What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Vietnam - USA

LOBBY.VN

Administrator
Việt Nam và Mỹ chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện

Trong hội đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden, hai nước đã quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện

Chiều ngày 10/9, ngay sau lễ đón chính thức, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden và đoàn đại biểu cấp cao Mỹ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chào mừng, đánh giá cao Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện. Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt, là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi về quan hệ hai nước và các vấn đề quốc tế vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững ở khu vực và thế giới

thay-16943418237071926648382-950.jpeg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Joe Biden

Tổng Bí thư nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp về cuộc trao đổi chân tình với ông Joe Biden khi Tổng Bí thư thăm Mỹ hồi tháng 7 năm 2015, đánh giá cao những ý kiến trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo trong thời gian qua và cám ơn Tổng thống Joe Biden vào tháng 6 vừa qua đã gửi thư mời Tổng Bí thư sớm thăm lại Mỹ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông báo về những thành tựu Việt Nam đạt được qua gần 40 năm đổi mới toàn diện nhằm các mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" theo các phương hướng chính là phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế

Tổng Bí thư chúc mừng những thành tựu quan trọng về kinh tế xã hội của Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Joe Biden và những đóng góp của Mỹ trong việc góp phần thúc đẩy hợp tác toàn cầu giải quyết những thách thức lớn đặt ra như y tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và an ninh lương thực

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế

Việt Nam thực hiện đường lối quốc phòng "bốn không". Đối với các tình hình phức tạp và xung đột quốc tế, Việt Nam mong muốn các bên đối thoại, giải quyết hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc

Việt Nam đánh giá cao lập trường của Mỹ ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về vấn đề Biển Đông. Đề nghị Mỹ tiếp tục ủng hộ, đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, hợp tác, bảo đảm các quyền tự do hàng hải, hàng không và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia ở Biển Đông, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động trái với luật pháp quốc tế làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện DOC, sớm ký kết COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982

w-anh-moi-3-951.jpg

Toàn cảnh hội đàm

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại Việt Nam đã hợp tác với Mỹ chống phát-xít trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Chủ tịch Hồ Chí Minh trích một phần Tuyên ngôn độc lập của Mỹ ngay trong phần mở đầu của Bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, gửi thư đến Chính phủ Mỹ đề nghị thiết lập quan hệ đầy đủ với Mỹ. Tuy nhiên, quan hệ hai nước đã trải qua không ít thăng trầm, đặc biệt là cuộc chiến tranh dài ngày, khốc liệt nhất trong Thế kỷ XX sau Chiến tranh Thế giới thứ II

Việt Nam vui mừng nhận thấy kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, đặc biệt là sau khi xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2013, quan hệ đã có bước phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất, hiệu quả

Trên những cơ sở quan trọng nêu trên, vì lợi ích của nhân dân hai nước và mong muốn tăng cường hợp tác nhằm các mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, Việt Nam hoan nghênh việc hai nước xác lập quan hệ ở tầm cao mới là Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden nhất trí rằng thực tế đã qua cho thấy những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Mỹ là việc tôn trọng đầy đủ những nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau

Tổng Bí thư nhấn mạnh sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau luôn có ý nghĩa quan trọng. Phương châm đặc thù cho sự phát triển quan hệ Việt Nam - Mỹ là "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai". Việt Nam đánh giá cao và coi trọng khẳng định của Mỹ là ủng hộ Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng"

Tổng Bí thư đánh giá cao các nội dung được thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước về Tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ Việt Nam – Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững. Theo đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một số phương hướng lớn để thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Mỹ

Trong đó có việc tiếp tục tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thực hiện những nguyên tắc định hướng, tạo ổn định lâu dài, gặp gỡ, hợp tác cấp cao, giữa các ngành, các cấp, giao lưu nhân dân. Tổng Bí thư hoan nghênh việc thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm theo hướng đổi mới sáng tạo tiếp tục là nền tảng trọng tâm, động lực cho quan hệ hai nước và việc hai bên nhất trí tạo đột phá trong hợp tác về khoa học, công nghệ

Tổng thống Joe Biden bày tỏ sự vui mừng được đến thăm Việt Nam, cảm ơn sự đón tiếp trọng thị đối với cá nhân Tổng thống và đoàn và vui mừng gặp lại Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng thống nhấn mạnh chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với quan hệ hai nước mà còn đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới, nêu quan điểm của Mỹ về ủng hộ một khu vực mở, ổn định, an toàn, liên kết và thịnh vượng


w-anh-moi-1-952.jpg

w-anh-moi-953.jpg

Hai đoàn tại cuộc hội đàm

Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh sự coi trọng đối với vai trò, vị trí của Việt Nam ở khu vực, đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trên nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu, trong đó có vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổng thống khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và mong muốn hợp tác với Việt Nam để đóng góp vào đoàn kết và thịnh vượng của ASEAN

Tổng thống nhấn mạnh Biển Đông có vị trí quan trọng đối với thịnh vượng, ổn định quốc tế và khẳng định lại quan điểm của Mỹ về Biển Đông. Tổng thống cũng nêu sự coi trọng của Mỹ những mục tiêu của Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Tổng thống Joe Biden bày tỏ sự trân trọng đối với đất nước Việt Nam, đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam về phát triển, đóng góp vào công việc quốc tế và những đóng góp, vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng thống bày tỏ sự ủng hộ đối với sự phát triển của Việt Nam, trong đó có hợp tác kinh tế và khoa học-công nghệ trong giai đoạn mới, việc phát triển công nghiệp điện tử, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch. Tổng thống Joe Biden đánh giá cao việc hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện có lợi cho cả hai nước và lợi ích quốc tế chung

Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng cuộc hội đàm đã diễn ra trong không khí hữu nghị, bình đẳng, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, trao đổi sâu rộng, toàn diện và đạt kết quả tốt đẹp. Những kết quả quan trọng của cuộc hội đàm và chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của quan hệ hai nước trong giai đoạn mới vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững

Sau cuộc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã phát biểu với báo chí Việt Nam, Mỹ và quốc tế
 
Vietnam chứng tỏ năng lực ‘tầm cỡ thế giới’

Theo Giáo sư Thayer, Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác đáng tin cậy với nhau sau nhiều năm hợp tác

Việt Nam chứng tỏ năng lực ‘tầm cỡ thế giới’, nắm cơ hội chưa từng có bước chân vào chuỗi giá trị toàn cầu - Ảnh 1.
Tăng trưởng vượt bậc trong thương mại hai chiều

Giáo sư Thayer cho biết, trong chặng đường 10 năm qua, ông rất ấn tượng với mối quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Mỹ và Việt Nam

Theo đó, nền tảng hợp tác kinh tế thông qua quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam đã được thiết lập hơn 10 năm trước, khi hai phía ký kết Hiệp định Thương mại song phương năm 2000 và Hiệp định khung về Thương mại & Đầu tư (TIFA) năm 2007. Bên cạnh đó, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu để trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

Trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện năm 2013, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và nguyên Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã cam kết ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chính quyền ông Obama đã tư vấn kỹ thuật, đồng thời mang tới cho Việt Nam những hỗ trợ khác liên quan tới cải cách pháp lý và kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho quan hệ thương mại song phương, mà còn cả mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam

Mặc dù sau đó cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút khỏi TPP nhưng Việt Nam đã thu được kinh nghiệm quý báu và đóng vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP11)

Thống kê cho thấy, tính từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến nay, tăng trưởng thương mại hai nước đã tăng từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức hơn 123 tỷ USD năm 2022. Yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng vượt bậc trong thương mại hai chiều là tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam và sự bổ trợ lẫn nhau của hai nền kinh tế. Tới nay, Việt Nam đã đạt được thặng dư thương mại bền vững với Mỹ

Nói riêng hợp tác kinh tế Việt-Mỹ năm 2023, vị Giáo sư cho biết, ông đặc biệt quan tâm tới 2 sự kiện lớn, đó là việc phái đoàn doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam và việc Tập đoàn VinFast Việt Nam khởi công nhà mày sản xuất xe điện tại Mỹ

Việt Nam chứng tỏ năng lực ‘tầm cỡ thế giới’, nắm cơ hội chưa từng có bước chân vào chuỗi giá trị toàn cầu - Ảnh 2.
Ông Carl Thayer – Giáo sư danh dự trường Đại học New South Wales

Việt Nam là điểm đến lý tưởng của doanh nghiệp Mỹ

Tháng 3 năm nay, một phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước tới nay (với 52 tập đoàn lớn) đã tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác ở nhiều lĩnh vực

Theo Giáo sư Thayer, sự gián đoạn thương mại thế giới do đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm giải pháp thay thế bền vững để giảm thiểu rủi ro. Trong bối cảnh đó, Việt Nam trở thành một điểm đến đầy tiềm năng

Trước tiên , Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 và mở cửa trở lại. Thứ hai , Việt Nam có môi trường pháp lý thuận lợi hơn, cơ cấu tiền lương thấp hơn và lực lượng lao động trẻ có năng suất cùng trình độ học vấn cao hơn

Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden cũng đang thúc đẩy các cơ hội đầu tư – kinh doanh của Mỹ tại Việt Nam và giải quyết các vấn đề thương mại trên cơ sở thực tế

Thành công của VinFast là dấu ấn của Việt Nam

Nói về VinFast, ông Thayer nhận định, quyết định của tập đoàn này khi nhắm vào thị trường xe điện (EV) của Mỹ bằng cách xuất khẩu nguyên chiếc từ Việt Nam và sản xuất ngay tại Mỹ là một sáng kiến táo bạo, dù đi kèm với rủi ro

VinFast đã giành được thắng lợi lớn khi cổ phiếu của họ được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq vào tháng 8, qua đó thu hút được sự chú ý lớn tại Mỹ. Cổ phiếu VinFast vào thời điểm đó ngay lập tức tăng vọt, sau đó giảm rồi lại phục hồi

“Các nhà đầu tư rõ ràng quan tâm tới những gì mà VinFast mang lại” – Ông Thayer cho hay

Tính đến nay, VinFast đã xuất khẩu khoảng 3.000 xe điện sang Mỹ và mở một số phòng trưng bày ở California. Cũng trong tháng 8, VinFast đã nhận được một “cú hích” khi Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ chứng nhận quãng đường di chuyển của xe điện VF 9 đạt 330 dặm (531 km đối với phiên bản Eco) và 291 dặm (468 km cho phiên bản Plus)

Các cơ sở của VinFast tại Việt Nam cực kỳ hiện đại và đang sản xuất khoảng 300.000 xe điện mỗi năm. Con số này sẽ tăng lên khi nhà máy sản xuất trị giá hàng tỷ USD đang được xây dựng ở Bắc Carolina đi vào sản xuất năm 2025. Nhà máy này dự kiến sẽ cho “ra lò” 150.000 xe điện mỗi năm

Trong nửa đầu năm 2023, VinFast đã bán được 11.300 xe điện. Hồi tháng 5, Chủ tịch Tập đoàn VinGroup Phạm Nhật Vượng nói với các cổ đông rằng, VinFast kỳ vọng sẽ bán được 50.000 xe điện trong năm nay và hòa vốn vào cuối năm 2024

Theo ông Thayer, đó là thành công của VinFast nói riêng, còn xét trên quy mô hợp tác song phương hai nước thì đây cũng là một bước tiến trong quan hệ kinh tế Việt-Mỹ. Hiện tại, cả chính quyền Tổng thống Biden và chính phủ Việt Nam đều đang cam kết chuyển đổi sang năng lượng xanh, điều này mang lại đặc quyền cho sản xuất xe điện

“Quyết định ưu tiên thị trường Mỹ của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng” có thể xem như một câu chuyện thành công” – Ông Thayer nhận định

Việt Nam chứng tỏ năng lực ‘tầm cỡ thế giới’, nắm cơ hội chưa từng có bước chân vào chuỗi giá trị toàn cầu - Ảnh 3.
Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực ‘tầm cỡ thế giới’

Trong chuyến thăm của Tổng thống Biden lần này, cả Việt Nam và Mỹ đều ưu tiên làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương, tìm kiếm cơ hội thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế đang tập trung vào công nghệ và sáng tạo của Việt Nam

Nhận định về tiềm năng hợp tác kinh tế - công nghệ giữa hai nước trong thời gian tới, ông Thayer cho rằng, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên mức "Đối tác Chiến lược Toàn diện" sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, tạo nền tảng mạnh mẽ để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu

Sau khi nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, hai nước Việt - Mỹ sẽ có nhiều triển vọng hợp tác phát triển các lĩnh vực. Thương mại, đầu tư và công nghệ nhiều khả năng sẽ được ưu tiên để hợp tác sâu sắc hơn

Mỹ có thể cung cấp các khoản hỗ trợ từ chính phủ và khuyến khích đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực công nghệ cao. Các ưu tiên khác giữa hai nước có thể bao gồm hợp tác chuyển giao công nghệ liên quan tới kinh tế kỹ thuật số, chuyển đổi năng lượng xanh và khử carbon

Ông Thayer cho hay, Mỹ đang ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng linh hoạt và an toàn với Việt Nam, bởi Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực sản xuất vật liệu vật liệu bán dẫn theo tiêu chuẩn thế giới với các công ty Mỹ như Intel và Amkor

Trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, hai nước đã quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện

Washington khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao

Ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, hai Nhà Lãnh đạo ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu

Việt Nam và Mỹ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai

Ngoài ra, ông Thayer cho hay, Washington đánh giá khá cao về tiềm năng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam và có thể sẽ thúc đẩy hỗ trợ Việt Nam cả trong lĩnh vực này

Tại Đông Nam Á, Singapore đang là quốc gia dẫn đầu. Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đang ở giai đoạn gần như tương đương nhau trong việc phát triển chính sách quốc gia, nghiên cứu, cũng như đưa AI và điện toán lượng tử vào ứng dụng thực tế. Do đó, nếu nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ, năng lực của Việt Nam ở hai khía cạnh trên sẽ phát triển hơn nữa

Theo vị Giáo sư, Mỹ và các tập đoàn tư nhân của nước này là những nhà phát triển và tham gia lớn trong lĩnh vực AI, cũng như công nghệ điện toán lượng tử. Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các nguồn đầu tư trực tiếp của Mỹ, các công ty liên doanh, chuyển giao kỹ năng quản lý và kỹ thuật, cũng như tiếp cận thị trường

“Có thể nói, Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác đáng tin cậy với nhau sau nhiều năm hợp tác. Washington có thể lựa chọn ưu tiên trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử do đây là những công nghệ tiên phong cho tương lai

Việt Nam cũng đang đặt ưu tiên cho công nghệ Cách mạng công nghiệp 4.0 nên quan điểm của Việt Nam và Mỹ đã đạt được sự nhất quán. Washington cũng mong muốn hợp tác phát triển công nghệ năng lượng xanh với Hà Nội” – Ông Thayer nhận định
 
Phát huy hợp tác Việt - Mỹ về công nghệ

Định hướng phát triển kinh tế chú trọng công nghệ cao của Việt Nam có nhiều điểm phù hợp với chiến lược định hình chuỗi cung ứng của Mỹ trong khu vực


Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về đầu tư và đổi mới sáng tạo tại Văn phòng Chính phủ sáng 11-9

Chuyến thăm mới đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam được đánh dấu bằng việc hai nước chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện

Động thái này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế hai nước, trong đó hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một bước đột phá

Những ưu tiên chung

Tại cuộc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 11-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác về đổi mới, sáng tạo và nền kinh tế công nghệ cao

Ông Amitendu Palit, nhà nghiên cứu cấp cao về thương mại và kinh tế, Viện kinh tế Nam Á (ĐH Quốc gia Singapore), nhận định định hướng phát triển kinh tế công nghệ cao của Việt Nam có thể nhìn thấy tiềm năng từ chiến lược "friend-shoring" của Mỹ

Theo đó, chính quyền ông Biden đang nỗ lực định hình lại chuỗi cung ứng khu vực. Washington thậm chí thể hiện mong muốn đưa đầu tư bán dẫn về Mỹ và hướng tới mục tiêu trở thành nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới

Trong lộ trình đó, Washington đang làm việc với các nước đối tác tin cậy để tìm nguồn cung ứng và các hoạt động khác trong chuỗi cung ứng sản xuất chip, ông Palit nói với Tuổi Trẻ

Trong những năm qua, dù đầu tư của Mỹ vào Việt Nam tăng trưởng đều song thực tế tổng giá trị đầu tư vẫn còn khá khiêm tốn nếu so với các đối tác khác của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Singapore

Theo bà Alicia Garcia Herrero - kinh tế trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Natixis, việc nâng cấp quan hệ với Mỹ có thể mở đường cho sự thay đổi theo hướng tích cực

"Các lĩnh vực chủ đạo trong hợp tác kinh tế Việt - Mỹ như ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ xanh có thể nhận được nhiều nguồn vốn từ nước ngoài hơn", bà phân tích

Nỗ lực để tận dụng thời cơ

Năng lực sản xuất mà Việt Nam đã phát triển trong suốt 2 - 3 thập niên qua được cho là đang giúp Việt Nam có vị trí tốt để tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn

Ông Palit cho rằng Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược bảo vệ chuỗi cung ứng sản xuất, bán dẫn vì Việt Nam là một nước sản xuất điện tử, nơi nhu cầu sử dụng chip rất lớn

Các ngành công nghệ cao như bán dẫn, AI, công nghệ xanh, có thể có nhiều cơ hội hơn với dòng vốn FDI tăng lên sau sự kiện nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ. Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên FDI công nghệ cao, dành nhiều ưu đãi và lợi ích hơn cho các doanh nghiệp mảng này

"Dù vậy, quá trình từ đầu tư cho đến củng cố năng lực sản xuất sẽ cần thời gian, nhất là khi Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều hạn chế trong nước như cơ sở hạ tầng, phát triển chính sách và sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô", bà Herrero nói với Tuổi Trẻ
 
Quan hệ Việt - Mỹ nâng 2 bậc là 'bước đi phi thường'

Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, việc hai nước xác lập khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện cho thấy "chất lượng cũng như khát vọng của mối quan hệ song phương"


Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 13-9

Ngày 13-9, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đã có buổi gặp gỡ báo chí để chia sẻ về kết quả chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden cũng như triển vọng mối quan hệ Việt - Mỹ

Mỹ cảm kích

"Thật sự cảm động khi chứng kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden gặp nhau", Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper chia sẻ tại cuộc họp báo

Trong gần suốt sự kiện, nhà ngoại giao Mỹ cho thấy tinh thần lạc quan về tương lai quan hệ song phương sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden

Nhắc lại các hoạt động của nhà lãnh đạo Mỹ trong khoảng 24 giờ tại Việt Nam, Đại sứ Knapper cho biết "Tổng thống Biden rất đỗi vui mừng trước những gì đã diễn ra tại Việt Nam"

Ông Knapper khẳng định việc hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững là "một bước nhảy 2 bậc", cho thấy "chất lượng cũng như khát vọng cho mối quan hệ song phương"

"Chúng tôi rất cảm kích và vinh dự khi phía Việt Nam xem xét và quyết định bước đi nâng cấp phi thường, chưa từng có như vậy", Đại sứ Knapper chia sẻ

"Có một sự kiện đặc biệt cảm động là khi Tổng thống Biden đến Nhà Quốc hội để gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Một buổi lễ nhỏ trao đổi kỷ vật từ thời chiến đã diễn ra tại đó, trước sự chứng kiến của hai nhà lãnh đạo", ông Knapper nhớ lại

Một vài cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam là nhân vật chính trong buổi lễ nhỏ đó. Một quyển nhật ký đã nhuốm màu thời gian được cựu binh Mỹ trao lại cho Việt Nam và nhận lại các vật dụng của lính Mỹ trong chiến tranh. Một số tài liệu giúp tìm kiếm người mất tích cũng được bàn giao tại sự kiện

"Nhìn thấy các cựu chiến binh của cả hai bên thực hiện cuộc trao đổi này trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thật sự cảm động vô cùng. Nó còn có ý nghĩa đặc biệt đối với cá nhân tôi vì cha tôi cũng từng là một người lính đã cầm súng tại đây", đại sứ Mỹ bày tỏ

Đầu tư vào giáo dục là đầu tư vào công nghệ

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc đâu sẽ là lĩnh vực Mỹ ưu tiên thúc đẩy trong hàng loạt cam kết với Việt Nam trong tuyên bố chung nâng cấp quan hệ, Đại sứ Knapper cho biết mục tiêu lớn của Mỹ là hỗ trợ Việt Nam xây dựng một nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo

Để làm được điều đó, Mỹ sẽ dựa trên sự hợp tác công nghệ cao, chẳng hạn như chất bán dẫn, đào tạo và giáo dục nhân lực ngành công nghệ cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực STEM

Theo đại sứ Mỹ, việc xây dựng được một nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghệ cao là rất quan trọng, góp phần xây dựng nền kinh tế đổi mới sáng tạo

Theo tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ, hai nước sẽ khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai

"Đầu tư vào giáo dục chính là một khoản đầu tư vào công nghệ cao. Các lĩnh vực hợp tác có sự kết nối nhằm tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn và tươi sáng hơn cho cả hai nước chúng ta", Đại sứ Knapper nêu
 
Top