What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tập đoàn Hoa Sen

LOBBY.VN

Administrator
Chủ tịch Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ 'Tiền là phương tiện để tồn tại'​

hoctrongcuocsong66a1.jpg

Bắt đầu kinh doanh với vốn "lận lưng" là 2 chỉ vàng với 200.000 đồng (tương đương 1,2 triệu đồng), sau 10 năm, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group đã gây dựng được cơ đồ như ngày nay

- Anh có thấy mình là người có cơ duyên với ngành vật liệu xây dựng ?

Tôi nghĩ mình may mắn vì thời gian đầu tôi làm rất nhiều nghề và rất chật vật, chỉ mong kiếm được đồng tiền. Tôi bắt đầu con đường kinh doanh với chút tiền "lận lưng" là 2 chỉ vàng với 200.000 đồng (tương đương 1,2 triệu đồng), thuê mặt bằng 500.000 đồng/tháng để kinh doanh, nhưng kẹt là phải thế chân 5 triệu đồng

Lúc đấy tôi rất khó nghĩ, nhưng may mắn là có bác Lê Ba cho vay 50 triệu đồng. Tôi có nói với ông là sau này sẽ "cắt tôn trả nợ". Đó là cơ duyên và tôi bắt đầu gây dựng tôn Hoa Sen từ đó. Ngay ngày đầu tiên, tôi đã lãi được 650.000 đồng. Sau đó chỉ trong vòng 10-15 ngày tôi đã có đủ tiền để trả cho bác Lê Ba

- Món nợ lớn nhất mà doanh nghiệp của anh từng vay là khi nào ?

Là khoảng năm 2004 - 2005, tôi vay 8-10 triệu USD vốn ODA để xây dựng nhà máy cán nguội đầu tiên của Hoa Sen

- Suy nghĩ của anh lúc đó là gì ?

Tôi rất lo. Lo vì lúc đó tôi không có kiến thức gì về làm nhà máy cán nguội. Phải tự tìm tòi, học hỏi từ chính thực tế công việc. Khi tôi làm xong nhà máy, rất nhiều người trong ngành không tin vì chi phí đầu tư của Hoa Sen khi đó rẻ hơn một nửa so với những nhà máy khác. Lúc đó tôi không có đường lùi, chỉ có quyết tâm, nỗ lực tối đa, tiết kiệm chi phí và quyết làm cho bằng được

- Như anh đã nói, trong khoảng một năm anh đã làm xong nhà máy và cho ra sản phẩm, trong khi những nơi khác có thể phải mất 2-3 năm. Anh có thể làm được rất nhiều việc trong khi kiến thức của anh lúc đó cũng không nhiều ?

Khi còn trẻ tôi không có điều kiện được học nhiều, chỉ đến trung cấp. Nhưng khi đi làm, tôi ý thức phải tự học: học từ công việc, học trong thực tiễn kinh doanh, học từ thất bại, học phán đoán, dự liệu mọi tình huống và có phương án để đối phó. Thời đó, thuê chuyên gia nước ngoài rất đắt, Hoa Sen vẫn phải thuê chuyên gia của Anh, Úc để họ hướng dẫn cho mình. Tôi đặt mục tiêu phải học hỏi được kỹ thuật công nghệ này. Tôi đích thân đi Mỹ, Ấn Độ, Đài Loan… để tìm hiểu các nhà máy cán nguội, từ đó có thêm kiến thức làm nhà máy cho Tôn Hoa Sen

- Từ tay trắng anh đã gây dựng Tôn Hoa Sen phát triển như bây giờ, đây là một thành tựu rất ngoạn mục. Đến giai đoạn này khi nền kinh tế có những khó khăn và nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng thì Hoa Sen Group xác định mình đang ở đâu ? Yếu tố then chốt nào để anh giữ cho Hoa Sen Group phát triển mạnh mẽ ?

Ở Hoa Sen Group, tôi muốn mọi người thấm nhuần văn hóa donh nghiệp:
phải trung thực và làm việc vì cộng đồng. Tôi là người gây dựng nên Hoa Sen Group, có trách nhiệm với 3.000 nhân viên và khoảng 6.000 cổ đông, nên trong quyết định và suy nghĩ của tôi đều đại diện cho số đông


Đúng là có những giai đoạn kinh tế tăng trưởng, nhưng từ 2008 đến nay nhiều doanh nghiệp đã bị chậm lại và có phần đi xuống. Hoa Sen Group ngược lại, vẫn tăng trưởng hơn 4 lần, thị phần của chúng tôi chiếm hơn 40% và 2 năm gần đây Hoa Sen Group đã xuất khẩu hơn 30% sản phẩm

Yếu tố quan trọng là chúng tôi có một tầm nhìn tốt, chiến lược đúng, phát triển bền vững và biết thích nghi với mọi hoàn cảnh. Hiện tại Hoa Sen có hệ thống hơn 100 cửa hàng bán lẻ, đây là nỗ lực để chúng tôi chiếm lĩnh thị trường

- Có phải anh có kinh nghiệm từ buôn bán nên nhận thấy tầm quan trọng của hệ thống bán lẻ ?

Với nhà sản xuất và kinh doanh, vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm vô cùng quan trọng. Tôi đã thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng như ở Mỹ bị phá sản nên tự rút ra bài học cho riêng mình. Quy luật của thị trường là rất khắc nghiệt, phải độc đáo, phải có sự khác biệt. Trong cạnh tranh toàn cầu, doanh nghiệp vốn yếu lại không có lối đi riêng sẽ rất dễ bị chèn ép. Kinh nghiệm cho tôi biết, không thể cạnh tranh trực diện. Chiến lược của tôi là mạnh dùng sức, yếu dùng thế

- Anh có thể nói rõ hơn cách anh dùng "thế" ra sao ?

Phải tạo ra lợi thế bằng cách kiểm soát và sở hữu hệ thống bán lẻ. Có như vậy mới giải quyết được đầu ra và kiểm soát được thị trường. Điều quan trọng nữa là phải biết xây dựng thương hiệu. Tôi muốn Hoa Sen phải đi vào lòng người Việt Nam. Vì thế, Hoa Sen Group làm bóng đá, tài trợ chương trình "vượt lên chính mình"… Chúng tôi muốn thương hiệu của mình gần gũi, thân thiện với người Việt Nam

- Cũng có nhiều người nói rằng, anh là một người đam mê công việc, xông xáo, quyết đoán và cũng gây rất nhiều áp lực lên nhân viên. Anh nghĩ sao ?

Áp lực là đương nhiên. Áp lực giúp người ta phấn đấu tốt hơn và tôi cho đó là đúng. Có những thời điểm quan trọng như khi xây dựng nhà máy, chỉ riêng đổ móng nhà xưởng, phải đào một cái hố rộng hơn 2.000 m2, sâu 8 mét. Khi đó đang là tháng 4- 5, là thời điểm mưa ở Bình Dương. Nếu tôi không đích thân đôn đốc, mưa đến ngập lụt cả khu vực đó, chỉ cần chậm một tuần việc xây dựng sẽ lùi lại ít nhất 6 tháng, nếu quy ra tiền sẽ là một con số không phải nhỏ. Chưa kể nó có thể dẫn đến nhiều hệ quả khác

Áp lực hay không không quan trọng mà quan trọng là "có tồn tại được hay không" ? Nếu tôi dồn áp lực cho nhân viên 1 thì áp lực của tôi đến 10

- Mới rồi anh từng có một quyết định táo bạo là tuyển chọn CEO mới

Nhưng người này mới lên ghế tổng giám đốc được 18 ngày lại từ chức

Anh có muốn chia sẻ về trường hợp này ?

Đây là chuyện nội bộ nên sẽ chia sẻ riêng vào lúc khác, nhưng tôi là người dám nói, dám làm. Ở Hoa Sen Group, tôi muốn mọi người thấm nhuần văn hóa doanh nghiệp: phải trung thực và làm việc vì cộng đồng

Tôi là người gây dựng nên Hoa Sen Group, có trách nhiệm với 3.000 nhân viên và khoảng 6.000 cổ đông, nên mọi quyết định và suy nghĩ của tôi đều đại diện cho số đông

- Nhiều doanh nhân đi lên từ doanh nghiệp gia đình, vẫn muốn mình là người quyết định tất cả mọi thứ. Gần đây với Hoa Sen Group anh đã tự tách bạch chức danh Chủ tịch HĐQT với CEO. Từ đâu anh có suy nghĩ như vậy ?

Đây là quan điểm, nhận thức của người lãnh đạo. Tôi chỉ là đầu tàu và biết mình không thể làm tất cả mọi việc. Tôi cần nhiều cộng sự để họ giúp đi đến những mục tiêu. Tôi nghiệm ra có 4 thứ rất quan trọng để doanh nghiệp tồn tại bền vững, đó là: phải có tầm nhìn, có chiến lược, biết xây dựng văn hóa doanh nghiệp và thích nghi tốt

Từ một doanh nghiệp nhỏ đi lên nên tôi rất hiểu con đường của mình đi như thế nào. Làm lãnh đạo đâu có dễ, vừa là kỹ năng, vừa là nghệ thuật, phải có lúc cương, lúc nhu, tùy người, tùy lúc mà cư xử

- Đã nhiều năm làm kinh doanh, gây dựng doanh nghiệp từ rất nhỏ thành một tập đoàn lớn như bây giờ, có khi nào anh thấy kinh doanh quá mệt mỏi và muốn… giã từ cuộc chơi ?

Tôi đã làm được 3 việc: Tôi đã trao chức tổng giám đốc cho người khác, đó là sự dũng cảm, ít nhất trong nhận thức. Về hành động, tôi đã có được người tin cậy để trao quyền và Hoa Sen Group bây giờ là công ty của đại chúng, chứ không phải là của cá nhân tôi; tôi có nghĩa vụ với cổ đông, với các nhân viên của tập đoàn

Tôi luôn muốn công ty không có tôi mà vẫn hoạt động tốt. Bây giờ tôi đã và đang có được đội ngũ đáng tin cậy để điều hành công việc. Tôi đã chuẩn bị hết cho tất cả những điều đó

- Đã là người lăn lộn nhiều trên thương trường, biết rất rõ giá trị của đồng tiền làm ra. Nếu có thể nói về tiền thì anh sẽ nói gì ?

Tiền là phương tiện để tồn tại. Làm ra tiền, có nhu cầu về tiền là chính đáng. Vấn đề là tạo ra tiền như thế nào, sử dụng đồng tiền ra sao mới đáng nói. Hoa Sen đặt ra giá trị "trung thực, cộng đồng, phát triển" là tôi đã lồng vào đó suy nghĩ, làm ra đồng tiền phải dung hòa giữa quyền lợi của mình và trách nhiệm với cộng đồng

- Người ta thường nói doanh nhân là những người mê tiền, anh nghĩ sao về điều này ?

Sống là phải có đam mê. Mỗi người phải có đam mê để theo đuổi. Làm doanh nhân thì phải có mục tiêu kiếm lợi nhuận, miễn là làm ra đồng tiền và sử dụng nó như thế nào. Mê tiền cũng phải có lý trí, có lương tâm, có trách nhiệm

- Nói thì dễ, nhưng khi đã lao vào thương trường, bị cuốn hút vào vòng xoáy kiếm tiền không dễ biết lúc nào dừng ?

Nhiều người thấy tôi lao vào kinh doanh, họ từng nghĩ tôi không thể dừng lại vì ở tôi toát lên sự mạnh mẽ, đam mê. Nhưng tôi đã chuẩn bị chỗ của tôi rồi. Tôi tin là nơi đó sẽ giúp tôi tĩnh lặng, thư thái

Tập đoàn Hoa Sen

Năm 2001: thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen (Lotus Joint Stock Company)

12/2007: Đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (tên giao dịch là Hoa Sen Group)

5/12/2008: chính thức niêm yết 57.038.500 cổ phiếu (mã chứng khoán là "HSG"), tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM.

Lĩnh vực hoạt động chủ yếu: tôn thép, vật liệu xây dựng, bất động sản, đầu tư tài chính, cảng biển và logistics

Doanh thu năm 2010 - 2011: 8.200 tỷ đồng
 
Triết lý kinh doanh của ông chủ Tập đoàn Hoa Sen​

Trong cơn bão khủng hoảng, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen - Lê Phước Vũ vẫn kiên định mục tiêu xây dựng nhà máy với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, để mở hướng đi mới, đưa thương hiệu vươn tầm quốc tế

Trong cơn mưa dầm rả rích kéo dài tới khuya, người ta vẫn thấy ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen chạy ngược chạy xuôi trên công trường xây dựng Nhà máy tôn Hoa Sen Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu

Đây là giai đoạn căng thẳng nhất với cả công ty, đặc biệt là ông - người đã dùng uy tín, tâm huyết, kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn với nghề thuyết phục HĐQT đổ vốn hàng nghìn tỷ đồng tạo dựng nhà máy để chủ động sản xuất, mở ra hướng phát triển mới mà nhiều người cho rằng nó không khả thi

ong-vu.jpg

"Đến giờ này, tôi mới thực sự nhẹ nhõm khi doanh nghiệp vượt qua cơn giông bão lớn của giai đoạn cực kỳ khó khăn 2008-2011", Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ chia sẻ​

Đó là giai đoạn giữa năm 2010 đến 2011, kế hoạch phát hành thêm 500 tỷ đồng cho đối tác chiến lược đột ngột khựng lại do bóng đen nợ công châu Âu ập đến, thị trường chứng khoán lao dốc không phanh

Ông Vũ nói: "Xây dựng dang dở nhưng không còn tiền để làm. Chính sách thắt chặt tiền tệ đẩy lãi vay tăng cao, tỷ giá biến động mạnh. Chúng tôi bàng hoàng không biết điều gì đang xảy ra"

Với ông, lúc này chỉ có một lối thoát là nhanh chóng đưa nhà máy hoạt động sớm nhất có thể, để có dòng tiền, doanh thu để trích khấu hao

Thậm chí việc xuất khẩu ra thị trường bên ngoài cũng được tính đến, chứ không chỉ dồn sức cho nội địa như từ trước tới giờ. "Chúng tôi chỉ có con đường duy nhất là tồn tại hay không tồn tại, chứ không phải là thành công hay không thành công, có muốn làm hay không", người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen nhớ lại

Chính vì thế, đích thân Chủ tịch Lê Phước Vũ nằm vùng ở địa bàn xây dựng hàng tháng trời, 12h đêm vẫn ngược xuôi trên công trường, trong những cơn mưa dầm không dứt. Nhớ lại quãng thời gian này, ông chia sẻ: "Chúng tôi làm việc như thời chiến". Bản thân ông vừa đốc thúc nhà thầu thiết kế, thi công, giám sát xây dựng nhà xưởng, vừa hối thúc nhà cung cấp máy móc thiết bị giao hàng kịp thời để lắp đặt máy nhanh cho kịp tiến độ. Dây chuyền này lắp xong tới dây chuyền khác, bảo đảm sự đồng bộ. Kết quả là chỉ trong 10 tháng nhà máy đã cho ra đời những sản phẩm đầu tiên

Trước đó, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 đã giáng đòn chí tử với nhiều doanh nghiệp, Hoa Sen cũng không ngoại lệ. Giá thép cán nóng (nguyên liệu sản xuất thép cán nguội và tôn mạ) giữa năm 2008 trên 1.100 USD một tấn đã giảm còn 400 USD vào cuối năm (giảm hai phần ba chỉ trong 6 tháng). HĐQT Tập đoàn Hoa Sen như ngồi trên đống lửa vì mỗi ngày qua đi, giá càng giảm sâu

Lúc đó, ông Vũ quyết định cắt lỗ, nhanh chóng bán hết hàng trong kho, rồi sau đó mua lại với giá rẻ hơn, nhu cầu tới đâu mua tới đó. Nhờ vậy, doanh nghiệp thoát khả năng thua lỗ gần như nắm chắc trong niên độ tài chính 2008 – 2009, và còn có lãi

ong-vu-4.jpg

Những năm 90, tích cóp được 2 chỉ vàng, gia đình ông Vũ mua trả góp máy cán tôn cũ, tự cắt tôn, đi bán lẻ khắp nơi
Đến khi công việc kinh doanh thuận lợi, gia đình mới quyết định thành lập công ty để mở rộng sản xuất

Nghĩ lại những biến cố không thể quên trong cuộc đời, Chủ tịch Lê Phước Vũ đúc kết: "Quyết đoán, chính xác, linh hoạt ở mọi hoàn cảnh, tạo sức mạnh đoàn kết trong toàn thể nhân viên là cốt lõi thành công"

Song, nói thì dễ, làm mới khó và trước một quyết định mang tính sống còn, những lãnh đạo cấp cao phải "mắt sáng" để trong trăm phương nghìn hướng chọn ra lối đi đúng đắn nhất. Đây là những đúc kết ông có được sau nhiều thành công, nhưng cũng lắm thử thách, nhất là chặng đường trước khi bén duyên với ngành tôn thép

Thập niên 90, chàng thanh niên Lê Phước Vũ trải qua nhiều công việc khác nhau, sống chật vật với đồng lương ít ỏi. Chắt chiu nhiều năm trời, anh tích cóp được 2 chỉ vàng (tương đương hơn một triệu đồng). Vay mượn thêm người quen, Vũ thuê cửa hàng để kinh doanh tôn lẻ tại ngã tư An Sương, quận 12, TP HCM. Cầm số tiền lãi 650.000 đồng của ngày đầu tiên làm chủ cửa hàng nhỏ, hai vợ chồng rưng rưng nước mắt

Nhưng con đường kinh doanh không dễ có lợi nhuận như ngày hôm đó, đặc biệt là với một người không được đào tạo bài bản trong lĩnh vực kinh tế như ông. Quá trình biến một cửa hàng nhỏ bé chỉ với vài nhân viên để thành một tập đoàn gần 3.000 lao động, doanh thu hơn 8.000 tỷ đồng như hôm nay là một quãng đường dài, đầy khó khăn

Cửa hàng bán lẻ nếu cứ kinh doanh mãi một kiểu sẽ không còn lời, thậm chí khó tồn tại. Vì vậy, sau một thời gian, ông chuyển lên xây dựng xưởng cán tôn, rồi chyển lên sản xuất lớn đòi hỏi đầu tư hiện đại, cho ra sản phẩm tốt cao...

Tiếp đến, Tôn Hoa Sen xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối hiệu quả... để cạnh tranh với các đối thủ nặng ký là những tập đoàn lớn của nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam

Người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen tâm đắc câu nói "mạnh dùng lực, yếu dùng thế". Ông ví von, các tập đoàn nước ngoài như người khổng lồ trên võ đài tung các cú đấm mạnh, nhưng nếu mình khôn ngoan, biết cách né tránh, họ sẽ không đánh tới được mà luôn cách ta gang tay, việc cố đấm chỉ khiến họ mệt thêm. Nhờ biết cái thế của mình nên ngoài việc giữ vững thị phần, doanh nghiệp vẫn tăng trưởng trong thời buổi khó khăn

Chủ tịch Tôn Hoa Sen dẫn chứng, năm tài chính 2010-2011, sản lượng tiêu thụ của công ty là gần 382.000 tấn, đạt gần 8.200 tỷ đồng doanh thu và hơn 160 tỷ đồng lợi nhuận. Riêng lợi nhuận sau thuế hợp nhất lũy kế quý I của niên độ tài chính 2011-2012 (tháng 10, 11 và 12/2011) ước khoảng 100 tỷ đồng

Triết lý đạo Phật có ảnh hưởng lớn đến đường lối kinh doanh của Hoa Sen, bởi ông Vũ là người có niềm tin vào Đức Phật. Cái tên Hoa Sen có ý nghĩa: "Vô nhiễm, trừng thanh, kiên nhẫn, viên dung, thanh lương, hành trực, ngẫu không và bồng thực"

Còn phương châm kinh doanh của Chủ tịch Lê Phước Vũ là làm ăn chân chính, tạo công ăn việc làm chính đáng cho người lao động, mang lại những hạnh phúc căn bản nhất cho con người
 
Last edited by a moderator:
Xin chừa bất động sản​

Hoa Sen quyết định rút hết vốn khỏi 3 dự án bất động sản, chỉ giữ lại dự án Phố Đông - Hoa Sen (quận 9, TP.HCM) đang được xây dựng dở dang

Tập đoàn Hoa Sen đã quyết định rút lui khỏi bất động sản, quay về với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thép. Doanh nghiệp nào sẽ nối gót ?

Vào những năm 2006, 2007 và nửa đầu năm 2008, đầu tư vào bất động sản là một trong những ngành kinh doanh thời thượng với quan niệm đầu tư kiểu gì cũng có lời

Do vậy, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng tài chính, thiếu kinh nghiệm cũng nhảy vào kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế, sự khó khăn của thị trường trong 3 năm qua đang buộc nhiều doanh nghiệp phải xem lại việc đầu tư vào lĩnh vực này

Câu chuyện của Hoa Sen

Ngày 12.12.2009, Khu Dân cư Điền Phúc Thành, phường Phước Long B, Quận 9, TP.HCM, ồn ào hẳn lên bởi sự có mặt của một đội lân sư rồng, xe cộ tấp nập cùng những vị khách quan trọng. Hôm đó chính là ngày khởi công dự án liên doanh cao ốc Phố Đông - Hoa Sen do Tập đoàn Hoa Sen và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Phố Đông làm chủ đầu tư

Đó cũng là dự án bất động sản đầu tiên của Hoa Sen. Hai dự án tiếp theo của Tập đoàn là Khu Căn hộ Hoa Sen Phước Long B và Căn hộ Hoa Sen Riverside tại quận 9, TP.HCM

Theo thông tin báo chí của Tập đoàn phát đi vào thời điểm đó, định hướng phát triển lâu dài của Hoa Sen là tiếp tục mở rộng đầu tư bất động sản và vươn tới mục tiêu đứng đầu trong lĩnh vực này. Hoa Sen cũng dự kiến triển khai hàng loạt dự án trên cả nước nhằm đón đầu thời điểm thị trường bất động sản hồi phục theo sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế sau khủng hoảng. Tiếp đó, năm 2010, Hoa Sen cũng bỏ ra 52,25 tỉ đồng mua đất ở 123 Trần Não, quận 2, TP. HCM với ý định xây trụ sở của Tập đoàn

Trong 2 báo cáo thường niên của năm 2009 và 2010, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoa Sen, luôn nhấn mạnh rằng bên cạnh lĩnh vực logistics, bất động sản là mảng hứa hẹn sẽ gia tăng doanh thu, lợi nhuận cho Tập đoàn

Tuy nhiên, cuối năm 2011, Tập đoàn Hoa Sen đã có thay đổi lớn trong chiến lược kinh doanh. Đó là quyết định rút khỏi mảng kinh doanh phụ và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thép. Theo đó, Hoa Sen sẽ chuyển nhượng để rút hết vốn ra khỏi 3 dự án bất động sản và 1 dự án logistics là dự án Cảng Quốc tế Hoa Sen - Gemadept

Hoa Sen chỉ giữ lại dự án Phố Đông - Hoa Sen đang xây dựng dở dang. Tính đến hết năm 2011, tổng vốn Hoa Sen đã giải ngân cho 4 dự án dự định chuyển nhượng là 186,98 tỉ đồng

Theo ông Vũ, Tập đoàn Hoa Sen, quyết định mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản trước đây xuất phát từ dự báo triển vọng khả quan về thị trường này, nhưng diễn biến thị trường từ năm ngoái đến nay cho thấy bất động sản không được khả quan như dự tính ban đầu. Vì thế, Tập đoàn quyết định rút lui

Theo báo cáo kiểm toán 2009-2010, Hoa Sen có mức nợ chiếm 64% tổng tài sản và gấp 1,8 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, 85% là nợ ngắn hạn. Với khoản nợ này, Hoa Sen đang chịu áp lực lãi vay rất lớn. Báo cáo tài chính trong 4 quý gần đây cho thấy, Hoa Sen đều phải dành hơn 50 tỉ đồng mỗi quý để trả lãi vay, tăng 2-3 lần so với cùng kỳ

Đó là chưa kể đến việc Hoa Sen còn cần trên 1.000 tỉ đồng nữa để đầu tư vào Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ và Nhà máy ống thép, ống nhựa vật liệu xây dựng Hoa Sen giai đoạn 2. Vì thế, dù theo ông Vũ, việc chuyển nhượng dự án là nhằm thích nghi với những thay đổi trên thị trường bất động sản, nhưng có thể thấy việc Hoa Sen chuyển nhượng dự án có lẽ còn là do thiếu vốn

Ai sẽ nối gót ?

Quay lại năm 2009, năm không chỉ có Hoa Sen mà còn nhiều doanh nghiệp khác đã rất hồ hởi bước vào thị trường bất động sản, nhất là đối với một số doanh nghiệp dư tiền sau khi thành công với đầu tư tài chính từ những năm trước đó. Trong số này có thể kể đến Kinh Đô, Mai Linh, Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh, Giấy Vĩnh Tiến...

Thế nhưng, thị trường bất động sản ảm đạm kéo dài đã khiến cho không ít doanh nghiệp gặp khó khăn. Do đó, việc rút lui (một phần hay toàn bộ) là chuyện không thể tránh khỏi. Đã có doanh nghiệp bắt đầu tiếp bước Hoa Sen là Sacom, một công ty hoạt động trong lĩnh vực cáp

Năm 2009 đánh dấu sự tham gia của Sacom trong lĩnh vực bất động sản với 3 dự án lớn gồm Giai Việt (quận 8, TP.HCM), SamLand River View (quận Bình Thạnh, TP.HCM) và khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn tại hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt

Sacom từng khẳng định sẽ tiếp tục kiên trì với lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, trong kế hoạch kinh doanh trình Đại hội cổ đông thường niên năm 2012, Hội đồng Quản trị Sacom đã dự tính chuyển nhượng khu đất tại 475/1 Điện Biên Phủ, TP.HCM và nhất trí giao cho Ban điều hành thực hiện và báo cáo kết quả chuyển nhượng

Do vốn đầu tư các dự án bất động sản chủ yếu đến từ nguồn vốn thặng dư (tức ít chịu áp lực lãi vay) nên năm 2011, tỉ lệ nợ/tổng tài sản của Sacom chỉ là 10%. Trong khi đó, việc chuyển nhượng dự án trong lúc này là không hề dễ dàng và khó có được giá tốt. Những điều này cho thấy việc muốn chuyển nhượng dự án tại đường Điện Biên Phủ có thể là do Công ty đã quá ngán ngẩm với bất động sản

Năm 2012, thị trường bất động sản sẽ còn nhiều khó khăn. Vì thế, xu hướng mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực này được dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ. Câu chuyện của Hoa Sen hay Sacom có thể chỉ là bước đầu của quá trình rút lui khỏi bất động sản và quay lại với lĩnh vực cốt lõi của các doanh nghiệp Việt Nam
 
Trực giác mách bảo bán tháo hàng, Hoa Sen lãi nghìn tỷ​

phuocvu.jpg

Giá thép sụt 2/3, chi phí lại rất lớn. Hoa Sen đứng trước nguy cơ phá sản. Lúc đó, trực giác mách bảo tôi quyết định bán tháo hàng, thúc đẩy phân phối. Nhờ đó, năm 2008, công ty lãi trên 1.000 tỷ đồng

Tại buổi hội thảo “Lắng nghe trực giác và những quyết định sống còn trong kinh doanh” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) phối hợp tổ chức, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, đã chia sẻ những trải nghiệm trên thương trường của ông và những điều ông chia sẻ đã khiến nhiều người bất ngờ...

Khởi nghiệp đúng đắn

Tôi sinh ra trong gia đình nghèo, và vì nghèo nên có ý chí và khát khao vươn lên. Tuy vậy, khi kinh doanh tôi tuyệt đối không dùng kỹ xảo, thủ đoạn, bởi tôi tin khởi nghiệp xuất phát từ tinh thần đúng sẽ tạo nên phong cách chuẩn mực, tạo được niềm tin nơi người khác

Năm 1994, tôi mới ra làm ăn và mãi đến năm 2001 mới chính thức lập công ty. Khởi đầu, Hoa Sen xây dựng hệ thống phân phối chi tiết..., nhưng bước vào cuộc mới biết phải chấp nhận bán “thiếu”, bán gối đầu thì sản phẩm mới ra được thị trường

Như vậy cũng có nghĩa rủi ro mất vốn là rất cao. Do đó, tôi đặt ra tiêu chí trung thực cho mình: phải kinh doanh đúng thì mới mong đối tác cũng đúng. Cái tâm cũng có những tần số tương ứng, sẽ giúp mình nhìn ra tâm của người cộng sự, chọn đúng người mà kết hợp

Thế nên, trong chọn lựa đối tác, tôi nhìn người bằng trực giác. Và càng trải nghiệm nhiều, trực giác càng chính xác

Trong khởi nghiệp, việc hình thành đội ngũ là rất quan trọng. Ai cũng đòi hỏi sự hoàn hảo, nhưng thực tế không có ai là người hoàn hảo. Giải pháp tốt nhất là lựa chọn người phù hợp nhất với đòi hỏi của công việc

Cũng cần lưu ý với các bạn trẻ rằng, muốn thành công trong khởi nghiệp, tìm được đội ngũ trung thực thì bản thân mình cũng phải trung thực

Quay trở lại định nghĩa ban đầu, rõ ràng vẫn cần xây dựng cho mình một cái tâm trong sáng trước khi bước vào chốn thương trường. Vì xuất phát không đúng cũng rất khó trở lại bước khởi đầu

Xem lại mục đích kinh doanh

Có sự chuẩn bị tốt đã khó, duy trì phong độ và trung thành với con đường kinh doanh của mình còn khó hơn. Từ 1 triệu đồng ban đầu, đến nay số vốn đã tăng lên hơn 10.000 tỷ đồng, tôi vẫn giữ vững tay lái của mình

Trong quá trình kinh doanh, người trẻ nên tự hỏi xem tiền bạc là mục tiêu hay phương tiện? Nếu xem tiền bạc là mục tiêu, người trẻ sẽ dễ bất chấp phương tiện. Thực chất, người làm kinh tế là người mang lợi ích đến cho cộng đồng

Thực tế, doanh nhân Việt Nam chịu rất nhiều áp lực. Các nước khác đều đã hoàn thiện về mặt chuẩn mực, nhân lực cũng có chất lượng cao, làm kinh tế do vậy cũng nhiều thuận lợi

Ví von như một huấn luyện viên của một đội bóng nhiều cầu thủ giỏi và nề nếp, công tác huấn luyện rất dễ dàng. Doanh nhân Việt Nam không được như vậy, chúng tôi vừa phải học, vừa phải mày mò, thay đổi... cho kịp với chính sách

Tuy nhiên, khó khăn cũng chính là cơ hội, bởi khi trật tự đã được xác lập thì rất khó để khởi nghiệp. Ở Việt Nam, rõ ràng còn nhiều cơ hội dành cho người biết nhìn ra cơ hội

Đặc biệt, khó khăn hiện tại cũng là giai đoạn tốt nhất cho những người khởi nghiệp tham gia thương trường. Tuy nhiên, cũng đừng quá ảo tưởng, mà phải biết dấn thân

Trực giác đi liền với kiến thức

Với những doanh nghiệp lâu năm, trong bối cảnh này đều phải cố gắng tự điều chỉnh. Có như vậy cơ hội mới có thể mở ra. Hẳn các bạn trẻ sẽ thắc mắc, làm thế nào để doanh nhân có thể nhận biết cơ hội mà nắm bắt kịp thời. Câu trả lời rất đơn giản: bằng trực giác

Do đó, không nên nhìn sự việc qua hiện tượng, mà nên xem xét bản chất của sự việc. Và trực giác tốt luôn đi kèm với kiến thức. Tôi có đọc được kết quả một cuộc khảo sát của Đại học Harvard về trực giác, trong đó 20 CEO cùng đưa ra phán đoán về những vấn đề khác nhau, nhưng với những vấn đề họ có kiến thức thì kết quả tốt hơn hẳn

Tóm lại, công việc sẽ giúp doanh nhân trưởng thành và khi đã có quá trình rèn luyện, sẽ không còn cần đến “chiêu thức”. Doanh nhân phải ra quyết định liên tục, phải đối mặt liên tục, có khi còn thất bại liên tục...

Mấy ai trong cuộc chơi chứng khoán biết dừng đúng lúc ? Thất bại, lỗ... là học phí mà họ phải trả

Năm 2006 chứng khoán Việt Nam tăng vọt. Các đại gia chứng khoán phấn khởi, mọi người lao theo thị trường này. Tôi không được học về tài chính, không biết gì về thị trường này nhưng cũng tham gia

Đến năm 2008, Hoa Sen hạch toán kinh doanh lỗ. Tôi cảm thấy bế tắc và lo lắng lắm. Đối mặt với thử thách liên tục

Giá thép sụt đến 2/3, chi phí đầu tư, sản xuất lại rất lớn. Ngành thép giảm sản lượng, Hoa Sen đứng trước nguy cơ phá sản. Lúc đó, trực giác mách bảo tôi quyết định bán tháo hàng, thúc đẩy hệ thống phân phối bằng nhiều chính sách

Nhờ những nỗ lực đó, năm 2008, công ty lãi trên 1.000 tỷ đồng. Cũng trong năm 2008, tuy còn khó khăn, nhưng tôi vẫn quyết định đầu tư xây dựng nhà máy Hoa Sen Phú Mỹ với vốn 2.000 tỷ đồng

Đến năm 2010, nhà máy có sản phẩm, chúng tôi nhanh chóng xuất khẩu, nhờ vậy đã thoát khỏi khó khăn

Bản chất kinh doanh là sự liền mạch của dòng tiền. Doanh thu năm 2011 của Hoa Sen là hơn 8.000 tỷ đồng. Năm 2012, hy vọng Hoa Sen sẽ cán mức 10.000 tỷ đồng

Tôi luôn tin, thành công lớn chỉ có ở một vài thời điểm lịch sử. Đảm bảo dòng tiền tốt sẽ thành công. Bốn năm qua, nhiều đêm tôi thức trắng vì lo, nhưng thật may là có 3.000 nhân viên cùng lo với tôi. Chính điều này đã giúp tôi mạnh dạn dấn thân hơn và tin rằng, cứ làm hết sức mình ắt sẽ có kết quả tốt
 
Ông chủ Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ: 'Tôi tham vọng lẫn tham lam'

'Cá nhân tôi có cả tham vọng lẫn sự tham lam, nhưng tôi biết dùng lý trí của mình để hạn chế sự tham lam và để tham vọng nhiều hơn' - Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Diễn đàn Việt Nam - Ấn Độ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group bộc bạch.

doanh-nhan-5.jpg

Kinh tế gặp khó vẫn 'bội thu'

Thưa ông, Tết Quý Tỵ với ông chắc hẳn nhiều niềm vui khi Hoa Sen là doanh nghiệp khá hiếm hoi “lội ngược dòng” thành công?

Năm 2012 khép lại với rất nhiều niềm vui đối với Hoa Sen. Đây có thể nói là năm Hoa Sen đã có một vụ mùa bội thu trong khi nền kinh tế nhìn chung vẫn trì trệ, đồng thời nhu cầu sử dụng sản phẩm tôn thép và thép giảm sút khiến hàng tồn kho của doanh nghiệp (DN) rất lớn và nhiều DN đã phải thu hẹp và tạm ngừng sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, tại niên độ tài chính 2011 - 2012, Hoa Sen đạt doanh thu 10.088 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 368 tỷ đồng, tăng lần lượt 24% và 130% so với 8.166 tỷ đồng doanh thu và 160 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của niên độ tài chính trước đó. Có thể nói, đó là kết quả rất ngoạn mục, khi thế giới bị rơi vào khủng hoảng tài chính - tiền tệ, kinh tế suy thoái, trì trệ trong nhiều năm, còn kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng. Dù vậy chúng tôi vẫn đứng vững, không những vậy còn tiếp tục tăng trưởng, đầu tư.

Câu chuyện lương thưởng Tết này ám ảnh nhiều người lao động. Với cán bộ công nhân viên của Hoa Sen, cái Tết năm nay có “ấm”?

Năm nay toàn bộ đội ngũ cán bộ công nhân viên của Hoa Sen đều được tăng thu nhập, thưởng qua lương và mức thưởng khá tốt.

Còn bản thân, ông có tự thưởng cho mình phần thưởng nào đó thật đặc biệt?

Tôi tự thưởng cho mình một cái Tết thật ấm áp, chia vui với cộng đồng. Thực tế, với các hoạt động cộng đồng, Hoa Sen đều đã và đang thực hiện rất nhiệt tình, tích cực và thành tâm trong suốt những năm qua. Đặc biệt năm nay, chúng tôi tiếp tục tổ chức chương trình Mái ấm gia đình Việt - chương trình vui Xuân đón Tết cho 1.500 trẻ em tại các mái ấm, nhà mở và các trường giáo dưỡng tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Đây là năm thứ tư chúng tôi tổ chức chương trình Mái ấm Gia đình Việt. Năm nay chương trình được tổ chức vui hơn, đầy đủ hơn. Các em được đón giao thừa, được ăn ngon, mặc đẹp, được phong bao lì xì và được quà, được trở thành nhân vật chính của chương trình, có một sân chơi thực sự để quên đi điều không vui trong cuộc sống... Qua đó, các em có động lực phấn đấu vượt qua khó khăn, có niềm vui hơn trong cuộc sống khi Tết đến, Xuân sang.

Tôi rất muốn được hỏi một câu thành thật là qua những chương trình sẻ chia trách nhiệm với cộng đồng như vậy, ông và Hoa Sen được gì?


Chúng tôi hoạt động cộng đồng không vì “được”. Chúng tôi thấy mình có trách nhiệm và sự đồng cảm, chia sẻ với xã hội, với những người khó khăn thiếu thốn, đặc biệt là các em thiếu nhi. Trẻ em là thế hệ rất cần được quan tâm, chăm sóc, rất cần có mái ấm gia đình và rất đáng được hưởng hạnh phúc. Thế nhưng, các em lại không được như vậy mà phải tự kiếm sống.

Rồi có những em đôi khi bị xã hội sợ hãi, coi thường, xa lánh, chẳng hạn như các em phạm pháp phải vào các trung tâm giáo dưỡng. Chúng tôi muốn mang đến một thông điệp, để các em tin tưởng xã hội vẫn luôn quan tâm đến các em và để các em trân trọng những tình cảm nhỏ bé nhưng thiêng liêng, như sợi dây tinh thần dẫn lối, có thể giúp các em vượt qua mặc cảm và hoàn cảnh.

Ông có được sự đồng thuận từ các cổ đông nước ngoài trong kế hoạch chi tiêu “mạnh tay” cho các hoạt động trách nhiệm xã hội - CSR?

Tôi nghĩ, mình luôn có những lựa chọn, trao đổi với các đối tác trước khi họ trở thành cổ đông. Bản thân Hoa Sen hiện tại đang có hai cổ đông lớn là quỹ đầu tư nước ngoài đang nắm tỷ lệ sở hữu trên 20% cổ phần.

Nhưng các quỹ này đều đã biết Hoa Sen không chỉ là một tập đoàn kinh doanh tôn thép, mà còn là một tập đoàn có nhiều hoạt động cộng đồng, có một thương hiệu mạnh, thân thiện. Do vậy, hàng năm Đại hội đồng cổ đông đều nhất trí trích 1% lợi nhuận sau thuế để thực hiện các hoạt động từ thiện.

Hiện nay Hoa Sen đã được công nhận là thương hiệu quốc gia, cũng là thương hiệu gắn với sự nhận biết đại chúng, gắn với mọi sự chia sẻ trách nhiệm xã hội, được sự tin yêu của người tiêu dùng, công chúng và đó trở thành sự tương tác lẫn nhau. Mọi người tin yêu, tín nhiệm, mua và dùng sản phẩm của Hoa Sen và Hoa Sen có điều kiện hơn để thực thi trách nhiệm xã hội cộng đồng.

Hướng tới doanh số 1 tỷ USD

Ở trong nước, Hoa Sen là một thương hiệu quốc gia và rất mạnh, nhưng ra nước ngoài thì sao thưa ông?

Tại thị trường Việt Nam, Hoa Sen đang chiếm hơn 40% thị phần tôn thép, trong khi các tập đoàn đa quốc gia và các tập đoàn khác mỗi doanh nghiệp chỉ chiếm chưa tới 10%, thậm chí có doanh nghiệp chỉ nắm vài ba phần trăm. Hiện nay, tại thị trường Đông Nam Á, chúng tôi cũng đã là nhà sản xuất tôn thép số 1. Ngoài ra, Hoa Sen còn xuất khẩu sản phẩm qua các thị trường khác như Trung Đông, Nam Phi, Mỹ.

Hiện tại, chúng tôi cũng đã bắt đầu xuất khẩu sang châu Âu, Úc và các nước phát triển khác. Chúng tôi cũng đang nỗ lực để đẩy mạnh đầu tư giai đoạn 2 Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ - nhà máy sở hữu công nghệ tiên tiến và có công suất lớn nhất Đông Nam Á qua đó nâng doanh số của Hoa Sen từ 500 triệu USD lên 1 tỷ USD và phấn đấu đạt lợi nhuận 500 - 1.000 tỷ đồng trong trong vòng 3 năm tới.

Với con đường có vẻ thẳng tiến như vậy, có rào cản nào khiến Hoa Sen phải tính toán lại?

Ra thị trường quốc tế tức là đã gia nhập một sân chơi lớn, phức tạp hơn nhiều. Có thể nói, mỗi một biến động của một quốc gia bất kỳ nào trên thế giới đều có thể ảnh hưởng, tác động tới chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Hiện nay chúng tôi đang đối mặt với hàng rào bảo hộ thương mại thông qua hình thức chống bán phá giá, được đề nghị từ các hiệp hội sản xuất tôn trong khối Đông Nam Á, mà chủ yếu từ một tập đoàn đa quốc gia. Tôi nghĩ, nếu việc bảo hộ này thực sự xảy ra thì đây là một động thái bảo hộ mậu dịch thái quá của chính phủ các nước.

Chúng tôi đang nhờ sự hỗ trợ và can thiệp của Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao Việt Nam để nhận rõ được bản chất vấn đề, để làm sao năm 2015 - năm mà cộng đồng chung ASEAN hoàn toàn mở cửa - thì chúng ta có thể có một sân chơi dựa trên nguyên tắc của WTO cũng như của khối ASEAN, thực sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Chúng tôi tin, khi ta đúng, ta sẽ có cách thức, nỗ lực, sức mạnh và trí tuệ để vượt qua thách thức!

Không chỉ Hoa Sen bị kiện bán phá giá mặt hàng tôn thép mà ngay cả sản phẩm mắc áo bằng thép của một vài doanh nghiệp cũng bị kiện bán phá giá. Vậy ông có lời khuyên gì liên quan tới ứng xử của doanh nghiệp ngành thép nói chung?

Theo tôi, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn là khả năng tăng trưởng về xuất khẩu công nghiệp. Trước đây, đây là lợi thế của quốc gia khác. Hiện nay, cơ hội phát triển kinh tế Việt Nam theo mô hình “đàn sếu bay” (flying geese development model) đang đến, khi ở các nước phát triển, lợi thế cạnh tranh đang mất đi và chúng ta như những con chim non được hưởng các lợi thế, có đủ điều kiện để tăng trưởng xuất khẩu, nhất là về công nghiệp.

Điều đương nhiên là khi doanh nghiệp ở các nước khác bị cạnh tranh bởi hàng nhập khẩu, họ sẽ cố gắng tìm ra các hàng rào bảo hộ dù hợp lý hay bất hợp lý để hạn chế hàng nhập khẩu. Vấn đề là chúng ta phải dựa trên luật của WTO, của ASEAN. Về nội bộ, chúng ta phải đảm bảo sự minh bạch, nắm phần đúng để khi cần đứng trước các điều tra chống bán phá giá, cung cấp được đầy đủ thông tin cho các cơ quan chức năng điều tra vụ việc ở các quốc gia.

Thời gian cho cơ hội bay theo đàn sếu đối với nền kinh tế Việt Nam, với những doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam, liệu có dài không? Hoa Sen đã chuẩn bị gì để tận dụng cơ hội này?

Đây không phải là vấn đề của riêng Hoa Sen mà của tất cả các doanh nghiệp, của cả nền kinh tế Việt Nam. Trong khủng hoảng chúng ta có đứng vững, có tạo được uy tín, có lựa chọn công nghệ tốt, đầu tư hợp lý, có khả năng quản trị doanh nghiệp, có khả năng đầu tư thương hiệu, xúc tiến thương mại tốt … hay không, tất cả đều phụ thuộc vào năng lực của từng doanh nghiệp.

Tất nhiên, sự hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan xúc tiến thương mại… cũng rất quan trọng. Nhưng trước tiên vẫn là doanh nghiệp phải có nội lực, tự thân nỗ lực. Với tốc độ phát triển như hiện nay, Hoa Sen đủ bản lĩnh, tư duy để có một cách thức bay theo đàn sếu, nhập đàn một cách nhịp nhàng. Cơ hội luôn mở ra cho tất cả, nhưng doanh nghiệp đủ nội lực, sự chuẩn bị và cả tự tin sẽ luôn tận dụng cơ hội tốt hơn!

Mỗi doanh nhân là một tướng quân!

Nhìn lại một chút chặng đường đã qua, thực tế, Hoa Sen mới bước sang tuổi 11 mà đã dẫn đầu thị trường tôn thép Việt Nam. Ông có nghĩ Hoa Sen tăng trưởng nóng?

Trong 11 năm qua, nếu không nhìn ra cơ hội, đã không thể có Hoa Sen lớn mạnh và đứng đầu ngành tôn thép Việt Nam như ngày nay, càng không có một Hoa Sen không chỉ thắng trên sân nhà mà còn thắng các tập đoàn đa quốc gia trên sân khách ASEAN. Tôi nghĩ, đây không chỉ là niềm tự hào của riêng Hoa Sen mà còn là niềm tự hào của Việt Nam. Cũng có người cho rằng, tăng trưởng nóng sẽ dẫn đến rủi ro. Tôi không nghĩ như vậy. Tăng trưởng nóng mà vẫn giữ được sự phát triển bền vững và ổn định, đó mới là bài toán khó. Và chúng tôi có lời giải riêng. Đó là sự khác biệt, là bản lĩnh. 5 năm trong giai đoạn khủng hoảng, chúng tôi vẫn đứng vững và phát triển mạnh. Đó là nền tảng để Hoa Sen bước những bước cao hơn, xa hơn trong giai đoạn sau.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về sự khác biệt này?

Biết nắm bắt thời cơ, cơ hội, có ý chí và khả năng để biến những tham vọng thực tế thành hiện thực, đó là sự khác biệt của Hoa Sen!

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chọn phương thức tiến ra thị trường nước ngoài thông qua làm hàng gia công hoặc liên kết đầu tư với các doanh nghiệp các nước. Trong tương lai, Hoa Sen có tính đến chuyện lựa chọn những phương thức như vậy nhằm tránh những đối đầu, cạnh tranh, thậm chí có thể rút ngắn chặng đường trở thành thương hiệu quốc tế?

Tôi là một người thực tế. Tôi tin vào bản lĩnh tự tìm và tạo ra sân chơi của mình chứ không chơi cuộc chơi của người khác và tôi đã làm được điều đó.

Hiện tại Hoa Sen đang "cắm rễ" ở bao nhiêu thị trường, thưa ông?

Hầu hết các nước ASEAN đều mua hàng của chúng tôi. Nếu tính toàn bộ thị trường quốc tế thì có khoảng vài chục thị trường ở vài chục quốc gia đã nhập hàng của Hoa Sen. Nhưng chúng tôi vẫn sẽ tập trung khai thác thị trường ASEAN vì đây là thị trường lớn, chúng tôi có lợi thế ở ngay trong khu vực. Trong tương lai chúng tôi vẫn lấy sân nhà làm bệ phóng để khai phá các thị trường khác.

Vậy ông có dự định cụ thể gì cho chặng đường phía trước?

Mọi điều đều có thể xảy ra. Chúng tôi đang nỗ lực bồi dưỡng, đào tạo những thế hệ trẻ kế nhiệm và phát huy thành quả mà những người đi trước đã làm được. Hy vọng, trong bất kỳ giai đoạn nào Hoa Sen cũng sẽ vững vàng, là một tập thể làm ăn lành mạnh, nuôi sống hàng ngàn công nhân lao động, có đóng góp cho đất nước và là niềm tự hào của kinh tế Việt Nam.

Cuối cùng, đầu năm mới, ông có điều gì muốn được chia sẻ cùng các doanh nhân?

Đã là doanh nhân phải có “máu”, dám chấp nhận mạo hiểm để làm giàu cho mình và cộng đồng. Vấn đề là phải biết tạo động lực dựa trên tham vọng chứ đừng quá tham lam và phải sống có trách nhiệm. Tôi cho rằng, mỗi doanh nhân là một tướng quân trong nền kinh tế quốc gia, phải dựa trên quy mô của mình, căn cơ, bền vững, phải xông xáo, hoài bão, dám xông vào nơi thử thách, nắm bắt cơ hội để ra các quyết định táo bạo nhưng không quên nhiệm vụ chính là tạo ra sản phẩm, lợi ích cho xã hội và phải điều hành doanh nghiệp của mình dựa trên nguyên tắc có trách nhiệm. Được như vậy, tôi tin các doanh nhân sẽ thành công!

Cá nhân tôi có cả tham vọng lẫn sự tham lam, nhưng tôi biết dùng lý trí của mình để hạn chế sự tham lam và để tham vọng nhiều hơn. Tôi cũng không tư lợi mà luôn tạo ra lợi ích chung, vì lợi ích của nhiều người và chia sẻ cho cộng đồng. Nhờ đó mới có được một Hoa Sen vững mạnh và thẳng tiến như hôm nay!

Xin chúc ông cùng Hoa Sen một năm mới sức khỏe, thành công!
 
Last edited by a moderator:
VietinBank cho Tập đoàn Hoa Sen vay hơn 2.500 tỷ đồng


Lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn sẽ là 8%/năm, còn dài hạn 11%/năm

Sáng nay (ngày 20/6/2013) Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược.
Theo thỏa thuận được ký, VietinBank sẽ cho Tập đoàn Hoa Sen vay hơn 2.500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 2 dây chuyền cán nguội công suất thiết kế 200.000 tấn/năm/dây chuyền và sản xuất tôn với công suất 400.000 tấn/năm. Hai dây chuyền này thuộc giai đoạn 2 nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ của HSG trong thời hạn 6 năm

Bên cạnh tài trợ tín dụng cho dự án, VietinBank còn cam kết bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của HSG

Theo Chủ tịch HĐQT VietinBank ông Phạm Huy Hùng, nguồn vốn hơn 2.500 tỷ đồng cho 2 dây chuyền sản xuất trong giai đoạn 2 nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ của HSG sẽ được giải ngân vào những tháng cuối 2013, đầu năm 2014

“HSG được xem là khách hàng thuộc nhóm A nên lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn sẽ là 8%/năm, còn dài hạn 11%/năm” – Ông Hùng nói
 
Top