What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Hãy tiêu tiền theo tiếng gọi của lương tâm

L

LOBBY.VN

Guest
Hãy tiêu tiền theo tiếng gọi của lương tâm​

- “Kiếm tiền đã khó nhưng tiêu tiền còn khó hơn”. Người đời đã và đang nói vậy. Hiện thực cho thấy, rất nhiều người đã trở thành tấm gương sáng trên con đường “kiếm tiền” chân chính. Nhưng khi trở nên giàu có thì họ lại trở thành những kẻ lố bịch và lú lẫn bởi cách “tiêu tiền”.

Câu chuyện mới đây về một người đàn bà giàu có Trung Quốc đã dùng ba mươi chiếc Mercedez để đi đón một con chó đã làm cho thế giới… “buồn nôn”. Tôi mang câu chuyện này kể cho một người chạy xe ôm. Nghe xong, ông ta tỏ vẻ khó chịu nói: “Ngu dốt và hợm hĩnh”. Và trong một lần gặp gỡ với mấy chuyên gia nước ngoài ở Hà Nội trong một buổi tối cuối tuần, tôi cũng lại kể câu chuyện này. Nghe xong, một người trong họ nói: “Anh có biết câu chuyện về một con lừa sắm một cái bô bằng vàng đựng nước đái của nó chưa?”. Tôi không biết câu chuyện này. Nhưng tôi hiểu ý ông nói gì.

Phản ứng của hai người giống nhau mặc dù họ ở hai tầng lớp xã hội khác nhau và ở hai nền kinh tế khác nhau. Một người rất nghèo ở một nước còn nghèo và một người có thu nhập rất cao ở một nước giàu nhất thế giới. Cho dù ai đó rất rất giàu và giàu một cách chân chính nhưng tiêu tiền kiểu đó (kiểu tiêu tiền của người đàn bà giàu có Trung Quốc kia mà bạn bè tôi gọi là kiểu tiêu “tiền đón chó”) cũng không hề làm cho một người rất nghèo kính trọng hay nể phục và bà ta càng trở nên hài hước trong con mắt của những người giàu biết tiêu tiền như thế nào.

Những người mới giàu lên ở các nước Châu Á dường như có cách tiêu tiền khác với cách tiêu tiền của những người giàu ở phương Tây. Hãy xem cách tiêu tiền của một trong những người giàu nhất thế giới như Bill Gate. Cả thế giới ngưỡng mộ tài năng kiếm tiền của ông và càng ngưỡng mộ ý thức và văn hoá tiêu tiền của ông. Ông đóng góp rất nhiều tài sản của mình vào các hoạt động từ thiện. Rõ ràng, ông đã kiếm tiền dựa trên trí tuệ và một ý chí tuyệt vời. Nhưng khi ông tiêu tiền thì ông đã dựa trên tiếng gọi của lương tâm mình.

Việc tiêu tiền là toàn quyền của người kiếm ra nó một cách chân chính. Trong suy nghĩ của tôi thì mỗi xã hội đều cần những người thật giàu có. Bởi chỉ khi thật giàu có thì người đó mới có khả năng quay trở lại tìm cách thay đổi đời sống xã hội. Trên thế giới có rất nhiều những công trình xây dựng, giao thông, bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu, khu vui chơi giải trí… là do tiền và ý thức tạo dựng xã hội của những người giàu đó. Những công trình đó vừa là tài sản cá nhân những cũng đồng thời là sự tiến bộ hay tài sản của xã hội. Các lâu đài ở nước Anh là tài sản của các cá nhân trước kia giờ đây trở thành những di sản kiến trúc của con người. Hay như Đại học Harvard danh tiếng chẳng hạn. Nếu tôi có nhiều tiền, tôi sẽ toàn quyền thực hiện ước mơ của tôi, như xây dựng một trung tâm văn hoá Việt mà cho đến lúc này ở Việt Nam tôi chưa hề thấy. Tôi vẫn kinh doanh một cách văn hóa trung tâm đó nhưng đồng thời tôi cũng mang lại sự hưởng thụ văn hóa cho xã hội.

Tôi xin nhắc lại, việc tiêu tiền là quyền của những người kiếm ra nó một cách chân chính. Nhưng tiêu tiền kiểu “tiền đón chó” thì không chỉ là sự lố bịch mà con là sự vô cảm trước con người. Những người nghèo không đòi những người giàu phải tiêu tiền như họ. Nhưng khi một người giàu có lương tâm thì không tiêu tiền như thế khi mà quanh ông ta (bà ta) còn hàng triệu người sống trong đói khát và bệnh tật ngày ngày. Người ta nói Vua dầu lửa người Mỹ Rockefeller dùng tiền của mình làm tài trợ rất nhiều nhưng ông luôn luôn tìm cách xoá đi những mặc cảm và tủi hổ của những người nghèo mà ông tiếp xúc. Ngay cả khi ông mang hàng triệu đô la đến cho những người dân nghèo đói ở một nơi nào đó thì ông luôn chọn một bộ quần áo phù hợp nhất với những người dân ở đó.

Những người tiêu tiền kiểu “tiền đón chó” có hạnh phúc thực sự đúng nghĩa không? Không. Đó là câu trả lời. Khi bạn có tiền và bạn cố tình tiêu tiền để cho thiên hạ biết như một kẻ khoe của hợm hĩnh thì chính lúc đó lòng bạn đang ứa đầy dục vọng chứ không phải là hạnh phúc. Hầu như trong đời chúng ta ai cũng một lần mang cho người khác một món quà. Món quà đó có thể là món quà tinh thần hoặc món quà vật chất. Và bạn sẽ thấy hạnh phúc khi mang đến cho một ai một món quà như vậy. Đặc biệt những người đó là những người đang phải sống thiệt thòi hay không may mắn như bạn. Đấy mới là hạnh phúc thực sự. Nếu ai chưa thấu được điều này thì hãy cứ sống, cứ suy ngẫm để đến một ngày có thể chạm vào được hạnh phúc đích thực của đời sống.

Tôi đang lấy câu chuyện đón chó của người đàn bà giàu có Trung Quốc. Nhưng không chỉ khi có chuyện đón chó đó chúng ta mới bàn đến việc tiêu tiền. Ở Việt Nam, sau chính sách đổi mới, có không ít người vụt thành những người rất giàu. Chưa có người giàu nào ở Việt Nam đi đón chó hay đón mèo ở sân bay với hàng chục chiếc xe Mercedez nhưng cũng có không ít người giàu ở nước ta tiêu tiền theo kiểu ấy. Có một người Việt Nam rất giàu mà tôi biết nuôi một con chó giống đặc biệt từ nước ngoài với ba người phục vụ. Một người lo nấu ăn cho chó. Một người lo sức khoẻ cho chó (ông ta thuê một bác sỹ thú ý), và một người lo nhan sắc cho chó như màu lông, trang sức, quần áo… Ông ta chưa bao giờ nặng lời với con chó đó. Đang làm việc thấy gió mùa đông bắc tràn về, ông ta gọi điện cho những người giúp việc chó phải chăm sóc chó thật cẩn thận nếu không ông ta sẽ đuổi việc.

Việc đó tôi nghĩ cũng không có gì phải luận bàn. Tôi chỉ luận bàn khi chính bà mẹ già của ông ta cũng không hề được ông ta chăm sóc và lo lắng như thế. Khi con chó ốm, ông ta bỏ ra cả giờ đồng hồ ôm ấp và chiều chuộng nó. Nhưng khi mẹ ông ta ốm, theo lời kể của người giúp việc, ông ta chưa một lần cầm lấy tay mẹ hỏi mẹ muốn ăn gì. Bà đã nhiều lần bỏ về quê với những lý do tế nhị để sống trong ngôi nhà giản dị của mình. Quả là một bi hài kịch. Chuyện này tôi được chính người giúp việc chó của ông ta kể lại sau khi chị quyết định rời bỏ công việc đó. Chị nói những gì chị chứng kiến thật nhẫn tâm. Kể cho tôi nghe chuyện này xong, chị mỉm cười chua chát và nói: “Có lẽ tôi là người quê mùa nên lỗi thời ông ạ”.

Tôi có dịp làm việc với nhiều người nước ngoài ở Hà Nội. Và tôi chứng kiến những người nước ngoài đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy trong những nhà hàng những người Việt Nam gọi đủ thứ sơn hào hải vị cho bữa trưa của họ. Khi đứng dậy, những người này để lại trên bàn ăn rộng một lượng thức ăn thừa “khổng lồ” và một “bãi vỏ bia” ngập dưới gầm bàn. Một số người nước ngoài hỏi tôi đó có phải là văn hóa ẩm thực của người Việt không? Tôi ngượng ngùng nói: “Hành động ăn uống đó không thuộc nền văn hóa nào trên thế giới này cả”.

Năm 1991, tôi làm việc với một nhóm cựu binh Mỹ xây dựng trạm xá Yên Viên, Hà Nội. Họ lúc đó là những nông dân Mỹ tự bỏ tiền ra để đến Yên Viên xây một trạm y tế như một sự chuộc lỗi vì Yên Viên là nơi bị bom Mỹ tàn phá khá nặng nề trong chiến tranh. Những ngày cùng các công nhân Việt Nam xây dựng trạm y tế này, tôi chứng kiến việc tiêu tiền một cách tằn tiện của họ. Trước khi rút một đồng đô la trong ví ra, họ phải suy nghĩ rất kỹ trong khi họ đóng góp một số tiền không nhỏ trong tài khoản bé nhỏ của họ để làm một việc có ý nghĩa cho người khác. Chúng ta vẫn nói nước Mỹ là một đất nước thực dụng. Đúng vậy. Nhưng họ đã biết tiêu tiền một cách chính xác cho những việc cụ thể có ý nghĩa nhất.

Trong bộ sách Writer’ works (Công việc của nhà văn) do Tạp chí Paris Review xuất bản, tôi có đọc một đoạn viết về một nhà thơ có tên tuổi từ một nước Đông Âu đến Mỹ sau khi Liên Xô sụp đổ. Đó là đoạn viết về nhà thơ này đến Mỹ và tiêu tiền như thế nào: “Ông ta gọi những món ăn và những chai rượu đắt tiền nhất trong khách sạn một cách ngạo mạn. Ông ta đúng là một Capistalist Pig” (Con lợn tư bản).

Hãy kiếm tiền bằng trí tuệ và ý chí của mình, nhưng hãy tiêu tiền theo tiếng gọi của lương tâm. Bởi tiền là một trong những điều kiện để con người đi đến hạnh phúc thực sự của mình.
 
Người giàu, người nghèo và sự đổi thay trong ý thức​

Việc giải cứu hệ thống tài chính là một tấn kịch khó quên trong lịch sử kinh tế thế giới, khi mà những người hưởng lợi nhất từ giải cứu chính là những người trước nay vẫn từng hưởng lợi nhiều nhất: giới chủ các tập đoàn tài chính.

Trước khi khủng hoảng xảy ra, việc phân phối lại tài sản được cho là cản trở tính hiệu quả thực tế của nền kinh tế tự do. Không thể chấp nhận được việc lấy bớt của người giàu phân phối lại cho người nghèo được. Như thế là vi phạm lợi ích.

Những ông chủ, những người có nhiều thành công lúc ấy thường nghĩ rằng, nếu tôi làm được gấp 10 lần, gấp 100 lần hay gấp 1000 lần người khác thì đó đơn giản là vì tôi xứng đáng được như thế, do khả năng của tôi gấp 10 lần, gấp 100 lần hay gấp 1000 lần người khác.

Khó có ai cãi nổi cái lý lẽ ấy.

Thế nhưng tại sao khi khủng hoảng xảy ra, chính những người có khả năng gấp 10 lần, gấp 100 lần hay gấp 1000 lần người khác ấy lại ngửa tay xin cứu trợ đầu tiên, và xin nhiều nhất?

Và thật trớ trêu, những người cứu họ không ai khác chính là những người đóng thuế, những người thường vẫn kém họ hẳn 10 lần, có khi 100 lần hay thậm chí kém họ tới 1000 lần.

Rồi họ được cứu. Họ đã “đồng cam cộng khổ” với những người làm công và dân đóng thuế để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Có điều, họ vượt qua khó khăn bằng cách dùng tiền cứu trợ để khôi phục lại khả năng sinh lãi của họ. Ai cũng chấp nhận điều đó.

Rồi khi họ khôi phục lại khả năng sinh lãi của mình, các cỗ máy in tiền lại rục rịch vận động và lại đưa về cho họ những khoản lợi lớn, gấp 10 lần, gấp 100 lần hay gấp 1000 lần người khác.

Khi đó, có ai chắc họ không lặp lại điệp khúc: đơn giản là vì tôi xứng đáng được như thế, do khả năng của tôi gấp 10 lần, gấp 100 lần hay gấp 1000 lần người khác?!

Nhưng đừng ngạc nhiên vì điều đó. Nền kinh tế thị trường khuyến khích mọi người cố hết sức để làm giàu, để mang lại điều tốt nhất trong mọi hoàn cảnh.

Học thuyết kinh tế về thị trường tự do càng củng cố cho niềm tin đó và nó như một thứ tôn giáo đủ để những người khác tin theo và chấp nhận như điều hiển nhiên. Theo học thuyết kinh tế về thị trường tự do thì thị trường là hoàn hảo. Những người theo học thuyết này luôn khẳng định ai hưởng nhiều thì họ là người xứng đáng được hưởng như thế.

Chỉ đến khi khủng hoảng xảy ra, dường như những giá trị ấy mới bị xói mòn. Nhưng bản chất thì không. Họ sẽ vùng dậy bảo vệ những luận điểm có lợi cho mình một khi đã vượt qua được khó khăn.

Rõ ràng, cuộc khủng hoảng mới đã lại nhắc lại một lần nữa về một điều vẫn tồn tại trên trái đất này: trong cuộc hợp tác giữa người giàu và người nghèo, người giàu luôn được lợi nhiều hơn người nghèo.

Chỉ có điều, qua cuộc khủng hoảng đương đại này, có thể rút ra kết luận như sau:

Cho dù ta có thành công đến đâu thì một phần là nhờ sự đóng góp từ bên ngoài chứ không thể là hoàn toàn tự thân. Mỗi người đều nợ xã hội cho mỗi thành công của mình và có trả nợ hay không và trả thế nào thì ngoài trách nhiệm được quy định theo luật lệ, cần tới sự công bằng trong lương tri của mỗi con người nữa.

Một kết luận nữa là tầng lớp giàu mạnh phía trên bao giờ cũng hưởng lợi nhiều nhất từ sự “đồng cam cộng khổ”, sự “đoàn kết gắn bó vì một chí hướng chung”. Đến giờ có lẽ họ cũng không thể phủ nhận đóng góp và công sức, giá trị của tầng lớp dưới nữa.

Nhưng có lẽ, đã đến lúc người nghèo không thể nín thở mà hồi hộp chờ đợi ý thức tự giác của người giàu nữa.
 
Top