What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Công ty Misfit Wearables

LOBBY.VN

Administrator
Thiếu hụt ứng dụng mobile trong chăm sóc sức khỏe

ImageView2-1_zps4fb5e576.jpg

Ông Hồ Việt Hải, đại diện hãng Misfit Wearables chia sẻ về cơ hội của ứng dụng mobile trong việc chăm sóc sức khỏe​

- Nhu cầu sử dụng ứng dụng mobile cho chăm sóc sức khỏe (healthcare) đang tăng dần khi có thêm sự hiện diện của thiết bị cảm ứng dạng Wearable (có thể đeo được), song số lượng ứng dụng mobile cho healthcare trên các kho ứng dụng còn rất ít

Tại hội thảo Vietnam Mobile Day 2012 diễn ra mới đây, ông Hồ Việt Hải, đại diện hãng Misfit Wearables - Mỹ (chuyên sáng tạo và phát triển sản phẩm cảm ứng phục vụ cho sức khỏe và ứng dụng y tế) đã giới thiệu rất nhiều loại thiết bị Wearable hữu ích cho việc chăm sóc sức khỏe của cá nhân và cộng đồng

Điển hình như thiết bị đeo trên cổ với 1 phím nhấn duy nhất giúp người già kịp thời thông báo với người thân về việc mình bị ngã, vòng đeo tay đo nhịp tim, mũ đội đầu theo dõi tình trạng giấc ngủ, miếng dán vào người để giám sát huyết áp và nhịp tim...

Ngay tại hội thảo, ông Hồ Việt Hải đã demo trực tiếp 1 thiết bị Wearables kết nối iPhone để đo huyết áp, nhịp tim. Với thiết bị này, những dữ liệu đo sẽ được lưu lại trên ứng dụng và người dùng không bị quên mất các thông số cần thiết để đối chiếu với những lần đo sau (theo dõi sức khỏe bằng máy đo thông thường chỉ hiện thông số ở mỗi lần đo)

Thiết bị Wearables còn giúp người sử dụng biết được tình trạng tốt/xấu của sức khỏe qua các thông số (ví dụ nếu nhịp tim quá cao thì thiết bị cảnh báo bằng cách hiện màu đỏ) và tình trạng diễn tiến của sức khỏe (ví dụ, đo nhịp tim của 2 người trước và sau khi hoạt động thể thao đều có thông số là 60 nhịp/phút - 90 nhịp/phút, song 1 người có tiến trình nhịp tim tăng đều, còn 1 người tăng đột biến, nếu dùng thiết bị Wearables sẽ nắm bắt được tiến trình tăng, còn thiết bị thông thường chỉ biết được 2 thông số đơn giản là 60 và 90)

Với mức giá trung bình khoảng 2 triệu đồng, thiết bị Wearable rất phù hợp để làm quà tặng cho bạn bè, người thân

Nhiều người dự đoán với sự hiện diện của thiết bị Wearables, nhu cầu sử dụng ứng dụng mobile để chăm sóc sức khỏe sẽ tăng mạnh trong thời gian tới

Tuy nhiên, trên các kho ứng dụng (Apstore), healthcare là mảng có ít ứng dụng nhất. Mới có một số ứng dụng chăm sóc sức khỏe có thể sử dụng trên điện thoại thông minh như cung cấp thông tin về giá trị dinh dưỡng của thức ăn; cung cấp các đoạn nhạc để thư giãn hay nhắc nhở đến giờ uống thuốc hoặc luyện tập, nghỉ ngơi sau khi học tập, làm việc; ứng dụng kết hợp với các thiết bị định vị để theo dõi hoạt động thể thao như chạy bộ, đạp xe, bơi lội… và cung cấp những lời khuyên hữu ích đến người sử dụng...

"Những người làm ứng dụng cho mobile nên chú ý tới mảng ứng dụng cho healthcare, ví dụ như ứng dụng về giá thuốc, theo dõi một số bệnh thông thường hoặc cơ sở dữ liệu về cửa hàng thuốc để cung cấp cho các công ty healthcare", ông Hồ Việt Hải gợi ý

Xuân Bách
 
“Cặp đôi hoàn hảo” người Việt ở Thung lũng Silicon

Son-MIT-Silicon-700x325_zpsc9697ac5.jpg

Sơn bên cạnh Trang trong ngày cô tốt nghiệp tại MIT​

Giữa Thung lũng Silicon, anh nổi tiếng với những sản phẩm chăm sóc sức khỏe hiện đại và tiện lợi, trong khi cô là một thủ khoa xinh đẹp, dịu dàng mà quyết đoán

Trung tâm bồi dưỡng người nhập cư (ILC) của Mỹ trong một ấn phẩm năm 2007 ghi nhận Sonny Vu là một trong những người nhập cư có đóng góp lớn cho ngành công nghệ sinh học ở bang Massachusetts và vùng New England phía đông bắc nước này. Đây là nơi tập trung nhiều đại học hàng đầu của Mỹ và quy tập chất xám của thế giới như ĐH Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT)…

Mới đây nhất, ngày 11.1.2013, cái tên Sonny Vu lại tiếp tục trở nên “đình đám” khi thiết bị theo dõi hoạt động thể chất cá nhân có tên Misfit Shine do công ty của anh sáng tạo giành giải nhì Hội chợ hàng tiêu dùng điện tử (CES) tại Las Vegas (Mỹ) nổi tiếng nhất thế giới

Misfit Shine đã dẫn đầu và bỏ xa hàng trăm sản phẩm khác trong cuộc bình chọn online kéo dài nhiều ngày, nhưng cuối cùng rớt xuống hạng hai vì cú ra đòn chiến thuật bất ngờ phút chót của hãng máy tính Lenovo

Bỏ học để khởi nghiệp

Sonny Vu, tên tiếng Việt đầy đủ là Vũ Xuân Sơn, sinh năm 1973 ở Long Xuyên. Anh rời Việt Nam cùng gia đình năm 1979. Sơn cho biết những ngày đầu đến Mỹ thật khó khăn, nhưng anh chưa bao giờ là một đứa trẻ nhút nhát, nên hòa nhập rất nhanh. Với tư chất thông minh, nhanh nhẹn, việc học của Sơn hoàn toàn thuận lợi, suôn sẻ cho đến khi học… tiến sĩ. Sơn tốt nghiệp bằng đôi về toán học và ngôn ngữ học tại ĐH Illinois nhánh Urbana-Champaign

Có lẽ do “máu kinh doanh” luôn căng tràn nên trong lúc đang làm nghiên cứu sinh tại MIT năm 1996, Sơn bỏ ngang để ra mở doanh nghiệp nhưng thất bại. Dù không áp đặt nguyện vọng của mình lên lựa chọn nghề nghiệp của con, nhưng “khỏi phải nói ba mẹ mình tức giận đến thế nào”, anh kể. Sau đó, anh chọn đi làm nghiên cứu viên cho Tập đoàn máy tính Microsoft

Năm 1999, giữa lúc đang thành công rực rỡ trong vai trò người thành lập và đào tạo nhân lực Phòng Nghiên cứu xử lý ngôn ngữ Trung Hoa cho máy tính của Microsoft ở Bắc Kinh, Sơn lại nghỉ ngang và quay trở lại MIT

Rồi anh lại cắt ngang chương trình tại MIT một lần nữa để lập ra Công ty công nghệ phần mềm xử lý ngôn ngữ FireSpout. “Đó là một bước khởi đầu ngu xuẩn. Mình đã đổ bao nhiêu tiền vào đó. Có điều công nghệ này đã bán được”, Sơn chia sẻ về “đứa con” đầu lòng của mình. Anh bán công nghệ FireSpout cho một tập đoàn lớn năm 2001, sau khi đã hoàn tất luận án tiến sĩ về ngôn ngữ học ở MIT

Bán FireSpout, Sơn lại cùng người bạn đại học cũ là Sridhar Iyengar lập Công ty AgaMatrix. “Điều trớ trêu là công ty thành lập vào tháng 10.2001, ngay sau sự kiện 11.9 chấn động nước Mỹ và thế giới”, Sơn kể

Còn Sridhar nhớ lại vào thời điểm đó việc huy động vốn cực kỳ khó, nhưng bù lại có rất nhiều người giỏi sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn trước đó

Sau những chật vật “đầu tiên”, sự kết hợp giữa Sridhar chuyên sâu về cảm ứng sinh học và phụ trách chế tạo sản phẩm cùng với Sơn phụ trách phát triển kinh doanh đã đưa AgaMatrix cất cánh. Sản phẩm nổi bật của công ty này là thiết bị theo dõi lượng đường máu ở bệnh nhân tiểu đường. Ngày nay, AgaMatrix với 150 con người ở Boston (Mỹ) và 300 nhân viên khác ở châu Á có doanh thu hằng năm gần 100 triệu USD

Nhưng đến năm 2011, Sơn tiếp tục rời khỏi vị trí quản lý AgaMatrix, dù vẫn là cổ đông lớn, để thành lập công ty của riêng mình – Misfit Wearables. Đồng sáng lập cùng anh vẫn là người bạn nhập cư gốc Ấn Sridhar và John Sculley – cựu tổng giám đốc của tập đoàn máy tính Apple và nước giải khát Pepsi. Misfit Shine – được chế tạo tại Hàn Quốc bằng vật liệu nhôm máy bay, với kích thước và hình dáng gần như đồng xu, có thể gắn vào bất cứ chỗ nào trên cơ thể và không thấm nước – là sản phẩm đầu tay của công ty

Thiết bị này cũng có thể kết nối với máy tính của bác sĩ để giúp bác sĩ theo dõi và có lời khuyên kịp thời đối với người sử dụng

Với giá ưu đãi 69 USD/cái cho khách hàng đặt mua online tại địa chỉ indiegogo.com/misfitshine trước khi sản phẩm ra thị trường trong năm nay (giá bán chính thức về sau là 99 USD), hiện đã có 7.500 người đăng ký mua. Sơn cho biết chỉ trong một tuần qua, có đến 6 sản phẩm chăm sóc sức khỏe tương tự được ra mắt, cạnh tranh vì thế rất khốc liệt. Nhưng anh hoàn toàn tự tin với sản phẩm của mình

Sơn không ngần ngại nói rằng làm ông này ông kia ở những tập đoàn đa quốc gia chưa bao giờ là điều anh mong ước. “Tự mình tạo ra những sản phẩm tuyệt vời cho người tiêu dùng” là lý tưởng sống của anh. Bên cạnh Sridhar sẵn sàng hỗ trợ anh về kỹ thuật cảm ứng sinh học, John Sculley và Vinod Khosla – người đồng sáng lập công ty chuyên về mạng máy tính Sun Microsystems – là những người thầy thường cho anh các lời khuyên bổ ích

techdaily-misfit-shine-ces-2013_zpsa0e19a05.jpg

Misfit Shine – một sản phẩm được người Việt nghiên cứu đang đứng trong top 10 sản phẩm tại CES 2013​

Cưới người đẹp học giỏi

Không chỉ sớm khẳng định tên tuổi ở Thung lũng Silicon, Sơn còn nổi danh trong cộng đồng du học sinh Việt khắp thế giới bởi thành tích chinh phục “cô nàng thủ khoa” xinh đẹp Lê Diệp Kiều Trang. Sơn gặp Trang năm 2006 tại TP.HCM trong lần về nước theo lời mời của bà Tôn Nữ Thị Ninh, người khi ấy mang hoài bão xây dựng một ĐH Trí Việt đẳng cấp thế giới và ra sức chiêu mộ tài năng Việt ở nước ngoài

Năm 2008, cô thạc sĩ thủ khoa ngành kinh tế học ở ĐH Oxford (Anh) khóa 2003 – 2005 và đang làm việc cho Ngân hàng HSBC tại TP.HCM đã “bỏ cuộc chơi” theo Sơn về Thung lũng Silicon. Tại đây, Trang tiếp tục học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường Quản trị Sloan của MIT và lại tốt nghiệp thủ khoa năm 2011

Sau đó, Trang đầu quân cho Tập đoàn tư vấn tài chính McKinsey tại Boston, bang Massachusetts. “McKinsey là một công ty tuyệt vời với môi trường làm việc, con người và những giá trị tuyệt vời. Nhưng trong vài tuần nữa, mình sẽ nghỉ việc ở đây để tập trung cho Misfit Wearables”, Trang tiết lộ với Thanh Niên

Trang không cho đó là một sự hy sinh vì người bạn đời. Trái lại, “Misfit có sức thu hút lớn đối với mình. Và đương nhiên, ở đó mình có cảm giác mình thuộc về nó, cảm giác về một công việc có ý nghĩa, dù tự kinh doanh là một việc đầy rủi ro”. Trang cũng cho biết trong 2 năm qua, ngoài làm việc cật lực cho McKinsey, cô cũng dành nhiều thời gian cho Misfit

Với kiến thức quản trị kinh doanh, Trang tham gia vào công tác tài chính, phát triển kinh doanh, kết nối giữa nhóm thiết kế sản phẩm 12 người ở San Francisco và nhóm 25 người ở Việt Nam phụ trách các mảng khác, và công tác nhân sự của công ty

Trong lúc Sơn xác định Misfit Wearables là sự nghiệp lâu dài của mình và đang chuẩn bị cho sự ra đời của một sản phẩm khác, quyết định “trong 2 giây” dứt áo với McKinsey để đồng hành với công ty của chồng là minh chứng cụ thể nhất của cái “duyên trời định” mà Trang mô tả về sự kết đôi giữa cô và Sơn

Từ 19-31.1, Sơn và Trang có chuyến công tác nhiều nước để mở rộng quan hệ kinh doanh, trong đó có Việt Nam và Singapore. Tại Singapore chiều 26.1, “cặp đôi hoàn hảo” này sẽ có cuộc gặp gỡ kéo dài 3 giờ với các sinh viên và trí thức trẻ tại đây với mục tiêu chiêu mộ tài năng Việt cho Misfit Wearables

Lê Diệp Kiều Trang sinh năm 1980 tại TP.HCM trong một gia đình trí thức khá giả. Tốt nghiệp PTTH xuất sắc từ Trường chuyên Lê Hồng Phong năm 1998, Trang nhận được học bổng học dự bị đại học 2 năm (A-Level) tại Anh. Xong A-Level với điểm cao, Trang được học bổng ĐH Oxford và tốt nghiệp cử nhân kinh tế và quản trị trong vòng 3 năm. Với điểm số nằm trong top 5 của trường, Trang được tiếp học bổng thạc sĩ. Đỗ thủ khoa thạc sĩ ngành kinh tế, Trang được tiếp học bổng tiến sĩ, nhưng cô thấy hướng học thuật không phù hợp với mình nên tạm gác học bổng và về Việt Nam làm việc năm 2005. Sau khi kết hôn, Trang sang Mỹ và được Học bổng Legatum cho ngành thạc sĩ quản trị kinh doanh của MIT

Thục Minh
 
Nữ giám đốc Việt trong công ty của cựu CEO Apple
Từ bỏ McKinsey về làm Giám đốc Chiến lược tại Công ty Misfit Wearables do John Sculley, cựu CEO Apple đồng sáng lập, Lê Diệp Kiều Trang cho biết cô chưa bao giờ hối tiếc về quyết định này

Sinh năm 1980 trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, Lê Diệp Kiều Trang có một khởi đầu khá thuận lợi. Ông Lê Văn Trí, cha cô, hiện là Phó tổng giám đốc Công ty Cao su Miền Nam (Casumina, mã: CSM), trong khi người anh Lê Trí Thông, đang là Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á

Từ nhỏ Kiều Trang vốn đã thể hiện tính cách mạnh mẽ và tự lập. Thuở còn đi học, cô sở hữu bảng thành tích học tập đáng nể với kết quả thủ khoa tuyển sinh đầu vào PTTH chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), đồng thời cũng là thủ khoa tốt nghiệp lớp 12 của trường. Cô giành học bổng tại các trường đại học danh tiếng thế giới như Oxford (Anh), Học viện Công nghệ Massachusettes, Mỹ (MIT)

Lê Diệp Kiều Trang, nữ doanh nhân Việt đang làm việc cho cựu CEO Apple

Trang chia sẻ đam mê làm việc, kinh doanh đã được nhen nhóm trong từ nhỏ. Có dạo hai anh em được nghỉ hè, bố không có nhiều thời gian dành cho con cái nên đành phải đưa các con theo công tác từ Nam ra Bắc bằng đường bộ

Đây chính là khởi đầu rất tự nhiên cho 2 anh em trong bước đường sự nghiệp sau này. Đến mỗi thành phố, khi ông Trí phải dừng lại gặp đối tác, hai anh em lại được vào ngồi cùng và dần làm quen với thế giới kinh doanh. Năm đó Kiều Trang mới 10 tuổi còn Trí Thông 11 tuổi. Sau này, vì thạo tiếng Anh và tiếng Hoa, cô còn được bố đưa đi thường xuyên hơn để làm phiên dịch

Quãng thời gian này đã giúp Kiều Trang nhận thức rõ những áp lực trong công việc, đồng cảm hơn với bố và luôn coi trọng tình cảm gia đình. Hiện giờ, Kiều Trang là Giám đốc Chiến lược tại Công ty Misfit Wearables. Đường đến với doanh nghiệp do cựu CEO Apple và Pepsi - John Sculley và chồng cô - Sony Vũ sáng lập cũng là một dấu ấn lớn trong cuộc đời của Kiều Trang

Trước khi đầu quân cho Misfit Wearables, Trang làm ở McKinsey, một trong những công ty danh tiếng nhất thế giới ở lĩnh vực tư vấn chiến lược. Ý tưởng thành lập Misfit Wearables của chồng cô và ông John Sculley đã khiến cô quyết định từ bỏ công việc tại McKinsey, vốn được xem là ước mơ của nhiều người. Misfit Wearables là công ty thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyên chế tạo các thiết bị y tế và dụng cụ thể dục

Kiều Trang tâm sự, cô đã cân nhắc kỹ trước quyết định từ bỏ McKinsey, nơi có công việc yêu thích là tư vấn. Cùng chồng đặt những viên gạch đầu tiên của Misfit Wearbles tại Việt Nam, cô chia sẻ: "Cái khó nhất chính là nhân sự. Tôi luôn tin vào tiềm năng của người Việt Nam, đặc biệt nhóm tri thức trẻ. Các bạn có vốn kiến thức vững vàng, thông minh, nhưng chưa có kinh nghiệm làm R&D (nghiên cứu & phát triển), đặc biệt là sáng tạo sản phẩm thật khác biệt để được thị trường đón nhận"

Gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc cho nữ doanh nhân

Giờ đây, trong vai trò một nữ doanh nhân thành đạt, Kiều Trang vẫn luôn giữ phong cách sống giản dị, thân thiện và gần gũi. Với cô, cái khó nhất của người phụ nữ khi làm lãnh đạo thường là phải tự mày mò đường đi. Càng tiến xa trong sự nghiệp, số lượng nữ giới càng ít, việc tìm ra những người đồng cảm chia sẻ cùng mình là vô cùng khó

Hồi còn làm ở ngân hàng đầu tư tại Anh, Kiều Trang là nữ duy nhất trong đội. Khi ở McKinsey, cũng chưa đến 18% công ty là phái yếu. Trong khi đó môi trường làm việc ở những doanh nghiệp thuộc hàng top thế giới rất khắc nghiệt đối với phụ nữ

Hiện tại, Misfit cũng nhiều nam hơn nữ do đặc thù công ty thuộc lĩnh vực công nghệ. Những khó khăn đối với phụ nữ trong công việc kinh doanh thật khó để kể hết

Trong suy nghĩ của mình, Kiều Trang cho rằng đối với đàn ông, bài toán là tối đa hóa, tức là làm sao để thật giỏi giang, sự nghiệp thành công vững chắc. Một khi nam giới đạt được những điều đó, các khía cạnh khác trong cuộc sống thường cũng thành công theo

Còn đối với phụ nữ, bài toán lại là tối ưu hóa, nếu chỉ thành công, kiếm thật nhiều tiền, thăng tiến nhanh chóng cũng chưa chắc tạo nên hạnh phúc cho họ, đôi khi thành công của phụ nữ lại là sự đánh đổi

Trước đây, công việc của một người tư vấn chiến lược tại McKinsey phải chịu áp lực rất cao. Trang thường phải dậy vào sáng sớm thứ hai đầu tuần để kịp chuyến bay lúc 6h sáng, sau đó đi làm cả tuần, tới 11h đêm thứ năm mới về đến nhà

Trong khi đó, chồng của Trang - Sony Vũ lại cũng phải làm việc với cường độ cao. Có thời điểm, cả tháng hai vợ chồng mới gặp nhau được 4-5 lần. Vì vậy, làm việc lâu dài ở McKinsey là điều Trang chưa từng nghĩ tới

Là nữ doanh nhân thành đạt, nhiều khi cũng không tránh khỏi nỗi cô đơn, Trang tâm sự mỗi lúc cảm thấy chống chếnh trong cuộc sống, cô thường tìm về với gia đình và tâm sự cùng bố mẹ. Bên cạnh đó, những người bạn giàu kinh nghiệm của bố mẹ cũng là nơi cô hay đến hỏi xin lời khuyên trong công việc

Những vất vả chồng chất là thế, nhưng Trang vẫn luôn giữ vững tinh thần và tự chủ đối với cuộc sống của chính mình, dần biến chúng thành lợi thế. Cô nghĩ phụ nữ thường không bị quá hút vào công việc, do đó áp lực cũng đỡ hơn nam giới

Nghĩa là, nếu chẳng may không thành công trong công việc, đối với Kiều Trang, đó chưa chắc đã là thất bại nặng nề, hơn nữa, cô cũng còn nhiều mối quan tâm và mục tiêu khác cũng đủ làm mình hạnh phúc

Nhiều bạn từng hỏi cô, phụ nữ có cần phải giỏi, đến mức nào thì nên dừng lại trong công việc, trong học hành? Từ kinh nghiệm bản thân, cô cho rằng phụ nữ nên tận dụng tối đa cơ hội để học hỏi, và khi có cơ hội hãy cứ thỏa sức làm hết những cơ hội trong công việc mà mình có

"Cuộc đời phụ nữ cũng như một cành cây, đổi thay qua nhiều mùa, sẽ có những lúc được thỏa sức sống chỉ cho riêng mình, và sẽ đến lúc mình tìm thấy hạnh phúc trong việc chăm lo cho người khác", cô tâm sự

Từ đó, Kiều Trang cho rằng khi còn trẻ, chưa vướng bận, các bạn gái nên tranh thủ tận hưởng những đam mê trong công việc, trau dồi năng lực, đến lúc phải dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, mình vẫn đủ tự tin để bỏ qua những cơ hội trong công việc mà không sợ sau này bị tụt hậu, mất khả năng tái hòa hòa nhập

"Tôi thấy sự vững vàng trong công việc thường giúp người phụ nữ thăng bằng hơn trong cuộc sống, giúp họ tự tin, yêu đời, và nhờ vậy hạnh phúc với cuộc sống, với gia đình mới được trọn vẹn", Trang nói
 
Nhà sáng lập Misfit Wearables - Sonny Vũ: Khác Silicon Valley, tôi không muốn chỉ gia

Là một người Việt được “huyền thoại kinh doanh” John Sculley đánh giá là “nhà lãnh đạo thích ghi cao”, Sonny Vũ đại diện cho lớp doanh nhân trẻ Việt Nam đam mê và đầy sáng tạo. Với những điều đã làm và đang dốc sức xây dựng tại Việt Nam, hi vọng rằng anh sẽ thành công trong việc cinh phục thị trường thế giới trên nền tàng nghiên cứu và phát triển tại quê hương mình.

Sonny%20Vu2%20hinh%20nho.jpg

Cùng là những người luôn khát khao muốn thể hiện mình nên chỉ qua lần gặp tình cờ tại Mỹ, ăn với nhau một bữa trưa, nói với nhau vài câu chuyện Sonny Vũ và John Sculley đã trở thành những người bạn thân thiết, đồng sáng lập ra công ty Misfit Wearables. Đây là công ty sáng tạo những phụ kiện (wearable) y tế hỗ trợ sức khỏe gắn liền với công nghệ cảm ứng di động (mobile health). Sonny Vũ đã chọn Việt Nam để xây dựng công ty Misfit Wearables - chuyên nghiên cứu những giải pháp chăm sóc sức khỏe trên nền cảm ứng di động. Công ty được xây dựng tại TPHCM vừa mới đi vào hoạt động trong tháng 4/2012. Đến nay số nhân sự của Misfit Wearables có khoảng 50 nhân sự chất lượng cao, hầu hết là người Việt Nam.

Ngoài là giám đốc Misfit Wearables, Sonny Vũ còn là giám đốc công ty AgaMatrix(được thành lập năm 2001), chuyên nghiên cứu, sản xuất thiết bị đo tiểu đường, có trụ sở tại Boston (Mỹ). Được sự cho phép của Apple, sau hơn hai năm nghiên cứu, thiết bị kiểm soát bệnh tiểu đường có tên là IBG Star ra đời và gây tiếng vang lớn tại Mỹ. IBG Star được phân phối bởi hãng dược danh tiếng Sanofi – Aventis và được Cục Quản lý Dược FDA của Mỹ cấp phép lưu hành. Sau 10 năm xây dựng và phát triển công ty AgaMatrix, Sonny Vũ đã trao lại quyền điều hành của mình đối với công ty này cho một người bạn cùng sáng lập. Sonny Vũ tập trung và phát triển những thiết bị ứng dụng khác liên quan mật thiết tới sức khoẻ cho Misfit Wearables. Các sản phẩm nghiên cứu tại Misfit Wearables sẽ khác hoàn toàn với sản phẩm của Agamatrix.

Tạp chí Tin học & Đời sống đã có cuộc trao đổi với ông Sonny Vũ về quá trình khởi nghiệp cũng như những chia sẻ của ông dành cho các bạn trẻ Việt Nam muốn dấn thân vào con đường phát triển kinh doanh trên chất sáng tạo và đam mê về công nghệ của mình.

Thưa ông, lý do nào ông lại chọn TPHCM – Việt Nam để đặt trụ sở công ty Misfit Wearables, các hoạt động cụ thể của công ty sẽ là gì?

Ông Sonny Vũ: Ý tưởng thành lập nhóm nghiên cứu & phát (R&D) triển ở Việt Nam là một hướng đi “lạ” đối với các công ty công nghệ. Các mô hình thường thấy của các công ty công nghệ ở Mỹ là xây dựng đội ngũ R&D tại Silicon Valley, và đưa những công việc đơn giản hơn về các nước đang phát triển (như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam…) để gia công. Bản thân tôi và các nhà đầu tư của Misfit nhìn thấy một tiềm năng rất lớn ở Việt Nam đó là yếu tố con người, đặc biệt là nhóm các bạn trẻ tài năng về công nghệ, và chúng tôi muốn làm điều ngược lại. Nhóm R&D sẽ đặt tại Việt Nam, tập trung các bạn trẻ đam mê sáng tạo sản phẩm mới và có nền tảng kiến thức công nghệ rất vững. Chúng tôi kỳ vọng khi gắn kết các bạn với môi trường khuyến khích sự sáng tạo của Silicon Valley, các bạn sẽ cho ra đời những sản phẩm ấn tượng.

Nhóm R&D Việt Nam sẽ chuyên sâu phát triển nghiên cứu những thuật toán cảm ứng cao cấp, phát triển và thiết kế phần mềm cho sản phẩm. Thiết kế công nghiệp và phát triển phần cứng được đảm nhiệm tại văn phòng ở San Francisco và Boston.

Ông “chiêu hiền đãi sĩ” cho Misfit Wearables thế nào?

Công việc R&D là công việc rất mới ở Việt Nam và thật ra chỉ thích hợp với một số rất ít các bạn không những phải có nền tảng kỹ thuật vững chắc mà còn phải có khả năng sáng tạo, có bản lĩnh và khả năng giải quyết những vấn đề chưa ai trên thế giới có câu trả lời. Chính vì vậy, chúng tôi quan điểm thu hút người tài bằng cách tạo ra một môi trường làm việc cởi mở, tạo điều kiện tối đa khuyến khích công việc nghiên cứu sáng tạo, và đặc biệt đầu tư lâu dài vào yếu tố con người. Sắp tới vào tháng 6, Misfit sẽ đưa một nhóm 7 kỹ sư và thiết kế phần mềm từ Việt Nam sang Silicon Valley để huấn luyện và tham dự hội nghị WWDC (Worldwide Developer Conference) để các bạn kết nối và tương tác với môi trường sáng tạo công nghệ Mỹ.

Nói chung, với công việc R&D, chúng tôi không đơn giản tìm kiếm nhân viên cho công ty, mà tìm những người đối tác, chia sẻ những đam mê và ý tưởng sáng tạo. Chúng tôi vẫn liên tục tìm kiếm những bạn trẻ này, và thông tin sẽ liên tục cập nhật trên website của công ty: http://www.misfitwearables.com/jobs

John Sculley đóng vai trò như thế nào trong các hoạt động của công ty Misfit Wearables?

Misfit Wearables may mắn nhận được nhiều hỗ trợ từ những người rất có uy tín trong thị trường công nghệ tại Mỹ, như John Sculley, Vinod Khosla (người đồng sáng lập tập đoàn Sun Microsystems), và Peter Thiel (tỷ phú người Mỹ) cùng Founders Fund và một số các nhà đầu tư khác. John là một người bạn, một người đồng nghiệp, một người thầy đưa ra những lời khuyên đúng lúc. John cùng sáng lập Misfit với tôi, và cùng chia sẻ quan điểm về giá trị của công ty đặt trong yếu tố con người. Đây là một điều vô cùng quan trọng và đáng quý để Misfit Wearables phát triển lâu dài.

Ông đã khởi nghiệp thế nào và ai là người có các tác động ích cực đến quá trình kinh doanh của ông?

Tôi bắt đầu khởi nghiệp lần đầu tiên khi còn là nghiên cứu sinh tiến sỹ tại MIT (Massachusetts Institute of Technology) trong lĩnh vực công nghệ về ngôn ngữ. Công ty thứ hai tôi sáng lập cách đây 10 năm (AgaMatrix) trong lĩnh vực dụng cụ y tế cho bệnh tiểu đường, hiện là đối tác toàn cầu với công ty sanofi-aventis, đặc biệt cách đây 2 năm cho ra đời sản phẩm dụng cụ y tế đầu tiên trên thế giới tích hợp với iPhone. Misfit Wearables là công ty thứ ba của tôi, hy vọng sẽ cho ra đời những sản phẩm mobile health thế hệ kế tiếp.

Trong quá trình thành lập các công ty này, tôi có điều kiện làm việc với nhiều kỹ sư giỏi là du học sinh đến từ các nước Châu Á, và tôi tin tiềm năng về tài năng từ Châu Á là rất lớn. Tôi may mắn nhận được sự khuyến khích và hỗ trợ rất lớn từ vợ tôi, cũng là một du học sinh Việt Nam du học tại Oxford (Anh) và MIT (Mỹ), và thông qua bạn bè, cộng đồng du học sinh và cựu học sinh các trường chuyên, tôi tìm thấy những người bạn chia sẻ ý tưởng với mình.

Ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ Việt ở tư cách một doanh nhân thành công ở lĩnh vực công nghệ?

Với văn hóa gia đình Việt Nam luôn đề cao việc học, và hệ thống giáo dục chú trọng vào Toán và các môn khoa học tự nhiên, nhiều bạn trẻ Việt Nam rất giỏi toán và có sẵn lợi thế trong khả năng tư duy trong lĩnh vực công nghệ và khoa học. Đó là một vốn quý, nếu kết nối được năng lực của các bạn với thị trường sản phẩm công nghệ, tài năng của các bạn sẽ được định hướng phát triển một cách rất hiệu quả. Tôi hy vọng các bạn từ Misfit trong tương lai cũng sẽ sáng lập nhiều công ty công nghệ khác, tạo nên môi trường công nghệ phong phú để phát triển các tài năng công nghệ, vốn là một thế mạnh của Việt Nam.
 
Top