What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Từ tốt đến vĩ đại - Good to Great !

thoidaianhhung

Administrator
Từ tốt đến vĩ đại - Good to Great

GoodToGreat.jpg

JIM COLLINS là một trong những nhà nghiên cứu nổi tiếng nước Mỹ về các công ty vĩ đại trường tồn, đồng thời là giáo viên của các nhà lãnh đạo cả trong doanh nhiệp lẫn ngoài xã hội, ông đã từng giảng dạy tại Khoa kinh tế Trường Đại học Stanford và đã nhận giải thưởng giáo viên xuất sắc. Hiện nay JIM đang làm việc tại văn phòng nghiên cứu về quản trị của mình tại Boulder, Colorado, Hoa Kỳ.

Ông là đồng tác giả quyển sách “Xây dựng đế chế trường tồn”, một cuốn sách đứng trong danh sách bán chạy nhất nước Mỹ suốt 5 năm với hàng triệu bản in.

Lời giới thiệu:


Sau nhiều năm nghiên cứu về kinh doanh, Jim Collins nhận thấy có rất nhiều công ty không có được bộ máy kinh doanh thực sự mạnh về mọi mặt ngay từ đầu. Rất nhiều trường hợp, họ phải vuơn lên từ mức độ tốt, thậm chí yếu kém để đạt được trình độ phát triển cao nhất mà ông gọi là vĩ đại.

Vì sao một số công ty này có những bước phát triển nhảy vọt đến tầm vĩ đại còn công ty khác thì quẩn quanh trong mức độ tầm thường, trung bình hoặc chỉ đạt đến mức tốt?

Câu hỏi này ám ảnh ông rất lâu khiến ông phải mất đến 5 năm miệt mài nghiên cứu cùng một nhóm chuyên gia cộng tác, “chi tiêu” mất 15.000 giờ lao động, cuối cùng một sản phẩm trí tuệ ra đời: cuốn sách “Từ tốt đến vĩ đại” (Good to great).

Trong cuốn sách, ông cùng nhóm cộng sự đã đề ra một loạt tiêu chí khắt khe và xác định được một danh sách các công ty hàng đầu đã tạo được bước nhảy vọt đi đến kết quả vĩ đại và giữ vũng kết quả này trong thời gian ngắn nhất là 15 năm. Thế nào là kết quả vĩ đại? Sau bước nhảy vọt, các công ty này phải đạt lợi nhuận cổ phiếu tích lũy cao hơn thị trường chung ít nhất là bảy lần trong vòng 15 năm, cao gấp đôi so với chỉ số kết quả của nhóm công ty “đại gia” trên thế giới như Coca- Cola. Intel, GE, Merck .v.v.

Trong suốt 5 năm, nhóm đã phân tích lịch sử hoạt động của 28 công ty được chọn tham gia cuộc nghiên cứu. Sau khi đọc qua hàng tấn dữ liệu, hàng ngàn trang ghi chép phỏng vấn, Collins và nhóm cộng sự đã khám phá những yếu tố chính quyết định sự vĩ đại – lý do vì sao một số công ty đạt bước nhảy vọt, còn số khác thì không.

Kết quả khảo sát và những kết luận đưa ra trong cuốn sách sẽ làm độc giả ngạc nhiên, đồng thời cũng làm rõ thêm hầu như mọi khía cạnh trong việc xây dựng và thực thi chiến lược quản trị để xây dựng một công ty hùng mạnh. Dưới đây là một số nội dung chính được tác giả đề cập trong cuốn sách:

1. Có những nhà lãnh đạo đạt cấp độ 5: Tìm ra những phẩm chất đặc biệt mà nhà lãnh đaọ cần có để đạt đến vĩ đại.
2. Khái niệm con nhím phát triển (Sự đơn giản trong 3 vòng tròn): Để nhảy vọt từ tốt đến vĩ đại, cần phải vượt qua cách nhìn nhận thông thường về năng lực.
3. Xây dựng nền văn hóa kỷ luật: Khi bạn kết hợp văn hóa kỷ luật với tinh thần dám nghĩ dám làm của nhà kinh doanh, bạn tạo ra được công thức hóa học đưa đến kết quả vĩ đại.
4. Sử dụng hiệu quả bàn đạp công nghệ: Các công ty nhảy vọt suy nghĩ rất khác về vai trò của công nghệ.
5. Tránh khỏi bánh đà và vòng luẩn quẩn: Những công ty cố gắng đưa ra những chương trình thay đổi toàn diện hay liên tục tái cấu trúc hầu như chắc chắn không đạt được bước nhảy vọt.

Do những phát hiện mang tính khách quan, bám sát thực tiễn, không theo một chuẩn mực lý luận khô cứng có sẵn nên một số khái niệm được tiết lộ trong cuốn sách rõ ràng đối lập với văn hóa doanh nghiệp hiện đại, thậm chí khiến nhiều người không hài lòng. Nhưng rất khó bác bỏ những kết quả nghiên cứu công phu, khoa học đó.

Vấn đề chỉ còn là lĩnh hội được những nội dung mà tác giả muốn truyền đạt và vận dụng khôn khéo vào hoàn cảnh thực tế của từng người để đạt đến thành công ngày càng lớn trong sự nghiệp của mình.

Đang đọc cuốn sách này, hôm nào đọc xong sẽ viết vài bài cảm nhận riêng chia sẻ suy nghĩ góc nhìn về cuốn sách này, anh em có thời gian thì tìm đọc
 
Tư duy của một mãnh hổ


Trong cuốn sách “Good to great” có đưa ra một vài góc nhìn đáng suy nghĩ : Tốt là kẻ thù của vĩ đại và con người đi trước công việc đi sau. Còn có rất nhiều dòng tư tưởng mới lại khác trong cuốn sách nhưng trong entry này mình chỉ trao đổi hai khía cạnh quan trọng trên.

Cá nhân hay tổ chức có tham vọng tới trời xanh thì ngay trong đầu họ phải có suy nghĩ làm thế nào để đạt được mục tiêu đó, nếu như không có tham vọng trên thì họ cứ tiếp tục ở lại mặt đất, cuộc sống vẫn tiếp diễn, những điều tốt đẹp vẫn vây quanh họ. Để làm tốt họ chỉ cần làm việc giống như những tổ chức khác trong xã hội, để trở thành vĩ đại họ phải nỗ lực trở thành người làm tốt nhất thế giới trong lĩnh vực họ tham gia,
Tại sao lại phải tìm kiếm sự biến đổi tốt thành vĩ đại ? Tốt thành vĩ đại đưa ra đáp án cho việc tìm kiếm sự xuất sắc lâu dài. Nó không chỉ là vấn đề kinh doanh, nó là một vấn đề nhân bản. Các nguyên tắc trong sách có thể áp dụng cho các tổ chức khác, không chỉ các doanh nghiệp. Đặc biệt trong góc nhìn quản lý xã hội, các cơ quan chính phủ có thể đưa ra các mô hình quản lý xã hội hiệu quả, đưa quốc gia có bước phát triển đột phá chứ không phải chỉ ngồi đó tự hào về các kết quả tốt đã đạt được.

Cấu trúc của một tổ chức đi từ tốt đến vĩ đại là: Trước tiên là tìm kiếm được những con người phù hợp, xác lập một hệ tư tưởng cho tổ chức đó, cùng nhau đưa ra mục tiêu và hành động để đạt được mục tiêu đó.
Các công ty tốt thành vĩ đại biết rằng con người không phải là tài sản quí nhất của họ, con người đúng mới là tài sản quí nhất. Các công ty tốt thành vĩ đại coi trọng phẩm cách hơn giáo dục, kỹ năng hay kinh nghiệm khi tuyển dụng. Lý do là bạn có thể huấn luyện kỹ năng nhưng phẩm cách, trí tuệ cơ bản, đạo đức làm việc, sự tận tâm hoàn thành công việc là những giá trị sâu thẳm trong từng con người.

Các công ty tốt thành vĩ đại nghiêm khắc nhưng không tàn nhẫn. Người nào không phù hợp với khuôn khổ cuối cùng sẽ ra đi hay được yêu cầu tìm cơ hội ở nơi khác. Kỷ luật nghiêm khắc nhất là ở tầng lớp lãnh đạo cấp cao, nơi gánh vác trách nhiệm lớn nhất.

Người lãnh đạo các công ty vĩ đại sẵn sàng mất nhiều năm để hiểu được các giá trị của tổ chức của mình, cũng như cá nhân phải hiểu được mình muốn gì, mình thực sự có thế mạnh ở lĩnh vực nào, hiểu được tổ chức của mình là bước đi quan trọng nhất. Người lãnh đạo sẵn sàng mất nhiều năm để tìm kiếm những tài năng xuất sắc nhất trên thế giới mà họ có thể chinh phục được. Họ tạo dựng một ekip cùng chí hướng, có thể cùng nhau sống chết vượt qua những khó khăn trong quá trình chinh phục thế giới.

Trước hết là ekip phù hợp, một công ty vĩ đại và một cuộc sống tuyệt vời. Thành viên của những ekip tốt thành vĩ đại có khuynh hướng trở thành bạn và duy trì tình bạn suốt cả đời. Trong nhiều trường hợp, họ vẫn giữ quan hệ gần gủi với nhau nhiều năm thậm chí hàng chục năm sau thời gian làm việc cùng nhau. Thật thú vị nghe họ kể về thời kỳ chuyển đổi, cho dù những ngày đó đen tối thế nào, cho dù công việc khó khăn thế nào, những con người đó vẫn vui vẻ. Họ vui sướng làm việc cùng nhau và chờ đợi những cuộc gặp. Một số lãnh đạo xem những năm tháng làm việc trong ekip tốt thành vĩ đại là những đỉnh cao trong cuộc đời họ. Họ đã vượt quá sự tôn trọng lẫn nhau để đi tới tình đồng đội suốt đời.
Đi liền với ý tưởng "trước tiên là ekip phù hợp" là mối liên hệ gần gủi nhất giữa một công ty vĩ đại và một cuộc sống tuyệt vời. Cho dù cái mà ta đạt được là gì, nếu ta không sống phần lớn cuộc sống của mình với những người mà chúng ta yêu mến, tôn trọng, chúng ta không thể có được một cuộc sống tuyệt vời. Nhưng nếu chúng ta dành phần lớn thời gian của mình với những người mà ta yêu mến và tôn trọng những người chúng ta thực sự vui thích chung ở trên xe với họ, những người không bao giờ làm ta thất vọng thì chắc chắn chúng ta sẽ có một cuộc sống tuyệt vời, cho dù chiếc xe có đi về đâu. Những người ở các công ty tốt thành vĩ đại rõ ràng yêu thích những gì họ làm, chủ yếu là vì họ yêu mến những người cùng làm việc với họ.

Thế nào là ekip vĩ đại, ekip vĩ đại với các thành viên là những con người không tầm thường, trong văn hóa phương đông thương hay dùng khái niệm “Mãnh hổ” để miêu tả hình ảnh những con người không tầm thường. Người lãnh đạo một công ty vĩ đại phải thu phục được những cá nhân mãnh hổ trong xã hội trở thành ekip của mình…đây là việc vô cùng khó. Mô hình quản lý nào để gắn kết sức mạnh của những cá nhân mãnh hổ này, tạo nên sức mạnh to lớn của công ty vĩ đại. Chúng ta hãy thảo luận góc nhìn tính cách của mãnh hổ từ thiên nhiên hoang dã.
Mãnh hổ trong rừng xanh là một muông thú không tầm thường, nó được mệnh danh là chúa tể của rừng xanh. Mãnh hổ có sức mạnh ưu thế hơn các loài muông thú khác chính vì thế nó luôn thể hiện cá tính riêng cho dù nó còn bé hay khi đã là con hổ trưởng thành. Thiên nhiên hoang dã hổ luôn chọn cuộc sống đơn độc, ngay cả khi còn bé luôn có suy nghĩ tạo lập cho mĩnh vùng lãnh thổ riêng, vùng đất nó có ảnh hướng, nó tạo lập ekip riêng trên vùng đất nó là người khai phá. Nó phải cạnh tranh với những con hổ trưởng thành, khi còn yếu nó thậm chí nó còn là con mồi của cáo, chó sói…khi còn yếu nó sẵn sàng đi xa hơn để xác lập lãnh thổ, tôi luyện các kỹ năng, ngày nó trưởng thành nó sẵn sàng cạnh tranh với mọi con hổ khác để tranh giành lãnh thổ. Khát vọng chinh phục, giành chiến thắng để trở thành chúa tể rừng xanh là phẩm chất tốt đẹp nhất của mãnh hổ.

Hàng ngàn năm nay con người với vị trí là loài động vật cao cấp nhất trên trái đất luôn tìm cách thuần phục muôn loài. Loài người đã tìm mọi cách thuần phục loài hổ, những con hổ bị thuần phục thì các phẩm chất hoang dã của nó đều biến mất, giờ đây nó chỉ còn là những con mèo lớn, không còn đâu khát vọng chính phục để trở thành chúa tể rừng xanh.
Trong quản lý xã hội có những nét tương đồng, nếu như nhà quản lý muốn dùng sức mạnh để thuần phục mãnh hổ là các cá nhân xuất sắc, theo những chuẩn mực gò bó của tổ chức đó, cá nhân xuất sắc kia sẽ không còn giữ được các phẩm chất của con mãnh hổ nữa, họ chỉ còn là những con mèo lớn. Các nhà lãnh đạo xã hội thường hai dùng quyền lợi tài chính, đặc quyền xã hội để thu phục mãnh hổ, một hình thức cung cấp thức ăn cho mảnh hổ đển nó không phải đi kiếm ăn sinh tồn nữa, một cách để vô hiệu hóa sức mạnh của mãnh hổ. Mãnh hổ cá tính và tham vọng nó sẽ coi thường cách thuần phục đó của nhà quản lý xã hội, với tài năng của mãnh hổ nó sẽ tự tìm thấy thức ăn, đặc quyền và xây dựng vùng ảnh hưởng riêng, không tại xã hội mà nó sinh ra thì sẽ tại xã hội mà người quản lý xã hội tôn trọng nó, tạo môi trường để nó thể hiện tài năng, đóng góp cho sự phát triển của xã hội mà nó được tôn trọng.
Lãnh đạo các công ty vĩ đại với tư cách cá nhân họ cũng được coi như là một mãnh hổ, khác với khái niệm vùng lãnh thổ, vùng ảnh hưởng trong thiên nhiên hoang rã khái niệm vùng lãnh thổ và vùng ảnh hưởng trong hoạt động kinh doanh và hoạt động xã hội vô cùng đa dạng. Những vùng đất, những khái niệm đại dương xanh vô cùng rộng lớn, có đủ không gian sinh tồn cho tất cả những mãnh hổ trong tổ chức của công ty vĩ đại khai phá. Quản lý đội mãnh hổ trong công ty vĩ đại thành công đó là nghệ thuật cao nhất của người lãnh đạo. Lợi ích tài chính không phải là lý do để các mảnh hổ đầu quân về công ty vĩ đại. Họ thích tư tưởng của công ty vĩ đại, ở nơi đó họ nhận được sự tôn trọng, họ có ekip cùng chí hướng, họ muốn hợp tác để cùng nhau chinh phục các đỉnh cao vĩ đại trong cuộc sống.

Người lãnh đạo công ty vĩ đại phải hiểu và điều hòa được mối quan hệ của các mãnh hổ trong tổ chức, phẩm chất của người lãnh đạo này vẫn nằm trong khái niệm Tài, Tâm, Đức của văn hóa phương đông.
Thảo luận hướng đi, xác lập vùng đất mà tổ chức cần chinh phục, lựa chọn mãnh hổ phù hợp thực hiện kế hoạch trên…những việc tưởng như đơn giản nhưng là bài toán lớn mà không phải nhà lãnh đạo nào cũng giải đúng. Trên một vùng đất địa lý có thể xây dựng nhiều đại dương xanh để các mãnh hổ trong tổ chức chinh phục.
Một hình mẫu lãnh đạo thời gian gần mình được nghe, thông tin thú vị đáng để chia sẻ và suy ngẫm là phẩm chất của nhà lãnh đạo. Người lãnh đạo mà mình muốn nói đến là CEO của FPT Nguyễn Thành Nam, một người rất nổi tiếng trong giới IT Việt Nam. Anh Nguyễn Thành Nam được các chị em phụ nữ trong FPT bình chọn là “Người đàn ông tử tế nhất FPT”, ai từng gặp gỡ làm việc với anh Nam thì cảm nhận được sự thông minh, giản dị và quyết đoán trong công việc của anh, đây là phẩm chất mình nghĩ nhiều lãnh đạo của công ty FPT có được. Phẩm chất đạo đức để được chị em phụ nữ FPT bầu chọn là người đàn ông tử tế nhất FPT thì ít ai có được. Người đàn ông chẳng bao giờ biết ăn chơi, gái gú, luôn chuẩn mực trong quan hệ công việc và cuộc sống với những người phụ nữ xung quanh mình. Đàn ông để rèn luyện được phẩm chất này thật đáng khâm phục, Nguyễn Thành Nam nhận chức CEO FPT trong sự tôn trọng và nể phục của hệ thống lãnh đạo, nhân viên FPT, đó cũng chính là một phần sức mạnh của FPT.

Good to Great cho người đọc những bài học quý giá, cá nhân hay tổ chức có tham vọng xây dựng một công ty vĩ đại hay bắt đầu xây dựng từ con người, hệ tư tưởng và văn hóa cho tổ chức. Lãnh đạo đừng bao giờ có tư duy thuần phục mãnh hổ trong tổ chức của mình hãy để nó sống với những phẩm chất hoang dã, nó chính là nền tảng cho sự sáng tạo, đổi mới của doanh nghiệp. Tư duy của một mãnh hổ đó là khát vọng chinh phục, sáng tạo cống hiến những giá trị tốt đẹp nhất cho gia đình, đồng nghiệp, bạn bè…trong xã hội tôn trọng trọng họ, họ sẽ giúp cho xã hội đó tốt đẹp hơn.
 
Người Việt chưa dám có tư tưởng đua tranh​

028.jpg

Đặng Lê Nguyên Vũ là một cái tên quá quen trong giới doanh nhân, và xét về một khía cạnh nào đó anh còn là "người của công chúng".

Sau một thời gian "đi vắng", anh vừa trở lại với đầy ắp các ý tưởng mới táo bạo....

Từng "bỏ bê" kinh doanh

Lâu nay, ít nghe thông tin về anh so với những năm trước kia. Thậm chí có lúc chúng tôi còn nhận được những thông tin đại loại như: Đặng Lê Nguyên Vũ đang “chìm dần” hay ông ấy đang làm ăn thua lỗ...?

Nhiều tin đồn thất thiệt lắm nhưng tôi không quá quan tâm. Tôi chỉ biết rằng cần có nội lực trong cá nhân mỗi con người đủ mạnh để bỏ qua những luồng dư luận không đáng tin cậy. Nhiều lời đồn đoán, với những ý đồ khác nhau, kể cả những thứ bậy bạ... không ảnh hưởng nhiều đến tôi.

Còn nhớ, khi khủng hoảng kinh tế bắt đầu diễn ra, lúc đó tôi rất phiền muộn vì qua mấy năm, tôi có nêu ra một số vấn đề cho sự phát triển chung, nhưng không phải ai cũng lắng nghe cả. Tôi lên trang trại của mình ở M"drăk nghỉ ngơi. Lúc đó tôi tắt tất cả điện thoại, chỉ giữ kênh kết nối với thư ký để liên lạc công ty.

Dưới này người ta bảo Trung Nguyên phá sản, thông tin “rò rỉ” ra là Đặng Lê Nguyên Vũ trốn đi đâu rồi (!). Có thư gửi đến báo Sài Gòn Giải Phóng, Pháp luật Tp.HCM… rồi mấy người bạn của tôi phải tìm nháo nhào, chụp hình, chứng minh tôi đang có mặt ở Việt Nam (cười).

Nói chung là Đặng Lê Nguyên Vũ càng ngày càng mạnh mẽ hơn thôi. Có khác chăng đôi khi lo lắng quá, nói nhiều vấn đề không thuộc phạm trù kiểm soát của mình, từ đó mà người ta nhìn qua ngó lại. Nói những vấn đề về quốc gia thì người ta lại chiếu vào doanh nghiệp của tôi mà đánh giá, bảo tôi "chính trị" này nọ, đủ thứ chuyện.

Bây giờ, bất ngờ anh tung ra nhiều chương trình, dự án mới "đình đám", hẳn anh và Trung Nguyên đang có những mục tiêu, kế hoạch rất cụ thể?

Nếu kinh doanh tốt thì doanh số sẽ tăng gấp đôi trong năm nay. Đây là con số lớn, hàng ngàn tỷ đồng. Đến thời điểm giữa năm nay thì tôi có thể khẳng định không có gì là không đạt được.

Đầu tháng 6 vừa qua chúng tôi đã khánh thành nhà máy chế biến cà phê hiện đại nhất thế giới với tổng đầu tư trên 40 triệu USD. Trung Nguyên đã lập quỹ hỗ trợ nông dân trồng và phát triển cây cà phê bền vững. Tại Hội quán Sáng tạo Trung Nguyên tại 36 Điện Biên Phủ (Hà Nội) vừa diễn ra Lẽ hội cà phê Việt Nam và Bộ Ngoại giao đã chọn nơi đây là "Không gian ngoại giao" Việt Nam, hưởng ứng năm Ngoại giao văn hóa.

(Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ vào tập báo cáo "Dự án Thủ phủ cà phê của toàn cầu" và nói: "Đây là sản phẩm của 5 năm trời, được hình thành qua nhiều năm nghiên cứu, đóng góp qua nhiều cuộc hội thảo trong nước ngoài nước, để giờ tôi cùng Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc đem ra trình các nhà lãnh đạo ở cấp cao nhất".

Thủ phủ cà phê toàn cầu được thực hiện trên khu vực có diện tích 2000 - 3000 ha của cao nguyên M"Drăk, ở độ cao 400 - 500 m. Định vị phát triển là các làng sinh thái cà phê. Hình mẫu được kết hợp với sản xuất nông nghiệp xanh và sạch; du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp; văn hóa, nghệ thuật và tinh thần; sản xuất và chế biến sản vật đặc trưng; phát triển cộng đồng...).

Có vẻ táo bạo quá nhỉ, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chìm trong suy thoái...?

Dù tình hình chung thế nào thì đây cũng là giai đoạn Trung Nguyên cần có sự điều chỉnh. Tôi là người có nhiều suy nghĩ khác hơn là chuyện kinh doanh. Có một quãng thời gian khá dài, khoảng 5 năm, tôi đã " bỏ bê", không tham gia nhiều với công ty.

Quãng thời gian Đặng Lê Nguyên Vũ đi "ở ẩn" như vậy cũng là chiến lược làm ăn của Trung Nguyên?

Không đâu. Thực sự là tôi không có máu kinh doanh lắm; chỉ là tôi biết mình có thể làm tốt công việc này, còn nhiều người khác có thể học hành cấp hàm này nọ chưa chắc đã làm tốt. Trong những năm “bỏ bê” đó, tôi ưu tư điều khác, đó là suy nghĩ, trăn trở về việc làm sao cho đất nước này hùng mạnh.

Nhưng việc đó có thể làm tốt với con đường kinh doanh đấy chứ?

Mỗi người có năng lực riêng. Nếu có phương pháp khai thác đúng thì thì sức bật của cả động đồng dân tộc sẽ lớn hơn là cộng đồng kinh doanh mấy ngàn người.

Xem ra làm doanh nhân chưa phải là lựa chọn cuối cùng của anh…?

(Cười to). Vấn đề không phải kinh doanh có phải là lựa chọn của tôi hay không mà là khi tôi đã bắt tay vào kinh doanh thì việc mình kinh doanh thế nào, với mục tiêu là sẽ tạo động lực gì cho xã hội phát triển chứ không phải mục tiêu chính trị.

Cái đó cũng khác nhau giữa tôi với những người khác. Trong tôi, xu hướng xã hội, xu hướng cộng đồng có lẽ mạnh hơn, chứ không phải vấn đề chính trị. Bạn có thể hỏi nhiều cộng sự của tôi, nếu anh em không lôi tôi lại thì xu hướng đó ngày càng mạnh hơn, sự thúc giục tôi từ bên ngoài sẽ nhiều hơn là đi vào các con số.

Có những cái "neo" khiến dân tộc không bung ra được


Những việc anh đã làm, những điều anh đã nói ra có thể cho thấy anh đang muốn làm một cái gì đó có vẻ to tát hơn là thành công trong kinh doanh?

Muốn làm gì thì tôi nghĩ thế này, đó là làm sao đất nước này hùng mạnh có thể thi thố với thiên hạ được. Phải tìm nguyên nhân từ đâu mà đất nước này có rất nhiều điều kiện để mạnh hơn mà sao mãi vẫn như vậy hoài? Nhiều người đã đưa ra nhiều nguyên nhân, nhưng đâu là bản chất thì còn tản mạn.

Các em anh có tầm tri thức lớn, có thể đưa ra được những quan điểm, những ý kiến… để hiến kế, để thúc đẩy, để làm gì đó. Còn tôi, là người từng khơi ra cuộc vấn lại dân tộc mình nhỏ hay lớn trên báo Thanh Niên, về nâng tầm thương hiệu Việt, xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản... tất cả là để cùng nhiều nhóm tri thức khác nhau trong xã hội thúc đẩy những động lực cần thiết, để làm sao đưa ra những quan điểm có tác động nhiều chiều hơn, sâu hơn đối với nền kinh tế - xã hội của đất nước, kể cả về vấn đề chính sách.

Dành nhiều thời gian cho vấn đề lớn lao đó, giờ anh đã có câu trả lời chưa?

Đương nhiên. Ít nhất tôi cũng thấy được đâu là dân tộc yếu, vì sao yếu, cái gì làm cho nó yếu? Có người đổ thừa cho thể chế. Cái đó không phải. Phải nhìn dài hơn mấy chục năm, đó là hàng ngàn năm của dân tộc.

Theo tôi, đó là văn hóa, nhân sinh quan của người Việt hiện nay có nhiều cái không phù hợp, cần được đánh giá lại. Nó là những cái “neo” chắc chắn kìm dân tộc, không cho mình bung ra được.

Người ta vẫn nói là cần giữ gìn “bản sắc dân tộc”, nhưng là bản sắc nào, cái gì là bản sắc thì phải phân biệt được đâu là bản sắc thực sự của người Việt chứ không phải chỉ là chuyện áo xống, mũ mão từ thời phong kiến. Nhiều khi chúng ta nhầm lẫn, phải làm rõ. Người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ cần xác định được vấn đề nào là cái “neo” cần phải bỏ, cái gì là bản sắc thực sự cần giữ gìn, giá trị nào là của người Việt thực sự cần tôn tạo.

Có vẻ hơi trừu tượng! Anh hãy mô tả rõ hơn một chút để các nhà hoạch định chính sách và những người trẻ dễ hình dung hơn?

Cái này thì đòi hỏi cả công trình nghiên cứu. Còn nói ngắn gọn, quan điểm của tôi thì có nhiều cái “neo” lắm. Đó là sự đố kị, an phận thủ thường, tự hài lòng… đầy rẫy. Ai cũng coi mình là số một của cái làng, của cái huyện, của quốc gia này. Âm nhạc tôi là số một, hội họa tôi là số một, văn chương số một, tôi là nhà kinh doanh số một. Như tôi đây, cũng là số một, nhưng tôi là ai so với thế giới ngoài kia? Anh phải đua với thế giới chứ!

Để khẳng định mình thì phải có những cái ban đầu để đem ra thi thố: Anh có tác phẩm gì không? Thành tựu của anh là gì? Tổng thu nhập của đất nước 85 triệu người một năm không bằng tập đoàn hạng trung của thế giới, trong khi chúng ta có bao nhiêu tài nguyên, đó là điều chúng ta phải nghĩ chứ...

Đành rằng chúng ta đã làm được một số việc, nhưng cái đích của chúng ta còn xa. Dân tộc Việt Nam này phải thi thố với thế giới chứ. Cứ ngồi tự ru ngủ, khác nào một thằng chột giữa đám mù, hoặc giữa làng nghèo khổ anh có cái xe đạp, xe máy, trong khi đó người ta đã đi máy bay, chuyên cơ rồi.

Suy cho cùng phải có khát vọng. Giới trẻ phải có khát vọng lớn, phải thi thố, đua tranh. Đó là cái thiếu nhất, phải cổ động cái này, đưa vào giáo dục. Giáo dục là giáo dục động lực, giáo dục phương pháp.

Người Việt Nam khi đi thi có thua ai, trí tuệ thua ai, tại sao mình không “lớn” được thì có phải mình thiếu khát vọng không? Khi ta thoả mãn, hài lòng thì nên nhìn lại.

Anh nói như Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ trở thành nhà nghiên cứu, nhà khoa học hay chính trị gia... chứ không chỉ là doanh nhân?

(Cười)… Trăn trở của tôi là đất nước này làm sao có vị thế, để hình ảnh của người Việt, giá trị của người Việt được thừa nhận. Tôi muốn là muốn cái đó.

Tôi chứng kiến nhiều người khi nói đến người Nhật, người Hàn Quốc hay người Mỹ thì cứ phải tôn sùng họ. Họ có phải là thần thánh không? Không, họ cũng là người, họ làm được sao mình không làm được. Chúng ta có dám đua tranh, thi thố với họ không?

Tôi cũng là một bi kịch hiện nay. Khi tôi phát động cả một cuộc đua trong Trung Nguyên, tôi nói tôi sẽ cạnh tranh với những người hàng đầu, nhưng xung quanh tôi, những người Việt hiện nay, dù được học hành khắp nơi, xin lỗi, vẫn chưa dám có tư tưởng vậy. Chưa dám thì sao mà biết cách.

Còn tất nhiên, việc đi đến đích thì còn xa lắm, còn nhiều điều kiện xung quanh, nhưng dám rồi mới nghĩ, chứ không thể thua ngay từ trong não: à không được đâu, nó có cái này, nó có cái kia, nó đi trước đủ thứ, mình theo sao được…

Tôi nghĩ đây không phải là nhiệm vụ của riêng ai. Một dân tộc phải được dẫn dắt bởi giới tinh hoa, trong đó vai trò lớn nhất là vai trò của nhà chính trị, sau đó là vai trò của các nhà khoa học, trí thức và giới doanh nhân thực sự. Nếu khát vọng này, cả giới tinh hoa này bắt đầu dẫn đạo thì cả dân tộc sẽ theo.

Không thể nói anh doanh nhân, anh không có trách nhiệm. Bạn sẽ thấy tập đoàn Deawoo, Huyndai… ở Hàn Quốc, họ có vai trò rất lớn. Hay nhìn sang Nhật Bản, tập đoàn Sony, Misubishi…, họ làm mọi thứ đâu phải chỉ là kinh doanh cho riêng họ.

Một doanh nhân đúng, nhà sản xuất đúng cũng thường là một nhà tư tưởng, một nhà hoạch định. Anh không hiểu về người tiêu dùng thì sao hoạch định được. Nếu không có tư tưởng, không có động lực vì quốc gia dân tộc thì sao có động lực để tranh đấu.

Riêng tôi thì không bao giờ hài lòng với chính mình, không bao giờ hài lòng với những gì tôi đã đạt được. Tôi ít khi nhìn lại quá khứ - đương nhiên phải tổng kết, đánh giá - nhưng không phải chỉ để tự thỏa mãn, hài lòng.

"Tôi theo đuổi phát triển bền vững"

Hiện anh quan tâm đến điều gì nhất của tình hình đất nước hiện nay?

Nhìn hết đại cục thì tôi nghĩ rằng các cấp lãnh đạo ở cấp vĩ mô cần có quan điểm, cái nhìn về phát triển một cách rõ ràng. Ở đây là phải có triết lý, chủ thuyết phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Điều kiện hiện nay đã khác đòi hỏi chúng ta phải nhận diện, đánh giá lại toàn bộ, từ nguồn lực đến mô hình, đánh giá được thế giới vận hành thế nào, nhận diện được tất cả những gì chi phối đất nước Việt Nam, cơ hội thế nào và nguy cơ ra sao. Điểm hướng đến là định ra con đường phát triển tốt đẹp nhất cho Việt Nam. Khi xác định được con đường phát triển rồi thì chúng ta hoạch định từng vấn đề một.

Trong suốt quá trình vận động lịch sử, thế giới có sự chi phối bởi hai quyền lực: quyền lực cứng và quyền lực mềm. Quyền lực cứng thì thường là quốc gia này ảnh hướng đến quốc gia khác, trước thì chủ yếu là quân sự, sau đó là áp đặt các vấn đề về kinh tế, một số thì bằng các học thuyết, quan điểm khác nhau trong đủ mọi lĩnh vực sinh học, xã hội, tôn giáo …

Bây giờ mình nhìn cục diện đó, trong bối cảnh quốc tế này thì Việt Nam nắm lấy và xây dựng quyền lực nào. Về quân sự thì chúng ta có thế mạnh ở đâu trên đất liền, trên không, trên biển cả? Chúng ta có nên đi theo con đường đó?

Quyền lực mềm thì bây giờ phải tính toán thế nào. Tôi ủng hộ phát triển theo con đường bằng quyền lược mềm, cần xem lại và đánh giá ở ba trụ cột. Thứ nhất là động lực, nhân lực cho sự phát triển đất nước. Thứ hai là hệ giá trị quốc gia, những giá trị cốt lõi. Thứ ba là các chính sách quốc gia, đối nội cũng như đối ngoại, để làm sao có thể hấp thụ toàn bộ nguồn lực thế giới về cho Việt Nam, để có thể xây dựng, tôn tạo và cùng bảo vệ Việt Nam.

Làm được không? Được. Phải có chủ thuyết chứ, có quan điểm. Trong vấn đề này chúng ta cần hoạch định để rõ ràng hơn. Chúng ta đầu tư vào những vấn đề nào, có trọng tâm, chứ không phải nay chúng ta làm cái này, mai chúng ta làm cái khác.

Xem ra quan điểm, triết lý của anh hơi khác so với một số mục tiêu mà chúng ta đặt ra hiện nay. Đang có những đại dự án được Chính phủ đặt vào khu vực này. Theo anh, hiệu quả kinh tế của việc khai thác và xuất khẩu tài nguyên như thế có thể so với hiệu quả kinh tế từ khai thác và xuất khẩu cà phê như anh làm?

Vấn đề không phải nhìn cà phê hay nhìn tài nguyên thiên nhiên mà là nhìn vấn đề rộng hơn theo toàn cục. Phải có một mô hình phát triển bền vững cho vùng này, để có một mô hình phát triển có lợi ích cho toàn đất nước chứ không hẳn chỉ riêng một khu vực nào. Cái đó rất quan trọng.

Trong tiến trình phát triển chúng ta phải có tăng trưởng kinh tế. Nhưng về mặt xã hội phải thế nào, môi trường. làm sao cho tốt... phải cân đối được. Nói chung là cần quan tâm đến mọi khía cạnh của sự phát triển, chứ không chỉ nhìn ở một vài chỉ số nào đó. Đó là mấu chốt hóa giải cho tất cả.

Hiện nay tài nguyên trí tuệ của ta vẫn còn bị bỏ trống, nếu ta biết quy hoạch đúng thì đây là tài nguyên lớn nhất của Việt Nam, ở trong cũng như ngoài nước, và đó là điều mà chúng ta cần phải xoáy vào.

Tại sao cà phê của chúng ta cho nguồn thu 1,8 tỷ USD mà không phải 18 tỷ, trong khi Nestle không trồng hạt cà phê nào thì thu về 12 tỷ? Còn dầu mỏ bán mỗi năm hơn hơn đó chút thôi? Còn nhiều cái " mỏ" khác, nếu chúng ta biết đến, đủ vốn tri thức để khai thác thì chúng ta dư sức thực hiện được nhiều mục tiêu trong bối cảnh này.
 
Người tiên phong thường bị nghi ngờ​

- Gần đây dự án xây dựng “Thủ phủ cà phê toàn cầu” của Trung Nguyên tại Buôn Mê Thuột có nhiều ý kiến tán dương đây là một ý tưởng đột phá giúp phát triển thương hiệu quốc gia, đưa ngành cà phê lên một tầm cao mới, nhưng cũng có khá nhiều ý kiến còn băn khoăn, thậm chí nghi ngờ.

216996.jpg

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ​

Dự án này do Trung Nguyên khởi xướng và xây dựng trong mấy năm qua, đến nay đã thành hình, được đem ra bàn bạc trong một số hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn hoá.

Tại những cuộc trao đổi này, Chúng tôi đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Tổng GĐ Công ty Cổ phần Trung Nguyên về dự án này.

Thưa ông, ông có thể nói vắn tắt quá trình phát sinh, xây dựng ý tưởng của ông và cộng sự như thế nào?

Có điều buồn là hiện nay, trong cuộc sống thường ngày, nhiều khi làm điều tốt không dễ. Rất buồn! Người tiên phong thường bị nghi ngờ. Tôi xin chia sẻ ý kiến của bà Nguyễn Thị Bình - Nguyên Phó chủ tịch nước, người đã tâm huyết đồng hành cùng dự án trong suốt thời gian qua: “Nếu không có nhiều người gan dạ, dám chấp nhận sự hy sinh gian khổ trong chiến đấu trước kia thì làm sao chúng ta có được Việt Nam như ngày nay? Nếu chúng ta không có người táo bạo, dám đi về phía trước ngày hôm nay thì làm sao chúng ta dám mơ “sánh vai cùng các nước” trong tương lai? - Ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Xuất phát ban đầu là lòng yêu và đam mê cà phê. Khi tham gia vào ngành công nghiệp cà phê, tôi rất bức xúc trước nghịch lý Việt Nam có đầy đủ lợi thế về tiềm năng và chất lượng cà phê nhưng chúng ta luôn ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, chỉ dừng lại ở trồng trọt và xuất khẩu cà phê thô.

Vì vậy, cần thiết một mô hình phát triển bền vững cho ngành cà phê VN có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, gia tăng giá trị thương hiệu cà phê VN. Thông qua đó, hình thành một mô hình phát triển bền vững cho đất nước, tận dụng được xu thế phát triển của thế giới.

Ý tưởng cốt lõi của Thủ phủ Cà phê Toàn cầu là xây dựng tổng hòa các hệ sinh thái bền vững với nền móng phát huy các thế mạnh về sinh học, thổ nhưỡng, cây, người, văn hóa, nghệ thuật, lịch sử... của vùng Tây Nguyên.

Hiện đề án đã thành hình, rất công phu, đề cập đến rất nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, môi trường, công nghiệp chế biến, du lịch, văn hoá... Các ông có tham khảo ý kiến của các bộ ngành liên quan? Cảm quan chung là ý tưởng đột phá này không “bình thường” lắm theo cách tư duy bấy lâu nay của giới quản lý, ông có khó khăn gì không?

Phải tham khảo ý kiến chứ! Qua quá trình hơn ba năm từ khi ý tưởng phôi thai, chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thảo, mời rất nhiều các nhà khoa học, các chuyên gia, các cán bộ,… thuộc nhiều lĩnh vực liên quan, trong và ngoài nước, tham gia góp ý và xây dựng cho dự án. Tất cả những đầu mục công việc đều đã được tính toán một cách cẩn thận và cặn kẽ.

Tuy nhiên, khi xây dựng một đề án tập trung vào vấn đề phát triển bền vững như dự án “Thủ phủ cà phê toàn cầu”, thì gặp phải những khó khăn là lẽ tất nhiên. Khó khăn nhất, có lẽ, vì theo tư duy thông thường, người ta chỉ thấy những gì đang có trước mắt, ở thực tại, mà không nhìn thấy được những nguồn lực vô hình. Tôi lấy ví dụ như Singapore.

Nếu chỉ theo tư duy thông thường, có lẽ, ông Lý Quang Diệu cũng sẽ chỉ nghĩ tới việc xây dựng làng chài bé nhỏ ấy lên theo từng bậc “xã chài”, “huyện chài”, “tỉnh chài”,… mà thôi. Nhưng trên thực tế, tư duy vượt tầm của ông Lý Quang Diệu đã giúp đảo quốc bé nhỏ ấy trở thành một quốc gia hùng mạnh, vì ông ấy đã nhìn ra được những nguồn lực vô hình có khả năng tập kết và cùng tập trung cho chiến lược xây dựng quốc gia đó.

Trong cuộc hội thảo gần đây nhất tại Hà Nội, GS Tôn Thất Nguyễn Thiêm có nói đại ý, đây là một dự án không nên quá quan tâm đến vấn đề tính khả thi, mà nên quan tâm đến việc thực thi, bởi đây là một đề án đột phá, rất nên làm thay cho suy tính cân đong... Tuy nhiên, dư luận vẫn rất quan tâm, nếu làm thì tính khả thi ra sao, vì ở ta đã có quá nhiều những dự án to lớn, nhưng rồi chẳng đâu vào đâu cả, vì không tính toán kỹ? Ông có thể nói về vấn đề này?

Như tôi vừa nói, không chỉ có các chuyên gia Việt Nam am hiểu môi trường, bối cảnh của nước ta, chúng tôi còn mời nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực như xây dựng thương hiệu quốc gia, chiến lược phát triển, quy hoạch và kiến trúc, du lịch sinh thái,… tới chia sẻ, xem xét, đánh giá và góp ý kiến cho dự án này.

Không chỉ riêng GS Thiêm, trong nhiều lần hội thảo, nhiều người cũng đã phát biểu rằng, đừng nói chuyện nó khả thi hay không nữa. Vấn đề bây giờ là thực thi. Hãy để cho dự án này được thực thi và kiểm nghiệm kết quả của nó.

Đây là một dự án nhằm nâng cao thương hiệu quốc gia, nhưng ở đây lại có một vòng luẩn quẩn: Thương hiệu quốc gia VN hiện quá thấp, điều này rất liên quan đến việc kêu gọi đầu tư hoặc gọi vốn ODA, ông nghĩ sao?

Chúng ta đang thiếu một tầm nhìn, một định vị cụ thể cũng như chiến lược tổng thể nhất quán trong việc nâng cao thương hiệu quốc gia.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khi các nền kinh tế bị phụ thuộc quá mức vào các nguồn tài nguyên cũ, ý tưởng này sẽ là một đột phá mang dấu ấn Việt Nam, là điểm nhấn để nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam khi chúng ta chủ trương đưa ra một phương cách tư duy lại hướng phát triển.

Điều chúng tôi cần nhất hiện giờ là sự thấu hiểu của các cơ quan có liên quan, để họ hiểu rằng đây là một dự án mang tầm quốc gia, đòi hỏi trách nhiệm và sự tham gia nỗ lực, tích cực của nhiều thành phần.

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thì đây là một ý tưởng hay, giàu tính lãng mạn. Ông cũng băn khoăn về việc Thủ phủ cà phê sẽ được nhấn mạnh vào vấn đề nào. Ông thì nghĩ sao?

Điểm quan trọng nhất của Dự án xây dựng Thủ phủ cà phê toàn cầu chính là việc tạo ra một mô hình mẫu về phát triển bền vững. Một mô hình phát triển để đạt tới năng lực bền vững sẽ phải do chính cộng đồng bản địa chủ động đề xuất và phát triển. Đến nay, dự án đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc từ nhiều nhà khoa học, kinh tế, văn hóa,….đặc biệt được lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk coi là một dự án trọng điểm trong chương trình phát triển cà phê bền vững của tỉnh, cũng như sự khích lệ, quan tâm của một số lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Đây là minh chứng cho sự đồng thuận tư tưởng về ý tưởng của dự án cũng như cơ sở để tin tưởng hiện thực hóa dự án.

Lại còn có cả những ý kiến về vấn đề an ninh chính trị trên vùng đất nhạy cảm này? Liệu đó có phải là vấn đề lớn, nếu có thì ông giải quyết ra sao?

Ở đây, chúng ta nên thống nhất một quan điểm then chốt: Chỉ có phát triển bền vững mới đảm bảo được vấn đề an ninh. Thủ phủ cà phê toàn cầu giải quyết được vấn đề đó. Với mô hình phát triển cộng đồng, trong đó các dân tộc sẽ chia sẻ những tiện ích xã hội chung, trong khi vẫn giữ riêng các truyền thống và phong tục tập quán.

Thủ phủ cà phê toàn cầu sẽ giải quyết được vấn đề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đảm bảo cuộc sống cho trẻ em, người nhiều tuổi và các nhóm khác, đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ,... Nói ngắn gọn, tôi tin tưởng, khi đã tạo ra được một cộng đồng hài hòa lợi ích, được thỏa mãn về đời sống tinh thần, chuyên chú phát triển kinh tế theo hướng bền vững, thì vấn đề an ninh không còn là một mối lo ngại nữa.

Có người cho rằng, đưa ra đề án này, nếu không thực hiện được thì ông và Trung Nguyên cũng vẫn có lợi, vì thương hiệu được phát triển, có phải vậy không, thưa ông?

Trong những buổi nói chuyện với anh em ở công ty, tôi vẫn thường nói rằng, Trung Nguyên còn nợ người dân Việt Nam bởi sự yêu quý họ dành cho cà phê của chúng tôi trong suốt mười mấy năm qua. Chúng tôi đã khẳng định được dấu ấn thương hiệu, và để phát triển thương hiệu Trung Nguyên, có lẽ chúng tôi còn có nhiều cách khác, không đòi hỏi nhiều đến thế sự hao tổn về tâm não, công sức, nỗ lực và cả những rủi ro.

Từ năm 2003, sau khi thực hiện thành công chương trình “Vì thương hiệu Việt”, Trung Nguyên tiếp tục đưa ra chương trình “Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam”, chương trình tự vấn “Nước Việt nhỏ hay không nhỏ?”,… Tất cả những việc làm như vậy đâu phải vì mục đích vụ lợi của một cá nhân hay một doanh nghiệp. Thụ hưởng nó là cả một quốc gia, một xã hội.
 
Thủ phủ cà phê là ý tưởng và táo bạo​


- Giáo sư Tom Canon đánh giá cao những triết lý nhân bản mang tính chiều sâu của Trung Nguyên về văn hóa cà phê, lấy sản phẩm văn hóa để đưa hình ảnh quốc gia ra thế giới.

Trong buổi hội đàm với Chủ tịch HĐQT cà phê Trung Nguyên sáng 3/8, giáo sư Tom Canon đặc biệt nhấn mạnh đến tinh thần doanh nhân và chú trọng đến lớp trẻ. Ông xem đây là hai trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để đưa sản phẩm, thương hiệu và hình ảnh của VN ra thế giới.

Trả lời đề nghị của Chủ tịch HĐQT Đặng Lê Nguyên Vũ về việc mời vào làm cố vấn chiến lược cho cà phê Trung Nguyên, giáo sư Tom Canon nói: “Chính doanh nhân mới tạo ra điều kỳ diệu chứ không phải nhà tư vấn”.

Còn thiếu tinh thần dám đua tranh, chinh phục

Theo giáo sư Tom Canon, cà phê VN xếp nhất nhì thế giới, nhưng thế giới biết đến cà phê VN còn quá ít. Giáo sư trường Đại học Liverpool và Chủ tịch HĐQT Trung Nguyên đều có chung một nhận xét: thực hiện sứ mệnh quan trọng này thuộc về doanh nhân và lực lượng trẻ.

images1840612_caphe.jpg

Giáo sư Tom Canon lấy làm thích thú với quà tặng là sản phẩm cà phê chồn của Trung Nguyên. Ảnh: Kim Phú


Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, một trong những điểm yếu của người VN là thiếu tự tin, chưa dám có tư tưởng đua tranh. Ông cho rằng tinh thần doanh nhân phải được khơi dậy từ chính trong cộng đồng, và cần phải đưa vào trong giáo dục, để truyền bá, khơi gợi cho lớp trẻ một tinh thần chinh phục. “VN tiềm năng không thiếu, con người không thiếu, chỉ còn thiếu một tinh thần dám đua tranh và chinh phục. Mà đó là yếu tố thức đẩy phát triển”.

Chính vì vậy, theo giáo sư Tom Canon, cà phê Trung Nguyên không còn là câu chuyện của chỉ của riêng Trung Nguyên, mà đó là khát vọng toàn cầu của doanh nhân nước Việt, và cũng là câu chuyện của VN khi bước ra hội nhập. Giáo sư đánh giá cao những triết lý nhân bản mang tính chiều sâu của Trung Nguyên về văn hóa cà phê, lấy sản phẩm văn hóa để đưa hình ảnh quốc gia ra thế giới.

“Tinh thần doanh nhân là cực kỳ quan trọng. Phải có tham vọng, có ý tưởng, khát khao chiến thắng, có kỳ vọng, và phải là tấm gương thúc đẩy các thế hệ tiếp theo”. Ông đánh giá cao ý chí doanh nhân như Trung Nguyên: “Cần phải có những câu chuyện như Trung Nguyên để đưa vào giáo dục, để tạo ra niềm tin và sự khác biệt”.

Trước lời mời của ông Đặng Lê nguyên Vũ mời làm cố vấn cho Trung Nguyên, giáo sư Tom Canon nói rằng, ông đánh giá cao vai trò của doanh nhân hơn cố vấn.

Văn hóa cà phê và thủ phủ cà phê

Một doanh nhân và một giáo sư có cùng điểm cho rằng loại thức uống hàng trăm năm nay cũng chính là cảm hứng sáng tạo và nó khơi nguồn cho những sự thành công. Giáo sư Tom Canon đặc biệt tâm đắc với câu sologan “Khơi nguồn sáng tạo” của Trung Nguyên.

Theo quan sát của giáo sư Tom Canon, những người thành đạt thường dùng cà phê, hoặc chuyển từ trà sang cà phê. “Ở các trường đại học, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp, và kể cả công ty truyền thông…, người ta đều dùng cà phê, vì nó giúp người ta phát minh ra những ý tưởng. Nó còn giúp người ta trẻ ra”.

Giáo sư đồng tình và chia sẻ với ý tưởng “Thủ phủ cà phê” của ông Đặng Lê Nguyên Vũ khi xây dựng Buôn Mê Thuột thành trung tâm của đất nước cà phê đứng thứ hai trên thế giới: “Trong các con đường để đưa cà phê VN ra thế gới, thì “Thủ phủ cà phê” là một ý tưởng sáng tạo. Đó là một mô hình vừa phát triển bền vững cho cà phê Việt Nam, vừa nâng cao giá trị và thương hiệu cà phê VN, và là hình ảnh đại diện để đưa hình hình ảnh VN ra với cộng đồng thế giới”.

images1840611_caphe2.jpg

Thủ phủ cà phê. (Ảnh từ websits của Công ty cà phê Trung Nguyên)​


“VN có tiềm năng và thế mạnh về nông sản, tại sao không biến một thương hiệu nông sản thành một thương hiệu quốc gia khi hội nhập vào thế giới?”

Theo Chủ tịch cà phê Trung Nguyên, ý nghĩ để đưa đến ý tưởng Thủ phủ cà phê, là làm sao để nâng cao hình ảnh và thương hiệu cà phê VN đối với người tiêu dùng trên toàn thế giới, khi VN là một trong những nước đứng đầu về xuất khẩu nhưng giá trị đem lại không lớn. Cà phê đến nay không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp thuần túy, mà là một nền kinh tế lớn với 2 tỷ người sử dụng, tổng giao dịch toàn cầu trên dưới 100 tỷ USD. Vì vậy, với năng lực đứng thứ hai thế giới, VN phải đưa được hình ảnh và giá trị cà phê ra cộng đồng toàn cầu, cùng với đó là hình ảnh của quốc gia trong thế giới hội nhập.

Con đường phía trước

Theo giáo sư Tom Canon, cà phê VN có đủ những yếu tố để trở thành thương hiệu nổi tiếng không thua Strabuck, NetsCafé, Caphuchino, Gloria Jean…, nếu doanh nhân VN biết cách và có quyết tâm đưa thương hiệu VN lên sánh ngang tầm. “Không chỉ đứng cạnh Strabuck, Capuchino…, mà cà phê VN còn phải được các nhà phân phối lớn nhất thế giới đặt vào giá hàng của họ”.

Theo giáo sư Tom, theo lý thuyết chiến lược cạnh tranh “Đại dương xanh” và “Đại dương đỏ”, thì cà phê VN và Trung Nguyên có cơ hội để phát triển thương hiệu, dĩ nhiên phải luôn luôn có con đường đi riêng, tạo ra tính độc đáo, khác biệt. Ông cho rằng ý tưởng “Thủ phủ cà phê” chính là nét khác biệt độc đáo của Trung Nguyên.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Trung Nguyên cũng bày tỏ với giáo sư trường Liverpool nhiều trăn trở, ưu tư. Ngành cà phê VN hiện nay có những bước phát triển, song vẫn còn chứa đựng nhiều yếu tố kém bền vững. Hiện VN chỉ xuất khẩu cà phê nhân, cà phê chế biến và thương hiệu còn rất thấp. Bản thân giá trị của cà phê nhân xuất khẩu cũng còn rất thấp, càng xuất khẩu càng thiệt do không chú trọng đến tính lâu dài.

Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, hiện tại để đạt được những mục tiêu mong muốn, cà phê VN và Trung Nguyên còn một đoạn rất dài để cải tổ lại nhiều thứ. “Gần như mọi thứ đều phải đảo lộn lại toàn bộ, từ việc trồng, thu hái, xử lý thô, đến chế biến, đều phải tuân theo những quy trình nghiêm ngặt, thì mới mong tạo ra được loại cà phê chất lượng số một”, theo Chủ tịch cà phê Trung Nguyên.

Ông Vũ cũng cho rằng, nỗ lực và ý chí của doanh nhân là quan trọng hàng đầu như lời giáo sư Tom Canon, song còn một yếu tố khác rất quan trọng, đó là sự tiếp tay của Chính phủ. Với những chủ trương và có chiến lược của Chính phủ, cà phê Việt Nam đưa ra thế giới mới là hình ảnh hoàn hảo.
 
Sáng tạo = dám đổi mới + dám cạnh tranh + …​

- Doanh nghiệp VN thường kém tự tin, hay bàn lùi, và chưa thực sự tin vào tầm quan trọng của marketing và sáng tạo. Nhà hoạch định chiến lược hàng đầu thế giới, GS Tom Cannon, đưa ra những nhận xét “chí tử” đó về các nhược điểm lớn nhất - những lực cản đối với sáng tạo - của doanh nhân Việt.

Tại buổi bàn tròn trực tuyến “Tương lai Việt Nam – con đường của sự sáng tạo”, hai vị khách mời là GS Tom Cannon và doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã đưa ra nhiều quan điểm thẳng thắn về sức sáng tạo của dân tộc Việt Nam nói chung và doanh nhân Việt Nam nói riêng.

Sáng tạo là phải ra khỏi quá khứ

Trong hai tiếng bàn tròn vào chiều 5/8, vị giáo sư người Anh đã có vài lần làm người nghe phải giật mình, chẳng hạn khi ông nhận xét: “Sẽ rất nguy hiểm cho một quốc gia nếu họ có quá khứ anh hùng”.

Ông lấy chính nước Anh làm ví dụ: “Anh quốc chiến thắng phát xít Đức trong Thế chiến II một cách kiên cường. Nhưng đã 70 năm qua rồi mà Anh vẫn sống với quá khứ anh hùng đó, vẫn làm phim, vẫn nói về nó”.

Trong khi đó thì đồng minh lớn của Anh là Mỹ lại thể hiện một quan niệm khác hẳn, khi ngay từ hồi tranh cử, Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi nước Mỹ tư duy lại tương lai. Nghĩa là họ sẽ phải xác định rõ họ muốn trở thành ai trong tương lai – nhà băng hay nhà phát minh?

Trong quá khứ, Mỹ đã là một quốc gia tập trung được rất nhiều sáng tạo vào các ngành ngân hàng và tài chính. Nhưng ngày nay, để phát triển, người Mỹ phải sáng tạo hơn nữa, phải phân bổ sáng tạo vào những ngành khác, những lĩnh vực có khả năng tạo sự thịnh vượng thật sự cho quốc gia, dân tộc.

Mỹ sẽ phải lựa chọn: là một quốc gia tiếp tục chuyên sâu vào cung cấp các dịch vụ tài chính – ngân hàng và mang lại lợi nhuận cho quốc gia khác, hay sẽ là những nhà phát minh để sáng tạo ra các giá trị thực sự?

Nước Mỹ sẽ lựa chọn, nhưng điều quan trọng là họ đang đặt ra vấn đề tư duy lại về bản thân trong tương lai. Họ đang hướng về tương lai thay vì sống với quá khứ. Đó là một yêu cầu của sự sáng tạo.

Cùng chia sẻ quan điểm của GS Tom Cannon, ông Đặng Lê Nguyên Vũ – TGĐ kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Trung Nguyên – nói về tầm quan trọng của việc ra khỏi quá khứ, nhìn về tương lai, để có thể sáng tạo: “Châu Âu có đủ những điều kiện tuyệt vời để cất cánh. Nhưng họ ngủ quên. Văn hóa châu Âu là nền văn hóa hướng về quá khứ thay vì tương lai. Bên cạnh đó, châu Âu sung túc, nên họ đang tự hài lòng. Và vì vậy, họ sẽ tụt lại (so với Mỹ)”.

Con đường sáng tạo nào cho Việt Nam?


Ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhắc tới việc Việt Nam có tới 3.000 km bờ biển, tiếc rằng chúng ta đã luôn “quay lưng ra biển”, trong khi trên thế giới có những quốc gia nhỏ bé như Hà Lan, Thụy Sĩ lại luôn biết tận dụng tiềm năng của biển. “Nếu ông cha ta 300 năm trước hướng ra biển thì bây giờ Việt Nam hẳn đã khác. Nhưng bao nhiêu thế hệ người Việt đã không làm được như thế. Chúng ta có một nền văn hóa âm tính”.

Để sáng tạo, theo ông Vũ, cần một cuộc cách mạng về nhân sinh quan, tâm lý người Việt. Phải đánh giá lại và loại bỏ những cái “neo” níu giữ khiến chúng ta không bung ra được. Đồng thời, bồi đắp những gì thuộc về bản sắc, hệ giá trị cốt lõi của dân tộc. “Phải lên một danh sách tất cả những thứ đó. Hiện giờ chúng ta đang quay cuồng, chẳng còn biết cái gì là bản sắc nữa. Người Việt phải có nét riêng”.

Từ địa vị một nhà hoạch định chiến lược kinh doanh quốc gia, GS Tom Cannon cho rằng cách để sáng tạo là: Thứ nhất, không ngừng cải tiến, đổi mới sản phẩm cũ; thứ hai, suy nghĩ về tương lai – trong tương lai, thị trường sẽ có nhu cầu gì mới, sẽ có sản phẩm hay công nghệ gì mới?

Chẳng hạn, tại sao người Việt không nghĩ tới việc đổi mới một sản phẩm cũ là gạo? Ông Tom Cannon cho biết, ở Mỹ ngày nay, nhiều người không thích dùng sản phẩm gạo vì sợ béo. Cho nên, loại gạo không gây mập chắc chắn là tạo ra nhu cầu lớn.

Với đà phát triển của công nghệ hiện nay, trong tương lai, sẽ xuất hiện những sản phẩm thống lĩnh thị trường mà hiện nay hoàn toàn chưa tồn tại. Cũng như cách đây 30 năm, liệu có ai nghĩ rằng chiếc điện thoại chúng ta dùng sẽ có những chức năng như bây giờ: cho phép người dùng nghe nhạc, lướt mạng, chụp hình, quay phim…

“Biết đâu sẽ có lúc Việt Nam nổi bật lên vì một công nghệ mới nào đó mà các bạn sáng tạo ra?” – ông Tom Cannon nói. “Giới trẻ Việt Nam thông minh như giới trẻ ở bất kỳ đâu trên thế giới. Vậy các bạn có muốn Nhật Bản và Mỹ tiếp tục là những nhà phát minh còn các bạn thì sản xuất không?”.

Sao dũng cảm trong thời chiến mà lại nhát sợ trong thời bình?


Nhà báo Nguyễn Quang Thiều nêu vấn đề: Tại sao một dân tộc Việt Nam can đảm, không lùi bước trước bom đạn và chết chóc trong chiến tranh, lại run sợ trước những “đội quân kinh tế” thời bình?

Trả lời câu hỏi này, GS Tom Cannon kể một câu chuyện: Các nhà khoa học từng làm thí nghiệm với những con ếch. Họ thả ếch vào một nồi nước đang sôi, ngay lập tức lũ ếch đều nhảy vọt ra khỏi nồi. Nhưng khi họ cho ếch vào nồi nước lạnh, sau đó tăng nhiệt độ dần dần, thì ếch bơi lội tung tăng, thoải mái. Cho đến khi nhiệt độ cao quá thì cả lũ ếch đều chết sạch.

Ông Tom Cannon hài hước nhận xét rằng Việt Nam thời chiến cũng giống như trường hợp ếch bị thả vào nồi nước đang sôi. Còn thời bình, cuộc chiến kinh tế diễn ra rất từ từ, mềm mại, nên Việt Nam cần hết sức cẩn thận để tránh rơi vào trường hợp thứ hai.

Còn ông Đặng Lê Nguyên Vũ thì giải thích rằng chúng ta có truyền thống đánh giặc chứ chưa có truyền thống thương mại. Thực tế, mậu dịch hàng hóa với thế giới mới chỉ được tiến hành khoảng 20 năm nay. Do đó, tâm lý thiếu tự tin là điều dễ hiểu.

Theo ông Vũ, “trong chiến tranh, ta thắng vì ta xác định đây là cuộc chiến sống còn. Ta không sợ vì nếu sợ, ai còn dám đánh giặc nữa”. Vậy, thời nay, muốn chiến thắng trong cạnh tranh, người Việt cũng phải xác định cho mình tư tưởng dám cạnh tranh, sẵn sàng cạnh tranh trong một cuộc chiến hết sức tinh vi.

“Nói về người Mỹ, Singapore, Trung Quốc… thì chúng ta hầu như luôn ngưỡng mộ. Sao chúng ta không tự hỏi: Họ có phải thần thánh không? Không. Thế ta có phải là con người không? Có. Vậy tại sao họ làm được còn ta thì không? Không dám có tư tưởng đua tranh thì làm sao mà dám nghĩ ra cái gì nữa” – ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhấn mạnh.

Nói về cuộc cạnh tranh của chính Trung Nguyên với các thương hiệu café lớn trên thế giới như Starbucks, Nescafé v.v., vị TGĐ kiêm Chủ tịch HĐQT của Trung Nguyên nói: “Tôi biết họ có lực. Tôi biết họ là những người khổng lồ. Tôi thua họ về quy mô, về mạng lưới phân phối, về xuất phát điểm là thương hiệu quốc gia… Nhưng tôi không sợ… Chúng tôi đặt mục tiêu chinh phục thế giới bằng sản phẩm café”.

GS Tom Cannon cũng bày tỏ sự cổ vũ đối với Trung Nguyên, khi nói rằng Starbucks mất 20 năm để trở thành một thương hiệu toàn cầu, tại sao Trung Nguyên lại không thể? Ông mỉm cười nói thêm: “Hãy đừng phát triển cà phê chỉ vì nông dân, mà hãy nhìn vào thị trường. Và tôi cũng muốn nói luôn là có những việc nếu quý vị muốn làm mà không thực hiện, thì Starbucks sẽ làm”.

Bàn tròn kết thúc với việc GS Tom Cannon chỉ ra những điểm yếu lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong ước các doanh nghiệp cũng chúng ta sẽ khắc phục được những nhược điểm đó, nâng tầm sáng tạo để phát triển.
 
Top