What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Công ty Bosch Vietnam

LOBBY.VN

Administrator
Tổng giám đốc Robert Bosch Việt Nam Võ Quang Huệ
Cứ hết lòng, cơ hội sẽ đến​

b46bafcdecb5c1a028adfb41a9a5d724.jpg

- Nếu BMW đưa ông đi làm việc nhiều nơi trên thế giới thì Bosch đưa ông về lại Việt Nam, trao cho ông một cơ duyên để cuộc trở về trở nên đầy ý nghĩa. “Trở về thì dễ, nhưng làm được điều gì đó phù hợp với mình và có ích thì không đơn giản”, ông Võ Quang Huệ trò chuyện trong vai trò tổng giám đốc hãng thiết bị công nghệ nổi tiếng của Đức tại Việt Nam – Robert Bosch Vietnam

Sự trải nghiệm ở hai công ty cho ông những ứng xử kinh doanh gì khác biệt ?

Ở BMW tôi khởi đầu từ trung tâm nghiên cứu rồi qua nhiều công việc: sản xuất, quản lý chất lượng, đề án đầu tư cho đến phụ trách địa bàn kinh doanh...

Hoán đổi công việc là con đường tốt để đa dạng kỹ năng chuyên môn và trao đổi các kỹ năng mềm. Đây là hai tiêu chí cốt lõi khi đánh giá năng lực lãnh đạo trong các doanh nghiệp toàn cầu. Nền tảng này giúp tôi xây dựng Bosch thuận lợi

Nhưng Bosch cho tôi nhiều chiêm nghiệm khác. Bosch vốn là thợ cơ khí nhưng công ty ông ngày nay là tập đoàn công nghệ nổi tiếng thế giới. Chúc thư từ năm 1938 đã quy định: để lại 92% tài sản cho tổ chức xã hội mang tên ông, con cái chỉ hưởng 7% và công ty 1%; những người kế tục sự nghiệp phải giữ vững thành phần nam nữ trong công ty và tự chủ về tài chính

Cho đến nay Bosch không bị áp lực của một công ty trên sàn chứng khoán. Một tinh thần khác biệt về phát triển doanh nghiệp bền vững

Ông ở đây đã năm năm. Khi nhận trách nhiệm về Việt Nam, ông có nghĩ đây là nơi phù hợp với tinh thần phát triển của một công ty Đức ?

Bosch đề nghị tôi vì cần một người am hiểu Việt Nam lại có kinh nghiệm và am hiểu cách làm việc ở một công ty đa quốc gia “gốc” Đức. Đề nghị này mang lại lợi ích cho cả hai bên và không có lý do gì mình không làm ở một công ty công nghiệp và dịch vụ nổi tiếng như thế, nhất là nơi phù hợp với mình và có thể thuận lợi cho việc phát triển công ty tại Việt Nam

Tinh thần Đức là làm việc kỹ thuật + kỷ luật + năng suất cao. Tinh thần đó không cho phép mình làm sai quy trình, lao động hay cống hiến đều rất rõ ràng. Nếu muốn phát triển các ngành công nghiệp thì đây là điều tốt

Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm với lớp trẻ, làm sao Bosch là nơi có môi trường thuận lợi để đội ngũ của mình phát triển

Vai trò đầu tàu của Bosch ở Việt Nam có tạo cho ông nhiều áp lực ?

Trách nhiệm lớn chứ không phải áp lực. Tôi thường nói với nhân viên ngay khi họ gia nhập công ty rằng mỗi chúng ta là người xây dựng tiền đề phát triển Bosch tại Việt Nam. Văn hoá Bosch có điểm mà tôi tâm đắc là môi trường đa văn hoá với chủ trương sử dụng người địa phương. Đây là điểm gắn mình dễ dàng vì bên cạnh công việc còn là tình cảm tự nhiên của một người Việt Nam

Nói rộng ra là làm gì thành công cho Bosch với tôi còn vì sự phát triển của Việt Nam. Làm gì để đội ngũ nhân viên xây dựng được sự nghiệp cá nhân là điều tôi quan tâm. Văn hoá Bosch còn có điểm “hướng công việc đến kết quả và thành công tương lai” chứ không vì các mục đích ngắn hạn. Trong môi trường như vậy, chúng tôi làm việc không vì mưu cầu lợi ích trước mắt, tôi không bị áp lực phát triển nóng nên giải quyết các vấn đề trở nên nhẹ nhàng hơn

Làm và sống hết lòng, học không học nửa vời. Mỗi thời có những yêu cầu khác nhau nhưng hết lòng thì cơ hội sẽ đến. Người ta nói môi trường kinh doanh Việt Nam khó khăn, riêng ông thấy sao ?

Tôi nhớ khi còn là trưởng nhóm nghiên cứu ở BMW, một lãnh đạo đã chia sẻ với tôi rằng: công ty cần anh không phải đưa ra giải pháp mà giải pháp đó là sự phù hợp và hiệu quả. Như vậy nếu một giải pháp mang đặc tính phải làm điều này điều nọ thì đó không gọi là giải pháp. Với tôi, làm sao tạo ra sự phù hợp và cho hiệu quả cao nhất có thể ngay trong môi trường đó, là giải pháp

Kinh doanh luôn có những khó khăn nhưng vấn đề là cách thức chúng ta giải quyết. Ví dụ khi Bosch nhập dây chuyền sản xuất đầu tiên cho nhà máy Long Thành rất gấp rút. Cả nhà cung cấp và nhân viên Bosch lúc đó đều chưa có kinh nghiệm nên thiếu một số giấy tờ hải quan, nhà máy có thể không vận hành đúng hạn. Tôi đề nghị cùng hải quan Long Thành mở cuộc họp để nêu ra tính quan trọng của dự án và nhấn mạnh Bosch muốn tuân thủ pháp luật Việt Nam

Bosch thành công ở Đồng Nai thì thành công ở Việt Nam và Việt Nam được thế giới biết đến. Tôi cam kết những gì còn thiếu sẽ thực hiện đúng thời gian và hải quan Long Thành giúp chúng tôi phương cách giải quyết tương ứng. Nhờ vậy đội ngũ của tôi đã học được bài học về quan hệ cùng thắng (win – win) ngay từ những ngày đầu Bosch vào Việt Nam: cách giải quyết vấn đề minh bạch

Vậy ông chia sẻ gì về tinh thần cùng thắng ?

Trong môi trường kinh doanh càng khó khăn thì tinh thần cùng thắng càng quan trọng. Tôi nghĩ mình may mắn bởi trong thời gian ngắn (ba năm) Bosch đã có hơn 600 cộng sự ở Việt Nam, trong kế hoạch đến năm 2015 tăng lên 1.400

Tôi có lợi thế nhất định vì nhà máy sản xuất dây truyền lực biến đổi liên tục cho hộp số tự động phục vụ ngành công nghệ ôtô hiện đại hàng đầu thế giới đang đặt ở đây; rồi trung tâm nghiên cứu các đề án phần mềm nhúng điều khiển ôtô – những sản phẩm công nghệ cao cũng đặt ở đây

Những hoạt động này đang tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho tập đoàn và gián tiếp phát triển nguồn nhân lực Việt Nam. Lợi ích rõ ràng đó là công cụ giúp tôi dễ dàng chia sẻ thành quả của mình, dễ dàng thuyết phục và nhận được sự hợp tác của các cơ quan công quyền Việt Nam

Ông nói nhiều về đội ngũ nhân lực Việt Nam, ở Bosch ông đặt kỳ vọng vào họ ra sao ?

Tốc độ của Bosch tại Việt Nam là ấn tượng với tập đoàn nhờ vào đội ngũ đã tạo dựng được. Bosch phát triển nhanh và toàn diện tại Việt Nam từ kinh doanh, sản xuất đến nghiên cứu phát triển. Tôi tin vào khả năng của người Việt không phải bây giờ mà từ kinh nghiệm làm việc nhiều nơi trên thế giới như Ấn Độ, Mexico, Ai Cập hay Đông Nam Á…

Thời kỳ trước thiếu thốn điều kiện, còn nay nếu có cơ hội, họ bắt nhịp rất nhanh. Bosch sử dụng nhân sự tại chỗ vào nhiều vị trí quan trọng: giám đốc tài chính, nhân sự, hậu cần… nhưng tôi kỳ vọng nhất là làm sao có nhiều người đảm nhận được những vị trí điều hành sản xuất nghiên cứu, điều đó mới khó vì cần nhiều thời gian và đòi hỏi đội ngũ lao động của mình phải được đào tạo và trải nghiệm trong các môi trường công nghiệp

Cần khắc phục những điểm yếu nào cho nguồn nhân lực ở ngành công nghiệp này ?

Công bằng mà nói, đội ngũ Việt Nam nhanh nhưng chưa sâu và còn thiếu quan tâm đến phương pháp quy trình. Khi giải quyết vấn đề thường có xu hướng tìm ngay giải pháp ngắn hạn mà chưa đi tìm căn nguyên. Có điều này bởi họ chưa đủ trải nghiệm trong các ngành công nghiệp

Trong các quy trình công ty hay dây chuyền sản xuất công nghiệp, chỉ có quy trình mới bảo đảm không lặp lại các lỗi cũ. Quy trình đó luôn đòi hỏi tinh thần làm việc nhóm rất cao, nhưng trách nhiệm cá nhân rõ ràng chứ không phải trách nhiệm tập thể chung chung

Ông là tác giả của những bằng sáng chế về động cơ ôtô, chủ biên sách chuyên ngành kỹ thuật này, nhờ đâu mà có được thành quả như thế ?

Chuyện của nghiên cứu cứ hết lòng mỗi ngày thì đến lúc nó vỡ ra chứ không thể khác. Những bằng sáng chế để cải tiến về động cơ ôtô hay sách chuyên ngành về kỹ thuật có từ thời tôi ở trung tâm nghiên cứu BMW. Đó là kết quả của quá trình đào sâu để hiểu biết rõ công việc mình đang làm và luôn mở mình ra trước những giải pháp cải tiến

Khi thành công với những bằng sáng chế rồi, điều đó cũng không có nghĩa gì to tát. Điều lớn nhất là nó giúp tôi những bài học về điều hành doanh nghiệp sau này, trong giai đoạn càng biến động thì tinh thần đào sâu là đặc biệt cần thiết, để mình luôn ý thức rằng “ngừng đổi mới là chấm dứt hoàn thiện” – là yếu tố quan trọng nhất cho doanh nghiệp phát triển bền vững

Có cội nguồn là một cái gì đó thiêng liêng và tự nhiên trong mỗi người, chỉ có thể hiện cách này hay cách khác mà thôi. Bằng cách nào ông thành công ở một đất nước nổi tiếng về kỷ luật lẫn kỹ thuật như thế ?

Đúng là khó khăn rất nhiều để hội nhập với văn hoá sở tại. Động lực giúp mình tồn tại và được như hiện nay là quá trình dài học hỏi với tinh thần cầu tiến có sâu xa trong mỗi người Việt. Mang khát vọng nào thì cũng bước đi từng bước bằng thành công trong công việc mỗi ngày

Làm và sống hết lòng, học không học nửa vời. Mỗi thời có những yêu cầu khác nhau nhưng hết lòng thì cơ hội sẽ đến, trong chừng mực nào đó đều có sự công bằng nên đừng lo người ta không nhận ra. Làm điều gì hết lòng sẽ thấy sáng tạo và trách nhiệm trong đó. Đó cũng là đường đến thành công

Là người từng trải trong môi trường đa quốc gia, quan niệm sống của ông thế nào ?

Điều quan trọng tôi học được ở Đức là giá trị tinh thần của chữ hallo (xin chào – tiếng Đức): mỗi ngày mình phải hallo mình trước. Tinh thần đó là kim chỉ nam của nhiều vấn đề trong cuộc sống, cũng tựa như cội nguồn tư tưởng Phật giáo: làm cho mình nhẹ nhàng vượt qua khi cuộc sống hay công việc trắc trở. H (happy): ai biết ngày mai ra sao, hôm nay vẫn là ngày đẹp nhất vì thế phải sống hết lòng. A (accept): chấp nhận mình là chính mình, mình khác người khác, chấp nhận môi trường mình đang sống. L (love): yêu thương và không ích kỷ, yêu thương chính mình sẽ thấy yêu thương người khác. L (leave it): buông xả những thứ không thuộc về mình. O (open): hãy cởi mở vì mỗi ngày đều có buồn vui, cởi mở giúp mình trở lại chính mình với nguồn năng lượng tốt nhất

Trịnh Công Sơn từng nói Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, cũng như Steve Jobs nói Hãy sống hết mình mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng, một ngày nào đó bạn sẽ đúng...

Thường những gì người ta triết lý nên có nghĩa là họ sống, họ học, họ tự trải nghiệm mà có. Và như thế tôi sống vui từng ngày… (hát)

Mang phong cách Đức đi làm việc khắp thế giới, ông nghĩ sao về cội nguồn Việt Nam trong mình ?

Gia đình tôi xuất thân từ miền quê nghèo làm dệt, bao năm đi khắp nơi vẫn nhớ mãi câu thơ Nắng Duy Xuyên tơ vàng giăng nghẽn lối, chiều Điện Bàn xe đạp nước thay mưa. Khi vào Nam thì cũng đến khu dệt Bảy Hiền nổi tiếng một thời. Năm 1971 tôi du học. Chiến tranh mà được đi học là điều may mắn đối với người con trưởng trong gia đình. Khác với nhiều người thời đó, ba tôi giáo dục con cái chú trọng tới đồng tiền

Kinh tế gia đình dù khấm khá nhưng khi cần mua sắm gì chúng tôi cũng phải góp phần tiền bằng cách làm việc trong xưởng. Tưởng điều này khắc nghiệt nhưng tôi có bài học ngay thời niên thiếu: giá trị của lao động và đồng tiền. Đây là yếu tố mà nền giáo dục châu Âu rất chú trọng

Sau này tôi giáo dục con cái cũng vậy. Đi nhiều nước để làm việc, con cái tôi được tôi luyện trong môi trường đa quốc gia, đến đâu thì học ngôn ngữ, văn hoá sở tại nhưng ngôn ngữ chính trong gia đình vẫn là tiếng Việt

Quan niệm cội nguồn ngày nay có thể khác xưa bởi môi trường đa văn hoá. Nhưng cội nguồn là một cái gì đó thiêng liêng và tự nhiên trong mỗi người, chỉ có thể hiện cách này hay cách khác mà thôi

Tôi làm việc 14 năm tại BMW cho đến lần đầu trở về Việt Nam với tư cách đề án trưởng dự án lắp ráp xe hơi BMW trong liên doanh ôtô Hoà Bình sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam. Dự án hoàn thành, tôi tiếp tục công việc tại BMW ở nhiều nơi. Nhưng lần trở về đó thật sự là bước ngoặt

Nói là quê hương nhưng 18 tuổi mình còn quá trẻ để chiêm nghiệm được nhiều thứ. Khi làm đề án mình có thời gian hiểu thực tế Việt Nam và bắt đầu ấp ủ giấc mơ: sao không về lại quê hương làm việc lâu dài

Bây giờ với ông khát vọng nào là lớn nhất ?

Một ngày sống hết lòng là một ngày đẹp. Khao khát của tôi vẫn là Bosch sẽ đưa thêm những đề án công nghệ mới vào Việt Nam. Mình là người Việt đang gánh sự nghiệp của Bosch, tại sao không nghiêng vai bắc chiếc cầu để những bạn trẻ đi ra thế giới tiếp cận với công nghệ hiện đại; tại sao không làm cầu nối những Việt kiều thành công khác với Việt Nam. Nếu cứ mang trong mình câu hỏi “tại sao không” mỗi ngày đã là động lực lớn

Năm năm qua về Việt Nam với tôi nhờ thế mà vui. Những khi giận dữ nhân viên, tối về bỗng thấy buồn. Tại sao mình không là ví dụ tốt được trong trường hợp nào đó...

Tuyết Ân
 
Việt Nam là điểm đầu tư chiến lược của hãng Bosch


Ngày 26/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Bosch (Đức), nhà cung ứng hàng đầu thế giới về công nghệ và dịch vụ đã công bố kết quả tài chính năm 2012 và kế hoạch kinh doanh năm 2013

Theo đó, năm 2012 doanh thu toàn cầu của Bosch đạt 68,3 tỷ USD (tăng 1,9%), trong đó doanh thu tại châu Á đạt 16,4 tỷ USD. Trong tổng số 912,6 triệu USD tại khu vực Đông Nam Á mà Bosch đã đạt được thì doanh số tại Việt Nam đã là 286,4 triệu USD (chiếm 31,3%)

Đầu năm 2013, với việc lập ra lĩnh vực kinh doanh mới là kỹ thuật xây dựng và năng lượng, Bosch đã đem về doanh thu 6,5 tỷ USD.

Mức tăng trưởng của ngành công nghệ nhiệt và điều khiển của Bosch đã góp phần làm cho Việt Nam trở thành thị trường tạo ra doanh thu hàng đầu Đông Nam Á

Việt Nam hiện giữ vị trí quan trọng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, là điểm đầu tư chiến lược và là nước đầu tiên trong khu vực áp dụng mô hình thương mại-viện nghiên cứu-nhà xưởng của Bosch

Năm 2012, mặc dù nền kinh tế khó khăn nhưng số lượng công nhân viên của Bosch tại Việt Nam vẫn tăng 36%, đạt 1.200 người

Ông Võ Quang Huệ cho biết thêm năm 2013 Bosch sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động tại Việt Nam, cho ra mắt thêm các sản phẩm và giải pháp cải tiến cũng như mở rộng mạng lưới phân phối để tăng cường cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho khách hàng

Bosch đang đẩy mạnh tuyển dụng kỹ sư nghiên cứu và phát triển lên khoảng 500 người trong vòng 3-4 năm tới tại Việt Nam

Sắp tới, Bosch sẽ phối hợp với trường Cao đẳng nghề Lilama 2, Đồng Nai xây dựng trung tâm đào tạo nghề theo tiêu chuẩn và mô hình của Đức. Học viên theo học sẽ vừa học lý thuyết tại trường vừa được thực hành tại nhà xưởng của Bosch, được trả lương ngay khi học và nếu đạt học lực khá sẽ được nhận vào Bosch làm việc

Bên cạnh các ngành hiện có tại Việt Nam, Bosch sẽ phát triển thêm ngành đóng gói bao bì và gia dụng các thiết bị trong nhà
.
Trần Xuân Tình
 
Top