What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Business Intelligence

thoidaianhhung

Administrator
Vì sao nhà quản trị cần BI ?​

1206533392nv.gif

Bài “Business Intelligence (BI): Vai trò kết nối” , đã cho độc giả biết khái niệm và việc ứng dụng BI. Bài viết này sẽ nói rõ hơn về xu hướng ứng dụng và phân tích vì sao các nhà quản trị doanh nghiệp lại cần tới BI.

Ông Peter Drucker, một giáo sư danh tiếng tại nhiều trường đại học ở Mỹ và cũng là một chuyên gia về quản trị kinh doanh hàng đầu thế giới, trong bài viết "Những thông tin mà nhà quản lý thật sự cần", trên tạp chí Harvard Business Review tháng 1/1995 có nêu ra rằng: Các doanh nghiệp (DN) vào thị trường sau có nhiều lợi thế rất lớn về tiết kiệm chi phí (thông thường là 30%) do các DN này tận dụng được các phương pháp, công nghệ và chiến lược mới, hiệu quả hơn trong việc quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng chứ không chỉ đơn thuần quản lý chi phí như các DN đi trước.


Xu hướng ứng dụng BI

Từ những năm 90, mô hình kinh doanh của các DN trên thế giới đã nhanh chóng chuyển sự tập trung vào sản phẩm và doanh số sang mô hình lấy khách hàng và lợi nhuận làm trung tâm. Đây là hướng phát triển hiệu quả nhằm cắt giảm chi phí và nâng cao lợi nhuận cho DN. Để thực hiện được điều này, các DN và nhà quản lý cần có một công nghệ hỗ trợ họ trong việc đưa ra phân tích thông tin quản trị DN, nắm bắt thông tin trong và ngoài DN một cách nhanh chóng nhằm ra quyết định đúng đắn và kịp thời. Đây cũng là thời điểm cho một xu thế ứng dụng phần mềm quản trị mới – Business Intelligence (BI) được phát triển từ ứng dụng thế hệ trước được gọi là "Hỗ trợ quyết định" (Decision Support). Theo như dự đoán từ năm 1994 của ông Howard Dresner, một nhà phân tích CNTT danh tiếng của tập đoàn Gartner, thì "sẽ có dịch chuyển lớn việc ứng dụng giải pháp BI từ các chuyên gia phân tích thông tin sang các nhà quản lý và chuyên viên kinh doanh. Các nhà quản trị sẽ dành khoảng 10% quĩ thời gian làm việc của họ vào việc sử dụng ứng dụng BI".

Vì sao nhà quản trị cần BI?

Ngày nay, các nhà quản trị DN không chỉ đơn thuần quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh qua các chỉ tiêu tài chính, kinh doanh, sản xuất, hệ thống phân phối... mà còn quản lý thông qua một ma trận các chỉ số hiệu suất chính (Key Performance Index - KPI) của tập hợp nhiều bộ phận với nhau trong toàn bộ chuỗi cung ứng và hoạt động của DN, chẳng hạn như ma trận đơn giản trong bảng bên trên.

Vấn đề quan trọng trong qui trình kinh doanh bán hàng là khả năng nắm bắt thông tin về ai đã bán cái gì cho ai và khi nào. Với bảng ma trận đơn giản nêu trên, việc thiết lập các báo cáo bán hàng về số thực bán, dự báo và kế hoạch bán hàng sẽ có thể mất vài giờ, thậm chí vài ngày nếu thực hiện thủ công trên excel hoặc tổng hợp trên văn bản giấy do mất nhiều thời gian thiết lập báo cáo, kiểm tra, so sánh đối chiếu các số liệu. Đây là điều thường xảy ra ở rất nhiều DN không có hệ thống quản lý hiệu quả. Và quan trọng hơn là các số liệu báo cáo luôn có độ sai lệch lớn giữa các bộ phận, các nhân viên bán hàng và nhà quản lý sẽ không biết số liệu nào là đáng tin cậy.

Với ứng dụng công cụ BI tích hợp trên một hệ thống quản trị DN ERP, các nhà quản lý có thể nhanh chóng tạo ngay các báo cáo quản trị tại mọi thời điểm và ở các cấp độ quản lý khác nhau một cách nhất quán. Lúc đó, các nhà quản lý không cần phải mất nhiều thời gian tìm gặp các giám đốc phòng ban hoặc giám đốc kinh doanh để thu thập các báo cáo và tình hình kinh doanh vì đã có sẵn trên hệ thống với nhiều góc nhìn và phân tích khác nhau. Chỉ với vài cái nhấp chuột, nhà quản lý các cấp có thể có được ngay các báo cáo phân tích và quản trị cần thiết (xem bảng).

B0803_QT_42.jpg

Công cụ BI của Exact Software (Exact Business Analytics - EBA) phân tích đơn hàng bán đã được xuất hóa đơn theo sản phẩm

Điều này giúp DN tiết kiệm được chi phí rất lớn trong điều hành sản xuất kinh doanh cũng như nâng cao hiệu quả làm việc cho toàn DN ở mọi góc độ quản lý.

Bằng việc ứng dụng công cụ BI, công ty dược phẩm lớn Glaxo Wellcome (Mỹ) đã cắt giảm thời gian chuẩn bị báo cáo kế hoạch bán hàng của đội ngũ bán hàng gồm 200 người từ 6 ngày xuống còn vài giờ, tương đương tiết kiệm 1.000 ngày bán hàng mỗi quí.

Việc quản lý ngày càng phức tạp theo thời gian do sự gia tăng nhanh chóng khối lượng giao dịch hàng ngày, số lượng hàng hóa, nhân viên, dữ liệu thông tin... như trong lĩnh vực bán lẻ, phân phối hàng tiêu dùng. Việc gia tăng dung lượng thông tin đến chóng mặt của các DN từ megabytes lên đến gigabytes hoặc tetrabytes hay quadrillion bytes (sẽ là điều không tránh khỏi đối với những DN như Wal-mart, Tesco... ). Đây là những vấn đề lớn mà rất nhiều DN không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đang phải tốn rất nhiều chi phí và thời gian để có được thông tin quản trị quyết định cần thiết.

Việc ứng dụng công cụ BI sẽ giúp nhà quản lý ra quyết định tốt hơn và nhanh chóng dựa trên thông tin phân tích kết hợp với đồ họa, các bảng biểu và tổng hợp đa chiều xuyên suốt trong toàn hệ thống. Ví dụ, trong hoạt động kinh doanh, BI có thể giúp nhà quản lý xác định rất nhanh nhóm khách hàng nào mang lại lợi nhuận cao nhất cho DN, sản phẩm nào có tỉ suất lợi nhuận cao nhất. Từ đó sẽ giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng hiệu quả hơn thông qua các chỉ số chính KPI.

Đặc biệt, công cụ BI được sử dụng để truy xuất, phân tích, tổng hợp và xử lý tức thì trên hệ thống kho dữ liệu (data warehouse) của DN như dữ liệu của bộ phận tài chính kế toán, sản xuất, kinh doanh bán hàng, kế hoạch, hoặc marketing... theo thời gian thực. Hãng hàng không Continental Airlines (Mỹ) đã tích hợp 10 TB (terabytes) dữ liệu từ 25 hệ điều hành và kho dữ liệu cùng với công cụ BI cho phép nhà quản lý và phân tích marketing có thể sử dụng các dữ liệu thu thập được và phân tích từ khách hàng để xác định xu hướng giá hoặc nhu cầu đi máy bay của khách hàng... Việc ứng dụng công cụ BI giúp cho hãng tiết kiệm được hơn 250 triệu USD trong 5 năm đầu tiên.

Có thể nói, việc ứng dụng công cụ BI sẽ là một bước phát triển tiếp theo của DN sau khi đã ứng dụng hiệu quả hệ thống quản trị DN ERP. Ở Việt Nam chỉ một số DN đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hàng tiêu dùng đã và đang sử dụng công cụ BI được tích hợp với các hệ thống ERP và quản trị DN khác. Trong khi nhu cầu ứng dụng ERP đang ngày càng phát triển ở các DN trong và ngoài nước, dự báo sẽ có thêm nhiều DN quan tâm đến mở rộng ứng dụng BI cho lãnh đạo DN, nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường trong và ngoài nước.


Nguyễn Chí Đức


Nguồn tham khảo:*Conneylly, R., McNeill, R., Mosimann, R."The Multidimensional Manager – 24 ways to impact your bottom line in 90 days", Cognos Corporation, Canada;* Davenport, T. and Harris J., 2007. "The Architecture of Business Intelligence", Accenture, Mar 2007;
 
BI – “Biết người biết ta”​

Có câu “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, giải pháp Business Intelligence (BI) ra đời cũng nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu “biết người biết ta” của doanh nghiệp.

Khảo sát của Gartner đối với các CIO trong ba năm trở lại đây cho thấy giải pháp BI luôn đứng đầu trong thứ tự ưu tiên về nhu cầu đầu tư công nghệ của doanh nghiệp (DN). Trải qua hai mươi năm phát triển, ngày nay giải pháp BI đã dần trở nên hoàn thiện và có khả năng đáp ứng bốn nhu cầu quan trọng mà người quản trị luôn mong đợi đó là:

· Data Warehouse - Nhu cầu khai thác dữ liệu tập trung.
· Analysis -Nhu cầu báo cáo phân tích cao cấp.
· Monitoring - Nhu cầu giám sát và cảnh báo tự động.
· Planning and Forecasting - Nhu cầu dự đoán và lên kế hoạch.

BI1.jpg


Khai thác dữ liệu tập trung

Khi DN hoạt động hiệu quả thì việc mở rộng phạm vi trên nhiều tỉnh thành, hay nhiều quốc gia là nhu cầu tất yếu. Song song với việc phát triển như thế thì ban quản trị cũng vấp phải rất nhiều khó khăn trong quản lý. Dữ liệu của công ty, tập đoàn nằm rải rác ở nhiều nơi và dưới nhiều hình thức khác nhau. Do đó, bất cứ nhu cầu truy vấn, phân tích hay so sánh giữa các vùng với nhau cũng đều tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức. Với Data Warehouse (Kho dữ liệu) của BI những dữ liệu quan trọng nằm rải rác nhiều nơi, dưới nhiều định dạng khác nhau của DN sẽ được trích xuất đều đặn và được tập hợp lại thành một cấu trúc thống nhất. Qua đó những báo cáo từ chi tiết đến tổng quát của toàn DN đều luôn đảm bảo được tính chính xác và kịp thời. "Kho dữ liệu" đã được rất nhiều tập đoàn lớn nhìn nhận là một phần quan trọng trên bước đường toàn cầu hóa của họ.

Báo cáo phân tích cao cấp

Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của quản trị DN là bị chìm ngập trong một rừng dữ liệu. Sắp xếp quản lý cánh rừng đó đã là quá khó khăn nói chi đến việc khai thác giá trị từ đó. Nhưng thực tế trong quá trình đưa ra quyết định vẫn luôn đòi hỏi những nhu cầu truy vấn phức tạp. Hiện nay giải pháp báo cáo phân tích cao cấp của BI đã tương đối hoàn thiện với những tính năng nổi bật như:

· Đào sâu dữ liệu đến mức tối đa: giúp ta có thể giải quyết những yêu cầu phức tạp như "cung cấp thông tin về doanh thu và số lượng mặt hàng bán được, của 3 năm gần nhất, theo tất cả các vùng, ứng với tất cả các nhóm sản phẩm và sản phẩm, và nhân viên thực hiện giao dịch". Với những dạng câu hỏi như trên người quản trị chỉ mất vài giây tương tác với hệ thống OLAP là đã có được câu trả lời.

· Khả năng tùy biến chiều thông tin: Song song với tính năng đào sâu dữ liệu đó là khả năng tùy chỉnh thứ tự của các chiều thông tin. Ví dụ cũng với những chiều thông tin như yêu cầu trên ta có góc nhìn khác như "cung cấp thông tin về doanh thu và số lượng mặt hàng bán được, ứng với các nhân viên bán hàng, của toàn bộ các vùng, trên tất cả các nhóm sản phẩm và sản phẩm, trong 3 năm gần nhất".

Giám sát và cảnh báo tự động


Để khẳng định tên tuổi của mình hơn nữa trên thị phần BI, các nhà cung cấp giải pháp lớn như BusinessObjects, Cognos, Hyperion, SAS... liên tục đầu tư vào phần giao diện người dùng. Các khái niệm về Dashboards - bảng điều khiển, Scorecards - bảng chỉ số,... đã được áp dụng vào quản lý DN. Nhờ vào bảng điều khiển mà các chỉ số thể hiện tình trạng phát triển của công ty (KPIs) luôn được tự động tổng hợp và cập nhật thường xuyên. Ngoài chức năng cảnh báo tự động qua màu sắc, hình ảnh, hệ thống BI còn có chức năng tự động gởi email thông báo đến người có thẩm quyền, giúp người quản lý luôn có được thông tin về những gì đang xảy ra.

Dự đoán và lên kế hoạch

Trong môi trường thực tế, để tổng hợp được một bảng kế hoạch cho quí tới, năm tới hay phương hướng của công ty trong nhiều năm tới sẽ rất phức tạp. Hầu như các bảng kế hoạch và dự báo của DN đều phụ thuộc vào nhận định chủ quan của một số người có kinh nghiệm. Tất cả những người quản lý chắc hẵn ai cũng muốn có được một sự hỗ trợ đáng tin cậy và mang nhiều tính khoa học nhằm giúp cho họ đưa ra được những dự báo vững chắc hơn. Nắm bắt nhu cầu này, các tên tuổi hàng đầu về hệ thống BI như: Business Objects, Cognos, SAP Business Intelligence,BI, đều hỗ trợ khá tốt khả năng dự báo và lên kế hoạch của DN. Kết hợp với kinh nghiệm của người sử dụng những bảng kế hoạch cho tương lai được tổng hợp khá nhanh và có độ chính xác cao. Ngoài hai tính năng trên, hệ thống BI còn giúp cho người sử dụng khả năng phân tích giả định - "what-if analysis and simulation". Chức năng giúp cho người sử dụng có thể giả lập một số biến cố, qua đó đánh giá được xu thế thay đổi của các chỉ số KPIs mà họ quan tâm.

Tuy là một giải pháp cao cấp nhưng BI không chỉ dành riêng cho các tập đoàn lớn, mà là giải pháp hỗ trợ quyết định cho tất cả các DN ở mọi qui mô và nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Trong thực tế, BI mang lại lợi ích rõ nét nhất cho các DN ngành hàng tiêu dùng, giải khát, thực phẩm khi mà yếu tố về thời gian được đặt lên hàng đầu. Trên thế giới, BI đã trở thành công cụ quản trị quen thuộc của nhiều tên tuổi lớn như: BMW, Coca-Cola, Unilever… Còn tại Việt Nam, một số công ty lớn đã và đang triển khai BI và coi như vũ khí bí mật của mình. Hy vọng, trong thời gian tới, giải pháp BI sẽ sát cánh với ngày càng nhiều DN VN.

Bảng thứ tự ưu tiên về nhu cầu công nghệ của DN trên thế giới

BI2.jpg
 
ERP tùy biến​

Thị trường ERP Việt Nam cũng biến động theo hàn thử biểu của nền kinh tế. Nhưng theo thông tin từ các hãng như SAP, Oracle và những nhà tư vấn triển khai, vấn đề không chỉ thuần túy sụt giảm hay co cụm về nhu cầu, mà từ phía doanh nghiệp (DN) và các hãng cũng đã tính toán đầu tư trong bối cảnh kinh tế khó khăn

Thị trường suy giảm

Mới đây trong sự kiện công bố triển khai thành công giải pháp ERP Oracle E-Business Suite tại Công ty Bánh kẹo Phạm Nguyên, ông Nguyễn Tuấn Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT, cho biết:

“Hiện có hai xu hướng trên thị trường. Xu hướng thứ nhất là các DN đã gần đi đến ký kết hợp đồng triển khai nhưng do gặp khó khăn nên hủy hợp đồng hoặc tạm dừng. Xu hướng thứ hai là một số DN tranh thủ thời buổi kinh tế khó khăn, sản xuất suy giảm để cơ cấu lại DN và triển khai ERP để tăng cường khả năng quản lý và cạnh tranh”

Theo ông Hùng, triển khai giải pháp ERP trong bối cảnh hiện nay DN có thể hưởng lợi về giá, có thể rẻ hơn, vì có thể thương lượng giá với đơn vị triển khai và cả nhà cung cấp giải pháp. Mặt khác, sản xuất suy giảm, vì thế khi cần phải dừng hoạt động trong một ngày để đo kiểm các thông số, thì doanh số bị mất cũng sẽ ít hơn. Trường hợp Phạm Nguyên phải dừng hệ thống sản xuất một ngày tương ứng với giá trị sản xuất hơn hai tỷ đồng

Nhìn chung, DN đi theo xu hướng thứ nhất nhiều hơn DN đi theo xu hướng thứ hai. Vì thế, nhà triển khai số 1 về ERP hiện nay là Công ty Hệ thống thông tin FPT cũng sụt giảm về doanh thu trong lĩnh vực này. Một trong những biện pháp được xem là hỗ trợ phía DN chính là sự thúc đẩy việc triển khai khẩn trương và nhanh chóng trước thời hạn

Đơn cử như trường hợp Phạm Nguyên, thời gian triển khai chỉ mất gần 10 tháng thay vì là 14 tháng theo hợp đồng. Như vậy phía DN cũng có lợi vì đưa hệ thống quản lý theo công nghệ mới tiên tiến vào vận hành giúp gia tăng doanh số và tiết kiệm được nhiều chi phí, trong khi nhà triển khai cũng có thêm thời gian làm các dự án khác

Làn sóng đầu tư thứ hai

Thị trường ERP trầm lắng cũng là điều dễ hiểu vì các DN nói chung đang hoạt động khó khăn, không ít DN còn thua lỗ nặng từ đầu năm tới nay

Bao quát thị trường ERP tại Việt Nam trong hai, ba năm trở lại đây, ông Srinivas Rao Adimulam, Tổng giám đốc SAP Việt Nam, cho biết: “ERP là nền tảng để ứng dụng các giải pháp khác. Trước đây là làn sóng thứ nhất, các DN triển khai ERP ở những lĩnh vực như tài chính, bán hàng, nhân sự, quản lý kho...

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào làn sóng đầu tư ERP thứ hai sau khi đã có các nền tảng từ làn sóng đầu tư thứ nhất. Trên nền tảng đó họ xây dựng các ứng dụng tích hợp mới như BI (Business intelligence - trí tuệ DN); lên kế hoạch, ngân sách; quản lý rủi ro; vấn đề tuân thủ pháp luật...

Các ngành như đầu khí, dịch vụ công đang có mức độ ứng dụng các giải pháp của SAP cao trong làn sóng thứ hai trong khi trong làn sóng đầu thì những ngành như bán lẻ, xây dựng lại chiếm ưu thế

Theo ông Srinivas Rao Adimulam, các tập đoàn đa ngành lấp việc ứng dụng giải pháp ERP của SAP làm nền tảng, sau đó mở rộng ứng dụng sang các ngành nghề với những đặc thù riêng. “SAP đang có những chuẩn bị đầu tư mạnh vàoViệt Nam và hiện đang phát triển mạnh trong các DN nhỏ và vừa”, ông Rao Adimulam cho biết

Trong khu vực Đông Nam Á, việc ứng dụng ERP trong DN của Việt Nam được so sánh với Indonesia. Ông Tim Moylan, Chủ tịch SAP Đông Nam Á, cho rằng: “Mức độ công nghệ mới ở Việt Nam và Indonesia có tỷ lệ cao trong khu vực

Tuy nhiên, Việt Nam có thách thức riêng vì nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn hạn chế. Số người am hiểu, nắm vững thị trường công nghệ thông tin để phát triển ứng dụng cho DN mình còn ít”. Theo ông Tim Moylan, trong hai năm qua tình hình triển khai ERP tại Thái Lan đã tiến bộ đáng kể và Việt Nam cũng đang có xu hướng tương tự

Khủng hoảng, khó khăn của nền kinh tế hiện nay cũng chỉ là tạm thời. Không ít DN tư duy rằng giai đoạn kinh tế khó khăn chính là cơ hội tái cơ cấu, cải tổ hay thay đổi để đến khi nền kinh tế hồi phục thì DN của họ sẽ hoạt động hiệu quả hơn với những giải pháp công nghệ thông tin toàn diện được đầu tư mới
 
Top