What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Đừng bao giờ đi ăn một mình - Never eat alone !

L

LOBBY.VN

Guest
Đừng bao giờ đi ăn một mình - Never eat alone

_si_fill_280_30030.jpg

Chương 1: Ghi danh thành viên câu lạc bộ


Điều duy nhất quan trọng trong thế giới này là mối quan hệ. Mọi vật tồn tại trong vũ trụ này bởi vì chúng có quan hệ với nhau. Không có điều gì tồn tại một cách độc lập. Chúng ta cũng thôi đừng giả bộ mình là những cá nhân có thể tồn tại một mình.


- Đừng bao giờ đi ăn một mình, cuốn sách chia sẻ với chúng ta về tầm quan trọng của những mối quan hệ và cách thức xây dựng các mối quan hệ. Sách được xếp bestseller ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tuổi Trẻ Online xin trích giới thiệu cùng bạn đọc.

Sao tôi lại lạc vào chốn này?” Tôi vẫn thường tự hỏi mình như vậy trong những ngày đầu còn là một anh sinh viên năm nhất bỡ ngỡ tại trường Kinh doanh Harvard (HBS).

Tôi không hề có một chút kiến thức nền tảng nào về kế toán hay tài chính. Trong khi đó, chung quanh tôi là những gương mặt đăm chiêu đầy quyết đoán của những nam thanh nữ tú đã có bằng tốt nghiệp đại học về kinh doanh. Họ là những người đang săm soi từng con số, phân tích từng bảng tính trong những công ty hàng đầu tại Wall Street. Đa số họ đều xuất thân từ những gia đình giàu có, có truyền thống, có phả hệ, và có cả những con số La Mã theo sau tên mình. Dĩ nhiên, tôi đã hoàn toàn bị khớp.

Tôi tự hỏi làm thế nào một người như tôi, xuất thân từ một gia đình lao động, với một tấm bằng tốt nghiệp khoa học xã hội, cùng vài năm kinh nghiệm làm việc tại một công ty sản xuất kiểu truyền thống, có thể cạnh tranh với những tay cha truyền con nối đến từ McKinsey hay Goldman Sachs, những kẻ mà theo tôi thì đã biết tính toán dữ liệu kinh doanh từ khi còn nằm trong nôi?

Đó là nhờ một thời khắc quyết định trong sự nghiệp của tôi, trong cuộc đời tôi.

Tôi là một cậu bé nhà quê đến từ miền tây nam Pennsylvania, lớn lên trong một thành phố tỉnh lẻ cần mẫn sản xuất than và thép tên là Youngstown. Khu vực của chúng tôi còn nhà quê đến mức bạn không thể nhìn thấy một nóc nhà nào nếu đứng trong hàng hiên của nhà mình. Cha tôi làm việc tại nhà máy thép ở đây; cuối tuần ông làm thêm công việc xây dựng. Mẹ tôi nhận lau dọn nhà cửa cho các bác sĩ và luật sư ở một thành phố lân cận. Anh trai tôi tìm cách trốn khỏi đời sống tẻ nhạt tỉnh lẻ bằng cách gia nhập quân đội; chị tôi thì lấy chồng từ khi còn học trung học và sau đó dọn đi khi tôi còn rất nhỏ.

Tại HBS, tất cả những nỗi lo lắng trẻ thơ của tôi lại ùa về. Bạn thấy đó, mặc dù gia đình chúng tôi không dư dả gì, cha mẹ tôi vẫn quyết tâm mang đến cho tôi những cơ hội mà anh chị tôi (cùng mẹ khác cha) đã không được hưởng. Cha mẹ luôn thúc giục tôi và hy sinh tất cả mọi thứ để tôi có được nền học vấn mà chỉ những đứa trẻ thuộc các gia đình giàu có trong vùng được hưởng.

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ, ngày nào mẹ tôi cũng đến đón tôi tại trường tiểu học bằng chiếc Nova màu xanh xập xệ, trong khi bọn bạn bè tôi nhảy vào trong những chiếc limousine hay BMW. Tôi thường xuyên bị chúng trêu chọc về chiếc xe này, về những bộ quần áo vải nylon và đôi giày Docksider giả hiệu – bằng chứng hiển nhiên về vị trí xã hội của tôi lúc đó.

Những trải nghiệm này, theo một cách nào đó, tôi phải cám ơn vì nó giúp tôi mạnh mẽ hơn và là động cơ buộc tôi phải thành công. Nó làm cho tôi nhận thức rõ lằn ranh giữa người giàu và người nghèo, người có và người không có. Nó khiến tôi tức giận vì mình nhà nghèo. Tôi cảm giác mình bị gạt ra ngoài lề cuộc sống. Nhưng nhìn từ một góc độ khác, những cảm giác này buộc tôi phải lao động cật lực hơn bất cứ ai xung quanh.

Tôi vẫn luôn tự nhắc nhở mình rằng chính sự cần mẫn đã giúp tôi vượt qua trở ngại và chen chân vào HBS. Nhưng ngoài ra tôi còn sở hữu một điều gì đó; nó khiến tôi khác biệt so với các bạn học, và vượt trội hơn họ. Có vẻ như tôi đã học hỏi được một điều gì đó rất lâu trước khi tôi đặt chân đến Cambridge, một điều mà ngay cả những người bạn học hiện nay của tôi vẫn chưa có.

Khi còn nhỏ, tôi làm thêm tại một câu lạc bộ chơi golf đồng quê tại thị trấn giàu có kế cận, phục vụ những ông chủ và con cái của họ. Nó đã khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều và thường xuyên về người thành công và người không thành công. Tôi đã quan sát được nhiều điều; chúng đã làm thay đổi cách nhìn của tôi về thế giới.

Trong thời gian lặn lội theo chân họ bên những lỗ golf, khi tôi cặm cụi khiêng những túi dụng cụ nặng nề, tôi quan sát những con người này giúp đỡ lẫn nhau, những con người đã vượt tới những đỉnh cao nghề nghiệp, cao đến mức cha mẹ tôi chưa hẳn đã có thể biết đến. Họ giúp nhau tìm việc, họ dành thời gian và tiền bạc để giúp những ý tưởng của nhau, họ đảm bảo con cái của nhau được giúp đỡ vào các trường học giỏi nhất, nhận được những suất thực tập phù hợp nhất, và dĩ nhiên là tìm được công việc tốt nhất.
 
Chương 1: Ghi danh thành viên câu lạc bộ

- Ngay trước mắt mình, tôi nhìn thấy rõ những bằng chứng thành công sẽ mang đến thành công, và trên thực tế, người giàu sẽ ngày càng giàu thêm. Một mạng lưới bạn bè và đồng nghiệp chính là cây gậy quan trọng nhất trong chiếc túi mà tôi đang mang giúp họ.

Sự nghèo khổ, theo tôi nhận thấy, không chỉ là do thiếu nguồn lực tài chính, mà còn do chúng ta bị tách biệt khỏi những con người có thể giúp chúng ta phát huy hết khả năng của mình.

Tôi tin rằng cuộc sống, theo một cách nào đó, cũng giống như chơi golf, là một trò chơi, mà nếu ta biết luật chơi, biết cách vận dụng nó, ta sẽ chơi giỏi nhất và chiến thắng. Và quy luật tối cao trong cuộc sống chính là cá nhân nào có mối quan hệ với đúng người, đúng tình huống, biết cách sử dụng quyền năng của những mối quan hệ này, đều có thể trở thành thành viên của một “câu lạc bộ”, cho dù anh ta có xuất thân là một kẻ nhặt bóng mà thôi.

Sự nhận thức này mang đến cho tôi nhiều suy nghĩ. Tôi nhận ra rằng, nếu muốn đạt được những mục tiêu cuộc đời, điều quan trọng không phải là bạn có thông minh, bạn có tài năng bẩm sinh, hay thậm chí, rất ý nghĩa đối với tôi, không phải là nơi bạn xuất thân hay điểm xuất phát của bạn. Dĩ nhiên những điều này có tầm quan trọng chứ, nhưng chúng sẽ không giúp bạn được nhiều nếu bạn không thấu hiểu rằng Bạn không thể thành công một mình. Thực tế là bạn không thể tiến đâu xa một mình.

May mắn thay, tôi luôn có một khao khát phải đạt được một điều gì đó cho bản thân (và, thành thật mà nói, tôi rất sợ nếu cuối cùng tôi không nhận được gì cả). Nếu không, có lẽ tôi cũng chỉ là kẻ ngoài cuộc, đứng nhìn như những người bạn nhặt banh khác trong câu lạc bộ.

Lần đầu tiên tôi được học hỏi về quyền năng của mối quan hệ là từ bà Pohland. Caryl Pohland lập gia đình với chủ một nhà máy khai thác gỗ rất lớn trong thị trấn tôi đang sinh sống. Họ có một con trai tên Brett, trạc tuổi tôi, và cũng là bạn của tôi. Họ đi lễ nhà thờ trong thị trấn của tôi. Vào lúc đó, có lẽ tôi cũng muốn mình được như Brett (một vận động viên khỏe mạnh, giàu có, và được nhiều cô gái theo đuổi).

Tại câu lạc bộ, tôi nhặt banh cho bà Pohland. Buồn cười thay, tôi là người duy nhất quan tâm đến việc giấu đi những điếu thuốc cho bà ấy. Tôi lao động vất vả để giúp bà ấy thắng trong mọi cuộc thi tài. Tôi phải đi bộ khắp sân cỏ buổi sáng trước khi cuộc thi tài diễn ra để biết được những điểm khó được bố trí ở đâu. Tôi thử nghiệm để biết sức cản của cỏ. Bà Pohland nhờ vậy mà bắt đầu thu thập được thắng lợi liên tục. Tôi cố gắng làm tốt công việc đến mức bà không ngừng ca ngợi tôi với những người khác. Tôi nhanh chóng được các quý bà yêu cầu phục vụ.

Trong năm đầu tiên, tôi đã được nhận giải thưởng người phục vụ tốt nhất trong năm, cho phép tôi được nhặt banh cho Arnold Palmer khi ông có thời gian đến chơi tại sân golf trong thị trấn của mình. Arnold cũng bắt đầu với vai trò nhặt banh tại Câu lạc bộ Latrobe và sau đó thì sở hữu luôn câu lạc bộ này khi ông thành đạt. Tôi xem ông như thần tượng của mình.

Ông là một bằng chứng sống cho thấy thành công trên sân golf, hay trong cuộc sống, không liên quan gì đến giai cấp. Điều cần thiết là cơ hội tiếp cận (và tài năng, ít nhất là trong trường hợp của ông). Có những người có cơ hội tiếp cận thông qua gia đình hay tiền bạc; một số khác nhờ vào chính những việc họ làm, như Arnold Palmer. Điểm nổi trội của tôi, đó chính là sự chủ động và động lực. Arnie là một dẫn chứng đầy khích lệ cho thấy quá khứ của bạn không nhất thiết phải tiếp diễn trong tương lai.

Bà Pohland giới thiệu tôi với tất cả mọi người tại câu lạc bộ mà bà nghĩ có thể giúp tôi, và nếu bà thấy tôi có dấu hiệu xao nhãng, chính bà là người cảnh cáo tôi trước. Tôi giúp bà ấy trên sân golf, và để đáp lại những nỗ lực và sự chăm sóc tôi dành cho bà ấy, bà giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống. Bà cho tôi một bài học đơn giản nhưng sâu sắc về sức mạnh của sự hào phóng. Khi bạn giúp người khác, họ sẽ giúp lại bạn.

Hỗ trợ tương hỗ là một thuật ngữ nghe rất kêu mà người ta đặt ra để thể hiện nguyên tắc này. Tôi thích dùng từ “chăm sóc” hơn. Chúng ta quan tâm chăm sóc lẫn nhau, và vì vậy chúng ta tìm mọi cách để làm những điều tốt cho nhau.

Chính vì những ngày cơ cực này, cộng với bài học trên, tôi đã nhận ra khi chính thức bước vào học kỳ đầu tiên tại trường kinh doanh rằng những sinh viên tại Harvard với một thái độ siêu cạnh tranh, cá nhân hóa không hiểu gì về cuộc sống. Thật ra thành công trong bất cứ lĩnh vực nào, và đặc biệt là trong kinh doanh, đều dựa trên nền tảng làm việc cùng nhau, chứ không phải là làm việc chống lại nhau. Cho dù nhiều tiền bao nhiêu cũng không thể vượt qua được một sự thật không biến đổi: Kinh doanh là một tổ chức của con người, do con người chi phối và quyết định.

Và khi tôi bắt đầu vào học kỳ thứ hai, tôi đã bắt đầu tự đặt câu hỏi ngược lại: “Làm thế nào những con người này có thể leo lên đến nấc thang này?”

Tôi khám phá ra rằng nhiều bạn học của tôi thiếu chiến thuật và kỹ năng để nuôi dưỡng và xây dựng mối quan hệ. Tại Mỹ, và nhất là trong kinh doanh, chúng ta đã được dạy dỗ phải biết tôn thờ chủ nghĩa cá nhân kiểu John Wayne. Những người cố tình tìm cách nhờ cậy người khác giúp đỡ mình được gọi những cái tên xấu xí như ăn bám, đỉa đói, mượn đầu heo nấu cháo, đục nước béo cò.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy sự hiểu lầm còn rất phổ biến đối với những người tích cực xây dựng mối quan hệ cũng như bản chất của việc xây dựng mối quan hệ. Những gì tôi quan sát được trên sân golf – bạn bè giúp đỡ nhau, gia đình giúp đỡ nhau – không phải là sự lợi dụng hay có vay có trả sòng phẳng. Hiếm khi có ai đó điều tra xem ai đã làm gì cho ai, hay hình thành những chiến lược để bảo đảm một đồng bỏ ra là phải có ít nhất một đồng quay về.

Theo thời gian, tôi nhận ra rằng khi ta dang tay giúp đỡ làm thay đổi cuộc đời người khác, thì ta cũng đang khám phá, học hỏi và làm thay đổi cuộc đời chính mình; đó chính là bước xây dựng có chủ đích cho chính cuộc đời mình. Một khi tôi đã nhìn nhận những nỗ lực xây dựng mối quan hệ theo hướng này, tôi cho phép bản thân mình được thực hành một cách hào phóng trong mọi ngõ ngách của cuộc đời mình, trong công việc và trong đời sống riêng.

Tôi không còn nghĩ về nó một cách trơ trẽn và lạnh nhạt, như cách tôi vẫn nghĩ về “xây dựng mạng lưới”. Thay vào đó, giờ đây tôi đang liên kết – chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực, thời gian và công sức, bạn bè và đồng nghiệp, tình cảm và đồng cảm để liên tục mang lại giá trị cho người khác, và cùng lúc làm giàu cuộc sống của mình. Giống như trong thế giới kinh doanh, làm một nối kết không chỉ là vấn đề quản lý giao dịch, mà là quản lý mối quan hệ.

Những người có năng khiếu bẩm sinh trong việc thiết lập mối quan hệ luôn tạo ra thành công vĩ đại trong kinh doanh. Bản chất của kinh doanh đơn giản chỉ là người này bán hàng cho người kia. Khái niệm này đã bị lu mờ trong mớ hỗn độn hiện tại của thế giới kinh doanh, khi người ta chỉ biết chú trọng đến những thứ như thương hiệu, công nghệ thiết kế hay cân nhắc định giá nhằm tìm kiếm lợi thế cạnh tranh.

Nhưng thử phỏng vấn bất kỳ một tổng giám đốc hay chủ doanh nghiệp hay nhà chuyên môn nào được xem là thành công về cách thức đi đến thành công của họ, tôi dám cá với các bạn họ sẽ không đề cập đến những thuật ngữ chuyên môn như trên đâu. Nhiều khả năng là bạn sẽ nghe họ nhắc đến những người đã giúp họ trên suốt chặng đường, với điều kiện họ trả lời một cách trung thực và họ không quá tự kiêu về thành công của mình.

Sau hơn hai thập niên vận dụng sức mạnh của mối quan hệ một cách thành công vào trong chính cuộc sống và sự nghiệp của mình, tôi càng tin rằng xây dựng mối quan hệ là một kỹ năng quan trọng trong kinh doanh - và cả trong cuộc sống - mà bạn cần phải học. Vì sao? Bởi vì, nói thẳng ra, người ta chỉ làm ăn với những người ta biết và quý mến.

Sự nghiệp - trong bất cứ ngành nghề nào bạn có thể tưởng tượng ra - cũng hoạt động theo nguyên tắc này. Ngay cả trạng thái tâm thần và cảm giác hạnh phúc của con người, theo như nhiều cuộc nghiên cứu, cũng chịu ảnh hưởng phần lớn từ sự ủng hộ, sự hướng dẫn, và tình cảm chúng ta nhận được từ cộng đồng mà ta đã dày công xây dựng cho bản thân.

Tôi đã mất khá nhiều thời gian xác định cách thức liên kết với mọi người. Nhưng một điều tôi biết chắc là cho dù tôi có muốn làm tổng thống Mỹ hay chủ tịch Hội phụ huynh học sinh, tôi sẽ cần sự giúp đỡ của rất nhiều người để đạt được mục tiêu này.
 
Tự giúp đỡ: Một cách dùng từ sai

- Làm thế nào bạn biến một người quen thành một người bạn? Làm thế nào bạn lôi kéo mọi người đầu tư cho bạn thăng tiến? Làm thế nào có những người đến dự buổi hội thảo và ra về với hàng loạt những cái hẹn ăn trưa, và hàng chục khách hàng tiềm năng, trong khi có những người cùng tham dự buổi hội thảo ấy và ra về chỉ với cảm giác khó tiêu mà thôi? Đâu là những nơi có tiềm năng để bạn đến gặp những người có khả năng ảnh hưởng đến cuộc đời bạn?

Từ những ngày sống và lớn lên tại Latrobe, tôi đã biết tiếp thu trí khôn và lời khuyên từ tất cả mọi nguồn – bạn bè, sách vở, hàng xóm, thầy cô, gia đình. Sự khao khát muốn vươn mình của tôi không bao giờ được thỏa mãn. Nhưng trong kinh doanh, tôi phải công nhận không có gì tạo ảnh hưởng nhiều bằng người đỡ đầu. Trong mỗi giai đoạn phát triển của cuộc đời, tôi luôn tìm kiếm những người thành công nhất quanh mình và xin được nhận sự giúp đỡ và định hướng của họ.

Lần đầu tiên tôi nhận biết được giá trị của một người đỡ đầu là từ một luật sư trong vùng tên là George Love. Ông này và một người môi giới chứng khoán trong vùng, Walt Saling, đã nhận đỡ đầu tôi. Tôi bị thu hút bởi những câu chuyện về sự nghiệp và những lời khuyên thông thái của họ. Tham vọng của tôi được nuôi dưỡng trên mảnh đất màu mỡ là những câu chuyện kinh doanh sâu sắc của George và Walt, và vì vậy, từ đó tôi luôn để mắt tìm kiếm người đỡ đầu có thể hướng dẫn hay khơi nguồn sáng tạo trong tôi.

Sau này trong cuộc sống, khi tôi có cơ hội tiếp xúc với những nhà lãnh đạo công ty, chủ cửa hàng, chính trị gia, những người đi tiên phong trong các lĩnh vực, tôi bắt đầu hiểu rõ hơn cách tiếp cận của những nhân vật thành đạt này, làm thế nào họ kêu gọi sự giúp đỡ của nhiều người khác nhằm đạt mục tiêu của mình.

Tôi nhận thấy rằng xây dựng mạng lưới thực thụ chính là tìm cách giúp người khác thành công. Xây dựng mạng lưới là cố gắng cho nhiều hơn nhận. Và tôi thật sự tin rằng có một loại kinh cầu nguyện bao gồm những nguyên tắc cứng rắn để biến thành hiện thực triết lý đơn giản này.

Những nguyên tắc này chắc chắn đã giúp tôi đạt được nhiều điều mà tôi không bao giờ nghĩ mình có thể. Chúng đưa tôi đến với những cơ hội bị che khuất đối với những người có nguồn gốc như tôi, chúng là chiếc phao cứu sinh mỗi khi tôi thất bại, mà thất bại không phải là chuyện hiếm trong đời. Chiếc phao này chưa bao giờ hữu dụng hơn khi tôi nhận việc lần đầu tiên sau khi tốt nghiệp tại Deloitte & Touche Consulting.

Nếu tính theo tiêu chuẩn truyền thống, tôi là một người tư vấn mới vào nghề chẳng hiểu gì cả. Đặt trước mặt tôi một bảng số liệu là mắt tôi đã thấy mơ màng; chính xác như tình huống của tôi khi lần đầu tiên được giao dự án, tụ tập trong một căn phòng chật hẹp không có cửa sổ nằm ở ngoại ô, bên cạnh là hàng đống hồ sơ chất từ sàn nhà lên đến đụng trần, cùng với vài nhà tư vấn năm nhất như tôi chúi đầu vào một biển thông tin. Tôi đã cố gắng; tôi thề là mình đã thật sự cố gắng. Nhưng tôi không thể. Tôi hiểu tình trạng chán nản này có thể giết chết tôi.

Tôi chắc chắn chẳng mấy chốc nếu không bị đuổi thì tôi cũng tự xin nghỉ.

May mắn thay, tôi đã bắt đầu vận dụng một số quy luật xây dựng mối quan hệ mà tôi đang học. Trong thời gian rảnh, khi tôi không phải nhức đầu cố gắng phân tích những bảng tính đầy số, tôi tìm gặp những người bạn học cũ, các giáo sư, sếp cũ, hoặc bất cứ ai có thể trông chờ vào hưởng lợi từ Deloitte.

Tôi dành cuối tuần để phát biểu tại những buổi hội thảo nhỏ được tổ chức khắp nơi về nhiều chủ đề khác nhau mà tôi đã học tại Harvard dưới sự chỉ giáo của Len Schlessinger (người mà tôi vẫn còn chịu ơn vì đã giúp tôi tạo được phong cách trình bày hiện nay). Tôi làm tất cả những điều này vì muốn mang lại thêm khách hàng và tạo tiếng tăm cho công ty mới của tôi. Tôi có những người đỡ đầu ở các phòng ban khác nhau trong công ty, kể cả CEO, Pat Loconto.

Tuy nhiên, kết quả làm việc năm đầu tiên của tôi vẫn không khá lên được. Tôi bị đánh giá thấp vì không làm những gì được giao một cách nhiệt tình và tập trung mà đáng lẽ tôi phải thể hiện. Nhưng những người giám sát của tôi, nhờ vào mối quan hệ mà tôi đã thiết lập cộng với việc họ có biết về những hoạt động ngoại khóa của tôi, thì lại nghĩ khác. Chúng tôi đã ngồi lại với nhau viết ra một bản mô tả công việc hoàn toàn không tồn tại trước đó trong công ty.

Những người đỡ đầu của tôi giao cho tôi tài khoản trị giá 150.000 đôla để tiếp tục những việc tôi đang làm: mở rộng công việc kinh doanh, đại diện công ty phát biểu tại các buổi hội họp, xây dựng mối quan hệ với giới truyền thông và các doanh nghiệp để củng cố vị thế của Deloitte trên thị trường. Niềm tin của công ty đã được đền bù xứng đáng.

Trong vòng một năm, tên tuổi công ty đã được nhiều người biết đến trong lĩnh vực mà tôi tập trung phát triển (tái lập công ty) từ lẹt đẹt hạng cuối bảng chuyển sang nhóm hàng đầu trong ngành, đạt tỉ lệ tăng trưởng kỷ lục (dĩ nhiên không phải hoàn toàn là công của tôi). Tôi tiếp tục trở thành giám đốc tiếp thị và là người trẻ tuổi nhất được nhận vị trí lãnh đạo. Ngoài ra tôi còn rất hạnh phúc – công việc thú vị, hấp dẫn, thử thách. Đúng như mong muốn của tôi.

Nhìn vào sự nghiệp đang lên như diều gặp gió, có vẻ như tôi đang gặp may. Thực tế là nhiều năm liền tôi không thể tưởng tượng tương lai mình ra sao và chắc chắn không biết trước rằng sau Deloitte, tôi trải qua hàng loạt những vị trí công việc cấp cao khác để rồi cuối cùng thành lập công ty riêng của mình. Đến bây giờ, khi nhìn lại quá khứ, tôi mới thấy mọi việc đều có lý do của nó cả.

Sau Deloitte, tôi trở thành giám đốc tiếp thị trẻ nhất tại một công ty trong danh sách Fortune 500 là Starwood Hotels & Resorts. Tiếp theo đó là CEO của một công ty video game do Knowledge Universe (Michael Milken) đầu tư, và rồi chuyển ra thành lập công ty riêng, Ferrazzi Greenlight, chuyên về tư vấn tiếp thị và bán hàng và huấn luyện các công ty phát triển hàng loạt những thương hiệu nổi tiếng, và bản thân là một nhà tư vấn cho các CEO khắp nơi trên thế giới. Tôi đã khéo léo đi từ chân lên đến đỉnh. Mỗi lần phải suy nghĩ trước khi bước tiếp hay cần lời khuyên, tôi đều có thể dựa vào mạng lưới bạn bè đã thiết lập quanh mình.

Đầu tiên tôi cố gắng không chú tâm nhiều đến những kỹ năng giao tiếp về con người vì sợ rằng chúng không được đánh giá cao bằng những kỹ năng kinh doanh truyền thống được nhiều người kính trọng. Nhưng theo thời gian, rất nhiều người, từ các CEO nổi tiếng đến các chính trị gia hay sinh viên đại học hay thậm chí nhân viên của tôi, đều tìm đến tôi để xin lời khuyên làm thế nào thực hiện những điều mà trước giờ tôi thật sự yêu thích. Tạp chí Crain’s bình chọn tôi vào danh sách 40 nhà lãnh đạo kinh doanh dưới 40 tuổi, và Diễn đàn Kinh tế Thế giới gán cho tôi danh hiệu “Nhà lãnh đạo tương lai.”

Thượng nghị sĩ Hillary Clinton đặt vấn đề vận dụng kỹ năng nối kết của tôi để kêu gọi quyên góp cho tổ chức phi lợi nhuận mà bà ủng hộ là Save America’s Treasures. Bạn bè và CEO của các công ty trong danh sách Fortune 500 nhờ tôi giúp đỡ họ tổ chức những bữa tiệc tối thân mật cho các khách hàng hiện tại và tiềm năng tại các khu vực quan trọng trên cả nước Mỹ. Các sinh viên MBA gửi email cho tôi tha thiết được học kỹ năng giao tiếp mà họ không được dạy trong trường. Tất cả những yêu cầu này đã được chuyển thành những khóa huấn luyện nghiêm chỉnh và đưa vào các chương trình MBA danh tiếng tại Mỹ.

Những kỹ năng mềm mà tôi sử dụng để đi đến thành công hôm nay, tôi nhận thấy có thể truyền đạt được cho người khác để cùng hưởng lợi từ kinh nghiệm học hỏi.

Dĩ nhiên, xây dựng mạng lưới quan hệ không phải là điều kiện cần và đủ để thành công. Nhưng để tạo dựng sự nghiệp hay thiết kế cuộc sống mà có sự giúp đỡ ủng hộ của bạn bè gia đình đồng nghiệp thì cũng có nhiều điểm lợi.

1. Cuộc sống không nhàm chán. Bạn có thể cảm thấy mất thời gian, đôi khi mất quá nhiều thời gian. Nhưng không bao giờ nhàm chán. Bạn luôn cảm thấy mình học hỏi được rất nhiều về bản thân, mọi người, công việc kinh doanh, thế giới, và thật thú vị.

2. Sự nghiệp dựa trên các mối quan hệ tạo tiền đề tốt cho công ty bạn đang làm việc vì mọi người đều hưởng lợi khi bạn phát triển – người ta nối kết với bạn vì họ nhìn thấy giá trị bạn mang đến. Bạn cảm thấy hạnh phúc vì đồng nghiệp và công ty đều đóng góp và chia sẻ thành công với bạn.

3. Nối kết, theo đúng nghĩa của nó, với sự linh hoạt, hỗ trợ và cơ hội để hoàn thiện bản thân, rất quan trọng trong thế giới công việc hiện nay. Sự trung thành và ổn định trước đây chỉ có thể tìm thấy trong các tổ chức giờ đây có cả trong mạng lưới của chúng ta. Không còn nữa rồi khái niệm làm việc trung thành cả đời tại một công ty; chúng ta giờ đây là những nhân tố tự do, tự mình quản lý sự nghiệp của mình thông qua nhiều công việc và công ty khác nhau. Và bởi vì đơn vị tiền tệ ngày nay phổ biến là thông tin, một mạng lưới rộng khắp là cách chắc chắn nhất để trở thành nhà lãnh đạo tiên phong và duy trì vị thế này trong lĩnh vực riêng của mình.

Ngày nay, trong chiếc Palm của tôi có tên của khoảng 5.000 người sẵn sàng nhấc điện thoại khi tôi gọi. Họ sẵn sàng chia sẻ kiến thức, giúp đỡ, khuyến khích, ủng hộ, và đúng rồi, thậm chí cả sự quan tâm và tình yêu nữa. Những người thành công nhất mà tôi được biết, nếu tính trong nhóm, không phải là người đặc biệt tài năng, có học vấn cao nhất, hay duyên dáng nhất. Nhưng họ đều có quanh mình một nhóm những nhân vật đáng tin cậy, tài năng, biết khuyến khích để giúp đỡ khi cần.

Muốn được như vậy thì cần phải dày công. Nó đòi hỏi bạn phải đổ mồ hôi, như tôi đã làm thời còn phục vụ trong sân golf. Muốn như vậy bạn phải suy nghĩ không chỉ cho bản thân mà cho người khác nữa. Một khi bạn đã quyết tâm làm quen với mọi người và yêu cầu được giúp đỡ tối đa, bạn sẽ nhận thấy, như trải nghiệm của tôi, đây là cách tuyệt vời để tiến đến mục tiêu của mình. Và cũng quan trọng không kém, khi nó đưa bạn đến một cuộc sống có ý nghĩa hơn, sinh động hơn, sống quanh những người mình quan tâm yêu quý và ngược lại họ cũng yêu quý bạn.

Quyển sách này dẫn ra những bí mật phía sau thành công của rất nhiều người; những bí mật này ít được các trường kinh tế, các nhà tư vấn nghề nghiệp, hay nhà trị liệu biết đến. Tôi hy vọng bạn sẽ vận dụng được những ý kiến mà tôi sẽ trình bày trong quyển sách này để trở thành tâm điểm của một mạng lưới các mối quan hệ, để giúp bạn thành công trong cuộc sống.

Dĩ nhiên, tôi hơi kích động một chút khi nhắc đến nỗ lực nối kết với người khác. Tôi đã thực hiện những điều tôi sẽ trình bày trong quyển sách này với một thái độ hơi thái quá. Nhưng tôi tin rằng bạn chỉ cần mở lòng mình và nhận thức được rằng không ai thành công trong đơn độc, bạn sẽ nhận được những kết quả hết sức khả quan mà không mất quá nhiều thời gian.

Ai cũng có năng lực trở thành người nối kết. Vì thật sự, nếu một cậu bé nhà quê từ Pennsylvania có thể đặt chân được vào “câu lạc bộ”, thì bạn cũng làm được.

Mong gặp bạn tại đó.
 
Chương II - Đừng ghi sổ​

Làm gì có khái niệm con người độc lập. Chúng ta chịu ảnh hưởng của hàng ngàn người khác. Bất cứ ai đã từng làm một điều tốt cho ta, nói với ta một lời an ủi, cũng đã là có ảnh hưởng đến tính cách, suy nghĩ, và thành công của ta.


- Khi tôi đến nói chuyện với sinh viên đại học hay sau đại học, họ bao giờ cũng hỏi tôi, Bí mật nào dẫn ông đến thành công? Những quy luật bất thành văn nào giúp ta thành công? Dĩ nhiên, họ muốn tôi đưa ra một câu trả lời đơn giản và gọn gàng như một hộp quà thắt nơ. Mà sao lại không? Hồi tôi còn trẻ tôi cũng chỉ mong có thế.

“Vậy là các bạn muốn biết bí mật chứ gì,” tôi trả lời. “Cũng được thôi. Tôi sẽ tóm tắt chìa khóa thành công bằng một từ duy nhất: quảng đại.”

Sau đó tôi dừng lại, và nhìn những gương mặt đang tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên. Phân nửa trong số này hẳn đã cho rằng tôi đang nói đùa; nửa còn lại đang suy nghĩ phải chăng họ đã sai lầm dành thời gian nghe tôi thuyết giảng thay vì đi uống bia với bạn bè.

Tôi bắt đầu giải thích với họ rằng khi tôi còn nhỏ, cha tôi, một công nhân nhà máy thép tại Pennsylvania, đã luôn mong muốn tôi đạt được nhiều thứ hơn ông. Và ông đã kể ước nguyện này cho một người mà ông chỉ mới gặp lần đầu, Tổng giám đốc công ty, ông Alex McKenna. Ông McKenna rất ấn tượng trước quyết tâm của cha tôi và giúp tôi đạt được học bổng vào một trong những trường tư tốt nhất nước, nơi ông đang nằm trong ban điều hành.

Sau này, Elsie Hillman, chủ tịch Đảng cộng hòa tại bang Pennsylvania, đã cho tôi mượn tiền và khuyến khích tôi theo học trường kinh doanh. Tôi gặp bà lần đầu tiên khi bà đọc qua bài báo trên tờ New York Times viết về thất bại của tôi tại Hội đồng thành phố New Haven khi tôi đang học năm thứ hai tại Yale.

Tôi nói với các sinh viên, khi tôi bằng tuổi các bạn, tôi đã được hưởng những cơ hội theo học tại những trường nổi tiếng nhất thế giới, hoàn toàn nhờ vào sự giúp đỡ rộng lượng của người khác.

“Nhưng,” tôi nói tiếp, “vấn đề khó khăn là: Bạn phải sẵn lòng nhận sự giúp đỡ của người khác. Thông thường, bạn phải chủ động và yêu cầu được giúp đỡ.”

Nói đến đây, tôi thường nhận ra những ánh mắt đồng cảm. Hầu như tất cả mọi người trong phòng đều đã từng phải nhờ đến sự giúp đỡ để sắp xếp một cuộc phỏng vấn xin việc, hay một vị trí thực tập, hay những lời khuyên quý báu. Và hầu như ai cũng rất ngại ngùng khi phải cầu xin giúp đỡ. Nhưng bạn phải thật sự thoải mái sẵn sàng yêu cầu được giúp đỡ cũng như sẵn sàng giúp đỡ, lúc đó bạn mới thật sự cân bằng hai phía của phương trình.

Đây cũng chính là sự nối kết. Kết nối là một quá trình liên tục cho và nhận – yêu cầu được giúp đỡ và giúp đỡ người khác. Khi con người giao tiếp với nhau, chia sẻ thời gian và kinh nghiệm cho nhau, mọi người đều hưởng lợi nhiều hơn.

Quan điểm vạn vật vận hành theo vòng luân hồi nghiệp chướng kiểu này nghe có vẻ buồn cười đối với những người đã mất niềm tin vào thế giới kinh doanh. Nhưng thực tế là mặc dù quyền năng của lòng độ lượng chưa được công nhận hay áp dụng triệt để tại các công ty Mỹ, giá trị tạo mạng lưới của nó đã được chứng minh.

Ví dụ, tôi thích được tư vấn nghề nghiệp và chia sẻ kinh nghiệm. Nó gần như một thú vui của tôi. Tôi đã từng tư vấn cho hàng trăm bạn trẻ, và tôi rất vui mừng được tin tức của họ sau này khi sự nghiệp của họ phát triển. Đôi lúc tôi thấy mình đóng góp được rất lớn cho cuộc sống của các bạn. Tôi có thể giúp họ mở một cánh cửa, hoặc sắp xếp một đợt thực tập – những hành động đơn giản nhưng có thể thay đổi vận mệnh. Nhưng thường thì lời đề nghị của tôi bị từ chối.

Người được nhận sẽ trả lời, “Cám ơn, nhưng tôi không thể chấp nhận hàm ơn này vì tôi không biết mình có thể đáp trả lại ông sau này được không”, hoặc “Tôi không thích phải chịu ơn ai cả, nên tôi không dám nhận đâu.” Đôi khi, họ cố gắng thuyết phục tôi rằng họ sẽ đáp trả bằng cách này hay cách khác. Đối với tôi, không có gì bực bội hơn là chứng kiến họ chẳng hiểu gì về cách thức vận hành của thế giới. Mà đây cũng không phải là vấn đề gói gọn trong một thế hệ. Tôi đã bắt gặp cách phản ứng tương tự từ những người ở đủ mọi độ tuổi, đủ mọi thành phần kinh tế.
 
Mạng lưới chỉ hoạt động được khi người ta nhận thấy mình cần nhau. Tuy không nói ra, nhưng ai cũng hiểu là thời gian và công sức đầu tư xây dựng mối quan hệ cá nhân ngày hôm nay sẽ mang lại lợi ích trong tương lai.

Những người thuộc nhóm “một phần trăm”, như cách tôi gọi những người cực kỳ giàu có và thành công mà chúng ta luôn ngưỡng mộ, vẫn duy trì được vị thế của mình là vì họ hiểu được cơ chế này, bởi vì, thực tế họ đã sử dụng quyền năng của các mối quan hệ và bè bạn để đạt thành công như ngày hôm nay.

Để đạt được như họ, trước tiên bạn phải bỏ ngay việc ghi sổ nợ. Bạn không thể tạo ra được một mạng lưới rộng rãi nếu không giới thiệu những nhóm người này với nhau. Bạn càng giúp đỡ nhiều người, thì bạn sẽ càng nhận được nhiều sự giúp đỡ, và bạn sẽ có khả năng giúp được nhiều người hơn. Cứ thế mạng lưới phát triển.

Giống như mạng Internet. Mạng Internet chỉ thật sự mang lại giá trị nếu có nhiều người truy cập và sử dụng thông tin của nó. Tôi có một danh sách những người tôi đã giúp đỡ trước đây, thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và hiện đang giúp tôi đỡ đầu cho những thanh niên khác tìm đến tôi.

Những gì tôi nói trên đây không phải là chuyện tình cảm vẩn vơ; đây là sự hiểu biết mà những nhà doanh nghiệp “mặt lạnh” nhìn nhận một cách nghiêm túc. Chúng ta đang sống trong một thế giới quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Các tổ chức ngày càng gọn nhẹ và thiết lập những liên minh chiến lược bất cứ lúc nào có thể. Ngày càng có nhiều nhà tư vấn tự do nhận thấy mình phải liên kết với nhau để đạt mục tiêu.

Và càng ngày, những kịch bản/ tình huống một mất một còn, bên được bên thua, càng thể hiện rằng, về lâu dài, cả hai bên cùng thua. Những mối quan hệ đôi bên cùng có lợi đã trở nên thiết yếu trong một thế giới “nối mạng”. Trong một thương trường siêu-kết-nối, sự hợp tác đã giành chỗ của sự cạnh tranh.

Thế trận đã thay đổi.

Trong thời đại ngày nay, chúng ta thật sự cần nhau.

Tiếc thay, nhiều người vẫn còn mang tư tưởng của những năm 1950. Chúng ta có khuynh hướng lãng mạn hóa sự độc lập. Nhiều trường phái trong kinh tế vẫn đề cao sự tự chủ, làm như thể giao tiếp, tinh thần đồng đội và hợp tác không phải là các đức tính. Đối với những người này, sự phụ thuộc lẫn nhau chỉ là cách nói khác của sự lệ thuộc. Theo kinh nghiệm của tôi, lối suy nghĩ này sẽ giết chết sự nghiệp của bạn ngay lập tức.

Sự tự chủ chỉ là chiếc áo giáp được làm bằng cát. Những cá nhân độc lập không có khả năng tư duy và hành động theo lối phụ thuộc lẫn nhau có thể là những nhà sản xuất giỏi đơn lẻ, nhưng họ không bao giờ được xem là những người lãnh đạo giỏi hay có tinh thần đồng đội cao. Sự nghiệp của họ chẳng chóng thì chầy sẽ vấp váp và khựng lại.

Để tôi chỉ ra đây một ví dụ. Khi tôi còn làm việc tại Deloitte, tôi tham gia vào một dự án của tổ chức y tế lớn nhất nước Mỹ, Kaiser Permanente. Công việc buộc tôi phải bay qua lại giữa hai trụ sở chính của họ tại San Francisco và Los Angeles, trong khi tôi vẫn phải về nhà tại Chicago vào cuối tuần.

Ngay từ đầu tôi đã muốn làm việc trong ngành tư vấn để hiểu thêm một số ngành nghề khác nhau. Khi tôi đến Los Angeles, tôi bắt đầu suy nghĩ làm thế nào để thâm nhập được vào ngành công nghiệp giải trí. Tôi chưa đề ra một mục tiêu gì cụ thể cả, tôi chỉ biết là mình thích ngành công nghiệp này, và khi cơ hội đến, tôi muốn đường hoàng tiến vào Hollywood chứ không phải chỉ là chú bé giao thư cho những nhà đại diện.

Ray Gallo là bạn thân của tôi khi còn học đại học, và đang hành nghề tư vấn luật tại Los Angeles; vì vậy tôi đã gọi cho anh ta để tham khảo ý kiến.

“Này, Ray. Anh có biết ai trong ngành giải trí có thể cho tôi vài lời khuyên làm thế nào thâm nhập vào ngành công nghiệp này không? Anh có biết ai sẵn sàng đi ăn trưa với chúng ta không?”

“Tôi có biết một anh chàng tên David, cũng là bạn bè bình thường, ngày xưa cũng học tại HBS. Anh thử gọi hắn xem.”

David là một doanh nhân nhạy bén thực hiện một số công việc sáng tạo tại Hollywood. Nói cụ thể hơn, David có mối liên hệ mật thiết với một nhà điều hành cấp cao của một xưởng phim; ngày xưa hai người học chung trường. Tôi hy vọng mình có may mắn gặp luôn cả hai người.

David và tôi ngồi uống cà phê tại một quán cà phê ngoài trời tại Santa Monica. David ăn mặc rất bụi theo kiểu Los Angeles. Tôi mặc áo khoác và thắt cà vạt, đúng hình ảnh một nhà tư vấn đến từ vùng trung tây nước Mỹ.

Sau vài câu đưa đẩy, tôi đặt câu hỏi với David.

“Tôi muốn một lúc nào đó sẽ chuyển sang ngành công nghiệp giải trí. Anh có biết ai có thể giúp tôi một vài lời khuyên không?” Tôi là bạn thân của một người bạn thân của anh ta. Điều này có vẻ như là một yêu cầu đơn giản nếu xét đến mối quan hệ của chúng tôi.

“Tôi có biết một người,” anh ta bảo tôi. “Cô ấy là nhà điều hành cấp cao tại Paramount.”

“Tuyệt quá, tôi rất muốn gặp cô ấy,” tôi nói một cách hào hứng. “Anh có thể giúp tôi sắp xếp một cuộc gặp gỡ giới thiệu thôi? Hay anh có thể cho tôi địa chỉ email?”

“Tôi không thể,” anh ta nói với tôi cộc lốc. Tôi bị sốc, và nó thể hiện ra trên gương mặt tôi. “Keith, tình hình là thế này. Có thể một lúc nào đó tôi sẽ cần đến sự giúp đỡ của người này. Và tôi không muốn chia sẻ mối quan hệ của mình cho anh hay bất cứ ai là vì vậy. Tôi phải để dành cho bản thân mình. Tôi hy vọng anh hiểu.”

Nhưng thực tế là tôi không hiểu. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu. Câu nói của anh ta đi ngược lại với tất cả những gì tôi được biết. Anh ta xem mối quan hệ như một điều gì đó có giới hạn, như một cái bánh chỉ có thể cắt ra thành một số miếng nhất định. Nếu anh lấy đi một miếng, nghĩa là anh mất một miếng. Tuy nhiên theo tôi thì mối quan hệ cũng như cơ bắp của chúng ta, chúng ta càng luyện tập, cơ bắp càng săn chắc.

Nếu tôi dành thời gian để gặp gỡ ai đó, tôi muốn giúp người đó thành công. Nhưng David thì ghi sổ tất cả. Anh ta xem mỗi lần gặp gỡ xã giao sẽ làm giảm dần lợi tức. Đối với anh ta, sự tốt bụng giúp đỡ có giới hạn cũng như số vốn chủ sở hữu hay vốn thế chấp có giới hạn vậy.

Một điều anh ta không hiểu được là bài tập vốn sinh vốn. Đó là một nguyên tắc đáng ngạc nhiên mà David có lẽ không bao giờ học được.

Jack Pidgeon, nguyên hiệu trưởng trường Kiski ở miền tây nam Pennsylvania, ngôi trường hồi bé của tôi, đã dạy cho tôi bài học này. Ông đã xây dựng một thói quen yêu cầu mọi người không được hỏi “Anh có thể giúp tôi không?” mà phải hỏi “Tôi giúp gì được cho anh không?”
 
Jack đã nhiều lần xuất hiện để giúp tôi, và một lần là khi tôi đang học năm hai tại đại học. Tôi đăng ký trong kỳ nghỉ hè được làm việc cho một phụ nữ đang tranh cử Quốc hội, cạnh tranh với một anh chàng Kennedy trẻ tuổi.

Tranh cử với Kennedy tại Boston, giành chiếc ghế quốc hội của Jack Kennedy trước đây, một công việc chỉ nghe thôi cũng đã làm nhiều người bỏ cuộc. Nhưng lúc đó tôi còn trẻ, khờ khạo, và sẵn sàng tranh đấu.

Đáng tiếc là chúng tôi chưa kịp mặc áo giáp đánh trận thì đã bị buộc phải giương cờ trắng đầu hàng. Chỉ mới vận động tranh cử được một tháng thì chúng tôi đã cạn nguồn tài chính. Tôi và tám người bạn đại học khác gần như bị đuổi ra khỏi khách sạn vào giữa đêm, nơi chúng tôi dùng làm trụ sở chính, vì ông chủ đã không nhận được tiền thuê phòng quá lâu rồi.

Chúng tôi quyết định dọn quần áo đồ đạc, thuê một chiếc xe tải nhỏ, và không biết làm gì hơn, nên chúng tôi tiến thẳng về thủ đô Washington, D.C. Chúng tôi ngây thơ nghĩ rằng mình có thể kiếm được việc cho một cuộc tranh cử khác. Trời ạ, lúc đó bọn tôi mới ngu ngốc làm sao.

Giữa đêm tối, tại một trạm xăng vô danh trên đường đến Washington, tôi gọi điện cho ông Pidgeon từ một trụ điện thoại công cộng. Khi nghe tôi kể về tình hình tồi tệ của chúng tôi, ông không thể không phá lên cười. Sau đó ông làm một việc mà ông đã làm cho rất nhiều thế hệ cựu học sinh trường Kiski. Ông mở quyển danh bạ điện thoại và bắt đầu gọi điện cho một số người.

Một trong những người ông nhờ đến là Jim Moore, một cựu học sinh tại Kiski, cựu Phụ tá Bộ trưởng Bộ Thương mại dưới thời Reagan. Đến khi chiếc xe cọc cạch của chúng tôi đến được D.C., chúng tôi đã được sắp xếp chỗ nghỉ ngơi và có một công việc mới đang đợi. Tôi tin chắc rằng ông Pidgeon đã từng gọi điện cho Jim nhiều lần như thế rồi.

Ông Pidgeon hiểu được giá trị của việc giới thiệu người với người, giới thiệu cựu học sinh Kiski với nhau. Ông hiểu rõ ảnh hưởng của chúng đến cuộc sống riêng của chúng tôi, và lợi ích mà sự trung thành này mang đến cho ngôi trường nhỏ bé ông đang cố xây dựng, gồm năm dãy nhà, đang tiến gần đến phá sản tại miền tây nam Pennsylvania.

Và sự thật là thế. Jim và tôi hiện nằm trong Ban điều hành của ngôi trường cũ này. Và nếu bạn đã từng chứng kiến ngôi trường khi Jack mới bắt đầu mua lại, ngày nay bạn không thể nào nhận ra ngôi trường cũ nữa. Giờ đây nó có cả khu trượt tuyết, khu chơi golf, trung tâm mỹ thuật, và những công nghệ phức tạp không khác gì MIT.

Điều tôi muốn nói ở đây là: Mối quan hệ ngày càng được củng cố bằng niềm tin. Các thể chế được xây dựng từ niềm tin. Bạn xây dựng niềm tin bằng cách không hỏi người khác phải làm gì cho bạn, mà như Kennedy từng nói, hãy hỏi bạn có thể làm gì cho người khác.

Nói cách khác, giao dịch trong mạng lưới không đặt nền tảng trên sự tham lam mà bằng sự rộng lượng.

Khi tôi ngồi nghĩ lại tất cả những người đã dạy cho tôi nhiều bài học quý báu về việc kiến tạo những mối quan hệ lâu bền - cha tôi, Elsie, những sinh viên tôi nhận đỡ đầu, Ray, ông Pidgeon, những người tôi từng làm việc chung - tôi rút ra được một số quan sát và hiểu biết cơ bản như sau:

1. Hôm qua chúng ta phải đối mặt với nền kinh tế mới. Hôm nay chúng ta đang quay lại đối mặt với nền kinh tế cũ, và không ai có thể tiên đoán được cái gì sắp tới. Chu kỳ kinh doanh đi lên đi xuống; chỉ có bạn bè và những người cộng sự đáng tin cậy vẫn còn mãi với bạn. Có thể một ngày nào đó bạn bước vào phòng của sếp và nghe người ta nói với bạn: “Tôi lấy làm tiếc phải nói với anh điều này, nhưng...” Tôi dám cá đó là một ngày không vui. Chuyện này sẽ dễ chịu hơn nhiều, nếu bạn có thể gọi vài cuộc điện thoại và bước vào văn phòng của một người nào đó không lâu sau, để được người ta nói với bạn: “Tôi đã đợi ngày này lâu lắm rồi. Xin chúc mừng...”

Công việc ổn định? Kinh nghiệm sẽ không giúp gì được cho bạn trong lúc khó khăn, kể cả sự chăm chỉ hay năng lực. Nếu bạn cần một công việc, cần tiền, cần lời khuyên, cần giúp đỡ, cần được an ủi, hay cần bán được hàng, thì chỉ có một nơi an toàn, chắc chắn – đó là trong số những người bạn và cộng sự của mình.

2. Chẳng có lý do gì phải suy nghĩ đến lượt ai trả tiền ăn trưa. Chẳng có lý do gì phải ghi sổ những việc bạn giúp hay nợ người khác. Có ai quan tâm đâu?

Bạn có ngạc nhiên không nếu tôi kể cho bạn nghe rằng anh chàng David “Hollywood” không còn ăn nên làm ra nữa rồi? David cố bảo vệ số vốn quan hệ của mình đến lúc anh ta nhìn quanh và nhận thấy không còn gì để bảo vệ nữa. Từ sau lần gặp gỡ tại quán cà phê ở Santa Monica đó đến nay đã mười năm, và tôi không hề nghe nhắc đến anh ta. Và thực tế là không ai trong số những người tôi biết còn nhắc đến anh ta. Cũng giống như những ngành công nghiệp khác, công nghiệp giải trí cũng là một thế giới bé nhỏ.

Kết luận: Tốt hơn bạn nên cho trước khi nhận. Và đừng ghi sổ. Nếu những hành động của bạn xuất phát từ sự rộng lượng, bạn sẽ nhận được lợi ích sau này.

3. Cộng đồng kinh doanh là một thế giới cạnh tranh và hay thay đổi; một người hôm qua làm trợ lý hôm nay đã thành một người đầy thế lực. Những chàng trai cô gái trước kia chuyên chuyển điện thoại cho tôi bây giờ rất vui lòng được nhận điện thoại của tôi. Hãy nhớ rằng bạn dễ dàng vượt lên khi được sự ủng hộ của những người bên dưới hơn là nếu họ chỉ mong muốn thấy bạn té ngã.

Mỗi chúng ta bây giờ đều là một thương hiệu riêng. Thời kỳ mà giá trị của nhân viên gắn chặt với sự trung thành và thâm niên đã không còn nữa. Các công ty ngày nay vận dụng thương hiệu để phát triển những mối quan hệ chặt chẽ và bền vững với khách hàng. Trong nền kinh tế liên tục thay đổi như hiện nay, bạn cũng phải học cách áp dụng tương tự với mạng lưới của bạn.

Tôi tin rằng mối quan hệ của bạn với mọi người chính là sự thể hiện rõ nét và đáng tin cậy nhất cho biết bạn là ai, và bạn có gì. Không gì sánh được với mối quan hệ.

4. Đóng góp. Giống như bạn dùng hormone tăng trưởng Miracle-Gro cho mạng lưới vậy. Hãy dành thời gian, tiền bạc, và kinh nghiệm của bạn để phát triển cộng đồng người thân quen.

5. Khi tôi nghĩ đến những gì Jack Pidgeon và nhiều người khác đã làm, cũng như di sản ông để lại từ hành động này, tôi càng tin tưởng hơn bao giờ hết rằng cách trả ơn hay nhất là chia sẻ những gì tôi đã học được từ ông đến những người khác. Xin cám ơn ông một lần nữa, ông Pidgeon ạ.
 
Chương 3: Sức mạnh của bạn là gì?

“Làm ơn cho tôi biết tôi phải đi theo hướng nào?”
“Cái đó còn tùy thuộc bạn muốn đi đâu nữa cơ,” chú Mèo trả lời.
“Tôi không cần biết nơi nào_” Alice nói.
“Vậy thì bạn đi đường nào cũng có khác gì đâu,” chú Mèo trả lời.


- Bạn muốn trở thành giám đốc doanh nghiệp hay một đại biểu quốc hội? Bạn muốn đứng đầu trong ngành hay chỉ cần là chủ tịch hội phụ huynh tại trường của con bạn? Bạn muốn kiếm nhiều tiền hay kiếm nhiều bạn?

Bạn định hướng những gì mình muốn càng cụ thể, thì bạn sẽ càng dễ dàng đưa ra một chiến lược để đạt mục tiêu. Một phần trong chiến lược, tất nhiên là phải bao gồm việc thiết lập mối quan hệ với những người trong cuộc sống có thể giúp bạn đi đến thành công.

Mỗi một người thành công mà tôi từng gặp đều ít nhiều có một điểm chung là sự đam mê đề ra mục tiêu. Những vận động viên thành công, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các giám đốc uy tín, các nhân viên bán hàng giỏi, đều biết rất rõ họ muốn gì trong cuộc sống, và họ làm việc để đạt chúng.

Như cha tôi thường hay nói đùa, có ai trở thành nhà du hành vũ trụ một cách tình cờ được đâu.

Tôi đã chú tâm đặt ra mục tiêu từ rất sớm. Khi đang theo học tại Yale, tôi nghĩ mình muốn trở thành một chính trị gia, một thống đốc tương lai của Pennsylvania. (Bạn có thấy tôi quá chi tiết, và quá khờ khạo không?) Nhưng tôi học được rằng mục tiêu tôi càng cụ thể, thì tôi càng dễ dàng hành động hướng đến mục tiêu đó. Đến năm thứ hai tại đại học, tôi trở thành chủ tịch tổ chức chính trị tại Yale, nơi nuôi dưỡng những tài năng chính trị sáng chói. Khi tôi muốn tham gia vào một hội đoàn, tôi không chỉ chọn bất kỳ một tổ chức nào.

Tôi tìm hiểu xem các chính trị gia nổi tiếng đã từng tham gia vào hội đoàn nào. Sigma Chi có một truyền thống lâu đời và trong số những người cựu thành viên tại đây có rất nhiều người là các nhà lãnh đạo lỗi lạc. Nhưng hội này không đăng ký sinh hoạt tại Yale vào thời điểm đó. Thế là chúng tôi quyết định thành lập một chi nhánh của hội tại Yale.

Sau này tôi tham gia tranh cử vào Hội đồng thành phố New Haven. Tôi đã thất bại, nhưng chính trong quá trình này tôi đã gặp gỡ rất nhiều người, từ William F. Buckley và Thống đốc bang Pennsylvania Dick Thornburg đến chủ tịch Yale, ông Bart Gramatti. Tôi vẫn giữ liên lạc và thường xuyên thăm hỏi Bart cho đến khi ông mất; ông là một nguồn tri thức và đầu mối liên lạc đối với tôi. Ngay lúc đó, tôi đã nhận thấy lợi ích của việc đề ra mục tiêu; hành động đơn giản này đã giúp tôi vượt trội hẳn trên những bạn đồng môn chỉ biết chờ đợi chuyện gì đến cứ đến. Sau này tôi còn áp dụng nguyên tắc này một cách chặt chẽ hơn nữa.

Ví dụ như khi tôi làm việc tại Deloitte & Touche, đề ra mục tiêu chính là cách giúp tôi nổi bật hơn những nhà tư vấn đẳng cấp khác. Tôi biết mình cần có một tâm điểm, một định hướng để tôi trút toàn bộ nguồn năng lượng của mình vào đó. Tôi đọc được một bài báo của Michael Hammer khi tôi còn theo học ở trường kinh tế, và nó đã giúp tôi xác định tâm điểm. Hammer là đồng tác giả quyển sách Tái lập công ty; những ý tưởng của ông đã tác động mạnh đến cộng đồng kinh doanh, và gần như đã tạo ra được một phân khúc thị trường mới trong ngành tư vấn.

Đây là cơ hội cho tôi trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực kiến thức còn khá mới mẻ nhưng đang được mọi người chú ý tối đa. Tôi đọc tất cả các nghiên cứu tình huống, tham dự tất cả các cuộc hội thảo hay bài giảng của ông mà tôi có thể thu xếp được. Ở đâu có Michael Hammer, ở đó có tôi. Theo thời gian, ông không còn cho tôi là kẻ lẽo đẽo với ý đồ xấu mà đã dần xem tôi là một người học trò và một người bạn.

Nhờ tạo được mối quan hệ với Michael Hammer, và hiểu biết rộng trong lĩnh vực này, tôi đã tạo cầu nối vững chắc giữa công ty và một trong những nhà tư tưởng được kính trọng và có ảnh hưởng lớn nhất trong thế giới kinh doanh. Deloitte nhận được lợi nhuận và tiếng tăm như một công ty hàng đầu về phong trào tái cấu trúc. Và nhờ vậy, sự nghiệp của tôi trước kia còn mù mờ, giờ đã vững chắc và tỏa sáng.

Trong vòng vài thập kỷ qua, có rất nhiều quyển sách viết về tầm quan trọng của việc thiết lập mục tiêu trong cuộc sống. Như vậy đủ thấy mục tiêu quan trọng đến mức nào. Qua nhiều năm, tôi đã đúc kết được quy trình thiết lập mục tiêu thành ba bước. Và điều cốt lõi là phải biến việc thiết lập mục tiêu thành một thói quen. Nếu bạn làm được như vậy, thiết lập mục tiêu trở thành một phần cuộc đời bạn; nếu không, nó sẽ héo mòn và chết đi.
 
Bước 1: Tìm nguồn đam mê​

- Tôi học được định nghĩa hay nhất về “mục tiêu” từ một nữ nhân viên bán hàng thành công xuất sắc mà tôi gặp được tại một cuộc hội thảo: “Mục tiêu là giấc mơ không có kết thúc.” Định nghĩa tuyệt vời này đưa ta đến một điểm hết sức quan trọng.

Trước khi bạn bắt tay viết ra các mục tiêu, hãy tìm hiểu giấc mơ của mình trước đã. Nếu không sau này bạn sẽ thấy mình đi theo một con đường mà ngay ban đầu mình không có ý định theo đuổi.

Các nghiên cứu cho thấy hơn 50% người dân Mỹ không hài lòng trong công việc. Nhiều người trong số họ đang rất thành đạt, nhưng lại thành đạt trong một lĩnh vực không yêu thích. Cũng không có gì khó hiểu tại sao ta lại rơi vào tình trạng này. Người ta hay lo ngại khi phải đưa ra quyết định về nghề nghiệp, gia đình, công việc, tương lai.

Chúng ta có quá nhiều lựa chọn. Thế là cuối cùng chúng ta lại tập trung vào những năng lực chúng ta còn thiếu, hay những nghề nghiệp không phù hợp. Rất nhiều người trong chúng ta chỉ biết chấp nhận những trái sung rớt xuống đầu mình mà không bao giờ tự đặt cho mình những câu hỏi quan trọng.

Bạn có bao giờ ngồi suy nghĩ nghiêm túc về những gì mình thật sự yêu thích? Những gì mình thật sự có khả năng? Những gì mình muốn đạt được trong cuộc sống? Đâu là những trở ngại đối với bạn? Hầu hết mọi người không làm được việc này. Họ chấp nhận những gì “nên” làm, thay vì dành thời gian để tìm hiểu những gì họ “muốn” làm.

Mỗi người trong chúng ta yêu thích những thứ khác nhau, lo lắng về những điều khác nhau, có những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau, và điểm riêng của từng người. Chúng ta phải để ý đến những điểm này khi tìm điểm giao nhau giữa năng lực và sự yêu thích. Tôi đặt tên cho giao điểm này là “ngọn lửa xanh” – nơi sự đam mê và năng lực giao nhau. Khi ngọn lửa xanh bùng cháy trong chúng ta, nó trở thành một nguồn lực rất mạnh có thể đưa bạn đi bất cứ nơi nào bạn muốn.

Theo tôi thì ngọn lửa xanh là sự giao thoa giữa mục tiêu và đam mê dựa trên sự đánh giá thực tế năng lực của mình. Ngọn lửa xanh giúp bạn xác định mục tiêu trong cuộc sống, từ việc chăm sóc người già đến việc là một người mẹ tốt, trở thành một kỹ sư hàng đầu hay làm nhà văn hay nhạc sĩ. Tôi tin rằng trong tim mỗi người đều có một mục tiêu khác nhau, một mục tiêu có khả năng bùng phát nếu được kích hoạt phù hợp.

Joseph Campbell, một sinh viên sau đại học tại Columbia University, đã sáng tạo ra cụm từ “theo đuổi đam mê” vào đầu thế kỷ 20. Ông xác định ngọn lửa xanh của mình là theo học thần thoại Hy Lạp. Khi được biết là chưa có nơi nào giảng dạy ngành này, ông quyết định theo đuổi kế hoạch riêng của mình.

Sau khi tốt nghiệp, ông chuyển đến sống trong một ngôi nhà gỗ biệt lập tại Woodstock, New York, và không làm gì khác ngoài việc đọc sách từ sáng sớm đến 7, 8 giờ tối, trong suốt năm năm liền. Lúc đó người ta vẫn chưa định hình con đường nghề nghiệp cho những người yêu thần thoại Hy Lạp. Campbell trở thành một người rất uyên thâm về thần thoại Hy Lạp, nhưng thật ra ông vẫn chưa hình dung được mình sẽ làm gì tiếp theo. Ông chỉ biết là mình phải đeo đuổi niềm đam mê thần thoại này mà thôi.

Những người ông gặp trong đời sống hàng ngày đã rất ngạc nhiên về sự uyên thâm và đam mê của ông. Cuối cùng, ông được mời đến nói chuyện tại trường Sarah Lawrence College. Hết bài giảng này đến bài giảng khác, cho đến một lúc, 28 năm sau, ông nhìn lại, thấy mình đã là một tác gia và giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực thần thoại học, vẫn đang theo đuổi niềm đam mê của mình, ngay tại chính ngôi trường mà ông đã phát hiện ra niềm đam mê này. “Nếu bạn theo đuổi niềm hứng thú của mình, bạn sẽ tự nhiên đi theo một con đường đã được dọn sẵn, chờ đợi bạn, và cuộc sống bạn đang tận hưởng chính là cuộc sống mà bạn theo đuổi.”

Vậy thì bạn làm thế nào để tìm ra niềm đam mê của mình?

Campbell tin rằng, trong sâu thẳm mỗi người, trực giác chúng ta biết rõ mình muốn gì trong cuộc sống. Chúng ta chỉ có việc là phải tìm cho ra mà thôi.

Tôi cũng đồng ý với Tiến sĩ Campbell. Tôi tin rằng những quyết định đúng đều phải dựa trên nguồn thông tin đúng. Để quyết định niềm đam mê, niềm hứng thú, cảm hứng, hay ngọn lửa xanh, bạn cũng cần phải tuân theo nguyên tắc này. Có hai hướng để tìm thông tin: một hướng xuất phát từ chính bản thân; và hướng kia xuất phát từ những người xung quanh.
 
Nhìn vào chính bản thân

- Có nhiều cách để tự đánh giá mục tiêu và ước mơ của mình. Có người chọn cách cầu nguyện. Có người chọn cách suy ngẫm hay đọc sách. Có người tập thể dục. Có người chọn cách sống biệt lập trong khoảng thời gian dài.

Tuy nhiên điều quan trọng khi tự đánh giá bản thân là không được đặt ra giới hạn, không nghi ngờ, lo ngại, hay hy vọng về những gì “nên” làm. Bạn phải bỏ qua một bên những chướng ngại như thời gian, tiền bạc, nghĩa vụ.

Một khi tôi đã xác định tư tưởng của mình, tôi bắt đầu liệt kê một danh sách các ước mơ và mục tiêu. Có những điểm hết sức phi lý, có những điểm lại quá thực dụng. Tôi không có ý định kiểm duyệt hay chỉnh sửa bản chất của danh sách này - tôi chỉ đơn giản là viết ra mọi thứ mà thôi.

Sau khi hoàn tất danh sách thứ nhất, tôi tiếp tục viết ra trong cột thứ hai những điều đem đến cho tôi niềm vui và sự thỏa mãn: những thành quả, con người, hay công việc làm cho tôi thấy yêu thích. Bạn có thể dựa vào những thú vui riêng của bạn, hay những tạp chí, phim ảnh, sách truyện mà bạn thích. Bạn thích thú với những loại hình hoạt động nào mà đôi khi bạn không để ý đến thời gian đã trôi qua?

Sau đó, tôi bắt đầu tìm mối liên hệ giữa hai danh sách này, chính là đi tìm điểm giao nhau, tìm định hướng hay mục đích. Đây là một bài tập đơn giản, nhưng kết quả nó mang lại có ý nghĩa rất lớn.

Nhìn những người xung quanh

Tiếp theo, bạn hãy hỏi những người biết bạn rõ nhất, yêu cầu họ đánh giá điểm mạnh và điểm yếu lớn nhất của bạn là gì. Yêu cầu họ cho bạn biết họ ngưỡng mộ điểm gì ở bạn, và điểm gì theo họ là bạn cần phải hoàn thiện thêm.

Chẳng bao lâu bạn sẽ thấy những thông tin bạn thu thập được từ bài tập đánh giá bản thân và từ đóng góp của những người xung quanh sẽ giúp bạn nhìn thấy rõ ràng định hướng hay mục tiêu cuộc sống của mình là gì.

Nhiều CEO và chủ doanh nghiệp nổi tiếng trong giới kinh doanh thế giới đều đặt niềm tin sâu sắc vào khái niệm ngọn lửa xanh – mặc dù có thể họ dùng một từ khác để miêu tả.

James Champy, nhà tư vấn nổi tiếng và đồng tác giả của quyển sách Tái lập công ty, tin rằng thành công tùy thuộc nhiều nhất vào ước mơ. Trong quyển sách The Arc of Ambition, Champy đã chỉ ra rằng năng lực của các nhà lãnh đạo thành công như Ted Turner, Michael Dell, Jack Welch không quan trọng bằng việc họ có định hướng mục tiêu rõ ràng, giúp họ tập trung trong tất cả các hành động của mình.

Khi Champy hỏi Michael Dell làm thế nào ông xác định được tham vọng xây dựng máy vi tính Dell, vị CEO bắt đầu kể về chu kỳ kinh doanh và công nghệ. Sau đó ông dừng lại.

“Anh có biết tôi nghĩ ước mơ thật sự đến từ đâu không?” ông nói. Ông bắt đầu kể về những ngày lái xe đi học qua những khu ngoại ô của Houston và say mê trước những tòa nhà công ty với cột cờ riêng của họ. Dell cũng muốn có một lá cờ riêng. Ông muốn được thấy mình tồn tại. Đối với ông, đó là biểu hiện của sự thành công, và nó đã khiến ông có ý định thành lập công ty ngay cả trước khi ông đủ tuổi uống bia. Ngày nay, ông đã có được ba cột cờ. Tôi đã từng nói chuyện với Dell nhiều lần về chiến lược công ty, và thật bất ngờ là lần nào cũng như lần nào, ông đều đề cập đến ước mơ này.

Tham vọng con người cũng giống như những chú cá chép Nhật, chúng phát triển tùy theo môi trường. Thành công của chúng ta cũng sẽ phát triển tùy theo độ lớn của ước mơ và mức độ quyết tâm của chúng ta với mục tiêu của mình.

Tìm ra mục tiêu, liên tục cập nhật, và theo dõi tiến trình thực hiện, theo tôi, không quan trọng bằng quá trình đấu tranh về mặt cảm xúc xem thật sự mình muốn làm gì trong cuộc sống.

Điều này có nghĩa là một kẻ mơ mộng hão huyền cũng có thể điều hành GE giỏi không kém gì Neutron Jack? Dĩ nhiên là không rồi. Chuyển đổi từ giấc mơ thành sự thật đòi hỏi phải lao động cực nhọc và tính kỷ luật cao.

“Welch sẽ không thích thú gì nếu tôi nói: ‘Jack, ông chỉ là kẻ mơ mộng,’” Champy nói. “Nhưng sự thật là ông ấy là một kẻ mơ mộng có kỷ luật. Ông ấy có khả năng và sự nhạy cảm để khám phá nhiều ngành công nghiệp khác nhau, tìm xem cơ hội đang nằm ở đâu.”

Những kẻ mơ mộng có kỷ luật có một điểm chung: sứ mệnh. Sứ mệnh của họ thường mang tính rủi ro, không giống ai, và không dễ gì đạt được. Nhưng chúng vẫn có thể đạt được. Kỷ luật giúp họ đưa ước mơ thành sứ mệnh, đưa sứ mệnh thành thực tiễn, thật ra cũng chỉ là quá trình thiết lập mục tiêu mà thôi.
 
Bước 2: Viết mục tiêu ra giấy​

- Chuyển sứ mệnh thành thực tiễn không phải tự nhiên mà thành. Cũng giống như một bức tranh nghệ thuật hay một hoạt động kinh doanh, nó phải được xây dựng từ nền móng đi lên. Đầu tiên, ta phải mường tượng ra nó trong thực tế. Sau đó, ta tập họp những kỹ năng, công cụ, nguyên liệu cần thiết. Ta cần có thời gian. Ta cần phải suy nghĩ, quyết tâm, kiên định, và có niềm tin.

Tôi sử dụng một loại công cụ mà tôi đặt tên là Kế hoạch Hành động Xây dựng mối quan hệ (Relationship Action Plan).

Bản kế hoạch này được chia làm 3 phần tách biệt: Phần đầu để thiết lập mục tiêu giúp tôi hoàn thành sứ mệnh của mình. Phần thứ hai dành để tìm mối liên hệ giữa các mục tiêu này với những con người, địa điểm, công việc có thể giúp tôi thực hiện mục tiêu. Và phần thứ ba xác định cách tốt nhất để tiếp cận những người giúp mình đạt được mục tiêu.

Đây chỉ là một cái khung sườn, khá thực tế, và có tính ứng dụng cực kỳ cao, đã được kiểm chứng qua bản thân tôi, những nhân viên bán hàng cấp dưới của tôi, và nhiều bạn bè.

Trong phần đầu tiên, tôi liệt kê tất cả những gì mình muốn đạt được trong ba năm sắp tới. Từ đó, tôi xác định ngược thời gian trong vòng một năm, hay mỗi ba tháng, và đưa ra những mục tiêu ngắn hạn, trung hạn để đi đến sứ mệnh cuối cùng. Trong mỗi khoảng thời gian, tôi đưa ra một mục tiêu A và một mục tiêu B, có đóng góp trực tiếp vào định hướng tương lai 3 năm của tôi.

Cô bạn thân Jamie của tôi có một ví dụ lập kế hoạch cụ thể theo cách này. Jamie đang loay hoay tìm định hướng cuộc đời mình. Cô ấy đã tốt nghiệp tiến sĩ lịch sử học tại Harvard, và mong muốn trở thành một giáo sư. Tuy nhiên cô lại thấy đời sống học thuật ngột ngạt quá. Cô cũng thử sức trong ngành kinh tế, nhưng lại không thấy công việc có ý nghĩa. Jamie đã bỏ ra vài tháng liền sống tại Manhattan để suy nghĩ xem mình thực sự muốn làm gì trong cuộc sống, và cô nhận ra rằng mình chỉ muốn đi dạy trẻ con.

Tôi đề nghị Jamie thử lập Kế hoạch Hành động Xây dựng mối quan hệ một lần xem sao. Ban đầu cô cũng tỏ ra nghi ngờ. “Cái này có vẻ hợp với mấy người học MBA hơn, tôi không nghĩ nó có thể áp dụng cho mấy người như tôi,” cô từ chối. Tuy nhiên, cuối cùng cô cũng đồng ý thử.

Và thế là cô ngồi xuống để điền vào bản kế hoạch. Mục tiêu “A” của cô là trong ba năm nữa sẽ trở thành giáo viên. Mục tiêu “B” của cô là trở thành một giáo viên trong một khu vực nổi tiếng, trong một quận cô muốn sinh sống. Sau đó cô điền chi tiết các mục tiêu A và B trong ngắn hạn.

Trong 90 ngày, cô dự định trở thành một giáo viên dạy phổ thông được cấp bằng chứng nhận bằng cách tham gia vào những chương trình giúp những nhà chuyên môn chuyển tiếp sang lĩnh vực giáo dục. Trong vòng một năm, cô muốn trở thành giáo viên thật sự; đồng thời cô cũng liệt kê những trường trung học tốt nhất tại Manhattan mà cô cho là mình muốn được tham gia giảng dạy tại đó.

Trong phần thứ hai của Kế hoạch, cũng được chia thành những khoảng thời gian tương tự, cô đưa ra một số tên người cho mỗi mục tiêu A hay B, những người mà theo cô có thể giúp cô biến mục tiêu thành hiện thực.

Jamie làm một số thăm dò và tìm ra một nơi chuyên giúp sắp xếp cho các nhà chuyên môn vào các vị trí giảng dạy. Cô cũng tìm ra tên những người chuyên phụ trách tuyển dụng tại các trường trung học mà cô mong muốn. Sau cùng, cô tìm ra số điện thoại liên lạc của tổ chức chuyên cung cấp các khóa học nghiệp vụ sư phạm.

Trong vòng vài tuần lễ, Jamie đã bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình. Cô bắt đầu nhận ra mối liên hệ giữa việc đề ra mục tiêu và tìm người giúp ta đạt mục tiêu. Càng nhiều mục tiêu được hoàn thành, mạng lưới mối quan hệ trong giảng dạy của cô càng được mở rộng. Mối quan hệ càng được mở rộng càng giúp cô tiến gần hơn đến mục tiêu ba năm của mình.

Trong giai đoạn thứ ba, bạn sẽ biết cách đánh giá nên vận dụng chiến thuật nào cho phù hợp. Những chiến thuật này sẽ được tôi giới thiệu trong những chương tiếp theo. Có một số người, bạn phải làm mặt dày và nói chuyện trực tiếp với họ (chúng ta sẽ thảo luận phương pháp sau). Có những người bạn có thể tiếp cận thông qua bạn bè; và cũng có những người tốt nhất nên tiếp cận tại các cuộc hội thảo hay các bữa tiệc tối giao lưu. Tôi sẽ chỉ bạn cách áp dụng tất cả những phương pháp này.
 
Hôm nào phải có một phân tích so sánh cách xây dựng/phát triển các mối quan hệ (Relationship development) giữa ông Phậm Xuân Ẩn và nhân vật trong chuyện này nhỉ. Mỗi người đều có phong cách xây dựng quan hệ riêng nhưng xem ra đều có cái cốt lõi chung là độ lượng, giúp đỡ người khác để xây dựng quan hệ.

Nhưng xem ra cách xây dựng quan hệ của ông Ẩn vẫn có phần giỏi hơn...
 
Quán cơm 2000: Mở "luống cày tình thương"​

- Vào một buổi trưa nắng gắt, vì tò mò: “Thời buổi này làm gì còn cơm có giá 2.000đ, đặc biệt là giữa chốn Sài thành này”, tôi đã theo chân người bạn tới địa chỉ 6/15 D1, đường số 3, cư xá Lữ Gia, phường 15, quận 11. Và tôi đã nhầm, một quán cơm 2.000đ có thật nằm khiêm tốn trong con hẻm nhỏ sau Trường Đại học Bách khoa. Khách hàng chủ yếu là sinh viên, người nghèo cơ nhỡ…

images283202_7.jpg

Điểm đến của người nghèo​

Quán cơm bắt đầu mở cửa vào lúc 10g30 vào các ngày thứ hai, tư, sáu trong tuần. Khi bước chân vào quán, chúng tôi thấy món ăn được đặt trong khay nhựa ngon mắt, sạch sẽ. Thực đơn được thay đổi hằng ngày giúp người ăn không chán. Đội ngũ phục vụ vui vẻ, nhiệt tình là những ấn tượng đầu tiên mà ai cũng cảm nhận được.

Giá cơm chỉ 2.000đ nhưng đầy đủ món

Quán cơm 2000 khai trương ngày 15-8-2008, tính đến nay đã được hơn nửa năm. Mỗi buổi trưa, quán cơm cung cấp cho khoảng 500 suất ăn. Chị Mỹ, chủ quán chỉ mới hơn 30 tuổi, đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM năm 2004 tâm sự: “Mình đã từng trải qua thời sinh viên cực khổ, thiếu thốn, nên mình quyết tâm làm một điều gì đó giúp các sinh viên nghèo”. Quán cơm 2000 là kết quả từ những trăn trở của chị, cùng sự hỗ trợ của gia đình và lòng hảo tâm của các tu sĩ Giáo xứ Tân Phước, quận Tân Bình. Khi có ý định biết thêm về một số mạnh thường quân, chị chủ quán khéo léo từ chối: “Mình làm công việc này hoàn toàn tình nguyện và những người giúp đỡ quán cũng vậy. Họ không muốn ra mặt đâu”. Thật vậy, có khách hàng ăn cơm ở đây thường xuyên, muốn gặp cô chủ quán để nói một lời cám ơn thì cũng khó gặp.

Dù hơn nửa tiếng nữa quán cơm mới mở cửa, nhưng bên ngoài đã có rất nhiều người xếp hàng đợi sẵn. Khách đến ăn chủ yếu là sinh viên, người cao tuổi bán vé số, phụ hồ, công nhân… Là khách ruột từ ngày đầu mở quán, bạn T.Q., sinh viên năm hai Đại học Bách khoa cho biết: “Cuộc sống của sinh viên chẳng dư dả gì. Quán cơm ra đời là nguồn động viên, giúp đỡ cho những sinh viên nghèo như tụi mình có điều kiện học tập tốt hơn”. Riêng với chị H.Q., quê Quảng Ngãi, vào thành phố bán vé số thì : “ Cơm ở đây giá chỉ 2.000đ, rẻ nhưng ngon miệng, lại được lấy thêm cơm, canh miễn phí. Tụi tui bán một ngày lời chẳng bao nhiêu nên những hôm quán không bán, tụi tui chỉ dám ăn tạm thứ gì đó qua loa cho xong bữa”.

“Thường đến khoảng 12g là quán hết cơm. Nhưng khi nhìn thấy các em sinh viên, các bác, các cô mồ hôi nhễ nhại do chạy vội về quán nhưng vẫn trễ, đành thở dài, tiếc nuối ra về; chúng tôi không đành lòng, bảo họ ngồi chờ để nhân viên đi mua cơm tại quán khác với giá hơn 10.000đ về bán cho họ với giá 2.000đ”, chị Hồng Nhung, nhân viên tình nguyện của quán, tâm sự.

Mong người đi trước “rước” người đi sau


Vào giờ cao điểm, 12 bàn ăn chật cứng người. Khách phải ngồi tràn ra cả vỉa hè để ăn. Khác với các quán cơm khác, tuy là “thượng đế”, nhưng ở đây thực khách vẫn phải tự dọn dẹp khay cơm sau khi ăn để nhân viên rửa.

Đọc trên bức tường của quán có ghi hàng chữ: “Chúng tôi phục vụ các bạn, khi thành công xin các bạn hãy nhớ đến anh em còn khó khăn”, cô Trương Thị Trà, 68 tuổi, nhân viên quán giải thích: “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no. Điều đó quý lắm cháu ạ. Chúng tôi làm việc không đợi mọi người trả ơn, nhưng mong rằng, sau này trong số thực khách đã đến đây, khi họ có cuộc sống tốt hơn, họ sẽ trở lại để giúp đỡ, quan tâm đến những người khác còn thiếu thốn trong xã hội”.

Được biết, ban đầu quán cơm có ý định tặng các suất ăn miễn phí cho mọi người, nhưng sợ khách hàng mặc cảm nên lại thôi. Giá 2.000đ chỉ mang tính tượng trưng. Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa – bác ruột của chị Mỹ: “Quán chúng tôi ra đời với hy vọng khai mở “luống cày tình thương”. Mong sao những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội được nhiều người quan tâm, giúp đỡ hơn nữa”.

Ngày 23-2-2009 vừa qua, “bản sao” Quán cơm 2000 đã được khai trương tại 22 Đoàn Hữu Trưng, TP Huế. Quán do cô Nguyễn Thị Hiếu – cô ruột chị Mỹ phụ trách. Cô Hiếu trước đây làm nghề bán rượu, sau đó cùng người cháu gái góp tiền, kết hợp một số mạnh thường quân là các tu sĩ của Giáo xứ Phú Cam để mở quán cơm này. Quán cũng phục vụ khoảng 500 suất ăn/ngày cho sinh viên cũng như tầng lớp lao động nghèo ở Huế, vào các ngày thứ ba, năm, bảy trong tuần. Như vậy, đến nay, Quán cơm 2000 có ở 2 nơi: TP HCM và Huế.
 
Siêu kết nối​

Chúng ta đã quá quen thuộc với khái niệm “Cách nhau 6 bước”, cho rằng giữa người này với người kia trên thế giới này chỉ thật sự cách nhau sáu bước. Sao lại thế ? Bởi vì có những người quen biết nhiều, rất nhiều người hơn bình thường.

Chúng ta hãy tạm gọi họ là những người siêu nối kết. Trong chúng ta ai cũng biết ít nhất một người như vậy, một người có vẻ như biết tất cả mọi người khác và ngược lại tất cả mọi người khác đều biết đến họ. Bạn có thể thấy đa số những người siêu nối kết này là chuyên viên tuyển dụng, người vận động hành lang, người kêu gọi đóng góp cho quỹ từ thiện, chính trị gia, nhà báo, chuyên gia quan hệ công chúng vì bản chất công việc yêu cầu họ phải có những đặc tính riêng.

Trong mạng lưới quan hệ mà bạn xây dựng, bạn sẽ đánh giá được sức mạnh của mạng lưới quan hệ đó. Quan hệ cá nhân chính là chìa khóa để mở cánh cửa thế giới, những mối quan hệ không nhất thiết phải là những mối quan hệ khăng khít như gia đình hay bạn bè, người thân mới chứng tỏ được uy lực, ngược lại đó có thể chỉ là những người chúng ta quen biết ngoài xã hội, giữa hai người có điểm chung, tôn trọng nhau.

Điều quan trọng nhất là xây dựng được những mối quan hệ sâu sắc và tin cậy trong đó tình bạn là nền tảng của một mạng lưới thực sự uy lực.

1.Vận động hành lang (lobbyist)

Lobbyist là những người có trong tay thông tin đầy đủ, biết cách thuyết phục, tự tin và vì vậy họ là những người ngoại giao đầy ấn tượng.

Do tính chất công việc ho quen thuộc với cách làm việc của nhiều tập đoàn lớn hay chính quyền địa phương và trung ương. Họ có một điểm chung là đều đam mê mục tiêu thay đổi quan điểm nhà chính trị để bỏ phiếu ủng hộ một đạo luật theo hướng phụ vụ lợi ích mà họ đại diện.

Họ làm thế nào để đạt được điều này ? Họ hay tổ chức các bữa tiệc để có cơ hội tiếp xúc với các chính trị gia và đối thủ của họ trong một không khí thân mật. Những nỗi lực thực tế hơn bao gồm dành nhiều giờ nói chuyện qua điện thoại hay thảo thư kêu gọi, cố gắng thuyết phục công chúng tham gia vào một vấn đề nào đó. Những điều này biến họ thành một nhóm người rất thân thiện trong mắt công chúng. Bạn có tình nguyện giúp họ tổ chức một sự kiện nào đó không ? Tình nguyện hợp tác với công sức của mình ? Giới thiệu họ đến những người tình nguyện cùng chí hướng khác ? Giới thiệu họ đến với những khách hàng tiềm năng ?

Lobbyist có khuynh hướng gặp gỡ nhanh với rất nhiều người mà bạn thấy cần quen biết, kể cả những người quyền lực và rất thành công.

2.Chính trị gia

Chính trị gia dù ở cấp nào cũng là những người nối kết thâm niên. Họ phải như thế. Họ bắt tay, ôm hôn các em nhỏ, đọc diễn văn, đi dự tiệc tối, tất cả đều vì mục đích giành được sự tín nhiệm của người dân để còn được bầu chọn. Vị thế của chính trị gia được tính trên quyền lực chính trị của họ chứ không phải trên tài sản. Bất cứ điều gì bạn có thể làm để giúp họ thu hút thêm phiếu bầu hoặc thể hiện quyền lực trong một nhiệm kỳ đều có thể bảo đảm cho bạn một chỗ trong nhóm của họ.

Chính trị gia giúp ích được gì cho bạn ? Chính trị gia cấp địa phương có thể chỉ dẫn cho bạn vượt qua lề thói quan liêu cửa quyền. Chính trị gia dù ở cấp nào nếu thành công cũng trở thành người nổi tiếng và mạng lưới của họ sẽ thể hiện đúng điều này.

Làm thế nào bạn bắt nhịp được với họ ? Hãy tham gia vào phòng thương mại tại địa phương. Các nhà lãnh đạo công ty, doanh nhân, những người mới khởi nghiệp thường tụ tập tại đây. Trong bất cứ cộng đồng nào cũng có những chính trị gia trẻ tuổi mong muốn được leo cao hơn nữa trên bậc thang danh vọng. Ngay từ đầu trước khi họ trở nên nổi bật bạn có thể tạo dựng sự trung thành và tin cậy bằng cách ủng hộ mục tiêu của họ và đóng góp công sức khi họ quyết định chạy đua tranh cử.

3. Nhà báo

Nhà báo rất có quyền lực một bài báo giới thiệu của họ có thể đưa một công ty lên hàng đầu hay biến một người vô danh thành nổi tiếng. Họ luôn khát tìm kiếm ý tưởng, chủ đề mới cho các bài viết, bạn có thể hỗ trợ họ bằng cách trở thành người cung cấp tin đáng tin cậy giúp họ.

4.Quan hệ công chúng

Những người làm quan hệ công chúng dành cả ngày để gọi điện thoại, năn nỉ, tạo áp lực, tán tỉnh các nhà báo để họ viết bài cho khách hàng của mình. Mối quan hệ giữa giới truyền thông và PR thường không suôn sẻ nhưng nói cho cùng họ cần nhau nên phải liên kết với nhau như những người bà còn lâu ngày không gặp.

Nếu bạn có một người bạn thân làm công việc PR bạn có thể nhìn thấy cánh cửa bước và thế giới truyền thông và đôi khi cả thế giới người nổi tiếng nữa.

5. Săn đầu người

Nhà tuyển dụng, chuyên viên tư vấn nghề nghiệp, săn đầu người cao cấp. Họ giống như những người giữ cửa, tuy nhiên thay vì chỉ giữ cửa cho một lãnh đạo những tay săn đầu người thành công họ có thể đáp ứng cho hàng trăm nhà lãnh đạo trong lĩnh vực họ tuyển dụng.

Săn đầu người là những nhà môi giới chuyên nghiệp, tạo thu nhập bằng cách giới thiệu ứng viên đến những công ty cần tuyển dụng. Nếu bạn tìm được việc săn đầu người sẽ nhận được khoản hoa hồng kha khá, thông thường tính bằng phần trăm số lương năm đầu tiên của bạn. Vì vậy săn đầu người là sự kết hợp khéo léo giữa người bán hàng và người giao tiếp rộng trong xã hội. Để tìm được ứng viên họ thường đăng quảng cáo tìm người, họ cũng chọn cách liên lạc trực tiếp đến ứng viên phù hợp.nhờ sự giới thiệu của bạn bè hay đồng nghiệp. Nếu tính riêng trong những ngành nghề mà họ chuyên phục vụ họ là những nguồn thông tin tên tuổi quý giá.

Điểm mạnh rõ rang của săn đầu người xoay quanh hai vấn đề, hoặc là bạn thuê họ tìm thông tin, hoặc là bạn giúp họ tìm thông tin cho người khác. Nếu bạn đang đi tìm việc hãy để cho càng nhiều săn đầu người giúp bạn càng tốt.

Bạn có thể xây dựng riêng một số tài liệu dành cho lĩnh vực săn đầu người. Họ là ai và họ cần làm những gì. Bạn trả lời tất cả các cuộc gọi của họ, giúp họ tiếp cận mạng lưới của mình để tìm ứng cử viên phù hợp. Bạn giúp họ nhiều nhất có thể đến lúc nào đó bạn có thể nhờ họ giúp đỡ rất nhiều.

Có phải ai cũng liên lạc được với giới săn đầu người. Thật tình mà nói giới săn đầu người thích được là người chủ động liên lạc với bạn hơn. Bạn có thể trở thành nhà săn đầu người nghiệp dư, luôn sẵn sang giới thiệu người tìm việc tới nơi cần người hoặc giữa nhà tư vấn tới các công ty. Khi bạn giúp một ai đó tìm được việc mới họ sẽ nhớ đến bạn khi họ biết có chỗ cần người. Ngoài ra giả dụ bạn giúp cho người cung cấp dịch vụ tìm được một khách hàng mới họ thường sẽ thoải mái hơn về vấn đề giá cả khi bạn sử dụng dịch vụ của họ lần sau. Giúp người khác tìm được chỗ làm tốt cũng chính là tiền đó.

6. Người kêu gọi đóng góp từ thiện(Fundraiser)

Theo dấu chân tiền là những từ fundraiser thuộc lòng. Họ biết tiền nằm ở đâu, làm thế nào để lấy được và quan trọng hơn ai là người dễ mở hầu bao đóng góp nhất. Kết quả là fundraiser cho dù họ làm việc cho ai, tổ chức chính trị, trường đại học, tổ chức phi lợi nhuận, đều hầu như biết rất rõ tất cả mọi người.Và mặc dù họ đang làm một công việc mà ít người tranh giành là hàng ngày cố gắng thuyết phục người ta đóng góp số tiền nhọc nhằm kiếm được, họ luôn được mọi người yêu mến. Đây là một công việc vì người khác đầy ý nghĩa và hầu như ai cũng nhận thấy rằng nếu họ có người bạn là fundraiser họ có trong tay chìa khóa mở cánh cửa đến một thế giới mới với những con người mới, cơ hội mới.

7. Chủ nhà hàng

Ẩm thực là ngôn ngữ ngoại giao lớn nhất của loài người, mỗi dân tộc, mỗi thành phố đều có văn hóa ẩm thực đặc trưng riêng. Có những nhà hàng thú vị thu hút được tất cả các giới trong xã hội lựa chọn là nơi ăn uống, tụ tập bạn bè. Ẩm thực là các những người lạ gặp nhau, trao đổi thông tin nhanh nhất. Những người nổi tiếng, doanh nhân thành công họ thường giữa quan hệ tốt với các chủ nhà hàng ẩm thực, họ có số điện thoại, khi cần sắp xếp một bàn tiệc trong những dịp đặc biệt họ luôn gọi trước để được chủ nhà hàng ưu tiên. Chính vì thế chủ nhà hàng nổi tiếng là người xây dựng được quan hệ tin cậy với rất nhiều cá nhân quan trọng trong thành phố họ xây dựng nhà hàng.

Nếu bạn xây dựng được quan hệ tốt với chủ nhà hàng, bạn có thể được chủ nhà hàng giới thiệu rất nhiều mối quan hệ tiềm năng trong danh sách bạn bè của chủ nhà hàng.
 
Muốn sống lâu hơn, hãy kết thêm bạn !​

3fc6b_ktsg-tinh-ban_200.jpg

- Điều kỳ diệu của tình bạn đối với sức khỏe của con người.

Thượng nghị sĩ Mỹ vừa mới qua đời Edwards Kennedy - người được Tổng thống Obama ca ngợi là “thượng nghị sĩ vĩ đại nhất của thời đại” - không chỉ là nhà chính trị kiệt xuất của nước Mỹ, ông còn là nhà lập pháp nổi bật với những nỗ lực bền bỉ trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư.

Ngay từ cuối những năm 1960, Kennedy, lúc ấy vẫn còn là thượng nghị sĩ trẻ, đã ủng hộ việc phát động một cuộc chiến toàn diện chống lại căn bệnh hiểm nghèo này. Chính sự nhiệt tình của Kennedy đã gây căng thẳng giữa ông và Tổng thống Nixon khi hai người cố gây ảnh hưởng chính trị.

Trong diễn văn năm mới đọc trước công chúng Mỹ năm 1971, Nixon ví von việc chiến thắng được bệnh ung thư chẳng khác nào việc bắn hạ mặt trăng! Đáp lại, Kennedy ủng hộ dự luật tăng thêm ngân sách cho các nghiên cứu về bệnh ung thư và nâng tầm quan trọng của Viện Ung thư quốc gia (National Cancer Institute). Sau đó, Nixon tỏ ý cho vị thượng nghị sĩ rằng mình sẽ chấp thuận dự luật với điều kiện Kennedy rút tên khỏi dự luật này. Kennedy đồng ý. Tháng 11-1971, Nixon ký phê chuẩn dự luật chống ung thư.

Số phận thật trớ trêu, gần 40 năm sau khi dự luật này ra đời, Kennedy qua đời vì một khối u não ác tính. Bốn mươi năm sau khi nước Mỹ tuyên chiến toàn diện với ung thư, sự tàn phá của căn bệnh này lên sức khỏe và tính mạng của con người vẫn chẳng giảm sút bao nhiêu.

Tình bạn có ảnh hưởng lên tình trạng sức khỏe tâm lý của con người mạnh hơn cả quan hệ gia đình. Sự gần gũi bên mình hay số lần tiếp xúc trực tiếp với bạn không đóng vai trò quan trọng. Chỉ cần có bạn là đủ!
Tuy nhiên, 40 năm nỗ lực chống ung thư cũng đã đưa đến một số kết quả khích lệ. Bản thân Kennedy cũng có thể được xem là một ví dụ. Ông sống thêm được 15 tháng từ khi được chẩn đoán u não ác tính hồi tháng 5 năm ngoái. Đó là thời gian sống trung bình hiện nay [ở Mỹ] đối với bệnh nhân mắc bệnh này. Bốn thập kỷ trước, người bệnh u não ác tính chỉ sống được trung bình bốn tháng rưỡi. Ngày nay, trong vài trường hợp, người bệnh có thể sống thêm bốn, năm hoặc sáu năm - điều chưa bao giờ xảy ra trước đây.

Nhưng, dĩ nhiên, điều trị ung thư bao giờ cũng tốn kém, ngay cả đối với bệnh nhân ở các quốc gia phát triển, huống hồ người ở những nước còn nghèo như Việt Nam.

Trong khi con người tìm mọi cách và tốn rất nhiều tiền để tăng cường sức khỏe và trị bệnh, người ta lại quên mất một “vũ khí” rất lợi hại, mà trong nhiều trường hợp chẳng tốn kém bao nhiêu, có thể giúp họ chống lại bệnh tật, rút ngắn thời gian hồi phục sau cơn bạo bệnh, thậm chí còn kéo dài được tuổi thọ.

Vũ khí gì thế? Câu trả lời thật bất ngờ và đơn giản: Tình bạn!

Theo một bài báo đăng trên tờ New York Times cuối tháng 4 năm nay, các nhà nghiên cứu đã có thêm công trình chứng minh được tầm quan trọng của tình bạn và các mối quan hệ xã hội liên quan đến sức khỏe nói chung. Tiêu biểu trong số đó là một nghiên cứu kéo dài 10 năm tại Úc với đối tượng là người lớn tuổi. Kết quả cho thấy rằng trong thời gian nghiên cứu, người có nhiều bạn có nguy hơn qua đời thấp hơn 22% so với người có ít bạn hơn.
Năm ngoái, một nghiên cứu của Đại học Harvard kết luận rằng các mối quan hệ xã hội vững vàng có thể giúp não bộ hoạt động tốt hơn khi người ta lớn tuổi.

Giáo sư xã hội học Rebecca Adams, thuộc Đại học North Carolina, cho rằng tình bạn có ảnh hưởng lên tình trạng sức khỏe tâm lý của con người mạnh hơn cả quan hệ gia đình.

Các nhà nghiên cứu đã có thêm công trình chứng minh được tầm quan trọng của tình bạn và các mối quan hệ xã hội liên quan đến sức khỏe nói chung. Người có nhiều bạn có nguy hơn qua đời thấp hơn 22% so với người có ít bạn hơn.
Trong một quyển sách xuất bản cách đây không lâu với nhan đề “Những cô gái đến từ Ames: Câu chuyện về những người phụ nữ và tình bằng hữu kéo dài 40 năm” (The Girls from Ames: A Story of Women and a 40-Year Friendship), tác giả Jeffrey Zaslow kể lại câu chuyện cuộc đời của 11 người bạn từ thuở ấu thời. Từ bang Iowa, họ tản mát về tám bang khác nhau. Nhưng mặc cho khoảng cách, tình bạn giữa họ bền vững với thời gian, kéo dài suốt thời kỳ đại học, cho đến khi họ lập gia đình, ly dị và trải qua bao nhiêu biến cố khác.

Trong quyển sách, Zaslow thuật lại tình bạn của họ đã giúp hình thành cuộc đời của mỗi người và giúp họ gắn bó với nhau như thế nào. Vai trò của mối quan hệ bạn bè này đối với sức khỏe của các nhân vật nữ càng rõ nét hơn qua từng chương sách.

Kelly Zwagerman, một nhân vật trong quyển sách là giáo viên trung học, phát hiện mình mắc bệnh ung thư vú. Cô kể: khi được chẩn đoán căn bệnh này vào tháng 9-2007, bác sĩ khuyên cô nên có nhiều người thân ở quanh mình. Thay vào đó, Zwagerman liên lạc ngay với đám bạn thời thơ ấu dù họ sống ở xa.

Người Zwagerman liên lạc đầu tiên là một người bạn thời còn ở Ames. Ngay sau khi nhận được e-mail của Zwagerman, người bạn lập tức trả lời, gọi điện thoại và gửi lời động viên. Tiếp theo sau, Zwagerman nhận được rất nhiều lời bày tỏ tình cảm từ những người bạn thiếu thời khác.

Khi Zwagerman nói rằng mình bị đau cổ họng lúc điều trị, một cô bạn từ Ames gửi ngay đến một chiếc máy xay trái cây và công thức chế biến thức uống. Một người bạn khác, vốn đã mất đứa con gái vì bệnh bạch cầu, gửi tặng một chiếc nón đan vì biết rằng Zwagerman sẽ bị rụng tóc trong quá trình điều trị. Người khác lại gửi một bộ pyjama may bằng thứ vải đặc biệt giúp thấm mồ hôi đêm.

Zwagerman thậm chí còn bảo rằng cô cảm thấy thoải mái khi kể về bệnh của mình với các bạn hơn cả với bác sĩ. Cô cho rằng đám bạn thiếu thời ở Ames là một yếu tố quan trọng giúp cô trải qua quá trình điều trị và hồi phục. Nghiên cứu sau đó chứng minh cho lời nói của cô. Năm 2006, một công trình tiến hành trên gần 3.000 nữ y tá mắc bệnh ung thư vú cho thấy phụ nữ có ít bạn có nguy cơ mất mạng vì bệnh này cao hơn những người có từ 10 người bạn trở lên. Đáng chú ý, sự gần gũi bên mình hay số lần tiếp xúc trực tiếp với bạn không đóng vai trò quan trọng. Chỉ cần có bạn là đủ!

Giáo sư tâm lý học Bella Depaulo với công trình chuyên về người độc thân và tình bạn cho rằng tình bằng hữu thậm chí còn có ảnh hưởng đến sức khỏe lớn hơn cả người phối ngẫu hoặc người thân khác trong gia đình.

Trong khi nhiều nghiên cứu được thực hiện trên quan hệ gần gũi giữa phụ nữ, vài công trình cho thấy đàn ông cũng có lợi với tình bằng hữu. Một nghiên cứu kéo dài sáu năm trên 736 người đàn ông Thụy Điển kết luận rằng quan hệ gần gũi với một người duy nhất không hề hạ thấp nguy cơ mắc phải cơn đau tim và các bệnh về mạch máu tim khác, nhưng có nhiều bạn có thể hạ thấp nguy cơ này.

Vì sao tình bạn lại có ảnh hưởng tốt đến sức khỏe như vậy vẫn còn là một câu hỏi đối với các nhà nghiên cứu. Dù bạn bè có thể chạy đi chạy lại để mang thuốc đến người bệnh, tác dụng của tình bạn dường như vượt khỏi sự giúp đỡ về mặt vật lý. Có vẻ như trong trường hợp này, sự gần gũi không đóng vai trò chính yếu.

Thường thì người có những mối quan hệ xã hội rộng sẽ dễ tìm được sự chữa trị tốt hơn. Tuy nhiên, tình bạn rõ ràng đã gây được ảnh hưởng tâm lý. Người có nhiều bạn thường ít bị cảm lạnh hơn những người khác, có lẽ đơn giản là vì họ ít bị stress hơn.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu của Đại học Virginia đã có một thí nghiệm thú vị. Họ đem 34 sinh viên đến dưới chân một ngọn đồi dốc, mỗi người mang một túi nặng sau lưng. Một số sinh viên đứng cùng với các bạn của mình, một số người khác đứng một mình. Các sinh viên được hỏi ý kiến về độ dốc của ngọn đồi. Kết quả như sau: ai đứng cùng bạn đều bảo đồi ít dốc hơn. Còn người đứng một mình cho rằng đồi có độ dốc cao hơn. Và bạn bè càng lâu năm đứng cùng nhau, họ càng thấy đồi ít dốc hơn.

“Người có tình bạn sâu đậm luôn có cảm giác sẽ tìm được người có thể trông cậy”, tờ New York Times trích lời Karen Roberto, Giám đốc Trung tâm Lão khoa tại trường Đại học Kỹ thuật Virginia. “Tình bằng hữu đang là nguồn tài nguyên bị đánh giá thấp. Tất cả những nghiên cứu bên trên đưa đến một thông điệp nhất quán. Đó là tình bạn giúp đời sống của chúng ta tốt đẹp hơn”.

Đọc đến đây, chắc bạn sẽ nhấc điện thoại để gọi cho người bạn thân đã lâu không gặp. Bạn nên làm điều đó,
bạn ơi!
 
Top