow

Theo nhà khí tượng học nông nghiệp Gail Martell, thuộc Whitefish Bay Wisconsin Martell Crop Projection, tại Trung Quốc, tuần trước tuyết đã rơi tại miền nam, vùng sản xuất lúa mì chính . Tại vùng tây nam của tỉnh Sơn Đông, vùng trồng lúa mì chính, tuyết đã rơi ở mức 0,2 inch (0,5 cm) thấp hơn so với mức bình quân 3,5 inch

Theo Tân Hoa xã, tính đến 10/2/2011, hạn hán đã làm ảnh hưởng tới 6,75 triệu hecta lúa mì (16,7 Acres), đẩy 2,8 triệu người và hơn 2,5 triệu gia súc vào tình trạng thiếu nước
 
Giá lúa mỳ sẽ lên mức báo động do hạn hán kéo dài tại Trung Quốc​


- Khoảng 36% sản lượng lúa mỳ trong vụ đông tại 8 tỉnh Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Dự báo tình trạng này tiếp tục kéo dài

Theo dự báo, mưa sẽ đến chậm hơn mọi năm tại các vùng trồng lúa mỳ của Trung Quốc, khiến tình hình hạn hán tại nước này có thể kéo dài hơn dự tính

Tỉnh Sơn Đông đang phải chịu đợt hạn hán khắc nghiệt nhất trong vòng 200 năm. Lượng mưa tại đây chỉ đạt 12 milimet kể từ tháng 9 năm ngoái

Ngày hôm qua (15/2), bộ trưởng Bộ nông nghiệp cho biết khoảng 36% sản lượng lúa mỳ trồng trong vụ đông vừa qua tại 8 tỉnh đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán, trong đó 6% mùa màng đang ở mức chịu hạn hán nghiêm trọng

Theo Tổ chức Nông lương Thế giới cảnh báo đợt hạn hán này sẽ khiến quốc gia châu Á này phải tăng dự trữ lúa mỳ trong nước và sẽ phải nhập khẩu từ các nhà cung cấp nước ngoài trong năm nay. Tuy nhiên, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ma Zhaoxu cho biết Trung Quốc đã dự trữ nguồn lương thực dồi dào đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước hiện nay

Theo dự báo của USDA, thu hoạch của Trung Quốc trong năm nay có thể chỉ đạt dưới 100 triệu tấn, giảm 15% so với vụ trước

USDA cũng đưa ra mức dự báo, sản lượng lúa mỳ toàn cầu năm nay đạt 645,4 triệu tấn, trong khi đó, nhu cầu là 665,2 triệu tấn. Cây trồng lúa mỳ cần phải tăng lên ít nhất 3 – 4% trong vụ mùa 2011 – 2012 để bù vào lượng dự trữ toàn cầu. Gía lúa mỳ tiếp tục tăng mạnh khiến WB đã cảnh báo giá nông sản này đang ở mức báo động
 
Trung Quốc tìm nguồn cung lương thực mới thay thế Mỹ​

Trung-Quoc-tim-nguon-cung-luong-thuc-moi-thay-the-cho-thi-truong-Hoa-Ky.jpg

Trung Quốc sẽ phải tìm nguồn cung ngũ cốc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khác do nguồn cung Hoa Kỳ đang thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt đối với ngô

Trong khi đó, thời tiết khô hạn vẫn tiếp tục đe dọa tới nhiều thửa ruộng lúa mỳ tại Trung Quốc, điều này hứa hẹn nhu cầu nhập khẩu lớn từ thị trường này trong thời gian tới

Nhiều khả năng, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập nguyên liệu DDGs và lúa mỳ chất lượng thấp tại Australia do hiện nay nguồn cung này vẫn ở mức khá dồi dào trong khi đó giá ngô và lúa mỳ đã lên mức đỉnh điểm trong 2 đến 3 năm trở lại đây

Argentina hiện đang là nguồn cung lúa mỳ lớn nhất tại Việt Nam nên việc Trung Quốc “săn” nguyên liệu DDGs và lúa mỳ tại Argentina có thể dẫn đến việc leo thang giá những nguyên liệu kể trên, phần nào ảnh hưởng tới tình hình nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này

* DDGs bao gồm protein, chất béo, chất xơ và khoáng chất. DDGs ngày càng được sử dụng rộng rãi để thay thế ngô trong thức ăn chăn nuôi bò thịt, bò sữa, và thậm chí cho thức ăn gia cầm và thuỷ cầm
 
Tương lai là ở nông nghiệp !​


Từ trước đến nay, nông nghiệp thường đồng nghĩa với nghèo nàn, lạc hậu, nhưng trong tương lai, có thể nông nghiệp lại trở thành nhân tố mang lại sự sung túc của cả nền kinh tế

Từ trước đến nay, nông nghiệp thường đồng nghĩa với nghèo nàn, lạc hậu. Vì thế, trong đường lối và chiến lược phát triển, Chính phủ luôn xem trọng mục tiêu công nghiệp hóa hơn. Nhưng trong tương lai, có thể nông nghiệp trở thành nhân tố mang lại sự sung túc của cả nền kinh tế

Giá lương thực trên thị trường thế giới vừa xác lập kỷ lục mới vào tháng 2-2011. Đây là mức cao nhất kể từ khi Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) bắt đầu ghi nhận giá cả mặt hàng này kể từ năm 1990, nhưng chắc chắn đó vẫn chưa phải là kỷ lục sau cùng

Trong khi đó, ở Việt Nam, giá một loạt những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, hạt điều, tiêu...cũng đang tăng mạnh, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này trong hai tháng đầu năm tăng gần 51% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tổng trị giá 3,6 tỉ đô la Mỹ

Thành quả trên của ngành nông nghiệp có ý nghĩa không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời điểm khó khăn hiện nay. Nông sản bán được giá giúp cho nông dân, lực lượng chiếm hơn hai phần ba dân số Việt Nam, có thêm điều kiện để chống chọi với những tác động tiêu cực của việc tăng giá những sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, tạo nền tảng ổn định về xã hội. Ngoài ra, thành quả của lĩnh vực nông nghiệp còn là nguồn trợ lực quan trọng cho cuộc chiến chống lạm phát, giảm nhập siêu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ

Trong hơn một thập niên qua, nền kinh tế Việt Nam đã liên tiếp trải qua những giai đoạn khó khăn. Đầu tiên là tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực châu Á, rồi đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Còn ở trong nước, những bất ổn kinh tế vĩ mô trở thành mối đe dọa thường trực

Điều đáng quan tâm là giữa lúc các ngành công nghiệp và dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, thì nông nghiệp vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng cao và ổn định. Sự vững vàng của ngành nông nghiệp, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế, cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này và đó có thể là chìa khóa để kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng bền vững, có sức đề kháng cao trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài

Theo tính toán của FAO, đến năm 2050, sản lượng lương thực của toàn thế giới phải tăng ít nhất 70% so với hiện nay mới đủ để nuôi sống dân số lên đến 12,5 tỉ người. Đây là mục tiêu khó. Khoa học và công nghệ có thể làm tăng sản lượng cây trồng, nhưng khó có thể bù đắp được sự mất mát do diện tích canh tác bị sụt giảm để nhường chỗ cho đô thị hay do bị sa mạc hóa, bị biển lấn...

Trở lại Việt Nam. Hiện nay diễn biến giá cả thị trường thế giới thuận lợi đang mang lại hy vọng một năm thắng lợi cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều hiểm họa. Đó là tình trạng hạn hán có thể sẽ rất nghiêm trọng trong những tháng tới; là sự xâm nhập mặn ngày càng sâu vào nội địa, đe dọa hàng trăm ngàn héc ta đất trồng lúa ở ĐBSCL; là khả năng bị mất trắng mùa màng do bão, lũ và nguy hiểm nhất là tác động của biến đổi khí hậu

Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là để bảo đảm đủ nhu cầu trong nước và nâng cao vị thế của một nước xuất khẩu lương thực trong tương lai, Chính phủ cần có chiến lược đầu tư tương xứng cho lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, cần cấp bách đầu tư để giải quyết hoặc chí ít là giảm nhẹ ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn, nghĩa là cần đầu tư mạnh hơn cho thủy lợi

Cùng với thủy lợi, việc nâng cấp và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn, nhất là hệ thống đường bộ, cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nông nghiệp và đời sống của người dân nông thôn. Cơ sở hạ tầng tốt là điều kiện thuận lợi để nông dân giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập, từ đó mới có cơ hội tiếp thu và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật canh tác hiện đại để tăng năng suất

Ngoài ra, còn một lĩnh vực rất quan trọng mà Nhà nước phải làm, đó là đầu tư cho nghiên cứu để cải tạo chất lượng giống cây trồng. Hiện nay, dù thu nhập của nông dân Việt Nam rất thấp nhưng không ít sản phẩm làm ra lại không thể cạnh tranh về giá với nông sản đến từ những nước phát triển. Nghịch lý này một phần là do chất lượng giống kém nên năng suất thu hoạch thấp

Trong hơn ba năm qua, Chính phủ đã dành ngày càng nhiều ngân sách hơn để đầu tư cho nông nghiệp và khu vực nông thôn. Thế nhưng, những nỗ lực đó vẫn chưa đủ. Bằng chứng là khu vực ĐBSCL, nơi sản xuất ra lượng gạo và thủy sản xuất khẩu lớn nhất nước, lại là một trong những vùng có hệ thống giao thông đường bộ, giáo dục kém nhất

Thực tế đã cho thấy, nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư có thể mang lại hiệu quả cao, cả về kinh tế lẫn xã hội. Đầu tư để tạo nền tảng tốt cho nông nghiệp phát triển, để lưu thông hàng hóa được thuận tiện còn là giải pháp hiệu quả để xóa đói giảm nghèo

Sẽ là sai lầm nếu cho rằng, xây ở tỉnh này một nhà máy lớn, ở tỉnh kia một công trình công nghiệp khổng lồ hay bằng mọi cách xây dựng ở nông thôn những cơ sở sản xuất công nghiệp, như đã từng xảy ra với phong trào xây nhà máy đường, xi măng, gạch ốp lát và nhà máy chế biến rau quả... mới là tạo điều kiện cho nông thôn thoát nghèo và phát triển, dù điều kiện khách quan không thuận lợi. Làm như thế không chỉ tăng tính rủi ro về kinh tế cho bản thân dự án, mà còn phương hại đến toàn bộ nền kinh tế

Việt Nam trước cơn bão giá lương thực toàn cầu

Việt Nam có nền kinh tế mở nên chịu tác động mạnh của giá cả trên thị trường toàn cầu, đặc biệt là thông qua con đường nhập khẩu; qua đó kích hoạt tăng giá dây chuyền cho các ngành hàng sản xuất nội địa và thị trường tiêu dùng sản phẩm cuối cùng. Đáng chú ý là các mặt hàng lương thực tăng giá mạnh hiện nay lại là những mặt hàng mà Việt Nam có nhu cầu thiết yếu để phục vụ sản xuất và tiêu dùng

Nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, bắp và lúa mì phục vụ công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm đã đạt kim ngạch xấp xỉ 3 tỉ đô la Mỹ trong năm 2010. Giá thế giới tăng cùng với việc điều chỉnh tỷ giá mới đây đã làm cho giá nhập khẩu đội lên, tăng chi phí cho các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và bắt buộc họ phải tăng giá bán ra hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa. Xu hướng này đang cộng hưởng với những khó khăn như lãi suất cao hoặc một loạt các chi phí đã và đang tăng giá như điện, xăng

Trong ngắn hạn, thực phẩm có chiều hướng tiếp tục tăng giá chứ không hạ nhiệt vào sau Tết như mọi năm do ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đối mặt với áp lực chi phí nguyên liệu tăng. Như vậy, xu hướng giá nguyên liệu nhập khẩu và thực phẩm tiêu dùng tăng sẽ tạo nên một làn sóng tăng giá mới gây áp lực lên lạm phát. Dài hạn hơn, các ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản sẽ bị tổn thương do giá đầu vào tăng cao trong khi sức mua không được cải thiện trước triển vọng kinh tế còn nhiều khó khăn

Một rủi ro khác đối với Việt Nam ở phương diện xuất khẩu là bão giá lương thực toàn cầu lại không xảy ra đối với mặt hàng gạo. Trong ngắn hạn, giá lúa gạo khó có thể tăng mạnh, thậm chí còn đi xuống kể cả khi có trợ lực từ kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của VFA. Lực đỡ từ tăng nhập khẩu của Indonesia hay Bangladesh không đẩy nổi giá gạo đi lên trong bối cảnh Philippines có kế hoạch giảm nhập khẩu trong năm 2011 còn Thái Lan giảm tồn kho và tăng bán ra thị trường thế giới, Việt Nam đang vào giai đoạn thu hoạch vụ đông xuân

Trong bối cảnh như vậy, ở thị trường nội địa, điều đáng mừng là nguồn cung lúa gạo dồi dào sẽ giúp Việt Nam có điểm tựa để chống chọi với lạm phát. Tuy nhiên, điều đáng buồn là nông dân sản xuất lúa tuy có chút lợi nhuận với giá lúa hiện nay nhưng lại gặp nhiều khó khăn trước mặt bằng giá chung, nhất là giá hàng hóa và thực phẩm

Phạm Quang Diệu - Tấn Đức
 
Trung Quốc đối mặt nguy cơ khủng hoảng lương thực​

Theo một viên chức cấp cao thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thì nước này khó có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng về lương thực từ trong nước, ông cũng ngụ ý rằng điều này đồng nghĩa với việc nhập khẩu sẽ tăng cao

Ông Chen Xinwen, giám đốc văn phòng nông thôn Trung Quốc, nói về về chính sách khôn ngoan nhằm hướng tới mục tiêu cao hơn là nâng cao sản lượng lượng lương thực vì Trung Quốc đang cố gắng sản xuất lương thực từ những vùng đất có thể trồng trọt được

Tuy nhiên, những nhận định của ông dường như đang đi chệch so với những tuyên bố từ các nhóm khác trong Chính phủ Trung Quốc. Theo những tuyên bố này thì Trung Quốc đang phải cố gắng đáp ứng đủ nhu cầu lương thực cơ bản trong nước. Vừa qua, Quốc hội Trung Quốc cũng ra thông báo sẽ thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết để bảo đảm sản lượng tăng liên tục lần thứ 8 vào vụ mùa năm nay. Nhiều quan chức cũng cho biết sản lượng cao hơn là yếu tố cần thiết để chống chọi với lạm phát, điều được coi là ưu tiên hàng đầu của chính phủ trong năm nay

"Theo đuổi mức năng suất cao đồng nghĩa với một nền nông nghiệp không an toàn và vượt quá khả năng. Tất nhiên, chúng ta cần tăng sản lượng trong lĩnh vực này nhưng những phương pháp kỹ thuật và nguồn lực của chúng ta không thể đáp ứng được". Ông Chen nhận định

Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã nhấn mạnh tới việc phải sản xuất ra một lượng lớn lương thực để đáp ứng đủ nhu cầu lương thực cho một dân số khổng lồ, tránh trở nên phụ thuộc vào những nguồn cung bên ngoài

Trong vài thập niên gần đây, Chính phủ đã hạ thấp mục tiêu tự cung cấp đối với một số loại ngũ cốc như đậu tương, nhưng vẫn coi ngô, lúa mì và gạo là các loại lương thực chính và duy trì kho dự trữ khổng lồ những loại lương thực này. Theo ông Chen nguồn dự trữ cho những loại lương thực này ước tính khoảng 200 triệu tấn bao gồm cả dự trữ của tư nhân và chính phủ, chiếm tới 2/5 lượng tiêu thụ hàng năm và cũng là nguồn dự trữ lớn nhất trên thế giới

Tuy nhiên, nhập khẩu lương thực của Trung Quốc vẫn tăng trong vài năm gần đây đặc biệt là những loại ngũ cốc cơ bản. Khối lượng nhập khẩu tăng mạnh trong năm vừa qua và cũng là mức nhập cao nhất trong vòng một thập niên. Ví dụ điển hình nhất là đối với ngô, Trung Quốc đã từng là một nước xuất khẩu loại ngũ cốc này trong suốt 15 năm, nhưng năm ngoái nước này phải nhập khẩu vì hạn hán kéo dài tại một số vùng làm cho sản lượng ngô trong nước giảm đáng kể. Nhập khẩu lúa mì và gạo cũng tăng cao

Sự thay đổi này phần lớn diễn ra trong chế độ ăn uống khi dân số Trung Quốc trở nên giàu có. Những thay đổi này có nghĩa là "chúng ta không đủ khả năng đáp ứng mức độ tiêu dùng", ông Chen cho biết. Theo ông thì những hạt giống cây trồng mới, sự gia tăng độ màu mỡ của đất cùng với các nông trại có hệ thống chính là một phần giải pháp. Tuy nhiên nó lại đặt ra những vấn đề mang tính cố hữu. Đó là ô nhiễm môi trường, thực phẩm không an toàn và giá quá đắt

Ông Chen cho rằng hiện tại Trung Quốc vẫn có thể tự cung cấp lương thực cho mình. Tuy nhiên, ông ấy cũng nhấn mạnh giá trị của thương mại. Ông ta muốn nói tới đỗ tương, năm 2004, Trung Quốc nhập khẩu đỗ tương vượt sản lượng trong nước để đáp ứng nhu cầu của người dân đang tăng lên mạnh mẽ

"Trung Quốc đã từng là nước sản xuất đỗ tương nhiều nhất thế giới nhưng hiện nay lại là nước nhập khẩu đỗ tương lớn nhất thế giới", ông Chen cho hay. Năm ngoái, Trung Quốc đạt mức kỷ lục nhập khẩu 54,8 triệu tấn đỗ tương

Ông Chen cũng nhấn mạnh vào sự nhận thức của Trung Quốc trong việc tăng sự kiểm soát của nước ngoài ở một số lĩnh vực nông nghiệp trong nước. Năm ngoái, một số quy trình nhập khẩu lương thực nước ngoài rơi vào những chỉ trích của người dân khi giá lương thực tăng khiến lạm phát lên cao

"Chính phủ cam kết việc chào đón các công ty nước ngoài vào cạnh tranh trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và thật sai lầm khi để các công ty nước ngoài kiểm soát giá lương thực ở Trung Quốc", ông Chen nói

Các công ty lương thực nước ngoài cũng "đóng góp vào sự đổi mới" và việc phát triển các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở Trung Quốc không có nghĩa là chúng ta phải siết chặt họ

Thứ 5 vừa rồi không phải là lần đầu tiên ông Chen đưa ra những lời nói đầy sắc thái về chính sách nông nghiệp từ Bộ Nông nghiệp và Ban quản lý lương thực quốc gia. Cuối năm ngoái, trong một bài luận của mình, ông Chen đặt ra câu hỏi liệu khái niệm tự cung tự cấp tồn tại bao lâu trong tình trạng kinh tế nông nghiệp như hiện nay ?

Cho đến nay, ông ấy vẫn chưa từ bỏ việc ý định hướng Bắc Kinh tới mục tiêu này

"Đó vẫn là một khái niệm quan trọng. Thật nguy hiểm đối với một đất nước có dân số đông như Trung Quốc lại không thể tự cung tự cấp lương thực cho mình", ông Chen cho hay hồi tháng 1
 
Lương thực “Củ cà rốt” kiêm “cây gậy” của Mỹ​

CarrotandStick.jpg

Lương thực đã cùng với quân sự, tài chính trở thành công cụ cốt yếu giúp Mỹ khống chế thế giới​

Khủng hoảng lương thực là thách thức to lớn với nhiều quốc gia trên thế giới, song nó cũng là cơ hội tốt cho một số nước, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế

Theo một bài báo mới đây trên tờ Thái Dương của Hồng Kông, trong khi hầu hết các nước khác đang khốn đốn với giá cả lương thực tăng mạnh, thì Mỹ chỉ chịu tác động rất nhỏ, thậm chí dường như đang và sẽ trở thành nước hưởng lợi lớn nhất, nhờ đợt tăng giá lần này

Báo cáo từ Viện chính sách Trái đất có trụ sở tại Washington DC cho thấy, từ đầu 2011, giá lúa mì đã tăng cao chưa từng thấy tại Anh; những vụ cướp bóc thực phẩm lan rộng tại Algeria; Nga phải nhập khẩu ngũ cốc nuôi gia súc vì thiếu cỏ dự trữ cho chúng

Ấn Độ vất vả đương đầu với giá tiêu dùng tăng 18% gây tình trạng bất ổn; Trung Quốc lo mua từng số lượng lớn lúa mì và ngô từ bên ngoài do thị trường nội địa khan hiếm; Mexico nhập khẩu nhiều ngô để tránh tình trạng thiếu hụt như mấy năm trước

Còn theo Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc, trong một tháng qua, giá các loại thực phẩm chủ yếu trên toàn cầu vẫn tiếp tục tăng lên, lập mức cao kỷ lục trong 20 năm trở lại đây. Theo ước tính của tổ chức này, ở các nước đang phát triển, giá thực phẩm tăng cao đã khiến cho khoảng 44 triệu người rơi vào tình trạng vô cùng khốn khó

Có nhiều ý kiến phân tích cho rằng, giá lương thực không có khả năng suy giảm trong ngắn hạn. Việc mặt hàng này tăng giá cao sẽ ảnh hưởng mạnh tới sự ổn định xã hội, thậm chí đe dọa nghiêm trọng tới một số quốc gia. Dân chúng nhiều nước ở Trung Đông và Bắc Phi cũng vì lý do lạm phát, giá cả đã tiến hành biểu tình, bạo loạn xã hội. Nếu giá lương thực tiếp tục tăng lên nữa, bạo loạn sẽ có thể lan rộng hơn nữa

Trong bối cảnh đó, theo tờ Thái Dương, Mỹ hiện là nước có khả năng sản xuất nông nghiệp mạnh nhất thế giới và cũng là nước xuất khẩu lương thực lớn nhất. Vì thế nên giá lương thực toàn cầu càng leo thang, thì Mỹ lại càng thu được nhiều lợi ích

Hai phần ba sản lượng nông nghiệp của Mỹ dùng cho xuất khẩu, chiếm 1/2 sản lượng nông sản xuất khẩu của toàn thế giới, đặc biệt là các mặt hàng như tiểu mạch, ngô và đậu nành. Trong đó, tiểu mạch chiếm 45% kim ngạch xuất khẩu của thế giới, đậu nành chiếm 34% và ngô chiếm 22%

Tuy nhiên, đối với Mỹ, cái thu được lớn nhất trong cơn bão giá lương thực lần này không phải là về mặt kinh tế, mà là về chính trị. Hiện trong số bốn công ty đa quốc gia đang kiểm soát thị trường lương thực quốc tế, có tới ba công ty là của Mỹ

Mỹ thông qua những công ty này để khống chế thị trường lương thực nước khác. Nhiều năm qua, dưới danh nghĩa mậu dịch tự do, với ưu thế về giá cả, sản phẩm và kỹ thuật, các hãng này sau khi tiến vào thị trường một số nước đã hủy hoại hệ thống sản xuất lương thực của họ

Trong bối cảnh như vậy, một khi cảm thấy không hài lòng với chính quyền quốc gia nào đó, Mỹ sẽ có thể sử dụng lương thực để can thiệp gián tiếp, hoặc ngừng xuất khẩu lương thực sang các quốc gia này, hoặc cố ý đẩy giá cả lên cao, làm rối loạn trật tự kinh tế xã hội, từ đó đạt được mục tiêu làm ảnh hưởng đến cục diện chính trị các nước này

Bị các công ty lương thực lớn của Mỹ thao túng không chỉ là những thị trường nhỏ, mà ngay cả những sàn đấu lớn như Trung Quốc

Theo tờ Thái Dương, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Mỹ. Nếu như trong năm 2001, Trung Quốc nhập khẩu 5,9% lượng hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ, thì tới năm 2010, con số này đã tăng vọt lên tới 16%, kim ngạch nhập khẩu đạt 17,5 tỷ USD

Hiện nay, đậu nành của Trung Quốc hoàn toàn dựa vào việc nhập khẩu từ Mỹ, dầu ăn cũng cơ bản bị các công ty lớn của Mỹ khống chế. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, chỉ riêng tháng 9/2010, doanh số bán dầu đậu nành Mỹ hàng tuần ở mức trung bình trên 100.000 tấn, với một phần ba bán sang Trung Quốc, trong khi tiêu thụ dầu đậu nành thông thường đạt đỉnh điểm vào quý 4

Hay lấy ví dụ về ngô, Trung Quốc đã từng là một nước xuất khẩu loại ngũ cốc này trong suốt 15 năm, nhưng năm ngoái nước này phải nhập khẩu vì hạn hán kéo dài tại một số vùng làm cho sản lượng ngô trong nước giảm đáng kể. Nhập khẩu lúa mì và gạo cũng tăng cao

Sự thay đổi này phần lớn diễn ra trong chế độ ăn uống khi dân số Trung Quốc trở nên giàu có. Những thay đổi này có nghĩa là "chúng ta không đủ khả năng đáp ứng mức độ tiêu dùng", ông Chen XinWen thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nói trên tờ WSJ

Từ đầu năm 2011 đến nay, các vùng sản xuất lương thực chính của Trung Quốc gặp hạn hán, nhằm ổn định giá cả lương thực, Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cho các doanh nghiệp Nhà nước ngừng thu mua lương thực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn ra sức gom mua, ý đồ của các hãng này đã được thể hiện rất rõ ràng

Giá lương thực-thực phẩm và giá nhà tăng mạnh là những nhân tố chính đẩy lạm phát tăng nóng tại Trung Quốc trong thời gian qua. Trong tháng 1 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, tăng tốc so với mức 4,6% trong tháng 12, tuy thấp hơn mức 5,1% trong tháng 11

Các chuyên gia nông nghiệp nói rằng, đây không những là tin xấu cho Trung Quốc mà còn là tin xấu cho thế giới. Sản lượng sút giảm sẽ buộc Trung Quốc phải nhập khẩu thêm ngũ cốc, làm cho giá cả trên thị trường thế giới gia tăng và khiến cho tình trạng giá lương thực leo thang ở nhiều nơi trên thế giới trở nên nghiêm trọng hơn. Lạm phát tại châu Á có thể lến tới từ 10 đến 15% nếu như giá lương thực tăng từ 8 đến 9%

Khi đó, các cuộc bạo loạn như đã từng xảy ra tại Philippines hồi 2008 sẽ khó tránh khỏi. Dự báo này có nguy cơ trở thành hiện thực. Bằng chứng đầu tiên là Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Harta Rajasa ngày 9/2 cho biết, cơ quan hậu cần của nước này sẽ mua ít nhất 3,5 triệu tấn gạo từ các nhà trồng lúa trong năm nay nhằm đáp ứng mục tiêu dự trữ 1,5 triệu tấn và cân bằng hoạt động trên thị trường

Đây được coi là một nỗ lực giảm áp lực lạm phát. Hiện lạm phát của Indonesia đã lên đến 7,02% vào tháng 1 vừa qua sau khi đã chạm ngưỡng 6,96% vào tháng 12 năm ngoái do giá gạo và ớt tăng vọt

Lương thực là gốc rễ sinh tồn của con người. Việc khống chế quốc gia khác bằng cách o ép về lương thực đã có lịch sử lâu đời. Trên thực tế, lương thực đã cùng với quân sự, tài chính trở thành công cụ cốt yếu giúp Mỹ khống chế thế giới. Mặc dù đã biết trước và hết sức cảnh giác với vấn đề này, song không ít quốc gia vẫn rơi vào vòng kiềm tỏa về lương thực của các hãng lớn ở Mỹ

Theo tờ Thái Dương, mục tiêu hàng đầu của Mỹ hiện nay là phục hồi tăng trưởng kinh tế, từng bước khôi phục ảnh hưởng của Mỹ trên toàn thế giới. Đợt bão giá lương thực lần này rõ ràng là cơ hội nghìn năm một thuở giúp Mỹ thực hiện được mục tiêu trên
 
Ấn tượng kinh tế Việt Nam là nông nghiệp​

Theo các chuyên gia, thương hiệu cũng như các doanh nghiệp trong nước muốn có thương hiệu tốt, phải có chiến lược dài hơi, mà sự khác biệt cần rõ nét

Trong điều kiện của Việt Nam, nông nghiệp cần được đặt ở vị trí chủ đạo của mũi nhọn kinh tế

Trung tâm nông sản thế giới ?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên, cho rằng, nền kinh tế nước ta cần tư duy lại về chiến lược phát triển. Tại sao một đất nước mà gần 80% dân số sống bằng nông nghiệp mà nền kinh tế lại đeo đuổi những mục đích xa vời, chẳng khác nào việc bỏ “sở trường” lấy “sở đoản”. Nhìn lại hàng loạt những cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới từ trước đến nay thì nông nghiệp luôn là lĩnh vực cứu cánh. Vậy một đất nước có thế mạnh nông nghiệp tại sao không nghĩ đến xây dựng thương hiệu quốc gia bằng nông sản? Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể trở thành quốc gia tiên phong về nền kinh tế xanh, một nhà lãnh đạo trong công cuộc giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực. Việc biến Việt Nam thành một trung tâm nông sản toàn cầu không hề viển vông mà hoàn toàn có cơ sở

kt-lua-sua.jpg

Thương hiệu quốc gia không gì khác là nông nghiệp​

Còn theo chuyên gia tư vấn thương hiệu Đoàn Đình Hoàng, đến nay chiến lược thương hiệu quốc gia còn rối. Việt Nam chưa đưa ra được một luận điểm nghiêm túc rằng mình ở đâu trong chuỗi giá trị thế giới, hàng hóa chưa tìm thấy vị thế của mình. Những năm gần đây, Việt Nam cổ xúy phát triển công nghiệp xe hơi, phát triển công nghệ phần mềm, trong khi chính nông nghiệp mới đóng vai trò chủ đạo cho tăng trưởng GDP của quốc gia. Thế nhưng, nông nghiệp vẫn bị coi như “con rơi”. “Chúng ta nói nhiều đến công cuộc “công nghiệp hóa - hiện đại hóa” nhưng đó là cái nhìn hướng nội, tức nhìn vào cá nhân. Cái nhìn đó không phù hợp để làm dấu hiệu nhận diện, khi chúng ta tham gia vào “sân chơi” thế giới”, chuyên gia này nhấn mạnh

Đòn bẩy cho nhạc trưởng

Chuyên gia Đoàn Đình Hoàng lập luận, giải pháp cho “ấn tượng kinh tế Việt Nam” không gì khác là ưu tiên phát triển nông nghiệp. Một nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới tại sao không đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp… Việt Nam cũng có lợi thế đặc biệt về biển. Các ngành nghề kinh tế biển khác như cơ khí, dịch vụ hậu cần, khai thác dầu khí, khoáng sản, du lịch biển cần thoát khỏi tình trạng tự phát, manh mún như hiện nay

Để làm được điều này, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đưa ra 5 giải pháp. Thứ nhất, Chính phủ cần tái định vị vai trò chủ đạo củanông nghiệp, nông sản trong chiến lược phát triển đất nước, từ đó có chiến lược đầu tư dài hơi. Thứ hai, xác lập tầm nhìn toàn cầu về vị thế xứng đáng của Việt Nam nhờ lợi thế an ninh lương thực. Tối ưu hóa chuỗi giá trị gia tăng ngành nông sản Việt Nam. Thứ ba, tham gia tích cực vào hệ thống quản trị nông sản với hệ thống tài chính quốc tế. Và cuối cùng là tạo dựng được mô hình mẫu cho ngành nông sản

Cũng theo ông Vũ, ngành hàng cà phê đang tiên phong, hướng đến mô hình “nhà lãnh đạo cà phê thế giới”, với mục tiêu biến giá trị từ hai tỷ USD hiện nay lên 20 tỷ USD sau 15 năm nữa, để cà phê trở thành thương hiệu quốc gia với những mô hình như nghỉ dưỡng cà phê, du lịch cà phê… Tuy nhiên, rất cần hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước cần đẩy mạnh ký kết các hiệp định song phương, đa biên về nông sản, để hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế, tăng lượng hàng xuất khẩu trực tiếp, xây dựng các rào cản kỹ thuật bảo vệ quyền lợi cho hàng Việt Nam

Phía doanh nghiệp phải tổ chức được chuỗi giá trị, có thông tin thị trường, đầu tư công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Do nông nghiệp là ngành đầu tư dài hơi và rủi ro cao về giá, thiên tai dịch bệnh, doanh nghiệp cần nhắm tới hướng đầu tư dài hạn hơn là chỉ nhắm vào lợi ích ngắn hạn, tranh nhau ăn chênh lệch giá như hiện nay. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần liên kết với các đối tác nước ngoài, để tận dụng các thế mạnh mà doanh nghiệp trong nước không có
 
Lựa chọn cách xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc​

- Thị trường Trung Quốc vẫn đang có nhu cầu khá lớn đối với nhiều loại nông sản từ Việt Nam. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang tập trung thu gom khoai mì, gạo, dừa, thuỷ sản… để xuất sang Trung Quốc, giá cả tăng khá mạnh. Tuy nhiên, hầu hết nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn dưới dạng nguyên liệu thô

Bà Cầu, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân ở Tây Ninh vừa bán thành công 4.000 tấn khoai mì lát loại hai cho đầu mối xuất sang Trung Quốc với giá 5.600 đồng/kg, tăng khoảng 600 đồng/kg so với cuối năm ngoái.

Trung Quốc ăn hàng mạnh

“Từ cuối năm 2010, thương nhân Trung Quốc sang tận đây thu gom khoai mì khô. Sản lượng khoai mì nội địa nhiều lúc không đủ cung ứng, doanh nghiệp phải tìm thêm nguồn từ Campuchia. Bây giờ có bao nhiêu khoai mì trong kho cũng bán hết”, bà Cầu nói. Tác động từ việc xuất khẩu khoai mì lát sang Trung Quốc đến thị trường nội địa là khá rõ, khi giá khoai mì loại một dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng thêm 1.000 đồng lên 6.500 đồng/kg và doanh nghiệp phản ánh rất khó mua

Ngoài mặt hàng khoai mì, giới thương nhân Trung Quốc tiếp tục vào tận các vùng nuôi ở miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long tìm mua tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra. Tại miền Trung, cuối năm ngoái, tôm thẻ tại đầm có 60.000 đồng/kg, nhưng nay thương nhân Trung Quốc trả giá 85.000 đồng. Họ mua xong thì ướp đá chở thẳng ra cửa khẩu

Giữa quý 3/2010, nhu cầu mua gạo từ Trung Quốc cũng đẩy giá lúa gạo nội địa tăng đột ngột ngay trong vụ thu hoạch rộ. Quý 1 năm nay, bộ Công thương thống kê có 150.000 tấn gạo xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Còn tiểu ngạch thì mặc dù chưa có thống kê chính thức nhưng bộ này luôn luôn “nhắc nhở” hiệp hội Lương thực Việt Nam phải theo dõi sát sao tình hình Trung Quốc, bởi giá lúa gạo hiện nay đã ngang với cơn sốt năm 2008

Cuối năm 2010, giá dừa khô ở Bến Tre tăng vọt lên gần 110.000 đồng/chục, là mức cao nhất trong lịch sử. Nhưng hiện nay giá còn cao hơn, khoảng 120.000 đồng/chục. Bà Tâm Ái, chủ công ty Trí Đức (Củ Chi) chuyên sản xuất nước cốt dừa nói rằng, hiện nay thương lái tiếp tục tranh mua dừa bán cho Trung Quốc, đẩy giá tăng và các nhà máy chế biến trong nước bị thiếu nguyên liệu

Chỉ bán được hàng phẩm cấp thấp ?

Ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agrifish An Giang kể, năm 2009, công ty xuất khẩu cá tra sang Hong Kong, Trung Quốc nhưng chỉ lựa chọn cá thịt vàng, phẩm cấp thấp và tỷ lệ mạ băng cao hơn 10% so với ở thị trường khác, và điều quan trọng là giá bán khá thấp. Tại Trung Quốc, theo ông Ký, nếu đem cá thịt trắng, tiêu chuẩn và giá bán ngang châu Âu vào sẽ khó cạnh tranh với con cá rô phi của họ có chất lượng thịt hơn hẳn cá tra, buộc lòng doanh nghiệp phải chọn phân khúc sản phẩm riêng giá rẻ để xuất

Chị Lê, phụ trách kinh doanh của công ty xuất khẩu thuỷ sản HT, có trụ sở tại quận 6, TP.HCM cũng xác nhận thị trường Trung Quốc khá dễ tính, nhiều khi họ không cần sản phẩm chất lượng mà chỉ chuộng giá rẻ. “Cùng là loại cá tra philê, xuất đi châu Âu thì hồ sơ lý lịch hàng hoá và các phiếu kiểm tra chất lượng sản phẩm lên đến 20 tờ, nhưng xuất sang Trung Quốc chỉ có 5 tờ”, chị Lê dẫn chứng. Theo chị, hàng gửi sang châu Âu nhiều lúc còn bị rắc rối khi hàm lượng chất này chất kia kiểm tại Việt Nam có sai số một vài phần ngàn so với họ kiểm tại chỗ. Còn xuất sang Trung Quốc thì hồ sơ chỉ cần đầy đủ giấy kiểm tra, kiểm định của hải quan, trọng lượng miếng cá hay con tôm có thể sai số khoảng 5 – 7%... Một số cơ sở chuyên xuất bán tôm sú sang Trung Quốc ở Cà Mau còn bật mí, khách hàng đôi khi còn yêu cầu bơm tạp chất cho nặng ký

Vì sao Trung Quốc thích nhập nguyên liệu thô ?

Nói như vậy không phải mặt hàng nông sản nào cũng dễ dàng vượt qua rào cản chất lượng và bán giá thấp khi vào thị trường Trung Quốc. Bài học nhiều loại trái cây bị dội ngược trở lại, phải bỏ do hư hỏng ở cửa khẩu là một ví dụ. Giám đốc một doanh nghiệp chuyên cung cấp nguyên liệu thức ăn ở TP.HCM cho biết, mỗi năm Trung Quốc nhập trung bình 1,5 – 2 triệu tấn khoai mì lát từ Việt Nam với giá rẻ hơn so với mua khoai mì viên của Thái Lan 20 – 30 USD/tấn. Sở dĩ doanh nghiệp Trung Quốc thích mua hàng xô giá rẻ từ Việt Nam, theo vị này, là vì khi mang về họ sẽ lựa chọn ra loại nào xấu thì sử dụng chế biến ethanol (pha trộn trong xăng), loại trung bình thì đưa vào sản xuất thức ăn, loại tốt thì sử dụng trong công nghệ tinh bột thực phẩm cho người

“Khoai mình cứ nghĩ họ mua xô về cho gia súc ăn, nhưng không phải như vậy. Tất cả đều đã được đưa vào chế biến làm gia tăng giá trị”, vị giám đốc này nói. Và ông cho hay, đang chuẩn bị đầu tư dây chuyền ép viên từ khoai mì lát khô sang khoai mì viên, công suất 15 – 17 tấn/giờ, vốn đầu tư phần công nghệ khoảng 500.000 USD. “Không xuất sang Trung Quốc thì thị trường Nhật ngay bên cạnh chúng ta cũng có nhu cầu rất lớn đối với khoai mì viên dùng làm thực phẩm. Không cớ gì phải bán nguyên liệu thô mãi như vậy”, ông này quả quyết

Nhà máy chế biến thực phẩm của công ty Trí Đức ở Củ Chi có công nghệ hiện đại, sản xuất theo tiêu chuẩn ISO và HACCP có thể cung cấp nước cốt dừa hoặc các chế phẩm khác từ dừa như sấy khô, tẩm đường… đạt chất lượng tốt. Nhưng, cho đến nay các thương nhân Trung Quốc không đặt hàng giá trị cao mà chỉ gom nguyên liệu, vì theo bà Hoàng Thị Tâm Ái, giám đốc công ty, họ có thể “ăn thêm” ở phần chế biến
 
Khủng hoảng lương thực - Cơn ác mộng của Trung Quốc​

Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng lương thực nghiêm trọng, trong bối cảnh giá lượng thực ngày một leo thang và sản lượng ngũ cốc sụt giảm mạnh

Thiên tai đe dọa

Kể từ cuối tháng 10/2010, các khu vực sản xuất lương thực lớn ở miền bắc Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, trong đó trận hạn lớn nhất trong 60 năm qua ở Hà Nam và Sơn Đông được coi là nghiêm trọng nhất. Sản lượng ngũ cốc sụt giảm ở trong nước cùng cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay trên thế giới đang đẩy Trung Quốc vào tình cảnh rất khó khăn. Bảy tỉnh bị hạn hán đều là khu vực sản xuất lúa mì, chiếm 80% tổng sản lượng lúa mì của Trung Quốc. Ngày 8/2, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo, khi nước sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới là Trung Quốc đối mặt với hạn hán nghiêm trọng, điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến thị trường ngũ cốc thế giới

Kể từ tháng 1/2011, ở Trung Quốc liên tiếp diễn ra tình trạng thời tiết "Nam lạnh Bắc hạn", khiến giá các loại trái cây và rau quả tăng vọt. Theo thống kê của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (CSS), giá thực phẩm ở nước này trong tháng 1/2011 tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá lương thực tăng 15,1%, riêng giá rau quả tươi tăng gần 35%. Biến động giá cả trong nước đã trở thành cơn ác mộng đối với chính phủ Trung Quốc, bởi giá cả leo thang dễ dẫn tới bất ổn xã hội

Tờ "Nhật báo phố Wall" (Mỹ) cho biết, năm 2010, nhập khẩu lương thực của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2010, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,57 triệu tấn ngô, gấp 19 lần năm 2009; 1,2 triệu tấn lúa mì, tăng hơn 36% so với năm 2009. Bộ trưởng Lương thực Trung Quốc Nhiếp Chấn Bang cho rằng, sản lượng lương thực và mức tiêu thụ lương thực của Trung Quốc đều chiếm khoảng 20% của thế giới, trong khi lượng giao dịch lương thực toàn cầu trong một năm chỉ bằng khoảng 40% lượng tiêu thụ lương thực một năm của Trung Quốc. Ngoài ra, do nước xuất khẩu lúa mì truyền thống là Nga gặp hạn hán lớn trong năm 2010 và một nước xuất khẩu tiểu mạch khác là Ôxtrâylia bị lũ lụt hồi đầu năm nay khiến cho giá lúa mì quốc tế tăng 45%. Do đó nếu dựa vào nhập khẩu lương thực thì vĩnh viễn không giải quyết được vấn đề lương thực của Trung Quốc, "tự lực cánh sinh" vẫn là con đường căn bản để giải quyết "cái ăn" cho 1,3 tỷ dân Trung Quốc

“Đại gia” phương Tây thôn tính

Hãy xem xét trường hợp Tập đoàn nông nghiệp xuyên quốc gia khổng lồ Monsanto của Mỹ. Monsanto đã thành công trong việc bán rất nhiều giống ngô biến đổi gien (GM) cho Trung Quốc. Xét đơn thuần về mặt kỹ thuật sinh học, sự ra đời của giống ngô này thực sự là một bước nhảy vọt mang tính cách mạng; nó có khả năng kháng sâu bệnh, từ đó giúp tiết kiệm thuốc trừ sâu và cho năng suất cao nên rất được nông dân hoan nghênh. Tuy nhiên, hạt giống ngô của Monsanto được bán cho nông dân chỉ có thể trồng một vụ, không thể nhân giống. Vụ mùa mới, nông dân lại phải mua hạt giống ngô biến đổi gien có khả năng phát triển bình thường của Monsanto. Mặt khác, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ của Monsanto chỉ tác dụng duy nhất với giống ngô GM của tập đoàn này; các hạt giống nhãn khác sẽ bị thuốc diệt cỏ của Monsanto coi là cỏ tạp cần tiêu diệt

Thông qua tích hợp hạt giống, thuốc trừ sâu và thuốc diệt, Monsanto dần dần khống chế chặt chẽ phần lớn ngành sản xuất ngô của Trung Quốc. Hiện Monsanto đang tiếp tục nỗ lực kiểm soát sản xuất các cây lương thực chủ yếu của Trung Quốc (lúa mì, lúa gạo). Nếu Monsanto dùng công nghệ biến đổi gen lúa mì và lúa gạo để khống chế hoạt động sản xuất cây lương thực chính ở Trung Quốc, địa vị "nền kinh tế lớn thứ hai thế giới" của Trung Quốc sẽ chỉ còn là hư danh

Dầu đậu tương là nguyên liệu chính của dầu thực phẩm ở Trung Quốc. Hiện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã cơ bản đè bẹp được ngành gia công đậu tương trong nước khi kiểm soát tới 85% sản lượng dầu ăn ở nước này. Các thương hiệu dầu ăn nổi tiếng của Trung Quốc như Kim Long Ngư, Lỗ Hoa, Phúc Lâm Môn đều nằm trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thị trường dầu ăn Trung Quốc về cơ bản nằm trong tay bốn đại gia Archer Daniel Midland (Mỹ), Bunge (Hà Lan), Cargill (Mỹ) và Louis Dreyfus (Pháp)

Với thịt lợn, loại thịt quan trọng nhất đối với người dân Trung Quốc, ngân hàng đầu tư lớn nhất của Mỹ Goldman Sachs đã đầu tư 200-300 triệu USD mua lại toàn bộ hơn 10 trang trại lợn chuyên nghiệp, tập trung chăn nuôi lợn ở khu vực Hồ Nam, Phúc Kiến. Hiện Goldman Sachs đang tiếp tục tiến vào ngành công nghiệp chế biến thịt lợn với mục tiêu kiểm soát ngành chăn nuôi lợn và giá thịt lợn tại Trung Quốc

Trong ngành may mặc, mà yếu tố ảnh hưởng chính là giá bông, Trung Quốc đã trồng lượng lớn bông có nguồn gốc biến đổi gen 33B của Monsanto. Monsato kiểm soát 33B từ giống, phân bón đến quyền sáng chế. Như vậy, nước Mỹ cũng gián tiếp kiểm soát ngành may mặc của Trung Quốc

Thực phẩm và quần áo chiếm tới 43% trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc, khi nước này và Mỹ hoặc các nước phương Tây xảy ra xung đột nghiêm trọng, thậm chí chiến tranh, các “gã khổng lồ” thực phẩm xuyên quốc gia phương Tây sẵn sàng gây ra những tác động tiêu cực lớn cho nền kinh tế Trung Quốc. Chẳng hạn, nếu Monsanto ngừng cung cấp hoàn toàn hạt giống, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, hoạt động sản xuất ngô của Trung Quốc sẽ hỗn loạn

Người dân Trung Quốc chỉ biết rằng, Monsanto là nhà cung cấp tới 90% giống cây và kỹ thuật biến đổi gien trên thế giới, nhưng rất ít người biết rằng Monsanto là một trong những công ty hóa chất lớn nhất thế giới thế kỷ XX, sản xuất lượng lớn các sản phẩm hóa học dùng trong các ngành công nghiệp khác, trong đó có cả "chất độc da cam" (chất khai quang của quân đội Mỹ dùng trong chiến tranh Việt Nam), saccharin, hoóc môn tăng trưởng bò đã được chứng minh là các sản phẩm hóa chất không lành mạnh hoặc có hại. Một số sản phẩm của Monsanto đã bị cấm sử dụng ở nhiều quốc gia
 
Goldman Sachs tạo ra khủng hoảng lương thực như thế nào ?​


Giá lương thực trên toàn thế giới trở nên đắt như vậy là do Phố Wall cũng rất tham lam

Khủng hoảng lương thực không hẳn là do khẩu vị người Mỹ thay đổi, giá dầu tăng, giống cây trồng tăng mà Phố Wall cũng có lỗi trong việc gây giá cả lương thực tăng cao

Goldman Sachs nhận ra sự thực đơn giản rằng không gì giá trị hơn chiếc bánh mì chúng ta ăn hàng ngày. Nơi nào có giá, nơi đó nảy sinh ra tiền. Năm 1991, ngân hàng Goldman do chủ tịch Gary Cohn điều hành, đã đưa ra một sản phẩm đầu tư mới, một phái sinh liên quan đến 24 loại nguyên liệu thô

Từ kim loại hay năng lượng quý đến cafe, cacao, gia súc, ngô, lợn, đậu nành và lúa mì. Họ cân nhắc giá trị đầu tư của mỗi yếu tố, tổng hợp thành một phép toán, giản lược những tổ hợp phức tạp để trở thành công thức toán học đơn lẻ và được biết đến với tên gọi chỉ số hàng hóa Goldman Sachs (GSCI)

Chưa đến một thập kỷ, chỉ số này đã duy trì như một cách thức đầu tư tĩnh khi các ngân hàng quan tâm đến rủi ro và nợ thế chấp hơn bất cứ điều gì có thể thu hoạch được. Sau đó, vào năm 1999, Ủy ban Thương mại hợp đồng hàng hóa giao sau đã bãi bõ các thị trường hàng hóa giao sau

Bất ngờ, các ngân hàng lớn có thể nắm giữ phần lớn thị trường ngũ cốc, một cơ hội mà kể từ Đại khủng hoảng, chỉ dành cho những người thực sự làm việc với sản xuất thực phẩm

Thay đổi chủ yếu diễn ra ở giao dịch ngũ cốc tại Chicago, Minneapolis và Kansas City, những nơi trong 150 năm qua giúp duy trì giá thực phẩm toàn cầu. Ngành công nghiệp có vẻ quen thuộc nhưng lại là ngành vốn không ổn đinh, chịu sự ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh và thiên tai

Thị trường hàng hóa giao sau truyền thống bao gồm hai phía. Một bên là những người nông dân, chủ nhà máy, chủ kho bãi và những người có quyền lợi thực chất trong thị trường. Nhóm này không chỉ bao gồm các nhà trồng ngô ở Lowa hay các nông dân trồng lúa mì ở Nebraska mà còn có các tập đoàn lớn như Pizza Hut, Kraft, Nestle, Sara Lee, Tyson Foods và McDonald's

Giá cổ phiếu của những tập đoàn này giao dịch tại thị trường New York tăng hay giảm tùy vào khả năng họ có thể mang thức ăn tới tận cửa xe ô tô, cửa nhà hay và kệ siêu thị với giá cạnh tranh. Những người tham gia thị trường này được gọi là những hộ giá "thiện ý" vì họ thực sự cần phải mua và bán ngũ cốc

Sân chơi còn lại là các nhà đầu cơ. Các nhà đầu cơ không sản xuất hay tiêu dùng ngô, lúa mì hay đậu nành và cũng không có nơi có thể dự trữ 20 tấn ngũ cốc mua tại bất kỳ thời điểm nào được chuyển giao. Các nhà đầu cơ kiếm tiền thông qua hành vi thị trường truyển thống đó là ăn chênh lệch giữa mua rẻ bán đắt

Tuy nhiên, chỉ số Goldman đã thay đổi tính đối xứng của hệ thống này. Cấu trúc của GSCI không quan tấm tới mô hình mua-bán, bán-mua truyền thống hàng thế kỷ nay. Sản phẩm phái sinh mới lạ này là "một chiều kéo dài", có nghĩa là sản phẩm được xây dựng để mua hàng hóa và chỉ để mua

Nguyên nhân sâu xa của chiến lược "một chiều kéo dài" là ý định chuyển từ đầu tư hàng hóa sang một loại hình giống đầu tư cổ phiếu - các loại tài sản mà trong đó bất kỳ ai có thể đầu tư tiền và tích lũy đến hàng thế kỷ

Một khi thị trường hàng hóa được thực hiện giống như thị trường chứng khoán, ngân hàng có thể sẽ nhận được các dòng tiền gửi mới. Tuy nhiên, chiến lược "một chiều kéo dài" vẫn có một lỗ hổng. Chỉ số GSCI không bao gồm cơ chế bán hàng "ngắn"

Sự mất cân bằng này đã làm suy yếu cấu trúc bẩm sinh của các thị trường hàng hóa, yêu cầu các ngân hàng phải tiếp tục mua và mua với bất kể giá nào. Mỗi khi đến hạn hợp đồng giao sau hàng hóa "một chiều kéo dài", các ngân hàng buộc phải sờ đến các đơn đặt hàng mua hàng tỉ đô đang chất đống và chuyển chúng thành những hợp đồng hàng giao sau hai đến ba tháng

Do vậy, các thương nhân làm việc tại các ngân hàng tạo ra quỹ chỉ số hàng hóa đang cưỡi trên làn sóng lợi nhuận
 
Thương lái nông sản: Ngồi mát...ăn bát vàng

Mặc dù là người trực tiếp sản xuất nhưng thực tế, giá các mặt hàng nông sản luôn bị lệ thuộc vào thương lái, trung gian, người nông dân không thể quyết định giá bán sản phẩm của mình

Thậm chí, nhiều mặt hàng, nông dân phải chấp nhận hòa vốn, thậm chí lỗ, nhưng giới trung gian luôn có lợi nhuận cao. So với giá nông dân bán tại ruộng vườn và nơi sản xuất, giá nông sản tại các chợ, siêu thị lại cao hơn nhiều. Ðâu là giải pháp để vừa giúp người nông dân tăng thu nhập, đồng thời giảm giá bán cho người tiêu dùng ?

Thương lái "ngồi mát ăn bát vàng"

Chúng tôi tìm đến cù lao Quy thuộc địa phận xã Tức Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, nơi có diện tích trồng chôm chôm, nhãn khá lớn. Hiện nay đã là cuối mùa chôm chôm, chỉ còn lác đác một vài khu vườn cho trái muộn. Nhiều nhà vườn tỏ ra ngao ngán vụ trái cây năm nay tuy trúng mùa nhưng lỗ nặng. Lý do là vào thời điểm thu hoạch rộ chôm chôm thì thương lái không mua, giá rớt thê thảm

Bà Phạm Thị Gia, chủ vườn chôm chôm ở xã Tức Thiện cho biết, cách đây chỉ độ khoảng một đến hai tháng, giá mỗi kg chôm chôm thường chỉ từ 1.700 đến 2.000 đồng, thấp hơn giá thành sản xuất. Nhiều chủ vườn đã không thu hoạch, bỏ chôm chôm chín, thối rữa trên cành. Còn thời điểm hiện nay, lượng chôm chôm còn lại không nhiều, giá thương lái thu mua tại vựa khoảng 7.000 đến 8.000 đồng/kg, chôm chôm nhãn khoảng 15.000 đồng/kg

Tương tự, giá nhãn bán tại vườn cũng chỉ 8.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá những mặt hàng tương tự tại các chợ ở TP Vĩnh Long, TP Cần Thơ tăng đến 100%, thậm chí có loại gần 150% so với giá ban đầu của nông dân bán cho thương lái

Theo tính toán của bà Trần Thị Hoa Lệ, chủ cửa hàng trái cây lớn tại bến Ninh Kiều, TP Cần Thơ, giới trung gian (đầu mối thu mua, vựa trái cây) luôn hưởng lợi cao nhất. "Giá chôm chôm thường tại cửa hàng, tại chợ hiện nay 15.000 đồng/kg, chôm chôm nhãn 30.000 đồng/kg, nhãn từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg

Như vậy giá các loại trái cây đều tăng từ 100% so với giá ban đầu nông dân bán cho thương lái. Vì trái cây là hàng khó bảo quản lâu, tỷ lệ hao hụt lớn nên người bán thường lời khoảng 20 đến 30%, chi phí vận chuyển (kể cả hao hụt) khoảng 20%, còn lại 50% thương lái, chủ vựa bỏ túi". Bà Lệ phân tích thế

Lũng đoạn thị trường, ép giá nông dân

Năm 2011, tỉnh Sóc Trăng thả nuôi gần 43 nghìn ha tôm sú. Tuy nhiên chỉ thu hoạch hơn 29 nghìn ha (do dịch bệnh, tôm chết), năng suất bình quân đạt 1,34 tấn/ha. Nếu tính tổng thể, người nông dân phải gánh chịu nhiều rủi ro do giá đầu vào tăng, chi phí đầu tư lớn và điệp khúc "được mùa thì rớt giá" lại diễn ra. Song cho dù thất mùa hay trúng mùa thì thương lái, trung gian vẫn là người hưởng lợi nhiều nhất

Ông Nguyễn Văn Tâm ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, cho biết, nghề nuôi tôm sú này không có nhiều người liên tục thắng đậm đâu. Do nuôi lẻ tẻ không theo quy hoạch, thời vụ, không nắm vững kỹ thuật, nên nhiều hộ phải lâm vào cảnh "trắng tay", còn trúng mùa thì thường rớt giá. Nhà máy cho giá đại lý thu mua, nhưng có cả nghìn lý do để thương lái ép giá nông dân

Ông Tâm khẳng định: "Hơn 70% số lượng tôm sú được thu mua để chế biến xuất khẩu, số còn lại hầu hết là tôm dạt, được đưa ra chợ, siêu thị bán cho người tiêu dùng nhưng giá cũng không phải là rẻ. Người tiêu dùng khó khăn lắm mới mua được tôm sú loại 20 con/kg nhưng phải trả với giá gần gấp hai lần (từ 450.000 đến 500.000 đồng/kg) so với giá tôm tại vuông (250.000 đồng/kg)"

Một đại lý thu mua tôm sú bán cho nhà máy "bật mí", vụ vừa rồi, cứ mỗi tấn tôm thu mua đại lý bỏ túi gần 100 triệu đồng. Như vậy, mỗi đại lý thu mua cả vụ, tổng số tiền lãi lên đến hàng tỷ đồng là chuyện bình thường và không phải mất ăn mất ngủ về sự rủi may như người sản xuất

Tình cảnh tương tự với mặt hàng thịt gà, thịt lợn. Tại các trang trại ở ngoại thành Hà Nội, giá thịt lợn, thịt gà xuất chuồng tại thời điểm đầu tháng 12-2011 tăng khoảng 10 đến 11% so với cách đây một tháng. Thịt lợn siêu nạc giá từ 59 đến 61 nghìn đồng/kg hơi, lợn lai giá từ 56 đến 57 nghìn đồng/kg hơi; còn gà trắng công nghiệp tăng lên 42 nghìn đồng/kg hơi. Với giá bán như vậy, hiện người chăn nuôi đang có lãi, bởi theo tính toán của anh Vũ Ðình Chuyền, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Tiên Phương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) thì giá thành sản xuất là 36 nghìn đồng/kg, trong khi thời gian nuôi lại ngắn (chỉ 45 ngày tăng hơn ba kg). Trừ thời gian nghỉ cách lứa, quay vòng mỗi năm anh có thể nuôi tới năm lứa gà. Với trang trại (quy mô 300 con lợn nái và 2.000 lợn thương phẩm) của chị Ðặng Thu Thủy ở khu Ðồng Chan, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, theo thời giá hiện nay, người chăn nuôi sẽ có lãi khoảng 200 đến 300 nghìn đồng/con lợn thương phẩm

Tuy nhiên, giá không phải lúc nào cũng ổn định, bởi người chăn nuôi luôn phải đối mặt với những rủi ro: dịch bệnh, giá nguyên liệu đầu vào luôn ở mức cao, trong khi giá bán sản phẩm lại lên xuống thất thường, do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường, vào thương lái và cả tâm lý người tiêu dùng. Hơn thế, từ sản xuất đến tiêu dùng, thường xuyên xảy ra nghịch lý: giá bán tại trại chăn nuôi xuống thấp, thì giá bán tại chợ và siêu thị vẫn cao

Khảo sát tại một số chợ như Ngọc Khánh, Nghĩa Tân, Thành Công, hay Siêu thị Big C... giá thịt lợn mông sấn hiện khoảng 110 nghìn đồng/kg, nạc vai 120 nghìn đồng/kg, xương sườn loại ngon 110 nghìn đồng/kg... thịt gà công nghiệp khoảng 74 đến 75 nghìn đồng/kg. Như vậy, đến tay người tiêu dùng, luôn cao gấp 1,5 đến 2 lần so với thu mua tại trang trại. Nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa giá thu mua tại trại và giá bán ở chợ chính là do các đầu nậu, tiểu thương thao túng

Rau củ quả... cùng cảnh

Là tỉnh có truyền thống trồng cây vụ đông cho hiệu quả kinh tế cao, vụ đông năm nay, tỉnh Hải Dương phấn đấu sản xuất với diện tích 22.500 ha, giá trị sản xuất phấn đấu đạt 1.910 tỷ đồng, bình quân là 85 triệu đồng/ha. Tính đến đầu tháng 11-2011, tỉnh mới gieo trồng được 18 nghìn ha cây, ít hơn cùng kỳ năm trước 5 nghìn ha

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kim Thành Phạm Viết Tuấn cho biết, xác định cây vụ đông là thế mạnh, vụ này huyện đề ra kế hoạch gieo trồng 2.250 ha và đã xuống giống được gần 2 nghìn ha các loại rau màu vụ đông như dưa hấu, dưa lê, ngô, ớt, hành tỏi, củ đậu... trong đó, diện tích gieo trồng củ đậu lớn nhất (360 ha) và với giá bán như hiện nay, người dân Kim Thành rất phấn khởi vì được giá. Chị Ðỗ Thị Lan ở thôn Quảng Bình, xã Cẩm La có ba sào ruộng, mỗi năm thu gần 40 triệu đồng nhờ trồng củ đậu cho biết, đồng đất Cẩm La chỉ cho thuê trồng rau, màu cũng có giá 1,2 đến 1,3 triệu đồng mỗi sào/năm

Hiện nay, giá bán một số mặt hàng cây vụ đông trên địa bàn huyện hiện tương đối cao, như ớt hơn 30 nghìn đồng/kg, củ đậu hơn 3.500 đồng/kg, su hào 3.000 đồng/củ... Với giá bán như vậy giá trị cây vụ đông ước đạt 85 đến 90 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, đầu ra cho cây trồng vụ đông cũng còn nhiều bất cập, chủ yếu qua thương lái từ các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đến mua. Sản phẩm cây vụ đông từ ruộng qua khâu thương lái ra đến chợ tăng khoảng hơn hai lần, tiếp tục nghịch lý "thương lái lãi hơn người trồng"

Qua khảo sát một số siêu thị lớn tại Hà Nội như Metro, Big C giá cả các mặt hàng nông sản, thực phẩm đầu tháng 12 tuy tương đối ổn định, song vẫn ở mức cao hơn so với thị trường tự do. Cụ thể, giá cải ngọt 8.900 đồng/kg, bắp cải 8.900 đồng/kg, nho 127.000 đồng/kg, cà chua 11.900 đồng/kg, lạc 79.500 đồng/kg; giá các loại thịt, ngan 109.900 đồng/kg, vịt 89.900 đồng/kg, gà ta 116.000 đồng/kg, thịt bò 159.900 đồng/kg. Trong khi đó cũng với các mặt hàng trên tại các chợ Thành Công, Long Biên, Trương Ðịnh, Bưởi, Nhật Tân giá thấp hơn từ 10 đến 20%, thậm chí có một số mặt hàng giá chỉ bằng một nửa như rau muống, bắp cải, su hào, xà lách

Theo một nhân viên ngành hàng rau củ Siêu thị Big C (Hà Nội), sở dĩ giá bán trong siêu thị cao hơn ngoài chợ vì các mặt hàng nông sản ở đây phải qua tuyển chọn kỹ lưỡng cả về chất lượng, chủng loại và quan trọng là bảo đảm tốt an toàn thực phẩm. Các mặt hàng bán trong các siêu thị phải chịu thuế, chi phí vận chuyển, phí thuê mặt bằng kho bãi, thuê nhân công... trong khi các mặt hàng nông sản bán ở chợ phần lớn là tự phát, dù không phải chịu các chi phí trên, nhưng giá không thấp hơn do thương lái đẩy giá lên cao

Vậy, làm thế nào để giúp thị trường nông sản giảm bớt các khâu trung gian, để nông dân có lãi và người mua được mua theo đúng giá trị thật ?

Dũng Trường, Ngọc Thành, Phương Tuyết
 
Top