LOBBY.VN
Administrator
“Cuộc đại tu toàn diện” của Arab Saudi
- Ảrập Saudi đang thực hiện một chiến dịch quyết liệt để tăng cường tự do hóa xã hội, đa dạng hóa nền kinh tế, trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh khiến ngân sách bị thu hẹp. Có thể gọi đây là một cuộc đại tu toàn diện cách thức vận hành của Vương quốc Ảrập giàu có này, song chưa rõ nó có thành công hay không

Chờ và xem
Bà Mary Callahan Erdoes, Giám đốc điều hành bộ phận quản lý tài sản của Ngân hàng JPMorgan Chase, đầu tuần trước đã có mặt ở thủ đô Riyadh của Ảrập Saudi để chuẩn bị dự một hội nghị xúc tiến đầu tư do nước này tổ chức
Khi bà đang ngồi uống cà phê ở sảnh khách sạn xa hoa Ritz-Carlton, ông Harvey Schwartz, Chủ tịch Ngân hàng Goldman Sachs, và Arif Naqvi, người sáng lập tập đoàn Abraaj, một nhà đầu tư ở các thị trường mới nổi, ghé qua chào xã giao. Phía xa, Barry Sternlicht - một nhà đầu tư khách sạn và bất động sản - đang đi dạo
Sự có mặt đồng thời của những nhân vật quan trọng trong giới tài chính toàn cầu ở Riyadh không phải tình cờ. Hơn 3.500 nhà đầu tư tư nhân, giám đốc điều hành doanh nghiệp, lãnh đạo các tổ chức toàn cầu và các quan chức chính phủ từ hàng chục quốc gia đều đổ về đây để tìm kiếm triển vọng “kiếm tiền” tại vương quốc giàu có này
Tại trung tâm hội nghị xa hoa lấp lánh ở Riyadh, các đoạn video clip và tài liệu đang minh họa cho một thành phố trị giá 500 tỉ đô la trong tương lai, sử dụng hoàn toàn năng lượng mặt trời và do robot vận hành. Đây là một trong ba “đại dự án” thuộc kế hoạch “Tầm nhìn 2030” mà Ảrập Saudi muốn triển khai và mời gọi các nhà đầu tư
“Đây là nơi dành cho những người mơ mộng muốn tạo ra điều gì đó mới cho thế giới”, hoàng tử Mohammed bin Salman nói với các quan khách. “Chúng tôi có rất nhiều nhà đầu tư ở đây, làm việc cùng chúng tôi để hiện thực hóa ý tưởng này”
Thông điệp của Ảrập Saudi cho các chủ ngân hàng, doanh nhân và các nhà đầu tư rất rõ ràng: vương quốc từng một thời khép kín này giờ đây đã mở cửa cho kinh doanh
Tuy nhiên, bất chấp những lời quảng bá hoành tráng, những bữa đại tiệc lãng mạn với sushi, thịt cừu và bánh truffles chocolate, các “đại gia thế giới” vẫn tỏ ra lưỡng lự với lời mời gọi đầu tư của hoàng tử
Bao nhiêu người trong số 3.500 nhà đầu tư tới Riyadh vì sự tò mò? Bao nhiêu giao dịch sẽ được thực hiện sau đó?... Tất cả vẫn là một câu hỏi mở và nhiều nhà đầu tư đang đặt mình ở chế độ chờ và xem
Jeffrey Currie, chuyên gia của Goldman Sachs, bình luận: “Có một sự hoài nghi đáng kể trên thị trường về khả năng Ảrập Saudi có thể thực hiện “Tầm nhìn 2030””
Trở ngại lớn
Cuộc thúc đẩy cải tổ của Ảrập Saudi gắn chặt với vai trò của hoàng tử 32 tuổi Mohammed, người được cho là cai trị trên thực tế của vương quốc, với sự ban phước của vua Salman
Chính phủ Ảrập Saudi gần đây đã tiến hành một số thay đổi xã hội đáng chú ý, bao gồm việc cho phép phụ nữ lái xe, hạn chế quyền của cảnh sát tôn giáo... Tuy nhiên, cho đến nay nước này vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ trong việc chuyển từ một quốc gia lệ thuộc vào dầu mỏ thành một nền kinh tế đa dạng và hiệu quả, có khả năng tăng trưởng ngay cả trong thời kỳ giá dầu rẻ
Trong suốt nhiều năm qua, Chính phủ Ảrập Saudi là động cơ chính của nền kinh tế, do nước này may mắn có được trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, ước tính chiếm một phần năm tổng lượng dầu của thế giới. Nhà nước đã thuê hầu hết những lao động người Saudi, tài trợ cho các dự án lớn và ngay cả khu vực tư nhân cũng phải phụ thuộc nhiều vào chi tiêu của chính phủ
Song sự sụt giảm giá dầu đã làm suy yếu mô hình này, thu hẹp ngân sách nhà nước, vào thời điểm hàng trăm ngàn thanh thiếu niên trẻ Saudi đang bước vào thị trường lao động mỗi năm. Tăng trưởng của vương quốc đã chậm lại đáng kể, các dự án lớn đã bị đình trệ và tỷ lệ thất nghiệp đang ngày càng trở thành mối lo ngại
Để giải quyết những thách thức này, hoàng tử Mohammed đã đề xuất một loạt thay đổi, trong kế hoạch “Tầm nhìn 2030”. Có nhiều đổi thay mà chỉ cách đây ít năm, người ta sẽ cho là “không thể tưởng tượng”. Đó là tăng số lượng người Saudi làm trong khu vực tư nhân, kể cả phụ nữ; thu hút đầu tư nước ngoài; thậm chí bán cổ phần của công ty độc quyền nhà nước về khai thác dầu mỏ Saudi Aramco, nhằm huy động vốn để đầu tư ở những nơi khác
Daniel Yergin, một chuyên gia năng lượng tham dự hội nghị, cho biết: “Hoàng thái tử chính là một nhân tố thay đổi ở quy mô rất lớn, và hội nghị này là một dấu hiệu cho thấy tốc độ thay đổi sẽ diễn ra nhanh như thế nào”. Theo ông Yergin, điều này được thúc đẩy bởi sự thừa nhận rằng, mô hình kinh tế chủ yếu dựa vào dầu mỏ, hoạt động trong bốn thập kỷ, giờ đã không còn hiệu quả nữa, trong bối cảnh 70% dân số có độ tuổi dưới 30, giá dầu biến động và thế giới đang bước vào kỷ nguyên số
Nhưng những trở ngại đối với sự thay đổi cũng rất lớn
Khi chính phủ cắt giảm chi phí, những người Saudi từng lệ thuộc vào các công việc được cho là an toàn của nhà nước, giờ phải cạnh tranh với môi trường đòi hỏi cao hơn trong khu vực tư nhân. Nhiều công ty sẽ bị điêu đứng khi không được hưởng các khoản trợ cấp hào phóng hoặc bị buộc phải giảm số lao động giá rẻ người nước ngoài. Ngay cả tầng lớp trung lưu vốn quen với việc sử dụng năng lượng được trợ cấp cũng có thể bị tổn thương trước những thay đổi của hệ thống
Thực tế đã cho thấy, sau khi chính phủ cắt giảm tiền thưởng cho nhân viên, nhiều lời phàn nàn đã lan rộng, dẫn tới tình trạng người dân cắt giảm mạnh chi tiêu. Không chịu nổi sức ép đó, tháng 4 vừa qua, vua Salman đã buộc phải khôi phục lại những đặc quyền mà người lao động được hưởng trước đó
Quyết định tăng giá nước cũng nhanh chóng bị đảo ngược sau những phàn nàn tương tự. Ngay cả kế hoạch tăng giá nhiên liệu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường và một số mặt hàng khác cũng chưa thực hiện được
Để Ảrập Saudi có thể phát triển trong thời đại dầu giá rẻ, theo hoàng tử Mohammed, nhiều người Saudi sẽ phải làm việc cho các công ty tư nhân. Hiện hầu hết người Saudi đều làm việc cho chính phủ, còn các công ty tư nhân thì phụ thuộc nhiều vào lao động nước ngoài
Người nước ngoài đang chiếm khoảng một phần ba trong số 31 triệu dân Ảrập Saudi. Phần lớn họ làm những công việc mà người Saudi từ chối vì không chấp nhận mức lương thấp
Jean-François Seznec, một thành viên cao cấp của Trung tâm Năng lượng thế giới, cho biết cải cách lao động thực sự sẽ chỉ thực hiện thông qua các biện pháp như giảm số lượng thị thực cho người lao động nước ngoài hoặc buộc các công ty phải trả lương cao cho người Saudi
“Khu vực tư nhân muốn tạo ra lợi nhuận, nhưng liệu họ có chấp nhận làm việc với người Saudi thay vì thuê một nhóm người nước ngoài với mức giá chỉ bằng một phần năm”, Seznec đặt câu hỏi. “Tôi không chắc điều đó sẽ sớm xảy ra”, ông tự trả lời
Minh Đức - The New York Times
Last edited: