What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Tập đoàn kinh tế không phải như nồi lẩu

L

LOBBY.VN

Guest
Tập đoàn kinh tế không phải như nồi lẩu​

Tập đoàn kinh tế nào ở Việt Nam hiện cũng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, như nồi lẩu, làm phân tán sức mạnh của chính mình.

Điều cần thiết trong thời gian tới là phải thay đổi cơ chế quản lý tập đoàn, cấu trúc lại tập đoàn, mỗi tập đoàn chỉ tập trung sản xuất, kinh doanh vào một lĩnh vực chủ yếu. Có thế, chỉ 5 năm nữa, chúng ta sẽ có tập đoàn mạnh.

Chỉ tập trung vào lĩnh vực mà mình sẽ làm tốt hơn thiên hạ

kt-ong-Thanh-ngoai.jpg

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành​

Ngay từ những năm 1991-1992, tôi đã kiến nghị Chính phủ rằng chúng ta phải nhanh chóng suy nghĩ đến vấn đề xây dựng những tập đoàn có năng lực thực sự mạnh. Ở Hàn Quốc, từ những năm 60 thế kỷ XX, Tổng thống Park Chung - hee đã họp các nhà kinh doanh, phân công ra, “anh” Huyndai làm ô tô, “anh” Samsung xây dựng các sản phẩm điện tử nên bây giờ trên thế giới, nói đến điện tử là người ta nghĩ đến Samsung....

Tôi nhớ hồi năm 1970, ông chủ tịch của Deawoo qua bên Pháp, người Pháp phỏng vấn ông ta rằng, chỉ trong thời gian hơn chục năm đã phát triển đến mấy chục nghìn nhân viên, liệu rằng 20 năm nữa ông có tiến lên mức 200 ngàn nhân viên hay không? Ông chủ tịch Deawoo bấm tay tính toán và nói rằng: “Tôi nghĩ chỉ trong vòng 5 năm nữa thôi”. Hàn Quốc từ chỗ là một đất nước bị tàn phá trong chiến tranh tiến đến địa vị một đất nước công nghiệp với những tập đoàn mạnh chỉ trong thời gian rất ngắn.

Các tập đoàn của Hàn Quốc chuyên tâm lo việc của mình: thứ nhất phải có kế hoạch, dự án khả thi; thứ hai phải có thị trường và thứ ba phải có lợi nhuận. Nhà nước lo vốn.

Như vậy, điều quan trọng nhất là tập đoàn phải tập trung vào trong một lĩnh vực nào mà mình làm tốt hơn thiên hạ.

Không nên “thượng vàng hạ cám”


Theo tôi, việc cho các tập đoàn xây dựng nhà máy điện là một quyết định sai lầm. EVN nói bây giờ không làm được nên bảo trả lại cho Chính phủ. Những tập đoàn khác không làm điện bao giờ cũng nhảy vào làm.

Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Dầu khí đều nhảy vào xây dựng nhà máy điện. Thế mới có chuyện trong cuộc họp tại PVN vừa rồi khi bàn chiến lược phát triển điện, người ta hỏi: “Anh xây dựng nhà máy điện, anh có chiến lược bán điện hay chưa?” thì tập đoàn này bảo chưa và để thương lượng sau. Hoạt động kiểu như vậy không “chết” cũng lạ.

Đáng lẽ phải xem xét tại sao EVN là một tập đoàn điện lực của Nhà nước tại sao lại không xây dựng được nhà máy điện? Nếu EVN có lý do thì Chính phủ phải giúp đỡ, còn nếu EVN không giải trình được, do năng lực kém thì cách chức anh lãnh đạo đi, thay người khác. Một anh làm dầu khí làm sao thông thạo điện bằng một anh đã làm điện chuyên nghiệp. Rốt cuộc, tập đoàn kinh doanh đa ngành chỉ là “xẻ thịt, mổ bò”, phân tán lực lượng, tài chính, nhân lực. Như vậy, nguyên tắc xây dựng tập đoàn để phát triển chuyên ngành đã không được quan tâm đúng mức.

Các tập đoàn không lo đầu tư chuyên ngành của mình mà cứ “đứng núi này, trông núi nọ”. Thấy thị trường chứng khoán, bất động sản, ngân hàng sôi động, tập đoàn nào cũng nhảy vào. Ở Việt Nam hiện nay, “thượng vàng hạ cám” cái gì cũng có. Trước đây, các Bộ, ngành nào cũng có 200 - 300 công ty, có công ty sản xuất cơ khí nhưng vẫn có khách sạn ở các điểm du lịch. Chuyện tách bạch quản lý với kinh doanh đã nói mãi nhưng Bộ, ngành địa phương nào cũng “ôm” doanh nghiệp. Vậy là các tập đoàn dù đang nắm giữ khối tài sản lên tới 800.000 tỷ đồng nhưng chưa cơ quan nào nắm được đầy đủ, chính xác vốn, tài sản của các tập đoàn, kể cả Bộ Tài chính. Ở mình, cứ có dự án, bất kể dự án gì là có chia đều cho nhau.

Đừng để lãnh đạo tập đoàn làm vì... cái ghế

Hậu quả nhãn tiền ai cũng đã thấy. Từ khi PVN bắt đầu làm thì Petronas (Malaysi) cũng khởi nghiệp. Bây giờ Petronas ở đâu, Petro Việt Nam ở đâu? Dù PVN đang là Tập đoàn lớn nhất Việt Nam, nhưng doanh thu chỉ khoảng 12 tỷ USD mỗi năm, bằng 1/3 Petrronas.

Vấn đề đặt ra là chúng ta phải làm gì để tập đoàn kinh tế không chỉ là giường cột của nền kinh tế mà phải lọt vào top này top kia, có sức cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Theo tôi, trước hết phải thay đổi cơ chế quản lý tập đoàn. Dầu khí khai thác về nộp hết cho ngân sách, họ lấy đâu ra tiền để đầu tư? Đáng lý, anh là một doanh nghiệp, Nhà nước cấp cho anh bao nhiêu vốn, anh làm ăn kinh doanh được bao nhiêu sản phẩm, đóng các loại thuế (tài nguyên, thu nhập doanh nghiệp…) phần còn lại phải được sở hữu để tái đầu tư. Phải để cho doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm, kể cả cán bộ chủ chốt.

kt-bieu-do-1.jpg

So sánh hệ số trong bảng này với các kết quả tính toán của tiến sĩ Nguyễn Quang A (trong "Địa vị và vai trò của các tập đoàn kinh tế Nhà nước") cho thấy các hệ số năm 2007 của các tập đoàn kinh tế Nhà nước cao hơn hẳn so với mức 1,11 tỷ đồng của khu vực Nhà nước và 0,367 tỷ đồng của khu vực tư nhân trong nước và 0,563 của toàn nền kinh tế.​

Doanh nghiệp chỉ cần cho họ cơ chế rõ ràng để họ tung hoành, dám làm, dám chịu chứ như hiện nay vừa làm nghe ngóng, phải lo ghế... Quản lý một tập đoàn mà cứ phải lo chiều ý trên, lo giữ ghế thì tập đoàn ấy chỉ đáng làm phục vụ chứ không phải sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, một số chủ doanh nghiệp tư nhân hiện nay đang bứt lên rất nhanh. Tôi ngạc nhiên khi Chính phủ bảo lãnh khoản vay một tỷ USD cho Tập đoàn Tân Tạo, một doanh nghiệp tư nhân. Qua tiếp xúc với một số chủ doanh nghiệp tư nhân lớn, tôi thấy nếu họ được thực sự bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước thì họ sẽ còn bứt nhanh hơn nữa. Nếu các tập đoàn cứ ì ạch như thế này thì chỉ vài năm nữa, sẽ có những doanh nghiệp tư nhân qua mặt tập đoàn để “nói chuyện” cạnh tranh sòng phẳng với các “ông lớn” trên trường quốc tế.

Chỉ cần 5 năm là có tập đoàn mạnh

Nói như vậy không có nghĩa là các tập đoàn kinh tế Nhà nước không còn khó khăn, vướng mắc từ phía Nhà nước. Nhà nước cần phải bảo đảm lo đủ vốn cho tập đoàn chủ động thực hiện chiến lược với các dự án lợi thế của mình. Nhà nước với quyền năng của mình về đồng vốn hoàn toàn có thể làm được điều này. Vấn đề đặt ra không phải là ít hay nhiều tiền mà là số tiền đó làm gì, và đủ để nền kinh tế phát triển mà không gây ra lạm phát. Tập đoàn cũng giống như vận động viên, mỗi ngày phải đo “huyết áp” và đây là vai trò của Ngân hàng Nhà nước. Phải đo lường được yêu cầu của nền kinh tế cần bao nhiêu tiền để cung cấp cho đủ, không để thiếu, không để thừa.

kt-bieu-do-2.jpg

BC: Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông; CS: Tập đoàn cao su; VNS: Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy; TKV: Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản; DK: Tập đoàn Dầu khí; DM: Tập đoàn Dệt may; EVN: Tập đoàn Điện lực; BV: Tập đoàn Bảo Việt.​

Nhiều người lo ngại ta thiếu những người đủ tầm, kinh nghiệm để quản lý tập đoàn. Có người chê nền giáo dục Việt Nam. Tôi không nghĩ vậy. Nền giáo dục cơ bản của mình đến lớp 12 tương đối tốt, nên đừng ngại không có đủ nhân tài. Vấn đề là ta cần cải thiện kỹ năng cho học sinh, sinh viên cho sát với thực tế mà thôi. Các tập đoàn cũng đừng lo không đào tạo được nhân tài để sử dụng. Nếu quyết làm thì chỉ trong vòng 5 năm là có đội ngũ nhân viên cực kỳ “siêu” rồi.

Muốn có nhân tài phục vụ các tập đoàn, phải gửi đi nước ngoài đào tạo, hoặc bỏ ra vài chục, thậm chí trăm triệu USD mời chuyên gia hàng đầu thế giới về nước. Muốn gì, thiếu gì thì mời chuyên gia về đào tạo chuyên sâu về vấn đề đó chứ không làm đại trà. Trước khi có cầu Thăng Long, Việt Nam mình không biết xây cầu, phải mời chuyên gia Nga vào giúp đỡ. Sau đến cầu Mỹ Thuận, phải sử dụng công nghệ khác, mình lại mời chuyên gia Úc; chuyên gia các nước vào, họ chỉ cho mình một lần, lần sau mình có thể tự làm được. Bây giờ Việt Nam mình làm cầu “siêu” lắm, có thể ra nước ngoài đấu thầu được.
 
Top