What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Cờ Vây friendshoring

LOBBY.VN

Administrator
Bộ trưởng Tài chính Mỹ nêu chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng an toàn

Trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với một loạt cú sốc từ 2020, Washington đang theo đuổi "friendshoring" - chiến lược đặt sản xuất tại các quốc gia bằng hữu - nhằm mục đích xây dựng chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy

Ngày 21/7, trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen đã có bài phát biểu tại Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác hai nước

Có mặt tại Hà Nội, Bộ trưởng Tài chính Mỹ ca ngợi quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Theo bà, trong 28 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam đã có sự chuyển mình đáng kể. Sự bùng nổ kinh tế này đã được thúc đẩy bởi tài năng và sự chăm chỉ của người dân Việt Nam, cùng với các cải cách thị trường cũng như thương mại và đầu tư toàn cầu

"Việt Nam hiện là một nhân tố chủ chốt trên sân chơi kinh tế toàn cầu và đóng vai trò quan trọng trong nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu quan trọng", bà Yellen nói

Bà Yellen cũng khẳng định, Mỹ đã là đối tác lâu dài của Việt Nam. Vào thời điểm chuyển giao thế kỷ, hai nước đã ký kết một hiệp định thương mại song phương mạnh mẽ để mở rộng mối quan hệ kinh tế. Tiếp đó, năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và kể từ đó, mối quan hệ giữa 2 nước ngày càng mở rộng và sâu sắc hơn


Bộ trưởng Tài chính Mỹ nêu chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng - Ảnh 1.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại Hà Nội sáng 21/7

Hợp tác thương mại giữa 2 nước trải dài trên nhiều lĩnh vực, bao gồm máy móc, dệt may, linh kiện điện tử. Nhiều công ty lớn nhất của Mỹ – như Apple và Google – có sự hiện diện đáng kể và ngày càng tăng tại Việt Nam. Trong hai thập kỷ qua, thương mại giữa hai nước tăng trưởng gần 25% một năm. Đó là một tỷ lệ đáng kinh ngạc và vẫn không có dấu hiệu chậm lại, bà Yellen nói

Trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với một loạt cú sốc toàn cầu từ 2020, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết, Washington đang theo đuổi "friendshoring" - chiến lược đặt sản xuất tại các quốc gia bằng hữu - nhằm mục đích xây dựng chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy, giảm tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế trước những cú sốc về nguồn cung và ưu tiên hàng đầu là xây dựng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn


Bộ trưởng Tài chính Mỹ nêu chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng - Ảnh 2.

Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói

"Amkor - một công ty có trụ sở tại Arizona - sẽ sớm khai trương nhà máy lớn hiện đại ở Bắc Ninh để lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn. Ở tỉnh Đồng Nai, một công ty Mỹ khác, Onsemi, sản xuất chip được sử dụng trong ô tô cách nửa vòng trái đất. Tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn là cơ sở lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất của Intel trên thế giới. Nhìn rộng hơn, Việt Nam và Mỹ đã hợp tác để củng cố chuỗi cung ứng bền vững với các quốc gia khác", bà Yellen dẫn chứng

Bà Yellen cũng khẳng định, Mỹ tự hào tiếp tục hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam để xây dựng sự thịnh vượng kinh tế cho cả 2 quốc gia


"Bất chấp lịch sử khó khăn và phức tạp, tôi vẫn lạc quan về tương lai kinh tế mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng", Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh
 
Friend-shoring là gì

Thêm một khái niệm mới được khai sinh trong hoạt động đầu tư, giao thương quốc tế: Friend-shoring. Nó là gì và vì sao một số nhà kinh tế cho rằng Friend-shoring lợi bất cập hại?

Vào lúc cao điểm của toàn cầu hóa, khái niệm “offshore” được nhắc đến nhiều, nó chỉ việc chuyển một phần hay nhiều hoạt động của doanh nghiệp ra nước ngoài để tận dụng ưu đãi thuế, nhân công giá rẻ, quy định môi trường còn dễ chịu. Sau nhiều trắc trở, nhất là khi xảy ra các cuộc chiến thương mại giữa các nước, làm cho toàn cầu hóa bị đứt gãy, một khái niệm khác nảy sinh để thay thế: onshore – tức đưa các hoạt động đã offshore trước đây quay về nguyên quán

Thế nhưng muốn onshore đâu phải dễ; sau nhiều năm đã quen với thị trường lao động giá rẻ, cần cù, ít đòi hỏi ở nước khác, nhiều doanh nghiệp mới thấy không dễ gì chuyển nhà máy trở về quê cũ vì tìm không ra nguồn nhân lực; chuỗi cung ứng vẫn phụ thuộc vào nhiều nơi khác… Từ đó mới có một giải pháp dung hòa: Friend-shoring, tức chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa về các nước thân thiện, nhằm vừa tận dụng lợi ích của toàn cầu hóa, vừa hạn chế các rủi ro gián đoạn sản xuất vì đặt ở các nước không thân thiện

Nói trắng ra, Friend-shoring đối với Mỹ là chủ trương xây dựng các dây chuyền cung ứng mới đặt bên ngoài Trung Quốc để tránh những thiệt hại do chính sách đối đầu trong thương mại giữa hai nước – từ thuế đến công nghệ. Tránh Trung Quốc cũng được kỳ vọng tránh các rủi ro không thể kiểm soát, như các lần nhiều nhà máy phải đóng cửa do chính sách zero Covid ở nước này

Theo cách giải thích của một số nhà kinh tế chủ xướng khái niệm này, Friend-shoring sẽ dựa vào các nước đối tác kinh tế để xây dựng quan hệ sản xuất nhằm tận dụng các lợi ích chung về cả chính trị lẫn kinh tế. Chính quyền Tổng thống Joe Biden còn khái quát hóa nó lên trong một báo cáo dài 250 trang mang tên: “Xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững, hồi sinh nền sản xuất Mỹ và nuôi dưỡng tăng trưởng theo chiều rộng”

Báo cáo ghi nhận một số nguyên liệu thiết yếu là không có sẵn ở Mỹ, vì thế công cụ hóa giải khó khăn này có thể “bao gồm chuyển sản xuất sang các nước đồng minh và thân thiện (ally – and Friend-shoring) cùng với đầu tư vào sản xuất và gia công bền vững trong nước”. Việc khởi xướng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ dương – Thái Bình dương (IPEF) vừa qua nằm trong chiến lược này

Một số ví dụ có thể kể đến như chuyện Mỹ và Úc hợp tác để sản xuất các loại nguyên liệu mà trước đây phải phụ thuộc vào Trung Quốc như lithium hay cobalt – các nguyên liệu quan trọng trong sản xuất pin cho xe điện. Hay Mỹ và châu Âu đang dành ra hàng tỉ đô la để hỗ trợ các công ty như Intel xây dựng các nhà máy bán dẫn để khắc phục tình trạng thiếu chất bán dẫn khắp nơi

Các tiếng nói phản đối Friend-shoring trước tiên cho rằng đây chỉ là một cách nói khéo để đẩy mạnh việc chuyển sản xuất sang các nước khác nhưng không gây phản ứng bất lợi trong dư luận như offshoring, hay nói cách khác đây là một phiên bản “toàn cầu hóa” rút gọn, nhẹ nhàng hơn. Một số ý kiến khác cho rằng Friend-shoring sẽ làm tăng lạm phát bởi làm tăng chi phí

Tuy nhiên lập luận phản đối rộng rãi nhất dựa trên các lợi ích của toàn cầu hóa như tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, phân công lao động dẫn đến hạ giá thành sản phẩm, để nói rằng các nỗ lực phân mảng bức tranh giao thương quốc tế sẽ phá vỡ những lợi ích này và có hại cho mức sống của người dân ở nhiều nước

Những người đưa ra lập luận như thế cho rằng Friend-shoring sẽ dẫn đến các nước giàu đầu tư, mua bán với nhau, để lại các nước nghèo bên ngoài vòng thân hữu. Giao thương quốc tế không khéo sẽ có hình dáng của nền giao thương theo khối trong thời gian có chiến tranh lạnh. Một nghiên cứu của WTO ước tính nếu nền kinh tế toàn cầu biến thành hai khối Đông, Tây, nền kinh tế đó sẽ đánh mất ít nhất 5% sản lượng, tức tương đương ít nhất 4.000 tỉ đô la

Cho dù có những tiếng nói phản đối như thế, chính sách Friend-shoring ắt sẽ được nhiều nước triển khai trong thời gian tới một khi họ thấm thía trước sự đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, kể cả thuốc men, trang thiết bị y tế, từng nếm trải trong những năm đại dịch vừa qua và nhất là sau khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ

Dù muốn dù không, chuyển sản xuất sang các nước thân thiện là một trong những xu hướng trong tương lai gần mà các nước có nền kinh tế mở như Việt Nam không thể không quan tâm, theo dõi. Làm gì để vừa “thân thiện” với mọi nước như đường lối ngoại giao bấy lâu nay áp dụng vào kinh tế, lại vừa duy trì tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế đó là một bài toán cần suy nghĩ, bàn bạc thấu đáo
 
Chúng tôi tin Việt Nam trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khi gặp báo chí tại Hà Nội ngày 21-7. Trong đó bà nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong sáng kiến đặt sản xuất ở các nước "bằng hữu"


Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại cuộc gặp báo chí ngày 21-7 do Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN phối hợp tổ chức

"Chúng tôi không tìm cách xây dựng mọi thứ ở Mỹ. Thay vào đó, chúng tôi tin rằng khả năng phục hồi kinh tế dài hạn đòi hỏi chuỗi cung ứng toàn cầu đa dạng

Điều này có nghĩa là làm sâu sắc thêm hội nhập kinh tế của Mỹ với nhiều quốc gia mà Mỹ có thể tin cậy, trong đó có Việt Nam", bà Janet Yellen khẳng định trong cuộc gặp báo chí ngày 21-7

Mỹ tập trung vào Việt Nam và các nước đang phát triển

Trong khoảng 20 phút, bà Yellen đã nói về những bước phát triển nhanh chóng trong quan hệ Việt Nam - Mỹ. Bà cũng trình bày quan điểm của Mỹ đối với xây dựng nền kinh tế tự cường, dẻo dai

Trong đó bà nhấn mạnh những "cú sốc" về kinh tế, sức khỏe cộng đồng và địa chính trị trong hơn 2 năm qua đã cho thấy sự cấp bách phải có một nền kinh tế đủ sức chống chịu, ổn định và bền vững

Để làm được điều đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy một chương trình nghị sự xây dựng tính dẻo dai của nền kinh tế

Nguyên tắc của chương trình nghị sự này là tăng cường cam kết và hợp tác của Mỹ với một mạng lưới rộng lớn các đối tác kinh tế đáng tin cậy trong các lĩnh vực như thương mại và khí hậu

"Những nỗ lực này không chỉ tập trung vào các nền kinh tế tiên tiến mà còn tập trung vào các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi như Việt Nam", bà Yellen nêu vấn đề



Trong bài phát biểu, bà Yellen nhấn mạnh Việt Nam là đại diện cho một trong những câu chuyện sáng giá về sự phát triển trong 10 năm trở lại đây

Về thương mại, chính quyền Biden đang theo đuổi "friendshoring": đặt sản xuất ở các quốc gia bằng hữu

Mục tiêu của Mỹ là giảm tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế trước những cú sốc về nguồn cung trong quá trình sản xuất hàng hóa quan trọng, đặc biệt là do sự tập trung quá mức, rủi ro địa chính trị và an ninh

Ưu tiên hàng đầu của Mỹ xây dựng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Bà Yellen viện dẫn Đạo luật CHIPS và khoa học khuyến khích các nhà sản xuất xây dựng nhà máy tại Mỹ

Mỹ cũng trích một phần tiền theo quy định của đạo luật trên để hỗ trợ các quốc gia khác, đặc biệt tại Đông Nam Á

"Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu", bà Yellen khẳng định

Bộ trưởng Mỹ chỉ ra việc nhiều công ty Mỹ trong ngành công nghệ cao đã đầu tư vào Việt Nam để phục vụ cho các hoạt động sản xuất cách đó nửa vòng Trái đất

Chẳng hạn Amkor - một công ty có trụ sở tại bang Arizona - sẽ sớm khai trương một nhà máy lớn và hiện đại để lắp ráp, thử nghiệm chất bán dẫn tại Bắc Ninh

Tại tỉnh Đồng Nai, một công ty Mỹ khác là Onsemi đang sản xuất chip được sử dụng trong ô tô. Còn tại Khu công nghệ cao Sài Gòn (TP.HCM), Intel đang đặt cơ sở lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất thế giới



Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen gặp đại diện các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam

Mỹ không theo đuổi mục tiêu "câu lạc bộ độc quyền"

Như để trấn an các lo ngại về "friendshoring", bà Yellen nhấn mạnh chính sách này không nhằm tạo ra "một câu lạc bộ độc quyền" chỉ bao gồm nhóm nhỏ các nước

"Sáng kiến friendshoring hoàn toàn mở và bao gồm các nền kinh tế tiên tiến, các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển

Mỹ đang nỗ lực tăng cường chứ không làm suy yếu mối quan hệ của chúng tôi với thế giới mới nổi và đang phát triển. Điều đó thể hiện qua quan hệ đối tác của chúng tôi với Việt Nam", bộ trưởng Tài chính Mỹ giãi bày

Một vấn đề khác cũng được bà Yellen nhắc đến trong bài phát biểu là xây dựng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu

Theo bộ trưởng Mỹ, giảm thiểu các rủi ro do tình trạng biến đổi khí hậu cũng quan trọng như việc giảm các rủi ro trong thương mại

Hiểu được điều đó, Mỹ đã thông qua các đạo luật để tăng cường sử dụng năng lượng sạch và giảm thiểu tác động đến khí hậu

Washington cũng tích cực tham gia các sáng kiến, hợp tác nhằm giúp đỡ các nước khác, ví dụ các thỏa thuận về chuyển đổi năng lượng công bằng cho các nước đang phát triển như Việt Nam

Kết thúc bài phát biểu, bà Yellen tái khẳng định tính dẻo dai và tự cường của nền kinh tế trong dài hạn thực sự chỉ có thể đạt được thông qua việc tăng cường hợp tác quốc tế với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam

"Bất chấp lịch sử khó khăn và phức tạp của chúng ta, tôi vẫn lạc quan về tương lai kinh tế mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng", bà Yellen bày tỏ

Trước cuộc gặp báo chí, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen đã gặp đại diện 10 doanh nghiệp Mỹ hàng đầu đang hoạt động tại Việt Nam nhằm lắng nghe các khó khăn và cơ hội của các doanh nghiệp này

Ngày 21-7 là ngày cuối bà Yellen ở Việt Nam. Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Mỹ Yellen đã gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
 
Top